October 30, 2009

Hãy chúc mừng tớ nhé...

Hôm qua tớ đã làm được một việc mà mãi cho đến tận hôm nay tớ vẫn cảm thấy tớ đang thở phào, sung sướng âm ỉ. Mọi người hãy chúc mừng tớ nhé. (hình: sưu tầm từ google search)

Hôm qua tớ đã ký hợp đồng mua nhà ở công chứng nhà nước (là nhà tớ đang ở từ 12/2007 rồi). Hôm qua là kết thúc một công việc rất khó khăn với tớ - mất một quá trình dài thương lượng và đàm phán, người này đến người khác, nhẹ nhàng khéo léo và nhún nhường dù nhiều lúc tớ bực vô cùng.

Đại loại là căn nhà này khi bán cho tớ do cả một 'hội đồng' 3 thế hệ chung quyền sở hữu. Lúc đó tớ cần nhà ở, lại rất thích cái nhà này ngay lần đầu tiên đến coi. Thế là từ sau đó tớ chẳng nhìn thấy cái nhà nào khác nữa ...hihi. Thế là mua. Bao nhiêu phức tạp từ phía bên bán sau này tớ mới biết: trong số đứng tên đồng sở hữu có 1 cụ già đã mất không để lại di chúc - thế là liên quan đến hàng thừa kế của cụ - ơn Trời họ không tranh chấp nhưng để làm đủ giấy tờ thì rắc rối vô cùng; lại có 1 cặp vợ chồng ly hôn... người vợ ra đi không đem theo gì cả, nhưng bây giờ cô ấy 'không liên quan gì' đến nhà kia nên luôn 'bận' không gặp. Cô ấy là 'nút thắt' cuối cùng. Hôm qua tớ đến nhà cô ấy nói chuyện và cuối cùng cô ấy đã đồng ý cùng đi đến phòng công chứng để cùng những đồng sở hữu khác ký giấy bán nhà.

Lần đầu tiên tớ tự mua nhà kinh nghiệm = 0. Tớ nghe người chủ đứng ra bán nhà cho tớ năn nỉ cần tiền, thế là tớ trả họ hết tiền trước khi ký xong hết giấy tờ mua bán. Sau biết mình ngu, đành lặng lẽ theo đuổi cố gắng cho đến đến kết quả như hôm qua. Ông Trời quả là còn thương tớ.

À mà chẳng có cái gì là hoàn toàn dở - các bạn có tin không, bây giờ thì tớ khá rành về luật thừa kế và các thủ tục sang tên mua bán nhà đất. Chưa kể kỹ năng thương lượng tiến bộ thêm không ít. :)

hix hix. Luật. Chả là tớ phải viện đến 'dịch vụ'. Chắc thấy tớ có một mình lại không có vẻ sành sỏi nên họ tô thêm bức tranh vốn đã phức tạp thành vô cùng phức tạp để tính tiền. Bị xoay rối tinh lên, tớ tìm luật về đọc xem mấy thứ họ tô vẽ ấy nó là gì. Cuối cùng tớ chọn được chỗ vẽ ít và ra giá đàng hoàng. Tớ thích kiểu làm việc như thế. Đúng là tớ vẫn may.

Hãy chúc mừng tớ nhé. Tớ rất mừng đấy và muốn được chúc mừng. Sáng nay tớ loay hoay gọi về cho mẹ lại đúng lúc bà đang bận và hơi bị cảm nữa nên bà chỉ bảo "Ừ thế thì tốt rồi". Bình thường bà tinh tế lắm cơ. Thôi không sao.

Nhắc đến mẹ, tớ nhớ ra tớ phải gọi lại xem bà khỏe chưa đã kẻo bà đi ngủ mất. bb và chúc tất cả mọi người một giấc ngủ ngon.

Yêu thương đừng là gánh nặng (III)

* Yêu thương đừng là gánh nặng (I)
* Yêu thương đừng là gánh nặng (II)

Tiếp theo và (hy vọng là) hết topic "yêu thương đừng là..." nhé. Nhưng cái này sưu tầm là để bà con 'đọc' nhẹ nhàng :)

Vợ làm gì hôm nay?

Nhà nọ, chồng đi làm, vợ cả ngày xoay xở không ngơi tay: nào là dọn dẹp, quét tước, chợ búa, cơm nước, nào đưa đón con lớn đi học, cho con ăn, tắm rửa, chăm sóc đứa con nhỏ.

Chiều chiều chồng đi làm về, lũ trẻ sạch sẽ vui vẻ theo mẹ ra đón cha, bữa tối đã dọn sẵn trên bàn, giường chiếu phẳng phiu, nhà cửa sạch bóng. Đáp lại niềm hân hoan của con, vẻ hớn hở của vợ, người chồng bao giờ cũng chỉ nói một câu: "Hôm nay ở nhà cô làm gì?".

Một ngày nọ, người chồng đi làm về mới tới đầu ngõ đã thấy hai đứa con đang lê la chơi đùa, quần áo đầy bùn đất, mặt mũi lấm lem. Bước vào sân anh chồng ngạc nhiên thấy mấy vỏ chai, hộp giấy cũ nằm chỏng chơ trước cửa. Bước vào nhà, cảnh tượng còn hỗn loạn hơn. Chén đĩa dơ nằm ngổn ngang trên bàn ăn, thức ăn thừa của chó rơi vãi tứ tung trên sàn gỗ, một chiếc ly vỡ nằm trên bậu cửa sổ. Trong phòng khách đồ chơi, quần áo của bọn trẻ nằm rải rác từ dưới gầm ghế lên tới bàn trà tiếp khách. Một chiếc đèn bàn bị lật nghiêng nằm chơ vơ nơi góc bàn làm việc.

Người chồng hấp tấp chạy xuống bếp tìm vợ. Không có ai, bếp lạnh tanh, những cây rau còn nằm vật vạ trong giỏ xách đi chợ. Anh chồng nhảy ba bậc cầu thang một để lên gác. Xô cửa buồng ngủ, người chồng thò đầu vào và thấy vợ đang ngồi trên ghế, hai tay xếp trên gối, mắt nhìn ra cửa sổ.

Nghe tiếng kẹt cửa, chị vợ quay mặt lại, mỉm cười và hỏi như thường lệ: "Anh mới đi làm về. Anh có mệt lắm không?". Người chồng tính mở miệng thì chị vợ nhẹ nhàng nói tiếp: "Em biết anh định nói gì rồi. Để em nói anh biết, hôm nay em không làm gì cả!".

(Sưu tầm)

October 29, 2009

Đau lòng, 'Quốc sỉ'...

Hôm nay coi trên mạng video clip "Phóng sự truyền hình: Những người lao động bất hợp pháp" của Đài truyền hình Trung ương Nga, có cảnh một người phụ nữ làm thuê người Việt lao mình chạy nháo nhào trong 1 con sông ven nông trại ở ngoại ô Mát-x-cơ-va để trốn cảnh sát, vừa chạy vừa bấn loạn gào hét vô vọng...



Chẳng biết nói gì ngoài từ 'đau lòng'.

Ừ thì biết vì miếng cơm manh áo, vì bần cùng..., cũng biết đâu đó ngay ở Việt nam cũng còn không ít cảnh đói khổ tương tự. Nhưng sao vẫn muốn họ đừng ráng sống chui lủi đến nhục nhã như thế ở nơi đất khách quê người. Chui lủi đến vậy sao không về mà đói khổ ở VN - đói khổ cách mấy cũng còn được làm người.

Thêm một mảng ghép về cuộc sống của người Việt ở Nga. Bên cạnh những mảng ghép sáng tươi, mảng này sao chát đắng. Muốn mọi người cũng cần được biết, mà không dám trưng bài đó ra đâu cả. Về web LHSVN - nơi tụ tập nhiều cựu du học sinh Nga, định mang bài báo về nhưng rồi cũng lại không dám kéo nguyên bài, chỉ vào "Nhật Ký" để lại đường link cho mọi người. Cảm giác nhục nhã và đau, và cả cái cảm giác mình nhớ hồi SV tụi mình gọi tên là "Quốc sỉ"...

October 28, 2009

"Yêu thương đừng là gánh nặng" (II)

* Yêu thương đừng là gánh nặng (I)
* Yêu thương đừng là gánh nặng (III)

Post "Yêu thương đừng là gánh nặng", mình lại nhớ đến bài thơ "Trái tim phụ nữ" của Trịnh Bích Ba. Bài thơ này mình thuộc từ hồi sinh viên. Không hiểu vì sao những đứa con gái ở cái tuổi đang bơi trong màu hồng, cuộc sống chỉ là giảng đường, thư viện, ký túc xá, và những buổi sáng chủ nhật đến công viên nhặt lá vàng đem về ép vào sách lại chép đi chép lại truyền tay đến thuộc bài thơ này chứ?

Trái tim phụ nữ
Chỉ nhỏ bé khiêm nhường khi đã yêu thương
Chỉ khuất phục khi mình mong ước thế
Sự kiêu hãnh xa vời - lòng hi sinh tận tụy
Niềm hạnh phúc đắng cay - những giọt lệ u buồn.

Có lúc rộng mênh mông vẫn mang chẳng nổi mình
Có lúc nhớ vô cùng vẫn ôm trùm hết thảy
"Mắc điều tình ái"... như nàng Kiều thủa ấy
Suốt cuộc đời đâu dễ thấy chàng Kim!

***

Có bờ vai nào đủ rộng không anh
Cho mái đầu nhỏ thôi - của người phụ nữ
Để đừng bao giờ, đừng người mẹ nào phải nhủ
"Hãy thương con gái mình hơn, vì mai sau nó sẽ cô đơn".

Vâng - đúng như từ thủa xa xưa, như lẽ thông thường
Trái tim của đàn bà - lòng mong muốn khó san bằng hơn biển
Nhưng trong tất cả cuộc đời em, những gì anh mang đến
Em xin một điều thôi: Được mãi mãi yêu anh.
(Trịnh Bích Ba)


October 27, 2009

"Yêu thương đừng là gánh nặng"

Một người bạn gửi lên Facebook chia sẻ đường link đến bài viết của Chung Nhi cho chuyên đề "Yêu thương đừng là gánh nặng" trên báo mạng Sài gòn Tiếp thị Nguyệt san.
(ảnh Tường Huy).

