November 16, 2022

CHUYỆN NGÀY XƯA VÀ HÔM NAY

Đầu ngày mở Facebook hỏi bạn đang nghĩ gì? Sáng tỉnh dậy có 02 cục tiền rơi xuống đầu, à, xuống hai tay. 01 cục chị Ngoc Dung cùng bạn bè gửi mua 300 cái chăn ấm cho bọn trẻ miền núi (nghĩ ấm), 01 cục mình làm ra theo kiểu hợp đồng tư vấn chuyên môn (nghĩ thích), cộng lại là nghĩ vui 🙂
Ngày xửa ngày xưa, Mẹ nói có Ông cụ gì ở làng nói số Ba không giàu nhưng không thiếu, luôn đủ ăn, hết lại có, số LO cũng thế. Với người 50t trở đi con cái đã học xong, câu nhận xét ấy lại là tốt nhỉ. Nếu được xin thêm chỉ xin các cụ cho có chút xíu dư để ba lô du lịch những nơi muốn đến, miền núi hay thôn quê hoang sơ của VN cũng có nhiều điều để đi và thấy thú vị. 
Cũng lại ngày xưa, một lần anh người yêu cũ/người yêu đầu sống ở Nga về tìm đến căn nhà cấp 4 thuê xập xệ, nói em vẫn không biết giá trị của mình; em hãy nghĩ làm gì đó (thay đổi cuộc sống) đi, anh và bạn bè có thể góp lại cho mượn (vốn). Ừa thì cảm kích vì sự ái ngại nhưng chỉ cười. Mình lúc đó đang thấy ổn (thật), nên không đọc hết được sự ái ngại thương cảm của xung quanh. Mới lại, chẳng lẽ nói em nhận sự cho vay nếu như chúng ta mở (open) được sự thân thiện và vợ anh đồng tình. Mượn tiền phải trong sáng chứ. 
Mà, hì, lúc đó em đã đang 'nghĩ làm gì đó' rồi - là đang apply đi học cao học Úc. 2 năm rưỡi du học môi trường khác hẳn ấy giúp mình thay đổi cuộc sống không chỉ status về kinh tế. 
Nên, các bạn gái à, hãy cảm ơn Thượng Đế nếu như chúng ta đang có một công việc để sống và một khả năng tiếp nhận để đọc và học những điều tốt đẹp. Trong mọi trường hợp chỉ cần 2 hành trang ấy đủ để phụ nữ bước thẳng, và đường thẳng thì luôn nhiều ánh sáng tốt lành. 

Hình có vẻ không liên quan, chỉ là để nói cảm giác hạnh phúc thật ra không khó kiếm tìm.
(ở một lớp mầm non xã Lồ Sử Thàng, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, 03/2013)


June 25, 2021

THỜI TIẾT, VÌ SAO..

