February 28, 2010

CHÙA SƯ NỮ (bé Chi)

Có một câu chuyện cứ ở trong đầu mình từ sau hôm đến Chùa Bồ Đề cùng một cô gái học chung khóa học buổi tối. Nó, theo lời mình kể, đã đến Chùa Bồ Đề cách đây vài tháng. Hôm rồi nó gọi, rủ cùng đến Chùa, mới nghe nó nói đã xin đỡ đầu một bé gái 4 tuổi.

Bé tên Chi. Khi mình đến cô bạn trẻ đã đến trước, đang ngồi với bé Chi ở một mé sân Chùa. Bé Chi khá bụ bẫm, đầu cắt trọc, đội một chiếc mũ len. Mặt mũi bé lấm lem, cả chân tay cũng thế. Tay bé ôm một con búp bê cũng lấm lem. Bé ngồi im lặng, đôi mắt mở to nhưng thật u buồn, lặng lẽ. Cô bạn ghé tai mình nói nhỏ: Ở đây có nhiều bé khôi ngô lắm nhưng họ nhận hết rồi. Con bé này bố mẹ đều chết vì AIDS nhưng xét nghiệm nó âm tính, chưa ai nhận nên em nhận. Con búp bê em mới mua cho bữa trước Tết đấy.

Bé Chi không thích nói chuyện. Nó ngồi im trước mọi câu hỏi của 2 người lớn đang ngồi cạnh và tìm cách bắt chuyện với nó. Mặc cho mọi ân cần, nhẹ nhàng, nó chỉ ngồi im, nhìn thẳng, lặng lẽ.

Chị bảo mẫu trực tiếp chăm bé Chi đến mang theo một hộp sữa nhỏ loại 100ml và một trái vú sữa. Chị lau mặt cho bé và cho bé ăn. Gọi là chị bảo mẫu nhưng thật sự không thể đoán chị bao nhiêu tuổi, nhiều hơn hay ít hơn mình. Từ giọng nói, quần áo đến dáng vẻ đều giống như một người nghèo vất vả từ nông thôn ra. Có lẽ họ đã nhận việc trông trẻ cho nhà Chùa như một công việc cho mình. Mỗi cô trông 3 đứa trẻ. Nhà Chùa hiện nuôi dưỡng gần 100 em. Nếu trừ những đứa lớn đã đi học thì nhà Chùa vẫn cần khoảng mười mấy hai chục cô giúp trông trẻ. Mình đoán các cô chỉ chăm ăn, ngủ, vệ sinh, trông chừng chạy chơi, đau ốm... chứ không phải những người được học nghề nuôi dạy trẻ.

Hỏi bé Chi có hay nói không hay là do gặp người lạ bé ít nói, chị bảo: Ôi cả ngày chả nói gì cả. Hỏi nó thích thì trả lời, không thích thì im.

Lúc đó có một cô gái là khách đến Chùa mang theo một túi to những túi bánh snack đem chia cho các bé. Bé Chi nhận quà một cách thờ ơ, không chút hào hứng. Bảo mẫu của bé nhắc: Con xin cô đi chứ. Bé vẫn ngồi im, hai tay vẫn ôm con búp bê thêm túi snack, đôi mắt, khuôn mặt không hề có chút biểu cảm hay nhúc nhích nào thể hiện bé 'cập nhật' những gì đang diễn ra quanh bé.

Bảo mẫu quay qua nói với cô bạn nhận đỡ đầu bé Chi: - Đấy bướng lắm chị ạ chẳng biết nghe lời. Nó thích làm gì nó làm, bao giờ cũng ăn muộn hơn những đứa khác. Tối mà còn khách (đến viếng Chùa) thì nó còn ra sân chơi chán mới về, đố gọi được nó về ngủ.

Nửa tiếng ngồi cạnh chưa nghe bé nói. Vừa chợt có một cậu bé cũng sống ở Chùa chạy đến thò tay túm búp bê (chắc để trêu chọc bé Chi). Mắt bé bỗng trở nên lanh lẹ khác thường, trừng lên nhìn cậu bé, đồng thời bé quát gằn "Oây!". Mình chợt nghĩ ra: mình sẽ tiếp cận bé bằng con búp bê này.

