June 30, 2013

Ngày dài

Sớm ra trời đã sáng nắng. Ngày dài. Lâu lâu sẽ có những ngày như vậy. Nhưng dài hay ngắn thì ngày rồi cũng trôi, không phụ thuộc vào í chí. Thì thôi để nó đi.

Bạn nhắn rủ cà phê. Ừ đi. Mặc dù chưa định được nội dung chuyện sẽ là gì. Thì, ngày dài.

Tìm một chỗ không xa nhà. nhắn. Bên kia bảo 'hay đi massage chân, cũng ngay gần đó thôi". Lại ừ.

Mình từ bao giờ nhỉ đã mon men vài lần những dịch vụ 'cho quý tộc' như này. Cốt gốc nhà có lớp có tầng tay trắng sau cải cách, tuổi thơ là gia đình nhà giáo thời bao cấp thiếu trước hụt sau cơm độn bo bo áo quần may đi may lại, nghe đi massage thấy nhớ khi là lạ nhìn cô gái trong bộ quần áo dân tộc Mông say sưa tám điện thoại di động ở chợ phiên Cán Cấu.
Nhưng cô gái ấy vẫn Mông, ỏn ẻn cười duyên xấu hổ khi mình xin chụp ảnh. Lát sau chiếc di động lại kêu cô lại say sưa tám.

Thì mình đi. Cà phê hay massage với bạn. Ngày dài.

Trở về

Đơn giản là bài hay cất về.

(HUY ĐỨC) Khi khép cánh cửa 21 Shepard, nhận ra mình sẽ không còn quay lại căn nhà này, bàn tay của tôi hơi sững lại, cảm giác như khi chia tay một người thân mà biết rồi sẽ không gặp nhau.
Thời tiết Cambridge đang ở thì đẹp nhất.
Tôi đã ở đây một năm.
Tháng 8-2005, tôi được một gia đình Mỹ ở vùng Washington, DC tình nguyện cho tạm trú trong nhà. Lúc đầu tưởng chỉ ở một tuần nhưng sau do việc bố trí nhà ở của trường có trục trặc nên tôi đã ở lại gia đình này ba tuần.

Jeff, tên người chồng, là một đầu bếp. Anh rất hiếu khách, bữa thì Jeff làm cá hồi đút lò, bữa thì steak. Tôi ăn uống rất nhiệt tình và tự bảo đồ Mỹ không ngán như mình tưởng. Cho đến ngày Vicky, tên người vợ, chở tôi đến trường. Khi xe chạy qua một khu mua sắm nhỏ, tôi nhìn thấy… “Phở 75″. Những bảng hiệu sặc sỡ khác bỗng chốc lu mờ. Bụng không đói mà tự nhiên cồn cào, tất cả các giác quan của tôi đều rạo rực. Tôi bảo Vicky dừng xe.

Vicky ngồi đợi tôi. Chị lịch sự cầm tờ báo cao lên, dán mắt vào đó để tôi tự nhiên. Không biết chị có đọc được chữ nào trong khi tôi xì xoạp húp. Không phải bao giờ cũng có dịp để nhận ra, một giọt nước mắm cũng khiến ta nôn nao, một câu hát cũng có thể chạm vào nơi yếu nhất.

Không như mấy thập niên trước, nước Mỹ bây giờ gần như vùng nào cũng có một cộng đồng Việt Nam, ở đâu cũng không quá khó khăn để kiếm phở và nước mắm. Anh Thái, một nhà báo ở khu quận Cam nói đùa: "Chỉ khi ra khỏi Mỹ tôi mới phải nói tiếng Anh".

