November 29, 2010

Vụn chẳng tiêu đề

1. Tối thứ 6 lạnh căm. Dim bảo 'mẹ ơi mẹ chở con đi mua xúc xích nhé'. Hòa hoãn 'hay sáng mai mẹ mua được không?'. Nhõng nhẽo một cách dứt khoát 'Không được, sáng mai con phải dùng sớm rồi'.
Thì ra nhóm mấy bạn gái trong lớp bỗng bày ra chia nhau mỗi người một ngày làm đồ ăn sáng mang đến lớp cho cả nhóm thưởng thức. 'Mai đến lượt con, con định làm cơm rang (cơm chiên) cho các bạn'.
Ồ cái này thì ủng hộ và đáng được khích lệ, kể cả phải chạy xe trong lạnh. Gật ngay khoác áo khoác khăn xuống lấy xe không ý kiến. Dim mua xúc xích, dưa chua, cà rốt, trứng. Ngầm mừng. (Kiểu cơm chiên này mẹ vẫn hay làm cho hai chị em) - một lời khen kín cho mẹ.
Sáng sớm thứ 7 mò dậy khi Dim đang lúi húi công đoạn cuối cùng: xắt nhỏ cọng dưa cải chua trộn vào chảo cơm. 'mẹ ơi con thử khá ngon, mẹ thử xem'. Thử. Ngon thật. Khen. Cậu tự hào 'Con sẽ bỏ vào hộp, còn thừa con để lại cho mẹ với Mei ăn sáng nhé'.
Ôi trời ngôn ngữ tiếng Việt của con tôi! Bật cười nháy mắt 'Ừ, hôm nay ưu tiên bạn chị Dim, mẹ và Mei dùng thừa cũng được' :))
Chút sau Dim ân cần bưng ra 'còn thừa' là một tô cơm chiên bới gọn ghẽ, đầy đặn. Nháy lại 'Mei ơi phần thừa mà thế này thì cũng được đấy chứ nhỉ'. Dim cười hì. Mei ăn cạn, vừa ăn vừa khen ngon (ngưỡng mộ chị Dim).

2. Sáng thứ 7 lên lớp buổi cuối cùng. Đúng hơn không phải 'lên lớp' mà là cho học sinh thi hết môn. Nói theo ngôn từ 'chuyên môn' thì có nghĩa sau đó là 'mất dạy'. hu hu.
Chào và cảm ơn các em đã chăm chỉ, cầu thị, giúp cô trong thời gian qua. Đại diện học viện đào tạo nói lời cảm ơn (nghi thức, chắc vậy, hihi). Lớp trưởng thay mặt lớp tặng cô gói quà nhỏ (là một chiếc áo len nhẹ sẫm màu). Thích nhất là câu chúng nó tranh nhau chen lời lớp trưởng 'môn của cô nhiều giờ nhất nhưng học hay và dễ hiểu' - món quà quý, thích quá đến thèm khoe.

3. Hôm nay phòng tạm xong nhiệm vụ làm đề thi nâng bậc (ngành đặc thù, hàng năm những nhân viên đến kỳ nâng bậc nghề phải qua kỳ thi). Chẳng hiểu sao danh sách những người trong ban ra đề lại được công khai. Mà khổ, trong ngành thì dây mơ rễ má nhiều lắm, bạn bè đồng nghiệp người quen, rồi bạn bè đồng nghiệp lại có em họ, anh họ, chị họ, cháu họ, cháu con bà chị họ, vân vân và vân vân. Một ngày mấy lần lải nhải điệp khúc 'cậu thông cảm cho tớ'. hu hu.
Sáng nay có sếp rôm rả ở phòng, nói vui 'sau hôm nay có lẽ nhóm làm đề xin nghỉ không lương một tháng xả hơi'. - 'Sao lại phải thêm 'nghỉ không lương'?' - 'Dạ vì đâu cần lương đâu, tình hình là bán đề cũng đủ sống :))'.
Hôm qua nhận một tin nhắn thế này "Cho chị đề (...) nâng bậc (...) cho sân bay (A) với. Em chị làm ở sân bay (A). Cảm ơn em nhiều". Tin có nhiêu đó, số không lưu tên, chắc là người trong công ty nhưng không phải thường gọi qua lại. Tự lấy đó làm cớ để im đỡ phiền.
Chả biết nói sao nữa. Người Việt mình vô tư hồn nhiên thật.

