July 21, 2014

Sau thảm họa hàng không MH17

Bài viết của tri thức và lương tri con người, thôi thúc lưu giữ lại.
Mình tự hào là đồng nghiệp "người hàng không" với tác giả.

CHỈ VÌ CÓ QUỶ SỐNG LẪN VỚI NGƯỜI
(Lương Hoài Nam, 21/07/2014)

Ngày 11/9/2001, cùng một lúc, tại các khu vực khác nhau, 5 máy bay hành khách của Mỹ bị những kẻ khủng bố al-Qaeda cướp để thực hiện cuộc tấn công vào các mục tiêu đông người mang tính biểu tượng của Mỹ.
Hai trong số 5 máy bay đó đã được những phi công khủng bố lái đâm thẳng vào toà tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới tại New York, đánh sập cả hai toà tháp. Gần 3.000 người dân vô tội bị giết chết một cách dã man, hơn 6.000 người bị thương.

Tôi là người hàng không. Một số bạn bè khi đó nói với tôi rằng an ninh hàng không Mỹ quá kém, phòng không Mỹ quá kém nên để xảy ra vụ khủng bố thảm kịch này. Tôi bảo họ, không phải thế. Sự độc ác, tàn bạo của những kẻ khủng bố ngày 11/9 đã vượt quá khả năng tưởng tượng của loài người trước đó. Không một ai trên thế giới, kể cả những người làm việc trong các cơ quan hàng không, phòng không Mỹ, có khả năng tưởng tượng và lường trước được cách thức, mức độ khủng bố độc ác, tàn bạo đến như vậy của một số kẻ được gọi là người.

Ai tưởng tượng được một kẻ có học hành, lái được máy bay, lại dám cầm lái điều khiển một chiếc máy bay với hàng trăm hành khách là người dân vô tội ở sau lưng lao thẳng vào một tòa nhà nơi đang có hàng chục nghìn người dân vô tội đang làm việc? Một số kẻ chán đời có thể tự tử, một số kẻ mù quáng có thể giết người theo kiểu cảm tử, nhưng mà bằng cách đó, với mức độ độc ác, tàn bạo đến như thế thì trí tưởng tượng phong phú nhất của loài người cũng không đạt tới. Con người chỉ có thể đề phòng những gì con người có thể tưởng tượng được.

Ngày 17/7 vừa qua, việc chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines bị tên lửa bắn rơi trên bầu trời Ukraine, giết 298 người, trong đó có 80 trẻ em, có một gia đình 3 người Việt Nam, làm người dân trên cả thế giới sửng sốt và phẫn nộ. Họ, 298 người này, không hề có mối liên quan nào với tranh chấp lãnh thổ và quyền lực ở Ukraine, với các "bên có lợi ích" trong tấn bi kịch mang tên "Ukraine". Họ là những người dân vô tội bị giết hại.

Điều đáng tiếc trong thảm họa MH17 là nó và nhiều máy bay thương mại khác của nhiều nước bay qua khu vực đang có chiến sự. Các cơ quan không lưu không phải đã không nghĩ gì về các rủi ro cho các máy bay dân sự bay qua khu vực này. Họ đã cấm các chuyến bay dưới 9.700 mét, có nghĩa là họ đã nghĩ đến khả năng bên nào đó có thể vô tình hoặc cố ý bắn máy bay dân sự. Nhưng họ mới tính đến các vũ khí có "tầm với" dưới 9.700 mét. Họ không hề nghĩ đến các loại vũ khí có khả năng tấn công máy bay ở độ cao vài chục km. Họ biết các loại vũ khí như thế, nhưng không đưa chúng vào các tính toán rủi ro hàng không. Đây có lẽ là một sự bất cẩn. Khi có chiến sự trên đất hay trên biển, cả bầu trời ở vùng đó với độ cao vài chục km cũng không thể đủ an toàn cho các máy bay dân sự nữa. Các loại vũ khí hiện đại ở trong tay các bên, không ai có thể kiểm soát được. Chỉ là một cái bóp cò hay ấn nút...

