December 31, 2010

Tạm biệt 2010 - Chào Năm Mới 2011

TẠM BIỆT 2010 ĐANG DẦN QUA.
CHÚC MỪNG NĂM MỚI TẤT CẢ NGƯỜI THÂN YÊU BẠN BÈ VÀ CẢ NHỮNG NGƯỜI KHÔNG QUEN. CHỜ ĐỢI NĂM MỚI 2011 ĐEM ĐẾN THẬT NHIỀU TỐT LÀNH ĐẾN VỚI NHỮNG NGƯỜI TÔI YÊU QUÝ. CHÚC SỨC KHỎE, NHỮNG MAY MẮN, HẠNH PHÚC, VÀ THẬT NHIỀU NỤ CƯỜI.

Dân có ngu không

Bức xúc quá phải post nốt cái này trước Năm Mới khỏi làm đục không khí đầu năm. Vụ các vị chức sắc Hà Giang mua dâm nữ sinh ùm xùm hồi giữa năm có danh sách điện thoại (link), có hình khỏa thân nguyên Chủ tịch tỉnh, kết quả mới đây là các cơ quan tố tụng tỉnh Hà Giang không buộc tội 16 người trong "danh sách đen" có hành vi mua dâm (ừ không buộc thì thôi, đỡ tốn cơm tù, báu gì) nhưng kỳ cục là hai em học sinh phổ thông miền núi kia lại bị buộc tội bán dâm và môi giới mại dâm với mức án tù tính bằng năm(S). Ô thế thì hai em kia bán và môi giới cho ai? Danh sách chìa ra có bên bán bên mua, giờ bảo không buộc tội được người mua thì sao buộc được tội cho người bán? Vô lí thế, họ nghĩ dân vẫn là heo bò cả hay sao?

Báo Dân trí viết bài 'Nạn nhân của sự mục ruỗng đạo đức (link)'. Ai là nạn nhân thì bài báo viết rõ rồi, cái gì là sự mục ruỗng đạo đức người đọc sẽ hiểu, và ức, và chán chường thay cho tỉnh Hà Giang (và cho chung).
"Ông hiệu trưởng thế mạng để che bớt sự xấu xa cho một tập thể cán bộ lãnh đạo, quan chức của một tỉnh đã là chua xót, nhưng đưa cả hai nữ sinh vào để thế luôn thì quá đau lòng".

Mình cứ muốn lờ tịt mắt đi sống cho nó vui, nhưng mà không nhắm được thế mới buồn.

Có hai bài của chị Thanh Chung viết quanh câu chuyện này, xin đem link về đây chia sẻ với bạn đọc blog:
- Chúc mừng anh Tô
- Động viên anh Tô

Chán. Ở cơ quan mình mọi người chỉ tặc lưỡi 'chủ yếu đánh cái chức Chủ Tịch xong thôi mà'. Chả muốn nhìn tiêu cực, nhưng coi cái kết luận từ cơ quan bảo vệ pháp luật Hà Giang này xong chả biết tin vào đâu.

December 30, 2010

Thèm quá

Ngày xưa đọc một cuốn truyện về điệp viên nào đó (hình như cuốn 'X-30 phá lưới' thì phải), túm lại là cả tựa đề, tác giả, và nội dung đều quên tiệt rồi, ấy vậy mà có một chi tiết vẫn nhớ in, rất lạ. Hay vì những gì ấn tượng sâu khi đọc thì mới còn lưu lại, trong khi tất cả những thứ khác trôi ngay như bong bóng.
Chi tiết ấy là bức thư của một cô gái xinh đẹp (hình như tên Vân Anh). Cô là điệp viên được giao nhiệm vụ theo dõi người đàn ông đang bị nghi là điệp viên đối nghịch, rồi cô cảm phục, yêu người cùng lúc nhận ra là của bên kia chiến tuyến. Bế tắc giữa tình yêu, những điều cô 'thấy', với con đường cô đang đi mà không thể quay lại. 'khi anh nhận lá thư này thì em không còn trên cuộc đời này nữa...'.

Mình gần như thuộc một đoạn trong thư V.Anh kể lại rằng trước đó hai người có thời gian quen nhau ở bên Pháp, anh đã đưa cô đến nhiều nơi, kể cho cô nhiều câu chuyện mang theo những thông điệp mà cô vì còn quá trẻ chưa thể hiểu được 'mỗi khi thấy em trầm trồ thán phục một cách quá đáng cái gì của châu Âu thì anh khẽ nói như nhắc: "Nhưng đấy là của người ta! Không phải của mình em ạ"'.

Thật ra hôm nay tâm trạng không phải tiểu thuyết. Nhưng nhắc chuyện này là vì cần make excuse (trần tình) cho cái vụ tự dưng dâng lên cơn thèm, thèm đi. Ngắm những cái ở nhà người ta, của người ta, những điều người ta tả... rồi thèm:

Thèm đến Côn Đảo. Nghe nhiều, tưởng tượng nhiều, thèm cũng nhiều lắm rồi:

Hôm nay thèm, đọc ké về Côn Đảo ở đây ở đây. Càng thèm. huhu.

Thèm đến Nha Trang (có được discount tiêu chuẩn bạn bè ở KS của bạn bác Đỗ rồi), ra biển nằm với một cuốn sách như này:



Thèm đi hít thở không khí hoang sơ đất miền rẻo cao, nghe hát Soóng Cọ và tới nhà thăm đôi bê của Tằng Nhịt Múi:

Trang phục của phụ nữ dân tộc Sán Chay (Blog VMC)

Còn muốn đi nhiều nữa. Nghe Soóng Cọ không quá xa, Nha Trang chỉ cần chờ dịp có thể tự xốc ba lô mà đi, nhưng tới Côn Đảo có vẻ như là rất xa rồi. Khi nào được thèm thoải mái sẽ thèm đi lại Melbourne và Odessa là hai nơi đã từng ở thời gian tính bằng năm, đã từng 'khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn'.

December 29, 2010

Pờ rồ

Lúc đầu định lấy cái tựa là 'Kỹ năng họp' cho oách, chả là mới đọc 'Kỹ năng sống' bên nhà anh Thụy, cộng thêm hai hôm nay ngồi họp dí dị, tự nhiên cứ nối cái nọ với cái kia, lan man thế nào lại tin hóa (teen), buột ra cái từ pờ rồ (Pro/ professional = chuyên nghiệp).

Cuộc họp song phương giữa hai doanh nghiệp một bên của Việt Nam bên kia từ một nước nhỏ hơn ta mà xếp hạng gỉ gì gi cái gì cũng xịn hơn ta.
Họp ngồi bàn bầu dục nhá, nhưng ngồi thành hai bên đối diện, có cờ hai nước đàng hoàng, tép riu ngồi ké mà cũng thấy oai oai :)
Không giờ cao su tí nào, cuộc họp bắt đầu sít sịt đúng giờ đúng phút luôn, pờ rồ đến hỉnh cả mũi.

Chào hỏi giới thiệu chừng dăm phút rồi vào làm việc tắp lự. Chủ trì là phó tổng phụ trách kỹ thuật của bên chủ nhà (sếp to). Thành phần đa số đều dân kỹ thuật cả nên ít màu mè rình rang. Trao đổi được ít phút, đúng lúc sếp to đang chốt 1 vấn đề thì nhạc đâu rinh rinh rang rang rộn ràng - chuông điện thoại bây giờ đủ loại hay ghê cơ khác hẳn ngày xưa.
Tưởng chỉ là ai đó quên không đổi mobile qua chế độ rung, ngờ đâu một sếp nhỡ nhà ta đàng hoàng rút máy từ túi quần, bấm nghe, nói chuyện ngon lành. Kể thì sếp nhỡ có nói nhỏ đi một chút so với nếu ở ngoài hành lang, dưng mà vẫn đủ to để lọt vào cái mic đang thu phát thành ra cứ như nghe song âm, dân tình cứ là dỏng hết cả tai cả đầu để lọc đặng nghe được phần sếp to nhà mình đang chốt cái gì. Mình, đau khổ lại ngồi khá gần quả điện thoại, liếc qua thấy sếp nhỡ vẫn vô tư chỉ đạo công việc tới lui qua cục mô bai. Nhìn qua đối diện thấy vài bạn đối tác thoạt đầu ngạc nhiên rồi chuyển qua nhíu mày rồi thì dãn trở lại kiểu 'thôi kệ'/ 'bó tay chấm com'/ hoặc 'à chắc bình thường ở đây là thế'.

Đang liếc trở lại thì gặp ngay ánh mắt sếp to có vẻ khó chịu quay sang cùng địa chỉ. Muỗi hết. Sếp nhỡ đang tập trung công việc nhá, nên chả thấy gì nhá. Nửa phút sau xong việc sếp mới ung dung gập điện thoại. Từ đó đến chiều đó đây trong phòng họp còn vài cuộc điện thoại 'công việc' nữa, tuyệt nhiên chỉ phía bên mình.

Chợt nghĩ ra sang năm mình nhất định sẽ phải đăng ký sáng kiến phát minh cái mic gắn bàn họp chỉ thu tiếng gọn trong phạm vi đủ một cái miệng ngay trước nó, bảo đảm ẵm giải sáng kiến toàn quốc, phong bì kèm theo ít ra cũng đủ một bữa óp bloggers.

Lại nhìn cái lịch làm việc. Nguyên buổi sáng cho một lèo không giải lao ti tiếc bờ rếc bờ riếc gì hết trọi. Chúng mày qua đây thì theo đây. Ngồi đi nhá. Đến giờ ăn trưa thì nghỉ nhá. Thế thì trà cà phê trái cây bày biện ra nguyên một cái bàn kia làm gì nhỉ??
10:15 AM, một anh bứt rứt hoài chịu không nổi, ra ghé nói nhỏ với sếp to chủ trì 'nghỉ chút đi sếp'. Sếp sực nhớ 'thôi chúng ra nghỉ giải lao 10 phút'. Thế là tục tục ra. Bọn kia đang méo mặt vì tưởng phải ngồi dính một lèo, thấy dược thoát mặt dãn hết cả, hớn ha hớn hở. Phá lịch thì có sao đâu miễn là đỡ ị (ì) ra ghế mỏi muốn chết.

Sáng họp chiều họp, bữa tối TGĐ chiêu đãi bữa tiệc thịnh soạn ở nhà hàng búp phê rất chi là ép phê gần trung tâm thành phố. Tớ lần đầu được đến đây, choáng phết. Từ đồ ăn, phục vụ tới giá đều rất pờ rồ nhé. Đồ chín, đồ sống, hải sản, các loại món dân tộc, các loại deserts tráng miệng... bảo đảm căng bụng thì thôi chứ mắt vẫn thèm ước gì cái bao tử còn chỗ. Giữa bữa cậu nhân viên đội mũ cao bồi miền Tây đặt chiếc xiên nguyên chiếc đùi heo nướng giữa bàn rồi dùng dao xớt dọc xuống cực pờ rồ luôn. Cả lũ gật gù: Well you see, sometimes food is special not because how it tastes but because how how it looks (đôi khi món ăn đặc biệt không chỉ bởi nó ngon mà còn bởi nó nhìn hấp dẫn).

Thật ra chiêu đãi bọn chúng cũng là phải vì cuộc họp hợp tác song phương, đôi bên cùng lợi. Khi mình sang nó chúng tối nào cũng đón đưa đi ăn. Coi như trả bữa. Nhưng mình 'ngon' hơn, đãi ra đãi xịn. Bọn khách khoái chí, mặt đứa nào đứa ấy rạng rỡ sướng tít.
Họp in ít pờ rồ, chiêu đãi pờ rồ, về viết cái entry 'Pờ rồ'.

-------------------------------
Note: Vụ điện thoại, Lana cứ lăn tăn hoài nghi: Có nhất thiết phải ngượng thay hay khó chịu không, hay mình 'tây hóa không phải lối'? Cá nhân mình chưa thấy ở đâu ở VN dạy từ trẻ tới người lớn là phải cúp/ hoặc để chế độ im/ ra ngoài nghe điện thoại ở những nơi mọi người đang lắng nghe.
Bạn đọc mình ơi nên nghĩ sao, hay ở VN chuyện gọi điện thoại trong phòng họp, trong giờ học, trong hội thảo... là chuyện chả có gì đáng phàn nàn? Kiểu 'phòng họp ko điện thoại' có là một chuẩn chung, VN mình hội nhập thì phải học theo hay là văn hóa ai nấy giữ, ta đi nước ngoài ta theo, ở VN ta gọi vô tư, còn khách tới hội thảo VN sẽ nhập gia tùy tục?

December 27, 2010

Sống chứ đừng trôi

Mình không phải chuyên gia tâm lý tư vấn viên này nọ nhưng thi thoảng được nghe bạn bè tâm sự, nói chuyện đời, chuyện cuộc sống, và cứ đến lúc cảm thấy vị của rắc rối mệt mỏi mình thường 'khuyên' những câu đại loại như này:
- Hãy biết quên.
- Thôi kệ đi.
- Take it easy, nhìn nhẹ nhõm đi, đơn giản đi.
- 'Nổi loạn' đi coi có khá hơn không?

Thế. Nghe quậy nhỉ? giống L.O. (Lana) không ta? chắc có ai đó nói không.
Nhưng là thật.

Là vì, có nhiều khi người ta cứ nhớ nhiều quá những thứ cần quên. Thì cần biết quên.

Người ta cứ bị buồn phiền nhiều quá cho những xa xôi, tiếc nuối nhiều quá vào những điều ngoài tầm với đến quên cả những điều cần nhất cho ngày là một bữa ăn, một giấc ngủ, một nụ cười. Thì cần 'thôi kệ đi'.

Người ta nhiều khi bị cuốn nhiều quá vào những mớ rối bong, cứ sô-lốc-hôm mọi việc, rồi soi rồi luận, rồi đúng/ sai rồi ghét rồi mệt mỏi. Thì thôi take it easy đi, đơn giản đi.

Lại hoàn hảo với công việc, với người thân, với mọi điều, với cả dư luận, rồi xì-trét trong cái khung hoàn hảo tự mình đóng lên ấy. Thì nổi loạn đi. Một lần. Xem có khá hơn không.

Sau nữa, còn muốn bảo 'sống' chứ đừng 'trôi'. Hãy sống 70% cho ngày hôm nay, 20% cho ngày mai, 10% cho ngày hôm qua. Nếu cứ nặng nề mãi về ngày hôm qua là ta để 'trôi' ngày hôm nay, để rồi mai lại tiếc cho ngày trước đó... cứ thế, đến khi nhìn lại ta chẳng có gì, chỉ một quãng đời 'trôi'.

Người ta hay luẩn quẩn với giàu và nghèo. Có 'thơ' quá không khi bảo nếu giàu tình thương thì đừng có từ tự ti trong từ điển. Yêu thương là thứ cho đi bao nhiêu cũng không là cạn, nhận vào bao nhiêu cũng không là đầy.