Đang chạy xe trên "freeway" anh Thái thừa nhận: "Mình cũng đã từng quay quắt làm đủ thứ để trở về nhưng ở đây 5 năm, 10 năm, 20 năm… rồi cũng quen, rồi yêu nó lúc nào không hay Huy Đức ạ". Tôi biết anh nói thực lòng. Không phải tự nhiên mà năm nào cũng có cả triệu người xếp hàng chờ thẻ xanh, nước Mỹ là một trong những nơi có nhiều người muốn đến.
Thẻ xanh!
Ngày nay, những người yêu Việt Nam không nhất thiết phải ở Việt Nam mà nên ở nơi họ cống hiến được nhiều hơn. Một nhà khoa học mà về Việt Nam có khi lại lãng phí hơn là ở lại nơi họ có môi trường để góp phần tạo ra những thành tựu mới cho khoa học. Chưa biết bao giờ Việt Nam trở thành quốc gia có thể đóng góp cho thế giới những giá trị mới. Nhưng người Việt trong nước vẫn đi lại bằng Airbus, Boeing và nhiều bạn trẻ vẫn có trên tay những chiếc I-phone gần như đồng thời với thanh niên Mỹ.

Nhưng có những người được chuẩn bị để có thể tạo ra những giá trị toàn cầu trong khi nhiều người khác lại chỉ có thể làm những công việc hoàn toàn nội địa. Có những người muốn thay đổi thế giới trong khi có những người lại chỉ muốn chăm sóc vườn tược của mình. Có những người thích cầm ly Starbucks bước vào những building trong khi có người chỉ thấy thoải mái khi ngồi bệt bên hàng chè chén.

Tôi không muốn bắt đầu một hành trình có thể đẩy mình đi quá xa với nơi mà mình yêu thương.

*** Nguồn: Hiệu Minh Blog

June 23, 2013

Chủ Nhật tháng 6

1. Khi xóm blog thân dạo này lắng, mình cài vào bloglist links của Hiệu Minh Blog và Blog Đào Tuấn, đều là hai blog viết có tầm và có gu. Thật là mình vẫn đọc hai blogs này từ lâu. Đào Tuấn là bạn mình (CT) còn Hiệu Minh blog mình biết từ hồi đọc blog 'Thích Học Toán' của Ngô Bảo Châu.

Hôm nay ở HM Blog có bài 'gởi Hải Phòng' mà Tiên Lãng (linklink). Một người lính đi chiến trường, đánh nhau đến nỗi mất trí cô độc lang thang vất vưởng bốn chục năm, cuối đời run rủi bỗng tìm về được quê hương có ngôi mộ liệt sĩ của chính mình mà người dân hỏi chính quyền về chế độ lại được câu trả lời "ông ấy không giữ được giấy tờ gì nên rất khó". Bác HM bật than "bệnh vô cảm của chính quyền đã đi vào tới cao hoang, vô phương cứu chữa" mình thật không nghĩ dùng từ 'vô cảm' trong trường hợp này nữa, vì vô cảm là từ dùng cho người. Hết gu gờ chấm Tiên Lãng giờ đến những con sâu dư lày, hỏi sao dân không quá nản chỉ biết nhìn lên trời mà than.

2. Bạn Mei, 1999, vừa tốt nghiệp lớp 8 trường PTDL Nguyễn Siêu. Đặc điểm là bạn thường sắp xếp các điều bạn đọc, nghe, hấp thụ lúc này hay lúc khác thành những mạch đôi khi tới vài chục năm sau. Tối Thứ 6 đi đón bạn đi chơi nhà bạn Thảo Mi về, trên xe máy chuyện trò tới một khúc thế này:

Mei: Sau này khi mẹ bằng bà ngoại Mei sẽ tìm cho mẹ một chỗ dance sport.
Mẹ: Sao lại dance sport?
Mei: Thì để tập sức khoẻ, như ông bà ngoại bây giờ í.
(em lo mẹ mình ên)
Mẹ: Không, ông bà ngoại là dancing khiêu vũ cho người già, còn dance sport là nhảy nhảy, trẻ trung, cho người trẻ.
Mei: À vâng, thì Mei sẽ tìm cho mẹ lớp dancing.
Mẹ: À.. ừ, nhưng Mei phải đi cùng mẹ chứ, đi dancing một mình buồn mà không nhảy được.
Mei: Vâng khi nào Mei đi được Mei sẽ đi cùng mẹ.
Mẹ: Ừa có khi Mei bận đi làm nhỉ.
Mei: Vâng, nên Mei nói khi nào Mei rảnh Mei đi cùng. À Mei sinh xong Mei đi nhảy cho nó đỡ mập.
Mẹ: Mei sinh em bé á?
Mei: Vâng, sinh xong em bé Mei đi dancing cùng mẹ.
Mẹ: À ừ đúng rồi, sinh xong em bé thì cần tập giữ dáng.
(bạn í nghiêm túc nghiêm túc làm chẳng dám cười ;)

3. Hôm qua hẹn hò nấu món ốc chuối đậu cho Dim Mei nhưng món ốc của mình không thành công. Bảo "mẹ sẽ nấu lại một ngày nào đó khác, mai mẹ nấu bún bung - bún canh sườn nấu dọc mùng trả bù". Hai bạn dzeee, món ưa thích mà. Hôm nay nghe TV báo bão vào, sáng dậy chưa thấy mưa rủ Mei đi chợ mua đồ nấu bún bung thêm luôn món chả lá lốt. Lại cũng món khoái khẩu nên được hào hứng ủng hộ. Em Mei gói chả, Dim dọn bếp và rửa chén. Cả buổi sáng chỉ bếp, canh bún và chả đều rất thành. Trời mát, tốt cho một ngày cuối tuần.


4. Mình cần những ngày bình an thế này, và cầu nguyện. Qua tuần sau ba xuống khám lại, bệnh lành nhé ba.

June 21, 2013

Con gái đẹp

Mình đọc được bài này, xuất phát từ lời yêu cái đẹp của chàng trai người Pháp qua cô bạn gái gốc Hà Nội. Mình không chốt vào chữ 'con gái Hà Nội gốc', đơn giản là hoàn toàn ưng cái đẹp con gái trong bài này - cái đẹp mà mỗi cô gái đều có thể tự trau dồi được, với thời gian, miễn là biết để ý, có sự tinh tế, ham đọc hiểu và được sự hướng dẫn chỉ bảo ban đầu.

"Con gái đẹp đi đâu cũng chẳng lẫn, không phải vì mầu da trắng như trứng gà bóc hay dáng người thanh mảnh mà vì cốt cách thanh tao, lịch lãm của một cô con gái gia đình nền nếp, được giáo dục từ gốc. Con gái đẹp mềm mỏng, ý nhị, tươi tắn, ăn mặc không cầu kỳ nhưng nền nã, trang nhã, lịch sự chứ không phải những bộ đồ model hở trước hở sau.
Con gái đẹp cáu giận cũng biết nói lời chua cay nhưng không tục tằn thô lỗ, không đay đả, lắm điều.
Con gái đẹp ngày nay mang tác phong công nghiệp nhanh nhẹn, gọn gàng, ngăn nắp. Họ mạnh dạn, tự tin, cũng điệu đà thích làm đẹp, làm duyên nhưng không quá lố hở hang khêu gợi, không sặc sỡ..."

Lẽ đương nhiên quan niệm thế nào là đẹp có thể khác nhau. Mình chỉ mong thấy các con gái đều biết hướng bản thân trở nên đẹp, làm đẹp cho cuộc sống.

---------------------
Một chàng trai người Pháp nghiên cứu văn hóa Việt, nhìn máy cô sinh viên tập quân sự về rửa chân bên máy nước, anh chỉ một cô gái da màu bánh mật nhỏ nhắn bảo: "Cô gái ấy là dân Hà Nội xịn đấy, còn các cô kia là dân ngoại tỉnh hết...". Rồi anh gọi to: "Cô gái Hà Nội ơi!". Cô gái hơi giật mình, quay lại, ngơ ngác. Anh cười đắc thắng: "Thấy chưa. Mình đoán sai bao giờ, không tin ra hỏi mà xem..."

