March 19, 2010

Cười ra nước mắt

Sau Lễ khai ấn đền Trần ngày 27 - 28/2 (14 tháng Giêng) với hơn 5 vạn người chen chúc xô đẩy để xin ấn, khá nhiều các bài viết có ý phê phán Lễ khai ấn Đền Trần bị biến tướng từ một tập tục văn hóa hết sức nhân văn thành một lễ hội của 'mong muốn hanh thông' và 'xin chức xin quyền' như ở đâyở đây. Xin ở đây là xin các bậc thánh thần.
(Hình - Thuận Thắng, tuoitre.com.vn: Giẫm đạp lên nhau vào xin ấn)

Cá nhân tớ thì, nói thật, tớ không đặt cái nhìn negative cho cái chuyện bị gọi là 'xin chức xin quyền'. Suy cho cùng, mục đích phấn đấu để vươn lên về tiền bạc, quyền lực cũng là một mục đích chính đáng và đáng tôn trọng. Còn hỏi vươn lên bằng cách nào, thì, 'Ôi, giá như được lựa chọn!'. Tớ thậm chí hiểu rõ rằng ở nước nào cũng thế, trên con đường quan lộc các mối quan hệ và sự may mắn (thiên thời địa lợi) là những yếu tố quan trọng. Tuy nhiên cũng nói nhỏ là ở mình hiện nay 'các yếu tố ấy' quan trọng quá đến nỗi lấn át cả cái tầm suy nghĩ và khả năng mang lợi cho công việc của ứng viên cho 1 vị trí nào đó. Thế nên làm sao trách được những người chấp nhận đi suốt đêm vất vả, chen chúc xin cho được cái ấn đền Trần để đường quan lộc may mắn hanh thông cơ chứ.
Cũng vì thế, tớ vốn an phận chẳng muốn hùa theo nói leo bài bác các bác đi xin ấn kẻo lại thành AQ. Chỉ là thấy vài câu chuyện bi hài nhặt đem về đây bạn bè đọc cười có tí nước mắt cho cuối tuần long lanh.

Tội nghiệp lòng thành:
(Trích từ bài viết "Hóa trang dự lễ khai ấn đền Trần", dantri.com.vn)

...Theo lịch sử, trong 30 năm thời nhà Trần trị vì, nước ta tuy chỉ có 3 triệu dân nhưng đã đánh tan 100 vạn quân Nguyên Mông. Việc khai ấn chính là việc công bố ngày làm việc đầu tiên của năm mới. Cũng tương truyền, Quốc ấn của vua Trần thuộc loại "tối linh", nhất là hanh thông trong thăng quan tiến chức.
Không biết có phải vì buổi lễ này mang một ý nghĩa thiêng liêng và đặc biệt gần gũi với "đời sống" của quan chức như vậy mà lễ khai ấn là một trong những lễ hội đầu năm "hút" được số du khách là quan chức thập phương về dự đông nhất trong các lễ hội.

Tại buổi lễ khai ấn này, bao giờ xe công cũng chiếm số lượng đông đảo nhất. Mặc dù ngay từ thời điểm năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu các đơn vị đã dùng xe công đi đền Trần phải kiểm điểm. Nhưng năm 2006, 2007, xe công vẫn rầm rập đi lễ Đền Trần và nhiều xe đã bị báo chí bắt "tại trận"!

Có lẽ, chính vì thế, lễ hội khai ấn năm nay, nhiều "quan" đã tính cho mình một phương án "hoá trang" nhưng vẫn xin được đại lộc!

Ông H, Hiệu trưởng của một trường dạy nghề lớn đã chuẩn bị sẵn sàng cho mình một chiếc xe biển trắng, lạ hoắc mà tất cả những người quen của ông đều không biết ông đã mượn xe của ai. Đơn giản là vì ông đã rỉ tai cho "chú trợ lý" thuê sẵn từ sáng, chỉ đợi đến giờ là khởi hành.
"Cứ phải cẩn thận vẫn hơn! Khổ, đi chùa mà cứ phải lén lút như đi ăn trộm! Nhưng không đi thì không xin được ấn thiêng! Cứ phải có mặt thì mới được Đức Thánh Trần coi là lòng thành!".
Ông còn than thở: "Chắc phải đợi đến lúc nghỉ hưu thì mới không phải đi lén lút thế này! Khổ nỗi, về hưu thì mình cũng còn phải xin ấn làm gì nữa!".

