June 05, 2019

BƯỚC CON LÒNG MẸ

Bạn Dim hôm nay qua vòng phỏng vấn cuối cho công việc tại một công ty.
Đây là chỗ phỏng vấn đầu tiên trong vài chỗ Dim apply và được hẹn phỏng vấn. Hỏi thế Dim có nói với họ thế không, bạn nói con cũng nói thật với họ thế, xong họ hỏi nếu được vài nơi gọi thì điều gì bạn lấy làm quan trọng để lựa chọn việc làm?
Trả lời là "là văn hoá và môi trường làm việc".
Mon men mẹ 'hướng dẫn' thêm: "Nên nói cả lương nữa chứ, câu trả lời đúng được điểm, câu trả lời thật được cảm tình".
Bạn í trả lời mẹ "Con ko muốn nói cái gì nó ko đúng với những gì con suy nghĩ/ Lương với con có quan trọng nhưng không phải ưu tiên 1 vì mình mới ra trường chưa nhiều kinh nghiệm, nên không đòi hỏi/ Môi trường quan trọng vì nếu khác với quan điểm sống của con con sẽ không làm được lâu dài".

Chuyện với bạn xong, lòng mẹ cứ ngấm ngấm mừng.
Cần nói thật rằng nỗi mừng ko phải vì công việc. Trong thâm tâm mình vẫn mong Dim Mei sống ổn định nếu ko là VN thì ở đâu đó gần gần; Mỹ và Châu Âu tốt nhưng quá xa và khác biệt quá. Chỉ là, không thể có mọi điều như mong muốn. Để các bạn tự tập bay.

Mừng vì những điều khó nói hơn. Mừng vì cuộc phỏng vấn đầu nên kết quả sẽ cho Dim tâm lý tốt và tự tin. Mừng hơn là ở cách con nghĩ và nói và trả lời "con ko có muốn nói điều gì ko đúng với những gì con suy nghĩ" ngay cả trong bối cảnh quan trọng là phỏng vấn việc làm. Để cân bằng cái risk, bạn xác định phấn đấu để có thể tự tin đứng thẳng không phụ thuộc, nếu ko may gặp môi trường ko phù hợp với quan điểm sống của mình.
Mừng khi 'đọc' thấy cách bạn tư duy, bản lĩnh và độc lập. Sâu hơn, mừng khi cảm nhận con đã thừa hưởng gì đó giá trị từ cụ ngoại, bà ngoại, mẹ (hay có thể từ trước nữa). Những giá trị lòng mẹ mong muốn và ưu tiên dạy con từ nhỏ thơ giờ đã thấy bắt đầu...

Tự nhiên nhớ lại như thước phim. Bà ngoại đã sống qua bĩ cực khi rơi từ cuộc sống đủ đầy xuống tai họa cải cách ruộng đất, vẫn giữ lòng nhân hậu, sự kiêu hãnh ẩn dấu, và kiên cường dạy con, cháu phải học tri thức. Chuyện mẹ kể khi nhà nghèo đẩy cỏ thuê bị tước đoạt tiền công và lời tự nhủ phải sống vững vàng và biết thương nghèo khó.
Rồi lật giở lại những cố gắng, những giá trị ưu tiên mình đặt ra để hướng nuôi dạy Dim Mei. Từ bàn bạc việc chọn trường, chọn thầy đến những câu chuyện hàng ngày - chuyện trường, chuyện lớp, chuyện bạn bè con, chuyện cơ quan mẹ để 'đưa' ý niệm sống ngay thẳng, biết quan tâm tới mọi người chân thành và không thỏa hiệp với cái xấu/ mua bán đổi chác/ hạ mình xin xỏ nhưng cần biết tránh bị gai góc bầm dập. Muốn vậy, chỉ có cách mình cần luôn học hỏi vươn lên và sống tốt.