November 25, 2010

Lan man ước mong không nho nhỏ (1)

Hờ, ước mong dù có không to tát gì thì cũng cứ quyết tránh không nói 'ước mong nho nhỏ' vì mình vẫn thuộc lòng cái câu rất rất là gợi nghĩ 'lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp, giấc mơ con đè nát cuộc đời con'. Thế nào mà chiều nay mình lại lẩm nhẩm nhầm thơ của Tố Hữu, loanh quanh, rồi tìm ra là thơ của Chế Lan Viên. Có thế chứ. Thật ra ông Tố Hữu cũng nhiều thơ hay lắm đó, giá như mà Ông chỉ làm thơ! Sau này ông tham gia những việc to to ở những lãnh vực không liên quan gì đến thơ phú nên mới ra chuyện này chuyện khác. Nhớ có đọc một bài Bọ Lập viết về Ông đọc cười đau hết ruột (ở đây nè). Thế thôi lại lan man rồi, chỉ định mượn câu thơ về giấc mơ con thôi, rằng là mình ghét cái giường chiếu hẹp - giấc mơ con, nên cứ ước cho rộng cho đầu óc thênh thênh. Mơ mà mất gì.

Hôm nay cái đầu lan man thì viết lan man, kệ đi ha. Lan man qua chuyện giường chiếu hẹp giấc mơ con đè cái gì đó là mình ước mơ cái con hẻm nhà mình sáng quang sạch sẽ thiện cảm chứ đừng tối om hẹp hút như thế. Ước các chủ nhà hai bên con hẻm đều giống cái ông chủ một nhà đầu hẻm: ông ấy xây lại nhà, đập cái nhà cũ xây mới và bỏ luôn cái ban công/ lan can cũ lấn qua khoảng không của hẻm. Thế là ở khúc đó con hẻm có được một chút ánh sáng chiếu vào, mỗi lần đi qua nhìn thấy tia sáng vất vả luồn lách đậu xuống vai mà bước chân lâng lâng. Vẫn còn vài khúc hẻm hai bên từ tầng hai lên mỗi nhà gác ra một nửa che kín thành ra con hẻm rộng gần 2m mà người đi phía dưới cứ như đi qua hầm. Mới đây tổ dân phố mắc thêm bóng điện vào mấy chỗ 'được mở ra' nên bây giờ nó được như thế này đây (đi tối không sợ nữa):



Thế là tươi sáng hơn, mà tươi sáng hơn thì người ta lại lãng mạn và mơ mộng hơn. Mơ mọi con hẻm/ ngõ Hà Nội đều có ánh sáng. Hà nội yêu ơi Hà nội yêu, đành rằng khi yêu là mắt mờ hết cả nhìn gì cũng thành đẹp, ấy nhưng cũng chả thể đánh đu lãng mạn theo kiểu con quạ mà ra con công, căng mắt để đi trong cái ngõ tối om om mà đầu lắc lư miệng ngân nga 'phố nhỏ ngõ nhỏ nhà tôi ở đó'. Nhà mình phố to mà ngõ nhỏ, gọi nhỏ nhưng còn rộng hơn nhiều các cái ngõ của Hà Nội mà hai người đi ngược chiều hoặc cùng chiều mà một người vội chạy thì cả hai phải né đứng ra mới khỏi đụng, kẻo mà có chạm gì thì cô đỏ mặt anh ăn tát như chơi. Đấy đấy đang kể ngõ nhà mình, mơ ngõ nhà mình mà lại cứ lan man đâu đâu rồi.

Ờ mà thương những cái ngõ ở vùng trung tâm mà người ta phải khoét hai cái đường hào sâu thêm chừng 5 phân ở hai bên tường đúng tầm độ cao của cái tay nắm xe máy đặng còn dắt xe vô được bên trong. Hun hút hun hút vậy, chui chui vô ra vậy, những giấc mơ của họ sẽ thế nào nhỉ?

Mình vừa mới đi may chiếc júp đen đi làm ở cô bạn quen ở khu phố cổ. Vô đến 'nhà' của hai vợ chồng nó phải đi dọc một lối đi rộng chừng bảy mươi phân. Một bên là tường, bên kia khỏi tường luôn mà là một dãy các 'nhà' - tức là ngăn cho các 'hộ nhỏ' trong nhà. Thôi thì mỗi hộ đang ăn uống sinh hoạt ra sao, nằm ngồi, cho con bú... hiển hiện ngay cả. Nhớ đi thì nhìn thẳng, ngoài ra coi như mắt mờ, nha. Đi dọc lối đi gặp có đến ba bốn bà già ông già, chào mỏi hết cả miệng, hỏi ra thì đó nào là bà cô họ ông chú họ của chồng nó. Cả căn nhà đó rộng chưa được 4m dài chừng 20m từ thời ông thời bà thời cụ bây giờ đến con cháu rồi chắt, dễ đến 5 - 6 hộ, 3 - 4 - 5 thế hệ ở chung.