Thế giới ca ngợi vẻ đẹp phụ nữ khác ta
(tác giả: Chung Nhi)

Nhắc đến phụ nữ Pháp, người ta nói, họ thật lãng mạn. Nhắc đến phụ nữ Venezuela, người ta nói họ tuyệt đẹp. Hình như thế giới ca ngợi vẻ đẹp của phụ nữ cũng khác ta.

Phụ nữ Việt đã từng phải nêu cao đức hy sinh trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử. Thời kỳ phong kiến, họ phải cần cù và giàu đức hy sinh để nuôi chồng ăn học mong đỗ đạt với đời. Vì thời kỳ này, phụ nữ không được phép tham gia khoa cử, nên phụ nữ phải đặt niềm mong chờ cuộc đời vào nam giới.

Đến thời chiến tranh, tinh thần phụ nữ Việt lại được nêu cao vẻ đẹp đức hy sinh, vừa lo việc sản xuất, vừa tham gia chiến đấu, là hậu phương vững chắc cho chồng, con nơi chiến tuyến. Họ vẫn tần tảo cả một đời người.

Đến thời đại ngày nay, phụ nữ có cần tiếp tục hy sinh nữa hay không?

Dì của tôi là giáo viên, cách đây mười mấy năm đã quyết định bỏ nghề giáo để ra ngoài làm, để đi buôn bán vặt và may gia công nuôi chồng học thạc sĩ, rồi tiến sĩ. Khi chồng dì trở thành một tiến sĩ hoá học thì cũng vừa lúc hai người ra toà vì người chồng thay lòng đổi dạ, có một cô bồ trẻ hơn dì, không đầu tắt mặt tối như dì. Khi ra toà, dì kể sự hy sinh vì chồng trong nhiều năm, thức khuya dậy sớm như thế nào. Sau khi kết thúc những lời thiết tha, dì nhận được câu nói ráo hoảnh của ông chồng bội bạc "Ai khiến cô làm thế? Ai khiến cô hy sinh cho tôi?".

Đã tham dự rất nhiều phiên toà xử ly hôn và không ít lần tôi đã nghe câu nói của những ông chồng, sau khi vợ kể lể công lao, sự hy sinh bản thân của mình cho chồng cho con, rằng: "Ai khiến cô?".

Tôi đặc biệt quan sát và nhớ thái độ của những người phụ nữ khi nhận được câu nói đó của chồng họ. Người thì trân trối nhìn. Người thì im lặng. Người thì ú ớ. Tôi chưa từng gặp người phụ nữ nào trả lời nổi câu đó.

Chưa bao giờ tôi coi đức hy sinh của phụ nữ Việt Nam là xấu. Phải nói nó thực sự vĩ đại. Nhưng ca ngợi nó vĩ đại đến bao giờ khi chúng ta đang nhìn thấy cảnh những người chân yếu, tay mềm ấy quần quật ngoài đồng, ngoài đường và chồng họ đang ngồi quán nước đánh đề, uống rượu và nói phét? Trong một lớp học về bình đẳng giới, tôi đã từng đề nghị các bạn đồng nghiệp nhà báo, nên chăng chúng ta tuyên truyền ít thôi, ca ngợi ít thôi đức hy sinh của phụ nữ? Hãy nói nhiều hơn về quyền lợi của phụ nữ, quyền được chồng chia sẻ việc nhà, quyền được chồng chăm sóc nâng niu, quyền được nhờ chồng làm hộ việc nọ việc kia... Chị em thấy báo chí ca ngợi nên cứ nhẫn nại hy sinh, từ đời này qua đời khác. Bị chồng đánh cũng nhẫn nại, nhịn nhục vì làm người phụ nữ có chồng là phải hy sinh thân mình vì chồng. Bị chồng bội bạc cũng hy sinh nhẫn nại, im lặng vì con, vì bố mẹ mình. Tôi đã bị đa phần các nhà báo nữ ở các địa phương khác nhau phản đối. Họ bảo, phụ nữ hy sinh cho chồng, cho gia đình là đúng, sao lại đả phá?

Vâng, tôi không đả phá. Nhưng hy sinh đến đâu và hy sinh như thế nào lại là điều phải bàn. Lúc chồng ốm, tôi sẵn sàng không quản nắng mưa đi chợ mua cho chồng thức ăn ngon, viên thuốc uống cho khỏi bệnh. Lúc chồng cần hỗ trợ, tôi sẵn sàng dành thời gian và công sức để giúp đỡ công việc của chồng trôi chảy hơn. Nhưng những điều đó không đồng nghĩa với việc tôi phải triệt tiêu cá tính để cho một người đàn ông. Bạn có tin có những phụ nữ cả đời không xem thời sự chỉ vì giờ phát sóng chương trình ấy trùng với giờ rửa bát? Hay như nếu tivi không có chương trình bóng đá thì mới đến lượt vợ ngồi xem phim. Nếu người phụ nữ luôn sống như một bản nháp của người đàn ông thì đến muôn kiếp họ cũng không thể nói đến hai chữ bình đẳng.

Nếu vậy, sẽ có người hỏi, vẻ đẹp của phụ nữ ngày nay là gì? Tôi vẫn yêu nét dịu dàng yêu kiều nào đó. Tôi vẫn mê những người vợ biết nấu cơm cho chồng ăn trong những buổi chiều muộn. Tôi vẫn thấy họ đẹp khi tần tảo, khi lo lắng cho gia đình. Nhưng đằng sau những đức tính đó, tôi muốn nhìn thấy bao trùm trên hết là sự làm chủ của người phụ nữ trong cuộc sống của họ. Tôi thích những phụ nữ tự tin với nhan sắc của mình, tự chủ với công việc của mình, độc lập với suy nghĩ của mình và biết quyết định đúng lúc với những sự kiện của cuộc đời mình. Vẻ đẹp lớn nhất của người phụ nữ là tự quyết chứ không phải lệ thuộc. Khi phụ nữ tự quyết, họ có thể cống hiến, đóng góp, hy sinh… Đó là vì sở nguyện của họ, vì họ muốn thế chứ không phải vì bất cứ lý do nào khác ràng buộc như thói quen xã hội, truyền thống văn hoá, sự dạy dỗ bằng định kiến...

Có một diễn biến tâm lý rất đơn giản, nếu bạn quá hết lòng vì người đàn ông nào đó, có thể họ sẽ rất biết ơn bạn và cũng có thể họ chẳng biết gì về sự hy sinh của bạn. Với họ, nghiễm nhiên bạn phải như vậy và họ đáng được hưởng như vậy. Tôi chưa từng nghiên cứu rạch ròi hai nhóm đàn ông trên nhưng tôi nhận ra rằng, tôi không nhất thiết phải hy sinh mới có thể làm tốt vai trò của mình. Đơn giản, tôi chỉ việc sống tốt nhất trong khả năng tôi có thể với gia đình của mình mà thôi.

(Chung Nhi - SGTT Nguyệt san, chuyên mục Gia đình và Phụ nữ ngày 08/10/09)

-------------------------------------------------

Chung Nhi viết "chưa từng gặp người phụ nữ nào trả lời nổi câu đó", tôi xin trả lời thay họ: Không ai khiến cả, đơn giản là vì chúng tôi đã luôn được dạy như thế từ nhỏ, từ bà, từ mẹ, từ xung quanh, từ sách vở, trường học. Chúng tôi luôn luôn được dạy phải chịu đựng, hy sinh nhưng hầu như không được dạy phải biết yêu bản thân mình.

Gần như mặc định, "bổn phận và trách nhiệm" của người phụ nữ là đương nhiên, vô điều kiện, và thế, nhiều người chồng coi việc mình được hưởng sự hy sinh đó là đương nhiên (họ 'take it for granted'), đâu có gì phải đánh giá và coi trọng. Buồn không?

Với nhiều người phụ nữ, yêu thương, hy sinh, chăm sóc gia đình... là hạnh phúc hay gánh nặng hầu như chỉ phụ thuộc vào: sự yêu thương đó có được biết cho hay không, chưa dám nói đến đáp đền. Chỉ ước gì những người phụ nữ ấy đều được thật sự làm phụ nữ vì được yêu thương. Họ sẽ làm tất cả những điều tốt đẹp vì họ muốn thế, chứ không phải vì khô khốc "bổn phận và trách nhiệm".

Cảm ơn Chung Nhi. Tôi đã không ít lần nghĩ trong nước mắt: tôi cần dạy con gái tôi khác mẹ tôi đã dạy tôi trước kia thế nào?

October 24, 2009

CẢM NHẬN VỀ CHIẾN TRANH

Cách đây chưa lâu, tôi được xem trên Blog của nhà báo Vũ Mạnh Cường clip về trận Hải chiến Trường Sa 14-3-1988 – ngày mà để giữ hải đảo của Tổ Quốc, 64 chiến sĩ hải quân đã hy sinh và vĩnh viễn yên nghỉ giữa biển khơi. Mắt tôi nhòe đi trước bức hình đen trắng đơn sơ của người Trung úy Hải quân chụp chung với vợ và những dòng chữ trong thư anh viết trước ngày cùng đồng đội bước bào trận chiến khốc liệt. Trái tim nhỏ của tôi nhói thắt cảm giác bất lực trước cảnh từng loạt đạn nổ và cả hàng người ngã đổ xuống biển mặn mòi. Và tôi, một kẻ chỉ biết về các cuộc chiến qua sách vở, qua những câu chuyện kể, ngồi thẫn thờ trước cảm nhận khôn cùng về những nỗi đau của chiến tranh. Nỗi đau mà dù nhiều thập kỷ trôi qua vẫn còn chưa thể nguôi quên với nhiều người.
(hình: sưu tầm)

Câu chuyện của mẹ
Tôi có một người bác, người con trai duy nhất của bác là anh Vinh, đi chiến trường B (phía Nam) năm 1971 khi 17 tuổi. Để rồi một năm sau đó bác gái gần như điên dại khi nhận giấy báo tử của anh ấy.