Năm ngoái, trong lần Huy Nguyen rủ vào Huế tham gia buổi trò chuyện với bà con về Elnino và biến đổi khí hậu, có một em bé ở hàng ghế tận gần cuối khán phòng thụt thò giơ tay mãi xin hỏi. Bé đi cùng Bà vì bố mẹ bận. Tờ giấy cậu bé chuẩn bị từ tối hôm trước có 3 câu hỏi nhưng vì ít thời gian nên chỉ được chọn một câu. Bé đã hỏi chú Huy và bác Lana "Vì sao lại có bão?" 
Oh, quả thật khá bất ngờ để trả lời cho một cô/cậu bé 9 tuổi trong bối cảnh ấy, dễ hiểu và chấp nhận được chứ không phải là hoàn lưu khí quyển/dải hội tụ nhiệt đới/không khí bất ổn định/ hay vùng biển nóng vùng biển lạnh - mỗi khái niệm lại là cả một chương sách khó nhằn về vật lý khí quyển. 
 Cuối buổi mình xuống gặp cậu bé, được biết bé rất thích đọc sách khoa học cho trẻ em. Thỉnh thoảnh mình cứ nhớ về cậu bé thích đọc sách khoa học và rất muốn có dịp gặp lại nói chuyện với bé nhiều hơn.
------ 
VÌ SAO THỜI TIẾT.. 
Hôm nay tranh thủ những ngày thời tiết tương đối lành mình chia sẻ câu hỏi về thời tiết và dự báo thời tiết nhé. 
* Do đâu thời tiết thay đổi? có nhiều cách giải thích nhưng mình thích cách này: Thời tiết thay đổi do gió (luân chuyển không khí nơi này đến nơi kia). 
Là thế này: Trên Trái đất và khí quyển quanh nó, có nơi được mặt trời đốt nóng nhiều hơn có nơi ít hơn. Có nơi là mặt biển/dại dương nơi là rừng nơi là đất đá sỏi. Mỗi nơi lại theo mùa trong năm. Như vậy cùng một thời điểm không khí trên bề mặt Trái đất có nơi nóng nơi lạnh, có nơi ẩm (nhiều hơi nước) có nơi khô khao, tạo nên những khu vực (hay khối không khí) với tính chất nóng/lạnh, khô/ẩm khác nhau. Thời tiết ở một địa phương sẽ theo tính chất của (khối) không khí bao trùm nơi đó: nóng nực hay lạnh co hay mát mẻ hay ấm áp/ khô cong hay lấm tấm mưa phùn nồm mốc áo quần. (Xong hiệp 1) 🙂
Nhưng, nếu chỉ vậy thì sẽ không có thay đổi thời tiết! 
Chuyện là không khí nó không đứng yên mà liên tục di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác theo những quy luật nhất định. Sự di chuyển ấy là GIÓ. Không khí được gió đưa đi tới đâu mang theo tính chất của nó và làm thay đổi thời tiết nơi nó đến. Đôi khi sự thay đổi ấy không mềm mại hoà bình mà có sự xung đột giữa các khối không khí, một ông tới chiếm chỗ nhưng ông kia chưa muốn đi, thế là xảy ra dông lốc sấm chớp mưa to gió lớn bão tuyết... 
Như ở hình dưới, các ngày 23-26/6/2021 miền bắc mưa gió phức tạp nhất cả nước vì gió khi bắc (lạnh) khi tây (nóng) khi đông nam (ẩm), trộn lại, chỗ nào tụ nhất có ẩm nhất sẽ dông mưa ầm ĩ vì không khí ẩm chen chúc sẽ bốc lên cao tạo thành mây mưa, trong khi ngay cạnh có thể nắng khô. 
Hay (sự xung đột) khi gió/khối khí đập vào địa hình (núi) cũng gây ra các hiệu ứng thời tiết: Gió tây thổi từ Lào gặp dãy Trướng Sơn cao quá, nó phải thổi không khí lên cao để vượt núi. Khi 'leo cao' gặp lạnh, bao nhiêu hơi nước trong không khí ngưng tụ thành mây rồi nặng dần rồi rơi (mưa) hết bên sườn tây, đến khi qua được núi thì nó khô qoeo rồi, trượt xuống thấp nó được tăng năng lượng (nhiệt), thế là tới Quảng Bình Quảng Trị Huế nhà mình nó vừa khô vừa nóng thôi là nóng. Khí tượng gọi khoa học là hiệu ứng gió phơn, bà con ta đơn giản gọi gió Lào cho dễ. (mình để hình minh hoạ trong comment). 

* DỰ BÁO Wx
Đấy, nên dự báo thời tiết sẽ là: Gió từ đâu đến? cái (khối) không khí đang đến ta tính chất ra sao, nóng hay lạnh/ khô hay ẩm. Sự chuyển giao có xung đột gì không hay hoà bình?... Người khí tượng sẽ dúng các công cụ (số liệu thực/ bản đồ/ mô hình/ảnh vệ tinh...) để trả lời những câu hỏi trên. Trả lời được sẽ dự báo được mai, mốt, 5 ngày nữa thời tiết thế nào (càng xa càng có thể sai số). Dự rồi bà con hỏi thì dũng cảm thông báo, nhớ dõi theo liên tục mà cập nhật bởi đôi khi gió bỗng thích thay đổi, thì nhớ nói xin lỗi khi lỡ dự sai, có bị phán cũng im vì giải thích sao được, hì hì. 

*** Link buổi nói chuyện về El Nino và biến đổi khí hậu tại Huế, 12/2020: https://www.facebook.com/HueIDS.vn/videos/1775666419278730/



June 05, 2019

BƯỚC CON LÒNG MẸ

Bạn Dim hôm nay qua vòng phỏng vấn cuối cho công việc tại một công ty.
Đây là chỗ phỏng vấn đầu tiên trong vài chỗ Dim apply và được hẹn phỏng vấn. Hỏi thế Dim có nói với họ thế không, bạn nói con cũng nói thật với họ thế, xong họ hỏi nếu được vài nơi gọi thì điều gì bạn lấy làm quan trọng để lựa chọn việc làm?
Trả lời là "là văn hoá và môi trường làm việc".
Mon men mẹ 'hướng dẫn' thêm: "Nên nói cả lương nữa chứ, câu trả lời đúng được điểm, câu trả lời thật được cảm tình".
Bạn í trả lời mẹ "Con ko muốn nói cái gì nó ko đúng với những gì con suy nghĩ/ Lương với con có quan trọng nhưng không phải ưu tiên 1 vì mình mới ra trường chưa nhiều kinh nghiệm, nên không đòi hỏi/ Môi trường quan trọng vì nếu khác với quan điểm sống của con con sẽ không làm được lâu dài".