Họ người thì vì thói quen hay vì thương hiệu 'dân phố cổ' mà không muốn chuyển đi, người do không có tiền mua nhà ra riêng, người có tiền cũng không chịu đi để còn giữ 'thừa kế'. Ngày xưa nhà cửa chưa là tài sản lớn chứ bây giờ đất trung tâm đắt xắt ra miếng mà chia không chia được, thế là con cái lấy vợ lấy chồng cứ chui chung hết cả vào đấy, rồi sinh con đẻ cái, rồi con cái họ lấy vợ lấy chồng... cứ thế nên càng ngày càng đông đúc. Cậu bạn trước làm chung với mình là con trai phố cổ Hà Nội (thương hiệu), nhưng được biết cậu ấy đến lớn đi học nghề rồi vẫn ngủ chung với bố và 2 chị gái trên một cái gác xép nhỏ chừng 6m2. Xoay góc, xoay đầu.

Nhớ trước có lần ở Tân Sơn Nhất làm briefing (tư vấn trước chuyến bay) cho tổ lái, sớm giờ nên chuyện vãn một nhóm, anh phi công A320 bức xúc phán bậy: "Hôm qua tôi ở lại Hà Nội có việc ghé nhà người quen ở phố cổ phải chui con ngõ mấy chục mét tối thút lút như chui địa đạo Củ Chi. Mịa tôi mà là chủ tịch TP Hà Nội tui thả ngay 3 quả bom giữa trung tâm, đập hết xây lại mới ngon được". Tất nhiên là thân quen nói bậy vui, nhưng những con hẻm như vậy là có thật.

Thế là thả hồn mơ mộng mong cho mọi con hẻm/ ngõ Hà Nội đều sáng và đẹp thênh thênh để không còn những 'giường chiếu hẹp giấc mơ con'. Mẹ mình vẫn bảo đã sinh ra làm con người sống thế nào, chứ cả cuộc đời chỉ loanh quanh kiếm miếng cơm, rằng 'sinh ra rồi thì sống thôi', chán lắm.

November 24, 2010

Những niềm vui nho nhỏ

1. Viết sau ngày 20/11, nhưng lại muốn kể cuối tuần trước mình được một lời mời dự tiệc của một đơn vị thuộc VN Airlines: Lãnh đạo trung tâm mời các thày cô (qua các thời kỳ) dạy các khóa đào tạo nhân viên TT nhân ngày Nhà giáo. Được một lời khen 'môn của cô giáo dạy lại hấp dẫn nhất đấy, cô giáo chắc đi dạy đã nhiều?'. Trả lời 'Dạ ít, về nghề thì đây là lớp dài nhất'. - 'Vậy sao cô giáo dạy có vẻ như có nghề sư phạm lắm?' - 'Vậy thì chắc là tại gien đấy ạ.' (cười)
Nói với anh phó GĐ Trung tâm "Lần đầu tiên em được mời dự tiệc 20/11 với danh nghĩa là cô giáo, em thật sự rất vui".

2. Lớp mình đang dạy có hơn 2 chục học viên. Đa phần mới tốt nghiệp đại học (các trường khác nhau) vừa được TT điều độ khai thác bay tuyển vào làm việc. Lớp rất vui vẻ và có ý thức học. Buổi đầu mình thỏa thuận với các em 3 điều kiện: 1) Cô giáo sẽ không điểm danh vì các em đi học là để làm việc, buổi nào mệt mỏi các em có thể nghỉ, chỉ cần tự bảo đảm đọc kiến thức. 2) Thú thật là nếu nhìn thấy 2 bạn trở lên ngủ gật trong lớp là cô giáo mất hứng thú dạy. 3) Tắt hoặc để điện thoại chế độ rung trong giờ học. Các bạn cứ tự nhiên ra ngoài gọi điện nhưng không làm điều đó trong lớp.