"Ôi sao tóc em búp bê lại bù rối thế này, chúng mình sẽ cùng buộc tóc lại cho em nhé? Rồi, xong rồi, chị Chi bế em đi nào, em ấy yêu chị Chi lắm đấy".
Quả là có tác dụng. Mình có được phản hồi, sự hợp tác đầu tiên, tuy chưa phải bằng lời nói.
Mà sao em núp bê lại không đi dép thế này? Em sẽ bị lạnh và ốm đấy. Thế dép của em bé đâu con? – im lặng – rồi, bây giờ mình sẽ trùm cái quần của em vào chân thế này cho ấm nhé? – chớp mắt, gật – Thế lúc cô mua em búp bê cho con nó có dép không? – Trả lời "nó không có".

Từ đó đến khi về, bé Chi còn 'nói chuyện' thêm vài câu nữa, tuy cộc và ngắn, nhưng bé trả lời đúng câu hỏi. Mình nói với cô bạn rằng bé Chi có những biểu hiện của đứa trẻ bị tự kỷ, cũng có thể do những shock tâm lý mà bé trở nên thu mình (withdrawn) và từ chối nhu cầu giao tiếp (contact) với xung quanh.

Mình chưa tìm hiểu nhiều về những nguyên nhân dẫn đến tự kỷ, ngoài những trẻ tự kỷ bẩm sinh, có trường hợp nào là do hoàn cảnh tạo cho đứa trẻ trở nên như vậy hay không? Nếu là do hoàn cảnh, thì khả năng giúp những đứa trẻ ấy trở lại bình thường là bao nhiêu?
Mà dù có, thì cơ hội cho bé Chi cũng là rất nhỏ. Người nhận đỡ đầu bé Chi là doanh nhân, trẻ, hiện đại, đã lập gia đình có một con gái 2 tuổi rưỡi. Khi nghe mình nói về những gì mình nhận thấy ở bé nó cũng chỉ nói 'vâng, tội nghiệp'.
Thật sự, mình có cảm giác cô gái này khó giúp gì được bé Chi...
Động tác từ thiện, nhiều khi chỉ giống như một việc làm trong danh sách.
Ừ thì biết vậy, còn hơn mình chẳng làm được gì.

Cứ ám ảnh mãi với chuyện bé Chi. Viết ra, mong đỡ đi được một chút.

13 comments:

  1. Ba Lu lúc còn sống có tâm nguyện là có thể mở một nơi nuôi nhận những đứa trẻ mồ côi thế này. Mặc dù ông cụ đã nhận đến 3 đứa mồ côi về nuôi rồi, nhưng sức người có hạn, mà cuộc sống thì những mãnh đời bất hạnh như thế này còn quá nhiều. Nếu có tiền Lu thích nên bỏ ra nuôi nấng những đứa trẻ thế này nên người hữu dụng, tốt hơn là cúng vào xây chùa cho to cho bự, for what?

    ReplyDelete
  2. Đúng bé biểu hiện bệnh tự kỷ ròi chị à. Nếu không có tình yêu, sự quan tâm thật chân thành và hàng ngày có người trò chiện, bệnh sẽ nặng lên đó. EM cảm giác sự lạnh giá, thờ ơ đang bao trùm bé con. Tội lắm :-(
    Với trường hợp này, theo em, người đỡ đầu không nên chỉ cung cấp tiền bạc nuôi ăn, mà còn nên năng lui tới, hoặc cử người tới trò chiện chăm sóc, ôm ấp, vỗ về, an ủi, làm mọi cách để nhen lên ngọn lửa đồng loại ấm áp cho cuộc sống tinh thần của bé.

    ReplyDelete
  3. Trẻ con là phải tươi như hoa, hay cười, phải hồn nhiên như cỏ, hay xà vào lòng người nào dễ mến, phải thích chạy nhảy những chỗ rộng...đó mới là tuổi thơ bình thường, hạnh phúc. Bé này không hề có những biểu hiện trên, nhất định là đang rất buồn, rất tổn thương. Nhà chùa chỉ lo được điều tối thiểu cho bé là ăn ngủ, còn lại toàn bộ cuộc sống tinh thần của bé là bị bỏ quên mất ròi. Mà trẻ con, dù nhỏ mấy thì nhỏ, cũng cần được âu yếm, ngọt ngào, động viên lắm lắm. Hu hu...