Một lần đọc câu này của thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương trong một bài báo Thanh Niên: 'Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/chuyện đời như nước chảy mây trôi/ lợi danh như bóng mây chìm nổi/ Chỉ có Tình thương để lại đời'. Nhủ, chắc thi sĩ ngẫm câu này khi tuổi đưng đứng, đủ để không còn bươn chải với lợi danh, không còn quá lấn bấn với 'chuyện đời'. Ta nói, cái ngẫm của người tới tuổi đó thường là đáng đọc.

Hờ, lảm nhảm đầu tuần, mà nói túm lại là hãy sống nhẹ nhõm đi, hãy biết quên, hãy 'thôi kệ', kể cả hãy 'nổi loạn', nếu muốn. Chỉ duy nhất thứ hãy đừng bao giờ vứt bỏ là được yêu thương và hãy yêu thương, rộng lòng.

*** Có thể bạn muốn đọc:
- 'Hôm qua, hôm nay, ngày mai' trong 'MỘT CÂU CHUYỆN CŨ'

December 24, 2010

Con mèo đặt chân lên tấm thảm nhung

Mình tin, ai cũng muốn được nghe người mình quan tâm, yêu quý chia sẻ những câu chuyện hàng ngày. Đôi khi người ta không tự nhiên kể/ tâm sự và ta cảm thấy không dễ lắm để 'tiếp cận' và hỏi. Thế thì, phải tìm cách 'gợi', thật nhẹ nhàng nghệ thuật nhé, như ta vẫn nói vui 'con mèo đặt chân lên tấm thảm nhung' :)

Hơn 4h chiều, giờ tan học, điện thoại rung báo tin nhắn:
- Mẹ ơi hôm nay hết giờ học mẹ cho con đi vs Trinh một lúc mẹ nhé. Giảm stress một lúc.
(vs = với)
Nhận tin, nghĩ chút xíu, gửi tin trả lời:
- OK, nhưng mà, hì, con gái mẹ xì trét gì nhỉ?
- Cái này tối về nếu được thì con sẽ kể cho mẹ.
- Mẹ ghét chữ 'nếu được' ấy ghê cơ :)
- Thế thì sẽ là chắc chắn, tối về con kể mẹ, iu mẹ.
- Iu con, 2 bạn vui nhé.
(tin lưu trong điện thoại, chép y sì đúc luôn :D)

Tối, cơm xong một lúc Dim vô phòng nằm sớm. 'Con mèo' nhẹ nhàng đi vào buồng, nhẹ nhàng nằm cạnh, kê đầu, 'Thế chiều nay hai bạn đi đâu vậy?'
- Tụi con ra Núi Trúc gần nhà mình ấy.
- Ăn kem hay ăn chè?
- Ăn kem mẹ ạ.
- Xì trét là bạn Trinh hay con? hay có anh chàng nào liên quan không nhỉ (wink).
- (cười) Không đâu, Chuyện là thế này...
(Con mèo đã đặt gọn xong cả 4 chân :D)

Chuyện là bạn Linh (bạn gái thân nhất của Dim) dạo này cứ hay dằn dỗi khó chịu mỗi khi con tham gia hoạt động ở các nhóm không có bạn ấy, hoặc khi con chơi với các bạn lớp khác. Dịp này khối 8 tập tiết mục văn nghệ biểu diễn tối Noel, Linh không tham gia, con tham gia tập thì Linh tỏ ý không thích, không vui. Con vẫn cố nói chuyện với Linh, giải thích, nhưng Linh cứ thỉnh thoảng lại dỗi.

Mẹ bảo: - Ừ, hay con bận rộn nên ít quan tâm bạn hơn trước? (Dim đang là lớp trưởng)
- Không mẹ ạ. Ở lớp các bạn đều biết đi đâu con cũng đi với Linh, cứ giờ rảnh là con ra chỗ bạn, nhưng Linh cứ hết dỗi này lại dỗi khác làm con mệt mỏi.

Tỉ tê: - Thế này nhé, trong cuộc sống có những người yêu quý một ai đó và muốn người kia chỉ thân với một mình mình. Con cần suy nghĩ khi gặp những người bạn như thế. Sau này cũng vậy, con sẽ có thêm những người bạn thân khác, rồi có người yêu, con sẽ dành sự quan tâm nhiều nhất đến những người con yêu, nhưng con vẫn có cả người thân, những người tri kỷ và bạn bè. Chung thủy là rất quan trọng, đừng có mới nới cũ, nhưng cũng không thể chỉ vì một người mà từ bỏ tất cả những việc khác.

Con cũng vậy, dù rất thân với ai con cũng không thể bắt họ chỉ quan tâm tới con, chơi với con, miễn là họ yêu quý con, đúng không? (Dim gật).
Giận dỗi đôi khi cũng có, nhưng trên hết, yêu quý nhau thân nhau là phải cùng xây dựng tình bạn tình thân. Mọi mối quan hệ đều cần cả hai bên cùng xây đắp. Phải làm để cả hai cùng được vui, cùng cảm thấy thoải mái, cùng tiến bộ; phải là sự chia sẻ chứ luôn là một người đòi hỏi người kia lựa ý đáp ứng tới lúc chỉ còn mệt mỏi thì mối quan hệ đó sẽ không thể giữ bền.
Tất nhiên mẹ rất ủng hộ khi con đã thân, đã quý bạn thì con phải cố gắng giải thích, mở lòng hết sức đã. Chừng nhiêu đó vẫn không 'xây' được thì phải coi lại xem bạn đó có thực sự là bạn thân của con không.
Và cuối cùng là đừng căng thẳng quá vì những việc này con nhé. Khi con đã hết lòng rồi thì con hãy thanh thản.

Kết bằng câu 'Mẹ yêu con gái'.
Và hugs.
Và đoán tối đó Dim ngủ ngon.

*** Có thể bạn muốn đọc:
- VÁY CƯỚI

December 22, 2010

Cùng chia sẻ và cầu nguyện

Giáng sinh đang đến, nhưng ngoài khơi kia vẫn có những người còn vật lộn với biển với gió vì mưu sinh, và có thể mấy ngày qua, hay lúc này, là vì sự sống.

http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/12/3BA24832/

Lo lắng xót xa. Vẫn cầu mong đừng mất mát. Vẫn cầu mong điều kỳ diệu. Cuộc sống đó, đây vẫn có những điều kỳ diệu, sao lại không thể với những người chồng, người cha, người con, người anh được mong ngóng dường này.

Cùng chia sẻ và thành tâm cầu nguyện cho Anh và những người bạn đường của anh.

December 21, 2010

Lời tỏ tình dễ thương

Còn hơn cả dễ thương.
Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu một ngày bạn nhận được tấm thiệp Chúc Giáng Sinh cùng với những dòng thư tay trên giấy?

Bao nhiêu năm rồi mình không viết thư tay nhỉ? dễ đến 10 năm? 15 năm? Kể từ khi có máy tính cá nhân và internet? Không nhớ nữa.

...13/12, 22h40. Tự dưng mà không ngủ được, chắc lại vì mới chọc cho chị đi uống rượu lúc nửa đêm nên làm mình thêm 'gụ' & tỉnh ngủ luôn...
...Em lại thấy buồn cười khi viết tiếp những dòng này cho chị, lẽ ra là phải viết cho anh nào, vậy mới tình, mới 'đúng điệu', ai lại cặm cụi viết cho một người mà mình chỉ mới gặp 1 lần bao giờ...


Cảm động. Dù rằng cũng có đôi lúc dòng đọc bị ngừng 1 giây để luận chữ. Nhưng điều đó chẳng thể ngăn được sự cảm động trào tới rồi len lỏi chạm tới từng mạch đập. Mình giờ viết tay thì được bao lâu ta? chắc chỉ một trang là chữ nọ díu chữ kia rồi, mất cả phút để luận chứ đâu phải 1 giây. Lâu quá không viết nắn nót như khi viết thư, cùng lắm chỉ là tốc ký nội dung những buổi họp.

Đọc thư tay, tất nhiên rồi, khác với email. Thư tay mang theo suy nghĩ, mang theo sự hy sinh thời gian, mang theo tình thương mến nhiều gấp bội lần. Tự nhiên có ý muốn sẽ viết thư tay cho những người mình muốn nói chuyện và mình yêu quý.
Ừ. Mình sẽ viết, chợt những khi muốn nói với một người một điều gì đó ý nghĩa. Tùy khi. Thế rồi hiệu ứng này có lan truyền không nhỉ? Những lá thư tay trở lại để nói tình thương mến thay cho những email công nghệ số? đến lúc đó người viết lá thư cho mình có được công ty tem và Cục bưu chính tìm tới ghi danh vì khơi lại dòng thư tưởng như đã mất, giúp doanh thu của họ tăng bất thường không nhỉ :). Và những người nhận được những lá thư tay nữa, cảm cái tình ấm áp, có cùng mình nói một lời cảm ơn dễ thương?

Mình tin, Giáng Sinh này ấm áp. Mong điều đó đến với tất cả người thân, bạn bè thương mến, và tất cả mọi người.

December 20, 2010

Người Việt 'linh hoạt'

1. Chạy xe vừa chợt đến ngã tư chuẩn bị qoẹo trái thì đèn chuyển đỏ. Dừng lại sát vạch và sát lề trái đường. Một chiếc xe từ phía sau lách cạn mép đường tới sát đuôi. "Chị ơi cho em đi cái", trờ tới trên vạch kẻ để nhường một lối cho bạn ấy. Lách lên, vượt đi xong cậu ta nói với lại rõ to "Ở đây có đèn đâu mà dừng?".

À, hiểu 'đèn' của bạn ấy có nghĩa là 'công an'.

2. Một bữa tiệc họp mặt tương đối lịch sự. Mời 6h chiều. Mình người mới, sợ trễ, hạy cuống cuồng, hớt hải cho kịp giờ. Đến nơi chỉ thấy lác đác vài khách. Bắt tay chào hỏi chủ xong thấy vắng ngại quá đành tạm loanh quanh ở cửa. Một bạn nhìn quen quen tới chào 'chị đến sớm thế'. Giật mình 'Chết thật, hay mình nhầm giờ lại thành sốt sắng ham vui thì xí hổ'. Cười quê hỏi nhỏ bạn ấy 'Xin lỗi, chị vội xong việc chạy đến liền ko nhớ chính xác giờ mời nữa, 6h hay 6h30 ấy em nhỉ?'. Bạn cười tỉnh qoeo 'À không, mời 6h đúng đấy chị ạ, nhưng mọi người thường cứ phải 6 rưỡi 7h mới đến đủ'.
À, hiểu 'sớm thế' = 'mời 6h có mặt đúng 6h'.

3. Bà chị kia cùng công ty bảo: "Chị có cái hẹn lấy áo ở tiệm X gần nhà em chủ nhật này, em lấy giúp Thứ Hai mang đến cơ quan cho chị với. Em nhớ gọi giục họ trước để CN lấy nhỡ họ quên".
- Chủ nhật sợ họ nghỉ làm. Thứ Hai em lấy được không chị, sáng Thứ Ba em mang lên?
- Không, Thứ Ba chị đi công tác Đà Nẵng rồi.
Nhà chị này ở Gia Lâm, qua HN thì xa. Nhận lời giúp. Sợ lỡ việc của chị, Thứ 6, Thứ 7 bận rối rít vẫn phải ghi note tự nhắc để gọi tới lui hẹn tiệm, rồi tối chủ nhật xếp thời gian chạy đến lấy (trong khi khối việc của mình bị xếp lại vì... lười và ngại đi).

Thứ Tư hết giờ làm gặp bà chị ở hầm gửi xe. Ngạc nhiên như bị bước hẫng: - Ối em tưởng chị đi ĐN rồi?
Trả lời tỉnh qoeo: - Không, mai chị mới đi.
Kìm cơn ức trào lên: - Thế mà làm em gọi tới lui giục họ cho kịp chủ nhật lấy áo.
Lúc này bả mới cười cười thấy ghét: - Ừ chị nói thế vì bọn tiệm may nó hay hẹn lần nữa lắm.

Xong.
Vậy chị nghĩ em là gì?
Từ đó cạch.
À hiểu, với bà chị đó, nói gì không quan trọng, quan trọng là để được việc cho bản thân. Mình mới là ngốc, đáng ra nghe 'Thứ Ba' của bả phải hiểu là 'Thứ Năm'.
Đấy cũng là tác giả tin nhắn 'xin đề' mà mình không trả lời trong entry này. Mình đã xóa số đt ấy từ hôm lấy áo. he he.

December 18, 2010

Váy cưới...

Hôm nay có một câu chuyện để mình lật lại mình...,
về điều hiếm khi mình nhắc đến.

Hồi ấy ngày cưới đã được ấn định. Chú rể không muốn mình mặc váy cưới mà mặc áo dài. Mình đi may áo. Tiền hai người góp vào không nhiều, chú rể không muốn vay mượn nên không đồng ý đặt tiệc. Ừ thì cũng thôi. Người làm ở Vũng Tàu người làm ở Sài gòn, báo hỉ cho bạn bè đồng nghiệp. Mình nói vậy mình chỉ cần có đám hỏi và rước dâu để ba mẹ được vui khi con gái đi lấy chồng.

Ra Hà Nội, H., đứa bạn gái thân bắt cóc chở đến phố Hàng Bông thử một chiếc váy cưới. Xúng xính thử, rồi đi về. Ngày đón dâu nó tới đúng đó, thuê đúng cái váy đó, xách theo lên tận Thái Nguyên rồi lại theo đoàn đưa dâu xách về Hà Nội vì cô dâu đón dâu mặc áo dài. Chú rể lên đón mặt khó không một ánh mắt trao không một nụ cười. Không giống như mình đã được theo đuổi từ hôm đó trở về trước.

Đến nhà chồng làm lễ xong nhỏ bạn dí vào phòng kéo tuột chiếc áo dài trắng bảo mặc váy vào còn chụp ảnh với người nhà bạn bè anh chị em đưa dâu kẻo mọi người về. Xúng xính váy cùng cô bạn bước ra chú rể hỏi lạnh 'Em còn mấy chiếc váy như thế này?'. Cô dâu trẻ ngây thơ nhìn lại chiếc váy vừa mặc lại nhìn lên 'Cái váy này làm sao ạ?'. Trả lời: - 'Không, nhà anh nghèo không hợp với những cái váy thế này'.

Rơi. Mà ráng giữ mặc chụp chung với anh chị em ruột được vài tấm nhưng cô dâu không có nét rạng rỡ nên hình để lãng quên. Không có hình cưới hai người.