Có thỏa thuận trước nên học viên rất 'theo'. Chỉ có một lần có tiếng nhạc chuông lảnh lót rộn ràng. Cô giáo dừng, cả lớp cũng im lặng. Không lời nào, nhưng sự im lặng làm chủ nhân tiếng chuông tự nhớ 'thỏa thuận', ra ngoài nghe điện.
Duy nhất mỗi lần đó. Cảm ơn các em đã tôn trọng.

Bù lại, lâu lâu thấy bài khô khan cô giáo lại kể chuyện vui hoặc pha trò, thay đổi không khí. Giờ mỗi lần nhìn thấy một nụ cười tươi thân thiện 'em chào cô' là lại thấy lâng lâng vui.

3. Lại chuyện dạy học. Một cô bạn đồng nghiệp bảo: 'Chị, hay là tụi em nhóm một lớp bọn trẻ con của mấy anh chị em nhân viên mình, chị dạy tiếng Anh cho bọn nó nhé?'.
Đã từng muốn lấy một nhóm những đứa trẻ chừng lớp 3 lớp 4 lớp 5 để dạy. Điều mình muốn không chỉ là kiếm tiền, không chỉ là vỏn vẹn dạy chữ, mà là dạy chữ qua những câu chuyện đời, những cách nghĩ, cách sống, cách yêu cha mẹ anh chị em bạn bè, yêu thiên nhiên, yêu bản thân, yêu cuộc sống, và nhìn ra thế giới. Mình thích nói chuyện với bọn trẻ và cùng chúng chơi đùa. Chúng sẽ học được gì đó, và mình cũng được những khoảng khắc nhìn thế giới qua con mắt của chúng.
Trả lời nhỏ bạn "chị thích dạy lắm, nhất là dạy trẻ con, dạy và chơi với chúng. Chắc chị sẽ dạy, chỉ là chưa phải lúc này, vì việc cơ quan bận trong giờ, ngoài đó thì phải ưu tiên cho Dim Mei đã.'

4. Tối qua dự tiệc mừng kỷ niệm Sinh Nhật 12 năm Dolphin Media, chủ nhân/ tổng GĐ/ người chèo lái là Blogger này - một người anh rất dễ mến. Về trễ, báo cho anh và vẫn quyết chạy đến. Thấy mình đã đúng bởi dạ tiệc chỉ gói gọn trong nhân viên Công ty, rất ít khách mời thân thiết của Dolphin và riêng một bàn cho nhóm nhỏ Bloggers quen thân. Cảm động vì sự chân tình yêu quý Bloggers của anh.
Về Anh và Dolphin tối qua đã được viết rất đủ ở đây rồi. Xin cùng chúc mừng anh và đồng đội (rất nhiều các cô gái xinh tươi chân dài). Mừng Dolphin vững bước. Mới 12 tuổi 1 ngày mà em lại đợi đến SN Dolphin sang năm để đỡ tiếc những phần bị lỡ không kịp coi/ nghe tối qua.

5. Dạo này mẹ bận, lại còn 'làm thêm', ít thời gian hơn cho Dim Mei. Khóa dạy còn tuần này nữa thôi. Công việc cũng sẽ dần chủ động hơn. Đang mơ một dịp cùng Dim Mei 3 mẹ con ba lô đi Nha Trang hưởng nắng lặn biển và tắm bùn.
mà từ nay đến cuối năm có nhiều những dịp offline to to của Bloggers-dễ-thương không nhỉ?
(Lại tư tưởng ham chơi rồi đây) :)

*** Bài đọc tham khảo:
- CON CÁ HEO 12 TUỔI (VMC)
- Loạt bài 'CÔNG TY TƯ NHÂN' (ĐMT)

November 18, 2010

Nắm tay và ôm chặt

Mình luôn tin rằng ai trên đời này cũng cảm đến cháy lòng vì một cái nắm tay ấm áp vững chãi hay một vòng ôm chặt thân thiết. Lúc mệt mỏi nhất, lúc ngã lòng nhất, lúc yếu đuối nhất, lúc đơn độc nhất... là lúc cần nhất một cái nắm tay, một vòng tay ôm. Và nếu một lúc nào đó mơ màng nhớ lại những thời khắc, mình cũng thường nhớ đến những cái nắm tay và vòng ôm.

Mình nhớ vòng tay Ba ôm khi đón con gái học xong về nước ở sân bay Nội Bài một trưa tháng 12 năm xưa. Ba cười rạng rỡ, vừa vòng tay ôm thật chặt ba vừa vỗ vỗ phía lưng 'con gái tôi, con gái tôi'. Ôi sao nhớ thế.

