January 13, 2010

Thăm bạn ốm

Hôm qua cùng 3 anh chị nữa vào thăm một anh cùng là LHS nằm viện Việt Đức. Anh bị K. vừa phải mổ cắt 4/5 dạ dày. Đến nơi lại không đúng giờ thăm bệnh nên phải xin bảo vệ mới được cho phép lần lượt từng người vào thăm. Mình vào trước. Anh tỉnh táo. Cười nhẹ. Anh nói chuyện nhẹ nhõm như anh chỉ bị một cơn cảm rồi sẽ qua. Không thấy ở anh cái sự lên gân lên cốt cố gắng, cũng không có vẻ quá mệt mỏi của một người vừa qua ca mổ dù chắc chắn vết mổ còn rất đau, và hơn thế những ưu tư trong sâu kia không hề ít. Nhẹ nhàng. Người nằm bệnh xoa dịu người đến thăm.

Mình không phải người khó chịu ở đa phần thời gian, đa phần hoàn cảnh, nhưng có một điều đặc biệt là mình cảm thấy khó chấp nhận khi chứng kiến người ta yếu ớt èo uột ỉ lại chỉ trông đợi giúp đỡ. Khi còn có thể cố gắng mà không chịu cố gắng, chỉ luẩn quẩn đổ thừa tại cái này, tại cái kia là mình ghét đến bức bối. Trong mọi hoàn cảnh phải luôn tự cố gắng đã trước khi trông chờ người khác chìa tay đỡ.

Và thế, ngược lại, mỗi khi nhìn thấy một người chống chọi với nghịch cảnh mà vẫn giữ được vẻ điềm tĩnh, vẫn ráng tươi tỉnh, vẫn nghĩ được cho người khác là mình cảm động đến thắt lòng, cảm động và ngưỡng mộ. Khi rất ghét một điều gì thì sẽ rất ngưỡng mộ điều ngược lại.

Câu chuyện trong bệnh viện cứ vẩn vơ trong đầu mãi. Tối, nói chuyện với một người bạn qua mạng. Bạn kể bạn mới xem một bộ phim rất cảm động nói về người chồng bị bạo bệnh nhưng giấu vợ con, lo thu xếp mọi thứ trước khi chết, tìm người yêu cũ của vợ, bố của con gái đầu về và sắp xếp làm như tình cờ vậy...

Mình nhớ mình cũng đã xem một phim của Trung Quốc, lâu lắm rồi, về một người mẹ có 5 đứa con (hay 6, không nhớ nữa) từ vài tuổi đến mười mấy tuổi, nghèo, chồng đã chết. Rồi bà phát hiện bà bị ung thư. Bà cố gắng chạy đua với thời gian còn lại, dồn hết nghị lực làm mọi việc để lo cho các con khi bà không còn. Bà tìm người thân nhận hoặc các nơi bà có thể yên tâm gửi con làm con nuôi. Cứ thế từng đứa một. Và thế bà đã kịp thu xếp cho tất cả những đứa con của mình trước khi thời gian của bà đến lúc.

Xem phim, nhìn những điều gặp trong cuộc sống, là có ảnh hưởng chứ.

Bạn bảo cứ hay nghĩ vậy sẽ khổ đấy, 'hấp thụ nỗi buồn thế gian vào người'. Nhưng mình không nặng nề. Nhìn anh ấy bệnh mà vẫn nhẹ nhàng thế, mình đâu có nặng nề. Chỉ nghĩ: Nếu rơi vào trường hợp như mấy bộ phim mới nhắc đến mình cũng sẽ cố gắng làm như vậy (NẾU thôi, hơi linh tinh một chút).

8 comments:

  1. Phỉ phui cái miệng xinh của Lana nhé.
    Ngưỡng của cái chết đối với một người bệnh nặng (nghi K) cần phải phẫu thuật chính là giây phút trước khi chìm vào cơn mê. Hầu như tất cả đều cố gắng mở mắt nhìn xung quanh trong trạng thái như thể đó là lần cuối cùng nhìn cuộc đời vậy. Nếu ngày mai lại sáng, thì đó là ánh sáng không gì có thể thay đổi nữa rồi: bình thản khi đã một lần bước qua cái chết.

    ReplyDelete
  2. Riêng trường hợp của Sơn, chị vừa nói chuyện với một bác sĩ, chị ấy bảo là bạn chị ấy cũng K bờ cong nhỏ và chính BS Sơn VĐ mổ. Ca mổ vô cùng thành công, cắt 4/5 dạ dày, bóc rất nhiều hạch lan tỏa. sau khi mổ anh ấy phục sức bằng thuốc và tam thất hàng ngày. 4 năm đã qua rồi mà anh ấy vẫn khỏe.
    Bọn mình sẽ cùng hy vọng.

    ReplyDelete
  3. Ôi chị, vâng phỉ phui cái miệng (và cái lo sợ) của em. Thật ra em không dám nghĩ đến tình huống xấu, nhưng đi về cứ tản mạn mãi thế nên viết ra cho nhẹ thôi chị. Tất nhiên rồi, mình cùng cầu nguyện và hy vọng nhé.

    ReplyDelete
  4. em hay đọc Lana độ này vì có nhiều điều em tin là Lana viết rất chi là thật với chính mình.

    ReplyDelete
  5. Chi ah, neu nguoi dang chong choi voi nghich canh ma an ui nguoi khac thi em that su nguong mo anh ay qua chi ah. Tinh than nhu vay rat can trong dieu tri nhung can benh nang.

    ReplyDelete
  6. Em biết có người nữa cũng như vậy. Với quan niệm, không bao giờ trầm trọng hóa vấn đề và luôn nhìn cuộc sống theo hướng tích cực, họ sống cực kỳ mạnh mẽ và truyền cảm hứng cho mọi người trong mọi hoàn cảnh :-)

    ReplyDelete
  7. @Titi và Thy Thy: Như chị Bí nói thì ca phẫu thuật có thể cắt bỏ được sự lo lắng lớn nhất và bây giờ có thể hy vọng. Chị chỉ ở thăm trong phòng bệnh được ít phút. Chị đã tưởng sẽ gặp người bạn mệt mỏi sau ca mổ và một chút ưu tư... nhưng thay vào đó là sự nhẹ nhàng, an hòa, kể cả khi nói chuyện về bệnh (anh ấy có gia đình và 2 con, 12 và 5 tuổi). Thật ra anh ấy không an ủi hay cứng cỏi mạnh mẽ, nhưng cảm giác nhẹ lòng khi chị ngồi bên giường bệnh là rất thật. Chị không giải thích được nên về viết ra vậy. Các em cùng chia sẻ nhé.

    ReplyDelete
  8. @Gauxx: Cảm ơn Gau nhiều.

    ReplyDelete

Nào mình cùng chia sẻ cảm nhận...