Chuyện với bạn xong, lòng mẹ cứ ngấm ngấm mừng.
Cần nói thật rằng nỗi mừng ko phải vì công việc. Trong thâm tâm mình vẫn mong Dim Mei sống ổn định nếu ko là VN thì ở đâu đó gần gần; Mỹ và Châu Âu tốt nhưng quá xa và khác biệt quá. Chỉ là, không thể có mọi điều như mong muốn. Để các bạn tự tập bay.

Mừng vì những điều khó nói hơn. Mừng vì cuộc phỏng vấn đầu nên kết quả sẽ cho Dim tâm lý tốt và tự tin. Mừng hơn là ở cách con nghĩ và nói và trả lời "con ko có muốn nói điều gì ko đúng với những gì con suy nghĩ" ngay cả trong bối cảnh quan trọng là phỏng vấn việc làm. Để cân bằng cái risk, bạn xác định phấn đấu để có thể tự tin đứng thẳng không phụ thuộc, nếu ko may gặp môi trường ko phù hợp với quan điểm sống của mình.
Mừng khi 'đọc' thấy cách bạn tư duy, bản lĩnh và độc lập. Sâu hơn, mừng khi cảm nhận con đã thừa hưởng gì đó giá trị từ cụ ngoại, bà ngoại, mẹ (hay có thể từ trước nữa). Những giá trị lòng mẹ mong muốn và ưu tiên dạy con từ nhỏ thơ giờ đã thấy bắt đầu...

Tự nhiên nhớ lại như thước phim. Bà ngoại đã sống qua bĩ cực khi rơi từ cuộc sống đủ đầy xuống tai họa cải cách ruộng đất, vẫn giữ lòng nhân hậu, sự kiêu hãnh ẩn dấu, và kiên cường dạy con, cháu phải học tri thức. Chuyện mẹ kể khi nhà nghèo đẩy cỏ thuê bị tước đoạt tiền công và lời tự nhủ phải sống vững vàng và biết thương nghèo khó.
Rồi lật giở lại những cố gắng, những giá trị ưu tiên mình đặt ra để hướng nuôi dạy Dim Mei. Từ bàn bạc việc chọn trường, chọn thầy đến những câu chuyện hàng ngày - chuyện trường, chuyện lớp, chuyện bạn bè con, chuyện cơ quan mẹ để 'đưa' ý niệm sống ngay thẳng, biết quan tâm tới mọi người chân thành và không thỏa hiệp với cái xấu/ mua bán đổi chác/ hạ mình xin xỏ nhưng cần biết tránh bị gai góc bầm dập. Muốn vậy, chỉ có cách mình cần luôn học hỏi vươn lên và sống tốt.

Cứ như thế,
từng bước, dọc quãng đường.
Nhớ câu chuyện một ngày đi học về Dim nói với mẹ về lý do con định từ chức lớp trưởng năm cuối cấp 2 và mình cùng đồng ý.
Nhớ mẹ đồng hành cùng Dim khi câu chuyện cô giáo chủ nhiệm lớp 9 cư xử không phù hợp với con và các bạn gái trước lớp đã trở nên quá khả năng chấp nhận, không đơn giản là bảo vệ các con mà hướng dẫn các con cách đối diện với khó khăn, bất công, rằng sự thật sẽ thắng nếu ta biết bình tĩnh, không sợ hãi và tìm sự ủng hộ ngoài ánh sáng.
Nhớ khi con lớp 10, lần đầu chuyển sang hệ trường công, môn toán Dim không đi học thêm cô, điểm thấp, hai mẹ con xác định nếu cần sẽ chuyển từ lớp chọn về lớp thường...
Để cuối cùng, sau mọi câu chuyện, con vẫn bước thẳng, vẫn có nhiều thầy cô, phụ huynh quý mến tôn trọng, các bạn thân quý. Và, cả tự hào về 'mẹ tớ'.

Từng bước, ngấm theo tháng năm?
Hôm nay 'đọc' bạn qua chuyện phỏng vấn, lòng mẹ thầm ngấm vui, nhận về.