Người cha bây giờ hơn 80 tuổi, mắt đă mờ, hè năm kia ông mới nói với ba tôi (em trai ông) rằng người ta đó gửi cho ông thông tin về nơi chôn cất anh Vinh mấy năm rồi nhưng ông chỉ giữ trong lòng. Phần vì thấy mình đã già yếu; mà với ông cái địa danh Vĩnh Long ở tận miền Nam nghe quá đỗi xa xôi; thông tin thời chiến tranh ai dám chắc là nó chính xác hay không; Anh lại đă hy sinh gần 30 năm rồi. Bác tôi lặng lẽ giấu mọi người, nghĩ đành để anh yên nghỉ trong đó, mình mang theo lỗi với con đến khi chết.
Biết chuyện, lập tức ba mẹ tôi, cùng một người chú nữa, cả ba đều đă ngoài 60 tuổi, vào Vĩnh Long thăm phần mộ của anh ấy, và quyết định đem anh ấy về lại mảnh đất tuổi thơ. Người Việt tin vào tâm linh, tin rằng ngay cả sau khi chết người ta vẫn rất muốn được 'nằm' ở nơi gần gũi với người thân, họ hàng.

Cuối năm đó đi học xa về tôi được nghe mẹ kể chuyện về chuyến đi. Trong mắt Người có giọt nước mắt xót thương, lại có niềm hạnh phúc an ủi như làm xong một việc nghĩa với cháu, với người thân.

Mẹ kể em trai tôi (đang sống ở Sài Gòn) đi cùng 3 người già xuống Vĩnh Long, bốc hài cốt của anh trong một nghĩa trang vào giữa đêm (mẹ nói việc này 'theo các cụ nói' phải làm khi trời tối). Bốc xong tất cả ngồi chờ trời sáng đem theo bọc hài cốt đón xe về Sài Gòn. Ở Sài Gòn, ba người già mang theo bọc hài cốt nghỉ ở khách sạn chờ đến tối lên tàu về Bắc, không về nhà con cháu vì kiêng. Mẹ giở cho tôi coi những bức hình chụp dọc suốt chuyến đi - đi đến đâu hai người chú già cũng thay nhau ôm theo 'cháu'. Chỉ vào bức hình có chiếc bọc được gói ngay ngắn để nâng niu ở một phần giường ngủ trong phòng khách sạn, mẹ bảo: "Đây, nghỉ ở khách sạn thì đặt 'anh ấy' ở trên giường của chú, ngủ với chú, từ khi được đón, 'anh ấy' chẳng bao giờ bị lẻ loi".

Mẹ gọi chiếc bọc là 'cháu', là 'anh ấy' như nói về người cháu mẹ yêu quý còn đang sống vậy... Mẹ mơ màng như nói với chính mình: Thương quá, khi đi nó mới có 17 tuổi đầu. 18 tuổi nó đã mất. Mấy chục năm nằm trong đó một mình, bố mẹ chú thím ở hết ngoài này không biết ở đâu để thăm nom. Thằng bé cao và đẹp trai lắm, lúc nào cũng tươi như hoa...

Tôi luôn có cảm xúc đặc biệt mỗi khi nhớ về câu chuyện của mẹ. Về tình yêu thương. Về niềm tin tâm linh khi người ta làm việc nghĩa với người đã khuất. Về quê, tôi đă vào nghĩa trang liệt sĩ thắp hương cho anh – cảm thấy không khí thật dịu, chắc hồn người đă khuất cũng thanh thản lắm vì đă được trở về yên nghỉ giữa mảnh đất quê hương, gần bên những người ruột thịt.

Nhìn về phía bên kia
Khi tôi nói không mang thù với những người bên kia chiến tuyến, nhiều người sẽ nói "vì bạn chưa từng trực tiếp chứng kiến những nỗi đau mất mát". Nhưng với những người tôi đã gặp, nhừng gì tôi đã thấy, tôi luôn tin rằng, chỉ có những người/ những quyền lực gây ra chiến tranh mới đáng bị lên án, còn số đông những người tham gia cuộc chiến đơn giản vì họ không có nhiều lựa chọn, hoặc vì phục vụ cho đất nước họ hay cho lý tưởng mà họ tin. Họ không gây ra mà là nạn nhân của chiến tranh.

Tôi lại vừa xem lại clip Hải chiến Trường Sa 1988, và ngay lúc này nước mắt tôi vẫn đang tan chảy. Cảm nhận xa xót từng có khi tôi gặp những người mất mát từ cả hai phía cuộc chiến ở miền Nam năm xưa, cảm giác ghê sợ sự lạnh lùng của những loạt đạn TQ và nỗi xót đau một chiều của tôi đối với những người lính VN gìn giữ Trường Sa gần đây - tất cả đan chéo - làm tôi bất giác đặt dấu hỏi với chính những điều mình đang định viết.

Nhưng tôi tin, khi tạm đi xuyên qua nỗi đau, người ta có thể vượt qua được hận thù để nhìn rộng hơn, qua 'phía bên kia'. Những người có thân nhân tham gia vào cuộc chiến ấy cũng có những mất mát đớn đau. Cũng có những người mẹ, người vợ thấp thỏm ngày đêm khi chồng, con họ đi vào nơi bom đạn và máu đổ, đau xé ruột khi chồng/ con họ không trở về hoặc trở về với một cơ thể không còn lành lặn...

Và có cả những nỗi đau sau chiến tranh...

Khi mới hết phổ thông, những năm 84 – 85, tôi đă từng ngạc nhiên và không thể hiểu được khi đọc một bài báo về một bạn ở phía Nam, thi đỗ thủ khoa đại học ba năm liền mà không được vào đại học. Lý do chỉ vì trong lý lịch có người thân phục vụ cho 'chế độ cũ'. Thời đó báo mà đưa được câu chuyện ấy như một câu hỏi ra công chúng (đến tận một đứa trẻ con như tôi) chắc phải là một sự 'xé rào' lớn lắm. Khi ấy tôi c̣òn quá nhỏ nên không thể hiểu, và vì không hiểu nên nhớ câu chuyện đó đến tận bây giờ.

Suy cho cùng, người bạn thủ khoa ấy (nếu không nhầm thì sinh vào khoảng những năm 65 – 68, tức là mới chỉ 7 – 10 tuổi ở thời điểm năm 75) đã có lỗi gì? để rồi những cơ hội học hành / phát triển / một cuộc sống tốt đều bị chặn mất?
Sự thiệt thòi 'sau chiến tranh' ấy – đâu phải ai ở phía chiến thắng cũng được biết, và hiểu?

Những năm sau 1975 đến đầu 1980s, nhiều người phải ra đi bằng cách 'trốn' trên các con tàu/ thuyền, biết trước sẽ là gian nan, cướp bóc, chết chóc... Ra đi vì mong muốn một cuộc sống sung sướng hơn cũng có, ra đi vì cuộc sống ở lại không có nhiều cơ hội cho họ do đã từng phục vụ hoặc có người thân phục vụ trong chế độ trước 75 cũng không ít. Và, rất nhiều những mất mát đau thương trên con đường 'di tản' của họ, đâu phải ai ở phía chiến thắng cũng được biết, và hiểu?

Có một cặp vợ chồng người Nam, mà họ và tôi đă đi qua những bức rào của ký ức chiến tranh, của những người 'đến từ 2 phía của cuộc chiến', vượt qua những thành kiến Bắc – Nam, để có thể cởi mở và trở nên thân thiết ở một thành phố của Úc xa xôi. Hai người cũng gần tuổi ba mẹ tôi, xưng hô với tôi là chú thím. Người chồng từng làm công chức cho chính quyền Sài Gòn, phải đi 'cải tạo' sau năm 75 suốt mấy năm, thất nghiệp sau đó...
Và vì không có nhiều sự lựa chọn cho những người 'chiến bại', vì cuộc sống, họ phải đi vượt biên trái phép (lúc đó VN mình 'đóng cửa', có con đường đi 'có phép' nào cho họ?).
Họ đi tàu lén lút, đi mà phó thác mình cho biển cả, cho số phận, gian khổ, mất sạch của cải vì bị cướp, rồi bị đưa vào một trại tị nạn của Thái Lan, nơi mà những người đàn ông bị bắt lao động cực nhọc, bị đánh đập dã man (chính chú bị đánh đến điếc một bên tai), phụ nữ trẻ bị lôi đi hãm hiếp hàng ngày...
Chú chỉ ngồi im khi thím kể cho tôi nghe từng chuyện. Dường như vẫn còn nguyên sự khiếp đảm trên khuôn mặt chú và trong giọng kể của thím về quãng đời khủng khiếp ấy.
Sau hai năm ở trại tị nạn Thái Lan, nhờ có người nhà bảo lãnh – vợ chồng chú thím rời qua Úc sống một cuộc sống hiền lành đến bây giờ. Và dù cuộc sống bên đó thanh bình với họ, họ vẫn luôn đau đáu về Việt Nam với một tình yêu mà chỉ có những ai đã từng sống cạnh những người tha hương mới cảm nhận được.

Thím nói với tôi: "Vì vậy mà thím không mua nhà bên này. Thím đã mua được một miếng đất ở quê thím. Thím chỉ mong khi già yếu sẽ về VN và chết ở quê nhà".

Thế đấy.

Chiến tranh khắc nghiệt là vậy.

Tôi viết bài này, không có ý gì khác, chỉ là cảm xúc sâu sắc rất thật của bản thân, qua những gì được nghe, được thấy, những gì mình đã đi, đă biết, đã thấm hiểu... Những đớn đau, mất mát... từ những người, những gia đình ở hai phía của cuộc chiến.

Thế, để thấy mình may mắn biết bao nhiêu, hạnh phúc được sống một cuộc sống thanh bình, trong khi vẫn còn những vết thương xưa chưa hết đau, vẫn còn những người lính ngày nay đối diện với hiểm nguy, vẫn còn những người vợ, người mẹ ngày đêm cầu nguyện cho chồng, con mình bình yên, và mong họ trở về.

