September 30, 2009

MẸ VÀ CON GÁI YÊU (ĐỐI THOẠI 1)

Tối hôm qua, mẹ chở con đi thăm nhà mới cậu H. em họ của mẹ. Cậu có một em bé trai 10 tháng tuổi mà hồi mới sinh hai vợ chồng cậu cứ nhất định đòi mẹ đón em từ bệnh viện về nhà và làm mẹ đỡ đầu cho em. Ra cửa, hai mẹ con nói chuyện về em bé. Con chợt hỏi: Thế mẹ có thích đẻ em bé nữa không? Trả lời: Ừ, mẹ có, mẹ rất thích em bé...
- Nhưng mẹ không đẻ được đâu mẹ. Con mới học ở trường cô bảo phải có trứng của mẹ và tinh trùng của bố thì mới sinh được ra em bé. (con 10 tuổi, bắt đầu học lớp 5)
- Ừ, cô giáo nói đúng. Nhưng cũng có những người phụ nữ một mình nếu rất muốn họ vẫn có em bé được con ạ.
- Không, cô giáo con bảo...
- Đúng rồi, bình thường là thế, nhưng nếu không thì có thể nhờ bệnh viện chẳng hạn. Ở bệnh viện họ có trữ tinh trùng, họ sẽ tiêm vào người mẹ, thế là tinh trùng gặp trứng, và em bé hình thành.

Lát sau, đi trên đường, con hỏi tiếp:
- Mẹ ơi, thế nếu mẹ sinh em bé ra thì mẹ yêu mỗi người bao nhiêu? (hồi nhỏ con thường đưa bàn tay ra: con yêu mẹ 10, con yêu mẹ 1 trăm, con yêu mẹ 1 nghìn luôn...)
- Mẹ yêu tất cả các con như nhau, ai mẹ cũng đều rất rất yêu, vô cùng.

Con có vẻ như còn lăn tăn. Mẹ bảo:
- Khi thật sự yêu thương, chia sẻ không có nghĩa là yêu ít đi con ạ. Như bà ngoại mình nhé, bà có tới 5 người con: Bác Q. này, mẹ này, cậu Qnh này, dì H.O này, cậu Ph. này, con thấy bà yêu tất cả, và ai bà cũng yêu vô cùng, đúng không? Chỉ có điều bà phải nuôi dạy 5 người con, bà phải chia sẻ thời gian và sự chú ý cho cả 5, nên bà sẽ vất vả hơn. Bù lại, bác Q., mẹ, dì H.O và các cậu đều rất yêu bà, yêu thương nhau và biết chia sẻ nữa. Chẳng ai thấy thiệt thòi cả. Thế, nên giả như có 5 người con thì mẹ vẫn luôn yêu tất cả các con, và yêu vô cùng.

Con im lặng một giây rồi hỏi:
- Thế mẹ thích em bé trai hay em bé gái?
- À... (mẹ hoãn binh)... mình mới nói chuyện thế thôi, mình chưa có em bé mà. Khi nào có mình tính sau nhé?

Thế, là mẹ đã 'thắng' rồi đấy. Con gái yêu quý của mẹ, thật sự mẹ chưa có ý tưởng gì về câu chuyện của con, nhưng mẹ tận dụng mỗi tình huống để nói chuyện với con về cuộc sống xunh quanh mình, về tình yêu thương, sự chia sẻ và hy sinh. Mẹ tin con sẽ lớn dần, con sẽ mở lòng nhìn cuộc sống một cách tự tin, nhân hậu, vị tha và chia sẻ.

Hôm nay, miền Trung đang bão lũ lớn lắm...

September 28, 2009

NGÀY ĐẦU TUẦN

Sáng, Hằng - cô bạn cùng Ban cũ gọi: Oanh ơi, có gạo rồi đấy chiều đi làm về qua lấy nhé - Ừ - đi chợ sớm thế? - Có rau sạch, cằn và xấu đây này, mua luôn không? – Vậy lấy luôn giúp đi.

Chả là nhà Hằng ở ngay chợ Gia Lâm. Một lần đi làm 'hắn' rủ trưa ghé nhà ăn cơm, "'tiện thể' cô Oanh nói chuyện với cháu V. (con trai) giùm luôn, con trai đang băn khoăn việc chọn học đại học/ du học" (hihi, uy tín phết). Bữa trưa chỉ có Hằng, con trai, và cô Oanh (khách), khá vui vẻ thoải mái (vắng chủ nhà mà). Chẳng biết có phải vì vậy không mà thấy ngon miệng thế, đặc biệt là cơm rất ngon, dẻo, thơm, và ngọt. Hỏi: Gạo gì thế, mua ở đâu vậy? – Gạo quê đấy. Bà bán gạo thỉnh thoảng mới lên chợ. Mình mua quen. – Ôi thế thì mỗi lần cậu mua mua quá lên cho 15 ký nhé, rồi nhắn tớ qua lấy.

Thế là từ đó chỉ ăn gạo quê ngon. Đến nỗi một lần nhỡ phải mua tạm gạo ở chợ gần nhà, thấy chán ứ không ăn được. Đúng là thích nghi với cái 'hơn' thì dễ hơn nhiều là thích nghi ngược lại.

Đúng 4h30 chiều xách giỏ ra khỏi phòng. Mạng Internet của cơ quan hôm nay bị off nên về chính xác giờ không sai một phút (hihi). Vào thang máy bấm thẳng tầng hầm để xe thay vì rẽ tầng 1: bỏ buổi học dancing. Khóa học dancing của cơ quan hôm nay buổi thứ 10, học Vans-nhanh. Thôi chóng mặt lắm. Hôm nay lại còn đem một đống báo cũ về cho con gái nộp giấy vụn nữa chứ, xếp gọn vào một cái hộp giấy bê dọc hành lang – có vẻ rất giống mấy nhân viên bị sa thải trong phim Hàn Quốc. :)

Nhà Hằng. Hộp đựng giấy để ở chỗ để chân, túi rau treo phía trên hộp giấy, bao gạo để nằm phía đuôi xe. Mọi khi anh Q. - đồng chí chồng Hằng ở nhà thì hai đứa chỉ việc đứng chuyện, anh chằng buộc giúp. Hôm nay 'đồng chí' đi vắng, thế là phải tự loay hoay chỉnh chỉnh buộc buộc. Xong, nhìn cái xe đầy ngất đồ chợ, cười sung sướng: hí hí, trông có vẻ đảm đang đấy chứ! Hằng cười còn giòn hơn: Ừ, ai mà có thể hình dung ra Oanh thế này chứ?

