April 30, 2012

Nghỉ lễ

Mong đợi mãi rồi cũng có kỳ nghỉ, mấy ngày liền thật là đã. Rảnh tới dài người, bù cho những tuần những tháng kín mít chưa hết tối nay đã thấy sáng mai, chưa kịp làm xong list việc cho cuối tuần đã thấy qua tuần mới. Ôi dãn người. Hưởng. Sung sướng thế không biết.

Ghét mỗi cái trời Hà Nội nóng oi bức, nắng tới chẳng muốn chui ra ngoài, chủ nhật dọn dẹp nhà cửa phơi phóng đồ xong ba mẹ con lăn ra nhà ngủ giấc trưa dài. Dậy, khua rủ Dim Mei đi bơi nhưng nàng Mei 'mệt', thế là đành bỏ kế hoạch. Rảnh không ngủ không đi bơi thì sẽ nghĩ tới shoping. Nguyễn Kim đang đợt khuyến mãi lớn, ừa cần mua thêm cái quạt cho mùa hè, thay nồi cơm điện đã cũ bắt đầu trục trặc, thêm cái máy xay sinh tố nữa. Rủ Tuyết hai cô cháu lên xe, đi. Kết quả là list có 3 món đồ nhưng chiến lợi phẩm lên đến 5, mà món đồ ưng nhất là bộ nồi làm bếp lại không có tên trong list, hơ hơ. Mình nào giờ đi shop rất ư là đờn ông xì tai, trước khi bước ra khỏi nhà định sẵn sẽ mua thứ này thứ này, rồi tới đúng nơi bán từng thứ đó, chỉ, thanh toán, xách về, xong. Hôm nay mình trở về phụ nữ chính hiệu rồi nhá, há há, yêu mình ghê cơ.
Dọc đường về lâng lâng sướng vì bộ nồi Hàn Quốc nắp trong màu đồng sáng bóng. Món đồ mơ ước đấy - thay cho giá nồi mỗi chiếc một kiểu chiếc đen chiếc trắng nào giờ. Có kẻ từ nay đứng bếp sẽ vừa làm vừa hát, bếp không chung vách hàng xóm nào, hát thoải mái tự do :)


Ừa ngày lễ đường phố Hà Nội vắng vẻ thanh lịch dễ thương nao lòng. Không ồn ào, không chen chúc kẹt dí dị từng ùn người và xe nhúc nhích trên đường phố. Không hàng vặt với xe xen kín vỉa hè. Không có các chú áo vàng đứng khuất khuất sau các ngã tư mà đường phố thênh thang lại chẳng ai vội vàng nên cứ đèn xanh đi đèn đỏ dừng răm rắp. Yêu.

Đấy, thường ngày bác Thăng đau đầu hô quyết sách này đề án kia chống kẹt xe mà chỉ như bắt muỗi bỏ rọ, kẹt vẫn hoàn kẹt. Chả biết mấy nhà ký chính sách ra đường Hà Nội mấy ngày lễ có nhận ra gì không. Bắt đầu ngày nghỉ là các cửa ngõ thành phố ùn ùn người về quê, tới cuối đợt nghỉ lại ùn ùn thủ đô thẳng tiến mưu sinh kiếm tiền. Không trách được dân tạm cư - lẽ đời ai cũng phải lo cuộc sống, đâu có việc làm thì tới chứ họ đâu có tự nhiên đánh đổi bỏ quê bỏ nhà cửa xa người thân chen chúc Hà Nội bụi bặm. Thế thì thay vì loay hoay theo bác Thăng đổi giờ cấm xe các nhà chính sách nên làm sao phát triển nông thôn, tạo việc làm cho người nông dân. Nuôi sống được gia đình ho ở lại chứ đi đâu làm chi.
Là mơ thôi Diễm. Nông dân ư? Nào Ecopark, nào đất Văn Giang, vài kẻ cười tiền trăm người khóc đất. Ứa lệ bất lực nhìn đất lành thành chiến lũy bởi chữ an dân bị lấp bởi tiền. Ê cô ép người nông dân phải bán đất với giá hơn trăm ngàn đồng mét vuông, bèo bọt, không nhận bèo thì chính quyền đưa người khiên dùi cui đạn cay CƯỠNG CHẾ ép ra khỏi đất. Vốn xưa nay chăm mấy trăm gốc cam / cây cảnh trên một sào đất làm nguồn thu, giờ buông đất cầm bốn chục triệu đồng - quá nhỏ để bắt đầu một cái gì - hỏi người nông dân sống tiếp thế nào, đi đâu?
Bác Đinh La Thăng theo dõi Văn Giang có bóp đầu than ôi không nhỉ.
Đấy, đang tươi một chút lan man lại Văn Giang là buồn là chán là trước mặt dưới chân đổ vỡ. Chơi vơi gì đâu...

April 29, 2012

Vụn (3)

1. Mấy bữa trước có được lúc rảnh ghé tiệm tóc làm đẹp, xong, nhìn gương mà choáng, thay vì mái tóc của mình có màu hạt dẻ sẫm nó lại rực lên màu nâu sáng. Ôi trời ơi chưa bao giờ xài màu tóc sáng thế này. Về nhà chỉ muốn trốn trốn nhưng không thoát, Dim Mei hỏi ngay "mẹ nhuộn tóc à?", ngượng ngượng "Ừa... mà màu sáng quá". Hai bạn quấn vào ngắm, đồng thanh "đẹp mà" / "đẹp" / "Ôi nhìn mẹ giống Uee". Hỏi: "Uee là ai?", Mei: "diễn viên Hàn Quốc mẹ", lại hỏi "Uee đẹp hay xấu?", trả lời "đẹp". Ôi trời là hai bạn gái của tôi! fan ruột cũng đến thế này mà thôi :D

2. Đang đợt tập trung cùng Dim tăng cường ôn thi chuyển cấp nên không lên lịch về Ngoại dịp nghỉ 30/4 - 01/5. Mấy hôm gọi về hỏi sức khỏe cứ thấy mẹ "cũng được" hoặc có một giây chần chờ rồi mới "ba mẹ khỏe". Thấy không ổn. Lo. Nhắn tin cho Huệ Oanh hỏi ba mẹ vẫn khỏe chứ thì nàng trả lời "ba mẹ khỏe mà", lại một cái tin 'thêm' "đừng lo nhé". Ô cái câu tự trả lời thêm này cũng lại không bình thường. Lo.

Chiều thứ 6 Quỳnh gọi từ SG "Không định về vì dịp này nhiều việc quá với lại vừa ra tuần trước, nói với bà rồi mà sáng nay đang làm bà tự nhiên gọi hỏi Quỳnh lễ có ra không, mình thấy "có mùi" (= có vấn đề / có gì đó không ổn), đang vù ra sân bay book vé ra đây".
Ừa ngay. Thứ 7 bám theo Quỳnh về Thái Nguyên. Trên đường về cứ miên man nhớ bài viết 'Đời này mình còn gặp bố mẹ được bao nhiêu lần', miên man câu "Quỹ thời gian đếm ngược"..., miên man không biết mình còn bao nhiêu cơ hội... Sợ. Trộm vía bây giờ một trong hai người ấy 'có gì' mình sẽ chới với. Xin đừng.

Về nhìn thấy một vết cắt khá sâu ngang 4 ngón chân của Ba còn mới, hóa ra Ba mới bị tông xe - một cái xe máy khác tông vào xe Ba từ phía sau. May lúc đó Ba đi chậm, không ngã, chỉ bị vật gì đó sắc cắt vào chân vì phải rà chống đỡ. Tâm lí lắm đấy, nhưng giấu vì sợ con cái ở xa lo, luôn là như thế. Giấu nhưng mong. Thấy một tiếng reo vui cho chuyến hai chị em về. Mình xuống lại HN trong ngày vì Dim thi thử, hơi mệt, nhưng yên tâm nhìn thấy nụ cười của Ba Mẹ. An...