Tôi chắc là đa phần những người lính xưa kia và hôm nay, dù đứng ở chiến tuyến nào, chắc chắn đều mong muốn tột bậc được sống một cuộc sống trong bình yên không chiến tranh.

---------------------------
Bài viết đăng trên website của LHSVN:
CẢM NHẬN VỀ CHIẾN TRANH

October 21, 2009

Feeling blue


Hình như tôi đang vùng vẫy chống chọi với cái ma lực hủy hoại tâm trạng của mùa thu.

Ngoài đường tôi chỉ thấy những gương mặt người trầm tư, suy nghĩ, lo toan, người và xe nối đuôi lặng lẽ chạy thành dòng. Tự hỏi sao tôi không thấy những âm thanh của sự tươi vui mọi khi?

Cố tình thả mình với đọc, mắt tôi không dừng lại ở những câu, những từ, những hình ảnh lãng mạn của mùa thu mà lại trở đi trở lại với "Gió thổi suốt đêm" của Nguyễn Ngọc Tư. Ở đó những người đàn bà không còn những giấc ngủ say của thời con gái. Những người đàn bà như bản năng thức dậy giữa đêm, nghe gió, nghe mưa, để khép lại một cánh cửa, để chong đèn ngồi nhìn con ngủ, để ém lại vách mùng...

Đi làm về ngang qua chiếc xe thu rác đầu ngõ hẻm, vẫn chỗ đó, vẫn chiếc xe ba gác chắp vá đó, vẫn 2 con người nhọc nhằn đó, chiếc khẩu trang đã đổi màu, đôi bao tay dầy cũ không đủ để ngăn ô nhiễm từ đủ các loại rác... Nhưng trí óc tôi không chựng lại một khoảng khắc cho ý nghĩ thương cảm họ loáng qua như mọi ngày. Khi người ta buồn, người ta vô cảm thờ ơ hơn với xung quanh.

Tôi đi tìm sự giải thích từ siêu nhiên. Lời giải cho cung Bảo Bình của tôi hôm nay trĩu nặng mệt mỏi:
Bảo Bình (20/1 - 18/2)
Bạn có biết vì sao đôi lúc bạn không thể điều khiển nổi ý chí của mình, hay không thể nảy sinh ra được những ý nghĩ sáng tạo không? Đó là do bạn đang cố thúc ép mình một cách thụ động và đầy áp lực, kết quả của những phương pháp này đều rất thấp. Thay vào đó, bạn hãy để cho cơ thể và tinh thần được thư giãn, thoải mái và luôn được kích thích, tạo cảm hứng, có như thế con đường đi của bạn mới suôn sẻ và dễ dàng hơn.


Ngày mai sẽ thế nào? Ngày mai vẫn còn thu đấy. Ngày mai sẽ sáng tươi hơn hay vẫn chỉ là kéo dài của ngày hôm nay?

Tôi nghĩ tôi cần một giấc ngủ. Mỗi ngày đều quý giá, nhưng có những ngày đành để nó lặng lẽ đi qua.

October 19, 2009

THAY LỜI MUỐN NÓI

Clip này nói giúp lời Lana muốn gửi đến những người ghé thăm Lana's Blog. Lana trước vẫn lấy Blog làm một góc nhỏ để viết khi muốn viết và lặng lẽ lưu giữ lại. Rất cảm động vì có những người bạn ghé đọc và chia sẻ. Cảm động vì biết trong đó có những bạn Lana chưa từng gặp. Lana thấy Blog của mình ấm áp hơn, và cũng tự nhiên chăm chút nó hơn. Cảm ơn các bạn.




(http://fun.more.jcisio.com/flash/Funny-stuffs/I-like-you.swf)
Gốc: http://www.millan.net/funp/cards/ilikeyou.html

October 18, 2009

SÁNG CHỦ NHẬT

Sáng chủ nhật, mở mắt thức dậy vẫn 5h40 như mọi ngày. Mình bây giờ thành cái đồng hồ mất rồi. Ngủ tiếp chút nữa nhé. Cuối tuần mà, nuông chiều mình chút, làm mèo lười chút chứ.

6h30 dậy, lũ trẻ con vẫn say sưa. Chủ nhật cũng nuông chiều chúng luôn. Lướt Net. Bật "Hand in Hand" nghe nhạc. Phải nói là nền nhạc của Clip này cũng vô cùng quyến rũ, lúc dịu êm, lúc cồn cào trăn trở như sóng cuộn, hân hoan rồi đau đớn, nhưng trên hết là niềm tin vào phía trước tươi sáng, không buông xuôi. Sao mà yêu thế. Kể ra bản nhạc này nghe khi cà phê tối một mình trên sân thượng hợp hơn là nghe vào sáng chủ nhật, nhưng tự nhiên cứ muốn nghe. Thôi lại chiều bản thân chút :)

Vào Facebook. Ôi giời choáng: ở hộp Chat báo có những 7 'tên' đang online trong số cái danh sách Friends vốn đã rất 'hữu hạn' của mình. Lại nhớ câu phán "chỉ có ai có vấn đề mới lên FB". Thôi thoát, nhanh, đi pha cà phê, nghe nhạc, tưới cây, dạo phố..., gì cũng được miễn thoát ra khỏi cái laptop! - Nào, ơ kìa, Lana, có đứng lên không thì bảo! - Rồi đứng lên đây rồi (hihi), thì thôi chào vậy, chúc tất cả những 'có vấn đề' một ngày chủ nhật vui vẻ nhé.

Hô khẩu hiệu đến lần thứ 3, chào đến lần thứ 3 thì thoát FB đứng dậy được thật :)

----------------------------------
7h30. Khua mấy chị em dậy. Sáng chủ nhật cho tự do. Kéo nhau đi ăn sáng, ra hiệu sách. Mình ra chợ mua một xe đồ ăn cho gần cả tuần. Về đến nhà, dọn đồ ăn vào từng ngăn trong tủ. Cắm hoa. Dọn dẹp một chút. Xong mới hơn 9h30.

Nào bây giờ mới thật sự là sáng chủ nhật cho mình đây. Đừng có nghe cái gì buồn đấy nhé. Thấy lời chào của trên Blog. À, vậy nghe quan họ. Đây rồi, 'Thân lươn bao quản lấm mình', không 'dùng dằng' gì cả: "Cô Ba (và tôi) tính toán làm gì, yêu nhau thì lấy quách nhau đi, kẻo mai quá lứa lỡ thì, lại bảo tại tôi". hihi. Nghe có 'khác' Quan họ thường khi không cơ chứ. Ý nhị quá chào đi chào lại mãi chưa nói được ý muốn nói Bí sốt ruột rồi bỏ đi mất thì khóc.

Tìm trên Youtube, 'Thân lươn bao quản...' lại chung Clip với 'Vào chùa'. Một Clip dựng cảnh. Có phải dịp Quan họ được UNESSCO ghi danh không nhỉ? Nghe thử coi.





Những thước phim cảnh vào chùa chỉ có ánh sáng trăng hắt mờ kéo mình nhớ lần đầu tiên coi phim "Đến hẹn lại lên", Cô Nết, phật Bà nghìn mắt nghìn tay, quan họ... Hồi đó xem phim hiếm lắm nên nhớ sâu. Mình cũng thích Quan họ từ hồi đó. Những khung hình quen quá, thấy bồi hồi.

Tự pha cho mình một ly cà phê. Còn một chút sáng Chủ nhật, cho mình một quãng trải mình với dịu êm cũng được, mềm mại ý nhị cũng được, bồi hồi cũng được, nhưng không được ủy mị. Thế thôi.

------------------------------------------
Vào chùa - Dân ca Quan họ - Thu Huyền: Một bài hát đẹp

October 16, 2009

Suy ngẫm từ một câu chuyện phiếm

Câu chuyện:
Có một câu chuyện truyền miệng thế này: Một ngày đẹp trời nọ, Ngọc Hoàng bỗng trở nên nhân từ vô cùng. Ngài tuyên bố bất kỳ ai đến gặp Ngài cũng sẽ được tặng cho một điều ước trở thành hiện thực.

Người đầu tiên đến là một người Mỹ. Anh ta là nhân viên văn phòng. Ngọc Hoàng bảo: Hôm nay ta tặng cho ngươi một điều ước. Ngươi ước gì cũng trở thành hiện thực. Nhưng nhớ là chỉ một điều ước thôi đấy.

Anh chàng người Mỹ không do dự nói luôn: Muôn tâu Ngọc Hoàng, vậy con ước gì ngay ngày mai con trúng sổ số độc đắc trở thành tỉ phú.

Được, Ngọc Hoàng đồng ý. Và ngày hôm sau anh ta trúng sổ số độc đắc tiền tỉ đô la. Anh ta ngay lập tức đi mua nhà đẹp, du thuyền, đi du lịch, mua chứng khoán và gửi ngân hàng, sống sung sướng.

Người thứ hai đến xin điều ước là người Trung Quốc. Ông này có một xưởng sản xuất nhỏ. Ngọc Hoàng lại nói: Hôm nay ta tặng cho ngươi một điều ước. Ngươi ước gì cũng trở thành hiện thực. Nhưng nhớ là chỉ một điều ước thôi đấy - Người Trung Quốc đáp: Dạ, vậy con ước gì xưởng sản suất của con làm ăn phát đạt. Con cùng 3 người bạn thân đều trở thành những ông chủ lớn, bắt tay nhau thành tập đoàn hùng mạnh nhất trên thế giới.

Ngọc Hoàng bảo: Ta giữ lời hứa. Và chỉ ít lâu sau họ trở thành tập đoàn hùng mạnh, lũng đoạn cả thị trường thế giới.