Vừa chạy xe về vừa lâng lâng cười thầm vì thú vị với bản thân. Đến giữa cầu Chương Dương thấy xe lệch lệch làm sao – ôi tệ quá bao gạo đã xệ sang một bên gần rơi xuống đất! Dừng lại. Cái làn cầu cho xe gắn máy thì hẹp, giờ tan tầm, dù mình cố nép xe sắt vào lan can cầu thì vẫn làm dòng người bị chậm và hơi ùn lại. Xấu hổ một chút – cũng tại cái tội ăn uống cầu kỳ cho lắm vào/ sang tận Gia Lâm mà mua gạo với rau! Rồi 'tỉnh' ngay: Rau với gạo thì đã làm sao? Mình đảm đang cơ mà (AQ). Với lại, júp đen áo trắng công sở gọn gàng nhé, còn mặt thì khẩu trang + kính đã che kín như ninjia rồi, ai biết mình là ai. Thôi bình tĩnh đi nào.

Thế là bình tĩnh tháo dây chằng cho bao gạo rơi xuống luôn, bình tĩnh xốc nó lên xe ngay ngắn, bình tĩnh chằng nó lại. Lúc này mới nhận ra sàn cầu dưới chân mình rung rung rung rung dập dềnh. Ôi, mình đã đi qua cây cầu này bao nhiêu năm rồi sao không bao giờ mình cảm nhận được sàn cầu rung (và cả nỗi sợ hãi mơ hồ) thế này nhỉ? À, mình toàn ngồi trên xe, chưa bao giờ đi bộ/ đứng bộ trên cầu đủ lâu để cảm nhận sức nặng của khối lượng xe cộ kia lên cây cầu hyết mạch của Hà Nội này.

Chạy xe về lại lâng lâng, lần này là cảm giác như mình vừa phát hiện ra điều gì mới mẻ, nhỏ thôi, nhưng đủ để mình tự 'ru': Không có điều gì là vô tích sự hoàn toàn, kể cả việc chở gạo về nhà và bị rớt gạo ngay trên cầu Chương Dương. Hihihi.

September 25, 2009

Thôi thì... cười tươi lên nhé

1. Ở lại học tiếp hay về?
Nhớ lại hồi tốt nghiệp đại học. Sau buổi trao bằng tốt nghiệp mà mình được xướng tên riêng rất long trọng vì là SV ngoại quốc duy nhất nhận bằng đỏ (xuất sắc), Snaidman, giáo sư người Do thái hướng dẫn luận văn của mình trực tiếp đến gặp trưởng phụ trách (Dekan) SV Ngoại quốc làm đề nghị mình quay lại trường học tiếp nghiên cứu sinh. Mình thật sự cảm động và đã nói với ông: Tôi rất tiếc, nhưng tôi sẽ không quay lại. Tôi sẽ về nước, sẽ đi làm, lấy chồng và sinh con. Phụ nữ nước tôi là thế. (Mình đã nói thật, nhưng mới chỉ nói một trong những lý do. Mình đã không kể với ông chuyện một ngày nọ mình đã tất tả khủng khiếp trong nỗi buồn, chạy đến tất cả những điểm bán báo gần ob mình (KTX) để mua lại hết những tờ Comsomonskaia Pravda có bài báo choán hết 2 trang giữa với dòng tít "Зан Ден" (Dân đen) viết về người Việt ở Nga. Rồi việc mình chứng kiến cảnh bảo vệ Nga ở sân bay Serementrievo dùng dùi cui đập túi bụi vào dòng người chen lấn xô đẩy qua cửa thủ tục cho chuyến bay về Việt Nam, và những chuyện khác nữa). Tờ giấy đề nghị chuyển tiếp Nghiên cứu sinh của trường đến giờ mình vẫn giữ cẩn thận, để làm kỷ niệm.

Một buổi chiều sau đó, trên khuôn viên nhỏ trước tòa nhà chính của trường, ông giáo sư dạy toán Belinsky vốn rất quý đứa SV Việt nam nhỏ bé là mình, hỏi: Thế bạn không định quay lại trường học cao học à? – Dạ vâng. – Vậy về Việt nam bạn có tiếp tục làm nghiên cứu chứ? – Tôi nghĩ là rất khó. Ở VN chưa có nhiều điều kiện để có thể theo đuổi nghiên cứu khoa học một-cách-thật-sự. – Ông gật buồn: Vậy thì thật đáng tiếc. Hình ảnh ông giáo già, gầy gò, đầy tâm huyết với nghề, gật buồn với câu nói của ông hôm đó còn ghi trong mình đến mãi sau này. Vài năm sau khi về nước, nghe tin ông bệnh mất, mình đã khóc, những giọt nước mắt từ Việt nam khóc người Thầy ở nơi thật xa xôi.

Về nước, kể với ba mẹ về chuyện tốt nghiệp, về giấy đề nghị của trường, về quyết định của mình. Ba hiền nên không nói nhiều, chỉ bảo: Ba vẫn muốn L.O học tiếp. Mình biết Ba buồn. Sau này, một người bạn rất thân từ hồi phổ thông của mình kể hồi mình đã qua Nga học, một lần bạn ngồi nói chuyện với Ba, Ba tưởng tượng ra con gái Ba sẽ bay cao bay xa, tìm hiểu về vũ trụ, về những vì sao mới... Những ước mơ ngày đó của ba con mình dễ thương làm sao!

Ngay sau khi mình về nước (cuối 1991), Liên xô sụp đổ. Ba tháng sau, mình còn đang ở nhà với Ba mẹ, chưa xin được việc, nhận thư Q.Dao, cô bé ở chung phòng nhưng học năm dưới: "Chị không thể tưởng tượng bây giờ cuộc sống ở đây khó khăn đến thế nào đâu. Chị còn nhớ chị em mình đã bài bác chuyện người Việt ra chợ đứng bán hàng bị khinh rẻ thế nào, nhưng bây giờ tất cả bọn em phải lao ra chợ trời bán hàng mới đủ tiền sống để không chết đói. Chị đúng thật là may mắn".

Và mình chỉ biết tự nhủ: Mình đâu thể biết trước, chỉ nghĩ về là về. Ừ, thôi thì, cứ làm theo cái gì mình thấy đúng.

