October 07, 2009

TẢN MẠN... BÌNH 'LOẠN'

Dạo này Hà nội vào thu, lãng đãng, thiên hạ 'tản mạn' nhiều. Mà lạ, cứ đọc tản mạn là thấy man mác, tự sự, buồn buồn thế nào. Đọc rồi cũng ngấm, cũng lãng đãng, tản mạn, nhưng hôm nay thử tản mạn kiểu quấy quá, chọc phá, nghịch ngợm... xem có khác được gì không.

Đã tản mạn thì không đầu không cuối. Nói đến chọc phá chợt nhớ đến một lần được nghe giảng về "critical thinking" khi đọc hay tiếp cận thông tin, tiếng Việt dịch là nghĩ/ đọc một cách soi xét, hay nói nôm na là 'soi'. Cái này rất cần thiết khi đọc báo chí, tập san, kể cả tin tức đời sống lẫn khoa học. Bà giáo bảo: Các bài viết thường có độ thiên lệch (bias) nhất định: Vì một mục đích/ lý do nào đó (chính trị, định hướng dư luận XH, tuyên truyền, 'tô màu' kết quả nghiên cứu...) hoặc đơn giản do sự thiên lệch vốn có của người viết đối với vấn đề họ đề cập. Vì vậy khi đọc nhất định phải lưu ý đến uy tín của cơ quan duyệt và xuất bản, người viết, độ tin cậy của nguồn thông tin, và cuối cùng nên tự hỏi 'bài viết có mục đích gì?'.

Thế, mới nói chuyện cách đây ít bữa, cậu bạn cùng làm cũ bỗng gửi một cái email chung cho nhóm bạn (nhóm đa phần đàn ông, mình 'may mắn' được lọt vào diện 'có thể nói chuyện như với thằng bạn' nên cũng có trong danh sách). Cái email tự đề rất 'hot', dẫn y nguyên tít một bài báo của Vietnamnet.vn hẳn hoi: "Bí mật động trời ở Bắc Kinh", đưa tin 30% số đàn ông đưa con đi kiểm tra không phải là con ruột, kèm theo các bình luận về xã hội cởi mở, đạo đức, hôn nhân đủ cả... Mình đọc, phút đầu cũng choáng: 30% 'loạn thế này' cơ á?

Đọc kỹ hơn: Thông tin từ một TT xét nghiệm AND, 30% trong số các cặp cha con đi xét nghiệm AND cho kết quả không phải con đẻ. Vấn đề chính là ở chỗ đây là "30% trong số các cặp cha-con đi xét nghiệm ADN" – Rõ ràng, chỉ các cặp có nghi ngờ (nguy cơ cao) các ông mới đem con đi xét nghiệm. Đương nhiên số mẫu này không thể đại diện cho tổng thể các cặp vợ chồng của toàn Bắc Kinh mà chỉ chiếm 1 tỉ lệ thực nào đó nhỏ hơn nhiều, vậy thì có gì mà động với cả trời? Đồng ý chuyện nhập nhèm cha này con kia là chả ra làm sao cả, nhưng xưa hay nay ở đâu mà chả có một tỉ lệ những chuyện lầm lỡ rồi phải che đậy, hoặc tệ hơn là giả dối, toan tính, đến nội cung vua chúa Tàu thời xưa hà khắc phong kiến đến thế mà Lã Bất Vi còn gửi con tu hú được đấy thôi.

Nói ngược lại, trừ đi 30%, trong số các cặp nghi ngờ và đi xét nghiệm cũng còn có tới 70% nghi oan con đẻ đấy. Ấy thế mà không biết do vô tình (thiếu suy xét) hay cố ý (tuyên tryền cho cái gì? hay để câu khách?) mà mấy nhà báo này làm lơ đi chi tiết ấy, lập lòe phăng đại ra thành chuyện to tát ầm ĩ, rồi gắn cho cái tít thật động trời. Dân chúng cứ vậy mà truyền tai: Kiểu này thì đàn đàn bà sắp thành bỏ đi hết cả rồi, ông toàn tò vò mà nuôi con nhện thôi, nhá ! Tệ hại quá, cuộc sống bây giờ đảo điên hết cả, chả còn biết đằng nào mà tin !