Người thứ ba là người Việt Nam. Anh ta là một chủ nông trại nhỏ. Ngọc Hoàng ôn tồn: Hôm nay ta tặng cho ngươi một điều ước. Ngươi ước gì cũng trở thành hiện thực. Nhưng nhớ là chỉ một điều ước thôi đấy - Người Việt Nam gãi đầu: Chỉ một thôi ạ? - Ừ, điều ước sẽ thành hiện thực, nhưng chỉ một thôi. – Vậy thì... thưa Ngọc hoàng, ở làng con, tất cả mọi người đều nuôi heo. Năm nay kinh tế khủng hoảng, tất cả đều khó khăn, duy có thằng hàng xóm nhà con gặp thời cứ phất. Mỗi lần nó đi xe ô tô qua nhà con cái mặt nó vênh lênh trông rất đáng ghét. Con ước gì nó nuôi con heo nào con ấy chết. Vâng, thưa Ngọc Hoàng, con ức lắm, con chỉ ước cho cái thằng hàng xóm nhà con nuôi con heo nào con ấy lăn ra chết xem nó còn vênh mặt lên nữa hay không!

Ngọc Hoàng chỉ ừ.

Thế là, chung quy lại, anh ta vẫn nghèo, chỉ 'được' không phải kém cạnh ông hàng xóm.

Nhàm đàm:
Câu chuyện châm biếm hài hước, nhưng sâu cay, không phải không hàm ý một thông điệp. Dù không 'vơ đũa cả nắm' nhưng ở đây vẫn nói đến một 'tính cách' chung nào đó của mỗi dân tộc. Với người Việt ở đây là tính đố kỵ xấu xí.

Đố kỵ là một khía cạnh của cạnh tranh - vốn là bản năng để tồn tại. Xét về một hướng, cạnh tranh để vươn lên chính là động lực để phát triển đối với cả cá nhân và xã hội. Nhưng xét về hướng ngược lại, nếu cạnh tranh mang màu sắc đố kỵ, nó sẽ kìm hãm sự phát triển. Như vậy bản thân cạnh tranh không phải vấn để cần bàn mà là thái độ cạnh tranh. Cạnh tranh như thế nào phụ thuộc vào văn hóa và thái độ sống/ cách tư duy của cá nhân vốn ảnh hưởng rất nhiều từ nền tảng gia đình và giáo dục. Trong câu chuyện trên, người nông dân kia bị chi phối bởi ước vọng 'ta phải hơn nó' nhiều hơn là 'vươn lên so với bản thân mình'.

Thay đổi một vấn đề thuộc về văn hóa, cách nghĩ phổ biến thật không dễ, có lẽ việc khả thi là thay đổi nhận thức trong việc giáo dục trẻ em – lớp công dân tương lai. Thử nghĩ chúng ta (gia đình và nhà trường) đang khuyến khích hay hạn chế tính đố kỵ của các em, và bằng cách nào?

Gia đình:
Hãy hình dung đứa trẻ lớp 1 đem về nhà điểm 7.
Bà mẹ (ông bố) A nói: Tuần trước con được 6, như vậy là con có tiến bộ rồi, con cố gắng lên nhé rồi mình sẽ tiến bộ hơn.
hoặc: Nào mình cùng xem lại xem bài của con còn lỗi gì, mình sẽ tìm cách khắc phục và mẹ tin con sẽ được 8, rồi được 9.

Bà mẹ (ông bố) B nói: Sao lại vẫn chỉ 7 điểm? Kém quá. Con xem bạn Hà nhà bác C ấy, bạn ấy chỉ toàn điểm 9, 10. Bố mẹ bạn ấy thật sung sướng.
hoặc: Con làm mẹ thật xấu hổ. Đi họp phụ huynh con nhà người ta toàn đứng thứ nhất thứ nhì lớp, con mình thì lẹt đẹt, học với chả hành!

Tại sao bà mẹ (ông bố) B không dạy cho con vươn lên so với chính bản thân mình mà lại cứ làm phép so sánh để rồi len vào đứa trẻ tính tự ái và kiểu tư duy 'ta phải hơn họ'?

Nhà trường:
Ngành giáo dục nước nhà mấy năm gần đây đã có những kêu gọi thay đổi đáng kể, cụ thể là chiến dịch 'nói không với bệnh thành tích', tuy nhiên tư duy của những người làm giáo dục trong từng trường học thì vẫn còn nhiều chuyện phải bàn. Ví dụ: không còn chuyện 'xếp thứ' học sinh mỗi kỳ tổng kết kỳ I hoặc cuối năm, nhưng những gương mặt được tuyên dương ở các lớp thì hầu như kỳ nào cũng chỉ quanh quẩn trong số ít các em nổi trội trong thành tích học, thể thao, văn nghệ. Điều này tạo ra tâm lý được 'tôn vinh' và muốn 'giữ vững vị trí' trong số các em này, đồng thời là sự 'an phận' ở các em còn lại.

Thay vì thế, việc tuyên dương có thể làm thường xuyên từng tuần, từng tháng, thay đổi nhiều hình thức: Các em có tiến bộ, các em chuyên cần, các em hòa đồng và có ảnh hưởng tốt đối với các bạn trong lớp, các em tích cực tham gia công việc chung, các em có tính tự lập cao và biết chia sẻ việc nhà với cha mẹ ..v..v.. Mỗi đứa trẻ đều có điểm yếu và điểm mạnh riêng. Hãy để mỗi đứa trẻ đều cảm thấy điểm mạnh của chúng được ghi nhận và điểm yếu chúng còn phải phấn đấu điều chỉnh. Điều này giúp tránh tâm lý độc tôn ở một số em và khích lệ tất cả trẻ phấn đấu hoàn thiện mình (phải chăng đây mới là mục tiêu cao nhất của giáo dục?). Và, một khi không có sự độc tôn thì cũng sẽ không còn đất cho sự đố kỵ phát triển.


(hình trong bài sưu tầm từ google search)

October 15, 2009

Trầm

Hôm nay cảm giác thật trầm, nhưng khó viết. Mình không quen viết NK 'mở' những khi cảm thấy tâm trạng không tốt. Hình như chỉ có ngày trước viết NK trong sổ tay riêng mình mới có thể viết trải hết lòng mình.

Nhưng thôi, cũng cần phải 'đi qua mùa thu'. Chỉ vì hôm nay trời mưa, ẩm ướt lép nhẹp, một màn mây xám xịt thấp sát trên đầu, gió lạnh se sắt... Những cơn lạnh đầu mùa hình như luôn đem đến cho mình cảm giác sợ hãi mùa đông, một sự yếu lòng.

May sao đi làm về lại thấy câu chuyện về Clip múa "Tay trong tay" của cặp đôi khuyết tật người Trung Quốc trên VMC Blog. Mình đọc câu chuyện và xem đi xem lại clip, cảm nhận được những gì họ 'nói' qua từng động tác - tình yêu, niềm hân hoan, những lúc gục ngã, đau đớn, bỏ cuộc, rồi lại cùng nhau đứng dậy bước đi. Một người có đủ đôi chân và một người còn đủ đôi tay - họ bù đắp cho nhau. Thế, nên có những hỉnh ảnh của sự dựa vào nhau bù đắp đẹp vô cùng và cảm động vô cùng. Mình đã khóc, và kỳ lạ, cảm giác như mình có thêm sức mạnh, quên tất cả những ủy mị làm mình trầm thật trầm suốt ngày hôm nay. Cảm ơn "Tay trong tay", cảm ơn hai bạn, cảm ơn tình yêu của các bạn và niềm yêu cuộc sống đã làm nên điều kỳ diệu để nhiều người ngưỡng mộ.

Mình đi ngủ nhé O. ? Và chúc một giấc ngủ ngon lành, bình an.

Clip "Hand in Hand":

Mùa lá rụng (Olga Berggoltz - Bản dịch của Nina)

Cảm ơn Nina về một bản dịch rất sát nghĩa, rất hay, và rất thơ.

Mùa lá rụng
(Olga Berggoltz - Bản dịch trên Blog Nina)

Mùa thu ở Matxcơva trên các đại lộ người ta thường treo những tấm biểnvới dòng chữ "Thận trọng nhé, mùa này lá rụng!"

Mùa thu, mùa thu! Trên Matxcơva
Những con sếu, màn sương mù và khói
Những khu vườn đang cháy trong chiều tối
Bằng tán lá vàng rực rỡ trong hoàng hôn
Và những tấm biển trên bao đại lộ
Nói với mọi người qua lại nơi đây
Đi một mình, hay đang tay trong tay
"Thận trọng nhé, mùa này lá rụng!"

Ôi con tim tôi, sao quá chừng đơn độc
Trong con phố này quá xa lạ, lạnh lùng
Buổi chiều đang dạo bước mông lung
Ngang cửa sổ, giật mình khi mưa xuống
Tôi ở đây một mình vì ai nhỉ
Tôi quý mến ai, ai vui lúc gặp tôi?
Sao bỗng dưng tôi lại nhớ mấy lời:
"Thận trọng nhé, mùa này lá rụng"?

Khi tôi đã không cần điều gì nữa
Thì tức là có gì để mất đâu:
Chẳng là người thương, thân thuộc với nhau
Thậm chí cũng chẳng phải là bạn nữa.
Nhưng sao lòng tôi nỗi buồn chất chứa,
Vì chúng ta vĩnh viễn chia tay
Hỡi con người không vui một mảy may
Không hạnh phúc, và chắc là đơn độc?
Nụ cười nhạo báng, hay chỉ không cẩn trọng?
Cứ chịu đựng đi, mọi chuyện sẽ qua thôi...

Không – đáng sợ hơn mọi thứ trên đời
Là sự dịu dàng khi chia tay, như mưa trút
Cơn mưa rào tối đen, ấm áp
Chỉ rực sáng lên rồi run rẩy mà thôi!
Hãy hạnh phúc, hãy vui vẻ bạn ơi
Khi chia tay, như cơn mưa này vậy....

Tôi một mình cất bước ra ga
Và từ chối mọi người đưa tiễn.
Tôi chưa kịp nói cho anh mọi chuyện
Nhưng bây giờ chẳng cần phải nói thêm.
Giờ màn đêm đã đầy trong ngõ nhỏ
Những tấm biển vẫn nhắc nhở người ta
Nhắc những người đơn độc đang lại qua
"Thận trọng nhé, mùa này lá rụng"...

