March 31, 2010

Câu chuyện của bác tài xế

Bữa hôm rồi về Thái Nguyên, đi xe chất lượng cao (chuẩn VN). Bác lái xe chừng gần 60 tuổi hay chuyện, bác cứ oang oang nói chuyện suốt dọc đường khiến cả xe bữa đó ai cũng tỉnh như sáo, chả ai gà gật giống mọi khi. Hết thao thao chuyện thời sự xã hội đường xá, bác chuyển qua chuyện vì sao bác nghỉ nhà giáo sang làm lái xe cho hãng tư nhân.
(hình: nguoihanoi.com.vn)

Giọng sang sảng, nhấn trọng âm như nhà hùng biện chính hiệu, bác bảo: "Tôi nghiệm ra thế này, 10 bà đàn bà làm ra nhiều tiền hơn đàn ông thì 9 bà lên giọng chê chồng, 1 bà không chê thì mắc cái gông vào cổ ông chồng, trỏ tay sai vặt 'anh làm cho em cái này, anh làm cho em cái kia'. Vì thế, tôi khẳng định làm thằng đàn ông là phải kiếm ra tiền. Phải đứng mũi chịu sào cho vợ con sung sướng. Phải như các cụ nói ngày xưa 'đít anh đen cho má em hồng' là đúng đấy các bác ạ." (xin lỗi cả nhà vì cái từ trên kia nhé, mà các cụ có nói thế không nhỉ? lần đầu nghe thấy :).

Bác tiếp: "Đàn ông, phải làm cây tùng, cây bách, để cho vợ con làm con khỉ, con sóc, con chim leo trèo, nhảy nhót, ca hót líu lo. Chim ăn rồi chim 'tương' xuống dưới này, mà càng tương xuống dưới này nhiều thì cây càng tươi tốt (đến đây bác cười khục khục, kết luận). Mà cây càng tươi tốt thì càng nhiều chim kéo đến."

Kể xong bác cười ha ha.

Bà con cười hihi.

Mình cũng bật cười.

p.s. Đến khi cái bản miệng vừa khép lại, thấy đắng đắng. Cái fact "10 bà đàn bà". Bỏ qua tỉ lệ 100%, bỏ qua việc mổ xẻ nguyên nhân như nền tảng cá nhân, nề nếp, giáo dục, thái độ với đồng tiền..., nghĩ theo hướng này: những khi như thế thì tình yêu đi vắng ở đâu rồi nhỉ? chọn c/s sống chung như thế, buồn nhỉ.

March 29, 2010

Bình yên và bất ổn

Chiều thứ 7, đến lớn học thêm của Mei đón Mei về sớm, rồi 3 mẹ con tức tốc bắt xe ra bến Mỹ Đình. lại nhảy lên một cái xe ca về Thái Nguyên. May là xe vẫn còn chỗ (tuy 3 người không được ngồi cạnh nhau). Về đến nhà đã 6 rưỡi tối.

Can cái tội làm theo cảm hứng bất chợt. Kỳ này Dim Mei học cả sáng và chiều thứ 7 còn nghỉ mỗi CN. Đã ngần ngại không đi. Dưng mà từ Tết đến giờ chưa về, mà từ nay đến hè thì thứ 7 nào chẳng chẳng giống nhau chứ, không lẽ ngại đến hè luôn? Bữa nay ở nhà một mình, đi chợ, cà phê, đọc... bỗng nhớ "đời này mình còn được gặp bố mẹ bao nhiêu lần (link)". Thế là thu xếp 3 bộ quần áo cho 3 người vào cái túi CONTRY ROAD yêu quý. Lên đường.

Lên xe yên chỗ rồi mới gọi về. Nghe máy bên kia câu hỏi lần-nào-cũng-thế kèm theo giọng cười quen lần-nào-cũng-thế "L.O đấy à, gọi từ đâu thế?" - "con và Dim Mei vừa lên xe về TN. 2 tiếng nữa đến nhà Ba nhé". 3 mẹ con đi bộ từ điểm xuống xe cách nhà chừng hai trăm mét. Con đường nhỏ, mờ mờ ánh sáng cuối chiều tháng 3 hắt qua tán cây bạch đàn se sẽ gió, trời quang, không khí trong trẻo, cái hứng khởi len lỏi vào lồng ngực. Bảo Dim Mei: đi bộ về nhà Thái Nguyên thế này thích nhỉ?

Gọi về trước 2 tiếng đủ để mẹ thông báo vợ chồng H.O và 2 nhóc cháu góp mặt, lại kịp có một mâm cơm có nem, đậu chiên, canh rau xanh. Ăn xong trẻ con có hội, rôm rả rộn ràng bày trò chơi trên gác. Người lớn tụ tập quanh ấm trà hàn huyên, câu chuyện ba-mẹ-con gái-con gái bao giờ cũng lan man đủ chuyện này chuyện khác, thảnh thơi, thi thoảng cảm thán, thi thoảng hài hước.

Chuyện trò, chuyện trò... quên béng cả vụ 'tắt điện hưởng ứng giờ trái đất', hì hì. Mình và H.O thì thôi, lâu lâu không làm công dân gương mẫu 1 tí tẹo không sao. Nhưng Ba trọng trách nhiều lắm kia: vừa 'quan chức tổ hưu' vừa có chân trong 'Hội cựu giáo chức' hic hic. Cả nhà dứt chuyện, sực nhớ, nhìn, đã 9 rưỡi tối, bảo: ôi giời ông quan này quan liêu quá. Có con gái cưng về quên hết cả việc công :)

Sáng chủ nhật ăn sáng xong lục tục cả ông bà, mình và lũ trẻ ra nhà H.O. Nhà H.O sửa mới trong Tết. Ban đầu định sửa nhỏ, sau cứ lan dần thành sửa to. Từ một cái nhà kiểu 3 gian mái bằng xây từ năm 1974 thành một cái nhà 2 tầng khang trang với một khuôn viên đất rộng ngay thành phố trung du. Đẹp, và thoáng, và rất thích. Nàng có vẻ vui ghê lắm, cười tít.

Chuẩn bị đồ, nấu nướng, làm lẩu. Tíu tít. Nhân dịp tụ tập đầu năm. Nhân dịp nhà mới D. - H.O, nhân dịp khai trương cái nồi lẩu bác L.O mang về cho ông bà => Các loại 'nhân dịp' làm gì không tíu tít!

Lũ trẻ con lại được dịp tụ tập. Vui như ngày hè.

Lãng đãng giấc mơ tối qua - mơ cùng cả lớp phổ thông đi cắm trại, vùng đất rộng mênh mông, có hồ, trại có những cái cọc làm khung và lợp mái rơm. Giấc mơ trở về tuổi thơ ? Bỗng muốn ngồi với mấy đứa bạn phổ thông cười nói ôn kỷ niệm, nhưng lịch với ba mẹ và H.O. kín mít rồi. Là priority - thứ tự ưu tiên. Lần khác vậy.

2h chiều từ nhà H.O ra luôn bến xe về HN. Đến gần ngã ba Phạm Văn Đồng - Hoàng Quốc Việt, từ trên xe nhìn thấy bên làn đường bên kia dấu vết của một vụ tai nạn, máu bê bết giữa đường, và vô vàn những tờ tiền lẻ 500đ, 1000đ vương tung tóe, dày dít chỗ vết máu rồi tản ra đến xa cả chục mét, chắc phải hàng trăm tờ. Mình thật sự không hiểu vì sao lại nhiều tiền lẻ trên đường thế - do tai nạn làm bung tiền hay người ta thả tiền vì có người chết. Tự nhiên có cảm giác bất an.

