February 17, 2013

17-02

Hôm nay 17-02, vào FB và được nhắc nhớ. 34 năm trước 17-02-79 mình còn nhỏ, lần đầu tiên biết nỗi sợ hãi chiến tranh rất gần. Vẫn nhớ mình với mấy đứa em lít nhít đứng xem Ba cùng anh Quý đào hầm trú sau vườn, nhớ những chiếc xe tải đi qua đường trước nhà mình chở chật các anh lính rất trẻ vẫy tay chào tạm biệt tất cả mọi người trên đường, chào cả mình/ "chào mẹ con đi nhé"/ "chào em anh đi nhé"/ "chào cô bác cháu đi nhé"... và thấy mẹ khóc. Nhớ ngược chiều dòng xe lính là dòng người đeo xách, nhiều người mặc quần áo dân tộc, nhiều người già, trẻ em, mẹ bảo người trên biên giới họ chạy về. Nhưng nhớ nhất là mỗi sáng đi học mẹ lại lộn bên trong quần khâu cho mỗi anh chị em mình một chút tiền vào đó... bọn mình không hiểu gì, chỉ nhận biết mẹ khâu bằng nỗi lo lắng và nỗi sợ.

17-02!

17-02-1979 Trung Quốc bất ngờ nổ súng qua đất Việt trên toàn tuyến biên giới phía bắc, với 60 vạn lính tràn qua, có lúc tiến sâu và chiếm được thị xã Lào Cai, Lạng Sơn... trước khi bị đẩy lùi một tháng sau đó. Biết bao xương máu đã đổ trên dải biên cương phía Bắc của Tổ Quốc. Trong một buổi chào cờ đầu tuần trường mình có một chú bộ đội đến kể chuyện về trận chiến ở Lạng Sơn, nhiều điều mình đã quên nhưng có một chi tiết thì không quên được: Trung Quốc dùng chiến thuật lấy thịt đè người, tiểu đổi chú giữ chốt lia súng bắn không ngơi nghỉ mà lớp này bị đạn lớp kia họ lại tiến đến, một rừng người vô tận. Cứ thế, mình bắn đến hết đạn, cả tiểu đội không còn ai, riêng mình chú bị thương, nằm giữa đống xác giả chết, giặc giẫm tràn qua rồi bỏ, chờ đêm đến bò rừng về tuyến sau nên còn sống.
17-02-1079. 34 năm nhưng không qua đi vì suốt xưa đến nay Trung Quốc vẫn luôn lăm le mục tiêu bành trướng lãnh thổ các nước láng giềng trong đó có mộng thè liếm toàn bộ Biển Đông bằng 'đường lưỡi bò' tự vạch.
Vì lý do gì đó không được open, hơn 30 năm qua cuộc chiến phía Bắc gần như không được nhắc tới. Có thể người thân bạn thân đọc câu này sẽ lo cho mình, nhưng câu này í này mình trích trong bài đăng hôm nay trên báo THANH NIÊN đấy. FB hôm nay truyền nhau bài này bày tỏ yêu quý và cảm phục báo Thanh Niên. Thanh Niên đã làm được điều xoa dịu nỗi đau linh hồn của hàng vạn người lính đã nằm lại trên dải biên giới phía Bắc năm 1979, vì Tổ Quốc.

Mình rất muốn mọi người, bạn bè mình, và các bạn trẻ sinh ra sau 1979 đọc bài này, và hãy ủng hộ Thanh Niên: Nhìn lại chiến tranh biên giới 1979 (link)

Trung tâm Thị xã Lạng Sơn, 1979 (nguồn: báo Thanh Niên)

Còn đây là đoạn viết về một bức ảnh ứa máu (trên FB của nhà báo Lê Đức Dục) (link)

"Ở phòng khách của đồn biên phòng Pò Hèn (xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh) có một tấm ảnh đen trắng với dòng chú thích: "Tập thể cán bộ chiến sĩ đồn Pò Hèn, tháng 12-1978". Một tấm hình bình thường, được chụp vào dịp anh em đồn liên hoan cuối năm và đón năm mới 1979, nước ảnh đã ố màu thời gian.Nhưng nếu ai đã biết về huyền thoại Pò Hèn những năm tháng đó, sẽ giật mình hiểu ra. Bởi chỉ chưa đầy hai tháng sau khi tấm ảnh được chụp, hầu hết anh em cán bộ chiến sĩ có mặt trong tấm hình ấy đều đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược, bảo vệ biên cương Tổ Quốc vào tháng 2-1979. Máu những người lính trẻ ấy đã nhuộm đỏ ngọn đồi Pò Hèn, nhuộm đỏ khoảng sân đồn, nơi các anh em đã từng ngồi khoác vai nhau cười rạng rỡ trong bức ảnh mừng xuân… 
(xem bài trên Tuổi Trẻ sáng nay "Một ngày xuân bi tráng", tấm hình tư liệu này không đăng kèm bài, hầu hết những người có mặt trong ảnh dều hy sinh vào sáng 17-2-1979)" (Le Duc Duc FB)

Hôm nay 17-02, xin cúi đầu thắp một nén nhanh cho các anh, những người lính đã ngã xuống trên dải đất biên cương mùa xuân 1979 năm nào...


*** Có thể bạn muốn đọc:
- Các bài viết cùng chủ đề
- CHO MÌNH
- CẢM NHẬN VỀ CHIẾN TRANH

3 comments:

  1. Nhung ai la con dan dat Viet thi khong duoc lam ngo truoc ngay nay.

    ReplyDelete
  2. http://www.youtube.com/watch?v=eabIYP0B-Bc

    ReplyDelete
  3. Thắp thêm một nén nhang nha chị!

    Cám ơn những câu chữ, tâm tình trong bài viết này!

    ReplyDelete

Nào mình cùng chia sẻ cảm nhận...