Thông tin giật gân lan nhanh. Tìm qua mạng thấy có nhiều trang vớ vẩn đã chép sang hoặc xào xáo lại đăng tải thông tin về ‘chuyện 30%’. Có báo bên nguyên xi nội dung nhưng phang luôn cái tít mới cho oách: "30% đàn ông Trung Quốc phải nuôi con ngoài giá thú". Ai đọc mà sơ ý thiếu cái "critical thinking" (soi) thì cũng đều cuống cuồng, có khi soi thông tin chẳng soi, lại soi thằng cu nhà mình rồi mai đem nó đi xét nghiệm ADN ấy chứ.

Giá như bài báo chỉ đưa ra các con số thống kê rõ ràng, bình luận lo gíc, khoa học, đừng giật tít giật gân. Đúng là làm báo không phải là viết nhật ký riêng cho cá nhân mà nó tác động định hướng tư duy cho đông đảo người. Ai nói thì không sao chứ báo nói thì nhiều người tin: Đây, cái này là báo nói hẳn hoi đấy nhá. Vậy mới rất cần ở người làm báo cái tâm và cái tầm, thiếu một trong hai cái đó thì thật tai hại. Nói đến đây phải xin lỗi các nhà báo chân chính, vừa phải qua nhiều vất vả khó khăn (đôi khi cả hiểm nguy mà không ai hiểu hết) để theo đuổi nghề mà nhiều khi vẫn phải chịu chung chỉ trích bởi tại một số các nhà báo 'chưa chân chính' khác.

Thôi không tản mạn nhiều lạc đề bây giờ. Quay về với cái chuyện đọc 'soi', hồi nhỏ mình chả bao giờ được học cách đọc 'soi' cả - toàn được dạy một chiều (cũng phải nói thêm là chiều 'màu hồng'), sách giáo khoa chỉ có một, và sách là đúng. Chẳng bao giờ được hướng dẫn rằng nên tiếp cận thông tin từ nhiều chiều, đọc nhiều nguồn về cùng một sự kiện sẽ cho mình cái nhìn tổng quát hơn, đa chiều hơn. Nhớ học đi học lại đến thuộc chuyện mẹ Âu cơ đẻ trăm trứng và các Vua Hùng chỉ biết đó là truyền thuyết dân gian, là tinh hoa văn hóa của dân tộc. Sau này được nghe một bình loạn thế này: Này, ngay từ nguồn gốc dân tộc mình đã là bố mẹ li dị rồi đấy. Lạc Long Quân và Âu Cơ thủy thổ tương khắc chia tay mỗi người đi một nơi. 100 người con thì chia đôi một nửa theo mẹ, nửa kia theo bố. Rồi sau đó thì chỉ thấy con của mẹ Âu Cơ mở mang khai phá lập nước, làm Vua (các Vua Hùng), còn con đi theo bố Lạc Long Quân thì lặn mất tăm chả thấy nói đến nữa. Xem ra cái thời phong kiến đàn ông ngồi mâm trên là về sau rồi, chứ tổ tiên ta xuất thân có vẻ là xã hội Mẫu hệ cơ. Đấy ngay cả bây giờ nhé, mẹ Âu cơ thì nổi chứ bố Lạc Long Quân thì 'khiêm tốn' hơn nhiều. Đường Âu cơ bao giờ chả to hơn đường Lạc Long Quân!

Thì đúng là 'bình loạn' phá cách, con cháu vô lễ, hì hì, nhưng không phải không có cái để đọc rồi phải ngẫm nghĩ một tẹo.

Rồi sau này chuyện Sơn tinh Thủy tinh có vẻ còn gần với 'hiện đại' hơn. Những kẻ hay 'soi', bình loạn, bảo: Đến Vua Hùng mà còn chỉ định thầu nhé. Vua kén rể giữa 2 thằng ứng viên: một thằng Thần núi và một thằng Thần nước mà lại ra điều kiện "Voi chín nhà Gà chín cựa Ngựa chín hồng mao". Mịa, Voi với Gà với Ngựa thì thằng Vua núi nó hú một cái ra cả lũ, còn biển xanh mênh mông hỏi tìm đâu ra mấy thứ đó bây giờ? Thế, chả là tiền thân của chỉ định thầu thì còn là gì nữa? Mà Vua đường đường là Vua, Vua thích ai thì cứ chỉ định thẳng, đàng hoàng, làm gì phải làm cái trò mèo ra vẻ điều kiện abc ấy nhỉ? À, Vua sợ Thủy tinh trả thù nên bày ra trò 'đánh bùn sang ao' đấy, cuối cùng để 2 đứa đánh nhau hàng năm bão lũ chỉ khổ dân thôi.