Cứ như thế,
từng bước, dọc quãng đường.
Nhớ câu chuyện một ngày đi học về Dim nói với mẹ về lý do con định từ chức lớp trưởng năm cuối cấp 2 và mình cùng đồng ý.
Nhớ mẹ đồng hành cùng Dim khi câu chuyện cô giáo chủ nhiệm lớp 9 cư xử không phù hợp với con và các bạn gái trước lớp đã trở nên quá khả năng chấp nhận, không đơn giản là bảo vệ các con mà hướng dẫn các con cách đối diện với khó khăn, bất công, rằng sự thật sẽ thắng nếu ta biết bình tĩnh, không sợ hãi và tìm sự ủng hộ ngoài ánh sáng.
Nhớ khi con lớp 10, lần đầu chuyển sang hệ trường công, môn toán Dim không đi học thêm cô, điểm thấp, hai mẹ con xác định nếu cần sẽ chuyển từ lớp chọn về lớp thường...
Để cuối cùng, sau mọi câu chuyện, con vẫn bước thẳng, vẫn có nhiều thầy cô, phụ huynh quý mến tôn trọng, các bạn thân quý. Và, cả tự hào về 'mẹ tớ'.

Từng bước, ngấm theo tháng năm?
Hôm nay 'đọc' bạn qua chuyện phỏng vấn, lòng mẹ thầm ngấm vui, nhận về.

February 07, 2019

TẢN VIẾT MÙNG 2

Tối Mùng 2 đặt chuyến xe cuối cùng Thái Nguyên Hà Nội vì muốn nán lại cơm tối với Ba Mẹ. Xe nhiều trẻ con, xuất phát hơi trễ vì có người tới muộn nhưng ai nấy thông cảm cho nhau, đều là đi/về người thân TN và HN. Tết.
Đường thoáng ít xe. Vắng. Đến bắt taxi cũng khó. Người xài dịch vụ nhiều hơn người làm. Thì Tết. Tới nhà, mình châm nước cho hoa, tưới cây rồi cho Bông đi dạo, không quên mang theo ít lì xì. Đội bảo vệ/phục vụ hai toà nhà cả ngàn hộ dân làm việc 24/24, ngày Tết bận gấp đôi ngày thường. Nhận lại những ánh mắt nụ cười và cảm ơn. Cậu bé trông xe tầng B2 còn con chúc cô Năm Mới mạnh khoẻ và may mắn. Không phải tiền một vài chục mà là cảm giác được thấu hiểu, cảm thông. Mình từng nhiều năm làm ca, trực Tết, nên biết điều này.
Lên nhà, chưa ngủ, vẩn vơ ngược về ký ức, thật ra 17 năm trực ca của mình dù sao cũng ca quý tộc: công việc khá ‘hot’, cổ cồn, lương cao. Để nhắc sẽ nhắc ngày đi học Msc ở Úc, mình làm part-time đủ việc thật sự là lao động: Bán quầy cá tươi trong chợ Springvale (chợ châu Á), phụ tiệm bánh mì thịt của chị Trang ở khu phố Tây Camberwell, rồi làm công nhân trong xưởng xay bánh mì cũ thành thức ăn cho bò, cừu gần Caulfield. Bán cá về người đầy mùi cá, làm nhà máy bánh mì về người đầy mùi chua, quần áo đến tóc chua đến cả da, tắm nửa tiếng vẫn còn thoảng chưa hết.
Nhớ hôm theo mẩu ad (quảng cáo) trong trang sinh viên Monash tìm tới nhà máy xin việc, Ed, cậu chủ, nhìn mình nữ nhi nhỏ nhắn ái ngại “nhưng ở đây bụi, ồn, và bẩn...”. Câu trả lời “Thì sao, tao (tôi/I) cần tiền, ở đây tôi làm ra tiền sạch” khiến cậu gật đầu luôn. Sau thì thấy mình là gái duy nhất đứng dây chuyền/lái xe nâng trong tất cả số công nhân ở xưởng của Ed ngày đó (chắc cả mãi sau này). Khi mình học xong, xin nghỉ, Ed còn làm party nhỏ chia tay.
Tụi sinh viên Việt dần dà giới thiệu nhau làm cho xưởng của Ed thành một nhóm. Giờ mình vẫn tự hào về tụi ấy, Michael Tran, Hung Manh Phan, Dinh Quoc Dong, và Hong Nguyen (gái, làm phụ văn phòng). Tụi mình được Ed trả hình như 14 usd/giờ sau thuế (112 đô/ngày 8 tiếng), có tax đàng hoàng, cao hơn những việc làm cho chủ châu Á.
 Người Úc công nhân trong xưởng của Ed ít, chủ yếu là người nghèo trong thời gian thất nghiệp vì việc thời vụ, đa phần là sinh viên làm thêm. SV = người nghèo. Mình kệ, happy nhủ mình làm 2 ngày cuối tuần bằng lương em mình khi ấy giáo viên ở Việt Nam dạy cả tháng, thì tại sao không.