    ReplyDelete
  4. @LU, Titi: Titi ơi em hoàn toàn đúng. Điều em nói chính là điều chị cứ bị lẩn vẩn mãi trong đầu. Nhìn cách bọn trẻ được nuôi trong Chùa, thì không có nhiều cơ hội cho bé Chi. Rồi chị lại nhớ đến cậu bé Gienhia 18 năm lớn trên trong trại trẻ ở Nga - dù cũng được đỡ đầu, được đi học, rồi ra ngoài XH tự lập mấy năm rồi nhưng nó vẫn còn nhiều điều rất ngơ ngác(câu chuyện về Gienhia được viết trong LHS và một bài trên báo LĐ).
    Khó mà đòi hỏi nhiều hơn ở những nơi từ thiện nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi Titi ạ. Ngay mình dù rất thương bọn trẻ cũng không làm được gì, đúng như LU nói.
    Tự nhiên gặp bé Chi, nên cứ thấy tội và thương thôi.

    ReplyDelete
  5. Vầng. Nhưng với riêng bé Chi, chị đỡ đầu kia hoàn toàn có thể thực hiện được những điều này. Chị í chỉ cần thương nó bằng một nửa con đẻ mình thôi mà :-)

    ReplyDelete
  6. @Titi: Chuyện tình thương, nếu không phải mình thì không thể nói được Titi ạ.
    Câu chuyện là thế này: Ở lớp học buổi tối, cô này (SN79) là GĐ của một công ty hỏi các địa chỉ để làm từ thiện. Nhân biết Chùa Bồ Đề nên chị kể cho cô ấy.
    Những đứa trẻ như bé Chi cần một người không chỉ cho bé tình thương, thời gian, mà còn sự am hiểu để nâng đỡ phát triển tâm sinh lý trẻ nữa.
    Mà doanh nhân làm từ thiện chắc thiên về việc giúp đỡ tiền/ vật chất. Chị thật sự không biết cụ thể trường hợp đỡ đầu bé Chi, chỉ nghĩ chung thế.

    ReplyDelete
  7. Mới viết xong 1 bài bên blog của mình tình cờ ghe ngang thấy bài này của bạn khá trùng hợp...thật ngẫu nhiên.
    Titi nói rất đúng, còn Lana thì rất biết cách gần gũi trẻ con, cân nhắc khi đánh giá về người bạn doanh nhân làm từ thiện. Theo mình thì nếu vẫn còn tội và thương bé ấy, nếu Lana có thời gian bạn đến với bé ấy thường xuyên hơn, giúp được bé ngày nào hay ngày đó Lana ạ!!!

    ReplyDelete
  8. Hí hí...có những việc không nói được thật. Nhưng chị có thể làm gương cho chị kia mừ. Hí hí...chắc chắn chị ấy đã muốn những điều tốt cho bé rồi, chỉ chưa biết phải làm thế nào để cho bé những điều tốt hơn thôi :-)

    ReplyDelete
  9. @BeBo: Chào BeBo, cảm ơn BeBo ghé nhà và để lại comment nha. Vừa ghé nhà BeBo, đúng là có nhận thấy có gì đó rất chung. Hân hạnh bắt tay BeBo (online) :)

    @Titi: Chị chưa biết, nhưng có lẽ thỉnh thoảng sẽ ghé Chùa nói chuyện với bé Chi. Thế thôi Titi ạ, chứ ko làm gương được đâu (hì, nghe 'làm gương' của em hơi to một tẹo).

    ReplyDelete
  10. Nói to tát cho nó sang chị à. Nhưng quả thực em đã làm thế với nhiều bà mẹ khác, các bà ấy yêu con và dành thời gian, dịu dàng vỗ về con hẳn lên đấy :-D

    ReplyDelete
  11. Nếu "làm" thì tốt hơn "nói" đấy ạ!

    ReplyDelete
  12. @Anonymous: Cảm ơn bạn đã ghé 'nhà'. Lana đồng ý với bạn, câu "làm tốt hơn nói" luôn đúng trừ một số trường hợp những người ít quan tâm xung quanh nói câu đó như một sự tự vệ, tự bào chữa thì không thích lắm thôi.
    Thông thường không ai nhận mình làm được nhiều cho XH cả - bao nhiêu là nhiều, bao nhiêu là đủ, vô cùng lắm. Vì thế mình nghĩ, nói về những câu chuyện nhân hậu, viết về những bất hạnh... cũng là nên làm, cũng là 'làm' một việc nhỏ thôi nhưng góp phần nào đó cho c/s xung quanh mình thiện hơn. Bạn có đồng ý không?
    Cá nhân mình, đi, gặp và nhìn không phải là ít nữa, nhưng cho đến bây giờ nhận thấy một phần những 'có được' là nhờ nghe, và đọc.

    ReplyDelete
  13. Bắt cả hai tay luôn, rãnh ghé nhà chơi nha Lana. Mến!

    ReplyDelete

Nào mình cùng chia sẻ cảm nhận...