Sáng nay trên đường đi làm chợt giật mình né đường vì tiếng còi hụ. Một đoàn xe với 3 xe bít bùng - loại xe trở tù nhân với xe dẫn đường, xe hộ tống chạy về phía ngã ba Bắc Nam, nơi quá chút nữa là Tòa án nhân dân Thành phố. Mấy người trên xe bus bảo nhau hoành tráng thế này chắc phải là các VIP. Chợt nhớ có đọc tin hôm nay xét xử vụ án tham ô tiền tỉ của các quan chức PMU18 trong 1 dự án của PMU là xây dựng cầu bãi Cháy ('đụng' đến các dự án chắc con số có khác) và vụ rút ruột công trình tượng đài Điện Biên Phủ. Ý nghĩa lịch sử của một công trình đặt ở một địa điểm lịch sử như thế cũng chả là gì trước lòng tham + thiếu hụt ý thức. Bó tay.

Oài... ra khỏi bình yên, bước 1 bước là gặp bất ổn. Lạc quan và biết chấp nhận c/s chẳng phải là đức tính đáng tôn vinh của người Việt mình sao?
(hình: sưu tầm từ google search)

March 27, 2010

Ly nước đầy một nửa...

Có hai từ trong tiếng Anh mà mình rất thích, và học từ đó rất nhiều: Priority/ies và Attitude.

Priority (thứ tự ưu tiên): Có những lúc ta tạm dừng một chút, lắng lại, hình dung thứ tự ưu tiên (priorities) cho những điều ta quan tâm (gia đình, công việc, thăm cha mẹ, học hành, tri kỷ, những người bạn quý, sửa nhà đổi xe, chăm sóc sức khỏe, du lịch, giải trí, nhóm hội hè, chia sẻ cộng đồng..v..v..). Mỗi người có thứ tự ưu tiên riêng, không hẳn giống những người khác. Từng người, mỗi thời điểm lại cũng có thể cần thay đổi thứ tự ưu tiên đôi chút, miễn là biết rõ việc gì mình cần ưu tiên và việc gì có thể bỏ qua.
Mình học theo. Việc nhắc cho mình thứ tự ưu tiên này giúp mình giản hóa những gì có thể đơn giản, bỏ qua những khó chịu không cần thiết, tập trung cho những gì mình thấy vui và có ý nghĩa.

Attitude in life (thái độ sống): Một nửa ly nước, bạn sẽ nhìn thế nào? thấy vơi một nửa (half empty) để rên rỉ than vãn tự thương bản thân, hay thấy đầy một nửa (half full) để lạc quan phấn đấu? Trong một bài báo (ở đây) mình đọc được câu này: "The attitudes that you choose to carry in life have a major impact on such important consequences as how happy you are, or whether realize your goals." (tạm dịch: Thái độ sống mà bạn chọn có ảnh hưởng rất lớn đến mức độ hạnh phúc của bạn, hoặc đến việc bạn có nhận ra mục tiêu của mình hay không?).
Lạc quan, dành nhiều hơn yêu thương, thời gian và sự quan tâm cho những người mình quý/ những việc mà mình ưu tiên, bỏ qua những điều không cần thiết, đừng bận tâm tới những gì mình không cho là gần mình, nhìn cuộc sống với vẻ sinh động vốn có của nó và cảm nhận những điều tốt đẹp. Yêu cuộc sống và chia sẻ tình yêu ấy - là attitude mình thường tự nhắc mỗi khi cần điều chỉnh suy nghĩ trước một việc gì.

Hôm nay thứ 7, rảnh rỗi, enjoy cà phê và đọc. Lại lần giở đến cái này được người bạn nào đó gửi cho qua email, ngẫm và thấy thật đúng. Nghĩ là nên chia sẻ.

Giả sử 26 chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Anh được gán với các chữ số từ 1 đến 26,
If A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z
is equal to: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26

Khi đó,
Làm việc miệt mài/ Hard Work:
H+A+R+D+W+O+R+K
8+1+18+4+23+15+18+11 = 98%

Kiến thức/ Knowledge:
K+N+O+W+L+E+D+G+E
11+14+15+23+12+5+4+7+5 = 96%

Tình yêu/ Love:
L+O+V+E
12+15+22+5 = 54%

May mắn/ Luck:
L+U+C+K
12+21+3+11 = 47%
(don't most of us think this is the most important ???/ phải chăng phần lớn trong số chúng ta đều nghĩ đây là yếu tố quan trọng nhất???)

Vậy điều gì là 100%?
Phải chăng là tiền bạc/ Is it Money?... NO ! ! !
M+O+N+E+Y
13+15+14+5+25 = 72%

Chức vị/ Leadership? ... NO ! ! !
L+E+A+D+E+R+S+H+I+P
12+5+1+4+5+18+19+9+16 = 89%

Here we are: Thái độ/ Attitude
ATTITUDE
A+T+T+I+T+U+D+E 1+20+20+9+20+21+4+5 = 100%

Every problem has a solution, only if we perhaps change our attitude.
It is OUR ATTITUDE towards Life and Work that makes OUR Life 100% ! ! !
Change Your Attitude... And You Change Your Life ! ! !
= Vấn đề nào cũng có thể tìm ra giải pháp nếu như chúng ta thay đổi cách suy nghĩ (thái độ). Thái độ đối với cuộc sống và công việc sẽ quyết định cuộc sống của chúng ta. Hãy thay đổi Attitude để thay đổi cuộc sống của chính mình.

Cuối tuần rảnh rỗi thử dành 5 phút bên ly cà phê với 'Priorities' và 'Attitude'. Chúc cà nhà một cuối tuần thật vui, và một tâm trạng tốt cho cả tuần tới.
(Hình mình họa: Half full or half empty?, sưu tầm)

March 23, 2010

Khi thần tượng ra đi

Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi thần tượng của bạn ra đi? Trái tim bạn sẽ đau lặng khi một người mà bạn vô cùng yêu quý, ngưỡng mộ rời bỏ thế giới này.

Valentina Tolcunova (Валентина Толкунова) là ca sĩ nhân dân người Nga, biểu tượng về tâm hồn Nga, biểu tượng của sự dịu dàng, nữ tính, đôn hậu cùng với một nhân cách đáng trân trọng. Bà ra đi tối hôm qua, 22/03/2010, lúc 19h50 giờ Moscow (mat-xcơ-va), ở tuổi 64.

Bà là người tôi yêu quý vô cùng. Hình ảnh, bài báo, các cuộc phỏng vấn, clip của Bà, chương trình bà biểu diễn, các sự kiện..., nhiều khi chỉ là cái tên Валентина Толкунова ở đâu đó sẽ luôn là nơi mắt tôi dừng lại đầu tiên khi bắt gặp.

Giọng hát mang đậm nét tâm hồn của bà đã từng làm rung động bao nhiêu triệu người Nga những năm 1980s, 1990s... và cho đến mãi sau này. Nhưng bà có một cuộc sống vừa đủ, khiêm tốn. Bà không chạy theo thời cuộc. Bà giữ cho giọng hát của mình sự trong trẻo ấm áp của một tâm hồn không có bóng mờ của tiền bạc và danh vọng.