2. Tiết kiệm hay không tiết kiệm?
Thời gian đi học cao học 2.5 năm ở Úc, mình ở chung với một nhỏ bạn cũng người Việt. Hai mẹ đều mang con theo nên ở chung chia sẻ giúp đỡ nhau được nhiều. Bên đó đi làm thêm rất dễ, tiền công lại cao hơn hẳn ở VN – công việc đơn giản như bán hàng cũng thường được trả trên 10 AU$/1 giờ sau thuế. Thế là ngoài giờ học, nghiên cứu ở trường, mình tất tả đi làm thêm. Lịch của mình chỉ là đi học cả ngày, chiều tối nấu ăn, tụ tập chung cả nhà 7- 8 người, cuối tuần đi làm thêm, ngoài ra có việc gì lắm mới đi, vì cái gì cũng đắt, kể cả giao thông công cộng. Mệt, kín thời gian, nhưng vui khi nghĩ rằng số tiền để dành được về VN sẽ có giá trị hơn rất nhiều. Nhỏ bạn phản đối lắm chuyện mình hùng hục đi làm và tiết kiệm chi tiêu. 'Hắn' bảo: Thay vì thế, chị phải tận dụng cơ hội cho con đi đó đây, dành thời gian thư giãn, phải biết enjoy cuộc sống...

Mới đây, trong giờ nghỉ trưa ở cơ quan, tâm sự với cô bé em cùng phòng về chuyện cậu bé Gienhia, chuyện mình 'nhảy' vào SG đón nó, đơn giản vì LHS ai cũng quan tâm cậu bé, nhưng ai cũng bận, nó sẽ không thể ra Hà Nội nếu mình không đón. Và chuyện mới đây mua được vé giảm của Jetstar cả 3 mẹ con vào Sài gòn 2 ngày chỉ để dự đám cưới Big Hiệp – cậu bé trước cùng thuê ở chung một nhà với 2 chị và đám nhóc ở Úc. Hồi đó cả nhà quý nhau, giúp đỡ nhau, và đúng là dựa nhau để sống như một gia đình. Mình nghe nó kể, và chứng kiến tình yêu của nó với cô bé bạn học phổ thông – cô bé đó ở nhà, nó đi du học 4 năm – vẫn chỉ cô bé ấy. Và mình đã tự hứa sẽ dự đám cưới nó. Cũng hơi suy nghĩ 'tiết kiệm' nhưng thấy mua được vé rẻ, thế là đi, cả Dim & Mei. Gọi điện: "chị và Dim Mei sẽ vào, quà cưới sẽ là 3 cái cuống vé máy bay đó nhé" :). Đám cưới, 2 đứa cảm động lắm, cô dâu cứ nắm tay, nhắc đi nhắc lại: Chị, em nhất định sẽ ra Hà Nội.

Nghe xong chuyện, cô bé cùng phòng bảo: Em thấy chị cũng không phải người tiết kiệm nhỉ? Tức là chị quyết định bỏ số tiền không nhỏ để làm một việc gì đó một cách khá là đơn giản. – Ừ.

Lại tự bảo: Thôi thì, cứ sống như mình thấy cần và nên làm.

3. Chia sẻ hay là ...?
Suốt 2 tuần rồi xung quanh mình rất nhiều màu xám: Giúp 2 đám tang, đi thăm 2 người bỗng biết mình bị ung thư (đều là tin sốc vì họ đều còn trẻ), một người làm nấu ăn và nghèo, một người có chức vị và giàu có - bệnh thì đâu có tha ai. Nhiều chuyện dồn dập khiến tâm trạng mình bị ảnh hưởng, cứ lãng đãng, trầm trầm.
Tối qua Hà Nội mưa rào. Se lạnh. Đầu thu. Lên FB, cậu em đi cùng đợt học bổng thấy, gọi: – Chị đang ở nhà? - Ừ, giờ này chị ít đi đâu, mà Hà nội cũng đang mưa – Lại tâm trạng à? – Không có gì đặc biệt, chỉ là dạo này thấy nhiều màu xám quá – (trêu chọc:) Kiếm ông nào đó bên cạnh chia sẻ là màu hồng lên ngay ấy mà – Thôi, đừng có tô vẽ nhiều quá. Nếu có bên cạnh chia sẻ thật sự thì đúng là hồng, còn không có khi lại là dằn vặt, lạnh lẽo,...mệt mỏi.

Thôi thì, cứ sống như ông Trời cho duyên phận, vui vẻ và hài lòng với mình.

(Vậy thì mỉm cười đi nhé :), kể tiếp đoạn đuôi:

Chiều đi làm về rủ Mei đi vòng vòng. Sắp về đến nhà, 5h30 – còn sớm, chợt nảy ra ý định đi tiệm tóc, chăm sóc bản thân. Hỏi con phía sau xe: Mẹ muốn qua tiệm tóc, Mei đi cùng không?
– Dạ có.
– Nhưng mà sẽ hơi lâu, chúng mình sẽ hơi đói đấy.
– (con hơi… ngần ngừ) V..â..ng, thế lúc ở đó mẹ làm tóc thì con làm gì?
– Con đọc sách... À, hay là mẹ chiêu đãi con gội đầu tiệm nhé? đầu con cũng hơi bẩn rồi
– Con: (tươi tỉnh hẳn lên): Vâng !
– Mẹ: Ôi may quá, đúng là có con gái sướng thật, ngồi ở đó lâu một mình thì mẹ buồn lắm, cảm ơn Mei, cảm ơn con gái yêu!

Con vòng tay ôm. Cả hai mẹ con cười hihi.

Không phải 'thôi thì' nữa đâu, mà là 'vậy đó, cứ cười tươi lên nhé'.
:)

*** Entry liên quan:
- ĐÓN GIENHIA RA HÀ NỘI

September 12, 2009

NGẪU HỨNG MƯA








Trà nóng, và chocolate, và nhạc... thật sự là một tổ hợp đặc biệt không thể chối cãi -sau 15 phút, mình đứng dậy, tự thấy mình xinh tươi hơn bất kỳ lúc nào (tự 'liệu pháp tinh thần', hihi).

Mình đã nghĩ ra chiều sẽ làm lẩu. Mưa rả rích lạnh lạnh thế này ăn lẩu chắc vui. Chiều nay có thêm Thảo Mi bạn Mei - nhân sự thường trú chiều thứ 7 - bọn trẻ chắc sẽ thích. Sẽ có không khí đây.

Trời vẫn hơi mưa, nhưng sáng. Cái vẻ sáng tươi tỉnh của mưa sắp tạnh. Lấy xe, rủ Tuyết cùng đi chợ. Chạy xe ra đường và thấy thật dễ chịu. Vui vui với ý nghĩ: Mình bây giờ đang là một 'cánh dơi' - Có ai có sở thích giống mình - ngồi ở một góc nào đó ngắm nhìn 'những cánh dơi vội vã trong mưa' không nhỉ?