Nguyên đêm đó mình nức nở không tiếng bên cạnh chú rể say không biết gì trong nhà chồng còn xa lạ. Gần sáng đói cồn cào xúc vụng nửa tô cháo thịt mẹ chồng đưa vào từ tối để 'nếu anh tỉnh thì anh ăn đỡ đói'.
Sau này được giải thích là mấy ngày đó chú rể khó chịu với mẹ vì mượn nhà hàng xóm kê bàn tiếp khách. Chú rể không ưa nhà này.

Vào lại SG. Mình đã tự nhủ rằng đó chỉ là một tai nạn, it's not the end of the world, rằng đừng nặng nề, váy cưới và tiệc cưới chỉ là một ngày, quan trọng là cuộc sống sau đó về sau hạnh phúc, rằng mình sẽ quên và xây cuộc sống của mình cho về sau.
Và mình quên thật. Không còn buồn. Không một lần nhắc lại để dằn dỗi hay trách móc than vãn.
Và mình xây, lặng lẽ, nhẫn nhịn, sinh DM, xây từng viên gạch xếp mãi mà không chất kết nối. Cho đến khi mình hiểu mình thất bại không cách nào và lặng lẽ mang DM đi.

Đến lúc đó mình mới hiểu mình đã sai. Rằng đám cưới và váy cưới không phải chỉ là một ngày mà là cách chú rể quan tâm, hiểu những mong muốn của người anh ta cưới và muốn làm cho cô dâu hạnh phúc. Rằng cuộc sống hôn nhân của mình chính thức đã là ngày đó kéo dài, chứ không phải bắt đầu từ ngày hôm sau.

Và mình đã ước nếu không phải kiếp này, kiếp sau mình mong được mặc áo cưới và người đón dang tay mỉm cười.
Mình cũng đóng đinh ý nghĩ rằng sau này khi Dim Mei lớn và có bạn, mình sẽ nói với con về ý nghĩa của chiếc váy cưới và ngày cưới, rằng mẹ mong được thấy người ấy đưa con đi chọn áo cưới và cho con một ngày cưới có thể không rình rang nhưng là sự kiện được nâng niu trân trọng.
Mình gần như đã thề ước với những điều ấy...

Cho tới hôm nay.
Chị bạn học bảo 'X mới cưới vợ mới đấy, cách đây mấy hôm'. - 'Thế hả chị? Ừ cũng phải, ai cũng hiểu, nhưng... cưới á?' - 'Ừ, hội mình chỉ có cậu Y đi dự. Mà thấy bảo cũng đám cưới hẳn hoi rình rang. Cô dâu cũng có 1 con riêng.'

Nói rồi hai chị em lặng im.


X đang có vợ, nhưng vợ anh bị bệnh khó cử động gần như chỉ nằm 3, 4 năm nay hay hơn. Đầu óc chị vẫn tỉnh táo bình thường, vậy mới quái ác. Hai anh chị yêu nhau từ thời sinh viên, lấy nhau rồi sinh con gái. Cháu ngoan ngoãn học giỏi hiện đang du học. Kinh tế vững, chị phát bệnh anh nghỉ hẳn việc để quan tâm chăm sóc và tìm thầy thuốc cho chị nhưng đành chấp nhận bó tay.

Nhớ những lần bạn bè tụ tập, anh không tham gia những vụ xa xa chỉ đến những buổi trong thành phố, mà cũng không ngồi lâu. Anh bảo vì chị. Ai cũng ái ngại cho chị, và cho anh không ít hơn...
Bỗng hình dung ra tiệc cưới, váy cưới... ừa cô dâu có quyền được mong muốn... Chị vẫn nằm đó, vẫn có tư duy, vẫn cảm nhận...

Hiểu..., cuộc sống không bao giờ là bất biến, ngay cả những điều tưởng như mình đã thề ước với mình như váy cưới vẫn có những mở ngoặc cuộc sống đưa ra, để nghĩ suy.


*** Có thể bạn muốn đọc:
- ƯỚC CHO KIẾP SAU
- YÊU THƯƠNG ĐỪNG LÀ GÁNH NẶNG

December 16, 2010

Lạnh (1)

Trời lạnh căm. Đã vậy còn kèm theo mưa. Càng lạnh.

Sáng không nằm rốn mà bật dậy theo Dim Mei. Kèo Dim mặc thêm cái áo này, Mei mặc thêm cái kia. Lại đem giỏ tất vớ ra chào hàng: Mỗi người chọn một đôi đi. Trời lạnh lắm không giữ ấm gan bàn chân là bệnh luôn đấy. May mà mẹ kèo chứ không là hai chị em cứ vậy chân không mà chẳng thấy nhu cầu tất vớ gì. Lạ.

Khoác chiếc áo dạ đen, không đẹp nhưng có nón che, ấm. Xấu tí nhưng kệ. Ấm đã.
Đi làm xe bus. Lên xe xuống xe. Đổi bến. Cuốc bộ. Dù che mưa. Ngón tay cóng buốt.

Một có-vợ ghé ghé ỡm ờ: "Trời mưa lạnh thế này chỉ thương ai ở một mình thôi".
Trả lời tươi: - Thế này, sớm nay em vừa nói với đứa cháu: Những ngày như này nghĩ thương người miền quê. Mình ở nhà phố tường kín chăn ấm nệm êm thấy thương nhà quê gió lùa vô khe này lùa ra khe kia, trong nhà mà người lớn con nít mặc ba bốn lượt áo vẫn co ro, muốn ấm chỉ có ngồi ké ấm bên bếp lửa.

Kia vẫn cố tình theo một dòng khác, lửng lơ "Trời mưa bong bóng phập phồng..."
Đây cười: - Anh ơi giờ câu ấy là thế này cơ 'trời mưa bong bóng phập phồng, con đi lấy chồng mẹ ở với ai’. Em vẫn đang ấm.' :)

Giữa giờ đang bận việc điện thoại nháy báo 2 tin nhắn vẫn giọng ỡm ờ khi sáng. Nửa phút sau contact trong list được đổi thành- 'Không Nghe'.

'Đá lạnh' ở chỗ không thể (không thích) lộ ra mềm. Chứ thực thì đang ngồi mơ được chui vô nhà cà phê nghe nhạc làm gấu bông gruuu gruuuuuu tới phát cháy lên thôi.

Mưa lạnh thế kia cơ mà!

-----------------------
Gruu.., trời lạnh nhà mạng cũng co ro luôn: viết xong mạng hư tới giờ mới post được. Hết cả tính thời sự :(

(Hình: Vũ Quang Ngọc, nguồn: vnmedia.vn)

December 14, 2010

Một Ngày Thường (7)

* MỘT NGÀY THƯỜNG (6)
(Tiếp theo và hết)
Hắn đã tới bờ sông. Trước mắt hắn dòng sông mênh mông đỏ ngầu đang cuồn cuộn chảy, những xoáy nước khổng lồ như miệng những con quái vật gầm ghè, sẵn sàng nuốt tươi bất cứ vật gì mà nó gặp. Bất giác hắn rờn rợn, nếu nhảy xuống thì kinh hãi quá, dòng sông sẽ nhấn chìm hắn ngay lập tức, và... không dám nghĩ tiếp, hắn lùi lại. Nhưng bên tai văng vẳng tiếng lào thào, thôi thúc: "Đồ hèn , mi không dám chứng tỏ tình yêu với nàng, mi không xứng đáng với nàng". Đó là tiếng nói của lòng tự trọng. Hắn lại lừ đừ tiến lên. Đúng, đã quyết thì phải làm, ta sẽ hi sinh vì Nàng như một người con chiên ngoan đạo vì Chúa! Bỗng hắn rùng mình, một cơn gió lạnh từ dưới sông thổi táp qua mặt hắn. Hắn dừng lại, len lén nhìn dòng sông vẫn đang gầm gào trước mặt rồi lẩm bẩm như tự bào chữa cho cái đớn hèn của mình: "Ta sẽ nhảy xuống nếu nước sông không lạnh quá !".

Hắn rời bờ sông, bước đi liêu xiêu trong ráng chiều đỏ quạch, vừa đi vừa nghĩ cách trả thù nàng... Màn đêm đã bắt đầu buông xuống, bóng hắn lãng đãng, nhạt nhoà... Xa xa, từ chân trời tím ngắt xuất hiện một vầng sáng đỏ thẫm. Trăng lên.

Cơm tối xong, nàng dẫn 2 con ra đường. Trên cao, bầu trời thăm thẳm không một gợn mây, mặt trăng tròn vành vạnh như một đĩa vàng chơi vơi trên mặt hồ xanh thẫm. Cả không gian chìm ngập trong ánh sáng xanh biêng biếc. Con đường quen thuộc mà nàng vẫn thường đi dưới ánh trăng trông như dòng sông cổ tích, ngoằn ngoèo giữa hai bờ cỏ rồi mất hút vào cõi hư vô. Hai bên đường những tán cây thấm đẫm ánh trăng, nhìn xa xa lung linh như như dát bạc.

Như chưa bao giờ được đi chơi dưới ánh trăng như thế này, hai đứa bé vô cùng thích thú. Hai đứa chạy nhảy trên đường, đuổi theo những con đom đóm lập loè túa ra từ những bụi cây ven đường. Nàng đi sau, mắt sáng ngời hạnh phúc.

Bỗng nàng dừng lại, trong làn gió mát nàng nghe thoang thoảng mùi thơm kỳ lạ. Thôi đúng rồi, hoa sữa! nàng thầm reo lên. Nàng đang đứng dưới tán cây hoa sữa sum suê, những chùm hoa trắng đục như sương mù thấp thoáng giữa vầng lá rậm rạp. Cả không gian ngạt ngào mùi hoa sữa. Nàng hít một hơi dài, hương thơm ngọt lịm như ngấm vào từng thớ thịt rồi chảy trong huyết quản khiến nàng nao nao. Trong mùi hoa sữa thơm đến nao lòng những năm tháng đẹp dẽ, trắng trong thời con gái vô tư lại ùa về. Nàng thấy cay cay nơi sống mũi.

- Mẹ ơi, tại sao mẹ khóc ?
Nàng giật mình, hai con nàng đã đến bên nàng tự lúc nào. Nàng đưa tay lên mắt, những giọt nước mắt nóng hổi long lanh như những hạt ngọc dưới ánh trăng đang lăn dài trên má. Nàng ôm lấy hai con, các con còn quá bé để có những kỷ niệm buồn vui. Hai đứa ngước lên nhìn mẹ, những cặp mắt tròn xoe, ngơ ngác, "ôi, người lớn thật là khó hiểu!"

Bất chợt nàng nghĩ đến hắn, thôi chết, mình đã quên hắn tự lúc nào. Quả thực nhiều khi nàng cũng quý hắn, một con người thô kệch nhưng có trái tim nhân hậu. Nhưng nàng không thể đáp lại tình cảm của hắn. Nhìn nàng nhẹ nhàng bình thản ít ai nghĩ nàng đã đi qua một quãng thời gian nặng nề đầy trăn trở, lúc nào cũng như muốn nổ tung ăm ắp rối bời những ý nghĩ u buồn, bởi thế nên giờ đây mỗi sáng thức dậy nàng chỉ cầu mong một ngày bình yên. Nàng sợ và lảng tránh tất cả mọi rắc rối. Nghĩ đến đây tự nhiên nàng linh cảm thấy điều gì đó bất ổn, nàng thấy lo lo. Nàng biết hắn quá yêu nàng và vì tình yêu hắn thật khó lường, hắn có thể làm những điều ngu ngốc. Càng nghĩ nàng càng thấy hắn tồi tội thế nào ấy. Vội vã nàng cầm máy...

Hắn vẫn đi lang thang, đôi vai rũ xuống ướt đẫm sương đêm, hắn vẫn nghĩ tìm cách để chứng tỏ tình yêu với nàng. Bỗng điện thoại hắn rung lên, hắn cuống cuồng móc túi. Trên nền màn hình sáng xanh tên nàng hiện ra. Hắn không tin vào mắt mình nữa, nàng nhắn tin cho hắn ư, hắn hồi hộp mở ra đọc ngấu nghiến: "Anh đang ở đâu? Xin lỗi vì để anh phải chờ. Em hiểu anh nhưng chúng ta hãy là những người bạn tốt của nhau, còn tình yêu thì... cho em xin lỗi, mong anh hiểu. Chúc anh ngủ ngon". Hắn đọc đi đọc lại mẩu tin của nàng không biết bao nhiêu lần. Trời ơi, thế là nàng vẫn còn nhớ đến ta, ta đã nghĩ sai về nàng. Nàng đã coi ta là bạn, tất cả vẫn đang ở phía trước!
Niềm hy vọng lại trào dâng trong con người hắn, sung sướng quá. "Đồ tồi", hắn tự xỉ vả mình, suýt nữa ta đã mất nàng vĩnh viễn. Ta phải sống và cố gắng để xứng đáng với nàng!

Thật là kỳ diệu, chỉ một lời nói ấm áp của nàng mà đã biến đổi hoàn toàn trái tim đầy thù hận của hắn. Phải, ta phải chứng tỏ tình bạn của ta, một tình bạn cao cả. Đúng rồi, tại sao không, ta sẽ viết về nàng, thiên thần bé nhỏ của ta!

Hắn lao vào nhà như một cơn lốc, bật đèn sáng trưng và ngồi vào bàn. Một giọng ngái ngủ khê nồng như day vào tai hắn: "Ở đâu giờ này mới về, lại còn viết với chả lách". Mặc, hắn bắt đầu viết. Trong tình cảm trào dâng những con chữ dạt dào tuôn tràn lên mặt giấy. Hắn viết như chưa bao giờ được viết... cho đến lúc mệt quá, gục đầu vào trang giấy và thiếp đi lúc nào không biết.

Gần sáng, cơn gió lạnh đầu mùa làm hắn giật mình choàng dậy, nhìn lên tường, đồng hồ chỉ 6 giờ 15 phút, giờ này chắc nàng đã thức dậy. Phía chân trời bình minh bắt đầu rạng, một ngày mới lại bắt đầu...

HẾT.
---------------------------------------------------
* Vài điều viết thêm:
Chuyện ngắn được viết vào năm 2004 với lời đề tặng 'Tặng bạn tôi nhân ngày 20 tháng 10'.
Tác giả khi đó là đồng nghiệp, sau này là sếp bộ phận đó (Lana thì đã chuyển đi), đến giờ vẫn là một người bạn của Lana (bạn tốt mà cấm SAY, hihi)

Bản thảo được để nguyên không thay đổi cho dù vài tình tiết không hoàn toàn giống như ngoài thật. Nhưng vì cảm giác như chúng đều thực trong hình dung của người viết nên Lana tôn trọng giữ y. Hình ảnh của 'Nàng' có vẻ được thiên vị lung linh hơn đời thực. Nhiều 'theo đuổi tình si' hơn. Những cái nhìn của 'nàng' về những điều xung quanh, trong con mắt của một người khác, cũng là lạ, hay hay, không hẳn giống 'nàng mà Lana biết'. Thú vị là vậy.