Còn nhớ bài hát Nga đầu tiên mà tôi nghe, nghe lại, nghe lại nữa, học theo đến thuộc là bài hát "Em không thể khác" (Я не могу иначе, 1982) của Valentina. Trước khi hát bà đã nói lời dẫn mà vì đó tôi thêm yêu bài hát vô cùng "bài hát này để tặng những người phụ nữ - những người mà bàn tay và khối óc của họ sinh ra để giữ gìn hơi ấm..."

Sau mẹ Teresa, đêm qua thêm một con người mà tôi ngưỡng mộ lại ra đi mãi mãi...

Nghiêng mình tưởng nhớ, Valentina. Ở xa xôi này có một trái tim đang nhỏ lệ. Mong bà mãi yên nghỉ...

(Tin và hình từ http://www.rian.ru)







March 20, 2010

Khoe chút :)

Sáng thứ 7 nghỉ ngơi. Coi lại hình ngắm nghía một mình. Có cái hình này, chụp cách đây 2 năm, khi còn đang thu xếp để ổn định lại cuộc sống của 3 mẹ con ở HN sau hơn hai năm tha phương đi học. Chiếc váy đầm lụa chị dâu tặng nhiều năm trước, mình thích lắm nên cũ rồi vẫn không muốn bỏ. chiếc vòng cổ lí lắc mỏng mảnh là Mei 8 tuổi tự lẩn nhẩn làm bằng tay để dành tặng mẹ. Bức tường cũ là căn hộ ở Hào Nam của cô bạn học chung bên Úc, khi đó đang để không, 3 mẹ con ở tạm nhờ trong khi tìm nhà mới. Bức này Mei chụp mẹ. Bữa đó chỉ có 2 mẹ con ở nhà. Nhớ đó là ngày đầu tiên được nghỉ ngơi sau nhiều tuần bận rộn. Khung cảnh amateur, máy chụp và người chụp đều amateur, nhưng lại là tấm ảnh mình thích và chứa nhiều kỷ niệm.



Còn đây là hình Dim Mei khi nhỏ xíu 7 và 4 tuổi, tìm mãi mới thấy. Chụp khi 3 mẹ con đi nghỉ kiểu Tây-ba-lô ở Sầm Sơn hè 2003.



Đến khi bây giờ cao gần bằng mẹ cả rồi:


March 19, 2010

Cười ra nước mắt

Sau Lễ khai ấn đền Trần ngày 27 - 28/2 (14 tháng Giêng) với hơn 5 vạn người chen chúc xô đẩy để xin ấn, khá nhiều các bài viết có ý phê phán Lễ khai ấn Đền Trần bị biến tướng từ một tập tục văn hóa hết sức nhân văn thành một lễ hội của 'mong muốn hanh thông' và 'xin chức xin quyền' như ở đâyở đây. Xin ở đây là xin các bậc thánh thần.
(Hình - Thuận Thắng, tuoitre.com.vn: Giẫm đạp lên nhau vào xin ấn)

Cá nhân tớ thì, nói thật, tớ không đặt cái nhìn negative cho cái chuyện bị gọi là 'xin chức xin quyền'. Suy cho cùng, mục đích phấn đấu để vươn lên về tiền bạc, quyền lực cũng là một mục đích chính đáng và đáng tôn trọng. Còn hỏi vươn lên bằng cách nào, thì, 'Ôi, giá như được lựa chọn!'. Tớ thậm chí hiểu rõ rằng ở nước nào cũng thế, trên con đường quan lộc các mối quan hệ và sự may mắn (thiên thời địa lợi) là những yếu tố quan trọng. Tuy nhiên cũng nói nhỏ là ở mình hiện nay 'các yếu tố ấy' quan trọng quá đến nỗi lấn át cả cái tầm suy nghĩ và khả năng mang lợi cho công việc của ứng viên cho 1 vị trí nào đó. Thế nên làm sao trách được những người chấp nhận đi suốt đêm vất vả, chen chúc xin cho được cái ấn đền Trần để đường quan lộc may mắn hanh thông cơ chứ.
Cũng vì thế, tớ vốn an phận chẳng muốn hùa theo nói leo bài bác các bác đi xin ấn kẻo lại thành AQ. Chỉ là thấy vài câu chuyện bi hài nhặt đem về đây bạn bè đọc cười có tí nước mắt cho cuối tuần long lanh.

Tội nghiệp lòng thành:
(Trích từ bài viết "Hóa trang dự lễ khai ấn đền Trần", dantri.com.vn)

...Theo lịch sử, trong 30 năm thời nhà Trần trị vì, nước ta tuy chỉ có 3 triệu dân nhưng đã đánh tan 100 vạn quân Nguyên Mông. Việc khai ấn chính là việc công bố ngày làm việc đầu tiên của năm mới. Cũng tương truyền, Quốc ấn của vua Trần thuộc loại "tối linh", nhất là hanh thông trong thăng quan tiến chức.
Không biết có phải vì buổi lễ này mang một ý nghĩa thiêng liêng và đặc biệt gần gũi với "đời sống" của quan chức như vậy mà lễ khai ấn là một trong những lễ hội đầu năm "hút" được số du khách là quan chức thập phương về dự đông nhất trong các lễ hội.

Tại buổi lễ khai ấn này, bao giờ xe công cũng chiếm số lượng đông đảo nhất. Mặc dù ngay từ thời điểm năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu các đơn vị đã dùng xe công đi đền Trần phải kiểm điểm. Nhưng năm 2006, 2007, xe công vẫn rầm rập đi lễ Đền Trần và nhiều xe đã bị báo chí bắt "tại trận"!

Có lẽ, chính vì thế, lễ hội khai ấn năm nay, nhiều "quan" đã tính cho mình một phương án "hoá trang" nhưng vẫn xin được đại lộc!

Ông H, Hiệu trưởng của một trường dạy nghề lớn đã chuẩn bị sẵn sàng cho mình một chiếc xe biển trắng, lạ hoắc mà tất cả những người quen của ông đều không biết ông đã mượn xe của ai. Đơn giản là vì ông đã rỉ tai cho "chú trợ lý" thuê sẵn từ sáng, chỉ đợi đến giờ là khởi hành.
"Cứ phải cẩn thận vẫn hơn! Khổ, đi chùa mà cứ phải lén lút như đi ăn trộm! Nhưng không đi thì không xin được ấn thiêng! Cứ phải có mặt thì mới được Đức Thánh Trần coi là lòng thành!".
Ông còn than thở: "Chắc phải đợi đến lúc nghỉ hưu thì mới không phải đi lén lút thế này! Khổ nỗi, về hưu thì mình cũng còn phải xin ấn làm gì nữa!".

Giám đốc của một Sở ở tỉnh B. vẫn đi xe công nhưng cho gửi xe ở một khu nhà nghỉ khá hẻo lánh trong thành phố Nam Định và ông có phương án thuê một chiếc xe máy còi cọc để đến Đền Trần. "Có như thế thì mới không ai nhận ra mình!", ông lý giải.
Chú lái xe ái ngại vừa nghĩ đến cảnh sếp phải loạng choạng trên chiếc xe cà khổ đi chặng đường dài 9 km để đến Đền Trần xin ấn, vừa thấy muộn phiền vì sao con đường công danh lại chông gai đến vậy!

