October 03, 2009

"Con thương các em"

Sáng hôm qua trước khi đi học, Dim bảo: Mẹ ơi hôm nay cuối giờ chiều con đi cùng đoàn của trường đến Làng Hòa Bình làm Trung thu cho các em. Con về muộn mẹ không phải đón đâu, cô Mỹ Dung (chủ nhiệm) nói cô sẽ chở con về.
(Làng Hòa Bình Thanh Xuân là nơi nuôi dưỡng trẻ khuyết tật do di chứng chất độc màu da cam, đặt ở quận Thanh Xuân, Hà Nội)

6h chiều gọi điện cho cô. "Chị ơi hôm nay em bận ở trường nên không đi cùng con. Chị yên tâm các thầy cô khác sẽ đưa con về".
Gần 7h nghe tiếng cửa. Xuống tận cửa đón con: Con chào mẹ - Ừ, Trung thu thế nào con? - Dạ tốt ạ, (ngừng 1 giây), con thương các em.

Con có vẻ mệt. Mẹ đi từng bước sau con dọc cầu thang và cố nén cảm xúc lẫn lộn khó tả: cảm động, yêu/ thương con, tự hào, cả 'sự mất mát mơ hồ' rằng con đã lớn...
Lên nhà. Mẹ ý thức để dịu dàng hết mức có thể ngồi xuống bên cạnh, đưa cho con ly nước:
- Con uống nước đi sẽ đỡ mệt.
- (Con vừa nói vừa thở) Vâng, con mệt và đói quá mẹ ạ.
- Vậy ai đưa con về? Mẹ gọi cho cô...
- Con đi xe buýt.
- Đi xe buýt?
- Vâng, con đi taxi cùng các thầy và các bạn từ Hòa Bình về trường, rồi con đi xe 33 từ đó về. Xe 33 qua gần trường con.
(sau mẹ mới biết thêm vì đi lần đầu nên con đã xuống sớm 1 bến, đi bộ rất dài để về nhà)

Tối, khi mẹ cùng Dim Mei tự đi dzòng dzòng "Trung thu" cho mình, nói chuyện tiếp với Dim:
- Lúc chiều trên xe taxi về trường, con có thể mượn nhờ điện thoại của các Thầy gọi cho mẹ để mẹ đến đón mà?
- Vâng, con cũng định thế đấy chứ. Con đã nói với Thầy mượn rồi, nhưng sau đó con nghĩ con sợ mẹ đi làm về mẹ mệt, thế là con bảo các thầy cho con xuống bến xe buýt. Con tự về được.
- Mà sáng nay mẹ nghĩ cô chở con về, nên không đưa con thêm tiền?
- Con còn đúng 3 ngàn trong túi, vừa đủ tiền vé (cười).
.......
- Kể cho mẹ Trung thu ở Hòa Bình đi?
- Lúc đầu là tặng quà cho các em, nói chuyện với các em, hát cùng các em.
- Quà là gì? các em có thích quà không con?
- Quà là bóng bay mẹ ạ. Các em thích.
- Vậy các em thế nào?
- Các em cũng như người bình thường thôi, nhưng một số em thì bị một ít không bình thường ở mặt, ở tay ..., một số em thì bị chậm, khó nói mẹ ạ (cách con tả các em bị dị tật).
- Thế lúc đầu nhìn các em không bình thường con có sợ không?
- (gật đầu) Con có. Nhưng sau đó thương các em nên con quên và hết sợ.
(đúng thế, mẹ cũng từng trải qua đúng những cảm xúc y hệt khi lần đầu đến thăm các bé khuyết tật ở nhà Trường thiếu niên 3 Gò Vấp cách đây gần 2 chục năm).
- Thế con có nói chuyện với các em không?
- Dạ có, con nói nhiều. con nói chuyện với một em, à - một bạn (con cười: "không biết là em hay là chị, 21 tuổi nhưng học lớp 4, nên con gọi là bạn"). Bạn ấy bị không bình thường ở tay và chân, nhưng bạn học giỏi. Hôm nay bạn với 2 em nữa được nhận học bổng của trường con tặng. Con hỏi bạn sau này lớn bạn thích làm nghề gì? Bạn ấy bảo bạn thích làm nghề may. Con hỏi thế bạn may được cái gì rồi? Bạn bảo bạn đã may được 1 cái quần. Con bảo: "thế thì bạn giỏi hơn tớ rồi. Tớ mới may được mỗi cái gối mà vẫn xấu, được điểm không cao".
Mẹ: - Thế là con đã khích lệ bạn ấy nhiều đấy.
Con: - Bạn ấy... bạn ấy nói không biết vì sao mà bố mẹ bạn bỏ rơi bạn. Bạn vào làng Hòa Bình được mấy năm rồi mẹ (giọng con hơi lạc đi) nói chuyện với bạn ấy xong Dim phải ra một chỗ khác Dim khóc.
(những khi kể chuyện xúc cảm, hoặc khi thích 'nhõng nhẽo', Dim thường đổi xưng Dim).
Mẹ giải thích: - Con ạ, có những người rất nghèo, cũng có thể không phải bố mẹ bạn ấy không thương con mà vì họ quá khó khăn không thể có tiền nuôi, chăm sóc, và chữa trị bệnh cho bạn ấy. Giả sử bố/ mẹ bạn ấy trước đây đi bộ đội mà bị di chứng của chất độc màu da cam thì bạn ấy được nhà nước nuôi và chữa trị miễn phí, thế nên cũng có thể bố mẹ bạn ấy đành đưa bạn ấy vào Hòa Bình là để tốt hơn cho bạn ấy con ạ.
(Giải thích cho Dim, thật ra chính mình cũng muốn tin như thế)

Dim gật đầu: - vâng, bạn ấy có một cái vòng mẹ bạn ấy tặng.
- Ừ, mẹ nghĩ chắc mẹ bạn ấy cũng yêu và thương bạn ấy.
Mẹ ôm Dim vào lòng: Mẹ cũng rất rất yêu con.

2 comments:

  1. Bai viet nay lam minh roi le, Lana a. Minh nhu thay truoc mat Dim ngoi thu thi voi Lana...

    ReplyDelete
  2. @Thu: Comment của Thu dẫn Lana đọc lại entry này. Bữa đó thật sự là một trải nghiệm nhiều cảm xúc Thu ạ: nhìn con đã lớn, nhìn con cảm xúc trước một câu chuyện đời...
    Cảm ơn Thu đã đồng cảm.
    Hug.

    ReplyDelete

Nào mình cùng chia sẻ cảm nhận...