February 07, 2019

TẢN VIẾT MÙNG 2

Tối Mùng 2 đặt chuyến xe cuối cùng Thái Nguyên Hà Nội vì muốn nán lại cơm tối với Ba Mẹ. Xe nhiều trẻ con, xuất phát hơi trễ vì có người tới muộn nhưng ai nấy thông cảm cho nhau, đều là đi/về người thân TN và HN. Tết.
Đường thoáng ít xe. Vắng. Đến bắt taxi cũng khó. Người xài dịch vụ nhiều hơn người làm. Thì Tết. Tới nhà, mình châm nước cho hoa, tưới cây rồi cho Bông đi dạo, không quên mang theo ít lì xì. Đội bảo vệ/phục vụ hai toà nhà cả ngàn hộ dân làm việc 24/24, ngày Tết bận gấp đôi ngày thường. Nhận lại những ánh mắt nụ cười và cảm ơn. Cậu bé trông xe tầng B2 còn con chúc cô Năm Mới mạnh khoẻ và may mắn. Không phải tiền một vài chục mà là cảm giác được thấu hiểu, cảm thông. Mình từng nhiều năm làm ca, trực Tết, nên biết điều này.
Lên nhà, chưa ngủ, vẩn vơ ngược về ký ức, thật ra 17 năm trực ca của mình dù sao cũng ca quý tộc: công việc khá ‘hot’, cổ cồn, lương cao. Để nhắc sẽ nhắc ngày đi học Msc ở Úc, mình làm part-time đủ việc thật sự là lao động: Bán quầy cá tươi trong chợ Springvale (chợ châu Á), phụ tiệm bánh mì thịt của chị Trang ở khu phố Tây Camberwell, rồi làm công nhân trong xưởng xay bánh mì cũ thành thức ăn cho bò, cừu gần Caulfield. Bán cá về người đầy mùi cá, làm nhà máy bánh mì về người đầy mùi chua, quần áo đến tóc chua đến cả da, tắm nửa tiếng vẫn còn thoảng chưa hết.
Nhớ hôm theo mẩu ad (quảng cáo) trong trang sinh viên Monash tìm tới nhà máy xin việc, Ed, cậu chủ, nhìn mình nữ nhi nhỏ nhắn ái ngại “nhưng ở đây bụi, ồn, và bẩn...”. Câu trả lời “Thì sao, tao (tôi/I) cần tiền, ở đây tôi làm ra tiền sạch” khiến cậu gật đầu luôn. Sau thì thấy mình là gái duy nhất đứng dây chuyền/lái xe nâng trong tất cả số công nhân ở xưởng của Ed ngày đó (chắc cả mãi sau này). Khi mình học xong, xin nghỉ, Ed còn làm party nhỏ chia tay.
Tụi sinh viên Việt dần dà giới thiệu nhau làm cho xưởng của Ed thành một nhóm. Giờ mình vẫn tự hào về tụi ấy, Michael Tran, Hung Manh Phan, Dinh Quoc Dong, và Hong Nguyen (gái, làm phụ văn phòng). Tụi mình được Ed trả hình như 14 usd/giờ sau thuế (112 đô/ngày 8 tiếng), có tax đàng hoàng, cao hơn những việc làm cho chủ châu Á.
 Người Úc công nhân trong xưởng của Ed ít, chủ yếu là người nghèo trong thời gian thất nghiệp vì việc thời vụ, đa phần là sinh viên làm thêm. SV = người nghèo. Mình kệ, happy nhủ mình làm 2 ngày cuối tuần bằng lương em mình khi ấy giáo viên ở Việt Nam dạy cả tháng, thì tại sao không.

 Thi thoảng lại có những lúc như hôm nay, ngẫm ngợi, ngầm tự hào Lana đã làm qua những công việc chân tay đúng thực lao động phổ thông người nghèo, coi như từng ‘lăn lộn’, dù ngắn, nhưng đủ cho sự hiểu cái cảm giác hạnh phúc ấm áp nho nhỏ nhận về khi chia bao lì xì với nụ cười thân thiện cho người lao động nghèo, ngày Cuối Năm, ngày Tết.

January 20, 2019

19.01 nhân ngày Hải chiến Hoàng Sa 1974 viết về cuộc chiến giành lại quyền điều hành vùng FIR phía nam