 Thi thoảng lại có những lúc như hôm nay, ngẫm ngợi, ngầm tự hào Lana đã làm qua những công việc chân tay đúng thực lao động phổ thông người nghèo, coi như từng ‘lăn lộn’, dù ngắn, nhưng đủ cho sự hiểu cái cảm giác hạnh phúc ấm áp nho nhỏ nhận về khi chia bao lì xì với nụ cười thân thiện cho người lao động nghèo, ngày Cuối Năm, ngày Tết.

January 20, 2019

19.01 nhân ngày Hải chiến Hoàng Sa 1974 viết về cuộc chiến giành lại quyền điều hành vùng FIR phía nam

Hôm nay 19/01, nhiều người nhắc sự kiện TQ chiếm Hoàng Sa 1974 từ Hải quân Sài Gòn. Dù chưa lấy lại được, các thế hệ VN rất cần được biết đầy đủ về lịch sử đất nước mình.
Như có gì thúc mình tìm lục ghi lại về những biến động với vùng FIR trên không của Việt Nam - cũng quan trọng như biển đảo - cũng gặp những biến động qua các mốc thời gian - mà rất tiếc rất ít bài báo, tư liệu ghi lại. Rất rất ít phổ biến.
Các mốc ấy là 1975, 1994, 2006.
1. Tóm tắt:
- 1975: Phía bắc có FIR Hà Nội do Miền bắc VN quản lý. Phía nam có FIR Sài Gòn bao phủ khu vực rộng lớn trên Biển Đông do Miền nam VN quản lý. Sau 04/1975 Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) tạm chia phần lớn vùng FIR SG trên biển thành các vùng trời tạm giao trách nhiệm (AOR = Area of Responsibility) cho Hồng Công, Thái Lan và Singapore quản lý để điều hành các chuyến bay quốc tế bay qua khu vực, do VN (mới) chưa đủ khả năng điều hành.
- 1994: Sau rất nhiều nỗ lực của chính phủ mà chủ chốt là các lãnh đạo ngành HKDD Việt Nam, ICAO đã phê chuẩn cho VN nhận lại phần AOR đã giao cho Singapore và Thái Lan từ 1975.
Phần AOR do HK quản lý chưa đòi được (tất nhiên, vì TQ).
Năm 1997 TQ lấy lại HK.
- 2006: TQ thiết lập FIR Sanya trên Biển Đông (trước đó, từ 1997 TQ vận động để thành lập AOR Sanya có 1 phần của FIR SG, 2006 đc ICAO phê chuẩn tạm giao AOR Sanya, 2006 chuyển thành FIR (xem hình bản đồ FIRs 1994 và 2006 dưới bài).

2. Vùng thông báo bay (Flight Information Region - FIR) “là vùng trời có kích thước xác định mà ICAO giao cho các quốc gia thành viên chịu trách nhiệm trước cộng đồng hàng không dân dụng quốc tế về cung cấp dịch vụ thông báo bay và báo động”. Mặc dù theo ICAO định nghĩa, FIR mang tính kỹ thuật đơn thuần chứ không mang ý nghĩa chủ quyền lãnh thổ nhưng thực chất quốc gia nào quản lý điều hành FIR nghĩa là họ cung cấp dịch vụ thông báo bay, dịch vụ báo động và quản lý mọi hoạt động bay ở vùng trời đó, và thu tiền của những hãng hàng không sử dụng dịch vụ (bay qua).
Rõ ràng việc quản lý điều hành FIR có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về kinh tế lẫn an ninh quốc phòng đối với một quốc gia.