Để kết: một người Lana quý mến như anh trai có nói 'con người ai cũng có tình cảm, quan trọng là biết kiểm soát hành vi'. Những tình cảm thật luôn đáng được trân trọng. Cuộc sống lung linh vì những tình cảm quý mến con người dành cho con người, nếu không nó sẽ chỉ như một cành cây khô.

December 13, 2010

Một Ngày Thường (6)

* MỘT NGÀY THƯỜNG (5)
Phần 4: Buổi tối

Lại nói về hắn, sau khi nhắn tin cho nàng hắn bắt đầu đợi. Thời gian gần như ngừng trôi, hắn liếc nhìn đồng hồ liên tục, 10 phút, 15 phút rồi 30 phút mà điện thoại của hắn vẫn câm lặng. Lòng dạ như có lửa đốt, hắn bắt đầu rời khỏi nhà. Hắn đi lang thang. Trên đường phố người qua lại như nêm, hắn ngơ ngác kiếm tìm hình bóng nàng mặc dù hắn biết đó là một việc làm vô ích. Trong đám người hỗn độn đang trôi ngang qua hắn có nhiều cô gái rất trẻ trung, xinh đẹp nhưng không ai đem lại cảm giác ấm áp như nàng. Từ khi yêu nàng, hình ảnh nàng đã chiếm trọn tâm trí hắn mất rồi.
Bước chân vô định đã đưa hắn đến một quán cóc bên hè phố. Hắn thẫn thờ ngồi xuống. Thời gian vẫn nặng nề trôi, điện thoại của hắn vẫn là một vật vô tri vô giác, màn hình đen kịt trên đó có mấy con số nhún nhảy cứ như cố tình trêu tức hắn. Uống đến 4 5 chén nước chè đắng ngắt, bao thuốc trên bàn đã vơi quá nửa mà vẫn không có tin nàng.
- Dính cước rồi phải không con?
- Sao ạ ?
Hắn hỏi lại như cái máy và ngước nhìn lão chủ quán. Lão vẫn chậm rãi:
- Ta biết, con đang có bệnh. Bệnh con thuộc về TÂM...
Hắn kinh hãi ngước nhìn ông già một lần nữa, một khuôn mặt quắc thước với khoé mắt tinh anh, hóm hỉnh. Lão tiếp tục như một nhà hiền triết:
- Thượng đế cho ta trái tim để sống nhưng cũng vì nó mà bắt ta phải đau khổ ! Con đang đau khổ, rất đau khổ. Ta biết !
Trời ơi, đúng quá. Hắn nhổm hẳn cả người lên:
- Thế có cách gì không hả ông ?
Ông già đăm chiêu, im lặng. Một lúc sau chòm râu bạc phơ giật giật:
- Vô ích thôi con ạ. Người ta có thể hiểu con, thông cảm cho con nhưng không thể cho con cái con cần! Đúng, con người ta có thể cho nhau tiền bạc nhưng tình cảm thì...
Hắn thất vọng ngồi phịch xuống. Giọng ông già vẫn cứ đều đều trên đầu hắn, mơ hồ như từ cõi trên vọng xuống:
- Nhưng vẫn có cách để cho con hết đau khổ nếu con nghe lời ta...
Hắn lại giật mình nhổm lên, mắt hau háu như chờ đợi một ân huệ của đức chúa Trời ban tặng. Một hồi sau, mắt ông già bỗng nhiên quắc lại, giọng lão dằn xuống như từng nhát dao chém vào cây rừng :
- Con phải quên nàng đi...
Không chờ lão nói hết câu, hắn đứng dậy, ném mớ tiền nhàu nhĩ xuống bàn. Ta mà có thể quên nàng được sao, cái lão già chết tiệt này. Hắn hầm hầm quay gót, sau lưng lão già chép miệng, lắc đầu: Đáng thương thay, đáng thương thay...

Hắn vẫn đi. Điện thoại hắn vẫn câm lặng mà thời gian vẫn không ngừng trôi...
Hắn bồn chồn lo lắng, hắn bắt đầu tưởng tượng. Hắn tưởng tượng nàng đang ngồi bên cạnh một chàng trai to cao, khôi ngô tuấn tú, có nghĩa là hơn hẳn hắn. Họ đang nói chuyện vui vẻ. Hắn lại tưởng tượng khi tin nhắn của hắn tới, nàng mở ví ra. Nhìn thấy tên hắn, mặt nàng tối sầm lại và nàng vội gập máy không thèm đọc. Chàng trai hỏi nàng , giọng âu yếm: "Kìa, em đọc tin đi" Nàng cười: "oàn tin lăng nhăng, vớ vẩn mà anh" Rồi chàng trai nhìn nàng, nàng nhìn chàng trai. Họ đắm đuối nhìn nhau... rồi họ từ từ ghé sát vào nhau. Trời ơi, không, không thể như thế được! hắn ôm đầu rú lên. Người đi đường quay lại nhìn hắn, lắc đầu. Hừm, lại một thằng điên xổng trại!

Hắn phát điên thật. Hắn quay cuồng. Nàng quá đáng với ta lắm. Được rồi, ta... ta sẽ... sẽ cho nàng phải hối hận. Trước hết ta phải cho nàng biết hậu quả mà nàng phải gánh chịu, kể cả cái thằng khốn nạn đang ngồi cạnh nàng. Đúng, phải cho chúng nó biết, đây là một lời tuyên chiến. Hắn giận dữ móc điện thoại ra và... một cái tin sặc mùi khủng bố đã đến với nàng mà ta đã biết ở phần 2 của câu chuyện này.

Gửi tin xong, trong lòng hắn trào dâng một niềm vui mơ hồ, khó tả. Hắn sẽ trả thù nàng, nhưng bằng cách nào đây? Hắn nghĩ mông lung, ừ nhỉ, khó quá. Bỗng một tia sáng loé lên trong đầu hắn. Phải rồi, ta sẽ chết vì nàng! Hắn tưởng tượng khi nàng biết tin có một người đã quyên sinh để chứng tỏ tình yêu đối với nàng thì nàng buồn, nàng ân hận, nàng đau khổ... và nàng khóc (hắn biết nàng rất nhân hậu). Những dòng nước mắt sẽ tràn trề trên má nàng. Ôi, những dòng nước mắt ấy là dành riêng cho hắn. Không thể tin được, vậy cuối cùng nàng đã phải đau khổ vì hắn. Ha ha ha, sướng quá. Nghĩ vậy hắn xăm xăm đi về phía bờ sông.

Nàng đã về đến nhà. Bên trong cánh cổng sắt hai con nàng đang kiễng chân lên ngó ra đường. Thấy mẹ từ xa, chúng đồng thanh: "Ah, mẹ về, mẹ về". Như một cơn lốc, Nàng chạy ùa đến. Cả ba mẹ con ôm chầm lấy nhau. Sau một ngày đằng đẵng không có mẹ cả hai đứa mồ hôi mồ kê nhễ nhại, tóc rối bù khét lẹt mùi nắng. Hôn lên đôi má đỏ ửng như trái bồ quân của Mimi, lấy khăn lau cái mồm đầy mực cho Jimy, nàng bế cả hai đứa lên rồi ríu rít, ríu rít... cả ba mẹ con bước vào nhà. Dưới chân, cún con quanh quẩn chạy trước chạy sau, mồm kêu ăng ẳng. Bé Mimi cúi xuống nhìn nó "tội nghiệp cún, không được mẹ bế như chị!"

Bữa cơm tối đã dọn lên bàn, hai đứa con nàng tranh nhau được ngồi cạnh mẹ. Nàng trìu mến nhìn chúng, những đứa con thơ ngây, đáng yêu của Nàng. Vừa ăn hai đứa vừa ríu rít tranh nhau kể chuyện, nào là chuyện thằng Bống bạn học của Jimy bị cô giáo phạt ra sao, rồi chuyện cái Hoa, bạn mẫu giáo của Mimi bị mèo con cắn vào mũi thế nào. Kể xong Mi ghé vào tai mẹ thì thầm: "Chắc là vì bạn ấy không tôt đấy mẹ ạ, ở lớp con bạn Hoa toàn hay đẩy và tranh đồ chơi của các bạn thôi".
Nàng cười, buổi tối gia đình đầm ấm làm sao! Đang nhai dở, như sực nhớ điều gì, bé Jimy giơ 4 ngón tay của nó ra: "Mẹ ơi, mẹ thưởng cho con đi mẹ. Hôm nay con được những 4 điểm mười cơ". Nghe thấy thế Mimi phụng phịu: "Nhưng mà con chẳng được điểm mười nào cả, con chỉ được mỗi phiếu bé ngoan thôi...". Nàng buồn cười quá, xoa đầu Mimi : "Phiếu bé ngoan cũng là điểm mười đó con. Hôm nay mẹ sẽ đưa 2 con đi dạo chơi". Hai đứa nhảy cẩng lên "mẹ hứa rồi đấy nhé, mẹ hứa là mẹ phải làm đấy". Tội nghiệp cho 2 đứa con bé bỏng, nàng nghĩ, vì mẹ chúng quá bận nên suốt ngày chúng chỉ biết thui thủi trong nhà, đến đi chơi cũng là niềm ước ao của chúng. Mắt nàng cay cay, nàng quay mặt đi cố giấu những giọt nước mắt đang lăn dài trên má.

(Còn nữa)

Ngày không chịu thường

Cái tính mình nó không chịu một kiểu dòng cứ chảy đều đều không đổi dài dài hôm nay ngày mai ngày mốt tuần này tuần sau tuần nữa. Chịu/ ráng chịu cũng được một hồi là loay hoay cục cựa vung cái tay đá cái chân, rồi thì mon men nghĩ chuyện với một viên đá ném vào cái dòng đó cho tung tóe bọt nước lên mới xuôi.

Sáng thứ hai đầu tuần mà cái đầu chỉ mong bỗng dưng được nghỉ 1 tuần. Nghỉ sẽ không nằm dài ở nhà mà biến đến một vùng nắm ấm nào đó vươn vai dang tay hít từng tia nóng. Thèm đi đâu đó quá. Áo lạnh suốt ngày kín mít công việc kín ngày chán quá chán quá chán quá ta ơi.

Thèm chơi thèm tụ tập thèm cười thèm nghỉ. Thèm đến chẳng còn làm được cái gì đây này. Toàn những ý nghĩ xả hơi ăn chơi nó cứ quẩn quanh, xua đi lại chạy lại, nhấm nháy năn nỉ ỉ ôi rồi gào hét với cái đầu như một cơn nghiện thế này. hu hu.

Còn gần 2 tháng nữa thì Tết. Noel thì làm gì nhỉ?

December 12, 2010

Một Ngày Thường (5)

* MỘT NGÀY THƯỜNG (4)
(Tiếp) Bàn học trong lớp của nàng được làm bằng gỗ dán phẳng lỳ, nhìn những vân gỗ như mây trông thật thích mắt. Nhưng trên mặt bàn bóng loáng kia đầy những hình vẽ loằng ngoằng, nào là hình đầu lâu xương chéo, nào là trái tim đang rỉ máu với một mũi tên xuyên qua hoặc những dòng chữ nguệch ngoạc "Hận nước thù đời...", "quyết không yêu cho chúng nó ế chồng".v.v và v.v Nàng mỉm cười, học trò thời nào cũng vậy, hồn nhiên và tinh nghịch.

Mọi người lục tục vào chỗ, nàng cũng ngồi xuống. Một lát sau giáo viên tới. Theo phản xạ có điều kiện có được từ thuở học phổ thông, tôn sư trọng đạo, nàng định đứng dậy chào nhưng may mà kìm lại được. Đối với giáo viên nước ngoài việc bạn đứng lên hay ngồi xuống không quan trọng. Tôi làm việc tôi còn ông làm việc ông, không việc gì phải câu nệ, rườm rà; mà đứng lên ngồi xuống nhiều chỉ tổ mất thời gian, bàn ghế lại chóng hỏng. Lối nghĩ của Tây đơn giản và thực dụng đến kinh ngạc!

Bà giáo khoảng chừng ngoài 50, mới nhìn đã biết là một người gốc Anh di cư chính hiệu. Mắt xanh, mũi lõ, dĩ nhiên, Tây nào chả thế. Nhưng bà có một nét đặc biệt khó tả, đó là cái nhìn diệu vợi, xa xăm. Bà nhìn mọi người như nhìn vào khoảng trống, cảm giác như trước mắt bà là một hoang mạc mênh mông. Bà dừng lại, quay xuống và gật đầu. Bà chào đấy, một cái chào ngắn gọn nhưng không kém phần trọng thị.
Bà là một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về con người và thiên nhiên cùng với những nền văn hoá của các dân tộc trên thế giới. Bài giảng của bà làm nàng thích thú.

Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nề nếp, nàng đã được mẹ nàng, một người đàn bà phúc hậu nhưng nghiêm khắc, giáo dục Nàng những đúc tính truyền thống quý báu của người phụ nữ phương Đông. Nàng đã tiếp thu những bài giáo huấn của bà khá xuất sắc, nhưng Nàng lại không thể chịu được những lễ giáo rườm rà, phong kiến, đặc sản của nền văn minh lúa nước. Tại sao con cái không có quyền tranh luận (các cụ gọi là cãi nhau) với bố mẹ, với người cao tuổi trong khi họ sai lè lè ra đó. Tại sao việc học hành phải ưu tiên cho con trai, còn đàn bà con gái thì chỉ cần nữ công gia chánh, bếp núc nội trợ... Tại sao, tại sao... Nói chung là có rất nhiều cái tại sao mà nàng muốn tranh luận với mẹ nàng, thậm chí cả với mẹ của mẹ nàng, tức là bà Nàng. Nhiều lúc thấy tính 'ngang ngạnh' của nàng, bà của Nàng nắm lấy tay nàng, mắt bà mờ đục, miệng móm mém:
- Con gái phải biết thân phận mình cháu ạ, "Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô" mà cháu...

Còn mẹ nàng, dí ngón tay vào cái trán bướng bỉnh của Nàng mà rằng: "cái ngữ cô sau này chẳng ai người ta dám rước...". Nàng hứ một tiếng : "Chỉ sợ lúc ấy mẹ lại tiếc", rồi nàng dúi đầu vào bà và cười. Còn bố nàng, một nhà sư phạm lão thành nhưng theo phái cách tân, từ đầu vẫn im lặng bỗng phá lên cười: "Được, được lắm, con thế mà khá...". Mẹ nàng lườm : "Bố con nhà ông thì chỉ được cái bênh nhau chằm chặp..."