Листопад
(Ольга Берггольц )

Осенью в Москве на бульварах вывешивают дощечки с надписью "Осторожно, листопад!"

Осень, осень! Над Москвою
Журавли, туман и дым.
Златосумрачной листвою
Загораются сады.
И дощечки на бульварах
всем прохожим говорят,
одиночкам или парам:
"Осторожно, листопад!"

О, как сердцу одиноко
в переулочке чужом!
Вечер бродит мимо окон,
вздрагивая под дождем.
Для кого же здесь одна
я, кто мне дорог, кто мне рад?
Почему припоминаю:
"Осторожно, листопад"?

Ничего не нужно было,
- значит, нечего терять:
даже близким, даже милым,
даже другом не назвать.
Почему же мне тоскливо,
что прощаемся навек,
Невеселый, несчастливый,
одинокий человек?

Что усмешки, что небрежность?
Перетерпишь, переждешь...
Нет - всего страшнее нежность
на прощание, как дождь.
Темный ливень, теплый ливень
весь - сверкание и дрожь!
Будь веселым, будь счастливым
на прощание, как дождь. ...

Я одна пойду к вокзалу,
провожатым откажу.
Я не все тебе сказала,
но теперь уж не скажу.
Переулок полон ночью,
а дощечки говорят
проходящим одиночкам:
"Осторожно, листопад"...

MÙA LÁ RỤNG (Olga Berggoltz)

Buổi chiều kéo lang thang mưa giá
Khẽ rung lên bên khung cửa sáng đèn...

---------------------------------------
Mùa lá rụng
(Olga Berggoltz - Bằng Việt dịch)

Mùa thu ở Matxcơva người ta thường treo những tấm biển trên các đại lộ, với dòng chữ : "Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng"

Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói toả.
Matxcơva lại đã thu rồi!
Bao khu vườn như lửa chói ngời,
Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ
Những tấm biển treo dọc đại lộ
Nhắc ai đi ngang dù đầy đủ lứa đôi
Nhắc cả những ai cô độc trong đời:
"Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng!"

Ôi trái tim, trái tim của một mình tôi
Đập hồi hộp giữa phố hè xa lạ
Buổi chiều kéo lang thang mưa giá
Khẽ rung lên bên khung cửa sáng đèn

Ở đây tôi cần ai khi xuôi ngược một mình?
Tôi có thể yêu ai? Ai làm tôi vui sướng?
"Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng"
Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi!

Nếu không có gì ao ước nữa trong tôi
Thì có nghĩa chẳng còn gì để mất
Anh từng ở đây, từng là người thân nhất
Sao phút này làm người bạn cũng không?
Tôi chẳng hiểu sao cứ ngùi ngẫm trong lòng
Rằng sẽ phải xa anh vĩnh viễn

Anh - con người không vui, con người bất hạnh
Con người đi cô độc quá trong đời
Thiếu cẩn trọng chăng? Hay chỉ đáng nực cười?
Thôi, hãy biết kiên tâm, mọi điều đều phải đợi

Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi
Mưa thầm thì rơi mãi lúc chia ly
Mưa tối rầm nhưng ấm áp nhường kia
Mưa run rẩy trong ánh trời chớp loá...
Anh hãy cố vui lên dù con đường hai ngả
Tìm hạnh phúc bình yên trong ấm áp cơn mưa!...

Tôi ra ga, lòng lặng lẽ như xưa
Một mình với mình thôi, không cần ai tiễn biệt
Tôi không biết nói cùng anh đến hết
Nhưng bây giờ còn phải nói gì thêm!
Cái ngõ nhỏ con đã tràn ngập màu đêm
Những tấm biển dọc đường càng thấy trống:
"Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng..."

Листопад
(Ольга Берггольц )

Осенью в Москве на бульварах вывешивают дощечки с надписью "Осторожно, листопад!"

Осень, осень! Над Москвою
Журавли, туман и дым.
Златосумрачной листвою
Загораются сады.
И дощечки на бульварах
всем прохожим говорят,
одиночкам или парам:
"Осторожно, листопад!"

О, как сердцу одиноко
в переулочке чужом!
Вечер бродит мимо окон,
вздрагивая под дождем.
Для кого же здесь одна я,
кто мне дорог, кто мне рад?
Почему припоминаю:
"Осторожно, листопад"?

Ничего не нужно было,-
значит, нечего терять:
даже близким, даже милым,
даже другом не назвать.
Почему же мне тоскливо,
что прощаемся навек,
Невеселый, несчастливый,
одинокий человек?

Что усмешки, что небрежность?
Перетерпишь, переждешь...
Нет - всего страшнее нежность
на прощание, как дождь.
Темный ливень, теплый ливень
весь - сверкание и дрожь!
Будь веселым, будь счастливым
на прощание, как дождь.

...Я одна пойду к вокзалу,
провожатым откажу.
Я не все тебе сказала,
но теперь уж не скажу.
Переулок полон ночью,
а дощечки говорят
проходящим одиночкам:
"Осторожно, листопад"...

October 14, 2009

CHỊ EM GÁI

Chiều chủ nhật, H.O gọi điện: L.O à, em đi Hà Tây với phòng. Cả đội đang ghé siêu thị BigC rồi về Thái nguyên luôn, L.O có ra được không? – OK, 30 phút nữa còn đó không? – Dạ còn. Thế là tức tốc cùng Dim Mei thay đồ thật nhanh rồi chạy ra đường đón taxi đến BigC gặp dì. (hình bên: google)

Đến, gặp, tíu tít. BigC mùa khuyến mãi đông khủng khiếp. Chen chúc. Mình Dim Mei nhặt một giỏ đầy, H.O nhặt một giỏ đầy. Đi ngang hàng đồ tắm, cô manơcanh đứng mặc một chiếc áo choàng tắm màu hồng rất đẹp, mình chỉ: H.O có thích áo này không mình tặng? Nàng đứng ngần ngừ, 'đọc' được là rất thích nhưng chắc nhìn giá tiền hơi ... xa xỉ. Mình bóp nhẹ tay H.O: Mình tặng mà. Hắn nói nhẹ: Ừ, mình rất thích.

Hai chị em xếp hàng dài mới đến lượt trả tiền. Mình để cả hai giỏ lên bàn "thôi để mình trả cả cho nhanh". Hì, hôm nay mình được làm 'đại gia'.

Ra xe, mọi người chung đoàn H.O đã có mặt gần đủ. H.O giới thiệu với các đồng nghiệp: Chị gái em đấy, giống không? Một vị nói gần như cùng lúc: "À thế là chị gái à?, gặp thế này thì vui rồi". Một tên thêm: "’À thế...’ chứng tỏ không giống lắm". Mình buồn cười và hạnh phúc vì H.O chả thèm để ý, hãnh diện cãi: "Đâu mà, giống nhau như hai giọt nước í".
---------------------------------------------------

Tối qua đi vòng vòng với Mei, Mei thủ thỉ: – Hôm chủ nhật gặp dì H.O, con thấy mẹ dắt tay dì như 2 chị em gái ấy.
– Ừ, thì mẹ và dì là 2 chị em gái mà.
– Không, ý con là như bọn con ấy, như là còn nhỏ ấy. Mẹ cứ dắt tay dì đi trong siêu thị, con và chị Dim cứ tự đi theo sau.
– (Bật cười và thấy hơi có lỗi) Ừ mẹ xin lỗi, vì lâu lâu mẹ với dì mới gặp nhau. Còn mẹ dắt tay hai chị em mỗi ngày rồi.
– Mei vâng. :)

Câu nhận xét vô tư của Mei như nhắc. 10h tối, bấm điện thoại cho H.O "Biết chú Dũng đi Hà nội gọi về xem nàng có nhớ chàng heo hắt cần an ủi không đây".
Hắn cười: – Không đến nỗi vậy, mình đang tắm.
– Thế có đang vừa tắm vừa hát không?
– (cười hihi).

Rồi gọi cho Kh. Hương.
– Ối sao nàng lại gọi giờ này? có việc gì không?
– Cứ có việc gì mới gọi thì lại chỉ mong vài tháng đừng có việc gì. Lâu lâu mình gọi đột xuất tí thôi.
– Ừ đúng.
Rồi chuyện và cười gần 10 phút. Rồi chào và cùng chúc ngủ ngon.

Mình có hai người mà nếu không có gì đặc biệt có khi cả tháng, cả hai tháng chẳng điện thoại, còn nếu có việc thì sẽ chạy đến nhau ngay, chắc chắn. Hai người mà nếu một ngày đẹp trời nhiều thời gian ngồi được với nhau thì rúc rích thủ thỉ đủ các chuyện cả buổi cũng chưa ai thấy nhàm để 'tạm biệt nhé'. Hai người mà cả lúc ở chung nhà, làm chung cơ quan hơn chục năm đến khi ở cách xa vẫn chẳng hề có một giận dỗi, hiểu nhầm, hay trách móc không đáng, vì thật sự yêu quý, tôn trọng, và mỗi người đều nghĩ cho người kia hơn là đòi hỏi. Thế – là chị em gái. Mình may mắn có hai như vậy, tiếc là một đang ở Thái nguyên, còn một lại ở Sài Gòn...

October 12, 2009

ĐỐI THOẠI 2

Hai mẩu đối thoại vui thôi, có tính chất bạn bè đùa một chút, không phải quá 'nghiêm trọng'. Ta khá 'đanh đá', nhưng ta không cho 'đanh đá' trong 2 hoàn cảnh này là dở, ngược lại, nhớ lại thấy hay hay, nên muốn lưu lại:

1. "Từ sau hôm nay..."
Nhân ngày giỗ bố Sếp tổng, Sếp mời một số lính tráng về ngôi nhà thời thơ ấu của Sếp ở Thái Bình ăn giỗ, cũng là để thay đổi không khí (một dạng offline nếu coi chạm mặt nhau suốt ngày ở văn phòng và hành lang là online, hihi).

