December 12, 2010

Một Ngày Thường (5)

* MỘT NGÀY THƯỜNG (4)
(Tiếp) Bàn học trong lớp của nàng được làm bằng gỗ dán phẳng lỳ, nhìn những vân gỗ như mây trông thật thích mắt. Nhưng trên mặt bàn bóng loáng kia đầy những hình vẽ loằng ngoằng, nào là hình đầu lâu xương chéo, nào là trái tim đang rỉ máu với một mũi tên xuyên qua hoặc những dòng chữ nguệch ngoạc "Hận nước thù đời...", "quyết không yêu cho chúng nó ế chồng".v.v và v.v Nàng mỉm cười, học trò thời nào cũng vậy, hồn nhiên và tinh nghịch.

Mọi người lục tục vào chỗ, nàng cũng ngồi xuống. Một lát sau giáo viên tới. Theo phản xạ có điều kiện có được từ thuở học phổ thông, tôn sư trọng đạo, nàng định đứng dậy chào nhưng may mà kìm lại được. Đối với giáo viên nước ngoài việc bạn đứng lên hay ngồi xuống không quan trọng. Tôi làm việc tôi còn ông làm việc ông, không việc gì phải câu nệ, rườm rà; mà đứng lên ngồi xuống nhiều chỉ tổ mất thời gian, bàn ghế lại chóng hỏng. Lối nghĩ của Tây đơn giản và thực dụng đến kinh ngạc!

Bà giáo khoảng chừng ngoài 50, mới nhìn đã biết là một người gốc Anh di cư chính hiệu. Mắt xanh, mũi lõ, dĩ nhiên, Tây nào chả thế. Nhưng bà có một nét đặc biệt khó tả, đó là cái nhìn diệu vợi, xa xăm. Bà nhìn mọi người như nhìn vào khoảng trống, cảm giác như trước mắt bà là một hoang mạc mênh mông. Bà dừng lại, quay xuống và gật đầu. Bà chào đấy, một cái chào ngắn gọn nhưng không kém phần trọng thị.
Bà là một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về con người và thiên nhiên cùng với những nền văn hoá của các dân tộc trên thế giới. Bài giảng của bà làm nàng thích thú.

Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nề nếp, nàng đã được mẹ nàng, một người đàn bà phúc hậu nhưng nghiêm khắc, giáo dục Nàng những đúc tính truyền thống quý báu của người phụ nữ phương Đông. Nàng đã tiếp thu những bài giáo huấn của bà khá xuất sắc, nhưng Nàng lại không thể chịu được những lễ giáo rườm rà, phong kiến, đặc sản của nền văn minh lúa nước. Tại sao con cái không có quyền tranh luận (các cụ gọi là cãi nhau) với bố mẹ, với người cao tuổi trong khi họ sai lè lè ra đó. Tại sao việc học hành phải ưu tiên cho con trai, còn đàn bà con gái thì chỉ cần nữ công gia chánh, bếp núc nội trợ... Tại sao, tại sao... Nói chung là có rất nhiều cái tại sao mà nàng muốn tranh luận với mẹ nàng, thậm chí cả với mẹ của mẹ nàng, tức là bà Nàng. Nhiều lúc thấy tính 'ngang ngạnh' của nàng, bà của Nàng nắm lấy tay nàng, mắt bà mờ đục, miệng móm mém:
- Con gái phải biết thân phận mình cháu ạ, "Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô" mà cháu...

Còn mẹ nàng, dí ngón tay vào cái trán bướng bỉnh của Nàng mà rằng: "cái ngữ cô sau này chẳng ai người ta dám rước...". Nàng hứ một tiếng : "Chỉ sợ lúc ấy mẹ lại tiếc", rồi nàng dúi đầu vào bà và cười. Còn bố nàng, một nhà sư phạm lão thành nhưng theo phái cách tân, từ đầu vẫn im lặng bỗng phá lên cười: "Được, được lắm, con thế mà khá...". Mẹ nàng lườm : "Bố con nhà ông thì chỉ được cái bênh nhau chằm chặp..."

