April 26, 2014

Hãy là cô gái được kiếm tìm

Lang thang đọc FB thấy đoạn văn "Cha dạy con trai", cóp về share cho hai bạn nhỏ: "Hình thức vốn cha mẹ sinh ra đã có, không tự làm ra được, dù có kiến thức để biết làm mình xinh xắn thêm cũng chỉ ít nhiều.
Ngược lại, 'Hiểu chuyện, biết điều, biết chia sẻ' phần nhiều nhờ biết 'care and share' trong cuộc sống và đọc/ đọc/ tích lũy trau dồi kiến thức, mà thành.
Đó lại là cái đẹp bền nhiều người muốn gặp.

Hãy tìm những chàng trai như thế này, để hạnh phúc, các cô bé của mẹ. Mà, cha các bạn í đã dặn các bạn í thế này thì chúng mình cũng cần đọc nhiều hiểu nhiều nhạy cảm tinh tế để chắc chắn chúng mình là người các chàng í đang kiếm tìm, nhỉ".

Cha dặn con trai...
"Con gái xinh thì không thiếu, nhưng con gái thông minh tuyệt đối rất khó tìm. Nếu muốn tập trung làm người thành đạt, hãy kiếm một cô gái thực sự hiểu chuyện, biết điều. Áp lực ngoài đường đã đủ rồi, con thực sự cần một người có thể sẻ chia.

Nếu giữa hai người có xảy ra cãi vã, dù là lỗi của ai, con cũng hãy học cách cúi mình và thứ tha. Cha bảo rồi, đừng so đo với cô gái của cuộc đời con. Làm đàn ông, đến bao dung còn không làm được, thì tư cách gì để vùng vẫy biển khơi?
Và cuối cùng, có thể một ngày cô ấy sẽ từ chối ở cạnh con. Nếu thực sự yêu, con đừng buông lời tàn nhẫn. Hãy giữ cô ấy lại vì cô ấy đáng được yêu..."
(lấy từ tường facebook của bạn Chau Quynh Nguyen)

April 25, 2014

Vơ vẩn

Thiện cảm với bà đến một cách tự nhiên và lạ, thời con gái khi chân ướt chân ráo đi làm chưa từng biết/nghe KL đã ít nhất hai anh đồng nghiệp nói em có những góc nhìn rất giống KL.
Thế thôi, chưa từng gặp mà vì tò mò được gợi nên những bài viết về bà, những bài hát bà thể hiện... đều đọc và nghe.
Là duyên chăng.
Nghe đâu sắp tới bà có một đêm ca tại Hà Nội.

...Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì...

(mình, 04.02.2014)

April 23, 2014

"CHÁU ƠI, MÌNH NGÃ ĐÂU THÌ ĐỨNG DẬY Ở ĐÓ"

CHÁU ƠI, MÌNH NGÃ ĐÂU THÌ ĐỨNG DẬY Ở ĐÓ
(Nguyễn Thế Thịnh)
Bác đã định không nhắc lại chuyện này vì thấy như thế sẽ làm cháu ám ảnh. Nhưng không viết thì nó lại làm bác ám ảnh.
Vậy nên, cháu hãy cùng bác đối diện với sự thật. Đừng sợ. Vì bác từng là thằng ăn cắp, rất nhiều lần, hồi bằng tuổi cháu.
Đó là thời đi chăn trâu, tụi bác, trong đó có nhiều người nay đã là giáo sư, tiến sĩ, nhiều người thành cán bộ cấp cao... thường rất nghịch ngợm, hầu như ngày nào cũng chui vào vườn người khác hái ổi, bẻ mía... Tụi bác tệ hơn, là vì miếng ăn, cháu chỉ vì muốn đọc... Hai điều này dù hành vi khá giống nhau nhưng bản chất khác nhau nhiều.