3.Mấy hôm nay chuyện Văn Giang làm buồn, đổ vỡ, u uẩn, lục giá sách những cuốn chưa đọc ép mình ôm một cuốn - "Gỗ mun" ("Heban", Ryszard Kapuscinski, 1998), cùng tác giả với "Du hành cùng Herodotus". Cuốn sách này là một 'món lời' khi mình tham gia Cơm thịt - Giỏ thị, bởi mình được từ một em Giỏ thị tặng kèm theo lời giới thiệu và gợi ý đọc nữa mà lu bu chưa đọc. Cuốn sách khá hay. Mình thích cách tác giả kể về Châu Phi dưới cái nhìn thấu suốt và độc đáo qua những chuyến du hành.
Ví dụ ông viết: "Có bao giờ ta từng nghĩ rằng người phương Bắc chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên hành tinh này... Ngược lại, một phần rất lớn sống trong ấm áp, cả đời được sưởi nắng. Vả lại, con người được sinh ra trong ánh nắng, những dấu vết cổ xưa nhất của con người được tìm thấy ở các xứ xở ấm áp. Thiên đường trong Kinh Thánh có khí hậu thế nào? Ở đó ấm áp vĩnh cửu, nóng nực là đằng khác, đến nỗi Eva và Adam có thể trần truồng và không cảm thấy lạnh ngay cả trong bóng cây".

Ô mình bắt được chi tiết lơ lãng này của nhà văn! Ổng đi nhiều, nhìn nhiều, thấu và viết và trôi quên cảm thực: Adam + Eva thì bóng cây hay đâu đâu cũng cách gì mà thấy lạnh! Nhà văn đúng thật là. :D

*** Có thể bạn muốn đọc:
- FAN RUỘT

April 26, 2012

Giọt nước mắt của lề phải

Một lần một nhóm bạn nhỏ thân thân đang ngồi cà phê, điện thoại của một người đang làm trong ngành báo reo báo cuộc gọi. Sau cú điện thoại ngắn gọn, bạn nhìn cả nhóm nói nhỏ: "Máy bay thủ tướng Ba Lan vừa rơi ở Nga, 'trên' nhắc chỉ đưa tin ngắn hiện tượng, không bình luận".
Để thú nhận sự thật là mình biết câu trả lời khi mình viết 'Báo ơi?' lần này rồi lần khác. Câu trả lời 'vì sao im lặng' dường như ai cũng biết nhưng không được nói ra hoặc có chỉ thầm thì, nên mình cứ hỏi và cứ gọi 'báo ơi', dù biết câu gọi ấy làm nhiều người khóc. Cảm ơn thật nhiều commnent của bạn Diệu Huyền ở 'Báo ơi (2)' cho đường link về câu trả lời "Giọt nước mắt của lề phải".
"Trong một nền truyền thông nơi báo chí bị coi như công cụ, người làm báo phải lựa chọn. Hoặc là im lặng để cố gắng đưa được thông tin tới bạn đọc chừng nào tốt chừng ấy. Hoặc ra đi."

Giọt nước mắt của lề phải
(nguồn: Đoan Trang)
Trong suy nghĩ của nhiều người ngoài ngành, qua phản ánh của phim ảnh, nghề báo đẹp như được phủ một lớp hào quang.
Nhà báo được tiếp xúc với số lượng người cực lớn, trong đó có nhiều quan chức cao cấp, văn nghệ sĩ nổi tiếng. Nhà báo có thể "dồn" một ông cốp tới lúc phải đắng họng, có thể vạch trần những âm mưu xấu xa, có thể bá vai bá cổ một nhà văn chụp ảnh, hay ôm hoa đứng bên các nghệ sĩ. Nhà báo có xu hướng là người quảng giao, rất hiểu biết, nói chuyện hay ho, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, giữa biết đủ ngóc ngách của xã hội. Nhà báo có xu hướng thông minh, hài hước, dũng cảm, biết chụp ảnh. Nghề báo là nghề đầy vinh quang và có cả sự phiêu lưu mạo hiểm...
Đó là suy nghĩ của nhiều người ngoài ngành về nghề báo và nhà báo. Tất nhiên, không phải 100% ý kiến đánh giá đều như vậy. Ở thái cực kia, người ta lại nghĩ nhà báo Việt Nam là cái lũ đầu rỗng, nỏ mồm chém gió và nói phét, đã thế lại đểu, chỉ giỏi vặt tiền doanh nghiệp, nói tục chửi bậy kinh khiếp mà viết lách thì không bài nào sạch lỗi.
Người ta cũng có thể nghĩ nhà báo Việt Nam là một lũ cừu, cứ sểnh ra là viết sai, viết láo, viết không có lợi cho tình hình chung, làm phương hại tới quan hệ giữa Việt Nam và một quốc gia nào đó.
Người ta còn nghĩ nhà báo Việt Nam là một bọn bồi bút, bọn lưỡi gỗ tuyên truyền phản dân hại nước, ngậm miệng ăn tiền. Không đếm được có bao nhiêu lời mạt sát "lề phải" trên mạng: "não nhẵn", "óc phẳng", "hèn hạ", "ngu xuẩn", "vô lương tâm"…

Tuy nhiên, không thể tóm gọn diện mạo của cả làng báo Việt Nam trong một vài tính từ tích cực hay tiêu cực nào. Vì họ có tất cả những gương mặt ấy, khía cạnh ấy. Và dù thế nào đi nữa, trong đội ngũ các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa-tư tưởng (cách gọi khác của từ "đàn cừu"), vẫn luôn có những nhà báo lề phải ngày đêm lặng lẽ mang những gì tốt đẹp nhất mình có thể tìm được đến cho độc giả.
Tôi kính phục họ - những nhà báo trung thực, giấu sự phản kháng vào trong thầm lặng. Thật tiếc là, dẫu vô cùng muốn viết về họ, nhưng ngay cả lúc này, tôi vẫn cứ phải giấu tên các nhà báo ấy, để họ ở yên trong trận tuyến của họ - vì lẽ mọi lời nói ám chỉ đến họ đều có thể trở thành thông tin chỉ điểm.

"Nhưng chúng ta không thể bỏ mặc thế giới này..."
Họ trước hết là những người rất thông minh, sắc sảo. Và chúng ta đều hiểu là, một người có đầu óc thông minh, sắc sảo, biết xét đoán và biết phản biện, sẽ không bao giờ chấp nhận sự định hướng, lừa mị, bưng bít. Không thể che mắt họ bằng lối nhồi sọ của thế kỷ trước.
Họ cũng "phản động" chẳng kém bất kỳ nhà báo tự do, blogger lề trái nào. Nhưng trong hoàn cảnh của họ, họ không thể thoải mái viết bài phê phán, chỉ trích rồi đưa lên mạng tùy thích. Họ im lặng, cố gắng mang đến cho độc giả những thông tin tốt nhất có thể có được, thông qua một lối diễn đạt nhẹ nhàng nhất, và chỉ thầm ước mong: rồi độc giả sẽ hiểu.