Anh bảo: "Con gái Hà Nội xịn (là Hà Nội gốc đấy) đặc biệt lắm. Nhìn mà xem, cô ấy rất ý tứ, không chen lấn tranh giành máy nước như mấy cô kia, mà cô ấy kéo cái ống quần lên cũng rất ý tứ, không kéo cao như mấy cô kia, cũng không cười nghiêng ngả, hô hố, như mấy cô kia...".

Chàng trai Pháp ấy khoe, anh có cô bạn gái người Hà Nội xịn rất quyến rũ. Cô ấy lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng, ăn mặc không cầu kỳ nhưng nền nã. Dáng đi của cô cũng rất duyên, nhẹ nhàng cứ như lướt, dù cô đi giầy hay đi dép cũng không cành cạch, chát chúa. Anh thích nhất tiếng nói của cô, cứ ngọt lịm, dịu dàng, rõ ràng, chuẩn xác khác hẳn các cô gái khác...

Anh bảo: "Ở trên đất Hà Nội nhưng nhìn những cô gái model, phấn son lòe loẹt, quần áo diêm dúa, sặc sỡ thì đừng tưởng đó là con gái Hà Nội xịn. Mình chắc chắn, đó là các cô nguồn gốc tỉnh lẻ, chứ con gái Hà Nội xịn ăn mặc rất trang nhã, lịch sự bởi họ có khiếu thẩm mỹ bẩm sinh, được cha mẹ truyền con nối..."

Anh phân tích: Con gái Hà Nội đi đâu cũng chẳng lẫn. Không phải vì mầu da trắng như trứng gà bóc hay dáng người thanh mảnh, mà vì cốt cách thanh tao, lịch lãm của một cô con gái gia đình nền nếp, được giáo dục từ gốc. Con gái Hà Nội thanh lịch từ cách ăn uống. Cho dù đói đến mấy cũng ăn từ tốn, chậm rãi từng miếng nhỏ, khi nhai không phát ra tiếng kêu chóp chép. Cho dù khát đến mấy cũng uống từng ngụm nhỏ chứ không ngửa cổ tu ừng ực...

Con gái Hà Nội cáu giận cũng biết nói lời chua cay nhưng không tục tằn thô lỗ, không đay đả, lắm điều, không văng tục, chửi thề... Con gái Hà Nội nói lời dịu dàng mà không đong đưa giả dối. Con gái Hà Nội điệu đà, thích làm đẹp làm duyên nhưng không quá lố, không hở hang khêu gợi, không sặc sỡ lòe loẹt.

Cái duyên ngầm của người con gái Hà Nội nhìn càng đắm ngắm càng say, chính là những bộ trang phục nền nã may rất khéo, rất hợp với thân hình, dáng vóc họ chứ không phải ở những bộ đồ model hở trước hở sau. Thế nên anh chàng người Pháp kia nể con gái Hà Nội lắm, vì ở môi trường nào họ cũng mang tác phong công nghiệp nhanh nhẹn, gọn gàng, ngăn nắp. Họ mạnh dạn, tự tin.

Dù Hà Nội nghìn năm muôn vàn thay đổi thì con gái Hà Nội vẫn tiếp thu được nếp sống của mẹ, mềm mỏng, ý nhị, tươi tắn, lịch sự… Con gái Hà Nội không chém to kho mặn, mà rất cầu kỳ từ cách chọn mớ rau miếng thịt cho đến cách nhặt rau thái thịt, cách nấu nước, cách bầy biện… Bữa cơm của người Hà Nội không chỉ ngon mà còn đẹp mắt, sạch sẽ.

