March 11, 2010

Đọc sách cùng con

Mình có thói quen thấy bài báo nào hay là muốn cất giữ lại. Xưa đọc báo giấy, nếu gặp bài nào quá thích thì sẽ đi mua riêng cho mình rồi cắt lại, cất giữ, cẩn thận thì ghi thêm bài này đăng trên báo nào (thói quen này do mẹ dạy lại). Bây giờ có báo điện tử, tiện hơn, chỉ việc copy nội dung rồi lưu giữ vào file, ghi lại đường link.
Hôm nay nhớ ra một bài báo đã từng rất thích về nuôi dạy trẻ, tìm lại, rồi đọc chung với cả nhà: Tuyết, Dim, Mei. Bảo: Cả nhà cùng đọc rồi mẹ sẽ làm bia, cả nhà xem mẹ còn thiếu cái gì thì dân chủ phát biểu nhé :)

Bài báo ấy đây: "NĂM GIÁ TRỊ CẦN DẠY CON", đăng trên báo điện tử Sài Gòn Tiếp thị ngày 11/10/2009.

Để con bạn trưởng thành, sống hạnh phúc và có ích thì cần có sự định hướng từ cha mẹ. Thực tế là đôi khi chúng ta quá chú trọng đến việc dạy kỹ năng mà quên mất việc dạy những giá trị. Trong khi bọn trẻ luôn cần khắc sâu những giá trị đích thực, học được từ gia đình như là chiếc la bàn cuộc đời của chúng.

Và đây là năm giá trị gia đình bạn cần trao lại cho con:

1. Làm việc chăm chỉ và luôn phải cố gắng hết mình
Việc dạy con cái mình về cách cư xử đúng đắn trong công việc là rất quan trọng. Bất kể nghề nghiệp của chúng ta là gì, con cái chúng ta cần biết cha mẹ chúng phải kiếm sống bằng cách cung cấp những sản phẩm hoặc dịch vụ có giá trị cho những người khác.
Bọn trẻ cần phải hiểu rằng sau này chúng cũng phải làm việc một cách lương thiện để kiếm những đồng tiền lương thiện. Không có quyền lừa dối, gian lận, trộm cướp hoặc mưu đồ kiếm tiền của người khác một cách đen tối.

2. Luôn nói sự thật và phải trung thực
Trung thực chính là nền tảng cho những mối quan hệ đúng đắn trong cuộc đời. Một cách nào đó, sự dối trá thường tạo ra những điều xấu, những hệ luỵ và tổn thương lâu dài.
Có rất nhiều ví dụ như vậy xảy ra trong cuộc sống. Hãy cho con thấy rằng tất cả chúng ta đều có lúc phạm lỗi lầm. Nhưng càng sớm nói ra sự thật một cách cởi mở, thì chúng ta càng nhanh chóng giải quyết được vấn đề và giảm thiểu thiệt hại.

3. Đừng làm tổn thương chính mình hoặc người khác
Vì tất cả mọi người, chúng ta phải truyền thụ một ý thức thấu cảm và lòng yêu thương cho con cái chúng ta. Khi chúng còn nhỏ, chúng ta dạy con không đánh, cắn hoặc ném đồ vật vào người khác, tránh xa bếp lửa, điện và vật nhọn… Khi chúng lớn hơn, chúng ta dạy con tránh những hành động tình dục nguy hiểm, tránh việc lái xe trong tình trạng say xỉn và khôn ngoan trong vấn đề chi tiêu tiền bạc.
Nếu chúng ta làm tròn trách nhiệm của mình, con chúng ta khi lớn lên sẽ biết tôn trọng chính bản thân mình và người khác đủ để không làm những điều dại dột có thể gây ra nỗi đau lớn lao như nhiều người đang cảm thấy ngày hôm nay.

4. Đừng lấy những gì không phải của mình
Điều này dường như là hiển nhiên, nhưng rõ ràng nó cần được nhắc lại cùng với những khái niệm căn bản nhất về quyền sở hữu:
• Nếu con không có nó đầu tiên hoặc nó không dành cho con, vậy nó không phải là của con!
• Nếu nó không phải là của con, vậy con phải để nó ở đó.
• Nếu con mượn nó, con cần sự cho phép và sau đó con cần phải gìn giữ và chăm sóc nó ở mức độ cao hơn thường lệ, thậm chí hơn cả nếu nó là của con.
5. Con muốn mọi người đối xử với mình như thế nào thì hãy đối xử với mọi người như vậy
Đây là quy tắc vàng, định hướng cho tất cả mọi thứ. Nó thật đơn giản nhưng mạnh mẽ. Nó sẽ giúp con bạn trở thành người luôn được tôn trọng và yêu thương. Đừng quên bất cứ cơ hội nào có thể để ghi khắc nó vào tâm khảm đứa con bé bỏng của bạn.

Hãy tin tôi, chỉ năm giá trị ngắn gọn này có thể giúp con bạn có một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai. Hãy nhấn mạnh những giá trị gia đình này ở nhà chúng ta. Hãy khắc sâu nó vào tâm hồn và trái tim của con cái chúng ta để không bao giờ chúng có thể quên được.

Theo Nguyên Giang, Minh hoạ: Hồng Nguyên (Sài gòn Tiếp thị online)

13 comments:

  1. Tình cờ hôm nay anh cũng đọc bài này. Trên báo in cũng có mà. hay và thực sự có ích. Nhất là với những người có con đang trong tuổi lớn, như anh và em.

    ReplyDelete
  2. Con chi se la nhung dua tre tuyet voi.