Không có họ, ai là người đưa những thông tin đầu tiên về đại dự án bauxite 2009 ở Tây Nguyên ra công luận?
Không có họ, ai đưa những phát ngôn “đỉnh cao trí tuệ” trong chính trường Việt Nam lên mặt báo? Ai ghi lại những câu nói “bất hủ”, phản ánh trình độ (ít nhất là khả năng tư duy logic, khả năng diễn đạt) đáng báo động của một bộ phận không nhỏ quan chức nước nhà?
Không có họ, ai phản ánh về những vụ dân thường chết trong đồn công an một cách bí hiểm? Cho dù nhiều sự việc đau lòng như thế có thể chẳng đi về đâu, nhưng ít nhất, cũng nhờ có họ mà chuyện đã được đưa ra công luận.
Không có họ, ai viết về mãi lộ? về lũ lụt, tai nạn, tiền cứu trợ bị bớt xén hay hàng cứu trợ toàn bột giặt? về những tai nạn thảm khốc – cho thấy một xã hội đầy rủi ro, tỷ lệ tử chắc chắn là cao hơn mức 6/1.000 người dân/năm rất nhiều? về những bê bối trong trường học, bệnh viện? về một Vinashin vỡ nợ? Tất nhiên, việc báo chí viết về Vinashin hay các bê bối tương tự rất có thể chỉ là kết quả của những đấu đá nội bộ "trên thiên đình", trong đó báo chí được sử dụng làm công cụ, vũ khí để bắn giết nhau, nhà báo chỉ là những con tốt mà thôi. Nhưng dù sao thì lũ tốt đen ấy cũng đã làm được công việc đưa một phần sự thật ra ánh sáng.

Cũng có những lúc lề trái và lề phải "phối hợp tác chiến" một cách rất hoàn hảo. Hình ảnh những người dân đi đầu trong đoàn biểu tình mùa hè năm 2011, giương cao tờ báo Thanh Niên với hàng chữ nổi bật trên trang nhất: "Không chủ trương trấn áp người biểu tình yêu nước", có đủ nói lên sự ủng hộ ngấm ngầm của lề phải cho lề trái chăng? Tôi nhớ ở đâu đó, một độc giả bình luận: "Báo Thanh Niên đã góp sức để người dân thể hiện lòng yêu nước một cách an toàn – và quý báo cũng... an toàn!".

Họ cũng ra đi. Ra đi nhiều lắm. Cứ sau mỗi vụ tờ báo nào đó bị xử lý, rất có thể là lại có hàng loạt người "bay". Nhất là với cái thứ văn hóa đổ vấy của người Việt Nam, khi một loạt bài được "trên" biểu dương, thì lãnh đạo tòa báo hưởng, mà khi loạt bài bị "đánh" thì chỉ có thằng đánh máy, con sửa mo-rát là chết, mà lại là chết trong âm thầm, không ai hay biết.
Cũng nhiều người tự động bỏ đi, vì chán ngán, vì bế tắc. Một trong những người ấy đã gửi tôi một dòng tin nhắn mà không bao giờ tôi quên được: "Nhưng chúng ta không thể bỏ mặc thế giới này cho những kẻ mà ta khinh bỉ". (1)

Vì nhân dân
Năm 2009, trong một bài về "Chuyện làm báo ở Sài Gòn trước 1975", tôi đã viết: "... nghề báo thì bao giờ cũng vậy, là niềm vui, là nỗi buồn, là lòng nhiệt tình của tuổi trẻ và cả những giọt nước mắt". Đó thực chất là điều tôi muốn nói về báo chí Việt Nam sau năm 1975. Tôi không biết trong cuộc chiến thầm lặng chống lại sự bưng bít, bóc trần cái xấu, thúc đẩy sự minh bạch, bao nhiêu nhà báo đã lau nước mắt.

Chiều 2/8/2011. Ngày ấy, ở Hà Nội diễn ra hai sự kiện: phiên xử phúc thẩm TS. Luật Cù Huy Hà Vũ và cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, với nội dung thông báo kết quả điều tra vụ "đạp mặt người biểu tình".
Cảm giác "lạnh người" khi nghe tin ấy: Bộ Công an tổ chức họp báo ngay tại Thành ủy Hà Nội (giữa trung tâm thủ đô) để thông báo kết quả điều tra, và trước đó, tin đồn ít nhiều rằng đã có những cuộc tiếp xúc, điều đình giữa công an và người biểu tình bị đạp mặt – anh Nguyễn Chí Đức. Chúng tôi đều hiểu rằng, không có lý gì mà công an tự tin đến thế. Chắc là sẽ có một diễn biến gì đó…

3 giờ chiều, từ ngoài đường, tôi gọi điện cho bạn (vừa ở cuộc họp báo ra):
- Tình hình sao rồi mày?
- Xong rồi. Họ bảo tay Đức chống đối, ngồi bệt xuống đất, nên công an phải khiêng lên xe đưa về đồn. Ông Đức cũng bảo không bị ai đánh, viết tường trình nói rõ thế rồi.
- Còn cái clip kia?
- Không xác định được có phải là giả không.
- Thế bây giờ mày định...?
- Thì về viết bài, có thế nào viết như thế chứ còn định gì. So what? (thế thì sao)
- So what cái cục cứt! – chưa bao giờ tôi thô lỗ như thế trên điện thoại di động. – Mày định thế nào? Mày muốn cứ thế mà tương vào bài à? Mày không hỏi Chí Đức lấy một câu à?
- Mày muốn gì? Có giỏi thì mày viết đi, viết xem có đăng được không?

Hai người chửi nhau một trận nảy lửa trên điện thoại.

- Đừng có vô lý thế. Mày phải hiểu là không thể khác được. Trong trường hợp này tao chỉ có thể làm hết sức mình là phản ánh lại đúng sự việc qua lời của công an, và sẽ ghi rõ là “theo kết luận điều tra”. Thông tin được chừng nào tới người đọc tốt chừng ấy. Mày viết theo kiểu đa chiều, lấy ý kiến Chí Đức, xem có đăng được không? Sao cáu kỉnh vô lý thế? Có phải lỗi của tao không?

Đến lượt tôi ngồi bệt xuống đất, tay run bắn lên vì giận. Phải, chính tôi mới là kẻ vô lý. Tại sao tôi lại gầm lên trên điện thoại, lại văng tục với bạn tôi – nhà báo mà tôi nể phục, quý trọng, nhà báo mà tôi vẫn thường yêu mến bảo: "Như John Lennon và Paul McCartney, hai ta song kiếm hợp bích". Tại sao tôi lại nói bạn như thế, trong khi cả hai đều hiểu ai là những kẻ phải chịu trách nhiệm về tất cả chuyện này.

Bất cứ người làm báo chuyên nghiệp nào cũng hiểu quá rõ rằng, "trung thực, khách quan, công bằng" là các nguyên tắc đạo đức hàng đầu; và nếu ở một nền truyền thông đa chiều như phương Tây, thì sau khi dự một cuộc họp báo của cơ quan công an như thế, việc tiếp theo phóng viên phải làm là phỏng vấn "phía bên kia", tức là nạn nhân Nguyễn Chí Đức, để xem anh có ý kiến như thế nào, có thực anh đã viết tường trình khẳng định mình không bị đạp mặt hay không.

Nhưng báo chí nước mình nó khác, khác ghê lắm. Mà chẳng riêng báo chí, nói chung là cái nước mình nó khác. Video clip ghi lại hình ảnh vụ đạp mặt không được thừa nhận một cách thản nhiên. Cuộc họp báo của cơ quan công an, tổ chức tại Thành ủy Hà Nội, không có mặt Nguyễn Chí Đức, cũng không mời bất cứ một ai trong số những người đã ký kiến nghị đề nghị xử lý nghiêm vụ đạp mặt công dân. Kết luận chỉ hàm ý đơn giản là Nguyễn Chí Đức ăn vạ. Hỡi ôi, cả một hệ thống xông vào vùi dập một công dân! Và chúng tôi đã chẳng thể làm gì để bảo vệ công dân ấy.