Núi Trúc có gì đó khác thường. Trước mắt mình, dưới làn mưa nhỏ, xéo sợi, con phố nhỏ lồi lõm, chẳng có một chút gì đặc biệt mọi ngày, bỗng tràn ngập một vẻ quyến rũ kỳ lạ mà mình chưa bao giờ thấy. Vẫn mặt đường chắp vá, vẫn những người bán hàng dong lặng lẽ với gánh mưu sinh... nhưng ngoài tất cả những điều đó là vòm lá xanh, con đường ướt, và những luồng ánh sáng trắng xuyên qua vòm lá hắt xuống đường, đẹp tinh khôi.

Mình đã muốn dừng lại. Nhưng ... lý do gì nhỉ? ... thế là đi tiếp.



Chạy thêm chút nữa ra Giảng Võ, đường rộng hơn và tán cây cao hơn, mưa bắt đầu ngưng. Một lần nữa trước mắt mình bừng lên một khung cảnh kỳ lạ: phía xa hút bầu trời thật sáng, vầng trắng từ phía đó phản chiếu trên mặt đường thành những vệt lấp lánh xéo dài, và thế, trước mắt mình, những cánh dơi đang hướng cả về phía chùm sáng ấy.

Chợt nghĩ mình nhất định phải ghi lại khoảng khắc này. Nhưng trời ơi, còn phải đi thêm 1 chợ nữa mua vài thứ còn thiếu. Thế là, vội vàng ghé chợ, vội vàng mua bán, vội vàng về, thả Tuyết với đống đồ mua được ở cửa, lấy máy ảnh, rồi vội vàng quay trở lại, háo hức như một đứa trẻ chỉ sợ lỡ dịp được nhận quà. Tự cười: lang thang chụp hình trong mưa, kể cũng giống một kẻ hâm đấy nhỉ?

Đến Núi Trúc. Tạnh mưa. Thất vọng ngẩn ngơ. Ngậm ngùi: Là thế đấy, có những khoảng khắc kỳ diệu, nhưng vì một chút ngập ngừng, vì thói quen, vì những việc đang làm... mà để lỡ trôi qua.




Lần khân ngơ ngẩn tiếc chưa muốn quay về..., và mưa trở lại. Ôi đúng là ông Trời chẳng phụ lòng người! Thế là thu lại được những hình ảnh mà mình gọi tên là 'Ngẫu hứng Hà Nội mưa'.

THỨ BẢY 12/09/09

Ừ nhỉ, ghi ngày, lại nhớ hôm qua đọc 1 Blogger nhắc ngày 11/09. Còn nhớ bữa đó đúng ca trực của mình ở Tân Sơn Nhất. Tối khuya không còn chuyến bay, qua bên phòng Đơn biên coi TV cùng các chị. Hình ảnh chiếc máy bay đâm thẳng vào tòa nhà và một cục lửa lớn bùng lên như trong phim hành động. Sửng sốt và vẫn không thể tin mình đang coi thời sự hay là phim?

Mình nhớ nhiều ngày sau đó mình đã tranh luận với Muỗibò - một người bạn về đạo Hồi, về người Hồi giáo ở Trung đông với cuộc 'thánh chiến' của họ. Mình đúng chỉ là phụ nữ, cho mình không đủ tầm nhìn rộng để nói về một cuộc chiến tranh. Mình chỉ thấy sợ hãi và rùng mình. Nhưng còn một vết gợn: mình 'thành kiến' về sự độc ác tiềm ẩn ở những người ngấm kinh Coran từ nhỏ. Nói công bằng, mình không phản đối một giáo phái nào cả vì đó là cả một tín ngưỡng, rộng lớn. Mình tin về bản chất tất cả mọi đạo giáo đều hướng con người ta sống thiện, sống tốt. Nhưng mình sợ những hình thức trừng phạt trong kinh Coran, giống như cảm giác phản cảm (rất phản cảm) của mình đối với truyện Tấm Cám vậy.

Sự trả thù/ trừng phạt 'gay gắt', cho dù được 'bảo vệ' bằng bất kỳ lý do chính đáng nào, với mình, vẫn là hành động của phần ác trong con người. Làm theo điều đó không thể gọi là hướng thiện. Và mình sợ tất cả những điều đó. Có thể vì vậy, mà mình thành kiến với đạo Hồi chăng?
-------------------------

Ồ, sáng dậy đã tự nhủ: Trời vẫn mưa, nhưng hôm nay sẽ không tâm trạng nữa. Sáng thứ 7, sẽ tươi tỉnh và nghĩ xem mình sẽ sử dụng ngày nghỉ này thế nào chứ? Nếu không đi đâu vì mưa, mình sẽ, nói thế nào nhỉ, 'thả hồn trong hỗn hợp' trà nóng + chocolate + và nhạc + và sách + và cây + và tìm nấu một món gì đó không-thường-ngày cho buổi chiều?

Thế mà lại tản mạn với ký ức 11.09 và kinh Coran. Buồn cười thật.

Thôi bây giờ thì đứng dậy loăng quăng cho buổi sáng thứ 7 của mình. Xem nào. Chúc một sáng thứ 7 thật thư giãn nhé.
:)

September 11, 2009

TẢN MẠN...

Hà nội mưa...

Bao nhiêu ngày rồi Hà nội không mưa nhỉ? chẳng nhớ nữa. Mưa tí tách, rỉ rả... mình không thích mưa rỉ rả thế này, nghe buồn lắm. Sao không ào ào dữ dội như những cơn giông mùa hè, đôi khi khiến người ta sợ, nhưng sợ còn là thứ cảm xúc rõ rệt, có tên. Mưa thu giống như nỗi buồn không có địa chỉ.

Mưa, hình như luôn khiến người ta tản mạn...

Lại nhớ ngày xưa... Sài gòn, mình và Kh. Hương cùng thích một chốn cà phê - ở đó có nhóm nhạc hòa tấu của Saxophoner Trần Mạnh Tuấn. Hồi đó đâu biết đó là người chơi nhạc nổi tiếng, chỉ biết thích nhạc hay; thích khung cảnh nhẹ nhàng thanh lịch đến khó tin giữa chốn Sài thành ồn ào; thích cái bàn có mặt kính đen với chiếc bình hoa nhỏ ngày nào cũng chỉ cắm đúng một thứ hoa là những bông thạch thảo tim tím; thích cái khung sân trời nhỏ, có những khóm hồng tỉ muội và những bông hoa hồng bé xíu xiu xinh đến nao lòng. Những bông hoa cao vừa ngang tầm tay người ngồi, khiến kẻ yêu hoa phải chiến đấu với nỗi thèm muốn được ngắt lấy về cho riêng mình...