Con gái Hà Nội chẳng lẫn vào đâu được bởi giọng nói chuẩn xác, ngọt ngào, rất thanh và cũng rất dịu của đất kinh kỳ.

Chàng trai người Pháp ấy rất tự hào vì cô bạn gái người Hà Nội xịn của mình. Nhưng ở Việt Nam này, không chỉ con gái Hà Nội xịn mới đẹp, mới duyên mà tất cả những cô gái được giáo dục nề nếp đều duyên, đều đẹp. Nhiều gia đình Việt kiều sống trên đất nước tự do, hiện đại, tiên tiến nhưng vẫn giữ nếp nhà, lễ giáo của một gia đình gốc Việt. Con cái sinh ra trên đất khách nhưng họ vẫn dạy con tiếng Việt, về nhà vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. bố mẹ kể cho con cái nghe những câu chuyện về gia đình, nếp sống Việt Nam, kể cho con nghe về họ hàng để con cái không quên cội nguồn. Mẹ nấu những món ăn của người Việt để con không xa lạ với quê hương. Dạy con phong tục của người Việt cưới xin, cúng giỗ để để con mãi mãi vẫn là người Việt, đẹp người đẹp nết...

(Nguồn: hcm.24h.vn)

June 18, 2013

Quãng ngày dài ngắn

Hà Nội hè. Ngày nóng.
Chiều tối đi bộ ra phố. Xe cộ chạy ù ù ngoài đường. Đường bận người bận. Lúc nào cũng bận đến mức mình chỉ nghe tiếng ù ù thấy phố lướt lướt, chẳng nhìn nữa.
Mình đi và đi.
Ý nghĩ cứ lơ lửng (những khi đi và đi ý nghĩ luôn lơ lửng), rằng thời gian này với mình sao mọi thứ đều như ở khúc dừng lửng. chờ.

Sức khỏe của Ba. Mọi thứ như đang rất ổn. Hôm nay gọi về giọng Ba trong máy vẫn bắt đầu bằng tiếng cười hồ hởi như mọi khi "LO à, gọi từ đâu đấy" (giờ mà chắc chắn con ở cơ quan chứ chẳng đâu khác). Ừa biết tuổi già chẳng thể mãi mãi như này, mà chẳng cứ tuổi già, chẳng ai có thể nắm chắc hoàn toàn trong tay ngày mai, tháng sau, vài năm nữa. Nhưng cho người thân quý thì mình vẫn mong mãi mãi thế đừng có gì thay đổi. Xin ông Trời cho ngày dài thêm.

Công việc cũng như đang quãng tạm chờ, mọi thứ dường như ổn mà cảm giác vẫn cứ như đang không hoàn toàn vững yên. Có gì đó phía trước không, không có gì rõ ràng lắm. Thì thôi kệ đi. Không sức ép và không tạo cho mình ép. Tập trung không care gì ngoài việc. May thời gian này việc nhiều đủ để mình kín ngày chưa bị ớn ngán. Hào hứng ơi đừng đi.

Dim Mei không còn nhỏ để ỉ ngả vào mẹ cũng chưa lớn đến tách rời. Hôm rồi sau đợt đi SG, ba bạn đứng đo và cân. 1.60, 1.60. 1.61/ 48.4, 47.9, 49.2. Thời điểm vàng của 3 đã qua, em Mei vượt lên cả cao và ký. Ba tuần nghỉ hè em tăng hơn 1 kg đang nhằn nhằn 'Mei không muốn mập'. Hai chị em đang những ngày nghỉ toàn bộ. Không giờ học. Không đưa đón. Nghỉ, nằm dài, net, và chơi. Ngày có lúc giữa bận chợt nhớ gọi về hai chị em tỉnh qoeo (chả cần) - tụi con đang đi chơi với các bạn/ tụi con đang đi shoping. Tối thỉnh thoảng vẫn có cái tay nào đó rờ tai vặn vặn. Chờ lớn.