Trí tuệ con người đã phát minh ra nhiều loại máy móc. Con người đã đưa được xe tự hành lên mặt trăng, sao Hỏa, chụp ảnh các thiên hà cách trái đất hàng triệu năm ánh sáng. Con người chế tạo được tàu lặn có thể lặn sâu hàng km để đo đáy biển. Con người biết cách tạo ra máy móc đo "lòng trời", "lòng biển", "lòng đất", nhưng chưa bao giờ biết cách tạo ra máy móc đo được "lòng người".

Sau vụ 11/9, chúng ta cần phải thừa nhận rằng một số kẻ được gọi là người có thể độc ác, tàn bạo hơn mọi khả năng tưởng tượng của trí tuệ người. Chúng thật ra là quỷ, nhưng sống lẫn với người, mang mặt người. Mọi sự cảnh giác với chúng và phòng ngừa chúng đều không thừa, kể cả trong các hoạt động hàng không.

Gần 100 năm nay, ngành hàng không nỗ lực tạo ra sự gần gũi, thân thiện với hành khách. Đã có những lúc nhiều hãng hàng không quy định việc mở cửa buồng lái để hành khách nhìn thấy phi công và hiểu hơn công việc của họ, yêu cầu phi công sau khi bay ra chào hỏi, chuyện trò vui vẻ với hành khách, thậm chí cho phép một số hành khách vào xem buồng lái. Các hãng hàng không cố gắng đưa những dụng cụ ăn uống, sinh hoạt gia đình lên máy bay để phục vụ hành khách. Vụ 11/9 đã xóa sạch tất cả những nỗ lực đó của ngành hàng không thế giới, thay đổi vĩnh viễn các dịch vụ hàng không, đặt yêu cầu về sự thân thiện rất thấp so với các yêu cầu về an ninh, an toàn hàng không. Chỉ vì một lý do: giữa loài người còn có quỷ sống lẫn và chưa có máy móc nào có thể giúp phát hiện ra chúng mọi lúc, mọi nơi.
(Nguồn)

July 11, 2014

NẶNG LÒNG

Măng gọi cho tôi lúc 9h tối. "Ừ cô đây, Măng đang ở đâu đấy", "Em gọi cho cô ở trên núi, bố với anh trai lại uống rượu lại đuổi nhau, đuổi cả em ra khỏi nhà, buồn lắm cô ơi".
Tôi hình dung trên bản Pờ Sì Ngài lẫn trong đá của Pacheo, giờ này chỉ có gió, núi, và mênh mông bóng đêm.
'Ừ...' ...
nào biết nói câu gì.

Tôi biết Măng chỉ cần một người để em gọi. nghe em nói, nhát ngừng bằng ngôn ngữ tiếng Kinh không hẳn sõi của người Mông."Nhiều lúc chán lắm cô ơi, chẳng biết sống làm gì nữa. Hôm nọ em buồn quá em ăn lá ngón nhưng người ta lại cứu được em. Có lúc muốn đi học em nhớ cô em gọi cho cô, giờ thì em chẳng biết làm sao nữa".

Hai năm trước Phàng A Măng quyết tâm đi học cấp 3 xa bản sau hai năm nghỉ học đi làm thuê. Mỗi cuối tuần Măng nhận bốc vác ở cửa khẩu trang trải việc học và tự sống. Bản Pờ Sì Ngài của em ở đồi lẫn với đá cách trường Cấp 3 40 km. Mẹ mất từ lâu, bố em đã lấy đến người vợ thứ mấy. Người Mông Pacheo là thế, người ta dễ chết vì đủ thứ lý do, cảm, bệnh tật, rượu, bế tắc và lá ngón. Người còn lại tiếp tục lấy vợ, lấy chồng, tiếp tục đẻ ra những đứa trẻ đói, nghèo, bơ vơ, thất học. Người ta thấy chúng đói và thiếu mặc nhưng không có đủ gạo và tiền mua áo quần. Chẳng ai thấy chúng cần học.