3. FIR Sài Gòn “chia năm xẻ bảy”
Trước năm 1975, FIR Sài Gòn, được thiết lập tại Hội nghị Không vận Trung Đông - Đông Nam Á năm 1959, bao gồm từ vĩ tuyến 17 xuống tới 07 vĩ độ Bắc, chiều rộng từ biên giới Việt – Lào, Việt – Campuchia ra tới 114 độ kinh tuyến đông, tức là bao gồm cả vùng trời miền Nam Việt Nam và cả vùng trời rộng lớn thuộc biển Đông. (trích từ các bài trong link a, b dưới đây)
FIR Sài Gòn chiếm một vị trí địa lý quan trọng trong giao lưu hàng không quốc tế. Thời điểm 4/1975 miền Bắc chưa đủ khả năng tiếp quản sự điều hành bay trong toàn FIR Sài Gòn mà chỉ quản lý, điều hành vùng trời trên đất liền của FIR Sài gòn, các tuyến giao thông hàng không trên biển Đông vì thế bị tắc nghẽn. Để giải quyết sự bế tắc này ICAO đã vạch ra một kế hoạch ứng phó gồm thiết lập các đường bay trên biển Đông, đồng thời phân chia phần công hải trên biển Đông của FIR Sài Gòn thành ba vùng trách nhiệm tạm thời (gọi là AOR) giao cho ba trung tâm kiểm soát đường dài Bangkok, Singapore và Hồng Kông điều hành”. (a)
Note: Giai đoạn này ngành hàng không Trung Quốc đang có kế hoạch mở rộng FIR Quảng Châu, Sanya với vùng trời mở vào FIR Sài Gòn cũ. (b)

4. Giành lại quyền điều hành FIR (Vùng thông báo bay) phía nam:
Ngành HKDD VN thế hệ những năm 1990s có quyền tự hào về việc giành lại được quyền điều hành phần lớn vùng FIR phía nam thuộc FIR Sài Gòn cũ. Đường lối của Chính phủ và ngành HKDD khi ấy là vừa quyết liệt đầu tư nâng cấp cơ sở, trang thiết bị, con người, vừa khéo léo đàm phán ở các diễn đàn quốc tế, ICAO, đàm phán song phương với Thái Lan, Singapore ... để cuối cùng ICAO phê chuẩn chính thức phần AOR thuộc Singapore và Thái Lan trả lại cho Việt Nam.
Trung Quốc gây khó dễ và ko chịu trả AOR Hồng Công (tất nhiên rồi).
Và giờ TQ đang mưu mô áp vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên toàn biển Đông.
Có một số bài báo nhưng đều bị thiếu ko đủ thông tin kiểu của ‘bên thắng cuộc":
a)https://m.anninhthudo.vn/phong-su/gianh-quyen-dieu-hanh-vung-thong-bao-bay-chuyen-bay-gio-moi-ke/436341.antd?fbclid=IwAR3pMaH3rnlE0F6JoccaQvsgtnmgopt2e3BB3yO--uigH8rS5j7iekLJN9k
b) http://www.baogiaothong.vn/hanh-trinh-gianh-lai-quyen-dieu-hanh-fir-ho-chi-minh-d95925.html?fbclid=IwAR3NUIcrmVkD6T-ux6gvI0p3v5bqDTqUYFORXas5jxDX1Vy3gpygu9euo2g

Chép lại kẻo mất: 
During the Fall of Saigon, ICAO, in 28th of April 1975, had divided FIR Saigon into 3 AOR: Bangkok, Singapore and Hongkong, then they gave these AOR to the corresponded FIR.
In the 7th of December, 1994, ICAO sent AOR Bangkok and AOR Singapore back to FIR Ho-Chi-Minh.
In the 1st of November, 2001, ICAO gave part of AOR Hongkong to FIR Ho-Chi-Minh, and created AOR Sanya from the remained part of AOR Hongkong.
In the 8th of June, 2006, ICAO changed AOR Sanya to FIR Sanya.
ở link này:
https://aviation.stackexchange.com/questions/24211/where-can-i-find-old-historical-fir-map?fbclid=IwAR3eMRaU77CXoSSp1z7RHJ0SBwrYzPH618H-zc5CeOMtfhgjUq7rFyJkexc

 Bản đồ FIRs thời điểm trước 01.2006

Bản đồ FIR tại trang web ICAO hiện nay