December 10, 2007

THĂM SƠN BỆNH

Hôm nay là một ngày, vừa như thường nhật, vừa lẫn lộn nhiều xúc cảm – tản mạn – ký ức trong veo tuổi thơ trộn lẫn với bụi đường và những nho nhỏ của cuộc sống Hà nội ngày thường.

Sáng chở con đi học. Bé Mei ngồi sau xe máy mẹ vừa đi vừa hát, vô tư như mình ngày trước. nếu không có cái khẩu trang mẹ bắt mang vào che bụi thì chắc là cả chú công an đứng bên đường kia cũng nghe thấy tiếng con hát, át cả tiếng xe ầm ào giờ cao điểm buổi sáng.

Trở về nhà, buổi sáng trên căn hộ tập thể tầng 4 yên tĩnh đến ngơ ngác. Dòng người, xe, bụi... như đã ở đâu đó rất xa. Khu tập thể này rất cũ, vì thế mà khoảng cách giữa hai dãy nhà rất rộng, đủ để không chắn tầm mắt, đủ để có thể ngồi bên cửa sổ và ngắm nhìn tán lá xanh của một cây to được trồng ngay trên giữa sân, chen giữa hai dãy nhà.

Nhấc điện thoại. Các bạn đã đến Sóc sơn. Hôm nay các bạn cùng lớp phổ thông xưa tụ tập lại để về Hà Nội thăm lớp trưởng cũ, ung thư, giai đọan “đau nhiều”, đang nằm ở viện 198 (bộ CA). Hiền, sáng sủa, nề nếp, bố mẹ đều trí thức…niềm ngưỡng mộ của cả đám con trai và con gái trong lớp ngày xưa, cuối cùng lại bị cuộc sống quật ngã. Những sai lầm, rượu, những cơn say triền miên, rồi bây giờ là căn bệnh quái ác. Cho dù ra ngoài ai có nói gì, thì đối với bạn học ngày ấy, vẫn là cái tình bạn xưa kia. Nên chỉ thấy xót xa, và tiếc.

Hơn 10h. Gặp cả nhóm ở cổng bệnh viện. 2 xe con từ Thái Nguyên, số ở Hà nội đến bằng xe máy. Vào thăm bạn. May lúc ấy không phải đang cắm truyền thuốc nên bạn có thể ngồi dậy, cả đứng dậy nữa. Rất cảm động. "Tôi hứa với anh em là cho dù tôi có ra đi, trước khi đi thế nào cũng về uống với anh em một chén, chỉ vốt ca Hà nội thôi. Ngày hôm ấy mình có một yêu cầu, mình muốn Nga 'ti' mặc váy". Lại cười lẫn mếu….Cả lớp chào bạn về, mình đi cuối, nhìn thấy bạn quay đi, còng người vì cơn đau và đưa tay quyệt nước mắt. Đau lòng.

Giờ trưa, cùng nhau đi ăn trước khi các bạn ở Thái Nguyên trở về. Phải mất một lúc để những câu chuyện hàn huyên về thời đi học xua đi được không khí trầm lắng sau bệnh viện. Vì sao cái Thuý lại bị gán với tên "Liểu" nhỉ ? Chị Hương B ngày ấy cao, xinh ơi là xinh... bây giờ hoá ra lại cao bằng tụi "ti ti" chúng mình này ! Các thầy cô bây giờ còn ai ở trường không ? Lớp mình có những ai năm nào họp lớp cũng vắng mặt ? vì sao thế ? Có mấy người đã "đi", vì......Ký ức ùa về, xen lẫn hiện tại. Xốn xang.

Chào, vẫy tay, và hẹn gặp. Dường như dã qua một khoảng khắc. Một mối quan tâm chung kéo mọi người gần lại. Rồi ai nấy lại tản về với cuộc sống của mình.

Mình cũng vậy. Trở về. Đã quá giờ nghỉ trưa,thôi không về mà chạy thẳng đến cổng Học viện hành chính quốc gia. Chuẩn bị kết thúc khoá học chuyên viên, 1 tuần nữa nộp tiểu luận. Đi mua tiểu luận cũ để về "xào lại". Vòng đi vòng lại qua mấy tiệm photocopy mà chưa ghé. Gần 40 tuổi, một chút thanh lịch, một chút trí thức….đi hỏi mua tiểu luận cũ…Thấy cảm giác gì giống như ngượng. Nhưng tự mày mò tìm "tình huống" trong "quản lý nhà nước", rồi phân tích, mổ xẻ, loay hoay cả tuần cho việc đó… ư? Thôi đi. Lãng phí quá. Với lại, đã hỏi cả các vị lớp trước, cả sếp phó mình, đều cho lời khuyên là "đi mua" hoặc "xào lại" bài của ai đó - lại còn chỉ cho mình đến đây đó thôi. Chẹp...