Ở đó không thu tiền vé vào cửa, nhưng tiền nước đắt. Mê đấy, nhưng 2 đứa chỉ đến đó ngồi được 1, 2 lần mỗi tháng - vào những ngày mới lãnh lương. Mỗi khi trời mưa, ngồi chiếc bàn quen thuộc chìa tay ra là mưa, thêm chút nữa là bông hồng tỉ muội, nhỏ xíu nhưng cứng cáp. Nhạc Jazz, sân trời, mưa, hoa hồng tỉ muội, chiếc bàn đen và thạch thảo... cái không gian vừa lãng mạn, vừa mênh mang - sao những đứa con gái ngoài 20 như mình và Kh. Hương hồi đó lại có thể đắm mình trong đó đến thế nhỉ?

Bao nhiêu năm rồi không trở lại chốn cũ. Chốn cũ cũng đổi thay rồi. Kh. Hương không biết có lúc nào nhìn mưa và chợt nhớ không gian cũ như mình hôm nay không nhỉ?

Ừ... mình đúng là hơi ướt, cũng vì hôm nay Hà nội mưa thu.

September 10, 2009

"Tớ không thích phải làm đàn ông..."

Hôm nay ngồi ở cơ quan mà cười cười không chịu nổi, phải viết kể thôi.

Bạn H.(C.) - 1 cậu bạn khá thân, ngồi bàn trên thời học chung 12B5 xưa, bỗng từ sau hôm họp lớp mấy ngày bạn gọi điện tới tấp - mà gọi toàn nói rõ dài là dài, thế nên thỉnh thoảng mới nghe, còn lại để máy nhỡ, cho bạn đỡ tốn tiền ;-)

Sáng nay bạn lại gọi, máy lại 'nhỡ'. Chiều gọi lại nữa, thôi thì nghe để thỏa thuận cho rõ. Thế là nghe. "Chào, ừ tớ đây".

Bạn bảo: hôm qua tớ đi ăn với đối tác, say cậu bỏ qua.
Trả lời: tớ rất ghét nghe điện thoại say.

Bạn nói chuyện huyên thuyên một hồi, đến lượt mình, bảo: Bạn bè tớ nói chân thành, tối sau 9h30 tớ đi ngủ, cậu đừng gọi sau giờ đó. thứ nữa là giờ làm việc, tớ không nói chuyện dài đâu (sự thật thì cũng có những ngày rảnh ngồi đọc báo, dũa móng tay, nhưng thôi, cứ nói cho có vẻ nghiêm túc, hihi) - hai thằng đồng nghiệp chung phòng Tấn, Trung nghe thấy câu này khoái chí lắm, nháy mắt cười hix hix :)

Bạn tiếp tục bảo tớ vốn thích tính cậu từ xưa, nhưng không phải thích đàn ông đàn bà. Tự nhiên dạo này lại thích. Cậu xinh thật, hôm họp lớp cậu rất xinh/ nói thật ngày xưa cậu không xinh đâu (choáng 1).
Cãi: - Làm gì có chuyện, chẳng có ai già đi mà lại đẹp hơn cả
- Thì tớ mới nói, là vì bây giờ cậu mới dậy thì. (haha). Này tớ tuyên bố tớ sẽ tán cậu đấy.
- Thôi đi, tớ sẽ phản đối. Vớ vẩn. Tán tỉnh gì, cậu mà nói kiểu này tớ sẽ ko nghe đt của cậu nữa.

H. diễn giải:
- Tớ nghĩ là tớ với cậu chia sẻ được, cho đỡ 1 mình thôi. Cậu khá là 'đàn ông'. Còn tớ thì có tính 'đàn bà', cậu sẽ bù trừ cho tớ ...abcd ... (choáng 2)
- Hahaha, thôi, nhưng mà tớ không thích phải làm đàn ông đâu, tớ phải đi làm việc đây. bb cậu.

Ôi đau khổ quá. Hôm nọ offline LHS, Bí và Lân mới chỉ "chúng tớ không thích được khen thông minh" thôi, xem ra còn hạnh phúc hơn mình nhiều. Mình "tớ không thích phải làm đàn ông", tội nghiệp biết bao !

Nghĩ lại, ai cũng nói từ góc của mình. Theo bạn H. nhìn thấy, xưa nay, mình có lẽ 'đàn ông' thật !

September 09, 2009

Cháu Thắng...

Cách đây khoảng chục ngày, bỗng nhận được một tin nhắn từ một số máy lạ, tự giới thiệu cháu là con của một LHS. “Nhận thấy hoàn cảnh của Gienhia, cháu muốn có chút ít đóng góp cùng các cô chú…có được không ạ?”. Hơi bối rối. Trả lời thế nào đây? Dù đã không ít lần ‘được’ mấy chị cùng cơ quan ‘tin cậy’ nhờ làm trung gian nói chuyện với con, khá tự tin vào kinh nghiệm ‘làm bạn với các cháu’, nhưng lần này cũng phải mất vài phút mới sắp xếp được câu trả lời đúng ý muốn nói: “Ồ, cô chào cháu, thật là tuyệt. Tin nhắn này của cháu khiến cô rất vui và cảm động nữa. Về chuyện đóng góp giúp Gienhia, hôm nào cô cháu mình gặp bàn cụ thể, được không cháu”. Một kế hoãn binh.

"Cháu cũng vui khi được đóng góp, cháu biết cô bận rộn, khi nào cô có thời gian cháu sẽ tới" – "cô bận rộn nhưng cô sẽ có thời gian chứ, hôm nào cháu rảnh, cháu cứ gọi nhé, cô sẽ xem lịch rồi hẹn cháu".

Sẽ nói thế nào với cậu bé trong cuộc gặp? Rằng mọi sự đóng góp, mọi tấm lòng nhân hậu đều rất đáng quý và trân trọng, nhưng … ở đây có những cái ‘nhưng’ mà ai ở vị trí cô khi nhận được lời đề nghị của cháu cũng sẽ nghĩ đến – chỉ không biết làm sao diễn giải cho tốt nhất !