Đến với lớp học đối với nàng là đến với một thế giới khác. Bài giảng của bà giáo gốc Anh này đã cho nàng bay bổng, bên dưới nàng là mênh mông đất nước Autralia đầy nắng. Con người của xứ sở Kangaroo dũng mãnh và lịch thiệp, còn nền văn hoá của họ là một nền văn hoá đa bản sắc. Trong các bài giảng của bà, ta có thể chiêm ngưỡng lễ hội thần bí của thổ dân da đỏ, bập bùng bên bếp lửa rừng sâu. Những tiếng rú khiến ta cứ ngỡ đang ở chốn hồng hoang lịch sử. Nhưng tạm biệt thế giới hoang sơ trong bạt ngàn của những rừng mưa, ta sẽ bắt gặp ngay những xa lộ siêu tốc và những con người hiện đại của xã hội văn minh... Ấn tượng nhất đối với nàng là văn hoá ứng xử, là mối quan hệ giữa người và người của cái xã hội mà ta vẫn mạt sát là "đêm trước của chủ nghĩa Cộng sản" - rất sòng phẳng nhưng cũng đầy nhân bản. Bạn làm gì tôi không quan tâm, mà theo cách nói của họ là không bao giờ chõ mũi vào nhà hàng xóm. Việc làm của bạn cũng như của tôi đã có pháp luật kiểm soát. Tất nhiên xã hội nào chả có pháp luật, kể cả xã hội thời mông muội. Nhưng trong xã hội của ta, những kẻ phạm trọng tội đều ít nhiều có mối quan hệ với quyền lực.

Trong thế giới tự do này con người có thể phát huy tối đa khả năng vốn có của mình. Nếu có khả năng bạn sẽ vượt trên người khác. Nhưng để được coi là có khả năng bạn phải cố gắng, phải đua tranh quyết liệt. Tuy khắc nghiệt nhưng đó là một cuộc cạnh tranh đàng hoàng, lành mạnh. Trong khi đó ở cái đất nước 4000 năm văn hiến này ư, bạn muốn trèo cao hơn mọi người?, dễ thôi, đơn giản nhất là bạn kéo người đang trèo cao hơn bạn rơi xuống đất mà bạn chẳng phải cần trèo leo gì cả !

Bà lại giảng về lĩnh vực tình yêu. Mấy cô gái mặt đỏ dừ . Khiếp, ai lại nói về tình yêu theo khía cạnh giải phẫu học ra như vậy, ngượng chết. Còn mấy ông mãnh ngồi trong góc lại chụm đầu rì rầm, thỉnh thoảng lại bụm miệng cười khùng khục. Không để ý những gì đang diễn ra, bà vẫn tiếp tục những quan điểm của mình, không nên coi tình yêu là một cái gì bí ẩn siêu phàm như các nhà triết học phương Đông. Ngược lại cũng không nên coi tình yêu là một cái gì quá cụ thể và trần tục như các nhà triết học phương tây. Theo bà tình yêu phải bao hàm cả hai. Trong tình yêu đích thực cả hai phần phải cân bằng. Tất nhiên có thể có vấn đề cần tiếp tục xem xét nhưng nàng cảm thấy tâm đắc. Dù sao bà cũng là một nhà tâm lý học chân chính.

Nàng nhớ đã có lần nàng nghe mẹ nàng dặn dò đứa em gái dưới nàng:
- Đàn ông không phải ai cũng tử tế, dù sau này hai đứa có yêu nhau thực lòng đi chăng nữa thì cũng phải giữ ý giữ tứ, nếu cứ hớ hênh thì ... dễ xảy ra chuyện này chuyện nọ, khôn ba năm dại một giờ đấy con ạ.
Nàng chêm vào:
- Mẹ chẳng phải dặn bọn con đâu.
Bà lừ mắt:
- Thôi đi, tôi dặn các cô chẳng bao giờ thừa.
Nàng cười hinh hích, khoe cả cái răng khểnh ra. Rồi hai chị em nàng cùng cười. Nhà nàng vẫn vậy, luôn đầy ắp tiếng cười.

Nói vậy thôi, nàng là một người có cá tính mạnh, rất cởi mở nhưng không dễ dãi một chút nào. Nàng quan niệm, đã yêu nhau thực sự thì tại sao lại cứ phải sợ. Tình yêu là động lực để con người ta sống, để lớn lên và được chở che. Tình yêu đẹp là nơi an toàn nhất và ta phải sẵn sàng hi sinh, cống hiến vì tình yêu đó. Còn đã ghét ư, stop, đừng có mà vớ vẩn, quên đi nhá !

Trước khi bài học kết thúc, bà hỏi ai có ý kiến gì không. Một cô bé nhanh nhảu hỏi bà những câu hỏi chẳng ăn nhập gì với bài học cả, đại khái về những mối tình đã từng đi qua trong cuộc đời bà. Bà vui vẻ kể về mối tình đầu của bà , rồi mối tình thứ hai, thứ ba... hoá ra bà Tây này cũng yêu đáo để. Một người khác hỏi bà về tình yêu đích thực của bà trong mớ hổ lốn nhang nhác tình yêu kia. Tự nhiên mắt bà trở nên xa thẳm, vẻ mặt buồn buồn, giọng bà trở nên não nề:
- I have none.

Cả lớp nhìn nhau im lặng. Đến bây giờ bà giáo vẫn chưa chồng!

Buổi học kết thúc , mọi người lục tục ra về. Nàng bước ra cửa, ngoài sân nắng chiều vàng rộm hắt những bóng cây nghiêng nghiêng trước thềm nhà. Các con nàng giờ này chắc đã tan trường và đang mong ngóng mẹ về. Nghĩ vậy bước chân nàng trở nên nhẹ nhàng và thoăn thoắt mặc dù Nàng biết ánh mắt gã si tình đang nhìn trộm nàng từ phía sau. Kệ, ai mà lại để ý đến thứ dở người đó...

December 10, 2010

Một Ngày Thường (4)

* MỘT NGÀY THƯỜNG (3)
(Tiếp) Phần 3: Lớp học

Trường ngôn ngữ quốc tế toạ lạc trên một vùng đất rộng, bên cạnh trục đường Bắc - Nam của thành phố. Những dãy nhà cao tầng sừng sững soi bóng xuống những thảm cỏ xanh rì. Trong khung cảnh đó con người cảm thấy thật là nhỏ bé. Và người ta còn cảm thấy nhỏ bé hơn khi thỉnh thoảng ta bắt gặp những vị giáo sư già, trán bóng mượt, nét mặt đăm chiêu bí ẩn. Trên các lối đi trong khuôn viên trường ta cũng bắt gặp những cô cậu sinh viên trắng trẻo, sung mãn, quần áo lúc nào cũng chỉnh tề, lịch sự. Họ vừa đi vừa nói chuyện, đủ mọi thứ tiếng trên thế giới ngoại trừ tiếng mẹ đẻ của họ - tiếng Việt. Nói tóm lại đây là ngôi trường của các ngôn ngữ thời thượng, sang trọng và quý phái. Học ở đây là những người con ưu tú của thành phố, nếu không là con nhà quyền quý, giàu có ở các quận nội thành (mà trước đây ta thường nói về họ một cách kính nể là dân ngoại trú) thì cũng là xuất thân từ những gia đình có thế lực ở các tỉnh lẻ, hoặc họ là những người đang chuẩn bị cho những chuyến bay đến mọi phương trời mơ ước - du học.

Nàng bước đi trên con đường thân thuộc. Trước kia nàng đã từng học ở đây, nhưng lần này trở lại nàng thấy khung cảnh thay đổi nhiều quá. Những ngôi nhà cấp 4 tồi tàn lụp xụp đã biến mất. Thay vào đó là những biệt thự sang trọng, nguy nga với mái ngói đỏ ẩn mình trong những vườn cây rậm rạp, xanh rì. Cuộc sống đã thay đổi, những vị giáo sư già đã không phải lặn ngụp giữa dòng đời để lo từng bữa cơm, manh áo nữa. Họ đã có thể rảnh rỗi đọc sách, nghiên cứu... và để lại cho đời những sản phẩm trí tuệ không có gì so sánh, đó là những pho sách dày mà không phải ai cũng hiểu. Có sao đâu, khoa học không dành cho tất cả mọi người! Cuộc sống thật sự đã thay đổi, mọi cái đã bắt đầu được đặt vào đúng vị trí vốn dĩ là của nó. Nghĩ như vậy nàng cảm thấy vui vui. Nàng là con người lạc quan.

Lớp học của nàng ở tầng một, một căn phòng rộng chừng 50 m2, sáng sủa, gọn gàng. Trước lớp học là rặng nhãn sum suê, toả bóng mát rượi xuống từng ô cỏ nhỏ. 7 giờ 55 phút, nàng liếc nhìn đồng hồ, vẫn còn sớm. Lớp học của nàng sẽ bắt đầu trong 5 phút nữa. Thong thả, nàng đi về phía lớp.
Trước cửa lớp có một tốp bạn học của nàng đang đứng. Thấy nàng, họ quay lại:
- G'morning.
- G'morning. Nàng mỉm cười đáp lại.
Một gã trạc ngoại tứ tuần nhưng rất bảnh choẹ, áo lụa trắng, quần đen là thẳng cứng, chiếc cà vạt màu hoa cà nhỏ tí treo lủng lẳng dưới cổ. Đầu chải bóng nhẩy vuốt ngược ra phía sau. Cặp kính gọng vàng lấp loá. Hắn đến bên nàng, cười để lộ mấy cái răng kim loại vàng choé.
- You look very nice today.
- Oh, thank you. Nàng dửng dưng đáp lại và bước qua mặt hắn.
Hắn chạy theo, giọng thiểu não:
- Could...I..I..b..bring you somewhere...for...for the lunch today ?
Nàng đáp lại, giọng hơi sẵng một chút:
- Thanks, but I have an appointment, mate.

Kỳ thực nàng chẳng có cái appointment nào cả. Thường thì sau giờ học sáng, nàng lại cùng với mấy đứa bạn tong tẩy đi sang phía bên kia đường, sà vào mấy quán bụi, thưởng thức bữa cơm sinh viên đạm bạc một cách ngon lành. Nàng vốn là người giản dị, kể cả trong từng bữa ăn! Nàng từ chối hắn đơn giản nàng không thích hắn. Hắn đã theo đuổi, săn đón nàng ngay từ khi bắt đầu khóa học. Đầu tiên nàng nhẹ nhàng từ chối nhưng hắn vẫn như đỉa đói, dùng mọi thủ thuật, mánh lới để chinh phục nàng. Nhưng đã đến lúc không chịu được mỗi khi nhìn thấy bộ mặt nhão nhoẹt với nụ cười cầu tài của hắn, đã có lần nàng nói thẳng vào mặt hắn. Nàng tưởng hắn sẽ gục xuống vì thất vọng, nhưng ô kìa, kỳ lạ chưa, hắn vẫn cười nham nhở. Rõ khổ, tình yêu đã làm cho hắn mụ mị mất rồi. Kể ra cũng tội nghiệp cho hắn, hắn yêu nàng thực sự. Nhưng yêu thực sự thì sao nào, nàng không thích hắn, thế thôi.

Thật ra, sự khó chịu của nàng là có lý do, sự theo đuổi của những gã đàn ông khiến nàng nghĩ đến cuộc hôn nhân không suôn sẻ của mình. Giá như, giá như... bao nhiêu chữ giá như cũng trở về điểm cuối mà nàng thường nói là số phận. Nàng ở một mình, vì thế không ít đàn ông lả lơi bóng gió. Có những gã chỉ mới làm quen nói chuyện với nàng 1, 2 lần là nghĩ ngay đến chuyện đề nghị nàng qua đêm với họ. Chỉ ý nghĩ đó thôi cũng làm nàng cảm thấy kinh tởm. Thật bẩn thỉu. Nàng thật sự cảm thấy một nỗi khó chịu khủng khiếp mỗi khi gặp phai những lời đề nghị sống sượng kiểu ấy. Nàng cảm thấy bị xúc phạm và càng ngày càng cảnh giác với đàn ông hơn.

Bỏ mặc gã si tình đang thất thểu đằng sau, nàng vào lớp. Chỗ ngồi của nàng đây rồi, vẫn hàng ghế thứ tư bên phải, sát tường của lớp học. Nàng ngồi chỗ này đơn giản là nó không quá xa mà cũng chẳng quá gần giảng viên. Xa mà gần, gần mà xa đó là cảm giác của những ai đã từng tiếp xúc với nàng. Tính nàng vốn dĩ vẫn thế.

(Còn nữa)

December 09, 2010

Một Ngày Thường (3)

* MỘT NGÀY THƯỜNG (2)
(Tiếp) Hắn sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khổ. Cái nắng nóng và gió Lào đã làm cho hắn quắt lại. Và giọng nói, một thứ giọng không lẫn vào đâu được, hình như đã bị thiên nhiên khắc nghiệt bào mòn đi phần màu mỡ nhất, chỉ còn lại phần thô kệch, cộc cằn. Nàng đã từng tiếp xúc với nhiều người cùng quê với hắn. Nàng nhận thấy bọn họ tuy nghèo nhưng sống khá đoàn kết và tình cảm. Những lúc có dịp tụ họp với nhau thì thôi rồi, cứ là như vỡ chợ, đủ mọi âm sắc mà người ngoài không thể hiểu được. "hoa cúc" thì nói thành "hoa cục", "cái bát" gọi là "cái đọi"... Một số người nhún vai khi nghe thấy thứ ngôn ngữ nhọc nhằn đó. Nhưng nàng, vốn là một con người nhân hậu, nàng chỉ thấy hơi buồn cười.

Thực ra lý do cho con người vùng quê nghèo đó sống đoàn kết với nhau chẳng qua là họ bị phân biệt đối xử ở những nơi họ đi qua. Họ vẫn bị coi là đồ sâu bọ, bần tiện... nói chung là không chơi được. Vì vậy họ phải sống theo cộng đồng để có thể dựa vào nhau mà sống.

Sau mười mấy năm, nàng gặp lại hắn. Thời gian đã làm cho hắn thay đổi quá nhiều. Trước đây hắn trông có vẻ hiền lành tử tế, thế mà giờ đây trông hắn già câng, tóc rễ tre lởm chởm, râu ria lâu ngày không cạo trông phát khiếp. Thực ra nàng chưa hiểu hắn. Hắn là một kẻ yếu đuối, hay bị người khác bắt nạt, vì vậy hắn phải cố tạo ra vẻ bề ngoài bụi bặm, từng trải. Khổ nỗi, hắn càng cố chứng tỏ mình bao nhiêu thì trông hắn lại càng kệch cỡm, ngô nghê bấy nhiêu. Thật đáng thương!
Đáng thương hơn là hắn lại không biết mình là ai. Hắn cứ cố chứng tỏ trước mọi người là hắn hiểu biết. Rồi hắn làm thơ. Chao ôi, thứ thơ lai tạp cóc pha ếch của hắn nghe mà lộn mửa. Mọi người tán thưởng, hoan hô không phải vì thán phục mà chẳng qua họ muốn hắn làm trò cười cho họ. Có một gã hề thì cuộc sống cũng đỡ tẻ hơn.
Nhưng khác với mọi người, nàng thấy ái ngại cho hắn. Nhiều lần nàng muốn nói rõ sự thật cho hắn hiểu, nhưng thấy hắn có vẻ đắc ý, sợ làm hắn thất vọng nàng lại thôi. Nàng có tính thương người.