Nhưng bạn tôi nói đúng. Chúng tôi không làm khác được. Trong một nền báo chí được định hướng chặt chẽ, sát sao. Trong một nền truyền thông nơi "quyền bình luận" của nhà báo bị triệt tiêu sạch sẽ – đừng hỏi vì sao báo chí (lề phải) Việt Nam bao năm qua không có nổi một cây viết bình luận cho ra hồn; phóng viên, nhà báo đâu có cái quyền ấy; nó là quyền của lực lượng "chống âm mưu diễn biến hòa bình" kia. Trong một nền truyền thông nơi báo chí bị coi như công cụ, nhà báo không khác gì con chó, khi nào bảo sủa thì sủa, bảo im thì im. Thì người làm báo phải lựa chọn. Hoặc là im lặng để cố gắng đưa được thông tin tới bạn đọc chừng nào tốt chừng ấy. Hoặc ra đi.
Và trong cuộc chiến lặng thầm đưa thông tin tới bạn đọc, nhiều nhà báo chỉ còn biết gạt nước mắt, thở dài mỗi khi bị hiểu nhầm, bị nghe chửi (oan) là "lưỡi gỗ", "chó lợn", "ngu xuẩn"... Đôi khi, họ làm tôi nhớ đến một câu hát buồn:

"Many times I’ve been alone,
and many times I’ve cried.
Many ways you’ve never known,
but many ways I’ve tried...
" (2)

Ngước mắt nhìn trời...
Năm 2011 khép lại bằng một vài sự kiện, trong đó có chuyến về nước của GS. Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Việt. Một trong những nhà báo thầm lặng mà tôi cũng rất yêu mến, khi tôi hỏi "có theo sự kiện này không", đã trả lời: "Khi thất vọng với mặt đất thì là lúc nên nhìn lên trời".
Dẫu là một câu nói đùa, nhưng nó đúng. Nhìn lên trời cũng là một cách để bớt ức chế với mặt đất. Nếu không ngước mắt nhìn trời, họ – những nhà báo vẫn cố gắng bám trụ với nghề, chấp nhận cay đắng, chấp nhận sự định hướng của một lực lượng mà năng lực truyền thông hẳn nhiên là thua xa họ – sẽ không chịu nổi bao nhiêu bụi bặm, rác rưởi.

Thôi thì chúng ta có thể hy vọng rằng, mọi việc được làm trên thế giới này đã được tiến hành bằng hy vọng.

Ghi chú:
1. Tiểu thuyết "Suối nguồn" (The Fountainhead, 1943) của Ayn Rand.
2. Ca khúc "Con đường dài và khúc khuỷu” (The Long and Winding Road, 1970) của "The Beatles".
3. "Everything that is done in the world is done by hope" (Martin Luther).


April 25, 2012

Báo ơi (2)

Thời sự ơi
Báo ơi
Việc lớn thế mà Thời sự với báo làm như không biết, im lặng là gì
Ngàn người nông dân đối đầu với ngàn cảnh sát trang bị đủ đầy
CƯỠNG CHẾ đất
Xót xa
vùng đất ấy vốn hiền
lành lắm
Nghe nói có học viên cảnh sát trẻ đã khóc
Để lên Wiki tìm định nghĩa công việc báo chí và nhà báo
có không?
Đúng sai để nơi sau (ông Trời?) phân xử
sao báo lại im lìm
LÀ SAO?
Cả ngày chỉ biết vào này để đọc tin

*** Báo ơi (1)

April 20, 2012

Chữ Thị mà chữ Văn :)

Tối qua đi ngủ sớm hơn mọi khi, 10h mắt đã díp tịt không cách nào chống lên được. Là vì hiệu ứng của trận bán kết C1 (Barca vs Chelsea) đêm trước. Cúp này Bây giờ người ta quen hơn với cách gọi ra chiều quý tộc European Cup hoặc UEFA Champions League chứ mình từ hồi nhỏ xíu coi giải này chung với Ba và hội con trai trong nhà nên vẫn quen cái tên dân dã Cúp C1. Từ lâu rồi mình không coi bóng nhiều nữa nhưng riêng World Cup, Giải Châu Âu và cúp C1 là không thể bỏ, ít nhất cũng những trận bán kết trở đi.

Mắc cười đợt này bận rối việc cơ quan chả còn nhớ bóng với bánh, đêm rồi đang ngủ say chợt nghe tiếng ào lên qua cửa sổ, sực nhớ lịch bán kết C1 thế là bật dậy, ra phòng khách với vội cái rì mốt TV. Barca vừa đá bật xà, phút thứ 8. Tỉnh luôn, chả hiểu sao cứ bị tin đội nào đá bật xà với cột là dễ thua (xui), mà huhu mình thích Barca hơn hẳn cái bọn Anh kia, sao ngủ lại được. 15 phút nghỉ giữa trận, Barca đang bị dẫn 1-0 càng không dám chợp mắt sợ ngủ bẵng đi mất. Giữa đêm nằm đi văng coi bóng đá mình ên, tự cười nghĩ mình rót thêm ly rượu trước mặt nữa thì tên mình thêm chữ Văn béng mất rồi. hihi.

Cuối cùng Barca thua thật dù có vẻ đá trên chân. Đau buồn thế. Đành là tuần tới lại phải căng mắt 2-3 giờ sáng coi trận lượt về cổ vũ cho Barca vào Chung kết, đương nhiên là sẽ coi cả trận Real - Bayern đêm bên cạnh. Mà Chung kết Barca gặp Real thì mình 'za' Barca chứ gặp Bayern mình lại 'za' Bayern, hihi. Không phải là không trung thành mà nào giờ trong cái thứ tự thích của mình Bayern luôn đứng số một rồi mới tới Barca, rộng ra mình thích bóng đá Đức rồi mới đến Tây Ban Nha - Ý - Brazil - ..., chấm. Không thích Anh, mặc ai khen giải ngoại hạng Anh thế nào mình cũng kệ. Thấy không, yêu quý cũng bảo thủ, và yêu quý cũng có thứ tự đấy :D

Lại đêm ngày mốt còn trận 'siêu kinh điển' (El Clasico) Real - Barca (vô địch Tây Ban Nha) nữa chứ. Thôi rồi phải chi đêm rồi không chợt tỉnh dậy thì mình đã yên ổn ngủ quên đợt này rồi. Giờ thức là thức luôn rồi. Giời ơi.

*** Có thể bạn muốn đọc:
- BÓNG ĐÁ VÀ TÌNH YÊU
- YÊU (B.K.)
*** Thừa cơ dẫn luôn một bài viết rất rất hay mà bạn NLVD kiếm được về trận chiến AVG - VPF (Ở ĐÂY)

April 17, 2012

Đôi bông tai vàng

Xôn xao chợ đấu giá khuyên tai (bông tai) bên Blog bác Tiến. Là có một chị Việt Kiều Việt - Pháp vì cảm tính nhân văn của chương trình Cơm thịt đã ủng hộ chương trình 28 đôi bông tai vàng từ bộ sưu tập của chị đổi ra cơm thịt áo ấm cho trẻ vùng cao. Vàng được đem đi kiểm định, có tên tuổi, giá đưa ra lại rẻ so với thị trường (link). Tối qua chợ bắt đầu mở, mình thức đến 1h đêm. Cứ đổ tội cho ly cà phê chiều chứ hẳn có phần do sức hút của chợ bông tai co kéo. Canh ủn hình, canh còm xem không khí bán mua, rồi ngắm, ngắm. Là bán online chứ mà bác Tiến mở cửa nhà cho đến ngắm thật thì chắc bác sẽ phát cáu lên mất vì những tên ra vô shop ngó như mình.

Tự nhiên nhớ mẹ.
Tự nhiên muốn viết vì sao một con gái - phụ nữ lười trang điểm đơn giản các loại phụ kiện túi xách vòng cườm này nọ như mình lại rung cảm với những đôi bông tai vàng đến thế.