Bận rộn, bẵng đi chưa hẹn lại. Sáng nay chuẩn bị đi làm, máy báo tin nhắn "Cô ơi hôm nay cô có chút thời gian rảnh nào không ạ?". Chiều đi làm về, hẹn gặp cậu ở một quán cà phê bên đường Hai Bà Trưng. Mình đến trước, ngồi nhâm nhi từng ngụm sinh tố lạnh, vừa sắp xếp những điều muốn nói. Buồn cười thật. Hình như rất ít những cuộc gặp mà mình loay hoay chuẩn bị kỹ trước như thế này.

Ngồi trước mặt mình là một cậu bé 19 tuổi, sinh viên năm 1 Bách khoa, cái nhìn thẳng, hiền, nhưng chắc chắn sau cặp kính trắng. Thiện cảm.

Mình bắt đầu bằng chuyện Gienhia đã quay lại Nga và trở lại cuộc sống vừa đi làm, vừa đi học tại chức. Rồi nói: - Cô hiểu cháu thông cảm với Gienhia, cô trân trọng điều đó. Cô muốn nói là mọi sự đóng góp giúp đỡ Gienhia đều đáng quý, nhưng cô muốn gặp cháu trước để nói với cháu vài điều...
- Vâng ạ
- Thế... cháu đã bàn với bố mẹ cháu về việc này chưa?
-...
- ... cô hiểu cháu đã lớn, cháu có thể tự quyết định...
- Vâng, cháu tự quyết định
- Ừ... nhưng thế này, đây là quỹ của LHS giúp đỡ Gienhia, các cô chú sẽ cố gắng làm sao để quỹ giúp được bạn ấy hiệu quả nhất, vì thế sẽ luôn cần sự công khai và bàn bạc. Cô là người giữ quỹ, cô có trách nhiệm phải công khai sự đóng góp, chi tiêu... Thêm nữa, cô là bạn của bố mẹ cháu, cô muốn hỏi, cháu có đồng ý cho cô để bố mẹ cháu biết về việc cháu góp quỹ này, hay cô có thể chỉ ghi “một con của LHS” nếu cháu muốn?

- Vâng được, không sao ạ... cháu nghĩ việc này mẹ cháu sẽ ủng hộ cháu.

Cậu bé lấy ví, rút ra tờ 500.000, ngập ngừng đưa bằng 2 tay...
- Cô cho cháu góp...
- Cháu góp ...??
- Dạ, 500 ngàn đồng ạ.
- 500.000 là một số tiền lớn đấy cháu ạ. Ý cô là ... cháu còn đang đi học...
- Vâng, nhưng cháu có đi làm thêm. Đây là tiền cháu làm được, đợt rồi cháu được cũng khá...
- ...
Nhận. Và chỉ biết hứa trong danh sách emails thông tin về Quỹ, cô sẽ thêm đ/c của cháu. Hai cô cháu nói chuyện thêm vài phút về việc học, về chuyện vừa học vừa làm... rồi đi về. Thế là, bao nhiêu điều mình sắp xếp định nói, rằng trước mắt chỉ muốn ghi nhận tấm lòng và sự cảm thông, rằng cháu còn rất nhiều việc phải lo cho mình trước mắt, rằng làm việc thiện là đáng quý nhưng phải biết chia sẻ đồng tiền làm ra cho những việc cần thiết và sử dụng thật hiệu quả...v..v.. tất cả, trước cậu bé này, bỗng trở thành thừa và biến đi đâu hết đến mình thành lóng ngóng...

Cuộc sống, quả vẫn luôn có những điều lung linh, đẹp đến nao lòng.

September 04, 2009

Câu chuyện về Zenhia

Con là Gienhia, tìm bố...

(LĐ) - 22 năm trước. Leningrad. Thành phố của những đêm trắng. Chàng sinh viên người Việt 22 tuổi yêu cô gái Nga 17 tuổi. Một mầm sống thành hình. Nhưng cuộc đời không lãng mạn như những đêm trắng.

Người mẹ trẻ, không thể nuôi nổi con mình, phải đưa con vào trại trẻ mồ côi. Anh sinh viên phải về nước vì một vài lý do. Chưa bao giờ Gienhia được hưởng tình yêu thương của bố mẹ. Rồi một ngày, Gienhia quyết định đi tìm nguồn gốc của mình. Rất tình cờ, Hội Lưu học sinh (LHS) Việt Nam tại Liên Xô khoá 1982 - 1983 biết được câu chuyện của cậu. Những kết nối tất bật, sẻ chia. Và câu chuyện kết thúc có hậu.

Đứa trẻ mang họ mẹ

Tôi là V.Evghenhi A. (tên thân mật là Gienhia) sống tại TP. Saint-Petersburg, tìm bố tôi là N.M.T... Từ năm 1983 đến 1986, bố tôi học tập tại Leningrad. Tại Leningrad, bố tôi và mẹ tôi là Valuk L.A. đã quen nhau, họ yêu nhau và cũng từ tình yêu đó, ngày 17.7.1986, tôi được sinh ra...

Nhưng vì hoàn cảnh lúc bấy giờ, mẹ tôi và bà ngoại tôi là Valuk V.P. đã quyết định từ bỏ tôi, ngày 29.7.1986, họ đưa tôi vào trại trẻ mồ côi với hy vọng ai đó sẽ nhận tôi làm con nuôi. Cha tôi không được hỏi ý kiến về việc đó. Ông tôi và cha tôi lại mong muốn giải quyết theo một cách khác. Nhưng mọi mong muốn của cha tôi và ông tôi không nhận được sự ủng hộ của luật pháp lúc bấy giờ. Khoảng tháng 8.1986, mẹ tôi là Valuk L.A. đã về nước CH Belarus.... Ngày 20.10 năm đó, bố tôi rời Liên Xô bay đi Havana. Theo nguồn tin không chính thức, trong thời gian một năm sau khi chia tay, bố mẹ tôi vẫn thư từ cho nhau...".

Đây là câu chuyện của Gienhia được chính lời cậu kể, trong bức thư gửi tới Đại sứ quán Việt Nam ở Nga ngày 21.12.2008.

Gienhia ra đời mang họ mẹ. Nhưng không còn ký ức nào về mẹ ngoài cái họ ấy. 18 năm sống trong môi trường khắc nghiệt ở trại trẻ mồ côi, Gienhia còn may mắn được vợ chồng người bảo mẫu yêu quý.