Đang đắm chìm trong suy nghĩ, tự nhiên nàng cảm thấy như bị ai xô về phía trước. Chiếc xe phanh kít lại làm hành khách đổ cả vào nhau.
- Đồ chết tiệt. Đi đứng như thế hả?
Tiếng quát của lái xe làm nàng sực tỉnh. Phía trước đầu xe 2 gã choai choai đang gò mình trên chiếc xe phân khối lớn, đánh võng luồn lách giữa dòng người. Tên ngồi sau có bộ tóc xanh xanh đỏ đỏ rối bù; hắn nghếch bộ mặt non choẹt ra phía sau cười nhăn nhở.
- Thanh niên bây giờ ghê thật, đi đứng chẳng có phép tắc trật tự gì cả !
Một bà già bên cạnh thì thào vào tai nàng. Nàng đáp bâng quơ:
- Vâng. Chúng nó bây giờ sôi nổi và năng động hơn chúng ta bác ạ.
Bà già gần như chồm lên:
- Năng động cái khỉ gió. Cả một lũ mất dạy. Chúng nó chỉ biết lấy tiền bố mẹ chúng nó để rồi hút hít, lông bông. Mà tiền bố mẹ chúng từ đâu ra mà lắm thế. Cướp của dân đấy. Bà là bà cứ gô cổ hết lượt. Chẳng bù cho chúng tôi ngày xưa...

Rồi bà ta kể lể , nào là bà ta đã từng đi thanh niên xung phong, vào sanh ra tử. Nào là bà ta đã cống hiến cả cuộc đời thanh xuân cho tổ quốc..v.v và v.v.. Nàng quay sang người đàn bà, một bộ mặt già nua khắc khổ mang đậm dấu ấn của bom đạn, của những cơn sốt rét rừng. Nàng nghĩ, họ là những người đáng được tôn vinh. Và sự hi sinh mất mát của họ đã được ghi nhận, mặc dù chưa đáng là bao, chưa thể bù đắp được những gì mà họ đáng được hưởng. Nhưng họ cần hiểu, sự âm thầm chịu đựng mới là sự hi sinh cao cả, còn suốt ngày kể lể phỏng có ích gì.

Không biết phải chịu đựng câu chuyện dài dòng, sầu não của bà già đến bao giờ nếu xe chưa đến điểm đỗ. Nàng xuống xe, ngay lúc ấy ví nàng lại một lần nữa rung lên.
Nàng mở ví, liếc vào màn hình "Where are You ? tai sao U khong tra loi? If U khong tra loi Me thi U phai an han day!". Nàng phì cười. Rõ vô duyên.

-------------------------------------
* Note: Post khúc này, xin miền Trung thứ tha.

December 08, 2010

Một Ngày Thường (2)

* MỘT NGÀY THƯỜNG (1)
(Tiếp) Bến xe chen chúc người là người. Người mang, kẻ vác, tiếng cãi nhau ỏm tỏi ở một hàng chè chén. Một khung cảnh huyên náo, hỗn độn và nhếch nhác. Bước lên chiếc xe Bus vừa mới tới, Nàng đi về cuối xe, chọn hàng ghế thứ tư bên phải trong cùng, Nàng ngồi xuống. Đây là chỗ ngồi quen thuộc của Nàng. Sở dĩ Nàng chọn chỗ này là vì, thứ nhất Nàng muốn ngắm nhìn phố xá; những cửa hiệu bên đường với hàng hoá xanh đỏ tím vàng toòng teng treo trước cửa làm Nàng vui mắt. Thứ nữa Nàng không muốn ngồi gần lối đi để tránh những cặp mắt hấp háy liếc xéo của đám con trai mỗi khi buớc qua chỗ Nàng. Nàng chúa ghét những cái nhìn đầy bản năng của lũ đàn ông. Và cuối cùng ngồi ở chỗ này là Nàng không phải đứng lên để nhường ghế cho những ông già bà lão. Nói chung Nàng cũng là một con người.

Người soát vé đi tới. Nàng hững hờ rút vé tháng giơ lên. Gã phụ xe ỡm ờ:
- Khỏi phải xem vé. Người đẹp đi xe này là một ân huệ đối với anh. Ôi, ảnh cô em đẹp quá !

Nàng cảm thấy khó chịu. Hoá ra lũ đàn ông đều vậy, trâng tráo và lẻo mép. Thật hiếm có một kẻ nào cho ra hồn. Nhưng nàng vẫn lặng yên, mặt nàng lạnh một vẻ đài các. Gã phụ xe chưng hửng, bỏ đi. Mấy cô bé học phổ thông ngồi bên cạnh cười rúc rích.
Đang lơ đãng nhìn người qua lại dưới sân , bỗng điện thoại trong ví của Nàng rung lên. Có một tin nhắn mới tới. Nhưng Nàng không buồn xem vội, vì Nàng thừa biết đó là ai.

Phần 2: Trên đường
Đúng, nàng không lạ gì hắn, chủ nhân của những tin nhắn vẫn thường xuyên đến với nàng vào mỗi buổi sáng. Khi lần đầu tiên nhận được tin nhắn của hắn, nàng rẩt đỗi ngạc nhiên, sau đó nàng cảm động và có phần thích thú. Nhưng ngày qua ngày, những tin nhắn với nội dung gần như không đổi và nhàm chán của hắn làm nàng dửng dưng, thậm chí hơi khó chịu, nhất là những lúc nàng muốn được yên tĩnh hoặc đang muốn ôn lại những kiến thức mà nàng đang học cho các kỳ thi. Thế mà hắn vẫn như một kẻ vô công rồi nghề nhưng kiên trì, suốt ngày hình như chỉ đợi đến một giờ quy định nào đó, khi nàng đã bắt đầu yên vị trên xe là bắt đầu tít..tít. Vô duyên!

Kể ra nàng đã biết hắn từ lâu, nhưng hình bóng của hắn cũng chỉ là thoảng qua lờ mờ trong tâm trí nàng rồi chìm tắt trong bộn bề cuộc sống. Đơn giản hắn đã không để lại một ấn tượng nào cả.

Hơn chục năm về trước, lần đầu tiên bước chân vào Sài gòn, hòn ngọc Viễn Đông thủa nào, cái gì cũng lạ lẫm đối với hắn, từ phố xá, xe cộ đến con người. Những lúc rỗi hắn lại muốn đi chơi cho biết đó biết đây, để có câu chuyện làm quà khi trở ra đất Bắc. Quan trọng hơn là hắn muốn lấy le với mọi người. Đừng coi thường nhau nữa nhé, ta đã từng đi Sài gòn đấy. Hắn là một kẻ háo danh! Nhưng khốn thay hắn lại sợ lạc đường. Kể ra hắn có thể nhờ một ai đấy đưa đi nhưng khi nhận thấy mọi người đều tất bật và hắn lờ mờ nhận ra rằng chẳng mấy ai quan tâm đến sự có mặt của hắn thì hắn lại thôi. Dù sao hắn cũng có lòng tự trọng.

Không đi chơi thì hắn ở nhà. Chiều chiều đứng trước ngõ của nhà người bạn, ngắm mọi hạng người qua lại hắn cũng thấy vui vui.
Bạn có thể hỏi, hắn có mặt tại Sài gòn hoa lệ này với mục đích gì mà chỉ thấy quanh quẩn ở trong một ngõ nhỏ. Xin thưa, hắn có mặt nơi đây với một vai trò khá quan trọng: đi dự đám cưới một người bạn. Ghê không?!

Và hắn đã gặp nàng, đúng hơn là hắn đã thấy nàng. Lần đầu tiên hắn đã bị mê hoặc bởi nét quyến rũ của một người con gái Sài Gòn gốc Bắc. Ấy là sau này hắn mới biết như vậy, còn lúc đó hắn không biết một tí gì về nàng. Hắn chỉ biết nàng rất đẹp. Hắn ngồi lẫn trong đám đông, thẫn thờ ngắm nàng từ xa. Nàng thật là vô tư, nghịch ngợm và duyên dáng. Nàng vui đùa với bạn của nàng. Đôi lúc ánh mắt nàng vô tình lướt qua chỗ hắn, gặp đôi mắt ngây dại của hắn nàng lại thấy hơi khó chịu. Rồi nàng lại quay sang với các bạn của nàng như không có hắn trên cõi đời này. Nhưng đối với hắn, khi gặp ánh mắt nàng, hắn vội cụp mắt xuống và sướng âm ỉ. Hắn tưởng nàng có ý nhìn hắn, và hắn hy vọng... Khổ thế!

- Đừng có mà hy vọng. Cút.
Nàng giật mình. Hoá ra đó là tiếng quát của gã lơ xe. Một sinh viên dùng vé giả đã bị hắn đẩy xuống sân. Cửa xe khép lại, cậu sinh viên cố vỗ vỗ vào cửa kính nhưng vô ích. Thế là cậu ta mất một buổi học. Đã từng là một sinh viên nên nàng quá hiểu cuộc sống của sinh viên. Nhiều người trong số họ có gia đình quá nghèo. Nàng cảm thông với họ. Nàng đứng dậy, định nói với phụ xe là nàng sẽ trả tiền vé cho cậu sinh viên. Nhưng gặp những ánh mắt thờ ơ vô cảm của hành khách trên xe trước cảnh tượng ấy nàng lại ngồi xuống, bất lực. Nàng hiểu nàng không nên làm khác mọi người. Xe chuyển bánh.

(Còn nữa)

Một Ngày Thường (1)

Truyện ngắn 'Một Ngày Thường' Lana xin được bản quyền và được tác giả đồng ý chia cùng bạn hiền, chỉ đòi một nửa nhuận bút (nếu có) :)

MỘT NGÀY THƯỜNG
(Tặng My Friend)

Phần một: Buổi sáng tinh mơ

Gần sáng, khu Pig-Farm thật là yên tĩnh, mọi âm thanh phố xá dường như bị lùi xa, chưa bao giờ vọng đến. Bao trùm lên toàn bộ không gian tĩnh mịch là một làn sương mờ ảo, những ngôi nhà in hình bóng lờ mờ trong sương khói. Trong một căn nhà nhỏ, ánh sáng yếu ớt lọt vào từ cửa sổ khép hờ làm cho căn phòng càng thêm huyền ảo. Bất chợt, tiếng chuông đồng hồ lảnh lót vang lên, người đàn bà trở mình, ngước nhìn lên. Kim đồng hồ chỉ đúng 6h15 phút. Thật là lạ, Nàng nghĩ, ngoài trời vẫn còn tối thui thế này mà đã hơn 6 giờ sáng rồi sao? hay đồng hồ mình chạy sai. Xua ngay ý nghĩ đó trong đầu, Nàng khẽ khàng ngồi dậy. Hai đứa con Nàng vẫn đang thiêm thiếp ngủ. Hai gương mặt thơ ngây và đẹp tựa thiên thần, mái tóc của chúng mềm mại như tơ loà xoà trên trán, cánh mũi phập phồng theo hơi thở trông thật đáng yêu. Sợ chúng giật mình thức giấc, Nàng rón rén chui ra màn. Tiếng lẹc quẹc vọng lên trong căn phòng tối mờ và đi dần về phía bếp.

Một lát sau, Nàng trở lại với mái tóc rối bời. Nàng với tay bật công tắc nhỏ trên tường. Căn phòng bừng lên trong thứ ánh sáng lân tinh của ngọn đèn 25W. Nàng hờ hững buông mình lên chiếc ghế nhỏ trước bàn trang điểm. Hình như việc trang điểm là việc làm quan trọng nhất của người phụ nữ sau khi ngủ dậy, nhưng với Nàng, việc này cũng không quan trọng lắm. Thậm chí Nàng còn cảm thấy ghê ghê khi ngửi thấy mùi hăng hắc của các loại mỹ phẩm. Khi nhìn thấy nhiều phụ nữ với gương mặt bự phấn Nàng cảm thấy ái ngại. Trông họ thật đáng thương, những người đàn bà đang cố níu kéo thời gian trở lại. Vì vậy Nàng ngồi vào chiếc bàn nhỏ này đơn thuần chỉ là theo bản năng của người phụ nữ mà thôi. Trong chiếc gương nhỏ, một bóng người đàn bà đang ngồi đối diện với Nàng. Nàng đấy ư, một khuôn mặt thông minh, khả ái ! Nàng có một làn da trắng ngần, nhìn qua gương tưởng như được đúc bằng sữa tinh khiết. Bộ áo ngủ thẫm màu làm cho Nàng giống một bông hoa lan cắm vào chiếc bình làm bằng đá cẩm thạch, Nàng nhớ đã có một gã trai đa tình từng ví Nàng như vậy. Nàng bật cười, cánh tay thon thả bắt đầu luồn vào mái tóc dày, đen bóng. Nàng chải ngược ra đằng sau, suối tóc bồng bềnh phủ lên bờ vai nhỏ nhắn, chảy xuống tấm lưng thon dài, mềm mại. Trông Nàng giống bức tượng của thần vệ nữ !

6 giờ 30 phút. Trời đã bắt đầu sáng. Ngoài đường, tiếng rao quen thuộc của mấy bà hàng rong ngân dài như tiếng của mấy tay kép tuồng, luồn sâu vào từng ngõ ngách.
Hai con Nàng vẫn ngủ say, giờ này vẫn còn quá sớm đối với chúng. Nàng đứng dậy, vơ vội mấy quyển sách vương vãi trên bàn và cho vào túi. Nàng đến bên giường, trìu mến nhìn hai thiên thần vẫn đang nồng nàn trong giấc ngủ. Chúng là hiện thân của Nàng, là tất cả đối với Nàng! Nàng yêu chúng vô cùng. Nàng hôn con, xoa nhẹ vào đầu chúng, sau đó Nàng mở cửa, bước ra ngoài. Trời hơi se lạnh. Làn gió thổi từ hồ nước mờ sương trước mặt thoang thoảng mùi hương đồng gió nội. Một ngày mới lại bắt đầu...
Rảo bước trên con đường quen thuộc; hai bên đường cỏ mọc um tùm, những cánh hoa dại lấp ló sau thảm lá ken dày. Thỉnh thoảng một con chim bé nhỏ thảng thốt bay vụt ra từ lùm cây làm Nàng giật mình nhưng cảm thấy vô cùng thích thú. Thật là kỳ lạ, vẫn có một vùng quê yên ả, hoang sơ như một ốc đảo lọt thỏm vào giữa chốn đô thành bụi bặm! Trước đây Nàng đã từng sống ở miền sơn cước nên nàng yêu thiên nhiên, yêu muông thú, cỏ cây. Nàng đã từng là một cô bé tinh nghịch, cũng vì quá yêu dòng suối thơ mộng róc rách sau nhà mà có lần suýt chết đuối!