Ngày nhỏ mẹ xỏ lỗ tai cho mình và em gái khi mình 6 và H.O 2 tuổi. Mẹ dùng cây kim khâu có sợi chỉ ở đuôi, sát trùng cây kim bằng lửa nến và cồn, chấm điểm trên tai bằng cây bút, lựa lựa xâu kim qua, kéo lấy sợi chỉ rồi buộc lại thành một cái vòng chỉ. Để một tuần hay hơn cho tới khi lỗ xâu lành mới rút sợi chỉ ra và thay bằng một sợi cọng chiếu xé nhỏ xíu (mà ngày đó mẹ gọi là cuống chiếu). Cuống chiếu là đoạn chừng nửa phân sợi cói cắt ra từ cái chiếu nằm. Nó có tính rất hay là bền theo thời gian, và mỗi khi thấm nước (tắm hay gì đó) thì nó nở ra, cứ vậy nó 'nong' cái lỗ tai con gái rộng dần. Lâu lâu sợi cuống chiếu lại được thay bằng cọng xé to hơn một chút. Lúc bé mẹ làm giùm, lớn lên tự thay. Mình vẫn nhớ những lần dùng kéo cắt một đoạn cọng chiếu luồn vào lỗ tai. Đến khi mình học cấp 3 thì cọng chiếu tiết diện khoảng hơn 1mm đã không cần xé bớt nữa.
Mẹ nhẩn nha kể con gái nhà giàu xưa đeo nụ vàng có cuống dày xỏ vừa qua lỗ tai to bằng hạt đỗ đen mới là đẹp. Bởi thế nên các bé gái nhà giàu được xỏ lỗ tai từ nhỏ để khi tới tuổi gả chồng đeo nụ vàng làm của hồi môn. Mẹ cũng vậy, bà xâu lỗ tai cho mẹ khi mẹ khoảng 6 tuổi.
(Bây giờ thì khác, các đôi khuyên tai đều không làm phần xỏ lớn, vàng để trang sức hơn là thể hiện giàu sang, con gái bây giờ bấm lỗ tai nhỏ, duyên hơn).

Mẹ kể ngày đó bà ngoại có mẹ và dì An nên sắm sẵn 2 đôi nụ vàng chôn ở sân nhà. Năm 54 mảnh sân đó bị một quả đạn từ đồn Pháp câu trúng, ông ngoại cùng mấy người anh em họ của ông chết lần đó, hai đôi bông tai cũng mất.

Rồi nhà mất của hết trong cải cách ruộng đất. Mẹ không còn là con gái nhà giàu.
Nhưng có con gái, mẹ lại xâu lỗ tai cho con từ khi 6 tuổi.

Ngày đó mẹ hay bảo mẹ ước sau này mẹ mua cho LO, HO mỗi chị em một đôi bông tai. Thời bao cấp ai ai cũng nghèo, với hai chị em mình vàng chỉ là gì đó trong câu chuyện mẹ kể như cổ tích, chưa bao giờ nhìn thấy nên chẳng chút hình dung nó hình thù ra sao.
Cấp 3 mình học giỏi, mẹ bảo nhà mình chỉ có mỗi con đường học, ba mẹ chỉ để lại cho các con điều đó làm của cải mà thôi. Những năm ấy ai điểm cao trong kỳ thi đại học sẽ được học bổng 'đi Tây'. Mẹ hay nói "LO mà thi được đi nước ngoài mẹ nhất định sẽ mua cho LO một đôi bông tai bằng vàng". Là mẹ ước thế.

Mình thi điểm cao được học bổng đi du học thật, mà ba mẹ lo mua đủ mấy bộ quần áo cho mình mang theo đã phải co kéo lắm, tất nhiên không bông tai. Mình không biết đôi bông tai vàng khi đó bao nhiêu, hẳn là nó thật xa vời. Giờ nhớ lại mình trẻ con đến nỗi mình còn đùa vui mẹ "mẹ ơi con 10 năm đeo cuống chiếu rồi, đi tây mẹ cho con bỏ cuống chiếu đi nhé".

Cứ như thế, thời gian trôi qua.
Mình cứ vô tư bên ước mơ của mẹ.

Cho đến (bước ngoặt) năm 2002 khi mình cùng Dim Mei chuyển về Hà Nội. Thời gian đầu mẹ hay xuống Hà Nội lo đỡ. Khi này con cái đã trưởng thành ba mẹ bắt đầu có chút tiền tiết kiệm. Một lần mẹ bảo LO chở mẹ sang siêu thị Plaza Tràng Tiền. Mẹ chọn mua cho mình một đôi bông tai vàng tây nhập gắn viên đá hồng rất đẹp. Mẹ ngắm, LO đeo đẹp lắm.
Sau này, sơ sót khi di chuyển làm mình để mất đôi bông tai ấy. Đấy là món đồ mình tiếc nhất trong cuộc đời. Vì cách mẹ mua nó. Vì thời điểm mẹ chọn mua.

Từ đó mình biết mua bông tai cho mẹ.
Từ đó mình biết mua bông tai cho mình.

Câu chuyện mẹ xỏ lỗ tai cho con gái xưa mình kể cho Dim Mei nghe không nhớ mấy lần, nhưng nhớ lần đầu kể là trên đường chở hai chị em sang phố Cầu Gỗ để bấm lỗ tai. Năm ấy Dim 6 tuổi.

*** Bài liên quan:
- Ba mẹ
- Về Lana

April 16, 2012

"Hoa loa kèn và tháng Tư Hà Nội"

Cậu Quỳnh đang ở Bắc. Công việc của cậu lâu lâu lại ra đi một vòng, nay Hà Nội mai Thanh Hóa mốt Lạng Sơn..., Cậu ra thì biết, chẳng bao giờ cậu báo lịch, xẹt qua nhà khi ngủ một tối khi chút xíu rồi lại xách ba lô đi. Bữa nay chủ nhật được nghỉ cậu rủ mẹ và Mei đi ăn sáng. Ừa đi, đi bộ ra Núi Trúc, tung tăng ba người. Được một đoạn Mei ghé tai nói nhỏ "mẹ ơi Mei đi giữa cậu và mẹ thế này giống như một gia đình". Trả lời "Ừa thì gia đình mà, chỉ không như nhiều người nhìn thì tưởng thôi. Nhưng vẫn một gia đình". Rồi phiên, chỉ cho Mei những chiếc xe đạp chở đầy hoa loa kèn trên phố. Mei biết hoa này là hoa gì không? hoa tháng Tư Hà Nội đấy.