Cháu hãy nghe bác kể hai câu chuyện sau đây:
Bác Lê Văn Nghĩa, nhà văn, nhà báo nổi tiếng, trong cuốn sách Mùa hè năm Petrus kể: Ông Trương chủ nhà sách số 62 Bonard (sau đó là Lê Lợi), nhân viên của ông đã bắt nhiều người ăn trộm sách. Nhiều nhất là bọn du thủ du thực sống chung quanh vỉa hè Lê Lợi, khu Cầu Muối, vào ăn cắp sách để bán lại cho những hàng bán sách “xôn” ngoài vỉa hè. Với bọn này, ông Trương thẳng tay giao cho cảnh sát vì bọn họ chỉ cần tiền chứ không cần sách. Còn những người là học sinh, sinh viên, thậm chí những trí thức vì một lý do gì đó ăn cắp sách, ông chỉ cho viết một bản cam kết “không ăn cắp sách” để ngăn ngừa họ tái phạm lần thứ hai rồi cho về, bởi họ là những người ăn cắp sách vì cần chữ.
Hôm đó ông phát hiện thằng Mai lấy một quyển. Ông kêu nó vào, bắt viết bản cam kết. Thằng Mai viết xong thì nói: “Dạ, thưa ông, con lỡ dại một lần ông tha cho. Xin đừng báo về trường con...”.
“Lần này tôi tha cho cậu, không báo về trường, lần sau...”.
“Dạ, con xin thề, không có lần sau. Nếu vào nhà sách này con sẽ mua...”, nó láu táu nói vì mừng. “Dạ thưa ông, con đi về”.
Khi nó vừa bước ra cửa, ông Trương gọi nó lại. Nó giật nảy mình. Ông chủ nhà sách đổi ý rồi chăng?
“Dạ, ông kêu con?”.
Ông Trương cầm quyển sách hướng dẫn làm nghệ sĩ đưa cho nó: “Nè, tôi cho cậu quyển sách. Khi nào trở thành tài tử nổi danh nhớ diễn cho tôi xem...”.
*
Bác Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ TT- TT nhớ câu chuyện của hơn 50 năm trước. Ông có thằng bạn lúc đó khoảng 10 tuổi vào vườn nhà hàng xóm hái trộm khế. Ông chủ nhà biết nhưng nếu làm nó sợ nó có thể rơi ngã chết nên ông nhẹ nhàng bảo nó hái giùm ông một quả rồi xuống. Nó mừng quá tìm hái quả to và tụt xuống đưa ông. Đến nơi ông nói với nó là từ nay nếu thích khế thì gặp ông để xin vì không người ta tưởng trộm họ đuổi, dễ rơi ngã chết đấy... Thằng cu thoát nạn mừng nhưng cũng xấu hổ lắm nên từ đó ai rủ nó đi hái trộm khế, ổi... nó đều từ chối.
*
Nhân viên siêu thị Vĩ Yên đã không đối xử với cháu như ông Trương chủ tiệm sách, ông chủ cây khế quê bác Doãn, họ thật đáng trách, nhưng cháu hãy hành xử như thằng Mai hay người bạn trộm khế mà bác Doãn kể. Bác và tụi bạn của bác cũng đã làm như vậy khi vượt qua cái tuổi ham muốn nông nỗi và nghịch ngợm của trẻ con.
Ngã đâu thì đứng dậy ở đó. Cháu đừng sợ xấu hổ với bạn bè. Có ai đó vô tình hay cố ý nhắc lại điều đó, cháu hãy công nhận sự thực, thưa lại thế này: "Đúng là tớ đã định lấy hai quyển sách đó thật, chỉ vì thèm đọc quá, nhưng tớ biết sai rồi, tớ rất hối hận, xin mọi người bỏ qua cho!". Bác cũng rất muốn cháu đủ can đảm để trình bày với thầy cô cho cháu được nói điều này trong buổi chào cờ, trước mọi người.
Bác tin, khi cháu nói thế rồi thì họ sẽ không nói lại lần sau. Cháu hãy chứng minh bản lĩnh của mình có được từ đọc sách, đừng nghĩ điều gì dại dột.
Bác nghe nói, sau sự việc đó, cháu nhìn thấy sách là hét lên, bảo mẹ đốt đi. Đừng.
Vào một thời điểm thích hợp, bác sẽ gửi cho cháu nhiều sách, trong đó có trọn bộ truyện Trạng Quỳnh. Nhiều người bảo thế là phản cảm nhưng bác nghĩ khác, cháu đừng để nó ám ảnh. Sách không có lỗi. Khi cháu coi sách là kẻ thù thì đó thực sự là thảm họa.
Bác nói "ngã" tức là cháu đã có lỗi, thậm chí là lỗi lớn, nhưng nói "đứng dậy" là nói cách cháu vượt qua và không lặp lại.
*
Bác muốn lên Chư Sê, đưa cháu đến chính siêu thị đó, hai bác cháu chọn mua sách. Khi trả tiền có thể có nhân viên phát hiện ra và nhìn, cháu hãy nhìn thẳng vào họ và nói, cháu chính là đứa trẻ hôm trước định trộm sách, nhưng nay thì cháu mua, tính tiền cho cháu. Và cháu rút tiền ra trả. Cũng đừng ngoái lại nhìn bác. Bác chỉ đi bên cạnh thôi.
*
Con người sống phải biết tha thứ.
Và cháu này, người lớn cũng cần được tha thứ!
Rất tin ở cháu!

*** Một bài tâm tình quá đáng để giữ, người viết Nguyễn Thế Thịnh là nhà báo sống và làm việc tại Đà Nẵng. Thanh niên online 22/03/2014 đăng bài này của ông nhưng lại kèm cái hình em bé bị trói/đeo biển tại siêu thị, mình ko muốn share cả cái (hình/ tư duy) phản cảm nên copy nguyên bài về.