Có những ngày quãng chờ, mà không muốn vùng vẫy, không xin gì, không muốn nói cho mình. Tâm trạng cứ vậy không thành nét. Từng ngày một. Đi và bước đi. Như là chạm vào gì cũng có thể làm vỡ.

June 14, 2013

Bông hồng cài áo

Nửa đầu Tháng 6. Dim Mei vào SG như mọi năm mỗi đầu kỳ hè - những Tháng 6 hay đùa với bản thân being a wild single woman nhàn cư vi bất thiện, hét toáng dọa dẫm sẽ làm một vài điều điên rồ dở hơi không phương hại. Mà năm nay không. Dim Mei mốt ra lại. Cũng mong nhịp ngày trôi kín. Mình giờ sợ thời gian trống.

Trong năm lịch cho cuối tuần thường phải xếp list. Không hiểu sao thường là lịch nhiều hơn dịp, nhiều khi lịch dồn, sắp trước cả hai ba tuần chả cuối tuần nào rỗng (tất nhiên dành nguyên một ngày ở nhà nằm đọc sách và nấu nướng với Dim Mei cũng là một lịch có tên). Thế mà tuần rồi, rất lạ, tới giữa tuần mình vẫn không định gì cho hai ngày nghỉ weekend dù có lúc về nhà thấy thật vắng lặng. Tuyết về quê. Cuối tuần mình ên. Có vài việc có thể làm. Mẹ hẹn 'khi nào mẹ xuống chơi' mà chưa chốt lịch. Có cả bạn muốn kéo đi chơi xa. Nhưng có một điều gì đó không rõ ràng cứ lần khân lưỡng lự không giải thích được, nên cứ tạm gác lại mọi dự tính. Lại tự giải thích là mình lười.
Giờ lật lại nghĩ rằng đó là dự cảm, dự cảm có việc cần đến mình. Đấng sinh thành.

Thứ 5 đó gọi Thái Nguyên hỏi mẹ cuối tuần xuống HN nha mẹ. Trả lời mẹ không xuống vì ba ốm - có gì đó bất thường với bệnh ba đã sống chung 3 năm nay. Lập tức hỏi. Thì ra ba giấu bệnh tự đi BS tự mua thuốc uống. Lập tức bảo ba xuống ngay HN, đi khám, cần BV uy tín.
Ba đang 4 - 5 bệnh trong người, mà Người cứ tự tại sống chung, coi như đều 'bệnh lành', coi như không gì quan trọng. Về chơi hay gọi điện lúc nào cũng thấy cười vui vẻ, thoải mái, mở lòng, hồn hậu. Yêu Ba.

Kể cả khi đi khám, xem kết quả, tư vấn bác sĩ, mình đọc được người lo cho mọi người lo lắng nhiều hơn lo cho bản thân. Cho bản thân người, mọi việc với người nhẹ thôi.

Đi làm, trưa chạy về cơm với ba. Ba lại bảo không phải về, ba tự ăn được, chạy về nắng nôi vất vả. Rồi nghe nói chuyện với Quỳnh 'mai khám xong ba về Thái Nguyên, ba ở đây chị LO đi làm trưa cứ chạy đi chạy về, vất vả lắm'. Hôm sau phải vừa ra lệnh vừa năn nỉ 'Ba chưa về được! Đang vậy đi xe đò chật chội nóng nực sao được. Trưa ba ở nhà tự ăn con sẽ không chạy về nữa, con hứa".
Mà ba không biết LO muốn về nấu cơm ăn cơm với ba. Những bữa cơm có hai mình thôi mà vui, tiếng nói tiếng cười. LO bày cơm rồi mình bàn nhau chụp hình gởi về mẹ, nghe mẹ gọi xuống hờn mát "ông xuống con gái mâm cơm đàng hoàng nhá, lại ngồi với lọ hoa nhá, tôi biết ai hơn ai rồi :D)".