Ừa tháng Tư, giao mùa, hèn chi mình cứ hay vẩn vơ. Cứ khi nào thấy loa kèn đầy trên phố là tháng Tư Hà Nội. Giữa những cái tên đầy kiêu sa Huệ tây/ Lyz, 'loa kèn' nghe thật dân dã, vậy mà người Hà Nội vốn ưa hình thức vẫn gọi hoa loa kèn bởi những lẽ riêng. Một lần mình đọc tản văn "Hoa loa kèn và tháng Tư Hà Nội" của Nhật Mai trên Vietnamnet, thích đến nỗi chép về:
(lược trích) ...Cái loài hoa đến lạ! Chỉ rộ lên rồi chợt biến mất đúng một tháng trong năm khiến bao người tiếc nuối / Lâu rồi, người ta không còn gọi nó là hoa huệ tây như những ngày mới du nhập vào Hà Nội hồi đầu thế kỷ 20...
Hoa loa kèn nay đã trở thành một loài hoa không thể thiếu mỗi khi nhắc về Hà Nội / Có mặt trong hầu như mọi ngôi nhà, loa kèn ban phát cho không gian vẻ sang trọng, lãng mạn và thật thanh tao. Không biết có phải "tại" bức tranh "Thiếu nữ bên hoa huệ" của Tô Ngọc Vân hay không mà mỗi cành hoa loa kèn đều khiến ta liên tưởng tới bóng hình của một người con gái kiêu sa, hiền thục đang cúi đầu e ấp.
Vài chục năm trước, hoa chỉ được cắm trong những bình gốm đẹp bày biện trong những gia đình khá giả, giàu sang. Khi đó, nó được gọi là hoa huệ tây, chắc cũng vì nó là loài mang màu trắng và có hương thơm nồng nàn quyến rũ. Người Pháp cho rằng hoa huệ tây là biểu hiện của sự trinh tiết và người đàn bà đẹp là người có nước da trắng màu hoa huệ...
Hãy dành cho lòng mình chút thời gian thư thả với những bông hoa trắng muốt. Đừng chỉ nhìn theo dọc đường mà hãy mang về nhà chút hương thơm hiếm hoi, kẻo, khi chợt nhớ ra, mùa hoa đã chia tay tự bao giờ. Phút giao mùa ngắn ngủi, ngoài kia, nắng mỗi lúc một chói chang...


Ừa mình đã mua về lọ hoa loa kèn tháng Tư.
Thanh tao.
Ngoài kia giao mùa.
Man mác.
Chủ nhật trôi qua vẩn vơ.
Sáng thứ hai đầu tuần mà chẳng giống đầu tuần. Pha liền hai ly cà phê tăng độ, mà ngồi vô bàn cái đầu vẫn chưa bắt vào công việc. Thế nào chỉ mơ lãnh cục tiền rồi vù đến kỳ nghỉ 30-04. Được 4 ngày nghỉ cơ mà, ôi thật là quý tộc. Chưa có kế hoạch đi đâu làm gì thì cứ mơ được nằm ngâm trong bồn tắm bên bình loa kèn thanh khiết vừa giũa móng tay vừa nghe nhạc cũng đủ thích lắm rồi. Nào, làm việc đi rồi mơ! :D

*** Về cậu Quỳnh ở entry nàyentry này

April 11, 2012

Đi mà khóc

Suốt mấy tuần mấy đầu việc song song. Mà những đầu việc dài hơi, tức là còn song song nhiều ngày nhiều tuần nhiều tháng nữa. huhuhu. Sao mà muốn khóc thế. Hôm nay sáng họp nhóm công việc (Task Force), xong giai đoạn đầu của một đề án khá lớn, nên chiều tạm có 'khoảng đệm', tức là có thể tự giãn việc một chút. Việc thì vẫn xếp hàng thôi, nhưng ít nhất là trong ngày mai chưa có cái due nào.

Việc nhiều. Uhmmm, con người ta có cái bi kịch là cứ thích cái mình thiếu. Nghĩ mà rảnh rỗi quá ngồi chơi không tháng tháng lãnh tiền cũng chán, người thừa, không được giao việc/ không được cống hiến, dài người. Được tin được giao nhiều quá thì cà cuống, chỉ mong có mấy ngày không có việc ủn 'lưng' nghỉ ngơi tung tẩy. Mà mình lạ. Cứ lúc nào bận là mơ đi. Lúc nào cuống là mơ ngắm biển chiều. mơ thôi. để thả hồn một chút. để giơ cho thỏ củ cà rốt. để cân bằng.

Thì mình đang mơ màng nhìn ra cửa sổ. Mơ đi. Mơ ngắm biển đêm.

Chả biết có đúng không nhưng hình như cái bọn Bảo Bình (Aquarius) là chung như thế, phụ thuộc vào hứng lắm kia. Việc mà yêu thích hoặc thấy hiệu quả thì cứ là chạy ro ro quên mệt, còn hễ bị gò một quãng dài dài là i rằng tính bung ra phá cách. Mình đôi khi cũng hét toáng 'phá cách đây phá đây', mà kể những cái ý lóe lên phá gì phá như nào chắc nhiều người choáng, hihi, chỉ là kết quả thực tế còn do cái bờ rào khung sắt có tên là 'giới hạn', 'nền', hay là cái gì đó đại loại như vậy nó túm lại thôi.

May (hay là tiếc nhỉ) là những hét toáng ấy thường chỉ ào lên một chút, rồi êm :D

Lại nói 'đi'. Lại nói cái bờ rào khung. Lịch việc đặt trên bàn mình có một khóa dạy ở Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất, mỗi nơi có khi mất tới một tuần. Kế hoạch trong quý II nhưng mình đề nghị delay lại đến cuối tháng 6 đầu tháng 7 vì không muốn đi vắng dài trước kỳ thi quan trọng của bạn Dim. Bạn í thi chuyển cấp. Thèm đi thì thèm lắm, nhưng vẫn phải thua việc ưu tiên. Tháng 7 thi xong hai bạn đi nghỉ hè như mọi năm, mình tự do toàn phần tung tẩy thoải mái, tạm gọi chuyến tháng 7 là chuyến ăn chơi để lấy nghị lực chờ :)
Ấy thế mà sau họp sáng nay lại nhìn thấy việc phải đi đơn vị, vụ này không thể tránh, cũng không du di delay được. Không kéo chuyến ăn chơi lên kết hợp được, ai mà ăn chơi được tầm này chứ, đành để nguyên hai chuyến. Vụ tới sẽ đi cong cong rút ngắn hết mức. Hỏi làm gì có vui. Làm gì có tụ tập. Làm gì có óp ốc. Đi thế bằng đi cơ học. Khóc thôi chứ biết làm gì.
Mình đi khóc đây.

April 10, 2012

Mei (5)

1. Vướng chân
Tối trên giường thủ thỉ.
- Gác Mei thích thế, thế này sau này Mei mà đi vắng thì buồn nhỉ.
- Mei nghĩ chắc là Mei đi xa ra nước ngoài... Mei đi học.
- Ừa nhỉ. Lúc ấy nếu chị Dim cũng đi xa mình mẹ ở nhà buồn nhỉ?
- Mei đi học mấy năm thôi.
- Thì mấy năm ấy buồn.
- (khó nghĩ, bị vướng chân)... uhmmm, mẹ bảo phải phấn đấu học cơ mà.
- Ù nhỉ. Đúng rồi phải học. Tại mẹ cứ chỉ nghĩ đến Mei đi vắng :)
- Lúc Mei đi học thì mẹ nghỉ hưu chưa?
- mmm... nếu Mei học lâu thì có khi mẹ nghỉ hưu rồi.
(Hẳn là thấy khó quá, Mei đổi đề tài) - Mei chỉ sợ Mei không thi được học bổng ấy chứ.
(mẹ không buông tha) - Ừa thì thi mà, có thể được có thể không. Mình tính xác xuất 50/50 đi, nếu Mei thi được Mei đi thì sao?
- Thì Mei... (ngừng) à không, không thuê Oshin. Mei nghĩ Mei gửi mẹ lên Thái Nguyên với ông bà ngoại. Khi nào Mei về Mei đón mẹ.

2. 'Thân thiện'
Trưa thứ 7 ngày nghỉ, ngồi trong tiệc cưới tin nhắn tít tít: "Me oi Dim Mei an com xong roi. Me cho Mei xin password cua may duoc khong a. Co gi toi ve me doi lai cung duoc a" khổ thân tôi, "đổi" lại đọc thành "mẹ đòi lại cũng được ạ", bật cười :D).