"Chị ơi, cho hỏi có đĩa tham khảo cho tiểu luận của học viện hành chính không ạ ?". "Đĩa thì không có đâu, chỉ có bản photo thôi – Đó, cô chọn đi". Một anh, tóc điểm bạc, nhìn cũng... "chuyên viên" ghé vào hỏi tiểu luận (cũng hỏi nhỏ nhỏ, giống mình...hì). Cái chồng mình loại ra, đưa qua anh ấy chọn... Chuyện này, đúng là phổ biến thật. Vì nó tiện quá đi ấy chứ.

Chọn lấy 5 bản. 50 ngàn. Không, phải để photo lại đã. À thế mà quên nhỉ, phải để cho những người đến sau còn có mà chọn nữa chứ !

Đón con về, rồi đi trực tối. Sáng mai xuống ca, là một ngày mới bắt đầu.

July 30, 2007

Chào Melbourne

Về Việt Nam. Mình và Dim về nhé. Chào Melbourne. Tạm biệt và không biết có bao giờ gặp lại. Chào thân yêu...

July 27, 2007

CÒN 3 NGÀY NỮA CHIA TAY

Hôm nay mới đọc được blog của Hiệp con, viết cho cả nhà. (http://blog.360.yahoo.com/blog-1jvdqhw_fLPYofUrhY8-?cq=1). Không lẽ lại cảm ơn - không, như thế e là khách sáo. Mình thật sự cảm thấy ấm áp khi đọc những dòng blog Hiệp con viết. Hiệp con vẫn tự nhận nửa thật nửa đùa "đa nhân cách" - đôi khi cũng đúng. A youngster, chưa hết tuổi SV (còn mấy ngày nữa mới hết, tính đến tháng 6/2007), nhìn thì nghịch ngợm, suốt ngày chịu trận cho trẻ con làm gấu bông chơi, lại là chủ nhân của những dòng cảm nhận có chiều sâu đến vậy !

Mình cũng sắp về rồi. Vậy là hơn 2 năm để "refresh cái đầu mình" đã gần hoàn thành nhiệm vụ của nó. Do want to say thank God for awarding me this valuable trip, thank The Being for giving me a way whenever I feel heavily down, feel like totally get lost, no way to go...

Ngày về đã rất gần rồi. Mình đi ngủ đây. Rất nhiều tâm trạng lẫn lộn, lẫn với cảm giác vô cùng bận rộn. Những việc cần làm, đã ghi vào giấy rồi, đọc đi đọc lại, mà nhiều lúc vẫn luống cuống không nhớ nổi việc gì mình cần làm hôm nay, việc gì ngày mai ....

June 26, 2007

Jun 25 2007

Oh, mở NK ra chẳng để viết gì hết, vì buồn ngủ quá. Trời lạnh, đêm lại yên tĩnh vô cùng, chắc đi ngủ thôi :)

June 05, 2007

TÂM TRẠNG

Sắp về.

Cảm giác hồi hộp ngấm đến từng bước chân, mỗi khi mình bước đi trên những con đường nhỏ, yên tĩnh, với những ngôi nhà đặc trưng kiểu Anh ở Melbourne này. Không phải cảm giác hồi hộp của đứa trẻ trước chuyến đi chơi xa, mà là cảm giác sâu thẳm của một người đủ lớn để biết khi đi xa muốn trở về đất nước ruột của mình, trở về bên những người thân yêu.

Một người có tâm hồn, và không đặt ưu tiên lớn nhẩt cho chuyện kiếm tiền và một cuộc sống sung sướng về vật chất, sẽ hiểu rõ và cảm thấy quý những giá trị mà trong sâu thẳm mỗi người Việt 'tha hương' luôn đau đáu: hạnh phúc khi được sống ở đất nước của mình, "ra đường được nói tiếng Việt, được nghe tiếng Việt". Mình tự hào, mình cảm ơn cha mẹ, cảm ơn sự ưu đãi của ông Trời cho mình có được sự tự tin, sự hiểu biết đủ để cảm nhận được rõ ràng cuộc sống của chính mình, về những điều mình có, để không nuối tiếc những giá trị nơi đây không thuộc về mình, khi vui vẻ chào tạm biệt Melbourne sau 2 năm 'sống và học tập' ở nơi này.