Nhớ một lần ở nhà ga Tân Sơn Nhất trước chuyến bay ra Hà Nội. Anh Q. và Qnh. đi tiễn, cả ba anh em chỉ đứng lặng im. Lòng trĩu nặng, mắt trĩu nặng mà không thể khóc. Nước mắt như vướng ngược ở trong. Đến giờ chào để vào cách ly, anh Quý kéo đầu em gái, hôn lên trán, vòng ôm, 'em đi nhé', nước mắt mới trào được giàn giụa. Khóc.

Rồi hôm nay đổi nền Blog, chọn cái mẫu nhẹ nhàng này lại được bonus cho đặt những khung hình phía dưới cuối. Chọn cái hình chụp được lúc ba đang dắt tay mẹ đi ngược suối - chỗ đó đá trơn và gồ ghề. Không tả được cảm giác mỗi khi ngắm bức hình. Ừ cũng không ít người thích cùng với mình tấm hình 'đôi này đã gần 50 năm dắt tay như thế'.

Chị Loan - vừa là tổ trưởng cũ vừa là người chị hay qua lại giúp đỡ 3 mẹ con khi mới chấp chới ra HN, từng cùng đội đồng nghiệp của mình mấy lần lên Thái nguyên chơi nhà Ba Mẹ, nói: "Em đừng lo cho Dim Mei sau này, chúng nó nhất định sẽ hạnh phúc hơn em. Bởi vì em sinh ra ở ngôi nhà mà mọi người luôn yêu thương, nhẹ nhàng, tình cảm quan tâm đến nhau, nên em sẽ mang điều đó vào cuộc sống của em và chờ đợi mong ước có điều đó, mà người thường ít được như vậy."

Chị nói có phần đúng dù không hẳn hoàn toàn. Tuổi thơ Dim Mei có điều thiệt thòi hơn mình, nhưng vẫn luôn ấm áp đầy đủ tình yêu thương. Mình sẽ vẫn luôn nắm tay và ôm chặt con những khi con cần một sự nâng đỡ, sẻ chia, hay đơn giản chỉ là để nói rằng mẹ đang ở bên, cho dù vì điều này con có thể trở nên tình cảm và mong muốn tình cảm nhiều hơn người khác...

Clip: Miracle of love is never ending to take care.



*** Entry liên quan:
- SAPA - KỂ CHUYỆN BẰNG HÌNH
- BA MẸ

November 15, 2010

Bước nào.

Cuộc đời mình được bao nhiêu lần 1 tuần nhỉ? Bỏ đi một tuần thì sao? Mình mất 1 tuần như quên, như trôi. Sớm nay lên cơ quan ngồi ghi note cho tuần mới, định bỏ hẳn tuần qua mà vẫn vướng: Chìa khóa office, chiếc khăn choàng yêu thích, thẻ nhớ chứa công việc thường luôn đi kèm theo người, giờ mỗi cái mỗi nơi.

Đọc lại "Buồn ơi chào mi" của sontt trên LHSVN "Phật dạy đời là vô thường, sinh lão bệnh tử, như bốn mùa xuân hạ thu đông. Bạn làm sao tránh được đau ốm, khi đời bạn là hữu hạn, biến đổi không ngừng trong mỗi phút giây đi qua? Bạn sao hết được vui, buồn, giận, ghen khi mọi người chung quanh bạn đang vậy? Bạn không tránh được gì hết. Vì dù bạn có được lựa chọn như thế nào, thì chỉ có chính bạn mới đang in dấu từng bước chân trên con đường đời của bạn.
Và bạn lên đường với bao nhiêu điều chợt đến, một khúc rẽ may mắn, một bước ngoặt chia ly, một đoạn đường hạnh phúc, hay là dòng sông sâu ngờ vực, đá ngầm toan tính, hay bạn đang đi giữa biển người xa lạ mà lòng dạ cô đơn quạnh hưu... Đó chính là muôn dạng hình hài của nỗi buồn nhân thế - bất tận mà bạn sẽ đi qua.
Đừng chạy trốn nó, hãy đón nhận nó theo cách của bạn: sự kiên nhẫn của bạn, sự kiềm chế của bạn, hay cả sự khờ dại của bạn nữa. Dù mạnh mẽ hay yếu đuối, dù tâm trí sáng suốt hay non nớt, bạn hãy đón nhận nỗi buồn bằng những gì bạn có thể.
Bạn hãy coi rằng, mỗi chặng đường là một lần thử thách, đầy sống động, mới mẻ, hãy vui vẻ và sáng tạo trên mỗi bước đi, còn đích đến chỉ là một điểm dừng chân với chút mệt mỏi vì chặng đường đã qua.
Còn chần chừ gì nữa mà bạn không nói với mình: Buồn ơi, chào mi! Ta lên đường đi tiếp đây!"