"Ông ơi, nhanh lên kẻo hết ghế..."
(trích từ bài viết "Ba chàng Ngự lâm Việt và những người chỉ nhìn chân ghế" của tác giả Trực Ngôn, tuanvietnam.net)

...Giống như một cảnh trong phim Mỹ về Ngày tận thế, các con đường từ thành phố chạy ra ngoại thành kẹt cứng xe hơi. Nhưng đây là con đường hướng về đền Trần trong ngày lễ Khai ấn. Những ai ở trong những chiếc xe hơi trên con đường chen chúc dài dằng dặc kia? Chúng ta có thể dễ dàng trả lời: chủ yếu là cán bộ nhà nước vốn đã có ít nhiều quyền này chức nọ. Vì công chức quèn hay nông dân thì chẳng có mấy người có lý do đến đó trong cái ngày ấy.
(Hình: Đua nhau xin ấn, nguồn: sggp.org.vn)

Tôi đã từng chứng kiến lãnh đạo của một cơ quan văn hoá quỳ sụp trước trâu giấy, ngựa giấy, vàng mã, nhang nến... vái lấy vái để. Người viết sớ cho ông lãnh đạo này kể rằng ông ấy gạt khỏi tờ sớ tất cả những nội dung không liên quan đến việc ông ấy thăng quan tiến chức.

Lái xe của một ông vụ trưởng thì kể rằng: anh phải dậy từ hai giờ sáng để đưa thủ trưởng đi đền Trần. Vì đã có tuổi nên ông vụ trưởng lục sục mãi mà chưa ra khỏi nhà được. Bà vợ sốt ruột quá bèn gọi "Ông ơi, nhanh nên kẻo hết ghế". Xin thưa, bi hài thay, không phải hết ghế trong rạp hát, trong sân vận động quốc gia Mỹ Đình... mà là hết "ghế quan".

Những câu chuyện nói trên nghe xong mà cười ra nước mắt. Không nhẽ lẽ sống cả đời người chỉ là thế sao? Những cán bộ như thế thử hỏi mang lại cho dân cho nước những gì?

* Tham khảo thêm: "Chúng ta đang bỏ quên ngôi chùa linh thiêng nhất" của Nguyễn Quang Thiều đăng trên tuanvietnam.net)

March 17, 2010

Giấc mơ trưa

Lang thang các nhà (blog) hàng xóm thấy chỗ này chỗ kia cứ trầm buồn u uẩn thế nào. Mình cũng đang thấy ngày trôi ngày trôi... Không nhớ ngày tháng, không lịch, quên cả những việc không thể nghĩ là quên.

Không, không trầm nữa.

Tối chủ nhật chát với tên bạn thân, nó vừa chuyển than vãn đất nước mình..., vội chặn "thôi mày đừng nói câu nào u ám với tao nữa, ngày hôm nay thôi". Sáng nay chát với con bạn, lại toàn chuyện bức bối không có lối thoát, một hồi thấy mệt, vằng "tao ko nghe chuyện bế tắc nữa đâu, mệt mỏi lắm. có 2 giải pháp tao có thể nghĩ cho mày thế thôi. Cố mà thư giãn nhé". Rồi chào.

Mới comment ở nhà ai đó "cuộc sống luôn là nó, luôn có đẹp tươi hy vọng và buồn lo, luôn vẫn có những dịu êm và những khó chịu xù xì. Thấy nó thế nào còn là do con mắt nhìn của mình, take things easy thì nó easy". Ừ, nhìn cuộc sống easy nhẹ nhàng đi chứ. Có lẽ cần tổ hợp này: cà phê, và nhạc, và hoa.

Lan Đà lạt


Hoa nở trên tuyết (sưu tầm)


Cẩm tú cầu


Xương rồng, loài hoa mình thích


Hoa Quỳnh (chụp trong một chuyến đi)



Nghe giấc mơ trưa (Thùy Chi) - giọng ca trong veo, trời trưa trong veo, mênh mang nỗi buồn đi ngang mà không rơi vô vọng "Từng dấu chân xưa trên đường em về/ Giờ đã ra hoa những nhành hoa vắng/ Người đã đi qua những lời em kể/ Này giấc mơ trưa bao giờ em về?"

Giấc mơ trưa (Nhạc: Giáng Son; Thơ: Nguyễn Vĩnh Tiến)

Em nằm em nhớ
Một ngày trong veo
Một mùa nghiêng nghiêng
Cánh đồng xa mờ
Cánh cò nghiêng cuối trời

Em về nơi ấy
Một bờ vai xanh
Một dòng tóc xanh
Đó là chân trời
Hay là mưa cuối trời

Và gió theo em đi về con đường
Và nắng theo em trên dòng sông vắng
Mùa đã trôi đi những miền xanh thẳm
Người đã quên đi những lần em buồn

Từng dấu chân xưa trên đường em về
Giờ đã ra hoa những nhành hoa vắng
Người đã đi qua những lời em kể
Này giấc mơ trưa bao giờ em về?
Một tiếng chuông chùa
Này giấc mơ trưa bao giờ em về?
Một giấc mơ vắng./.


March 16, 2010

ĐỐI THOẠI TÌNH HUỐNG

Mẹ: - Mấy hôm nay trên báo mạng nói nhiều đến clip nữ sinh đánh nhau, Dim Mei đọc chưa?
Dim: - Con đọc rồi ạ.
Mei: - Con chưa. Đâu mẹ?
Mẹ: - Để mẹ lấy cho Mei đọc nhé.
Mei: - Vâng, con đọc xong rồi, thế còn clip đâu mẹ?
Mẹ: - Con chờ mẹ nhé. Để mẹ tìm một trang khác.

Con xem, 3 mẹ con cùng xem. Bạo lực đến khó chấp nhận. Mẹ muốn các con đọc cả những bài ý kiến về chuyện này nữa cơ: gia đình, nhà trường, đạo đức học sinh, thái độ của các em ngồi xem bạn bị đánh. Mẹ khó chấp nhận quá các con ạ.

Mẹ: - Cái chị đánh người này đã bỏ học rồi, chắc chắn là hư, không được dạy dỗ. Nhưng ngoài ra ở đây còn có 3 bạn ngồi xem - 2 bạn nam một bạn nữ. Không những thế, khi clip này bị phát hiện, các bạn này còn chối là không biết bạn đánh và bạn bị đánh. Đến khi công an vào cuộc thì mới phải khai thật.
Mẹ đọc một bài khác trên diễn đàn học sinh có bạn bảo ở trường nào cũng có nhóm các bạn 'đầu gấu', hơi tí là đánh các bạn khác, nhiều khi chỉ vì học giỏi, làm cán bộ lớp, mách thầy cô giáo các bạn phạm lỗi... cũng bị đánh. Trường Dim Mei có thế không?
Dim, Mei: - Không ạ.
Mẹ: - Ừ, mẹ cũng tin là trường Ng.S. không có. Lớp ít học sinh và các thầy cô quan tâm theo sát nhắc nhở như lớp các con thì khó có chuyện xấu như thế. Mẹ chỉ mong các con luôn được học ở môi trường trong lành, nề nếp. Sang năm trường lại tăng học phí, mẹ mong đừng quá tầm mẹ lo để vẫn ráng cho các con được học ít nhất là hết cấp 2 ở trường.
Dim bắt đầu lớn rồi. Con có một số bạn đã chuyển đi các trường khác, nên mẹ nhắc con chơi với bạn nhớ phải chọn các bạn nề nếp chăm ngoan ham học để chơi nhé. Vì các bạn xấu thì lại giao du với người xấu. Dù bạn ấy có tốt với riêng con thì con cũng khó tránh khỏi nguy cơ gặp gỡ hay bị ảnh hưởng bởi những người xấu mà bạn ấy chơi cùng. Những tai họa như bạn bị đánh trong clip này khó lường trước được con ạ.
Các con cũng nhớ không nên ra đường khi không cần thiết, và đừng đi đến những chỗ vắng vẻ dễ nguy hiểm nhé.