March 26, 2007

Entry for March 25, 2007

Sáng chủ nhật, hai mẹ con dậy sớm, đọc báo. Đọc lại cho Dim nghe chuyện về Xa Diễm(link) mà giọng cứ nghẹn lại, nức nở. Hai mẹ con khóc trước câu chuyện thương tâm của cô bé rất nghèo, và "đã rất ngoan".

"...Lần đầu tiên đòi bố mua cho một bộ quần áo mới, khi biết mình sẽ chết, Xa Diễm đã được cha và cô đưa ra thị trấn, mua một bộ màu hồng, hết 30 tệ (60.000VNĐ)."

Có thể làm một phép so sánh nhỏ để thấy còn vô cùng nhiều những em bé rất rất nghèo trên thế gian này.

March 24, 2007

Xa Diễm "Con đã từng được sống, và con rất ngoan"

Mình đã vừa đọc vừa chảy nước mắt khi đọc bài này về Xa Diễm. Trái tim thắt lại, nước mắt cứ trào, trào ra theo mỗi dòng, và trước câu nói của bé "Con đã từng được sống, và con rất ngoan"
-------------------------------------------------------------

TT - Nếu không có phóng viên Truyền Diễm của tờ Thành Đô Buổi Chiều, chắc Xa Diễm sẽ chỉ như một phiến lá cây khô rụng xuống, lẳng lặng bị cuốn đi theo gió.

Mồ côi, cô bé Trung Quốc chỉ sống trên đời vẻn vẹn chín năm; câu nói cuối cùng của cô bé được khắc trên bia mộ: “Con đã từng được sống! Và con rất ngoan!”.
Hình: Xa Diễm trong bức ảnh cuối cùng với cha nuôi (Tuoitreonline)

Xa Diễm được Xa Sĩ Hữu phát hiện ngày 30-11-1996 khi bị vứt trong đống cỏ bên chân cầu ở thị trấn Tam Tinh, tỉnh Tứ Xuyên. Gà trống nuôi con, không có sữa mẹ, cũng không có tiền mua sữa bột, chỉ có cháo trắng. Vì thế, Xa Diễm từ nhỏ đã còi cọc, yếu đuối, lắm bệnh, nhưng là một đứa trẻ vô cùng ngoan và hiểu biết. Lên năm, em đã biết giúp cha nuôi làm việc nhà, giặt giũ quần áo, nấu cơm, cắt cỏ...

Tháng 5-2005, Xa Diễm bắt đầu thường xuyên chảy máu cam. Một buổi sáng ngủ dậy định rửa mặt, đột ngột em phát hiện cả chậu nước biến thành màu hồng. Nhìn kỹ, là máu mũi đang nhỏ giọt xuống, không cầm máu được. Xa Sĩ Hữu đưa con đến Bệnh viện Thành Đô, đúng lúc bệnh viện đông người cấp cứu. Xa Diễm không lấy được số thứ tự xếp hàng khám, ngồi một mình ngoài ghế, tay bịt mũi, hai đường máu chảy nhuộm hồng cả nền nhà.

Phát hiện ra, bác sĩ cuống quít ôm Xa Diễm đi khám. Xa Diễm mắc bệnh máu trắng (bạch cầu cấp). Chi phí điều trị căn bệnh này cần 300.000 tệ (600 triệu VND). Cha em quyết định bán cái duy nhất có thể ra tiền là căn nhà. Nhưng nhà quá rách nát nên chẳng thể tìm ra người mua. Xa Diễm kéo tay cha lại, chưa nói mà nước mắt đã trào ra: “Cha ơi, con muốn được chết... Bệnh này không chữa được, cha cho con ra viện đi...”.

Ngày 18-5-2005, bệnh nhân chín tuổi Xa Diễm thay mặt người cha mù chữ, ký rành rọt tên vào trong cuốn bệnh án của mình: "Tự nguyện từ bỏ chữa trị". Hôm đó về nhà, cô bé từ nhỏ đến lớn chưa từng vòi vĩnh bất cứ điều gì, đã đòi cha hai yêu cầu: một tấm áo mới và được chụp một bức di ảnh.
Hình bên: Bia mộ của Xa Diễm với một bức ảnh cô bé cười mím môi, tay cầm một bông hoa dại bé xíu. Mặt chính của bia chỉ ghi vỏn vẹn: "Con đã từng được sống, con rất ngoan! (30-11-1996 - 22-8-2005)".

