July 09, 2013

Chữ tình, chữ người

Người ta thường nhân danh tình yêu để lý giải rất nhiều điều. Tôi thường tìm tình yêu thực sự trong những câu chuyện cuộc sống.

Note này viết từ năm 2011,
Viết, rồi giữ lại, bởi ngại đụng chạm.
Tôi sợ.
Bởi tôi người phụ nữ độc thân, và độc lập.
Tế nhị,
tôi có lý do để lo sợ đá ném.
Sợ đụng chạm đến nhiều phần trăm phụ nữ Việt luẩn quẩn 'Tấm Cám' suốt cả cuộc đời họ, sợ đụng chạm đến những đàn ông Việt đang sống với những người vợ Việt 'Tấm Cám'. Nhưng dù vậy, tôi vẫn muốn những người bạn đọc bài này sẽ là số phần trăm còn lại.

Bạn tôi, fan của chương trình truyền hình tìm người thân trên truyền hình Nga, chương trình "Đợi anh về" - đi trước của VTV "Như chưa hề có cuộc chia ly", ít nhiều liên quan đến những người từng sống, học tập và yêu nước Nga những năm xưa. Từ Blog của bạn, tôi được biết hai câu chuyện cuộc sống gần hệt như nhau, thế này:

Câu chuyện 1 (ở đây): Một ngày năm 2002 có một mẩu tin trên chương trình 'Đợi anh về': "Tên tôi là S.I. , năm nay tôi 15 tuổi. Tôi muốn tìm cha tôi, một người Việt Nam, tên là (...) . Cha mẹ tôi quen nhau khi ông học nghiên cứu sinh tại Viện hàn lâm khoa học (...). Năm 1989, khi tôi 3 tuổi, ông làm xong luận án tiến sĩ chuyên ngành (...) và trở về nước. Ông trao đổi thư từ với mẹ tôi một thời gian, sau đó thì bặt tin. Mẹ viết thư về địa chỉ cũ, nhưng thư đều quay lại. Chắc cha tôi đã chuyển đi nơi khác. Nay mẹ tôi không còn nữa, tôi không còn ai thân thích trên cõi đời này. Trước khi qua đời, mẹ tôi nói ông sống ở Hà Nội. Tôi rất muốn tìm lại cha tôi, các anh chị em của tôi ở Việt Nam".

Gần 7 năm sau, người viết vô tình 'gặp' ông ấy, một người có chức danh và học hàm khả kính. Đáp lại thông tin gần như chắc chắn về đứa con rơi đang tìm ông, ông trả lời "chuyện không đơn giản. Sau khi về VN, tôi đã quay trở lại đó một lần, đã đến thăm hai mẹ con. Nhưng cuộc sống có những phức tạp riêng của nó... Tôi không chối bỏ cháu, nhưng tôi muốn giải quyết mọi chuyện một cách êm đẹp, không ồn ào... Tôi sẽ nhờ anh nói chuyện với cháu nhé. Tôi quên sạch thứ ngôn ngữ đó rồi, Tôi muốn nói với cháu rằng tôi rất yêu cháu và muốn gửi cho cháu một ít tiền".
Bạn tôi "im lặng. Không biết phải nói sao về phương án mà ông đưa ra. Ông kể tiếp ông có 2 người con, một cô con gái và một cậu con trai. Cả hai đều đã lớn, đã đi làm.
- Anh này, sao anh không nói với chị? Bao nhiêu năm đã qua rồi. Em nghĩ chị ấy sẽ tha thứ. Hơn nữa, cô bé chỉ còn lại có một mình. Biết đâu, chị ấy động lòng. Dù sao thì cũng là con của chồng mình...
- Không đơn giản thế đâu em. Để anh suy nghĩ thêm nhé. Anh không muốn làm chuyện này ồn ào.
Lần thứ hai ông nhắc lại là không muốn làm chuyện này ồn ào".


Theo lẽ thông thường của người Việt từ nhỏ đã thuộc lòng 'Tấm Cám', người đàn ông này được cảm thông. Tôi dám chắc hầu hết chúng ta đều cảm thông, trừ bạn tôi, anh viết trên blog cá nhân sau cuộc gặp với người đàn ông đáng kính "Tôi không rõ điều gì có thể cản trở ông vào giây phút này? Người vợ ghen tuông (có thể như vậy), hay chiếc ghế (mặc dù không còn ngồi lâu được nữa) đang níu giữ ông làm tròn cái bổn phận thiêng liêng mà ông đã tự gột bỏ suốt 19 năm qua?
... Ông chào tôi, bắt tay ra về. Một bàn tay nhỏ đến bất ngờ so với cái dáng cao to của ông. Nó mềm oặt như không có sinh khí."