Ừa, ta lên đường đi tiếp đây.

Nào tự khai nhận đi, cơ quan vừa phát lương tháng sau 10 ngày báo trễ vì những lý do quyết toán tài chính gì gì đó. Chả biết có phải trùng hợp hay không, nếu có thì hẳn ra mình cũng bị phụ thuộc vào tiền bạc nặng ta ơi.

Cuối tuần, comments tin nhắn bạn bè í ới kéo đẩy dậy đi, dậy đi, làm vừa ấm áp vừa như muốn mềm ra mèo ướt mắt ướt mi. Bỗng nhận được một tin nhắn "Chị đang tâm trạng nhạt, có thể sắp yêu? thật đấy". Bật cười, nếu đúng 'thật đấy' thì chắc lâu lâu phải nhắc tâm trạng nhạt một lần, nhỉ?? :))

Lại nghe lỏm được đối thoại của hai chị em Dim Mei:
Chị: - Chị Trinh lớp 9A3 chơi thân với chị ấy, các bạn lớp chị đều thích chị ấy.
Em: - Chị Trinh thì ai chẳng thích. Chị ấy xinh chị nhỉ. Xinh dễ được thích chị nhỉ. Các bạn em cũng khen chị xinh nữa.
Chị: - Xinh được thích chỉ là ban đầu thôi. Sau đó còn tùy thuộc xem em có hòa đồng với xung quanh không, có biết quan tâm đến mọi người không.
Em: - Các bạn lớp em nhiều người biết chị lắm, hay hỏi em 'chị Phương là chị cậu à?' (Phương = Dim)
Chị: - Ừ, mẹ O. thường dạy mình sống tốt, biết quan tâm đến mọi người, cứ sống tốt thì sẽ được quý thôi.

Lẽ gì mà không bật dậy. Mặc đẹp vào nào. Tươi tỉnh lên nào. 3 mẹ con đi vòng vòng sắm đồ nhé. Nguyên một giỏ đồ thu. Mua tặng chị Tuyết một bộ nữa. Xong rồi 3 chúng mình sẽ ra quán Ốc Cay cũng gần thôi. Ven hồ. Dim chiến một lèo 3 con tu hài nướng mỡ hành. Chẹp chẹp. Mei lần đầu được làm người lớn hòa nhập vào thế giới 'ốc óp', hứng thú lắm lắm mới món ốc bươu xào me' chua chua ngọt ngọt cay nồng. Hít hà. Yêu.

Nào mình bước cho tuần mới.
(Có thể là sắp yêu. Hihi)

Boulevard - Dan Byrd

Đầu tuần nghe nhạc nha. Bạn mình ơi ai có bài gì hay giới thiệu cho đi. Làm một collection 'Những bài hát yêu thích của Bloggers' :)

November 12, 2010

Không hứng thú

Không có hứng thú. Tự nhiên mất hết mọi mối quan tâm. Cái óc như bị đứt hết rễ còn lại củ đậu tròn trơ ì, chẳng nghĩ thấy cái việc gì, không nhớ người thân, bạn bè, người quen.
Có ai gọi, việc gì nhắc thì gọi được chút, rồi lại trôi đi đâu mất.
Đám cưới con của bạn, việc không được quên, vậy mà cũng bẵng quên chúc.
Gần tuần rồi không gọi điện về cho Ba Mẹ.
Đi làm, ăn, ngủ, đưa đón con - những gì đã thành lịch làm đủ như một cái máy. Không cả sách truyện TV. 9h tối là hết việc, lên giường.

Sống như thế này thì có thành heo không?