Thế bây giờ mẹ ra câu hỏi, nếu gặp chuyện đánh nhau như ở clip này trong trường hoặc ngoài phố, các con sẽ làm gì?
Dim (trả lời ngay): - Dạ vào can và nếu không được thì chạy ra ngoài báo cảnh sát.
Mei: (im lặng/ hoặc là Mei nói gì mẹ không kịp nghe và ghi nhớ nữa mới chán chứ)
Mẹ: - Không con ạ. Không thờ ơ là rất đúng, nhưng các con đừng vội vào can. Những người đánh nhau thế này họ đang rất hung dữ, các con đừng vào can trừ khi thật hãn hữu lắm vì như thế rất nguy hiểm cho các con. Các con nhớ là phải bảo vệ an toàn cho bản thân. Việc tốt nhất là các con hãy kín đáo gọi cảnh sát 113, hoặc chạy đi gọi người lớn gần đó. Và nhớ là phải kín đáo đừng la to hoặc để họ biết, nếu không có thể lại bị họ đánh lây đấy. Nếu ở trường thì các con gọi thầy cô, nhưng cũng cần kín đáo nhé.
Dim, Mei: - Vâng mẹ ạ.
---------------------------

Ăn cơm tối xong, Mei bảo: - Mẹ ơi con muốn ra hiệu sách. Con cần mua vở.
Nhà sách gần, mình hay đi bộ nhưng hôm nay trời mưa mẹ chở con đi xe máy. Chị Dim cũng muốn đi cùng luôn. 3 mẹ con trên 1 chiếc xe. Đầy kín. Nhưng mẹ thích những lúc đi xe lắm. Mẹ hay nói chuyện với các con khi đi xe, rất hay.

Dim: - Mẹ ơi hôm nay con được 4 điểm 10. Hai điểm 10 anh sao và 2 điểm toán anh sao (Math in English *, toán học bằng tiếng Anh/ sao= star * chỉ giờ của giáo viên người nước ngoài).
Mẹ: - Dim giỏi quá. Mẹ có mệt mấy mà cứ nghe thế này thì mừng như được uống thuốc bổ rồi.
(mẹ vui vì điểm hai phần thì vui vì cách con mang điểm về khoe mẹ mười phần, xây ý thức là quan trọng nhất).
Mei: - Mẹ ơi nếu cuối kỳ con được các môn đều 10 thì mẹ có thưởng nhé?
Dim: - Nếu Văn cuối kỳ con được 8 thì mẹ thưởng mẹ nhé?
Mẹ: - Tất nhiên rồi. Nếu cuối kỳ mà Dim Mei được kết quả tốt thì mẹ thưởng to chứ. Mẹ sẽ tiết kiệm tiền từ bây giờ.
Mei: - Mẹ ơi nhưng nếu con được các môn đều 10 thì cô giáo cũng có thưởng. Cô Y. bảo ai được các môn đều 10 cô sẽ có phần thưởng đặc biệt (cô Y. = cô giáo chủ nhiệm Mei)
Mẹ: - Ôi thế thì mẹ lại phải cạnh tranh với cô rồi :)
(hình sưu tầm)

*** Entries cùng hệ:
- DÙNG VŨ KHÍ NÀO
- VẮC XIN TUỔI DẬY THÌ
- CON MÈO ĐẶT CHÂN LÊN TẤM THẢM NHUNG
- TRÒ CHUYỆN CÙNG CON

March 14, 2010

ROBOT

Chủ nhật.
Ngày nghỉ.

Trời không nóng không lạnh. Giá như nóng hẳn để khó chịu, lạnh hẳn để co ro. Không nóng không lạnh chẳng rõ ràng, lơ mơ.

Ngày không nắng không mưa. Giá như nắng, giá như mưa.

Người không vui không buồn. Không, cái này không thể 'giá như buồn' được. Nhưng cái cảm giác chả có gì rõ ràng này đúng là khó chịu. Đầu như cục tối chẳng có mạch suy nghĩ nào rộng rộng sáng sáng cho ra hồn. Cách này chỉ có là đặt lịch cho kín ngày, rồi sẽ thực hiện nó giống như robot vậy.

Sáng dậy thấy 'tình hình' âm u rồi, xếp ra những việc cần làm: đi chợ cho tuần; đi cùng Tuyết mua vải may đồ; đi mua áo cho Dim, toàn 'đi'.

Thèm ngồi lãng đãng cà phê với ai đó nói chuyện mình nghe hoặc nghe mình nói chuyện. Lướt trong đầu những cái tên thân thân, nhưng có vẻ ai cũng có công có việc. Mà gọi để họ chịu đựng khi mình luẩn quẩn loái quái thế này cũng không thích. Thế là thôi.

Mẹ cùng chị Tuyết đi chợ Hôm, giao hẹn Dim Mei ở nhà giúp mẹ dọn nhà và dọn góc của các con thật gọn. Trên đường về ghé tiệm bánh ngon, mua hộp kem chocolate-chuối cho Mei, bánh ngọt chocolate cho Dim. Đến nhà thấy nhà gọn ghẽ, chìa túi quà nghe con reo Dzzeee... "Ôi đúng thứ con thích, mẹ ơi lâu lắm Mei không được ăn đúng thứ kem này"/ "Ôi bánh này Dim thích", thơm mẹ chụt chụt... thấy như trời vỡ ra và có tia sáng.

Mei chỉ kệ sách lớn: em sắp dọn ngăn nắp, chị lau bụi. Sạch gọn quá. Rồi Mei bảo mẹ nhắm mắt con dẫn lên gác xép. Mẹ nhắm mắt làm sao đi? Thì mẹ nhắm mắt, con dẫn. À Mei dọn phòng đẹp à? Không đẹp, nhưng con muốn mẹ thích.
(Không đẹp, nhưng con muốn mẹ thích - câu này hay quá)

Lên, mở mắt. Chà, giường 2 mẹ con và giá sách nhỏ Mei xếp gọn gàng. Ôm Mei thơm 1 cái. Con cười lấp lánh vui.

Ngủ trưa dậy, đầu lại âm u. Lại bám lịch: chở Dim đi mua áo 'theo đặt hàng'. Con thích 1 cái áo sơ mi kẻ nâu ở cửa hàng 4Teen trên Hàng Bông bạn con đã mua. Đường từ nhà đến Hàng Bông có một đoạn quen đến mòn rồi, thế mà mẹ ngẩn ngẩn ngơ ngơ đi như kẻ mộng du, nhầm đường tới lui. Ngơ ngác lại còn bị công an phạt xe nữa.

Rồi cũng đến được 4Teen. Toàn đồ cho teen. Dim trầm trồ nhìn cái này, coi cái kia. Con chỉ cái áo muốn mua. Mẹ coi cái áo thấy được, nhìn khỏe và ngoan, giá trong tầm mẹ mua được, đồng ý. "Con cám ơn mẹ". Con lớn rồi. Bắt đầu có sự 'chuyển giao' từ mẹ ngắm mua con mặc, sang mẹ mua theo con thích.
Con rạng rỡ cười, mẹ lây được chút vui.

Cố gắng lắm, để đừng quá robot.