Câu chuyện 2 (ở đây): Một hôm, cũng trên Chương trình "Đợi anh về" ấy, có hai cô bé tuổi chừng từ 8 đến 12, xinh xắn lắm, kể qua nước mắt: "Bố chúng cháu học ở Nga, gặp và kết hôn với mẹ cháu. Sau khi học xong, bố về nước, hứa sau khi ổn định công việc sẽ quay lại đón ba mẹ con. Nhưng được một thời gian thì mẹ cháu bị bệnh và qua đời. Ông bà ngoại cháu quá già, không thể nuôi được hai cháu nên phải đưa chúng cháu vào trại trẻ mồ côi. Sau đó thì ông bà cũng mất. Giờ chúng cháu không còn ai thân thích nữa. Bố chúng cháu là người Lào. Chúng cháu muốn tìm lại bố và muốn sống với bố".

Mấy tuần sau, chương trình báo tin đã tìm thấy bố của hai em và có một món quà tặng hai em là đoạn băng video được ghi hình ở Vientiane. Trên màn hình xuất hiện một người đàn ông tầm 35 tuổi, giọng run run, anh xin lỗi vì hoàn cảnh nên đã không thể quay lại ngay đón ba mẹ con. Anh có viết thư, nhưng sau này không nhận được hồi âm (có lẽ đó là sau khi người vợ mất). Anh đã nghĩ cô ấy có cuộc sống mới nên không quấy rầy thêm nữa. Anh lấy vợ khác, một phụ nữ Lào, có một đứa con trai và một đứa con gái.

Người đàn ông không ghìm được cảm xúc và bật khóc: "Lúc nào bố cũng nhớ các con. Bố nhờ hỏi về các con khắp nơi mà không được. Bố sẽ sang Nga đón các con về Vientiane. Điều kiện ở đây không bằng ở Nga, nhưng mẹ và các em rất sung sướng được có các con trong nhà".
Các cô bé cũng khóc. Người dẫn chương trình nói: "Các cháu sắp được gặp lại gia đình của mình. Cố gắng chờ thêm một chút nữa, bố sẽ sang đón các cháu về".

Bạn tôi, xem trọn chương trình ấy, thốt lên trong bài viết "Đấy, đàn ông Lào đấy, tôi biết lương một công chức Lào là bao nhiêu, chừng 50 USD/tháng là cùng, anh ta đang nuôi 2 đứa con giờ thêm 2 đứa nữa...
Trong khi đó nhân vật người đàn ông Việt có học hàm của tôi thì lại có cách xử sự ngược lại..."

Không chỉ ông GS đáng kính, trên website đó còn 4-5 trường hợp tìm cha Việt tương tự. Những thông tin đó đã tồn tại 5-6 năm qua, mà không được xóa đi, chứng tỏ những đứa con đó vẫn chưa được gặp cha. Và những người cha Việt đó vẫn tiếp tục im lặng...

"...Anh bạn mới của tôi cho hay người Lào là như thế. Đó là một xã hội nơi người ta tôn trọng những mối quan hệ riêng tư, không lấy đó làm thước đo đạo đức. Những người đàn ông Lào không phải xấu hổ khi có con riêng ở đâu đó. Và những người phụ nữ Lào không hẹp lòng với những đứa con riêng của chồng."

Trên cái website đó, không chỉ đàn ông Lào nhận con rơi của mình. Đàn ông từ những nước lạc hậu như Angola, Kenya và nhiều nước Châu Phi khác, thậm chí từ những nước vẫn còn đang loạn lạc như Afghanistan, Iraq... cũng trả lời khi những đứa con rơi của họ cất tiếng gọi.

Chỉ có đàn ông nước ta là im lặng..."

Điều gì khiến họ phải im lặng?

Tôi, không đi tìm câu trả lời, cứ loay hoay nên hiểu thế nào về từ "lạc hậu",
loay hoay sau cuối hai câu chuyện trên, ai là người hạnh phúc.

Mới đây đọc stt của chị Hậu Khảo cổ trên FB: "Mọi đứa trẻ khi sinh ra đã tự nắm chặt bàn tay, bởi vậy sống mà biết buông bỏ là rất khó".
Khó, nhưng biết sống buông bỏ, mở lòng sẽ hạnh phúc.

*** Có chút gì chung:
- CON LÀ GIENHIA, TÌM BỐ...

July 01, 2013

Cha, con gái

Tặng bạn tôi Michelle Hương Trần và bố vừa đi xa,
Tặng tôi và những con gái còn cha bên cạnh, thương yêu.