Muốn chăm sóc mà lại sợ cảm giác ủy mị. Sợ bị đọc. Người nhà mình ai cũng để ý đọc ai, khó dấu.

Chỉ mong người cứ mãi thế này. Con cứ muốn 10 năm, 20 năm nữa vẫn nấu những bữa cơm như này, thấy ba cười vui vẻ hào hứng. Yêu Ba lắm. Cứ thế này nha Ba.

*** Có thể bạn muốn đọc:
- BA MẸ

June 05, 2013

Dáng duyên

Sáng nay trên bus gặp một em quen quen kiểu thường đi xe cùng tuyến cùng giờ. Cái júp công sở lẽ trên đầu gối 1 tị, khi ngồi co lên gần giữa đùi, hai cái đầu gối em ngự cách nhau tính tiết kiệm cũng nửa gang tay một cách vô cùng thoải mái. Đùi em bự quá! Da em cũng trắng, tóc em cũng uốn xoăn cũng nhuộm nâu, chân em cũng sơn móng sẫm màu, thế mà cái cách em để đùi bự xả láng tự do làm mọi thứ trật lấc hết cả. Thật sự là.. huhu.

Chân thành, mình vô cùng ngại dùng cái từ mà đôi khi người ta gọi tên cho cảm giác 'tởm'. Nhưng mà, nhưng mà... đúng thật là... tệ oan cái váy!

Con gái mặc váy đầm ngắn phải có tí để ý. Cái váy đầm là để khẳng định nữ tính (trừ một số dân tộc đờn ông quấn xà rông như Lào hay Ai len), thế nên nữ phải tính khi mặc váy đầm, ai lại tuỳ tiện thế. Tệ oan chị em.

Không biết các bà mẹ có con gái mất bao nhiêu thời gian để hướng dẫn con gái khi mặc váy phải có ý thế nào, thế nào thì đẹp thế nào thì, ta nói, làm xấu oan váy đầm. Ngoài việc chọn dáng, kiểu, màu sắc, chất liệu phù hợp với người với cảnh, thì còn dáng đứng dáng ngồi khi váy - quan trọng lắm í chẳng kém tị nào. Mình, có Chúa chứng dám, mất hai lần mỗi lần không tới một phút trò chuyện về dáng ngồi khi váy với Dim Mei: một lần trong bữa tối dẫn chuyện mẹ gặp một cô mặc váy ngồi xoè hai gối (kiểu cô váy xe bus trên kia) rồi bảo nhớ nhá váy khi ngồi hai đầu gối phải chụm khép/ chụm dài thêm hai gióng chân là dáng quý cô, bắt chéo là tự tin, xòe hai chưn dài thì ra vẻ đẹp teen thế kỷ 21, nhưng điểm chung luôn là chụm hai đầu gối, nhá. Lần thứ hai sửa tư thế ngồi cho bạn Dim hay Mei mình quên rồi khi cả nhà ngồi coi TV chuyện trò sau cơm tối ở phòng chung, nhân thể nhắc lại lý thuyết dáng ngồi (lỡ quên). Lần chót (thực tế) mất đúng hai giây, là khi mình chở Dim Mei sau xe vô tình (và cố tình) đối trực diện xe máy một mẹ trung trung tuổi mặc jup ngắn - chạy xe số đầu gối đâu chụm được, ối giời underwear trăng trắng lộ rành rọt trong luồng ánh đèn pha, Dim Mei không dám cười to, hí hí suốt một đoạn đường dài, mà chính xác là cả ba chúng tớ cùng hí hí.
Chả biết váy ngắn hở hênh đi xe đó ở đâu để mà cảm ơn đã cho hai chưn dài bắt đầu tuổi vị thành niên của mình bài học thực tế giá trị. Cảm ơn thôi :)

(hình trong bài chôm từ anh gú khi sớt "dáng ngồi". Hình 1 là từ khoá học thanh lịch dành cho nữ sinh)