March 11, 2010

Đọc sách cùng con

Mình có thói quen thấy bài báo nào hay là muốn cất giữ lại. Xưa đọc báo giấy, nếu gặp bài nào quá thích thì sẽ đi mua riêng cho mình rồi cắt lại, cất giữ, cẩn thận thì ghi thêm bài này đăng trên báo nào (thói quen này do mẹ dạy lại). Bây giờ có báo điện tử, tiện hơn, chỉ việc copy nội dung rồi lưu giữ vào file, ghi lại đường link.
Hôm nay nhớ ra một bài báo đã từng rất thích về nuôi dạy trẻ, tìm lại, rồi đọc chung với cả nhà: Tuyết, Dim, Mei. Bảo: Cả nhà cùng đọc rồi mẹ sẽ làm bia, cả nhà xem mẹ còn thiếu cái gì thì dân chủ phát biểu nhé :)

Bài báo ấy đây: "NĂM GIÁ TRỊ CẦN DẠY CON", đăng trên báo điện tử Sài Gòn Tiếp thị ngày 11/10/2009.

Để con bạn trưởng thành, sống hạnh phúc và có ích thì cần có sự định hướng từ cha mẹ. Thực tế là đôi khi chúng ta quá chú trọng đến việc dạy kỹ năng mà quên mất việc dạy những giá trị. Trong khi bọn trẻ luôn cần khắc sâu những giá trị đích thực, học được từ gia đình như là chiếc la bàn cuộc đời của chúng.

Và đây là năm giá trị gia đình bạn cần trao lại cho con:

1. Làm việc chăm chỉ và luôn phải cố gắng hết mình
Việc dạy con cái mình về cách cư xử đúng đắn trong công việc là rất quan trọng. Bất kể nghề nghiệp của chúng ta là gì, con cái chúng ta cần biết cha mẹ chúng phải kiếm sống bằng cách cung cấp những sản phẩm hoặc dịch vụ có giá trị cho những người khác.
Bọn trẻ cần phải hiểu rằng sau này chúng cũng phải làm việc một cách lương thiện để kiếm những đồng tiền lương thiện. Không có quyền lừa dối, gian lận, trộm cướp hoặc mưu đồ kiếm tiền của người khác một cách đen tối.

2. Luôn nói sự thật và phải trung thực
Trung thực chính là nền tảng cho những mối quan hệ đúng đắn trong cuộc đời. Một cách nào đó, sự dối trá thường tạo ra những điều xấu, những hệ luỵ và tổn thương lâu dài.
Có rất nhiều ví dụ như vậy xảy ra trong cuộc sống. Hãy cho con thấy rằng tất cả chúng ta đều có lúc phạm lỗi lầm. Nhưng càng sớm nói ra sự thật một cách cởi mở, thì chúng ta càng nhanh chóng giải quyết được vấn đề và giảm thiểu thiệt hại.

3. Đừng làm tổn thương chính mình hoặc người khác
Vì tất cả mọi người, chúng ta phải truyền thụ một ý thức thấu cảm và lòng yêu thương cho con cái chúng ta. Khi chúng còn nhỏ, chúng ta dạy con không đánh, cắn hoặc ném đồ vật vào người khác, tránh xa bếp lửa, điện và vật nhọn… Khi chúng lớn hơn, chúng ta dạy con tránh những hành động tình dục nguy hiểm, tránh việc lái xe trong tình trạng say xỉn và khôn ngoan trong vấn đề chi tiêu tiền bạc.
Nếu chúng ta làm tròn trách nhiệm của mình, con chúng ta khi lớn lên sẽ biết tôn trọng chính bản thân mình và người khác đủ để không làm những điều dại dột có thể gây ra nỗi đau lớn lao như nhiều người đang cảm thấy ngày hôm nay.

4. Đừng lấy những gì không phải của mình
Điều này dường như là hiển nhiên, nhưng rõ ràng nó cần được nhắc lại cùng với những khái niệm căn bản nhất về quyền sở hữu:
• Nếu con không có nó đầu tiên hoặc nó không dành cho con, vậy nó không phải là của con!
• Nếu nó không phải là của con, vậy con phải để nó ở đó.
• Nếu con mượn nó, con cần sự cho phép và sau đó con cần phải gìn giữ và chăm sóc nó ở mức độ cao hơn thường lệ, thậm chí hơn cả nếu nó là của con.
5. Con muốn mọi người đối xử với mình như thế nào thì hãy đối xử với mọi người như vậy
Đây là quy tắc vàng, định hướng cho tất cả mọi thứ. Nó thật đơn giản nhưng mạnh mẽ. Nó sẽ giúp con bạn trở thành người luôn được tôn trọng và yêu thương. Đừng quên bất cứ cơ hội nào có thể để ghi khắc nó vào tâm khảm đứa con bé bỏng của bạn.

Hãy tin tôi, chỉ năm giá trị ngắn gọn này có thể giúp con bạn có một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai. Hãy nhấn mạnh những giá trị gia đình này ở nhà chúng ta. Hãy khắc sâu nó vào tâm hồn và trái tim của con cái chúng ta để không bao giờ chúng có thể quên được.

Theo Nguyên Giang, Minh hoạ: Hồng Nguyên (Sài gòn Tiếp thị online)

March 09, 2010

THƠ EM

Mùng 8/3, sáng, chiều, tối, những tin nhắn chúc mừng Ngày Phụ Nữ gửi về điện thoại: chúc mừng em, chúc mừng chị, chúc mừng cô, chúc mừng L.O., chúc mừng O... nhân ngày 08/03. Đọc đi rồi đọc lại những tin nhắn biết gửi riêng cho mình, dù chỉ 1 dòng chúc mừng, nhưng không phải là tin nhắn gửi 'tập thể', vẫn quý hơn.

Có một tin nhắn đặc biệt, từ em, "Em chúc mừng chị nhân ngày 08/03, chúc chị và 2 cháu nhiều sức khỏe, may mắn và hạnh phúc, em đang trên đường lên Hà Nội chị ạ". Em - là cô gái đã khiến chị mò đọc tất cả những gì viết về em, tìm thông tin để liên lạc với em, dù chưa biết để làm gì. Gọi, nói chuyện với em, chia sẻ..., khó nhọc xếp gọn cảm nhận để rồi viết entry "Lòng nhân hậu, tính ích kỷ và sự vô cảm". Từ đó, chị như có thêm một người bạn. Một người cùng là phụ nữ. Một người cùng là mẹ của 2 con gái nhỏ. Một người cùng có không ít những dự cảm. Một người chị em gái để cùng mong cho nhau nhiều nghị lực để yêu con và yêu cuộc sống.

Ngày tháng bận rộn trôi. Mình chỉ nhắn tin hỏi thăm nhau những dịp chúc nhau lễ, Tết. Hôm nay cũng vậy. Chị gọi. Em kể chuyện em dự định in thơ. Ngạc nhiên: - Em viết thơ? Trả lời: - Vâng chị ạ. Trước đây em đã có gửi bài được đăng trên báo Văn Việt.
Em kể em đã làm thơ mười mấy năm nay, mấy trăm bài thơ, "nhưng thơ của em đời thường lắm, là thơ của người lao động chị ạ, em không biết in thì ra sao". một chị bên TT Quyền tác giả đã đọc, duyệt bài, giúp em lựa chọn bài in. Chị ấy lại giúp em xin giấy phép xuất bản và nhiều việc nữa. Một hội thiện nguyện hứa giúp em bán sách. Nhiều người tốt giúp đỡ nhưng em vẫn dò dẫm chậm chạp vì đây là lần đầu với em. Em bảo em sẽ gửi một số bài chị đọc cho em nhận xét nhé, và em đồng ý khi chị hỏi muốn lấy ra 2 bài để chia sẻ bạn bè cùng

THƠ EM:
(tác giả: Thúy Nga)


Thơ em
nhuộm cả những vết rạn
nặng mùi kí tự
chất buồn thêm vào tim kẻ đa mang
huyễn hoặc.