Phòng mình và Ban KS đi cả, ngồi 2 xe của trưởng và phó BKS. Đi giữa đường thì mất dấu nhau, có mỗi cậu đồng hương Thái Bình biết nhà Sếp thì ngồi xe kia, thế là suốt dọc đường điện thoại liên lạc tới lui với xe kia và cả với Sếp hỏi đường. Cuối cùng gần đến nơi vẫn lạc mất một khúc. Bác D. vừa lái xe vừa quay qua trêu mình: O. cũng không biết nhà Sếp à?
– Dạ không
– Tưởng thư ký HĐQT thì phải biết nhà Sếp chứ?
– Chưa ạ, nhưng anh yên tâm, từ sau hôm nay nếu ai hỏi em có biết nhà Sếp không thì em sẽ cao giọng trả lời: Dạ có! :)

Cả 4 tên trên xe cười hí.

2. Đoan trang
Sau bữa SN Quỳnh Anh can tội quấy quá ăn theo 'Smart or Sexy' của Bí, đại loại phụ nữ thông minh là có cả ba đoan trang, khéo léo, lãng mạn và đừng nhầm chỗ (đoan trang trong phòng khách, khéo léo trong nhà bếp, lãng mạn trong phòng ngủ). Một anh gọi trên YM: Em làm anh khó chịu lắm đấy.
- Sao lại khó chịu?
- Em đoan trang trong phòng khách, khéo léo trong bếp nên làm anh khó chịu
- Dạ chưa hiểu???
- Thì chưa 'kiss' em được cái nào nên khó chịu :(
- Ồ, cái đó không được, đoan trang cơ mà !
Lại cười hì.

(hình: sưu tầm từ google search)

October 11, 2009

BÌNH YÊN...

Hôm nay sau mấy ngày liền lò mò sửa nhà (Blogger): tìm mẫu, chỉnh sửa, vào cả mã nguồn thay chỉnh, cuối cùng thì mình cũng tạm có được cái nhà ưng ý để gửi những tự sự, nhật ký, những mẩu viết không đầu không cuối không chủ đề rõ ràng mà mình gọi là tản mạn. Một chốn để mình trải lòng, và bình yên...

Thích nhất là mình thay được hình nền đầu trang bằng một mảnh cắt từ bức hình chụp hoa mơ trắng. Mình muốn đặt cả nền trang bằng bức hoa trắng cơ, nhưng các mẫu Blogger thiết kế sẵn khó chèn cả lắm, thôi đặt được nền đầu trang cũng thích rồi. Bức này mình ngẫu hứng chụp được ở Melbourne khi đi bộ trên đường từ nhà máy về nhà cách đây 2 năm. Hồi đó đi làm thêm, hết ca, người vừa bụi bẩn vừa mệt, nhưng cây mơ bên đường nở hoa trắng xóa đáng yêu đến nỗi mình quên hết cả mệt nhọc, dừng lại, lôi từ ba lô ra chiếc máy hình và chụp. Cảnh đẹp làm lòng người lâng lâng.

Ừ, xem nào, mình sẽ gửi lên đây những bức hình hoa mình yêu thích nhất để chào mừng 'nhà mới' nhé.

Hoa chuông, hay Lan-đưs (Ландыш), hay hoa linh lan - loài hoa mình yêu nhất thời sinh viên. những bông hoa chuông trắng muốt, nhỏ xíu, khiêm nhường và rất rất dễ thương:



Đây là bức hình chụp hoa mơ trắng sáng tươi cả một đoạn đường ở Clayton, VIC, Australia 2007. Hoa trắng, mảnh vườn nhỏ gọn gàng nhiều màu xanh, mái ngói cũng gọn gàng, khuôn cửa sổ nhỏ cũng gọn gàng. Bức hình này mình đã đặt tên là "Bình yên":




Còn đây là một góc bụi Si-ren mùa ra bông ở trước nhà mình thuê thời đi học, số 8 Royalty st., Clayton, AUS. Mình đã hết sức ngạc nhiên và thú vị khi thấy loài hoa này ở Úc. Hoa Siren kết thành chùm màu tím sáng, 4 cánh nở bung vô tư như những loài hoa đồng nội. Bọn con gái Nga ngày xưa đã dạy tụi mình tin rằng nếu tìm được bông Siren 5 cánh rồi nuốt thì sẽ được hạnh phúc. Siren 5 cánh có nhưng hiếm lắm, tụi mình hồi đó đã rất chịu khó kiếm tìm và nuốt không ít Siren 5 cánh vì niềm tin ngây thơ ấy:




Hoa Ngọc lan, loài hoa mình mãi yêu vì vẻ giản dị và mùi thơm sâu lắng:


(một số hình trong bài sưu tầm từ google search)

October 07, 2009

TẢN MẠN... BÌNH 'LOẠN'

Dạo này Hà nội vào thu, lãng đãng, thiên hạ 'tản mạn' nhiều. Mà lạ, cứ đọc tản mạn là thấy man mác, tự sự, buồn buồn thế nào. Đọc rồi cũng ngấm, cũng lãng đãng, tản mạn, nhưng hôm nay thử tản mạn kiểu quấy quá, chọc phá, nghịch ngợm... xem có khác được gì không.

Đã tản mạn thì không đầu không cuối. Nói đến chọc phá chợt nhớ đến một lần được nghe giảng về "critical thinking" khi đọc hay tiếp cận thông tin, tiếng Việt dịch là nghĩ/ đọc một cách soi xét, hay nói nôm na là 'soi'. Cái này rất cần thiết khi đọc báo chí, tập san, kể cả tin tức đời sống lẫn khoa học. Bà giáo bảo: Các bài viết thường có độ thiên lệch (bias) nhất định: Vì một mục đích/ lý do nào đó (chính trị, định hướng dư luận XH, tuyên truyền, 'tô màu' kết quả nghiên cứu...) hoặc đơn giản do sự thiên lệch vốn có của người viết đối với vấn đề họ đề cập. Vì vậy khi đọc nhất định phải lưu ý đến uy tín của cơ quan duyệt và xuất bản, người viết, độ tin cậy của nguồn thông tin, và cuối cùng nên tự hỏi 'bài viết có mục đích gì?'.

Thế, mới nói chuyện cách đây ít bữa, cậu bạn cùng làm cũ bỗng gửi một cái email chung cho nhóm bạn (nhóm đa phần đàn ông, mình 'may mắn' được lọt vào diện 'có thể nói chuyện như với thằng bạn' nên cũng có trong danh sách). Cái email tự đề rất 'hot', dẫn y nguyên tít một bài báo của Vietnamnet.vn hẳn hoi: "Bí mật động trời ở Bắc Kinh", đưa tin 30% số đàn ông đưa con đi kiểm tra không phải là con ruột, kèm theo các bình luận về xã hội cởi mở, đạo đức, hôn nhân đủ cả... Mình đọc, phút đầu cũng choáng: 30% 'loạn thế này' cơ á?

Đọc kỹ hơn: Thông tin từ một TT xét nghiệm AND, 30% trong số các cặp cha con đi xét nghiệm AND cho kết quả không phải con đẻ. Vấn đề chính là ở chỗ đây là "30% trong số các cặp cha-con đi xét nghiệm ADN" – Rõ ràng, chỉ các cặp có nghi ngờ (nguy cơ cao) các ông mới đem con đi xét nghiệm. Đương nhiên số mẫu này không thể đại diện cho tổng thể các cặp vợ chồng của toàn Bắc Kinh mà chỉ chiếm 1 tỉ lệ thực nào đó nhỏ hơn nhiều, vậy thì có gì mà động với cả trời? Đồng ý chuyện nhập nhèm cha này con kia là chả ra làm sao cả, nhưng xưa hay nay ở đâu mà chả có một tỉ lệ những chuyện lầm lỡ rồi phải che đậy, hoặc tệ hơn là giả dối, toan tính, đến nội cung vua chúa Tàu thời xưa hà khắc phong kiến đến thế mà Lã Bất Vi còn gửi con tu hú được đấy thôi.

Nói ngược lại, trừ đi 30%, trong số các cặp nghi ngờ và đi xét nghiệm cũng còn có tới 70% nghi oan con đẻ đấy. Ấy thế mà không biết do vô tình (thiếu suy xét) hay cố ý (tuyên tryền cho cái gì? hay để câu khách?) mà mấy nhà báo này làm lơ đi chi tiết ấy, lập lòe phăng đại ra thành chuyện to tát ầm ĩ, rồi gắn cho cái tít thật động trời. Dân chúng cứ vậy mà truyền tai: Kiểu này thì đàn đàn bà sắp thành bỏ đi hết cả rồi, ông toàn tò vò mà nuôi con nhện thôi, nhá ! Tệ hại quá, cuộc sống bây giờ đảo điên hết cả, chả còn biết đằng nào mà tin !

Thông tin giật gân lan nhanh. Tìm qua mạng thấy có nhiều trang vớ vẩn đã chép sang hoặc xào xáo lại đăng tải thông tin về ‘chuyện 30%’. Có báo bên nguyên xi nội dung nhưng phang luôn cái tít mới cho oách: "30% đàn ông Trung Quốc phải nuôi con ngoài giá thú". Ai đọc mà sơ ý thiếu cái "critical thinking" (soi) thì cũng đều cuống cuồng, có khi soi thông tin chẳng soi, lại soi thằng cu nhà mình rồi mai đem nó đi xét nghiệm ADN ấy chứ.

Giá như bài báo chỉ đưa ra các con số thống kê rõ ràng, bình luận lo gíc, khoa học, đừng giật tít giật gân. Đúng là làm báo không phải là viết nhật ký riêng cho cá nhân mà nó tác động định hướng tư duy cho đông đảo người. Ai nói thì không sao chứ báo nói thì nhiều người tin: Đây, cái này là báo nói hẳn hoi đấy nhá. Vậy mới rất cần ở người làm báo cái tâm và cái tầm, thiếu một trong hai cái đó thì thật tai hại. Nói đến đây phải xin lỗi các nhà báo chân chính, vừa phải qua nhiều vất vả khó khăn (đôi khi cả hiểm nguy mà không ai hiểu hết) để theo đuổi nghề mà nhiều khi vẫn phải chịu chung chỉ trích bởi tại một số các nhà báo 'chưa chân chính' khác.