Năm 18 tuổi, cậu rời khỏi trại, được nhà nước cấp cho một phòng trong căn hộ chung 2 phòng cho 2 người; từ đó, cậu sống một mình. Gienhia biết mình khác mọi người, nhưng không biết tại sao, không biết cậu một nửa là người Việt. Cho đến khi cậu tìm được bà ngoại và mẹ mình, cậu mới biết mình khác mọi người thế nào. Nhưng ngay cả khi đó, Gienhia một lần nữa bị chối từ:

"Năm 2004, nhờ sự giúp đỡ của những người bạn cũ, tôi đã tìm được bà ngoại tôi. Bà tôi đã gửi cho tôi tấm ảnh chụp bố mẹ tôi và từ đó quan hệ giữa tôi và bà cũng chấm dứt.

Đến năm 2006, nhờ sự giúp đỡ của công an, tôi đã tìm được mẹ tôi, nhưng vì hoàn cảnh cá nhân, mẹ tôi đã có gia đình nên đã từ chối mối quan hệ với tôi".

Gienhia bảo, lúc đó, cậu thấy buồn và thấy hình như cuộc sống bất công với mình quá. Nhưng Gienhia vẫn tự mình cố gắng để trưởng thành:

"Tôi đã có nghề nghiệp, đã tốt nghiệp phổ thông trung học. Tôi tiếp tục học khoa tại chức Viện Công nghệ, Mô hình và Điều khiển thuộc Trường Tổng hợp Công nghệ và Thiết kế Saint-Petersburg. Năm 2009, tôi bảo vệ tốt nghiệp. Hiện tôi sống tự lập, học tập và làm quản đốc phân xưởng, quản lý trên 30 người. Tôi chưa lập gia đình vì còn cần phải học xong".

Từ những thông tin cùng bức ảnh của mẹ và bà ngoại, Gienhia tiếp tục tìm bố. Thật kỳ lạ, cậu đã nghĩ rằng, cậu tìm bố mẹ để được giúp đỡ bố mẹ, chứ không phải để bố mẹ giúp đỡ cậu. Một thanh niên chưa bao giờ được hưởng tình yêu từ bố mẹ, đã nghĩ như thế, chắc chắn là một chàng trai tốt:

"Năm 2007 trong hồ sơ lưu trữ của trường, chúng tôi đã tìm thấy hồ sơ của bố tôi... Theo luật pháp Liên bang Nga, tôi có quyền quan hệ với những người sinh ra tôi và chúng tôi sẽ tự giải quyết mối quan hệ đó...

Hơn nữa, tôi không cần cha tôi về mặt vật chất và tôi luôn coi cha tôi không hề có lỗi với tôi. Điều quan trọng là tạo nên tình người, trong đó sẽ là tình yêu, sự tôn trọng và quan tâm lẫn nhau...".

Kết nối

Nhưng câu chuyện hoàn chỉnh này có được là sau đó, khi các thành viên của Hội Lưu học sinh biết chuyện và vào cuộc. Bắt đầu hoàn toàn tình cờ. Có ai đó đã vào trang web của chương trình tìm người thân trên kênh 1 Truyền hình Nga có tên: "Đợi anh về" và đọc được mẩu tin tìm bố của Gienhia. Tin nhắn được chuyển tiếp và đưa lên trang web lhsvn.com.vn ngày 21.12.2008.

Hồi âm ngay là những tín hiệu thông cảm, sẻ chia: "Tội nghiệp cho Gienhia quá. Có rất nhiều hoàn cảnh éo le tương tự thế... Tìm bố Gienhia theo bạn bè cũng khoá mình nghĩ chắc không khó lắm. Dù không tìm được cha cho Gienhia, nhưng giá như Gienhia may mắn có dịp được đặt chân tới Việt Nam nhỉ. Anh sẽ thấy đất nước mà mình mang nửa dòng máu là đất nước đáng yêu mến với những con người hồn hậu. Anh sẽ thấy cuộc đời mình không nghiệt ngã thế...".

Các thành viên lhsvn đã học cùng hoặc trên dưới một - hai khoá với bố Gienhia ở Trường Ngoại ngữ Thanh Xuân năm 1982 - 1983, dù sau đó sang Liên Xô mỗi người học một nơi. Câu chuyện của Gienhia làm hình thành ngay một mạng lưới kiếm tìm sôi nổi, bận rộn. Những kết nối từ Hà Nội vào TPHCM, xuống Hải Phòng, sang Mátxcơva tới Saint-Petersburg.

Vài manh mối dần hiện ra. Có những thông tin được đưa lên mạng để đọc chung, có những điều chỉ các anh chị LHS trao đổi riêng để giữ câu chuyện chỉ cho Gienhia và gia đình bố cậu ở Việt Nam. Một vài chi tiết từ bức thư của Gienhia có sự nhầm lẫn, khiến việc tìm kiếm đôi lúc bối rối, chẳng hạn năm 1986, bố Gienhia đã không sang Cuba mà về Việt Nam, trong hồ sơ của trường ghi nhầm chuyến bay Hà Nội thành chuyến bay Havana.

Nhưng chỉ chưa đầy 3 hôm sau, ngày 23.12.2008, các thành viên LHS Việt Nam thông báo đã tìm thấy gia đình bố Gienhia, họ đã chuyển từ quê Hải Phòng vào sống trong TPHCM. Mọi việc diễn ra dồn dập. Một nhóm LHS ở TPHCM đến thăm gia đình bố Gienhia. Thành viên LHS ở Leningrad trực tiếp tìm gặp cậu. Tất cả chỉ trong một tuần. Gienhia đã trở thành người mới của gia đình LHS mà ai cũng quan tâm.

Qua các LHS, Gienhia và ông nội đã liên lạc được với nhau và đều mong sớm gặp mặt. Chính các anh chị LHS đã sắp xếp kế hoạch và giúp đỡ tiền bạc để Gienhia được đi học tiếng Việt và tiếp đó là kế hoạch về thăm ông bà nội và bố. Tin tức về Gienhia được cập nhật thường xuyên trên trang web LHS:

"Gienhia có vẻ ngoan ngoãn và thông minh, chăm chú nghe chuyện, rất muốn tìm gặp xem những người ruột thịt như thế nào. Hiện giờ lương của cậu ta là 18 nghìn ruble (khoảng hơn 600USD), thuộc loại hơi thấp ở Nga bây giờ...".

"Mùng 1 Tết, JK đến tụ tập với bạn bè ở Len (viết tắt của Leningrad) dịp Tết Việt, đã rủ theo Gienhia đi cùng cho cậu biết Tết người Việt".