Trên đường đã đông người qua lại. Những người làm đêm mệt mỏi lê bước về nhà. Những người đi làm sớm thì vội vã, cắm cúi đi như chạy trên con đường đầy sỏi đá. Thật đáng thương cho loài người, tất bật và lam lũ. Tất cả cũng chỉ vì miếng cơm manh áo. Nàng bất giác thở dài. Một chiếc xe @ phanh két, đỗ xịch lại bên đường.
- Cô em xinh đẹp, anh chở em đi nhé.

Không để ý đến bộ mặt nhăn nhở đáng ghét của gã trai lơ, Nàng rảo bước. Nàng vẫn miên man suy nghĩ. Giờ này chắc con bé giúp việc đã ngủ dậy và đang làm bữa sáng. Bé Jimy Phương chắc đang mặc quần áo, lục sục tìm sách vở dưới gầm bàn để chuẩn bị đến trường. Còn Mimi hẳn còn đang ở trên giường, đầu rúc vào chăn ngủ cố. Con bé thật là lạ, 5 tuổi rồi mà vẫn còn như đứa lên ba. Nghĩ đến đó, lòng Nàng quặn thắt lại vì thương con. Suốt một ngày dài không có mẹ bên cạnh, chúng chỉ biết tha thẩn ở góc vườn, làm bạn với cún con và chơi đồ hàng với cây cau, cây bưởi. Nàng rơm rớm nước mắt. Nàng chỉ mong sao ngày trôi thật nhanh để lại về với chúng, để cho chúng ngồi lên vai, lên cổ. Nàng sẽ bù đắp cho chúng những giờ phút chúng phải xa mẹ như những lúc này. Nghĩ vậy Nàng cũng cảm thấy lòng mình vợi đi đôi chút.

Hàng quà sáng người chen chúc. Con người thật là kỳ lạ, làm cũng như ăn, lúc nào cũng tất bật, vội vàng ! Bà chủ quán phúc hậu ngước nhìn lên:
- Cháu ăn gì ?
- Như mọi khi bà ạ.
Bữa sáng quen thuộc của Nàng là xôi !

(còn tiếp)

December 06, 2010

Say

Mình, Lana, có vài lần say, chuếnh choáng, thả lỏng hoàn toàn, lại thích thú với cái chuếnh choáng ấy, thoải mái nhả chữ 'tui đang say' qua điện thoại với tên bạn thân khi hắn vô tình gọi trúng lúc.

Say, chỉ khi ngồi với những người ta tin tưởng trọn vẹn. Những người mà với họ ta có thể hoàn toàn vô tư, 'trong veo', không điều gì cần e ngại, và tin kể cả ta say thì hình ảnh về ta vẫn đó không xấu đi trong mắt họ. Hiếm, phải không? vì thế, say không hề dễ, nhưng nếu được say thì thật sung sướng biết bao.

"Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu, ngôn bất đồng tâm bán cú đa"
(Bôi = cái chén, cú = câu) <=> Rượu uống cùng tri kỷ ngàn chén ít. Nói chuyện với người không hợp nửa câu đã muốn dừng.

Bởi thế, nhiều nhiều lần không uống, uống không vô, hoặc uống chút chút - như là mô phạm/ đúng mực/ thanh nhã lịch thiệp/ hình ảnh chỉn chu. Chỉ vài lần say / thèm say.

Tự nhiên sáng đầu tuần lại nhảm chuyện say. Là vì sớm nay lên cơ quan pha liền một ly trà gói Cozy ấm, quên chưa ăn sáng, thế là say lâng lâng ngất ngư... ngày như mơ và đời như thơ. Sớm đầu tuần vậy đẹp, uơ hơ.

QUY TẮC LÀM CHA MẸ (11)

(Nguồn: "NHỮNG QUY TẮC LÀM CHA MẸ" - Richard Templar, NXB Lao Động 2009)

QT 11. CHỈ YÊU THƯƠNG THÔI CHƯA ĐỦ
Bạn đã bao giờ nghe câu nói mang tính công thức "Điều quan trọng nhất mà bạn có thể dành cho con mình là tình yêu thương"? Vâng hiển nhiên tình yêu thương là cần thiết. Tôi cho rằng tất cả chúng ta đều làm điều này. Nhưng nếu đó là tất cả những gì bạn dành cho con mình thì các cháu quả là thiệt thòi.

Các bậc phụ huynh theo phong cách híp-pi cho rằng con trẻ cần được chạy nhảy tự do thoải mái và bạn không nên cấm cản (điều khiển) hay hạn chế các cháu (đặt ra những rào chắn vô hình). Tuy nhiên tôi đã có cơ hội chứng kiến các cháu bé được nuôi dạy theo phong cách híp-pi lớn lên như thế nào. Khi tới tuổi trưởng thành các cháu gặp khó khăn khi bước vào thế giới thực, gây dựng các mối quan hệ với bạn bè và đồng nghiệp.

Vâng đúng là bạn cần dành cho con tình yêu thương. Nhưng bạn cần dành cho con những điều khác nữa: tính kỷ luật, tự giác, các giá trị, khả năng thiết lập các mối quan hệ tốt, phong cách sống lành mạnh, suy nghĩ khoáng đạt, khả năng biết tự lập, hiểu được giá trị đồng tiền, các kỹ năng trở nên quyết đoán, khả năng nghe và học hỏi...

Chẳng ai dám nói đó là việc dễ dàng. Khi có con tức là bạn đã đảm nhận một công việc đầy khó khăn và trọng trách theo đuổi suốt cuộc đời. Thật không nên chút nào khi nghĩ rằng tất cả những gì bạn cần làm chỉ là yêu thương con cái và thế là có thể đánh dấu vào ô "tôi là một phụ huynh tuyệt vời". Để con trẻ làm bất cứ điều gì các cháu muốn không có lợi cho các cháu, bạn cần tham gia cùng các cháu, hay nói cách khác, bạn cần dồn vào đó cả máu, mồ hôi và nước mắt. Thật may là bạn có hẳn 18 năm để hoàn tất mọi việc. (còn tiếp)
(trở lại)

*** Cùng cuốn sách:
- QUY TẮC LÀM CHA MẸ

QUY TẮC LÀM CHA MẸ (2)

(Nguồn: "NHỮNG QUY TẮC LÀM CHA MẸ" - Richard Templar, NXB Lao Động 2009)

QT2. KHÔNG CÓ AI HOÀN HẢO
Bạn đã bao giờ nghĩ mọi thứ sẽ thế nào nếu bạn có một bậc cha mẹ hoàn hảo? Bạn thử hình dung cha mẹ bạn không mắc một lỗi nào trong suốt quá trình nuôi dạy bạn? Hài người luôn làm theo sách vở - và những điều họ làm luôn đúng. Điều đó có tuyệt vời không? Chắc chắn là không.

Bạn cần thấy rằng con trẻ cần có điều gì đó để phản kháng lại khi các cháu lớn lên. Các cháu cần ai đó để trách móc và tôi e rằng đó chính là bạn. Vì vậy hãy cho con trẻ cơ hội trách móc bạn. Ví dụ bạn là người nóng nảy. Bạn thường xuyên tạo quá nhiều áp lực cho con trẻ. Bạn sạch sẽ và gọn gàng quá mức. Bạn hãy cứ sống với những điều không hoàn hảo của mình, không cần gồng mình lên và chắc chắn sẽ có lúc bạn để lộ thiếu sót.

Tất nhiên điều đó không có nghĩa là bạn không cần cố gắng cải thiện các kỹ năng làm cha mẹ của mình. Bởi nếu như vậy thì phần còn lại của cuốn sách này sẽ trở nên vô nghĩa. Điều đó chỉ có nghĩa là bạn không cần phải quá nghiêm khắc với bản thân khi bạn không đạt hết các tiêu chuẩn đề ra.

Các con sẽ có lúc trách móc bạn, đó là lẽ thường tình. Nếu bạn hoàn hảo, các cháu sẽ vẫn có lý do trách móc bạn. Bạn không thể thay đổi điều đó và chỉ có thể hy vọng rằng sau này khi trở thành những ông bố bà mẹ như bạn bây giờ, các cháu sẽ nhận ra các cháu phải biết ơn cha mẹ vì đã không hoàn hảo.

QT5. ĐỪNG CỐ LÀM TẤT CẢ MỌI THỨ
Bạn muốn con bạn trở thành người thế nào khi cháu lớn? Nhà khoa học? Cầu thủ bóng đá? Nghệ sĩ chơi vi-ô-lông? kiến trúc sư? Thật khó nói trước điều gì khi các cháu vẫn còn bé. Do vậy bạn quyết định cho các cháu học bất cứ môn nào mà các cháu thích. Bắng cách đó, sau này các cháu sẽ không thể trách bạn rằng các cháu thất bại là vì bạn đã không cho các cháu học từ sớm.

Tất nhiên điều này sẽ làm cho thời gian biểu của bạn bận rộn hơn. Đi đá bóng vào thứ hai, học đàn vào thứ 3, học ngoại ngữ vào thứ tư, thứ năm học bơi, thứ sáu học ngoại ngữ. Cuối tuần học văn hóa. Đây mới chỉ là lịch của một cháu thôi. Nếu bạn có hai hoặc ba con thì mọi việc mới đau đầu.

Nhưng, hãy khoan nào! Hình như chúng ta đang quên điều gì đó. Thế còn việc chơi vui vẻ ngoài vườn thì sao nhỉ? Thời gian đâu trong tuần để các cháu có thể đọc một cuốn truyện hay là thơ thẩn ngắm mây trời và đầu óc không suy nghĩ gì cả? Bạn biết những đứa trẻ mà cuộc sống chỉ xoay quanh các buổi học chính khóa và ngoại khóa rồi đấy. Giả sử các cháu được đi nghỉ ở một nơi rất đẹp và yên bình - những dãy núi, bờ biển, hay một vùng quê. Các cháu sẽ không có ý niệm gì về việc tự tận hưởng và chẳng thể thư giãn bởi chưa có ai dạy các cháu điều đó.

Nhưng bạn đừng lo, tôi không có ý khuyên bạn nên cấm con tham gia các hoạt động ngoại khóa. Tôi chỉ khuyên bạn nên giới hạn cho các cháu tham gia khoảng 2 hoạt động ngoại khóa mỗi tuần và hãy cho các cháu lựa chọn hai hoạt động đó. Thời gian còn lại để các cháu có thể tự chơi: chơi ghép hình, nghịch bẩn, làm các thứ từ chiếc vỏ hộp cũ, đọc truyện, và làm tất cả những việc trẻ con thường làm.

*** Entry trước:
- QUY TẮC LÀM CHA MẸ

NHỮNG QUY TẮC LÀM CHA MẸ (1)

(Nguồn: "NHỮNG QUY TẮC LÀM CHA MẸ" - Richard Templar, NXB Lao Động 2009)

GIỚI THIỆU
Không có một sự chuẩn bị tuyệt đối chu toàn nào dành cho bạn khi làm cha mẹ. Bạn bắt đầu từ việc băn khoăn làm thế nào để thay tã hoặc tắm cho bé mà không làm bé bị ướt và không bao lâu sau bạn phát hiện ra đó là việc dễ nhất trong những việc bạn cần làm. Và ngay khi bạn nghĩ gia đoạn đầu trong thời thơ ấu của con đã qua thì con bạn lại lớn thêm lên và sau đó là cả một chuỗi sự kiện diễn ra. Chập chững tập đi, đi học, có người yêu, đến tuổi học lái xe - mọi việc chẳng bao giờ dừng lại. Thật may là phần thưởng bù lại cũng rất lớn - niềm vui, những vòng tay âu yếm và sự gần gũi, sự trưởng thành nhanh chóng của con thật đáng để bạn tự hào.

Khi nuôi dạy con, chắc chắn có nhiều khi bạn cảm thấy thất vọng, lo lắng, bối rối và phải tự vấn lương tâm để tìm ra những lời nói và cách làm đúng đắn giúp con trưởng thành, phát triển cân bằng và hạnh phúc.

Những Quy tắc làm cha mẹ không phải là một khám phá mới mẻ, mà chỉ là một lời nhắc nhở. Trong đó có nhiều quy tắc thông dụng nhưng bạn rất dễ bỏ qua khi nuôi dạy bé gái 2 tuổi đang nhõng nhẽo, hoặc đứa con tuổi vị thành niên vốn nghĩ rằng mọi thứ trong thế giới này tồn tại vì riêng mình. Chính vì vậy bạn cần đọc và ghi nhớ mọi nguyên tắc.
100 quy tắc dường như là quá nhiều? không hề nhiều, bởi thời hạn 18 năm là một hợp đồng khá dài đối với một công việc, và sẽ là hơn 18 năm nếu bạn có hơn một con trở lên. Bạn phải cùng con trải qua các thời kỳ bú mớm, tã lót, tập đi, học nói, đến trường, kết bạn, yêu đương, lập gia đình, phạm sai lầm... như vậy, 100 quy tắc không hề nhiều chút nào.

Các quy tắc này nói về những điều các bậc cha mẹ cần làm để giúp con tạo nên giá trị và sự tự nhận thức về bản thân, biết hưởng thụ cuộc sống và làm cho những người xung quanh hạnh phúc, tốt bụng, biết bảo vệ chính kiến, tự tin, trưởng thành và thành đạt. Các quy tắc này có phạm vi rộng, có thể áp dụng cho các gia đình hạt nhân truyền thống và cho cả kiểu gia đình có cha mẹ đơn thân hoặc gia đình có cha, mẹ kế.

QUY TẮC 1: GIẢM BỚT CĂNG THẲNG (trích)
Tất cả các bậc cha mẹ giỏi mà tôi biết đều có một điểm chung, đó là họ biết cách giảm bớt căng thẳng. Rất nhiều các bậc cha mẹ khác thường xuyên lo lắng về một điều gì đó. Tôi biết một đôi vợ chồng nọ có tính sạch sẽ thái quá. Các con họ phải để dép ở ngoài cửa (ngay cả khi giày dép của các cháu sạch sẽ). Họ rất bực mình nếu con để đồ vật sai chỗ hoặc bày bừa đồ chơi. Điều đó làm cho trẻ cảm thấy không thoải mái.

Tôi còn có một người bạn luôn bị sự ganh đua ám ảnh. Các con của anh luôn phải chịu áp lực rất lớn trong mọi cuộc thi mà các cháu tham gia. Cô bạn gái của tôi lại lo lắng quá mức khi con trai của cô bị xước đầu gối. Bạn cũng có thể nghĩ tới nhiều ví dụ tương tự mà bạn biết.