November 08, 2010

Ham mê trẻ con

1. Mình có một tội là ham mê trẻ con.

Ngày xưa mình chưa 'mắc cái tội' này. Đi đâu thấy trẻ con thì chỉ thích hít hà ôm ẵm một tí, mà phải là đứa trẻ xinh xắn dễ thương thơm tho cơ. Nhưng từ khi có Dim Mei mình càng ngày càng mắc nặng chứng yêu trẻ con. Mình yêu tất cả những đứa trẻ, tất cả luôn, bất kể là do mình đẻ ra, do anh em ruột rà bạn bè người quen đẻ ra hay chẳng hề dính dáng quen biết. Yêu đến nỗi thiên vị hoàn toàn, rằng đứa trẻ nào khi sinh ra cũng tinh khôi, vô can trong tất cả mọi thứ phức tạp của XH, và rằng nếu có gì không-đáng-yêu ở một đứa trẻ thì tất phải có nguyên do từ người lớn.

Mình luôn có một lý thuyết rằng mỗi đứa trẻ mang gien về khả năng tiếp thu và kiểu tính cách (trầm hay sôi nổi cởi mở, nóng nảy hay bình tĩnh, tỉ mỉ hay đơn giản...), nhưng còn kiến thức nó có, ngôn ngữ vốn từ, cách suy nghĩ, nếp cư xử, quan tâm đến xung quanh, nhận thức về cuộc sống, định hướng cho bản thân... là do sự giáo dục mà nó được hưởng tạo thành. 'Sự giáo dục' nói chung cho những gì bé ảnh hưởng, trực tiếp từ những người lớn quanh bé, từ môi trường bé tiếp xúc, từ trường học và các bạn (khi bé đi học). Cha mẹ (người nuôi dưỡng) vì thế có thể tăng tác động bằng cách lựa chọn những môi trường để đưa con đến và hạn chế con khỏi những môi trường không lành.
Mình thường (kín đáo) chọn nơi nào cho Dim Mei đến chơi/ nơi nào né; đến đâu ở chơi lâu/ đến đâu chỉ ngồi vui một chút... kể từ khi Dim Mei còn đang học nói. Điều này tế nhị nên chỉ tự lựa thế thôi. Lớn lên kể cả du lịch cũng gắn thêm một chút mục đích cho con học được điều gì ở mỗi chuyến đi, ngoài việc nghỉ ngơi thăm thú.

Nói quanh đi quanh lại thì vẫn là mình bị cái tội quá yêu trẻ con nên luôn thấy sinh ra đứa trẻ nào cũng là thiên thần, hễ có gì chỉ là câu hỏi của người lớn. Không ai có kinh nghiệm khi nuôi đứa trẻ đầu tiên, nhưng bản thân việc nuôi dạy những đứa trẻ là một trường học lớn cho những ai chú tâm lắng nghe, đọc, và học hỏi. Mình đương nhiên cũng đầy điểm thiếu trong dạy Dim Mei. Chỉ là mình ham mê trẻ con thành thích đọc, thích học về trẻ, thích gần thích nói chuyện với con nít, thế thôi.

2. Đi công tác 2 chuyến ngắn nhưng liên tiếp thành ra dài. Mọi lần thì thế nào cũng kêu gào bà tới thay thế mẹ, lần này bà bận việc ở quê, thành ra với Dim Mei là chưa bao giờ đi vắng như thế. Ấy thế mà về nhà thấy mọi thứ vẫn y nguyên, gọn gàng đâu vào đó như chưa từng có ai vắng bẵng. Gõ cửa, vào nhà, cũng A, a.. chào rộn ràng, rồi thử quà, rôm rả được chừng mươi phút rồi thì ai vào góc ấy, như chả từng trống thiếu gì mấy ngày qua. Chợt tưởng tượng năm ba năm nữa mươi phút ấy sẽ co lại chỉ còn 3 phút hay ít hơn.
Thấy rưng rưng khi nằm mệt bé em đem cho mẹ ly nước 'mẹ uống nước đi', bé chị giục 'mẹ đi ngủ sớm không mệt'. Nhưng đấy là chúng chăm sóc lại. Mình thèm cái cảm giác chúng cần và thiếu mình kia. Ừ biết không phải. Biết chúng đã lớn. Sao vẫn thèm cái cọ rọ rúc rúc, ỉ ôi nhõng nhẽo. Mâu thuẫn. Chỉ mong đi vắng ở nhà chúng bảo nhau ngon lành, khi chúng ngon lành không cần mình những ti ti như trước nữa lại hẫng trống ngơ ngác không sao lấp được. Biết nghĩ gì không? Hay là lấy chồng và đẻ một em bé tí lẫm chẫm quẩn quanh.