Ngày hôm sau, cha Xa Sĩ Hữu nhờ người cô đi cùng đưa cháu lên thị trấn, tiêu hết 30 tệ (60.000 VNĐ) mua một bộ quần áo mới, Xa Diễm tự mình chọn một chiếc quần cộc màu hồng phấn, người cô chọn cho Xa Diễm một chiếc váy trắng chấm đỏ, nhưng khi Xa Diễm mặc thử, thấy tiếc rẻ nên lại cởi ra.

Ba người đi đến tiệm chụp ảnh, Xa Diễm mặc bộ đồ màu hồng mới tinh, ngón tay đưa ra hình chữ V, cố gắng mỉm cười, nhưng cuối cùng cũng không kìm được để nước mắt chảy ra. Em đã không thể đến trường nữa, em xách cái cặp đứng trên con đường nhỏ đầu làng, mắt ươn ướt.

Khi bài báo "Đứa trẻ 8 tuổi tự lo hậu sự" của phóng viên Truyền Diễm đăng tải, cả thành phố Thành Đô cảm động, giới sử dụng Internet toàn Trung Quốc truyền nhau câu chuyện. Những người có lòng tốt bắt đầu quyên góp để cứu sinh mệnh mong manh của cô bé. Trong mười ngày, số tiền quyên góp lên tới 560.000 tệ, đủ để chi phí phẫu thuật, và hi vọng cuộc sống của Xa Diễm lại được thổi bùng lên từ bao trái tim nhân ái. Các bác sĩ cũng cố sức, dốc hết sức lực và tài năng chuyên môn để cứu chữa cho Xa Diễm, ai cũng hi vọng thành công.

Ngày 21-6, Xa Diễm được đưa về Thành Đô, vào bệnh viện nhi. Tiền có rồi, sinh mệnh mỏng manh có hi vọng và có lý do để tiếp tục được sống. Rất nhiều người từ thành phố vào bệnh viện thăm em, trên mạng nhiều người hỏi thăm em, số mệnh của Xa Diễm làm mạng Internet xa lạ trở nên đầy ắp ánh sáng.

Nhưng tác dụng phụ của hóa chất trị liệu rất đáng sợ. Và so với hầu hết những đứa trẻ bị bệnh máu trắng khác, thể chất Xa Diễm rất yếu ớt. Sau đợt phẫu thuật, sức khỏe Xa Diễm càng kém. Ngày 22-8-2005, vì xuất huyết đường ruột ồ ạt, Xa Diễm qua đời.

Ngày đưa tang cô bé, trời mưa lất phất. Tại nhà tang lễ ở ngoại thành phía đông của Thành Đô, người dân đi viếng chật kín. Ai nấy nước mắt rưng rưng... Họ đều là những blogger Trung Quốc đã theo dõi tình hình sức khỏe em trên các blog, là những "người cha, người mẹ" mà Xa Diễm chưa có dịp gặp mặt.

Trong chúc thư viết trong cuốn vở học trò, Xa Diễm tự nguyện để lại toàn bộ 540.000 tệ (gần 1,1 tỉ đồng tiền VN) để chia thành bảy phần, tặng cho bảy người bạn nhỏ đang chiến đấu giữa lằn ranh của sự sống và cái chết khác. Ngày 24-9, ca phẫu thuật đầu tiên thành công dành cho bệnh nhân được nhận viện phí từ Xa Diễm, là cô bé Từ Lê ở Bệnh viện Hoa Tây.

Bia mộ của Xa Diễm có một bức ảnh cô bé cười mím môi, tay cầm một bông hoa dại bé xíu. Mặt chính của bia chỉ ghi vỏn vẹn: "Con đã từng được sống, con rất ngoan! (30-11-1996 - 22-8-2005)"

Xa Diễm ra đi đã hơn một năm, nhưng đến nay những cư dân mạng ở Trung Quốc vẫn còn chưa hết thương cảm trước câu chuyện của cô bé. Nhắc đến Xa Diễm, người ta lại nhớ đến một cô bé "đã từng sống, và đã rất ngoan...".

TRANG HẠ
------------------------------------------------------
Câu chuyện của Xa Diễm được bạn đọc mạng Trung Quốc bình chọn là một trong 10 câu chuyện cảm động nhất Trung Quốc năm 2006, trong khi phóng viên Truyền Diễm được bình chọn là một trong 10 phóng viên có lòng nhân ái nhất.

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=189419&ChannelID=2
http://www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/Cuoc-song-do-day/2007/03/3B9F43D7/