    ReplyDelete
  3. Đúng quá chị à. Cơ mừ em nghĩ, còn phải dạy con có kỹ năng thể hiện những điều trên trong cuộc sống nữa. Chứ bi giờ, em nói trong phạm vi những đứa ngoan ngoan, đã đủ lớn để lĩnh hội điều phức tạp trên , dạng con nhà lành nhé, thì hầu hết đều dát dát thế nào ấy. có thể chúng đã được cha mẹ dạy rất kỹ những điều hay lẽ phải, nhưng chúng không bit thể hiện ra bằng lời, bằng hành động tự nhiên và chủ động từ bản thân chúng. Hic...

    ReplyDelete
  4. Thế mấy bé có dân chủ phát biểu không chị?

    Chắc sẽ là : Hoan hô mẹ, mẹ chả thiếu cái nào trong 5 gia trị vừa nêu cả. Tụi con hứa sẽ cố gắng để được bằng mẹ"

    ReplyDelete
  5. @Anh Thụy: Vâng bài này rất hay anh ạ. Nhất là nếu kèo được chúng cùng đọc để làm 'dẫn chuyện' cho mình nói với chúng những chuyện cụ thể tiếp theo (ví dụ như muốn dặn dò chúng bảo vệ mình và tránh những hành vi tình dục nguy hiểm). (Mẹo của em đấy, hihi).

    ReplyDelete
  6. @Lừng: Cảm ơn Lừng, chị Lana mới đang đi chưa tới đích (nuôi dạy con) nên nghe câu của Lừng thấy bước chân vui và hy vọng hơn. Vẫn còn phải cố gắng Lừng ạ. Tạm thời cho đến giờ này 2 bé ngoan, cứng cáp, và biết yêu thương.
    @Titi: Chị hoàn toàn đồng ý với Titi trong comment này.
    @ANH: Ôi trời có mỗi đoạn muốn lờ đi thì lại bị cô Anh lôi ra. hì hì. Đọc xong mẹ nhận luôn cái lỗi trước nhất là "cố gắng hết mình nhưng chưa chăm chỉ lắm". hic hic....
    (mục đích là để chúng cùng chăm chú nghe đọc thì đã đạt được rồi, sau đó là phải thư giãn chứ) :)

    ReplyDelete
  7. Con đang trong tuổi mới lớn, dạy gì, phải cực kỳ khéo léo đấy em ạ! Nhất là con gái. Anh có con gái lớn mà!

    ReplyDelete
  8. Điều 1 có ích cho bác Bí ghê cơ. He he.

    Dạy con bây giờ khó ghê. Lý thuyết và thực hành làm thế nào để song song trên đường đời một cách có hiệu quả đây?
    Đôi khi những điều mình dạy lại bị các hiện tượng thực tế trong xã hội phản bác một cách hết sức phũ phàng. Cuối cùng là lôi tôn giáo và đức tin ra làm bình phong che chắn, an ủi. Thật khó làm sao khi hệ giá trị bị đảo lộn đang chờ được định hình lại.
    Lana có hiểu ý Bí nói không?

    ReplyDelete
  9. @Bí: Lana hiểu Bí ạ.
    Trước Lana cũng hay sợ "những giá trị bây giờ...", dạy con làm sao? Rồi cứ đi theo con, mình cũng hơi điều chỉnh mình một chút, đâm lại trẻ ra và thực tế hơn :)
    Nói vậy thôi chứ ko dạy con theo cách đọc bài đạo đức vì không hiệu quả mà dễ bị 'thực tế phản bác'. Mình cứ nói chuyện hàng ngày, trong từng tình huống cụ thể lại đưa các phân tích có 'tiêm' các giá trị mình muốn nói vào chị ạ.
    Em nghĩ những giá trị cốt lõi là ít thay đổi, những đứa trẻ nhà mình sẽ phải học thêm cách thích nghi kiểu 'chấp nhận thực tế xung quanh': Ừ, như thế là không tốt, nhưng XH luôn vẫn có cả những điều tốt đẹp và những điều xấu, con ạ.

    ReplyDelete
  10. @anh Thụy: Vâng. Em cũng phải tâm niệm thế suốt :)

    ReplyDelete
  11. Bây giờ là Lana bắt đầu cực hơn khi hai cô công chúa còn bé đó nha. Nhất lại là con gái nữa, như bom nỗ chậm. Sắp tới Lana sẽ phải lại cắp cặp đi học theo con cho mà xem. Ngày sinh viên làm lễ tốt nghiệp là ngày Lu thấy cha mẹ nào cũng có vẻ như rơm rớm nước mắt. Người ta bảo nuôi một đứa trẻ thì chặng đường đi dài đến 22 năm chứ ko phải 18. Vì chỉ khi thấy con mình học hành nên người thì cha mẹ mới thở phào cảm thấy mình đã hoàn thành xong bổn phận làm cha làm mẹ.

    ReplyDelete
  12. Ủa mình nhớ là đã viết còm rồi mà , sao mất tiêu vậy ta, ngay đầu tiên luôn á, ??
    Cả 5 giá trị đều là vàng cả, cám ơn Lana nha.

    ReplyDelete
  13. @BeBo: Tiếc quá BeBo. chắc lại lỗi của Blogspot. Lana cũng mới bị mất còm bên một blog bạn.
    5 nguyên tắc này rất hay, nhưng Lana cũng muốn nghe thêm kinh nghiệm mọi người nói/ dạy con mình về nó như thế nào. làm sao tạo diễn đàn nhỉ?
    @LU: Ừa đúng rồi LU, lúc con tốt nghiệp, lúc con gái đi lấy chồng... là những khoảng khắc nhiều xúc cảm lẫn lộn và cha mẹ thường rớm nước mắt.

    ReplyDelete

Nào mình cùng chia sẻ cảm nhận...