Trong khi đó các bậc cha mẹ thật sự thoải mái lại mong con mình hoạt bát, ồn ào, nhọ nhem và vấy bùn. Họ biết rằng họ có 18 năm để nuôi dạy các cháu trưởng thành và họ thực hiện điều đó từng bước một. Không việc gì phải vội vã ép các cháu cư xử như người lớn. Cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn nếu sau khi kết thúc mỗi ngày, các bạn có thể ngồi vui vẻ nói với nhau: "Các con vẫn đang sống khỏe mạnh, nên chắc là mình đã làm đúng".
(còn tiếp)

*** Entries liên quan:
- NHỮNG QUY TẮC LÀM CHA MẸ
- YÊU CON (1)
- BỐI RỐI

Yêu con (1A)

(tiếp theo phần trước)

86. Dạy con biết thất bại
Không ai muốn thất bại. Với con trẻ thì việc thất bại đôi khi tỉ lệ hơn so với chúng ta nghĩ. Có một thực tế đáng buồn là một số cháu thậm chí còn tự tử vì sợ thi trượt. Trong khi người lớn chúng ta biết rằng việc thi trượt không đến nỗi khủng khiếp lắm thì với con bạn việc đó rất có thể là một sự khủng hoảng.
Nếu bạn nói với cháu rằng việc đó chẳng quan trọng, chẳng làm sao cả, rằng cháu có thể thử lại... là bạn đang gián tiếp nói với cháu rằng các cảm giác của cháu là sai và cháu không nên buồn. Việc coi nhẹ cảm giác của cháu sẽ làm cháu cảm thấy tổn thương và cô đơn nhiều hơn có thể làm cháu nghĩ "ừ nhỉ, mình thật là ngốc nghếch, việc chẳng có gì mà".
Vậy thì bạn nên làm gì? Hãy nói với cháu rằng cháu đã đúng khi có cảm giác mất mát như vậy. Bạn phải cho phép cháu được có cảm giác tồi tệ như cháu đang cảm thấy bằng cách nói với cháu rằng bạn có thể thấy được cháu cảm thấy tồi tệ như thế nào. Bạn hãy tỏ ra cảm thông và thấu hiểu. Bạn biết điều gì có tác dụng rồi đấy: Một cái ôm và những tách trà, một chiếc bánh sô cô la nếu trong nhà có. Có thể là nấu món ăn ưa thích của cháu cho bữa tối để cháu biết rằng bạn quan tâm tới cháu.
Khi bạn đã để cho cháu buồn rầu một thời gian thì rồi với sự quan tâm (kín đáo) của bạn cháu sẽ thoát ra được khỏi nỗi thất vọng của mình và khi đó bạn cần ở bên cháu động viên và chỉ ra những cái được - nhưng chỉ trong chừng mực mà cháu muốn nghe thôi nhé...

77. La mắng không phải là giải pháp
Giả sử con bạn mắc một lỗi gì đó:
- Trốn học
- Chửi thề
- Tự ý đi chơi khuya với bạn khác giới
- Hút thuốc / say rượu
- Quan hệ tình dục khi chưa đến 16 tuổi

Chà, thật quá kinh khủng khi nghĩ tới điều đó. Giả sử còn những hệ quả tệ hại hơn: cháu có thể bị nhiễm bệnh lây qua đường tình dục, hoặc cháu sắp bị đuổi học. Liệu bạn có muốn con bạn tìm đến bạn nhờ giúp đỡ, hay là không?

Tất nhiên là có. Không cần phải hỏi gì cả, bạn muốn giúp con mình. Nhưng bạn có chắc cháu sẽ kể với bạn không? Cháu sẽ quyết định có hay không nên kể với bạn ra sao? Câu trả lời là, cháu sẽ dựa trên những gì đã xảy ra trong quá khứ khi bạn phát hiện ra điều gì đó. Có thể chỉ là những điều nhỏ thôi - lần cháu làm vấy đổ sơn ra khắp phòng ngủ hay lần mà cháu hứa sẽ đi cùng ai đó từ buổi tiệc về nhà nhưng bạn lại phát hiện ra cháu đã vẫy xe dọc đường (hay lần cháu đánh mất chiếc điện thoại đầu tiên, hihi).
Những lần đó bạn đã phản ứng như thế nào? Bạn có hét lên la mắng cháu và nói với cháu rằng cháu đã làm bạn thất vọng và cháu không còn đáng tin cậy không? Hay là bạn bình tĩnh và nghiêm túc trao đổi với cháu và giải thích vì sao bạn lo lắng đến vậy?

Sự thật là việc mắng mỏ và la hét khi cháu mắc lỗi có thể hoàn toàn là chính đáng NHƯNG việc này cũng có tác động ngược tới điều bạn muốn. Nếu bạn muốn cháu tìm tới bạn khi cháu gặp vấn đề gì đó thì cháu cần biết được rằng bạn sẽ nghiêm túc xem xét mọi chuyện mà không la mắng cháu. Có thể bạn không thích điều đó nhưng thực tế là như vậy.
Chắc hẳn bạn cũng cảm thấy giống như vậy hồi bạn mới lớn. Nếu cha mẹ là những người hay la mắng, tôi cá là bạn đã không nói cho họ biết tới một nửa những gì mà các bạn kể cho những người cha mẹ bình tĩnh của họ nghe.
Nếu phản ứng của bạn là bình tĩnh và không xem thường cháu thì cháu có thể sẽ rất cảm động và biết ơn bạn. Điều này thật sự có lợi cho bạn nếu lần tới có điều gì không hay xảy ra.

89. Để con biết cháu là ưu tiên số 1
Bạn biết rằng các con bạn là nhất, và tất nhiên là như vậy. Nhưng các cháu có biết điều đó không? Thường thì việc dành tình yêu thương và sự chú ý cho con dường như đã là bản năng của bạn, nhưng đôi khi việc này có thể rất khó khi đầu óc và tâm trạng của bạn đang bị phân tán. Có những thứ trong cuộc sống có thể lấy hết thời gian của bạn và làm bạn trở nên nóng tính chẳng ai muốn lại gần. Nếu nhà bạn bị xiết, mẹ bạn bị ốm nặng, sếp của bạn sắp sa thải bạn hoặc một trong số các con bạn làm bạn phiền lòng thì tất nhiên bạn không thể vui vẻ như bình thường được, chỉ riêng việc quan tâm đến bản thân bạn cũng đủ mệt rồi. Nhưng việc đặt các con lên hàng đầu cũng có thể là điều tốt nhất bạn có thể làm cho mình - việc này làm bạn bớt tập trung vào mình, ngừng việc tự đắm mình trong suy nghĩ, và là lý do để bạn tiếp tục phấn đấu.

Và trên thực tế, nếu bạn cứ tự giam mình với những than vãn và luôn nghĩ về bản thân thì điều này sẽ thể hiện ra ngoài. Cho dù lý do bạn cảm thấy tồi tệ là gì thì các con bạn sẽ tự hiểu là bạn đặt bạn trước cháu. Nếu bạn muốn các cháu biết rằng các cháu được đặt lên hàng đầu thì bạn cần đảm bảo rằng các cháu luôn có bạn hầu hết mọi lúc kể cả khi việc đó rất khó với bạn. Các cháu có thể kêu ca than vãn lúc này hay lúc khác về bạn nhưng trong lòng các cháu biết rằng các cháu là số một và các cháu sẽ có được sự tự tin khi biết được rằng bạn yêu các cháu nhiều biết bao nhiêu.

Nguồn: Sách "Những quy tắc làm cha mẹ" (The Rules of Parenting), Richard Templar 2008, Hoàng Anh dịch, NXB Lao động - Xã hội, 2009.

December 03, 2010

Mênh mang 'Bài thánh ca buồn'

Ừa, hôm nay tự nhiên chợt nhớ lại sắp một mùa Noel. Sắp Tết. Tự nhiên mênh mang buồn.
Tự nhiên nhớ đến bài hát này, biết nghe là mênh mang thêm, mà không sao cưỡng lại.

Lời nguyện mình Chúa có nghe không/ Sao bây giờ mình hoài xa vắng...
Cảm ơn mối tình câm thánh thiện của cậu bé 14 tuổi để Nguyễn Vũ viết nên bài ca quá đẹp (link).
Khẽ hát theo câu đêm thánh vô cùng/ Ôi giọng hát em mênh mông buồn...




BÀI THÁNH CA BUỒN
Nguyễn Vũ (1972)

Bài thánh ca đó còn nhớ không em
Noel năm nào chúng mình có nhau
Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt
Áo trắng em bay như cánh thiên thần
Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân

Cùng nhau quỳ dưới tượng Chúa cao sang
Xin cho đôi mình suốt đời có nhau
Vang trong đêm lạnh bài ca Thiên Chúa
Khẽ hát theo câu đêm thánh vô cùng
Ôi giọng hát em mênh mông buồn...

ĐK:
Rồi mùa giá buốt cũng qua mau
Lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu
Rồi một chiều áo trắng phai màu
Em qua cầu xác pháo bay sau

Lời nguyện mình Chúa có nghe không
Sao bây giờ mình hoài xa vắng
Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian
Bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu

Rồi những đêm thánh đường đón Noel
Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu
Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối
Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn
Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi ...

*** Link để đọc:
- Bài thánh ca buồn - Dư âm một cuộc tình (vnexpress)

December 01, 2010

Vãn chuyện với người già

1. Sáng Thứ 7 trước cho HS thi chỉ 9h30 sáng là xong nên còn thời gian rỗi. Tiện đang ở Gia Lâm chợt muốn ghé nhà một chị đồng nghiệp cũ mà từ khi chuyển qua Hà Nội ít ghé được. Thèm ngồi vãn chuyện với ông (sinh ra chị). Ông khoảng 75 - 76 tuổi, xưa dạy học, rất minh mẫn và nho nhã. Ông dạy toán nhưng đọc rất nhiều sách tiếng hán, tiếng Pháp và sách nho. Có những bữa nói chuyện với ông ngồi nguyên buổi, chẳng bao giờ chán. Tới, có mình ông ở nhà. Chị vừa đi khỏi, gọi điện, chị kêu 'trời sao không hẹn trước?', - 'không sao, thật ra em cũng thích vào thăm ông thôi mà'. 
Ngồi chuyện, chuyện văn, chuyện đời, nhẹ nhàng, sâu sắc. Kèo ông đọc lại cho con câu tiếng Pháp xưa ông dạy con đi, về les petit và grant esprits (người nhỏ nhặt/ cao thượng) ấy. Ông đọc, vừa đọc vừa giải nghĩa mỗi từ. Mắt ông mờ nhìn không còn rõ, mình thì tiếng Pháp vỡ lòng xếp cuối sổ, lại bỏ lâu rồi, ráng chép lại chắc sai nhiều lỗi. Thích câu này lắm nên ghi ra đây có ai thương nhờ sửa giúp cho với, xin cảm ơn trước nhiều:
"Les petit esprit sont trop blesser des petite chose. Les grand esprit voient le toute et non sont voient blesser".
Lập bập tạm dịch 'Những người nhỏ nhặt hay bị mất lòng vì những điều nhỏ nhặt. Người rộng lượng (có tầm) không phải không nhìn thấy những điều ấy, nhưng không bị mất lòng'. Ông bảo: Chị dịch như thế đúng ý rồi, nhưng để tôi dịch cho như thế này mới ra văn: 'Những kẻ có đầu óc biển tiểu hay mếch lòng bởi những điều nhỏ mọn. Những người có trí lớn vẫn trông rõ những điều nhỏ mọn ấy nhưng không bao giờ mếch lòng'

2. Lại nhớ tháng trước cả nhà về quê đợt bác ốm, anh Quý và Út từ SG cũng ra. Đi cùng mẹ và anh Quý vào nhà trong làng thăm bà ngoại. Bà là người anh Quý, mình, cùng với 15 đứa cháu nội ngoại khác của bà (và có lẽ là cả làng mình) đều vô cùng yêu quý và, nếu có thể nói, kính phục. Không phải về tiền, của cải hay vị trí vì bà chỉ là một bà cụ sống bình dị ở quê, mà đơn giản là ở cách sống, cư xử với con cháu, bà con lối xóm, và với cuộc đời. 
Hai anh em đến khi bà ở nhà một mình. Hai vợ chồng Mạnh (cháu nội của bà, con cậu) đi làm. Bà nhỏ xíu ngồi co trên chiếc phản gỗ mun đen với một đĩa nhỏ cá rô ron chiên giòn, ngồi nhai. Bấm anh Quý chọc bà: "Ôi giời, thiếu cút rượu nữa là thành bợm nhậu". Bà với ngay xuống phía dưới nhấc lên bình rượu nếp cẩm: "Đây, bà có đủ chẳng thiếu thứ gì. Lần nào các cậu các mợ, ba mẹ cháu, rồi đến tất cả các cháu đứa nào về cũng cho bà (tiền), bà tiêu có hết đâu. Bà không ăn được nhiều, còn dư bà lại cất vào đó để sau này bà có gì, các cháu ở xa công việc không về được thì các cháu vẫn có phần." (tạm dịch ý bà là khi bà 'trăm tuổi' tiền đó góp lo công việc cho bà, ai không về được cũng đừng phải áy náy). Nhìn qua anh Quý, nói nhỏ: "Đấy anh, 91 tuổi mà đầu óc vẫn còn như thế, trong câu chuyện vãn, nếu lắng nghe thì cứ 5 câu thế nào cũng ẩn 2 'thông điệp' gì đó để mình có thể học." 
Bấm điện thoại cho Hải, Hiệp, Quỳnh... những đứa cháu nội ngoại của Bà để bà nói chuyện. Rổn rảng, dặn dò, cả khóc. Bà quay qua 2 anh em: "Bây giờ bà thấy bà quá sướng cháu ạ. Ngày xưa bà mất hết của (cải cách, 1956) tay trắng, cùng lúc ông các cháu mất, khổ trăm chiều, nhưng nhìn lại bà thấy ba cái nhà của bà ngày đó không bằng một đứa cháu của bà bây giờ. Bà không tiếc. Bà cũng không trách móc ai cả các cháu ạ. Nhìn các con các cháu thế này là bà rất sung sướng." Hai anh em lại nhìn nhau. Yêu Bà cực kỳ. 'Hãy luôn nhìn về phía sáng'. 
Nhẩn nha xong bà quay qua cầm tay đứa cháu gái cả mà bà thương nhất, rồi nói vì sao rất thương. Sắp nước mắt rồi, phía sáng, cứng cỏi: "Bà, có nhiều việc lắm kia mà, chỉ hỏng có một việc thôi"... 
*** Entry liên quan: - BA MẸ