Nhà chỉ có một cái laptop 3 mẹ con dùng chung. Kể cả khi nhà sửa mới có phòng DM trên lầu Mẹ vẫn quyết định không đầu tư thêm máy tính và TV, để còn 'nhìn thấy nhau', và cũng phải chia sẻ giờ ngồi máy chứ (wink).
Mấy bữa Dim Mei có vẻ mê mải máy tính hơn quota cho phép, chiều đi làm về đã thấy chị hoặc em ngồi vào mạng hoặc bấm bấm trò chơi Audition.
Mẹ nhắc: Chiều đi học về các bạn phải làm việc nhà và học bài. Tới giờ nghỉ mới ngồi máy. Sau hai lần 'vi phạm', mẹ thông báo: Mẹ sẽ cài password máy tính. Mỗi ngày sẽ mở theo đúng quota, cho tới khi hai chị em tự kiểm soát chống lại được 'sự quyến rũ của net và game' máy sẽ để open trở lại.

Deal. Luật đưa ra có thông báo có lộ trình, ai nấy thực hiện không phản ứng gì.

Mà tới vụ 'công dân' nhắn tin xin password này làm nhớ "luật không nghiêm" :D

*** Link:
- BÉ MEI (4)

April 04, 2012

Dạo này (3)

1. Dạo này quota đi xe buýt của mình bị giảm một nửa. Một tuần 5 ngày làm việc mình chỉ được đi xe buýt hai ngày thôi, ba ngày còn lại phải chạy xe máy để kịp thu xếp bữa tối và đưa các em đi học thêm. Mọi khi chị Tuyết đảm đương giúp việc bếp chiều, mình chỉ vào bếp những khi chợt hứng. Bữa này chị Tuyết có thêm việc làm, vừa học vừa làm còn kín thời gian hơn cả cô, nên mình phải lao động thôi.
Lao động thêm một chút chẳng vấn đề gì. Mình qua Úc sống rồi mới thấy ở VN mà thu nhập chỉ cần trên trung bình thì phụ nữ rất sướng, sướng hơn bên kia nhiều, vì nếu cần là có thể mướn người giúp việc nhà làm giúp những việc 'cơ học': nấu bếp, lau dọn, giặt giũ... Bên kia không có chế độ đó đâu. Các mẹ đảm đương hết. Bàn tay mình hay được khen tay đẹp, hồi con gái thì ừa được khen là thích, đến giờ vẫn tay đẹp thì rõ là người ít phải lao động, ngượng nhá, còn chút vớt vát là mình vốn như 'cục kẹo dẻo', sao cũng thích nghi. Có lần một đồng nghiệp nói "Mọi người đều nghĩ như em phải bận rộn lắm lắm, thế mà nhìn em lúc nào cũng nhẹ như không, hay thật". Hị, nhìn lúc nào cũng tất bật thì ra mẹ bội mất, tội gì, đâu rồi cũng vào đó, cứ nhẹ như không thôi :D.

Trời dạo này ấm rồi, đi xe máy cũng thích, được ngắm đường ngắm người, đôi khi còn vừa đi vừa tự hát. Nhưng mà đi xe máy cũng nhiều hạt bụi gai tấn công mắt đẹp (shy :)) nên cái giỏ phồng lên vì luôn phải mang theo kính. Mà, dạo này kính đẹp mình có rồi nhé. Chỉ còn giày là lý do để phải vô SG nữa thôi. Sắp đấy. Nói đến đây lại nôn nao ghê rồi. Ừa thì thôi không viết tiếp về SG nữa. Người SG dạo này hình như cũng ai nấy đều bận, tản tản làm sao. Mà mình thì chết cái câu "bận là lý do dễ nói nhất nhưng tình thật là ở thứ tự ưu tiên", cái gì là ưu tiên thì bận mấy cũng tìm ra thời gian. Hờ hờ, mình nói thế này mà SG không có cái óp nào hưởng ứng dễ mình vô trong đó bơ vơ quá!

2. Dạo này Dim Mei cao đúng bằng mẹ. Đi đâu mọi người hay bảo "ba đứa bằng nhau", mình cũng phụ "vâng ba đứa bằng nhau". Mua một cái quần jean ba người chui được i nhau. Sướng vậy. Mà chỉ có thời điểm vàng này thôi. Vài tháng nữa bạn Mei sẽ cao hơn vì bạn í đang cao nhanh như ngựa chạy. Mình và Dim khỏi may đồ. Đợi vài tháng nữa nhận đồ thải của bạn í, tiết kiệm được khối tiền. Về ngoại, nghe trộm bà rủ rỉ với ông "hai đứa thích quá, nhìn cứ như cây măng ấy, LO sướng rồi...", râm ran sướng thật.

3. Dạo này thú nhận là 'một phần trái tim' của mình để ở những ánh mắt của các bé miền núi. Một ngày bận mấy thì cũng có ít nhất một khoảnh khắc mình nhớ đến những ánh mắt ấy, trong trẻo lành hiền chân thật. Và nao lòng. Về Thái Nguyên, mẹ bảo "nhưng mà bận rộn thế, lại còn công việc lại còn Dim Mei, tham gia cũng phải cân đối thời gian", ôm mẹ làm hòa "vâng, thì con cũng cố gắng cân đối mà. Cơ quan con từ Tết đến giờ cho đến 3 chuyến tổ chức nhân viên đi các loại Chùa du xuân, con không đăng ký du gì, thay vì thế con du miền núi, mà con mới du được có hai chuyến nhé". Mẹ im. Hì. Thế có nghĩa là mình còn quota một chuyến nữa (trong mùa xuân) đấy :D. Cơm chưa ăn gạo hy vọng vẫn còn đó, để dành :D
Thật ra mình cũng gian gian cho mình. Các chuyến đi du xuân của công ty chỉ nội trong những ngày Thứ Bảy, 3 đợt nhưng có nghĩa ai đi đợt này thì thôi đợt kia. Còn đi miền núi là đi ngày trong tuần - ngày có lớp để còn gặp cô trò, đi tàu đêm đặng tiết kiệm hết mức thời gian cũng mất ít nhất 2 - 3 ngày làm việc. Mình 'lạm' quota rồi mới đúng, huhu. Ừa đang viết 'dạo này' kia mà, thì thôi không huhu thôi không miền núi, quay lại 'dạo này'.

4. Dạo này hôm trước mình lại một giây thò tay giữ tim khỏi lao chao vì tiếng "Em à" điện thoại. Ừa hẳn đó là "Em à" Hà Nội - người nói chẳng có ý gì, là do mình ra Hà Nội mười năm vẫn chưa hội nhập đủ đó thôi.

*** Có thể bạn muốn đọc:
- Dạo này
- Dạo này (2)
- Yêu? (Tuyết)
- Giỏ thị cho trẻ vùng cao

April 02, 2012

Giỏ thị cho Cơm thịt - lần 3

Đoàn cơm thịt lại đi. Lần này 'thăm lại' và đem quà + cơm thịt bổ sung cho các trường ở Mường Khương và mở sang vùng núi nghèo Hà Giang. Thế nên tuần rồi tất bật cùng các mẹ chuẩn bị đồ hàng vật dụng giúp chuyến đi. Bận nhưng vui nên chả thấy mệt gì. Chỉ mỗi là cái card điện thoại cứ hết veo veo. Chắc phải nhờ em Mía chuyên gia bày lối nào dùng được gói cước khuyến mãi khủng nhất chứ không thì khá ư là xót xa.