Hôm nay 19/01, nhiều người nhắc sự kiện TQ chiếm Hoàng Sa 1974 từ Hải quân Sài Gòn. Dù chưa lấy lại được, các thế hệ VN rất cần được biết đầy đủ về lịch sử đất nước mình.
Như có gì thúc mình tìm lục ghi lại về những biến động với vùng FIR trên không của Việt Nam - cũng quan trọng như biển đảo - cũng gặp những biến động qua các mốc thời gian - mà rất tiếc rất ít bài báo, tư liệu ghi lại. Rất rất ít phổ biến.
Các mốc ấy là 1975, 1994, 2006.
1. Tóm tắt:
- 1975: Phía bắc có FIR Hà Nội do Miền bắc VN quản lý. Phía nam có FIR Sài Gòn bao phủ khu vực rộng lớn trên Biển Đông do Miền nam VN quản lý. Sau 04/1975 Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) tạm chia phần lớn vùng FIR SG trên biển thành các vùng trời tạm giao trách nhiệm (AOR = Area of Responsibility) cho Hồng Công, Thái Lan và Singapore quản lý để điều hành các chuyến bay quốc tế bay qua khu vực, do VN (mới) chưa đủ khả năng điều hành.
- 1994: Sau rất nhiều nỗ lực của chính phủ mà chủ chốt là các lãnh đạo ngành HKDD Việt Nam, ICAO đã phê chuẩn cho VN nhận lại phần AOR đã giao cho Singapore và Thái Lan từ 1975.
Phần AOR do HK quản lý chưa đòi được (tất nhiên, vì TQ).
Năm 1997 TQ lấy lại HK.
- 2006: TQ thiết lập FIR Sanya trên Biển Đông (trước đó, từ 1997 TQ vận động để thành lập AOR Sanya có 1 phần của FIR SG, 11/2001 đc ICAO phê chuẩn tạm giao AOR Sanya, 06/2006 chuyển thành FIR Sanya (xem hình bản đồ FIRs 1994 và 2006 dưới bài).

2. Vùng thông báo bay (Flight Information Region - FIR) “là vùng trời có kích thước xác định mà ICAO giao cho các quốc gia thành viên chịu trách nhiệm trước cộng đồng hàng không dân dụng quốc tế về cung cấp dịch vụ thông báo bay và báo động”. Mặc dù theo ICAO định nghĩa, FIR mang tính kỹ thuật đơn thuần chứ không mang ý nghĩa chủ quyền lãnh thổ nhưng thực chất quốc gia nào quản lý điều hành FIR nghĩa là họ cung cấp dịch vụ thông báo bay, dịch vụ báo động và quản lý mọi hoạt động bay ở vùng trời đó, và thu tiền của những hãng hàng không sử dụng dịch vụ (bay qua).
Rõ ràng việc quản lý điều hành FIR có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về kinh tế lẫn an ninh quốc phòng đối với một quốc gia.

3. FIR Sài Gòn “chia năm xẻ bảy”
Trước năm 1975, FIR Sài Gòn, được thiết lập tại Hội nghị Không vận Trung Đông - Đông Nam Á năm 1959, bao gồm từ vĩ tuyến 17 xuống tới 07 vĩ độ Bắc, chiều rộng từ biên giới Việt – Lào, Việt – Campuchia ra tới 114 độ kinh tuyến đông, tức là bao gồm cả vùng trời miền Nam Việt Nam và cả vùng trời rộng lớn thuộc biển Đông. (trích từ các bài trong link a, b dưới đây)
FIR Sài Gòn chiếm một vị trí địa lý quan trọng trong giao lưu hàng không quốc tế. Thời điểm 4/1975 miền Bắc chưa đủ khả năng tiếp quản sự điều hành bay trong toàn FIR Sài Gòn mà chỉ quản lý, điều hành vùng trời trên đất liền của FIR Sài gòn, các tuyến giao thông hàng không trên biển Đông vì thế bị tắc nghẽn. Để giải quyết sự bế tắc này ICAO đã vạch ra một kế hoạch ứng phó gồm thiết lập các đường bay trên biển Đông, đồng thời phân chia phần công hải trên biển Đông của FIR Sài Gòn thành ba vùng trách nhiệm tạm thời (gọi là AOR) giao cho ba trung tâm kiểm soát đường dài Bangkok, Singapore và Hồng Kông điều hành”. (a)
Note: Giai đoạn này ngành hàng không Trung Quốc đang có kế hoạch mở rộng FIR Quảng Châu, Sanya với vùng trời mở vào FIR Sài Gòn cũ. (b)

4. Giành lại quyền điều hành FIR (Vùng thông báo bay) phía nam:
Ngành HKDD VN thế hệ những năm 1990s có quyền tự hào về việc giành lại được quyền điều hành phần lớn vùng FIR phía nam thuộc FIR Sài Gòn cũ. Đường lối của Chính phủ và ngành HKDD khi ấy là vừa quyết liệt đầu tư nâng cấp cơ sở, trang thiết bị, con người, vừa khéo léo đàm phán ở các diễn đàn quốc tế, ICAO, đàm phán song phương với Thái Lan, Singapore ... để cuối cùng ICAO phê chuẩn chính thức phần AOR thuộc Singapore và Thái Lan trả lại cho Việt Nam.
Trung Quốc gây khó dễ và ko chịu trả AOR Hồng Công (tất nhiên rồi).
Và giờ TQ đang mưu mô áp vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên toàn biển Đông.
Có một số bài báo nhưng đều bị thiếu ko đủ thông tin kiểu của ‘bên thắng cuộc":
a)https://m.anninhthudo.vn/phong-su/gianh-quyen-dieu-hanh-vung-thong-bao-bay-chuyen-bay-gio-moi-ke/436341.antd?fbclid=IwAR3pMaH3rnlE0F6JoccaQvsgtnmgopt2e3BB3yO--uigH8rS5j7iekLJN9k
b) http://www.baogiaothong.vn/hanh-trinh-gianh-lai-quyen-dieu-hanh-fir-ho-chi-minh-d95925.html?fbclid=IwAR3NUIcrmVkD6T-ux6gvI0p3v5bqDTqUYFORXas5jxDX1Vy3gpygu9euo2g

