November 27, 2014

PHÀNG A MĂNG (1)

(06.02.2014, giothi.blogspot.com)

Chiều nay ngày làm việc đầu tiên sau Tết, ko bận rộn, nhận được tin nhắn từ Phàng A Măng, một trong ba em học sinh đầu tiên của Pa Cheo lên học cấp 3 Bản Vược năm học trước (Phàng A Măng, Cứ A Vềnh, Lý A Sử). Pa Cheo khi đó chưa từng có học sinh đi học cấp 3 chính quy kể từ năm 2006 thành lập trường cấp 2 tại xã. Hết cấp 2 muốn học cấp 3 phải ra Bản Vược cách bản gần 40km, phải ở trọ, xa và không có tiền, nên ở nhà luẩn quẩn với lấy chồng, lấy vợ, trồng ngô.

Măng nhiều tuổi nhất trong nhóm 3 Măng-Vềnh-Sử, mẹ mất, bố nhiều vợ, em phải tự lo cho mình, hết cấp 2 đi làm bốc vác ở cửa khẩu 2 năm rồi quay trở lại đi học lên cấp 3 vì muốn học. Khi chưa được nhóm Giỏ thị phát hiện và hỗ trợ Măng vừa học vừa đi làm bốc xếp cuối tuần lấy 70 ngàn đồng một ngày để tự trang trải cho mình ở trọ và theo học, vì thế Măng học yếu nhưng lại chững chạc và 'kiên trì' nhất trong 3 anh em, được các cô chú nhóm hỗ trợ và thầy cô tin cậy quý mến. Tháng 9/2013 lứa Măng-Vềnh-Sử lên lớp 11 tạo đà cho 14 em tiếp theo từ Pacheo lên học cấp 3 hiện còn trụ lại 11, mà như bí thư Hầu A Chúng, chủ tịch Mã A Páo (đều người Mông sinh ra tại Pa Cheo), các thầy cô giáo nói rằng đó là một đột biến hạnh phúc với giáo dục của Pa Cheo.
Dù vậy câu chuyện các em đi học vẫn là một câu chuyện dài.

Măng nhắn tin không phải chào Năm Mới. "Cô ơi em xin lỗi cô, đã có những tấm lòng giúp em trong những thời gian vừa qua, vì bố em chửi em và bỏ em rồi. Từ thứ 7 tới em đành bỏ học và em chỉ sống cùng với anh trai".
Lập tức gọi. Măng nói mùng 4 Tết bố em chửi và đuổi em với anh trai ra khỏi nhà. Anh trai đã lấy vợ ở riêng gần nhà bố. "Anh trai em khóc em cũng khóc, anh trai em nói em bỏ học ở nhà đi làm với anh kiếm tiền sang năm lấy vợ".

Cái khổ cứ vòng quanh. Mình đã gặp ông bố của Măng lần đến điểm bản Pờ Sì Ngài của Pa Cheo, một người Mông cả đời quẩn quanh trong bản như hầu hết đàn ông Mông ở đây, lần mò trong đói nghèo mông muội, hẳn là ngày Tết say rượu rồi chửi bới. Cậu anh trai nói em bỏ học để đi làm lấy vợ để sống riêng hẳn cũng lại là cái lý quẩn quanh của người Mông Pa Cheo chưa ra khỏi đói nghèo.

Nói với Măng "nào Măng cho cô biết nhé, em muốn bỏ học thật hay em vẫn muốn đi học",
- Em không muốn bỏ học nhưng anh trai em nói nghỉ ở với anh đi làm lấy vợ, chắc em nghỉ thôi cô ơi.
- Thế này nha, nếu em thật sự, thật sự còn muốn học thì em đừng bỏ cuộc chỉ vì lời mắng của bố, có thể vì say rượu, có thể vì tức giận lúc đó, hay chỉ vì theo anh trai muốn. Đi học hay bỏ học là quyết định lớn cho cả cuộc đời mình, đừng bao giờ quyết định điều gì mình không muốn/ chưa thấy đúng chỉ vì í muốn của một người khác bất kể đó là ai. Cô là phụ nữ cô còn nói vậy, em là đàn ông em càng cần nhớ điều đó.
Cô cho em từ giờ đến tối bình tĩnh suy nghĩ, nếu em vẫn quyết định nghỉ học cô sẽ không thuyết phục em nữa Măng à. Còn nếu muốn tiếp tục học, cô sẽ gọi cho thầy Cường, thầy Minh và nhờ bác Chúng, bác Páo đến nói chuyện với bố và anh trai em, thế được chưa nào.

Măng "dạ".

Măng - Vềnh - Sử trong gian trọ năm lớp 10 gần trường cấp 3 Bản Vược (Măng mặc áo trắng gắn logo học sinh) tháng 8.2013 trước khi các cô bác Giỏ Thị cùng nhà trường cấp 3, các thầy cô Pa Cheo xây cho 3 anh em và các em lứa sau của Pa Cheo một khu nhà trọ học trong khuôn viên trường

Nói thì vậy nhưng liền đó bàn nhanh với vài thành viên của nhóm rồi liên lạc liền với thầy Cường thầy Minh. Thầy Cường hiệu trưởng Cấp 2 Pa Cheo nói các thầy cô vừa cùng bí thư chủ tịch xã đi thôn bản vận động học sinh đi học trở lại "việc Phàng A Măng em sẽ bàn với bác Páo chủ tịch quay lại bản tới nhà Măng. Các anh chị dưới đó còn lo lắng trên này nhất định sẽ cố gắng. Chị yên tâm nhé".

Mùng 9 Tết học sinh mới đi học nhưng các thầy cô cấp 1 cấp 2 Pa Cheo đã nghỉ Tết ngắn hơn quy định, lên tập trung trên trường đầy đủ từ mùng 6, cùng lãnh đạo xã đến từng thôn vào từng nhà có học sinh vận động cha mẹ cho các em đến trường sợ dư âm nghỉ của kỳ nghỉ Tết dài.
Càng thấm thía cái vất vả khó khăn đòi hỏi kiên trì nếu muốn làm được điều gì đó với cái chữ/ tri thức cho lớp trẻ vùng cao...

Lại thấy nhiệt huyết trở về.

Bố Phàng A Măng (đứng giữa) với đoàn TNV CCT Nhật - Giỏ Thị và các cô giáo Tiểu học cắm bản Pờ Sì Ngài, Pa Cheo (Bát Xát, Lào Cai) khi nhóm tới thăm điểm trường bản Pờ Sì Ngài của em, 05.2013 

*** Về Măng Vềnh Sử, nhóm Giỏ Thị và Dự án nhà trọ học Pa Cheo có thể đọc loạt bài "SỰ HỌC Ở PA CHEO" (link).

No comments:

Post a Comment

Nào mình cùng chia sẻ cảm nhận...