Măng được cô bác Giỏ Thị hỗ trợ để là những bạn đầu tiên của xã Pacheo trọ học cấp 3 Bản Vược. Nhưng để lớp người cha Măng hiểu giữa việc theo học tri thức với lao động bốc vác 70 ngàn một ngày cái nào tốt hơn là việc dường như không thể. Giữa lớp 11 anh trai và bố bắt em nghỉ học để giúp làm rẫy và lao động. Một bên là thầy Cường thầy Minh, bác Páo chủ tịch xã và cô Lana phân tích thuyết phục, một bên là cha và anh và cách nghĩ xưa giờ của người Mông ở bản. Cuối cùng, em nghỉ học.

Em vẫn thi thoảng gọi cho tôi, là những khi trong đêm tối ở bản Pờ Sì Ngài, cha và anh trai uống rượu đuổi nhau đuổi em ra khỏi căn nhà nếu có thể gọi là nhà, cả những lần em biết tôi cùng nhóm lên Pacheo, Bản Vược thăm các bạn học của em. Măng gọi cho tôi bảo em tiếc lớp học, em vẫn đi bốc vác 70 ngàn khi có việc còn lại ở bản, bố và anh vẫn rượu, em không biết sống để làm gì.

Quả thật tôi không có câu trả lời, chỉ cố vớt vát 'hãy nghe cô, tuyệt đối đừng bao giờ nghĩ tới lá ngón'.

Măng đại diện cho sự mâu thuẫn, bế tắc của những đứa trẻ không định hướng, sinh ra trong bản làng lạc hậu, được tiếp xúc/ bắt đầu thấy ánh sáng tri thức văn minh nhưng không thể theo đuổi.

Biết bao câu hỏi nhói lòng và bao chữ giá như.

Tôi cũng từng có những thời khắc muốn buông bỏ mọi điều. Nhưng tôi thường nói với hai bạn nhỏ ở nhà, và tất cả các bạn nhỏ nếu có dịp trò chuyện, rằng chúng ta có hai thứ bồi đắp nên, là những gì cha mẹ/ cốt cách và tạo hoá sinh ra, và tri thức mà chúng ta học/ đọc được. Cái thứ nhất vốn dĩ đã có như sinh ra, cái có thể thêm chính là tri thức ta từng chút một trau dồi. Ơn Chúa, những điều đó khiến tôi hiểu và yêu cuộc sống này đủ để không cho phép mình thả trôi khi bế tắc.

Và vì thế, tôi biết nếu có điều gì giúp được những đứa trẻ như Măng, những đứa trẻ lớp sau Măng, là giúp các em đi học, có bạn bè, có thầy cô, có những trang sách để đọc và học từ đó nhiều điều.

Năm 2006 xã Pacheo có trường cấp 2; 2012-2013 có 3 em đầu tiên theo học Cấp 3 chính thức; năm sau đó có 13 em, và năm học 2014-2015 này dự kiến 25 em lên học. Âu cũng là những con số hy vọng.

Bốn triệu đồng một năm cho một đứa trẻ Pacheo đi học. Những tiết kiệm sẻ chia nhiều bạn bè chung lại cộng với sự động viên, dẫn dắt không ngừng nghỉ, nhất định không vô ích.

Ít nhất cũng để rừng lá ngón Pacheo dần bớt người hái lá.

Và bớt những câu gọi 9h đêm từ heo hút bóng đêm trên bản "em không biết sống để làm gì, cô ơi",
đau lòng lắm.

* Bài viết về PHÀNG A MĂNG, tháng 2/2014 (link này

Phàng A Măng (bìa phải) cùng các bạn Lý A Sử và Cứ A Vềnh tại sân trường Cấp 3 Bản Vược, 03.2013