Gió thì với gió
khóc cây
người múc cạn nỗi buồn xám hối
tứ phía chạm trổ
trái tim em vắt kiệt
phút giây.

Tào lao vứt bỏ người lên bàn cân giãy đạp
cứ oà một khoảng lầm lụi
gió còn thất tình với cát
em thất tình với gương
em thất tình với thơ
câu thơ vì anh mà nhạt.


SAU TIỆC VUI
(Tác giả: Thúy Nga)

Sau tiệc vui
người thét gào
lạc giọng
ánh sáng chộn lẫn âm thanh lạc giọng
vũ điệu lạc giọng
say men...
em trở về
đối diện với gương
độc thoại.

Bắt đầu từ anh
người xuôi chiều
đếm đêm
lặng lẽ
dư vị cuộc đời
mỏi mặn
bậc thang lối ngày chơi vơi.

Em
sợ vui
khi trở về
độc hành
bút kề môi
khóc.

Hừng đông rạng
bình minh
lại một ngày...

March 08, 2010

08/03 KHÔNG HOA

Hic hic, ai oán tẹo cho nó có vẻ 'tâm sự' !

Đúng ra, nói không hoa hoàn toàn thì hơi oan vì đã có ngửi được chút mùi hoa rồi. Là sáng nay 08/03, thứ hai đầu tuần, 4 anh em trong tổ đã bàn nhau phân công kẻ mua hoa người mua quà cho 3 chị em. Cảm động chứ. Nói được 'ngửi hoa' là vì biết trước hôm nay giá hoa trên giời, mà anh em đi mua thì biết rồi đấy, nên thôi bỏ phiếu biểu quyết chỉ mua một bó tặng chung chị em thôi. Mình lại là đứa giơ tay cao nhất đồng ý, thế, nên chả thể ý kiến gì về vụ 3 trong 1 ấy. Hoa thì có được sờ, được ngửi, được cắm, nhưng là hoa chung, không được mang về phòng :(

Lại kể chuyện sáng hôm qua mùng 07, chủ nhật, thấy tên bạn rất thân Kh.H. (trên mạng). Mình gọi: - Chúc mừng mùng 8/3 nhé.
Hắn: - Ừ, mình cùng chúc nhau nhỉ?
Mình: - Nàng có bó hoa nào chưa? mình thì chưa có.
Hắn: - Mình cũng chưa, nhưng giờ mới là sáng mùng 7 thôi mà nàng :(
Mình: - Ừ, thế có nghĩa là vẫn còn hy vọng nhỉ? Vậy chúc nàng sẽ có hoa 08/03 nhé :)

Nhắc đến Kh.H. thì phải kể thêm chuyện này: Một lần sau ngày 08/03 năm nào đó, 2 đứa đi trực gặp ca, tâm sự, hắn kể: Sáng 08/03 chẳng thấy 'chàng' có ý gì có vẻ sẽ tặng hoa vợ, đành nghĩ kế rủ: Ba chở mẹ ra hàng hoa sau chợ Bến Thành mẹ mua hoa tặng 08/03 cô giáo Cún (tự nhẩm và hy vọng dung dăng dung dẻ vào hàng hoa và chàng sẽ đột nhiên nhớ ra, tặng vợ một bó, 'ké' cũng còn hơn không). Nào ngờ ra đến nơi thấy đông, chàng nói tỉnh bơ: Thôi em vào mua đi cho nhanh, anh đứng ngoài này trông xe, đỡ gửi. Chưng hửng.
Mình vừa la hắn vừa cười: - Trời ơi người ta nói đi với Bụt mặc áo cà sa, với người như thế thì phải XIN thẳng luôn chứ, xin bằng cách ỉ eo con mèo cũng được, lại cứ í nhị í nhị í nhị, không nói ra thì ai mà biết?.

Ờ hờ để không lạc đề thì quay lại là hôm nay mùng 08 tháng 03, đi ra đi vào nhưng chưa có hoa thật trừ bó hoa chung cắm ở phòng 2 em trên tầng 5 thỉnh thoảng lên ngó tí lấy tinh thần, nên làm cái ẻn cảm thán cho ra là ngày 08/03 chớ không có phải ngày thường. hì hì. Nói đi thì nói lại là kêu gào thế cho vui thôi chứ mình biết trước rồi. Với lại, lòng người vốn tham vô đáy. Này nhé, không dưới 10 tin nhắn chúc mừng 08/03 trên điện thoại (kiên quyết không 'đọc soi' kiểu 'tin này tui biết rồi, các vị copy gửi cả chùm', cứ cho mình hí hửng ảo tí cũng được, tội gì). Trong YM có một người quen lâu lâu mới chát hỏi thăm, bữa hôm qua nói chuyện mấy câu xong, chào, viết: "À, nếu hôm nào anh liên lạc với em thì hôm ấy là 08/03 nhé" :). Lại có người bạn học thân nhất thấy mình đợt này cứ mệt mỏi dài chả giống mình tẹo nào, nhân ngày nghỉ T7 ốp đi khám tổng quát - mà có ra cái bệnh gì đâu ngoài việc thiếu máu - thiếu máu thì gây choáng/ xây xẩm, thiếu máu thì gây co thắt tim, thiếu máu thì gây mệt. Uống mấy vỉ viên sắt là lại chạy tung tăng, cười hihi hehe.
Rồi có offline chỉ vì mùng 08/03 thôi nhé: được ngồi quán đẹp, được lì xì, được nghe bao nhiêu chuyện vui, được cười, lại còn được chocolate mang về. Đến cơ quan thì được một bó hoa to và quà (cũng một gói to) chung cho 3 chị em. Cả 2 vụ này đều anh em bàn nhau tổ chức. Bản thân quà không quan trọng bằng cách tặng. Còn muốn sao nữa?

Nói túm lại, không có 1 bó hoa cũng không nên lấy làm buồn. Nếu là có những lúc vắng vẻ thì cũng enjoy sự không-ồn-ào ấy đi. Mà biết vắng vẻ được bao lâu? Vài ba năm nữa Dim Mei có khi mang về nhà cả đống hoa sắp hàng thì lại lo cuống, sợ, và cả ghen tị nữa ấy chứ :)

Hi hì.

March 04, 2010

Không đề tựa

Sáng, tự nhiên thời tiết đổi oi nóng khác thường làm huyết áp chưa ổn lại tụt giảm, cảm thấy khó tự đi, đành lại xin nghỉ làm.

Gần trưa, thấy khỏe, lấy xe máy đi gặp bác sĩ rồi vòng đi mua cho Mei cái tai nghe máy nghe nhạc thay cái cũ bị hỏng để mai con đi dã ngoại với trường. Chắc con sẽ thích lắm, hôm qua con nhắc mà thấy mẹ mệt, không dám đòi.

Chiều, tự nhiên bước ra khỏi lệ, tham gia vào một đề tài mình đã từ lâu không tham gia, nhắc về một câu chuyện mình không muốn nhắc đến, làm cái đầu mình rối, lòng mình trầm, quẩn quanh.

