February 18, 2010

Một chút về Tết

Đường phố
Mùng 1 là ngày đường phố Hà Nội đẹp nhất, sạch sẽ như ở một nước Châu Âu nào đó chứ không phải Hà Nội. Vắng, thỉnh thoảng mới thấy một chiếc taxi, một chiếc xe car hay một vài chiếc xe máy chạy qua. Quần áo đẹp, lịch sự. Những gương mặt thư thái chẳng có chút vội vàng. Đúng thật là Tết, khác không phải ngày thường.

Mình phận đàn bà nữ nhi, không được chào đón vào ngày đầu năm, nên chỉ rủ Dim Mei lên xe đi một vòng cho thông thoáng, cũng để ngắm phố phường ngày mùng 1. Ghé vào Chùa Kim Sơn gần nhà. Trời se lạnh + mưa bụi. Quá sức Tết. Đến ngã tư đèn xanh đèn đỏ, Tổng cộng 4 hướng đường chỉ có hai chiếc xe car và 3 xe máy, vậy mà ai nấy dừng đúng tín hiệu, đến khi hướng đối diện hết xe cũng chẳng ai vội vượt. Ồ mình ngạc nhiên. Bỗng so sánh: Sao cứ bảo giao thông mất trật tự là do ý thức người dân (kém) nhỉ? rõ ràng đây là ý thức (tốt) đấy thôi, vì mình đi hết mấy tuyến phố chẳng có một 'áo vàng' (CA) nào. Thì ra, giao thông hỗn loạn còn do ngày thường người ta quá vội, quá bận, quá tất bật. Mùng 1 Tết, chẳng bị gò bởi các mốc thời gian, người ta bỗng tự giác trở thành các công dân giao thông gương mẫu.

Mùng 2. Ngày người ta bắt đầu đi chúc tết rôm rả hơn nhưng Dim Mei đi vắng, chúc Tết một mình lẻ loi thế nào, thế là gần trưa xách xe chạy lên Ban cũ gặp ca trực nhộn nhạo Tết cho vui, rồi nhập nhóm mọi người cùng đi chúc Tết mấy nhà đồng nghiệp cũ, rồi mọi người cũng vòng qua nhà mình (xông nhà). Cũng vui.
Lòng vòng trong ngày, gặp đến 3 đám túm tụm bên đường: 1) Một chiếc xe taxi móp rọp đầu trên cầu Đuống phía Đông Anh về Hà Nội. 2) Một đám mấy chiếc xe máy tấp bên lề đường mạn Gia Lâm, một cô bé chắc vừa bị té xe, nhăn nhó đau đớn, vài thanh niên đang xúm đỡ xung quanh. 3) Một chiếc xe 7 chỗ màu đen dừng bên đường phía đầu Kim Mã, một chiếc xe máy dựng chéo ngay đầu, một bà chừng ngoài 30 đang nhảy choi choi to tiếng với chắc là ông tài xế chiếc xe.
Bao nhiêu ý nghĩ đẹp về giao thông Hà nội ngày Tết hôm qua bỗng nứt vỡ. Đâu cứ phải đường phố thanh thản là dịu êm. Ngày Tết vắng nhưng lại có rượu. Cái lệ đến mỗi nhà đều rót rượu, uống cạn mới là vui, chủ nhà mới hên... vui thì vui đó, nhưng nóng nảy, rồi nguy hiểm trên đường, nhiều người bỗng dưng mất Tết.
Mùng 3, một anh bạn là bác sĩ ghé chơi, bảo: Anh vừa hết ca trực, vừa mổ xong mới bàn giao ca. Chậc lưỡi: Em sợ nhất là ốm đau ngày Tết. Khách nói liền: Chủ yếu là tai nạn ấy. Nghe mà sợ.

Hôm nay mùng 4. Vẫn nghỉ nên còn Tết nhưng phố xá đã dần đông trở lại, tất nhiên vẫn còn 'tươi đẹp' hơn ngày thường rất nhiều. Người đi vẫn chủ yếu là đi chúc Tết nhưng đã đến màn chạy sô đi chúc bạn bè, tụ tập, nên mặt đỏ tưng bừng (rượu) nhiều hơn, ào ào hơn. Không dưới 5 lần mình thấy người ta chạy ào qua đèn đỏ. Vượt còn nhiều hơn ngày thường, vì ít công an :(

Lì xì
Trẻ con vẫn luôn hào hứng và vui nhất trong ngày Tết. Ngoài được mặc đẹp, đi chơi, không phải gò mình mờ mắt với bài vở, thì còn được người lớn lì xì bao lớn bao nhỏ. Toàn tiền mới coóng. Mà Hà Nội thì tiền lì xì cũng không nhỏ. 5, 10, 20, 50, 100 ngàn, đôi khi có cả 200, 500 ngàn, tùy túi tiền của 'người lớn' đang phát lộc, và tùy cả mức độ ruột thịt, thân thiết của người lì xì với đứa trẻ, nhiều khi còn là 'tình thương mến thương' với bố mẹ của đứa trẻ được lì xì nữa. Đấy là mình chỉ nói (và biết) đến chuyện lì xì trẻ con đúng là cái lì xì thôi, không nói chuyện mượn danh nghĩa lì xì.
Dù gì thì mình cũng vẫn thấy cái lệ lì xì trẻ con nó có cái hay và mình cũng tự nguyện tuân theo một cách chẳng phàn nàn, mặc dù vì cái lệ này mà trước Tết mình phải lo đổi tiền mới còn nguyên series bằng ngót nghét một tháng lương. Con nhận lì xì dầy bao nhiêu thì túi lì xì mẹ chuẩn bị xẹp đi bấy nhiêu.... - là cái lệ luân chuyển xuê xoa giữa các bố mẹ và các con, cũng được, vì nó vui. :)

Chiều mùng 3, leng keng gọi đổ rác. Chạy xuống mang theo 2 bao lì xì trong ruột là hai tờ 20 ngàn mới. Vứt bọc rác vào chiếc xe ba gác gỗ xập xệ, chìa bao lì xì cho cô gái đang lúi cúi cạnh xe với mấy bao rác: Gửi em và bác lì xì năm mới. Cô gái ngẩng lên với một nụ cười tươi rói đến làm mình bất ngờ "em cảm ơn chị". Nụ cười đẹp đến tỏa ấm trong cái rét ngọt Hà Nội.

Có việc phải lên sân bay Nội Bài. Định bắt xe bus nhưng Tết xe chạy thưa, không kịp lịch nên vẫy liền một chiếc NoiBai taxi chạy ngang. Lên xe, hỏi cho chắc: Nội Bài taxi lên Nội Bài bữa nay bao nhiêu em? (Như mình biết là 170.000 nguyên chặng). Tiếng trả lời ngập ngừng trên cái mặt có vẻ không 'vô tư' lắm: - Dạ ngày thường 180 ngàn... Cắt ngang: - Ừ, để chị biết vậy.
Xuống xe, cũng 'bo' ngày Tết, nhưng xong là quay đi ngay như để quên một việc bắt buộc phải làm, dù chẳng đáng kể gì.

Mới biết nụ cười và sự khiêm nhường có giá trị biết bao nhiêu.
(hình: sưu tầm từ google search)

11 comments:

  1. Những người dọn rác xứng đáng được nhận bao lì xì nhất.

    ReplyDelete
  2. ấn tượng nhất khi Lu về VN là mỗi ngày nghe tiếng người ta đánh leng keng, rồi đẩy xe rác nhỏ tới cho từng nhà mang rác ra đổ. Lúc đó Lu thấy là lạ mà cũng thấy tội cho mấy cô đẫy xe rác, người họ bé tí mà phải đẫy như thế...bên Mỹ muốn làm công nhân đỗ rác ko đơn giản đâu, phải to con có sức khỏe, và lái được xe cần cẩu loại nặng tấn, mọi việc đều do máy móc làm, và lương của những người đổ rác bên Mỹ hơi bị cao, vì luôn tiếp xúc với đồ rác ko vệ sinh.

    ReplyDelete
  3. @VMC: Lana hoàn toàn đồng ý

    @LU: Cô gái thu rác ở xóm nhà Lana nhỏ nhắn và khá xinh. Thật. Đến hôm rồi Lana mới nhìn thấy mặt cô ấy.

    ReplyDelete
  4. Ồ, sao chị Lana cứ nghĩ " phận đàn bà nữ nhi không được chào đón" thế nhỉ? Có lẽ, phải thay đổi tư duy cho chị bằng câu thơ này mới đc:

    Em của mẹ cha, em của tôi
    Em của muôn say, của muôn lời
    Bước chân em tỏa ngàn tinh túy
    Bàn tay em mở tương lai tôi

    Chị xinh đẹp của em. Chị xứng đáng được chào đón hơn bất cứ người phụ nữ nào , chị nhé :-)

    ReplyDelete
  5. Titi: Câu thơ của em hay thế!
    VMC: Nhưng lại chẳng ai lì xì cho họ hết. Anh nghĩ, năm tới, nên có bài động viên xã hội lì xì cho những người lao động chân tay, lao động vì phải phục vụ cộng đồng... chẳng hạn công nhân quét rác, bảo vệ các tòa nhà, công an đứng đường, nhân viên nhà xe... cũng là một thói quen hay đấy chứ!
    Lana: Đọc bài này, anh lại nhớ vợ chồng nhà Báu. Hì hi!
    Lu: Đấy là ở Mỹ thôi em ạ! Ở Việt Nam thì chẳng ai muốn làm công nhân vệ sinh đâu. Hic

    ReplyDelete
  6. Titi ơi, là vì sáng mùng 1 có tục lệ xông nhà nên mình nữ nhi né chứ bình thường thì chị cũng không đến nỗi 'yểu điệu' lắm đâu, em biết mà :)
    Kể Titi không đi Sapa chắc xông đến nhà Titi thế nào cũng xin được tí lì xì :)

    @ anh Thuy: Anh Thụy ơi em nghĩ rất nhiều người thầm cảm ơn và cảm thông với những ai phải trực Tết vì cộng đồng, và lì xì họ là việc ý nghĩa nên làm. Người dọn rác là cực nhất vì giáp Tết lại nhiều rác nhất, trong khi lại cần để sáng mùng 1 thành phố sạch sẽ tinh tươm. Mà lương công nhân vệ sinh thì thấp, ai cũng biết thế.

    Tuy nhiên, cái này là sự chia sẻ tự tấm lòng, báo chí và TV chỉ có thể viết báo, làm clip về công việc của các công nhân vệ sinh thôi, cái này thì họ vẫn làm rồi mà.

    ReplyDelete
  7. Em không nhớ Lana cầm tinh con rì, chứ năm nay bà chị gái em xông nhà mà, bà í tuổi Tý đấy. Năm nào được tuổi là chị gái em xông, chả thành vấn đề nữ hay nam nhi rì hết.

    Chị Lana thật có lòng thơm thảo. Em mà ở nhà chắc chắn là được lì xì rồi. Chẹp chẹp.

    Viết rất Tết.

    ReplyDelete
  8. @Lana: Năm nào em trai em không ăn Tết ở nhà là em xông đất, kể cả khi bố em còn, mẹ em chỉ cần hô, năm nay tuổi Dần hợp lắm thế là em chỉ việc đi chơi ròi về nhận lì xì to thôi. Chị iu, chị nhớ đừng nhồi ý phận gì gì kia vào đầu mí công chúa nhà chị nhá. Để nay mai, chúng cần phải làm các phu nhân đài các thay mặt phu quân iu dấu mọi nơi mọi lúc thì seo :-)

    ReplyDelete
  9. @Ti yêu quý. Từ khi ở 3 mẹ con, năm nào chị cũng tự xông nhà mình, tức là cho bản thân thì chị không tin lắm chuyện kiêng kỵ đàn bà con gái xông nhà. Có tin một chút rằng người xông đất hợp với chủ nhà, tính tình dễ chịu, cởi mở, có tâm để hy vọng cho một năm bình an vui vẻ tốt lành.

    Nhưng mình đến nhà ai xông đất thì lại là để cho cảm giác của họ chứ không cho mình đúng không Ti? Mình không kiêng nhưng mùng 1 sẽ chỉ đến chơi nhà ai họ mời mình và vui vẻ thoải mái đón mình được thôi. Em đọc bài "Xông đất" bên nhà bác Thụy ấy, chừng nào mọi người còn tin, còn kỹ càng chuyện xông nhà, còn chưa thích đàn bà phụ nữ tự nhiên đến chơi sớm mùng 1 thì mình còn không nên đi. Chị cũng sẽ chỉ ảnh hưởng Dim Mei như thế thôi cô Titi thấy thế nào?
    :)

    ReplyDelete
  10. Riêng việc xông đất thì ai nhờ mình mới tới, nhà nào cũng thế cả, em đồng ý với chị. Căn bản em thấy chị hay dùng cụm từ trên rất chi là không hợp với chị nên em muốn đòi công bằng cho chị thôi. Hi hi...
    Chị đi chơi được nhiều chưa. Địa điểm ngày hôm nay của 2 mẹ con em là các ngôi chùa gần nhà ạ :-)

    ReplyDelete
  11. @Anh Thụy: thơ đó hong phải của em, em được tặng. Giờ em tặng lại chị Lana :-)
    @Gấu: có kẻ chạy khỏi Tết, xong òi ngó đầu lại đầy lưu luyến kìa :-D

    ReplyDelete

Nào mình cùng chia sẻ cảm nhận...