Chép lại kẻo mất: 
During the Fall of Saigon, ICAO, in 28th of April 1975, had divided FIR Saigon into 3 AOR: Bangkok, Singapore and Hongkong, then they gave these AOR to the corresponded FIR.
In the 7th of December, 1994, ICAO sent AOR Bangkok and AOR Singapore back to FIR Ho-Chi-Minh.
In the 1st of November, 2001, ICAO gave part of AOR Hongkong to FIR Ho-Chi-Minh, and created AOR Sanya from the remained part of AOR Hongkong.
In the 8th of June, 2006, ICAO changed AOR Sanya to FIR Sanya.
ở link này:
https://aviation.stackexchange.com/questions/24211/where-can-i-find-old-historical-fir-map?fbclid=IwAR3eMRaU77CXoSSp1z7RHJ0SBwrYzPH618H-zc5CeOMtfhgjUq7rFyJkexc

 Bản đồ FIRs thời điểm trước 01.2006

Bản đồ FIR tại trang web ICAO hiện nay

September 13, 2017

Bão Doksuri

Cơn bão Doksuri, tên Việt Nam gọi bão theo đánh số từng năm các cơn bão hoạt động tại biển Đông nên nó có thêm tên Việt Nam là cơn bão số 10.
Cơn này nó mạnh nhưng khá ngoan, các mô hình mạnh cho kết quả dự báo khá trùng, theo đó khoảng đêm ngày mốt Thứ sáu 15/9 sẽ đổ bộ vào khu vực Vinh (hoặc cùng lắm lệch chệch giữa Thanh Hóa và Hà Tĩnh).
Khi nó mạnh nhất, gió gần tâm nó mạnh cấp 11 (~ 110km/h) giật cấp 14 (~ 160km/h). Bán kính ảnh hưởng khoảng 200km. Vào đất liền thì nó suy yếu đi nhưng bán kính ảnh hưởng lại có thể rộng hơn chút đấy.
(Cấp mấy là mấy km/h mình để trong hình cuối bài nhá).

Mình ở nhà xây ngồi bàn giấy ở HN ko lo bão lắm cho thân, trước là mong bay bò ổn định an toàn vì túi ví mình phụ thuộc ở đó, sau mong miền Trung kiên cường an toàn và đừng thiệt hại của cải mùa màng (vốn đã khó lắm rồi).

Là đất nước hứng bão nên các bạn Philippines có trang thông tin về bão hết sức phong phú và đáng tin cậy, tập hợp kết quả mô hình dự báo 'xịn' của nhiều nước 'xịn' về khí tượng học.
Bạn nào quan tâm có thể vào link này để tham khảo.


hình này từ mô hình của các bạn Phi, giờ Phi sớm hơn VN 1 giờ.

February 14, 2017

13/02/2017

Sáng,
Ngày SN của riêng mình hay thích lo vo chốn nhỏ yên tĩnh, tội cái từ thời du nhập cái ngày tình yêu sát gần nên dễ được nhớ, fb lại có chức năng nhắc chả để cho quên. Giữa ngày lựa cái hình SN sớm làm ava, thế là như đặt cái giỏ nhận biết bao lời chúc chân thành và tình cảm của bạn bè người thân quý :) Ấm áp vô cùng. Lời cảm ơn nào cũng không đủ, chỉ biết tự nhủ luôn cố gắng vui tươi góp ấm áp yêu thương chân thành cho cuộc sống.
Trưa,
thay vì cơm trưa văn phòng được đi ăn với nhỏ-bạn-ăn-trưa và một đồng nghiệp có ô tô chở 2 đứa. SN oách :)