Tối, ríu rít về làm mình tỉnh lại. Nghe Mei reo "mẹ ơi con cảm ơn mẹ" và nâng niu cái tai nghe mới màu hồng, thấy vui. Rủ Dim Mei đi bộ, vòng vòng phố, mua vài thứ đồ cho nhà, lại mua thêm mấy thứ cần để nấu sẵn mì spaghetti cho Dim Mei mai làm đồ ăn sáng. Về, vào bếp làm spaghetti, nấu thêm bò goulash cho chiều mai chỉ cần nấu lại. Mai mình sẽ đi làm.

Ban đầu Dim hơi ngại đi bộ, mẹ bảo: Nhưng mẹ muốn có Dim, mẹ thích vừa đi dạo vừa nói chuyện với DM. Trên đường hôm nay không nói chuyện nhiều, nhưng hai tay mình luôn có một bên là tay Dim khoác, bên kia là tay Mei nắm. Hai chị em trêu chọc nhau, chí chóe rồi lại cười nắc nẻ.

Nhớ không nhỉ? "Những rắc rối ngoài kia không là gì cả". Cuộc sống trong ngôi nhà mình giờ là yêu thương, ngọt ngào, ấp áp, nhiều 'tiếng nói tiếng cười', nơi ai cũng vui khi trở về, nơi đón, chào nhau bằng sự trông ngóng, bằng những nụ hôn và những nụ cười.

Nhớ câu "Hạnh phúc là buổi sáng muốn đi đến công việc và buổi chiều muốn trở về nhà". Nghe giản đơn vậy mà đủ đầy, và đâu phải lúc nào cũng có được.

Ngủ ngon, Lana.

March 03, 2010

Nhật ký 'điểm danh'

24/02/2010:
Chiều xin trưởng phòng về sớm 1 tiếng, về kịp đưa Mei đi phòng khám đông y trên Trần Hưng Đạo có tiếng về chữa ngoài da. Con bị sẩn ngứa hơn 1 tháng rưỡi nay rồi, 3 lần khám đổi thuốc ở BV Da Liễu, không khỏi. Mà lần nào cũng có cả thuốc bôi và thuốc uống. Con uống thuốc mà không đúng bệnh, xót ruột vô cùng. Quyết định đổi qua Đông y.

Đến, lấy thuốc cho con xong, thấy ông lương y già nhìn phúc hậu, nhân tiện mẹ cũng chìa tay nhờ bắt mạch. Thế là ra ngay một số triệu chứng - đại khái là không bệnh gì to tát (mừng quá) nhưng có vài thứ cần điều chỉnh. Phục nhất là vụ cái dạ dày hơi có vấn đề và vụ hạ đường huyết + cảm lạnh mới đây đều bị gọi tên.

Vậy ta sẽ nghe lời khuyên uống thuốc. Uống xong vụ này chắc cảm lớn cảm nhỏ nhìn thấy chào thua từ xa.

25/02/2010:
Dở hơi. Không vui. Thế thôi, quên rồi. :)

26/02/2010:
Cuối giờ làm ra sân cổ vũ tennis. Ba Ban trong TCT giao lưu. Phong trào tennis của TCT rất rôm rả. Ngay trong TCT cũng sở hữu 2 sân tennis khá chuẩn, gần loanh quanh trụ sở văn phòng. Lại mới nhận về 2 chuyên viên dạy tennis làm ở bộ phận phong trào. Lại có các khóa dạy tennis cho nhân viên, từ cầm vợt đến nâng cao.

Giao lưu cả ba Ban chiều nay toàn nam đánh. Chị em ba Ban này chẳng ai thạo, chỉ ra coi, chuẩn bị trái cây, nước, cổ vũ, và... nhặt bóng. Một số đang học nhưng chưa đủ trình độ đứng sân. Nhỏ em cùng phòng mới vừa đi học được buổi thứ 2, bảo: Em đang đau hết cả cánh tay.

Ừ đúng mình thấy người mình, đúng hơn là chị em phụ nữ mình (phần đông) ít tập thể thao. Cứ cớ bận, nhưng như câu mà mình rất tâm đắc "cái chính là thứ tự ưu tiên (priority)", nếu mình ưu tiên cho việc gì, tức sẽ có thời gian cho việc ấy. Bận chỉ là cái cớ.
Hồi bên Úc thấy bọn Úc ở khoa thường xuyên chạy, bơi, tập GYM... lại nghĩ đến ở VN mọi người ra khỏi cửa là lên xe, ào ào đến công việc, ào ào về nhà, loanh quanh, ít vận động quá. Liệu tuổi thọ trung bình có liên quan đến cái này không nhỉ?

Ra sân, mọi người lại rủ đi học tennis. Mấy lần trước thì từ chối, hôm nay nghe có vẻ sắp bị 'giác ngộ' đến nơi. Ừ thì coi như có 1 idea, rồi sẽ bắt đầu nghĩ đến đi sắm vợt, giày, quần áo... rồi nếu không ngại thì sẽ 1 tuần 2 buổi hết giờ làm xuống sân học. Không học thành giỏi thì chạy một chút cũng khỏe người, lại bỏ được cái tật cả ngày ngồi ôm máy tính.
(hình: sưu tầm từ google search)

March 02, 2010

BƠI GIỮA MÙA ĐÔNG

Chủ nhật ngày nghỉ, để thư giãn và 'lọc bụi', rủ một đội hình đi bơi. Tất nhiên là được hưởng ứng rất nhiệt tình. Thôi thì tíu tít ăn sáng, chuẩn bị đồ bơi, đồ ăn nhanh mang theo, nước uống..v.v.. Spend nguyên buổi sáng ở hồ bơi KS Bảo Sơn đến quá 12h cả hội mệt và đói thật sự rồi mới chịu về.

Ở đây hồ đẹp, nước ấm, ít người, phòng tắm, thay đồ sạch sẽ tiện nghi, giá cả cao hơn bình thường nhưng cũng không quá mắc (thì lâu lâu mới đi mà). Chỉ mỗi là hồ hơi nhỏ, nhưng cũng đủ để bơi rồi. Hồ mà rộng hơn thì chính mình không thể bơi một mạch hết chiều dài hồ, lại quê với tụi trẻ con :)

Lâu không được đi bơi, cứ co ro mùa lạnh, bọn trẻ con bữa đó bơi thỏa thích, vui lắm lắm. Tất nhiên mình cũng bơi chứ, tranh thủ lúc chúng qua hồ trẻ con chơi trông chừng giúp em bé, tách ra sang hồ lớn bơi một mình, thấy thật thư giãn, vui thích. Lũ trẻ bơi rồi nô đùa, bày ra đủ trò để mẹ cứ cầm máy hình mà chớp. Định khoe hình lấy tên entry "bơi trong hạnh phúc" hù dọa mọi người chơi nhưng nghĩ lại, thôi, viết cho đúng nghĩa đen "bơi giữa mùa đông". :)

Tiếc là không chụp được cảnh chúng cứ nhúp nhúp ở sát bờ, mẹ ở trên thả từng miếng khoai tây chiên hoặc gà nướng vào mấy cái miệng xinh xinh há xin ăn - cứ như huấn luyện viên và đàn cá heo ấy :)

Đội hình

Cưng em bé hay đánh hội đồng?

Đôi bạn thân

Múa

Bé Đức, học sinh xuất sắc của Bác O. đây, mới buổi đầu đấy nhé:

Lại chụp hình chung nào, mắt mình thiên vị nặng rồi, nhìn đứa nào cũng thấy xinh: