January 07, 2012

Một chuyến đi dài... (2)


Phần trước: * MỘT CHUYẾN ĐI DÀI (1)

Ngày thứ hai 03/01/2012
Rời Hán Nắng khởi hành đi điểm khảo sát Sàng Ma Sáo, cách Pa Cheo mấy chục cây số mình không rõ nữa (mình chúa là tệ về các thể loại đường xá xe cộ). Đến Sàng Ma Sáo phải đi qua Mường Hum tiện ăn trưa ở thị trấn Mường Hum luôn. Thị Trấn miền cao chỉ có chừng hai dãy phố với vài chục nóc nhà. Mệt, đồ ăn nóng sốt, cả đội ăn như tằm, veo cái đã xong. Nhớ trước đó qua con Suối rộng, bác K bảo Suối Mường Hum đấy, tụi mình trên xe tự nhiên cùng bật hát Tình Ca Tây Bắc "Em là dòng sông Mã, Anh là suối Mường Hum, cho thuyền em ngược ớ dòng...". Thì, vừa qua Pa Cheo, đang đầy ắp cảm xúc.

15h00. Điểm trường chính Sàng Ma Sáo ở sát ngay gần UBND xã nên có cơ sở vật chất khá hơn một tẹo, tức là có nhà xây cấp 4. Tuy vậy trường chính cũng chỉ có một lớp (dân ở thưa mà), còn lại 11 phân điểm nằm ở các bản nghèo, giống như Hán Nắng của mình. Cô giáo Quỳnh hiệu trưởng sinh năm 1986, vừa mới lấy chồng, chồng cô làm công nhân lái máy xúc ở một huyện sát thị xã Lào Cai, cách Sàng Ma Sáo hơn 80km. Họ gặp nhau mỗi cuối tuần hoặc thậm chí cách hai, ba tuần nếu thời tiết xấu. Hỏi ra thì hầu hết các cô giáo ở đây đều vậy, xa nhà, xa gia đình, vậy mà vẫn kiên trì bám trường bám bản. Bạn có biết các cô khoe với mình điều gì không? "Từ khi tổ chức bữa ăn chung cho các bé cách đây hai tháng, bọn em đã có thêm 8 cháu đi học rồi đấy chị ạ".

Trong khi trưởng đoàn trao đổi với trường, hai tình nguyện viên lên xe máy của hai cô giáo xung phong vào bản. Mượn thêm một chiếc xe, đồng chí bạn đồng hành Hán Nắng kéo tay - "Đi Lana, cùng tớ xuống bản" (kết Lana rồi, ha ha)

Chất theo xe một túi bánh mì. Mình ôm hai hộp sữa. Đường thì khúc trơn như mỡ khúc lại toàn đá lớn lổn nhổn cực kỳ khó đi, những hòn đá mài nhẵn như đá suối í (hay người dân tộc lấy đá suối lên làm đường nhỉ). Đồng chí bảo "ôm vào! cảnh quất nỗi gì. Bà mà rớt thì cùng lắm rớt xuống đường, tôi chỉ xót hai hộp sữa của bọn trẻ, rớt là lăn xuống tận sâu kia hết nhặt, chúng nó chén bánh mì chấm không đấy!". Đi chung với đồng chí này vui phết. Hài hước làm đường xa bớt mệt.

Càng đi càng hun hút cheo leo, lên gần đỉnh núi, nhiệt độ chắc chỉ còn 3 - 4 độ C, mình đi vội không vớ theo khăn với chiếc áo khoác, ngồi sau xe co hết cỡ nấp gió mà cái rét vẫn thấu tận da thịt. Còn đang gập ghềnh với đường đá với rét với cheo leo thì bác K gọi "xong chưa ra thôi sắp tối rồi". Trời, đã tới nơi đâu ạ. Bắt đầu mưa. Điểm đến vẫn chưa bóng dáng. Vừa đó thấy một ngôi trường nhỏ - tiểu học Khu Chu Phìn. Bảo nhau thôi, đành bỏ cuộc, hy vọng hai xe kia quen đường đi nhanh đến được nơi. Mình đem bánh mì vào cho tiểu học. Đều là những vùng nghèo nhất của Bát Xát, 'chúng nó' đâu cũng đói rét như nhau.
Bọn trẻ cũng phong phanh, cũng chân trần, cũng rét run lập cập, mà mới chỉ một ngày mình như đã 'quen hơn' với những hình ảnh ấy. Chỉ những đôi mắt, buồn và trong veo, và cái vẻ hiền lành nhẫn nhịn chấp nhận mình gặp ở mọi đứa trẻ miền núi là luôn gây một cảm giác nhức nhối thương đến vô cùng.


17h00. Chiếc Inova 7 chỗ của nhà Tuấn HAT quay ra bị rệ bánh ngay gần cửa trường. Mưa, đất bở. Thôi là chèn đá, xe kéo người đẩy, chật vật tiếng rưỡi đồng hồ. Khi thở phào rồi khách quay qua vội vàng chào chủ thì trời đã sập tối.

18h00. Bàn đi tính lại mãi. Cuối cùng quyết định hai xe nhà Sống Chậm có nhiều trẻ con quay trở lại nghỉ Sa Pa. Hai xe còn lại đi Dền Thàng rồi sẽ nghỉ đêm tại đó. Nhưng sau mấy cơn mưa đường đất đỏ như được tráng thêm một lớp mỡ. Ra tới con dốc chiếc Inova bắt đầu trượt lùi, bánh quay mù tít. Đi tiếp thì quá nguy hiểm. Trưởng đoàn cân nhắc việc buộc ở lại Sàng Ma Sáo. Chẳng ai bảo ai. Ái ngại vô cùng. Tiến thoái lưỡng nan.
Cô giáo Quỳnh ngay lập tức đội mưa chạy ù vào bản mua hai con gà và ít rau, đậu. Bác K bảo "mua giúp đi tụi anh trả tiền. Đoàn có kinh phí đừng ngại". ('Kinh phí' là chia đều sau chuyến đi, đến hôm nay mình vẫn chưa nộp :))
Các tình nguyện viên xắn tay cùng các cô chuẩn bị bữa ăn. Tám rưỡi tối mới ngồi vào bàn. Nói thật là mình không ăn được. Bếp thì nhỏ lại thiếu thốn. Trời còn có 2 độ. Tới khi ăn món nào cũng nguội ngắt cả. Giữa bản heo hút này có ăn là quý lắm rồi.

Giá như mùa hè thì có thể ngủ đất. Đằng này mừa rét vừa mưa bẩn. Tất cả chỉ có ba phòng cấp 4 nhỏ xíu. Mà tối đó lại có chồng của một cô giáo chạy 30km lên trường thăm vợ. Mình và Hà bánh mì (tài trợ bánh mì) rủ nhau ra xe ngủ. Một mày râu tình nguyện ra cùng. Thế là hai ghế trước ngả ra cho hai đồng chí, mình nằm băng sau (băng cuối đã được gấp lên để lấy chỗ chở đồ ủng hộ). 11h đêm hai bác Tuấn - Tiến ở HN sốt ruột gọi lên đoàn, dặn đi dặn lại nhớ phải hé cửa xe ra đấy. Mình bảo vâng ạ anh yên tâm em sẽ hé kính. Tụi em có biết đã từng có vài đồng chí hy sinh khi ngủ trong xe rồi ạ, mà tụi em thì chưa định hy sinh ở đây giữa núi rừng xa ngái này đâu... (còn nữa)

*** Nghe hai anh chị xuống được đến lớp bản kể 'trường' nghèo lắm, bánh mì sữa bị 'rớt' giữa đường không có gì cho chúng, thấy tội vô cùng. Mình chờ hình để post kèm mà chưa lấy được. Lại thêm một điểm để cần áo ấm cơm thịt... giá mà đừng đi, để đừng thấy...

*** Có thể bạn muốn đọc:
- CHÚNG NÓ ĐANG RÉT, RÉT LẮM

7 comments:

  1. Ở trên đó(vùng Tây bắc)Các cô giáo nói:"Bất cứ cái gì dưới xuôi mang lên đây đều quý!".Trời rét 3-4 độ ,thấy các cháu mặc phong phanh,đi chân trần thật tội.Cảm ơn Lana nhiều lắm!

    ReplyDelete
  2. @dathb136: Vâng. Em đoán anh đã từng chứng kiến nhiều những cảnh như thế này.
    Tận mắt chứng kiến thật sự thấy đau lòng vô cùng anh nhỉ.

    ReplyDelete
  3. Thật là một chuyến đi nhiều kỉ niệm và gian nan, Lana ơi. Cám ơn Lana đã viết laị để những bạn ở nhà có thể hình dung phần nào hòan cảnh của các em .

    Thu

    ReplyDelete
  4. @Thu: Đó mới là kể được một nửa đầu chuyến đi Thu ạ.

    "hy vọng" là bận rộn thế này không viết rồi sẽ quên...

    ReplyDelete
  5. Mai mình kéo bài này về Gánh hàng xén nhé.

    ReplyDelete
  6. Chị có tấm lòng thật cao cả

    ReplyDelete
    Replies
    1. @AD: Cảm ơn bạn, nhưng nhận chữ cao cả thì 'cao' quá. Thật ra những cảm nhận như thế này ai đi, thấy cũng sẽ cảm nhận như thế. Thật đấy bạn à.
      Mến.

      Delete

Nào mình cùng chia sẻ cảm nhận...