Chiều,
nhóm gái cq mình từ tuần trước bảo "đợt này rảnh hôm nào tụi em kéo sang chị chơi nhá". Hoá ra chúng đã nhấm nháy chọn ngày. Thôi thì ừ đổi SN ào ạt một lần. Thế là, bí bí mật mật mà 8 đứa bung đủ hết cả hoa cả cỗ bánh một bàn. Chủ nhà bị bít tịt thông tin cũng chuẩn bị chai vang và thể hiện nồi súp chẳng có nhẽ tay không.
Nói chung bất ngờ từ đầu đến cuối, từ chuyện cái Hà em gửi tin "cô nhắn cho cháu xin địa chỉ nhà với"; nhắn trả "số nhà... , quan liêu thế, tốt" mà chợt rà lại vai trò làm sếp mấy năm ròng của mình, cám cảnh. Chưa hết, bánh gateaux chả biết sắp đặt thế nào bánh tới người chưa tới, chủ thể đang nấu nướng thấy chuông điện thoại hồ hởi tưởng khách đến gọi xuống mở cổng thì nghe cái Hà chị giọng mềm như bún "a lô chị ơi chị xuống sân nhận bánh giùm em, và chị ơi gượm đã.. hì hì.. chị đưa họ xxx ngàn đồng giúp tụi em chị nhá". Tai Ù luôn. Ơ thế ra bị dí tự mua gato sinh nhật mình.
Ta nói, đố ai có được SN đặc biệt thế đấy.
p.s 15' sau 6 đứa đến, hát vang đồng ca Happy Birthday trong tối nhá nhem ngoài cổng xong mới vào nhà bảo đóng hết cửa "sợ hàng xóm ko chịu được ồn".
cái Hà em rút ngay đủ xxxK đưa cô (may thế). Kể chuyện tai ù nhận bánh cả bọn cười ngặt nghẽo xong bảo "ai chứ O thì chẳng sợ", đã vậy mình kể hẳn hai lần.
Xong mãi chả ngủ được :( :)






January 03, 2017

NÓI VỚI CON VỀ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ

Bạn Dim du học về chơi kỳ nghỉ, nhân con nói chuyện bạn chuyện trường, bạn gốc Mehico, TQ, châu Phi… bảo, trong môi trường học con ít thấy hơn nhưng ra cuộc sống con sẽ thấy sự ‘phân biệt’ trong XH, dù họ thể hiện hay không. Và điều ấy, phải cay đắng nhận rằng ít nhiều là đúng.
Cần nhìn thẳng, rằng người Việt và người Tàu bị nhìn ‘thấp’ vì những điểm xấu, kém văn minh ở số không nhỏ: ở bẩn (nhà người Á rất nhiều đồ, các góc/ ngóc ngách chất chứa Gián, bụi..); chen lấn hàng; ích kỷ không quan tâm (care) xung quanh; khôn vặt cho bản thân (trong tập thể/ nhóm, trong công việc, trong cuộc sống)...
Hình dung một người gặp 10 người Việt hay Tàu có tới 6, 7 người có một trong những điều trên sao tránh khỏi trong đầu họ nhận xét thành kiến chung về cộng đồng da vàng.
Khôn khôn chỉ cho bản thân, cái gì của chung mặc kệ don't care, ko hề có ý nghĩ đóng góp cho cộng đồng, nhiều người ra sống nước ngoài vẫn tìm cách trốn vé, lách luật… thôi thì có những cái do thiếu thốn nghèo đói ăn ở chật chội mà thành, nhưng khi đủ ăn đủ mặc rồi thì cần đọc và điều chỉnh bản thân, còn mang những điều đã được gán cho người Á trên kia thì dù khoác áo mắc tiền xài đồ hàng hiệu vẫn mãi ‘thấp’ trong mắt xã hội văn minh.
Tất nhiên còn không ít lý do khác, nhưng mẹ nói những điều dễ nhận thấy và từng cá nhân có thể điều chỉnh, ít nhất để chính mình lấy lại được sự tôn trọng cá thể, điều mẹ và nhiều người bạn mẹ đã dần làm được. Rồi, khi thế giới gặp 10 có tới 3, 4, 5 ‘người Việt mà tốt’ là dần đóng góp cho dân tộc mình theo cách đó chăng.


December 28, 2016

CÁI GÌ LÀM CHÚNG TA HẠNH PHÚC VÀ KHỎE MẠNH, XUYÊN SUỐT CUỘC ĐỜI?

Lana mình muốn mình hạnh phúc hơn, sức khỏe giảm chận hơn trong tuổi trung niên, không bị sút giảm trí nhớ sớm, và vào những ngày họ đau về thể xác ở tuổi 80 vẫn cảm thấy hạnh phúc. và muốn chia sẻ tới bạn đọc blog, chúc các bạn cũng vậy, khỏe mạnh và hạnh phúc mỗi ngày, xuyên suốt cuộc đời. "CÁI GÌ LÀM CHÚNG TA HẠNH PHÚC VÀ KHỎE MẠNH?
(Nhóm nghiên cứu ĐH havard)
Nghiên cứu về sự phát triển của người lớn của Đại học Havard là nghiên cứu lâu nhất và rất hiếm về cuộc đời của người lớn.
Nghiên cứu được bắt đầu năm 1938, theo dõi cuộc đời của 724 người đàn ông trong suốt thời gian, đến nay khoảng 60 người trong số đó vẫn còn sống, hầu hết họ đã trên 90 tuổi, và nghiên cứu tiếp tục với hơn 2000 con, cháu của những người này. (Người đàn ông give talk trong clip là Giám đốc thứ tư của dự án nghiên cứu này). Nhóm nghiên cứu đã "theo" các đối tượng của họ từ khi là thanh thiếu niên đến lúc tuổi già, để rút ra điều gì là quan trọng nhất khiến con người hạnh phúc và khỏe mạnh, cả cơ thể và trí não.
Có ba bài học lớn được rút ra:
1) Bài học thứ nhất là những mối quan hệ XH rất tốt cho chúng ta và sự cô đơn thì giết ta. Những người kết nối với gia đình, bạn vè và cộng đồng nhiều hơn sẽ hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn về thể chất và sống lâu hơn những người ít kết nối. Và những lần cô đơn thì lại trở nên độc hại. Những người hay xa lánh mọi người khác hơn thường cảm thấy họ ít hạnh phúc hơn, sức khỏe của họ sút giảm sớm hơn trong thời trung niên, chức năng não của họ cũng sút giảm sớm hơn, và họ sống cuộc đời ngắn ngủi hơn những người không cô đơn.
2) Bạn có thể cảm thấy cô đơn trong một đám đông, và bạn có thể cảm thấy cô đơn trong một cuộc hôn nhân, và bài học lớn thứ hai mà chúng ta học được là không phải là số lượng bạn bè mà bạn có và cũng không phải bạn có đang ở trong một mối quan hệ tận tâm hay không mà chính là chất lượng của mối quan hệ gần gũi của bạn mới đáng quan trọng. Hóa ra là sống ở giữa xung đột rất có hại cho sức khỏe chúng ta. Những cuộc hôn nhân có xung đột ví dụ như thiếu thốn tình cảm hóa ra lại rất có hại cho sức khỏe thậm chí có thể còn tệ hơn việc li dị. Và việc sống giữa những mối quan hệ tốt đẹp, ấm áp sẽ bảo vệ chúng ta. Nhìn lại, những người hài lòng nhất trong những mối quan hệ của họ ở tuổi 50 chính là những người sẽ trở thành những ông lão hạnh phúc, khỏe mạnh nhất ở ủuổi 80. Những mối quan hệ tốt, gần gũi dường như giúp chúng ta giảm đi những tác hại của tuổi già. Những người hạnh phúc nhất bảo rằng khi họ bước vào tuổi 80, vào những ngày họ đau về thể xác họ vẫn cảm thấy hạnh phúc, nhưng những người ở trong những mối quan hệ không hạnh phúc vào những ngày họ đau về thể xác, nỗi đau tinh thần của họ càng lớn hơn.
3) Bài học thứ ba là những mối quan hệ tốt đẹp không chỉ bảo vệ cơ thể ta mà còn bảo vệ não của bạn nữa. Những người ở trong một mối quan hệ mà họ cảm thấy có thể tin cậy được đối phương khi cần, khi gặp khó khăn, trí nhớ của họ sẽ lâu hơn, những người ngược lại là những người bị giảm trí nhớ sớm.

Rất nhiều người trong số những người đàn ông trong nghiên cứu bắt đầu là thanh niên đã từng tin rằng danh vọng của cải và thành tích cao là những gì họ cần theo đuổi để có cuộc sống tốt. Nhưng quay đi quay lại, kết quả của cuộc nghiên cứu nghiêm túc hơn 75 năm này cho thấy những người hạnh phúc nhất là những người quan tâm đến những mối quan hệ, với gia đình, bạn bè, cộng đồng. Có rất nhiều cách, có thể đơn giản như làm sôi động hơn những mối quan hệ cứng nhắc bằng cách làm những điều mới mẻ chung với nhau, những cuộc đi bộ dài hay những buổi hẹn, hoặc liên hệ với những thành viên trong gia đình mà bạn chưa nói chuyện trong nhiều năm.
"Khi được hỏi mục tiêu quan trọng nhất trong đời là gì? hơn 80% những người trẻ nói rằng mục tiêu chính là làm giàu, và chúng ta liên tục được nhắc phải làm việc, phải cố gắng hơn nữa. Nhưng thông điệp rõ nhất qua cuộc nghiên cứu 75 năm này là những mối quan hệ tốt giúp chúng ta hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn. Chấm hết."