Thôi không tản mạn nhiều lạc đề bây giờ. Quay về với cái chuyện đọc 'soi', hồi nhỏ mình chả bao giờ được học cách đọc 'soi' cả - toàn được dạy một chiều (cũng phải nói thêm là chiều 'màu hồng'), sách giáo khoa chỉ có một, và sách là đúng. Chẳng bao giờ được hướng dẫn rằng nên tiếp cận thông tin từ nhiều chiều, đọc nhiều nguồn về cùng một sự kiện sẽ cho mình cái nhìn tổng quát hơn, đa chiều hơn. Nhớ học đi học lại đến thuộc chuyện mẹ Âu cơ đẻ trăm trứng và các Vua Hùng chỉ biết đó là truyền thuyết dân gian, là tinh hoa văn hóa của dân tộc. Sau này được nghe một bình loạn thế này: Này, ngay từ nguồn gốc dân tộc mình đã là bố mẹ li dị rồi đấy. Lạc Long Quân và Âu Cơ thủy thổ tương khắc chia tay mỗi người đi một nơi. 100 người con thì chia đôi một nửa theo mẹ, nửa kia theo bố. Rồi sau đó thì chỉ thấy con của mẹ Âu Cơ mở mang khai phá lập nước, làm Vua (các Vua Hùng), còn con đi theo bố Lạc Long Quân thì lặn mất tăm chả thấy nói đến nữa. Xem ra cái thời phong kiến đàn ông ngồi mâm trên là về sau rồi, chứ tổ tiên ta xuất thân có vẻ là xã hội Mẫu hệ cơ. Đấy ngay cả bây giờ nhé, mẹ Âu cơ thì nổi chứ bố Lạc Long Quân thì 'khiêm tốn' hơn nhiều. Đường Âu cơ bao giờ chả to hơn đường Lạc Long Quân!

Thì đúng là 'bình loạn' phá cách, con cháu vô lễ, hì hì, nhưng không phải không có cái để đọc rồi phải ngẫm nghĩ một tẹo.

Rồi sau này chuyện Sơn tinh Thủy tinh có vẻ còn gần với 'hiện đại' hơn. Những kẻ hay 'soi', bình loạn, bảo: Đến Vua Hùng mà còn chỉ định thầu nhé. Vua kén rể giữa 2 thằng ứng viên: một thằng Thần núi và một thằng Thần nước mà lại ra điều kiện "Voi chín nhà Gà chín cựa Ngựa chín hồng mao". Mịa, Voi với Gà với Ngựa thì thằng Vua núi nó hú một cái ra cả lũ, còn biển xanh mênh mông hỏi tìm đâu ra mấy thứ đó bây giờ? Thế, chả là tiền thân của chỉ định thầu thì còn là gì nữa? Mà Vua đường đường là Vua, Vua thích ai thì cứ chỉ định thẳng, đàng hoàng, làm gì phải làm cái trò mèo ra vẻ điều kiện abc ấy nhỉ? À, Vua sợ Thủy tinh trả thù nên bày ra trò 'đánh bùn sang ao' đấy, cuối cùng để 2 đứa đánh nhau hàng năm bão lũ chỉ khổ dân thôi.

Hôm nay đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung nhà cửa ruộng vườn tan hoang hết cả sau cơn bão số 9, lại giận cách vua Hùng kén rể xa xưa. Dù xưa hay nay, dù là giữa các dân tộc hay trong một gia đình, thì sự không chính trực, không công bằng cũng là nguyên nhân của mâu thuẫn, thù hận, và chiến tranh.

Ối thôi, lan man tản mạn bình loạn búa xua lại bị 'gậy ông đập lưng ông', đọc soi gắn mác "bài viết có mục đích gì" thì mệt. Thôi mời bạn đọc thư giãn cười tẹo với clip bài hát Sơn tinh Thủy tinh (phiên bản sinh viên) nhé. Nghe xong cười xí xóa nhé:



October 03, 2009

"Con thương các em"

Sáng hôm qua trước khi đi học, Dim bảo: Mẹ ơi hôm nay cuối giờ chiều con đi cùng đoàn của trường đến Làng Hòa Bình làm Trung thu cho các em. Con về muộn mẹ không phải đón đâu, cô Mỹ Dung (chủ nhiệm) nói cô sẽ chở con về.
(Làng Hòa Bình Thanh Xuân là nơi nuôi dưỡng trẻ khuyết tật do di chứng chất độc màu da cam, đặt ở quận Thanh Xuân, Hà Nội)

6h chiều gọi điện cho cô. "Chị ơi hôm nay em bận ở trường nên không đi cùng con. Chị yên tâm các thầy cô khác sẽ đưa con về".
Gần 7h nghe tiếng cửa. Xuống tận cửa đón con: Con chào mẹ - Ừ, Trung thu thế nào con? - Dạ tốt ạ, (ngừng 1 giây), con thương các em.

Con có vẻ mệt. Mẹ đi từng bước sau con dọc cầu thang và cố nén cảm xúc lẫn lộn khó tả: cảm động, yêu/ thương con, tự hào, cả 'sự mất mát mơ hồ' rằng con đã lớn...
Lên nhà. Mẹ ý thức để dịu dàng hết mức có thể ngồi xuống bên cạnh, đưa cho con ly nước:
- Con uống nước đi sẽ đỡ mệt.
- (Con vừa nói vừa thở) Vâng, con mệt và đói quá mẹ ạ.
- Vậy ai đưa con về? Mẹ gọi cho cô...
- Con đi xe buýt.
- Đi xe buýt?
- Vâng, con đi taxi cùng các thầy và các bạn từ Hòa Bình về trường, rồi con đi xe 33 từ đó về. Xe 33 qua gần trường con.
(sau mẹ mới biết thêm vì đi lần đầu nên con đã xuống sớm 1 bến, đi bộ rất dài để về nhà)

Tối, khi mẹ cùng Dim Mei tự đi dzòng dzòng "Trung thu" cho mình, nói chuyện tiếp với Dim:
- Lúc chiều trên xe taxi về trường, con có thể mượn nhờ điện thoại của các Thầy gọi cho mẹ để mẹ đến đón mà?
- Vâng, con cũng định thế đấy chứ. Con đã nói với Thầy mượn rồi, nhưng sau đó con nghĩ con sợ mẹ đi làm về mẹ mệt, thế là con bảo các thầy cho con xuống bến xe buýt. Con tự về được.
- Mà sáng nay mẹ nghĩ cô chở con về, nên không đưa con thêm tiền?
- Con còn đúng 3 ngàn trong túi, vừa đủ tiền vé (cười).
.......
- Kể cho mẹ Trung thu ở Hòa Bình đi?
- Lúc đầu là tặng quà cho các em, nói chuyện với các em, hát cùng các em.
- Quà là gì? các em có thích quà không con?
- Quà là bóng bay mẹ ạ. Các em thích.
- Vậy các em thế nào?
- Các em cũng như người bình thường thôi, nhưng một số em thì bị một ít không bình thường ở mặt, ở tay ..., một số em thì bị chậm, khó nói mẹ ạ (cách con tả các em bị dị tật).
- Thế lúc đầu nhìn các em không bình thường con có sợ không?
- (gật đầu) Con có. Nhưng sau đó thương các em nên con quên và hết sợ.
(đúng thế, mẹ cũng từng trải qua đúng những cảm xúc y hệt khi lần đầu đến thăm các bé khuyết tật ở nhà Trường thiếu niên 3 Gò Vấp cách đây gần 2 chục năm).
- Thế con có nói chuyện với các em không?
- Dạ có, con nói nhiều. con nói chuyện với một em, à - một bạn (con cười: "không biết là em hay là chị, 21 tuổi nhưng học lớp 4, nên con gọi là bạn"). Bạn ấy bị không bình thường ở tay và chân, nhưng bạn học giỏi. Hôm nay bạn với 2 em nữa được nhận học bổng của trường con tặng. Con hỏi bạn sau này lớn bạn thích làm nghề gì? Bạn ấy bảo bạn thích làm nghề may. Con hỏi thế bạn may được cái gì rồi? Bạn bảo bạn đã may được 1 cái quần. Con bảo: "thế thì bạn giỏi hơn tớ rồi. Tớ mới may được mỗi cái gối mà vẫn xấu, được điểm không cao".
Mẹ: - Thế là con đã khích lệ bạn ấy nhiều đấy.
Con: - Bạn ấy... bạn ấy nói không biết vì sao mà bố mẹ bạn bỏ rơi bạn. Bạn vào làng Hòa Bình được mấy năm rồi mẹ (giọng con hơi lạc đi) nói chuyện với bạn ấy xong Dim phải ra một chỗ khác Dim khóc.
(những khi kể chuyện xúc cảm, hoặc khi thích 'nhõng nhẽo', Dim thường đổi xưng Dim).
Mẹ giải thích: - Con ạ, có những người rất nghèo, cũng có thể không phải bố mẹ bạn ấy không thương con mà vì họ quá khó khăn không thể có tiền nuôi, chăm sóc, và chữa trị bệnh cho bạn ấy. Giả sử bố/ mẹ bạn ấy trước đây đi bộ đội mà bị di chứng của chất độc màu da cam thì bạn ấy được nhà nước nuôi và chữa trị miễn phí, thế nên cũng có thể bố mẹ bạn ấy đành đưa bạn ấy vào Hòa Bình là để tốt hơn cho bạn ấy con ạ.
(Giải thích cho Dim, thật ra chính mình cũng muốn tin như thế)

Dim gật đầu: - vâng, bạn ấy có một cái vòng mẹ bạn ấy tặng.
- Ừ, mẹ nghĩ chắc mẹ bạn ấy cũng yêu và thương bạn ấy.
Mẹ ôm Dim vào lòng: Mẹ cũng rất rất yêu con.