"Dạo trước, Gienhia chắc mải làm nên ít đi học, thành tích sụt giảm. Hôm nay nói chuyện với cô giáo, cô bảo Gienhia nói bập bẹ được rồi. Đặc biệt là phát âm như người Việt. Chỉ tội cu cậu chắc ít thời gian và không có thực tế nên chậm nhớ từ. Gienhia đang viết bài tốt nghiệp" (15.5.2009).

"Hiện nay, Gienhia có nguyện vọng theo học một trường đại học nào đó, khoa quản lý kinh tế, hệ hàm thụ. Khó khăn ở chỗ lãnh đạo cậu ta không còn nhiệt tình lắm với việc thỉnh thoảng cậu ta xin nghỉ vài ngày đi thi. Vì vậy, ngoài việc tìm trường thích hợp, cậu còn phải tìm việc khác" (6.7.2009).

Những dòng tin ngắn ngủi, nhưng đều được mọi người mong chờ. Trước khi gặp bố ở Việt Nam, Gienhia cũng đã kịp có bố nuôi, mẹ nuôi người Việt là các cô chú LHS - bạn bố. Gienhia là người may mắn, có những cậu bé, cô bé Nga tìm bố ở Việt Nam đã bị chính người bố quay mặt đi. Và một ngày tháng tám, Gienhia sang Việt Nam gặp bố và ông bà nội, vé máy bay do Hội LHS mua. Chờ đón cậu còn là một suất học bổng đại học do Hội LHS 82 - 83 dành tặng.

Thanh Bình

Gienhia bước ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất một ngày cuối tháng 8.2009. Một thanh niên cao, gầy, gương mặt hiền lành, lặng lẽ. Các LHS ra sân bay đón cậu, cùng với người bác rể. Bố Gienhia, từ 20 năm nay, sức khoẻ không tốt. Ông bà nội cậu thì đã già. Sau này có ai đó nhận xét, nhìn Gienhia thấy vừa trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 23, lại có lúc già hơn hẳn tuổi. Cuộc đời, cho đến lúc trước đó, hẳn đã không dễ dàng với Gienhia. Cho đến giờ, cách phát âm, dùng từ của Gienhia có gì đó rất đặc biệt, phải chăng là do nhiều năm sống trong môi trường dữ dội ở trại trẻ?

Buổi gặp đầu tiên. Ngôi nhà của gia đình bố Gienhia ở ngoại ô TPHCM, rất thoáng và khang trang. Gienhia lễ phép chào ông bà nội. Hai bố con... bắt tay nhau. Cuộc gặp không có nước mắt, không ồn ào, không làm mọi người chứng kiến phải nhói tim như có thể tưởng tượng ra. Giữa họ là 23 năm xa cách, phút đầu gặp lại có thể không quen được ngay. Nhưng kể cả những người lạ cũng có thể nhận ra rằng Gienhia giống bố. Những nét không lẫn đi đâu được. Ông nội Gienhia cũng bảo: Thằng bé đã có nhiều tóc bạc rồi, giống bố nó hồi trẻ. Tóc bạc ấy đã thành biệt danh của bố Gienhia thời sinh viên.

Gia đình không ai nói được tiếng Nga. Chỉ có người bố, nhưng đã quá lâu rồi, nhất là trong điều kiện sức khoẻ hiện nay... Gienhia thì cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh đều mới chỉ bập bẹ. Cậu mang theo quyển từ điển Nga - Việt trong hành lý nhỏ bé của mình.

Rồi mọi người đều mừng rỡ khi thấy bố Gienhia hiểu được những câu hỏi của con trai mình và trả lời bằng tiếng Việt. Tiếng Nga tưởng như đã bị chôn vùi lâu lắm đâu đó trong ký ức anh, dần dần sống dậy. Ai cũng hy vọng, Gienhia sẽ giúp sức khoẻ của bố tốt hơn.

"Cháu không trách bố cháu đâu. Nhưng cháu rất muốn biết sau đó tại sao bố cháu và ông bà không đi tìm cháu?" - Gienhia hỏi ông nội. Người ông, nay đã ngoài 80, trả lời: "Khoảng 2 năm sau khi bố cháu về nước, bố mẹ cháu vẫn thư từ cho nhau. Bố cháu vài lần muốn sang tìm lại hai mẹ con, nhưng lúc ấy điều kiện không cho phép".

Ngôn ngữ không phải là rào cản. Buổi chiều đầu tiên về nhà, Gienhia ngủ được một chút. Rồi hai bố con nói chuyện nhiều hơn. Bố đã nhớ ra tiếng Nga để trả lời con trai mình. Giữa chiều, 3 -4 giờ, là thời điểm trong ngày sức khoẻ của bố tệ nhất và anh thường phải uống thuốc ngủ. Nhưng hôm đó quy luật tệ hại kia đã không lặp lại. Chắc chắn phép màu chính là tình yêu thương.

"Thanh Bình, tên con sẽ là Thanh Bình" - bố nói với cậu con trai "mới". Người bố khi về nước đã có gia đình, hai con anh sống với mẹ ở Hải Phòng. Cả nhà đều tiếc vì cậu con trai vào thăm bố suốt 2 tuần mới trở về Hải Phòng trước khi Gienhia sang có vài ngày, nếu không, anh em đã được gặp nhau.

Bình, giờ phải gọi như thế, được Hội LHS đón ra Hà Nội, được bạn thân của bố năm xưa đưa về Hải Phòng thăm quê, thăm nhà cũ của ông bà nội trước khi quay lại TPHCM để về Nga.

10 ngày rất nhanh, Bình đã rất bận rộn. Hành trang của Bình, lúc đến sân bay, lần đầu tiên đặt chân về quê bố, chỉ là một túi máy ảnh khoác vai và một túi du lịch bé xíu, nhẹ tênh, chắc chỉ đủ vài bộ quần áo và có thể là những dấu hỏi nữa. Thì ngày quay về, chắc vali của Bình quá cân, rất nhiều quà của các cô chú LHS, của gia đình, rất nhiều tình yêu thương và sự ấm áp mà Bình nói lâu lắm cậu không được hưởng.

Bình sẽ học đại học ở Nga rồi sẽ tính tiếp, bà nội đã nói, tuỳ cháu, cháu thích ở Nga cũng được, hay là về đây cho gần với gia đình. Bình đã có một gia đình. Những ngày tháng sắp tới sẽ không còn là sự cô độc. Sẽ như tên cậu, bố đã đặt, là Thanh Bình.

(Mỹ Hằng)

*** Bài liên quan: "ĐÓN GIENHIA RA HÀ NỘI"