Đến với lớp học đối với nàng là đến với một thế giới khác. Bài giảng của bà giáo gốc Anh này đã cho nàng bay bổng, bên dưới nàng là mênh mông đất nước Autralia đầy nắng. Con người của xứ sở Kangaroo dũng mãnh và lịch thiệp, còn nền văn hoá của họ là một nền văn hoá đa bản sắc. Trong các bài giảng của bà, ta có thể chiêm ngưỡng lễ hội thần bí của thổ dân da đỏ, bập bùng bên bếp lửa rừng sâu. Những tiếng rú khiến ta cứ ngỡ đang ở chốn hồng hoang lịch sử. Nhưng tạm biệt thế giới hoang sơ trong bạt ngàn của những rừng mưa, ta sẽ bắt gặp ngay những xa lộ siêu tốc và những con người hiện đại của xã hội văn minh... Ấn tượng nhất đối với nàng là văn hoá ứng xử, là mối quan hệ giữa người và người của cái xã hội mà ta vẫn mạt sát là "đêm trước của chủ nghĩa Cộng sản" - rất sòng phẳng nhưng cũng đầy nhân bản. Bạn làm gì tôi không quan tâm, mà theo cách nói của họ là không bao giờ chõ mũi vào nhà hàng xóm. Việc làm của bạn cũng như của tôi đã có pháp luật kiểm soát. Tất nhiên xã hội nào chả có pháp luật, kể cả xã hội thời mông muội. Nhưng trong xã hội của ta, những kẻ phạm trọng tội đều ít nhiều có mối quan hệ với quyền lực.

Trong thế giới tự do này con người có thể phát huy tối đa khả năng vốn có của mình. Nếu có khả năng bạn sẽ vượt trên người khác. Nhưng để được coi là có khả năng bạn phải cố gắng, phải đua tranh quyết liệt. Tuy khắc nghiệt nhưng đó là một cuộc cạnh tranh đàng hoàng, lành mạnh. Trong khi đó ở cái đất nước 4000 năm văn hiến này ư, bạn muốn trèo cao hơn mọi người?, dễ thôi, đơn giản nhất là bạn kéo người đang trèo cao hơn bạn rơi xuống đất mà bạn chẳng phải cần trèo leo gì cả !

Bà lại giảng về lĩnh vực tình yêu. Mấy cô gái mặt đỏ dừ . Khiếp, ai lại nói về tình yêu theo khía cạnh giải phẫu học ra như vậy, ngượng chết. Còn mấy ông mãnh ngồi trong góc lại chụm đầu rì rầm, thỉnh thoảng lại bụm miệng cười khùng khục. Không để ý những gì đang diễn ra, bà vẫn tiếp tục những quan điểm của mình, không nên coi tình yêu là một cái gì bí ẩn siêu phàm như các nhà triết học phương Đông. Ngược lại cũng không nên coi tình yêu là một cái gì quá cụ thể và trần tục như các nhà triết học phương tây. Theo bà tình yêu phải bao hàm cả hai. Trong tình yêu đích thực cả hai phần phải cân bằng. Tất nhiên có thể có vấn đề cần tiếp tục xem xét nhưng nàng cảm thấy tâm đắc. Dù sao bà cũng là một nhà tâm lý học chân chính.

Nàng nhớ đã có lần nàng nghe mẹ nàng dặn dò đứa em gái dưới nàng:
- Đàn ông không phải ai cũng tử tế, dù sau này hai đứa có yêu nhau thực lòng đi chăng nữa thì cũng phải giữ ý giữ tứ, nếu cứ hớ hênh thì ... dễ xảy ra chuyện này chuyện nọ, khôn ba năm dại một giờ đấy con ạ.
Nàng chêm vào:
- Mẹ chẳng phải dặn bọn con đâu.
Bà lừ mắt:
- Thôi đi, tôi dặn các cô chẳng bao giờ thừa.
Nàng cười hinh hích, khoe cả cái răng khểnh ra. Rồi hai chị em nàng cùng cười. Nhà nàng vẫn vậy, luôn đầy ắp tiếng cười.

Nói vậy thôi, nàng là một người có cá tính mạnh, rất cởi mở nhưng không dễ dãi một chút nào. Nàng quan niệm, đã yêu nhau thực sự thì tại sao lại cứ phải sợ. Tình yêu là động lực để con người ta sống, để lớn lên và được chở che. Tình yêu đẹp là nơi an toàn nhất và ta phải sẵn sàng hi sinh, cống hiến vì tình yêu đó. Còn đã ghét ư, stop, đừng có mà vớ vẩn, quên đi nhá !

Trước khi bài học kết thúc, bà hỏi ai có ý kiến gì không. Một cô bé nhanh nhảu hỏi bà những câu hỏi chẳng ăn nhập gì với bài học cả, đại khái về những mối tình đã từng đi qua trong cuộc đời bà. Bà vui vẻ kể về mối tình đầu của bà , rồi mối tình thứ hai, thứ ba... hoá ra bà Tây này cũng yêu đáo để. Một người khác hỏi bà về tình yêu đích thực của bà trong mớ hổ lốn nhang nhác tình yêu kia. Tự nhiên mắt bà trở nên xa thẳm, vẻ mặt buồn buồn, giọng bà trở nên não nề:
- I have none.