Sớm may đoàn khởi hành. Mình như hâm, dậy sớm, nhôn nhao. Đọc được một bạn hào hứng "Lên đường nào!" càng nhôn nhao hơn, lại có xí ghen tị và hơi ấm ức: Tụi mình mua đồ chất xe xong ngồi nhà, bạn í được nhảy theo xe lên trên đó 'bán hàng', gặt hái món lời là những niềm vui lấp lánh trong ánh mắt nụ cười lành hiền đến nao lòng của các thầy cô giáo và các em bé vùng núi. Thú thật món lời đó là điều bọn mình luôn hình dung đến để làm tan mệt nhọc khi gò mình chạy đua thời gian cho kịp chuyến đi. Bạn này mình không quen, chỉ là theo link từ bài của bác Khoai "Cơm thịt" vừa viết tối qua. Là bạn í viết đây:

Đã lâu rồi, tôi không còn cảm giác náo nức, hồi hộp trước mỗi chuyến đi xa. Có lẽ vì đã có quá nhiều chuyến đi chẳng có gì đọng lại. Có lẽ vì nhiều chuyến đi chẳng có mục đích. Cũng có lẽ bây giờ tôi không còn thích xê dịch như mấy năm trước nữa.
Lần này thì khác.
Đi để thấy những chủ nhân tương lai của đất nước đang sống, chiến đấu, lao động và học tập như thế nào.
Đi để chứng kiến những con người sống vì mọi người.
Đi để biết chân mình có còn cứng, đá có còn mềm?
Đi để học lấy một vài sàng khôn, kẻo mình ngu si trì trệ quá.
Đi để lens được ngắm, để sensor được ghi lại những gì không tả được bằng lời.
Đi vì lãnh đạo phải ở nhà làm việc cho nhân viên đi chơi :)
Đi, để thấy mình đang SỐNG!
Khoác ba lô, lên đường!


Giờ vào việc chính, xin thay mặt Giỏ thị update thông tin Kết Giỏ - Ngăn Giỏ Cơm thịt - lần 3 (cứ ba tháng Ngăn Cơm thịt gom giỏ một lần gởi ủng hộ mua cơm có thịt cho các bé vùng cao).
*** Nhận: Đợt này, ngoài số tiền một số bạn gởi theo năm nhờ Giỏ chia chuyển theo đợt, Giỏ còn nhận được ủng hộ từ bạn Hoa, Nhà Mốc Mít, Chau Thao, bạn Quang, nhóm bạn của Hương - ThaiNC, bạn Phương (nhờ người thân chuyển), bạn Sông và anh Thụy.
Tổng cộng 570 USD + 18,581,000 vnđ, tương đương 30,437,000 vnđ (1).
Cụ thể chi tiết đã gởi theo email list của Giỏ thị (gồm các bạn ủng hộ Giỏ thị từ đợt 1 đến giờ - ngăn Cơm thịt hoặc ngăn Áo ấm hoặc cả hai). Nếu có bạn nào ủng hộ Giỏ thị mà không thấy tên hoặc không nhận được email chi tiết làm ơn email cho Lana hoặc nhắn qua comment để cùng kiểm tra lại nha.
*** Chuyển đi: Ngày 31/3/2012 Giỏ đã chuyển qua Quỹ Cơm thịt số tiền là 30,437,000 vnđ (2), trong đó 13 triệu ủng hộ mua đồ vật dụng thiết yếu để gầy bếp ăn chung cho các bé trường Mầm non Bản Máy (Hà Giang). "Cơm thịt" đã confirm nhận tại đây nha bà con mến.

*** Số tiền đợt 3 còn (1) - (2) = 0 USD/vnđ.
*** Hiện trong Giỏ ngăn Cơm thịt còn số thị do các bạn HY, HeoH, Quyên, Quỳnh Ni gởi gắm theo năm, dành cho đợt sau là 170USD + 600,000 vnđ (3)
Người giữ giỏ xin cảm ơn cả nhà thật thật nhiều.

Cuối cùng rất muốn chia sẻ với bạn đọc và bà con Giỏ thị mến yêu đoạn viết này của bác Tuấn - mà nếu bạn đã tiếp xúc với bác í (người nói rất ít) thì bạn sẽ tin là những điều này được viết từ tâm huyết rất thật.

Bấm vào hình để phóng rõ hơn

Bạn hãy nhìn lên bản đồ, và sẽ thấy đường biên giới thuộc địa bàn Lào Cai có hình chữ V. Đáy của chữ V đó là Thành phố Lào Cai. Cạnh phía trái là Bát Xát (màu vàng), cạnh bên phải chữ V là Mường Khương ( màu xanh). Trong mấy tháng qua, ”Cơm có thịt” đã đi dọc theo hai cạnh chữ V đó. Bạn hãy nhìn kỹ đi: Chúng ta đã qua Pa Cheo, Sàng Ma Sáo, Y Tý, Ngải Thầu, A Lù, Dền Thàng, Trịnh Tường của Bát Xát (dọc cạnh bên trái của chữ V), rồi dọc theo cạnh thứ hai, chúng ta đã đến Nậm Chảy, Tung Chung Phố, Dìn Chin, Tả Ngải Thầu, Tả Gia Khâu. Từ Tả Gia Khâu, dọc theo đường biên, là vài xã biên giới thuộc Si Ma Cai, vẫn là Lào Cai. Rồi sẽ là đường biên giới ở Hà Giang, Cao Bằng, Lạng sơn. Còn nếu từ Y Tý đi men theo đường biên theo chiều ngược lại (về phía trái), chúng ta sẽ qua đất Lai Châu và Điện Biên. "Cơm có thịt" cũng đang đến Điện Biên, và sẽ lan rộng dần dọc theo biên giới.

Những cân thịt, những chiếc áo ấm mang lên đó, chúng ta không muốn gọi  là một hoạt động từ thiện. Nếu các bạn để ý, trên blog này rất ít khi dùng từ "từ thiện" hay "hảo tâm". Không, chúng ta làm một việc nhỏ thuộc về trách nhiệm của chúng ta, theo thôi thúc sâu xa tự trong lòng. Bởi chúng ta đều là con dân nước Việt. Nơi phên dậu của đất nước, nơi người lạ nhìn sang, chúng ta không thể để trẻ con- phần tươi non nhất của đất nước, thiếu bát cơm ngon, và thiếu áo mặc khi cái rét từ phương Bắc tràn vào. Đến lúc các chương trình quốc gia hỗ trợ tiền ăn cho học sinh miền núi được triển khai đầy đủ, chúng ta vẫn có nhiều việc làm để giúp thêm các em, nếu không là ”cơm thịt”, thì là nhiều cái khác nữa. Và chương trình nhỏ này của chúng ta sẽ đi hết dọc biên giới phía Bắc, sẻ chia theo sức mình với những mái trường ở những nơi khó khăn hơn cả. Đó là kế hoạch thời gian tới. Sau đó, chúng ta sẽ đến với những người bạn nhỏ ở  nhiều vùng cao khác nữa. Mong các bạn đồng ý với tôi về lộ trình này...


*** Các bài có liên quan:
- "Cơm thịt", Gánh hàng xén, và Giỏ thị
- bác Tuấn: Đi dọc Biên cương
- Về Bản Máy: Viết trên ban mai ở Hoàng Su Phì (TĐT)

April 01, 2012

(thú nhận)

Tối qua mình chui vào giường Ba Mẹ. hihi. Sướng.
Chỉ khác ngày xưa là không chen vào giữa, hôm qua chui vào phía trong, cạnh mẹ (con người ta càng lớn càng nhiều cái thiệt).
Mờ sớm nghe bên cạnh tiếng rủ rỉ nói chuyện "L.O lần này khá, không gầy (ốm), nhỉ" / "...".
Chắc vì chạm đến tên nên tỉnh. Tỉnh nhưng nằm yên không cọ quậy, giả vờ như ngủ say (nghe lỏm tiếp).
Nghe lỏm rủ rỉ thế nào mà ngủ lại mất. Mãi 8h sáng mới bình minh.:D
Thanh bình thế. Ngủ ngon thế. Bình minh quê nhà thích thế.

*** có thể bạn muốn đọc:
- Về Đẻ
- Gia đình