Hôm nay đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung nhà cửa ruộng vườn tan hoang hết cả sau cơn bão số 9, lại giận cách vua Hùng kén rể xa xưa. Dù xưa hay nay, dù là giữa các dân tộc hay trong một gia đình, thì sự không chính trực, không công bằng cũng là nguyên nhân của mâu thuẫn, thù hận, và chiến tranh.

Ối thôi, lan man tản mạn bình loạn búa xua lại bị 'gậy ông đập lưng ông', đọc soi gắn mác "bài viết có mục đích gì" thì mệt. Thôi mời bạn đọc thư giãn cười tẹo với clip bài hát Sơn tinh Thủy tinh (phiên bản sinh viên) nhé. Nghe xong cười xí xóa nhé:



4 comments:

  1. Lana "soi" hơi bị được đấy. Chuyển từ lý thuyết "critical thinking" sang " critical writing" thường xuyên cho bà con nhờ vả nhé.
    Cái vụ chỉ định thầu ý mà, vua Hùng thế là còn công bằng chán, chỉ hơi thiên vị tí thôi. Bây giờ "chiến lược thầu" còn bố trí quân xanh quân đổ khắp nơi cơ. Thầu vẫn ra dáng thâu nhưng cuối cùng chỉ là hai thằng đấu với nhau, lũ quân xanh quân đỏ đều do một trong hai thằng đẻ ra cho có vẻ công bằng.
    Đấy là còn khá nhá. Trường hợp thứ ba xấu hơn là cả hai đấu sĩ cũng đã bắt tay trước với nhà thầu rôi. Lời lãi chú hai anh một, xanh đỏ tuốt tuột, mỗi thằng tí ti. He he.

    ReplyDelete
  2. Oài, oài, chê các nhà báo kìa. Đề nghị chỉ phê phán một vài nhà báo thôi, không được gom các nhà báo trong một danh từ chung nhé.

    ReplyDelete
  3. @ Bí: Bí ơi critical ít ít thôi, thỉnh thoảng thôi không thì đau đầu lắm :) Bài này tản mạn 'gay gắt' chỉ vì hôm trước em tranh luận chưa 'đã' về vụ ồn ào 30% này đấy. Chị biết không, sau bài báo có một status gửi lên FB thế này: "Đọc vietnamnet.vn thấy phụ nữ Trung Hoa cũng chả thua kém gì phụ nữ Đức; nếu ở VN cũng có một cái thống kê tương tự thì kết quả ra sao nhỉ?" - em đã cáu sẵn vì vừa đọc cái emeo của thằng bạn, xông vào cãi, nhưng vì là người không quen nên em cãi 2 câu rồi xin lỗi rồi thôi. Hôm nay post bài này trên FB, nhận được comment phản hồi gửi vào inbox: "Critical thinking cũng còn có nghĩa đi đến tận cùng tư duy nữa đấy, chứ không phải lịch sự xin lỗi và 'thôi ai nói gì nói, mình không nói nữa'" :)

    Là chị thì chắc em sẽ tranh luận đến tận cùng thật, nhưng chưa thấy cái gì 'khác tư duy' để tranh luận cả nhỉ, hix hix.

    ReplyDelete
  4. @ VMC: Lana giật mình vì không hề có ý chê chung các nhà báo (nghiện đọc báo mỗi ngày sao dám vậy chứ), chỉ soi riêng vụ 30% này thôi mà. Đọc lại thấy Lana có viết rõ "các nhà báo này" (có chữ 'này' nữa đấy).
    Nhưng mà Lana cũng xin lỗi, câu chữ chưa chuẩn đấy. Lana đã sửa thành "mấy nhà báo này" rồi. VMC tiếp tục soi giùm cả những bài về sau nữa nhé, Lana thanks nhiều đấy.

    ReplyDelete

Nào mình cùng chia sẻ cảm nhận...