Cả lớp nhìn nhau im lặng. Đến bây giờ bà giáo vẫn chưa chồng!

Buổi học kết thúc , mọi người lục tục ra về. Nàng bước ra cửa, ngoài sân nắng chiều vàng rộm hắt những bóng cây nghiêng nghiêng trước thềm nhà. Các con nàng giờ này chắc đã tan trường và đang mong ngóng mẹ về. Nghĩ vậy bước chân nàng trở nên nhẹ nhàng và thoăn thoắt mặc dù Nàng biết ánh mắt gã si tình đang nhìn trộm nàng từ phía sau. Kệ, ai mà lại để ý đến thứ dở người đó...

16 comments:

  1. Tội bà giáo ha chị. Tình yêu đúng là rất dễ với người này nhưng lại rất khó với người khác. TÌnh yêu chẳng có lý do và chẳng có khuôn mẫu. Chỉ có thể nói rằng đó là may mắn của mỗi số phận :-)

    ReplyDelete
  2. Phụ nữ thường cười vào mũi kẻ si tình, thâm chí cợt giễu họ, nhưng hình như phụ nữ cũng rất thích được người ta theo đuổi, bày tỏ tình cảm, thậm chí bám dai như gì ấy. Đúng không em?

    ReplyDelete
  3. @Titi: Ừ t/y đến dễ với người này và khó với người khác. Nhưng chuyện bà giáo độc thân thì chị không biết có phải tội nghiệp không. Đôi khi đó là sự lựa chọn của họ thì sống được như mình lựa chọn cũng là HP rồi.

    ReplyDelete
  4. @Thụy: Vâng, đỏng đảnh lắm cơ anh ạ :)

    ReplyDelete
  5. Bên này em thấy có nhiều người họ ưa sống độc thân, sometime make a date thôi chứ ko cưới, và họ thấy thoải mái như thế, có thể họ cũng chờ đợi một tình yêu đích thực như bà giáo trong truyện.

    ReplyDelete
  6. để ý ra phết mà cứ chối hihi

    ReplyDelete
  7. Ủa, nếu chị ko nhìn "gã si tình" thì làm sao bít được "gã" cũng đang nhìn chị nhỉ? hihi. Phụ nữ càng đỏng đảnh thì càng thú vị chị ạ!

    ReplyDelete
  8. Theo em biết thì phụ nữ nào cũng có 1 mối tình mà ít nhất đối với họ là mối tình sâu đậm nhất, em không nói cá biệt quốc gia, dân tộc hay vùng miền nào cả, em nói chung phụ nữ trên toàn thế giới, đúng vậy không chị?

    ReplyDelete
  9. Không, em không nói đến hôn nhân. Lựa chọn sống 1 mình không có nghĩa là từ chối tình yêu, không muốn có tình yêu. Em tội nghiệp bà giaó bởi có lẽ ánh mắt mông lung của bà chính vì không thể tìm thấy tình yêu trong đời . Hic...

    ReplyDelete
  10. @HY: Ừ, quan niệm về hôn nhân 'bên đó' và ở phương đông có khác một chút. Ở mình thì con trai con gái lớn lên là PHẢI lấy vợ lấy chồng. (hình như đạo Khổng ấy nhỉ, rằng không có con nối dõi là bất hiếu).

    ReplyDelete
  11. @H.Nga: Trong chuyện si tình thì 'không nhìn sao biết người ta nhìn' không áp dụng được bé ui. Phụ nữ được ban cho sự tinh tế, cảm nhận sự 'theo đuổi', như là bản năng vậy.

    ReplyDelete
  12. @Phụng: Theo chị thì không hẳn. Một số người có thể có 'những mối tình' nhưng không có cái nào sâu đậm. (không biết đúng không, hic hic)

    ReplyDelete
  13. @Titi: Hiểu ý Titi rồi. Không có một mối tình để 'yêu hết lòng' kể cũng như cuộc đời còn trống một khoảng đẹp huyền diệu.

    ReplyDelete
  14. Tình yêu đẹp là nơi an toàn nhất và ta phải sẵn sàng hi sinh, cống hiến vì tình yêu đó.

    Cám ơn Lana về cái nhìn cho tình yêu này. Chỉ tin như vậy là đủ rồi phải không? Chúc vui đầu tuần.

    ReplyDelete
  15. @DT: hị hị câu này là của 'nàng', xa hơn là của người viết DT ui, Lana nhận vô e thành Lý Thông :)

    Nhưng thành thật mà nói, Lana hoàn toàn ưng cái nhìn như vậy về TY.

    ReplyDelete

Nào mình cùng chia sẻ cảm nhận...