3. Từ lúc nào nhỉ bắt đầu có chút thay đổi 'chiến thuật'. Xưa nay thủ thỉ 'tiêm chích' với Dim Mei chỉ luôn là 'hãy học, hãy sống tốt, hãy phấn đấu là để cho chính các con sau này, để thành người tốt, để các con tự tin trong cuộc sống, để bảo đảm được cuộc sống cho mình và lo cho những người khác'; bỗng dưng lần này có chút thêm 'vì mẹ':
Hôm qua cùng Dim Mei đến nhà bác Nh. thân với cả nhà, kể lại cho hai bác câu chuyện của Mei 'mẹ ơi đúng là mẹ nghèo nhất trong số các bạn của mẹ, vì mẹ có một mình' (link). Cả hai bác cười bảo "Mẹ có Dim Mei là cả gia tài rồi". Tranh thủ "Vâng, mẹ cháu cũng nói mẹ chỉ nghèo tiền một chút xíu thôi, nhưng mẹ có Dim Mei. Thế nên nếu Dim Mei ngoan, chịu học, biết cố gắng sống tốt thì mẹ giàu có hơn nhiều người, còn như nếu chuệch choạc thì coi như mẹ thua trắng". Nhìn nét mặt và ánh mắt hai chị em Dim Mei lúc ấy thì biết là ngấm. Thắng to.

November 06, 2010

Một chút hình

Chuyến đi công tác (thảo luận đôi bên một số việc về phối hợp điều hành bay giữa hai FIR: FIR Hochiminh và FIR Singapore). Đi sau bữa té xe 2 ngày. Đầu gối chưa hết đau mà vẫn đi đã chân luôn :)

Đội nhờ cơ sở bên kia đặt trước KS, thế nào lại thành KS ở ngay trong khu Geylang - khu đèn đỏ có tiếng của Singapore. Thế là khối chuyện để ngắm, để hài và để cười cho hết thời gian rảnh sau họp (tối nào mấy anh em trong đội cũng rủ nhau đi dạo một vòng rộng tới 10h - 11h đêm mới về, ngắm thôi :))

Ngày họp thứ hai 04-11 cả hội ATS (Air Traffic Services) của Sing nháo nhác vì chiếc A380 của Quantas Airlines đi Sing-Sydney hỏng động cơ quay lại Changi. Mảnh vỡ lớn phần thân phía đuôi máy bay rơi xuống một đảo của Indonesia khiến News các nơi nháo nhác tin máy bay rơi trong khi nó vẫn đang bay trở lại, còn vòng thêm 45 phút nữa để đốt xả bớt dầu rồi mới hạ xuống Changi (nguyên tắc an toàn). Một bên chờ nó vòng về, chuẩn bị mọi phương án, trong khi trên truyền thông tin tức cứ nháo nhào, căng thẳng kinh. Nhìn thấy nó bay về hạ cánh an toàn, toàn bộ hành khách + phi hành đoàn bình an, hú vía.

Một chuyến đi ngắn nhưng thú vị.

Họp:


Trong khoang mô phỏng của Học viện hàng không Sing (không thể chụp sáng hơn)


Tranh thủ hết giờ thì đi chơi: Tới tầng 56 hình chiếc thuyền đặt trên nóc và nối 3 tòa nhà nổi tiếng - khu Casino + mua sắm + khách sạn do Las Vegas đầu tư (Marina Bay Sands)



Quần thể ấy đây:


Nhìn từ ngay phía dưới lên:


Khúc giữa chiếc-thuyền-trên-không có cả một hồ bơi lộ thiên đẹp như mơ dành cho khách nghỉ ở KS (giá chắc không dưới $1000/ đêm).

Còn khách này chỉ là chụp hình ké thôi:


Chụp trước cửa học viện Hàng không Singapore, ngày đầu:

Hôm sau:


Với Jie - cô bé người Sing dễ thương và tinh tế, bạn hồi học ở Monash: share cooking, share dinners, share tình thương mến.


Chiếc A380 được đội xe cứu hỏa hùng hậu 'chăm sóc' khi vừa hạ cánh trở lại Changi (bbc.com, washingtontimes.com, vnexpress.net)



Peter (ngồi), sếp bộ phận an toàn của Điều hành bay Sing từ chỗ chiếc A380 Qantas chạy thẳng về bữa ăn tối chia tay:


*** Entry liên quan:
- CHUYỆN NGHỀ 4