Giám đốc của một Sở ở tỉnh B. vẫn đi xe công nhưng cho gửi xe ở một khu nhà nghỉ khá hẻo lánh trong thành phố Nam Định và ông có phương án thuê một chiếc xe máy còi cọc để đến Đền Trần. "Có như thế thì mới không ai nhận ra mình!", ông lý giải.
Chú lái xe ái ngại vừa nghĩ đến cảnh sếp phải loạng choạng trên chiếc xe cà khổ đi chặng đường dài 9 km để đến Đền Trần xin ấn, vừa thấy muộn phiền vì sao con đường công danh lại chông gai đến vậy!

"Ông ơi, nhanh lên kẻo hết ghế..."
(trích từ bài viết "Ba chàng Ngự lâm Việt và những người chỉ nhìn chân ghế" của tác giả Trực Ngôn, tuanvietnam.net)

...Giống như một cảnh trong phim Mỹ về Ngày tận thế, các con đường từ thành phố chạy ra ngoại thành kẹt cứng xe hơi. Nhưng đây là con đường hướng về đền Trần trong ngày lễ Khai ấn. Những ai ở trong những chiếc xe hơi trên con đường chen chúc dài dằng dặc kia? Chúng ta có thể dễ dàng trả lời: chủ yếu là cán bộ nhà nước vốn đã có ít nhiều quyền này chức nọ. Vì công chức quèn hay nông dân thì chẳng có mấy người có lý do đến đó trong cái ngày ấy.
(Hình: Đua nhau xin ấn, nguồn: sggp.org.vn)

Tôi đã từng chứng kiến lãnh đạo của một cơ quan văn hoá quỳ sụp trước trâu giấy, ngựa giấy, vàng mã, nhang nến... vái lấy vái để. Người viết sớ cho ông lãnh đạo này kể rằng ông ấy gạt khỏi tờ sớ tất cả những nội dung không liên quan đến việc ông ấy thăng quan tiến chức.

Lái xe của một ông vụ trưởng thì kể rằng: anh phải dậy từ hai giờ sáng để đưa thủ trưởng đi đền Trần. Vì đã có tuổi nên ông vụ trưởng lục sục mãi mà chưa ra khỏi nhà được. Bà vợ sốt ruột quá bèn gọi "Ông ơi, nhanh nên kẻo hết ghế". Xin thưa, bi hài thay, không phải hết ghế trong rạp hát, trong sân vận động quốc gia Mỹ Đình... mà là hết "ghế quan".

Những câu chuyện nói trên nghe xong mà cười ra nước mắt. Không nhẽ lẽ sống cả đời người chỉ là thế sao? Những cán bộ như thế thử hỏi mang lại cho dân cho nước những gì?

* Tham khảo thêm: "Chúng ta đang bỏ quên ngôi chùa linh thiêng nhất" của Nguyễn Quang Thiều đăng trên tuanvietnam.net)

11 comments:

  1. Vụ Đền Trần năm nay còn có một tình tiết đang cần làm sáng tỏ. Đó là lỗi chính tả, khiến ấn Đền Trần sai hẳn tinh thần. Hình như vụ này Báo Tiền Phong lên tiếng thì phải. Ấn có 4 chữ Tích Phúc Vô Cương, ai đó bảo là nhầm thành Tích Phúc Vô Cường. Một đằng là mạnh vô địch và một đằng nào không mạnh.
    Chẳng biết có đúng không? Nhưng đọc xong, thấy thế nào ấy.

    ReplyDelete
  2. @ĐMT: Vâng, em cũng đọc bài ấy anh ạ. Đúng là thấy sao sao... Mà, cũng dễ lắm, để kiếm tiền thì lấy thau giả vàng cũng là dễ xảy ra lắm anh ạ.

    ReplyDelete
  3. hihi, em không tham gia mấy cái vụ này bao giờ, mọi năm toàn mẹ em đi lễ giải hạn cho. chỉ nhớ hồi nhỏ, gần nhà em có đền Tiên La, là thờ bà Bát Nạn, tướng của Hai Bà. Đông lắm chị ạ, nhưng cứ đúng 20 tháng 3 âm lịch, lúc đó đã qua hội, cả nhà em lên đền thắp hương, rất trang nghiêm và thành kính. Kí ức chỉ có những ngày đó là thiêng liêng thôi. Giờ em sợ đi lễ đền chùa vào dịp hội hè, tết nhất lắm
    À, nói tới ấn đền Trần, thằng em họ em cũng xin cho em một cái, huhu, nhưng mà em để đâu mất rồi í, có sao không chị nhỉ?

    ReplyDelete
  4. Thật là dở khóc dở cười cho mấy Ông Kẹ ấy hé Lana...

    ReplyDelete
  5. Quên mất không kể cho em nghe vụ này nữa: Đó là chợ Viềng. Gần đấy đấy! Năm trước anh đi, đã chẳng được cái tích sự gì thì chớ, lại một phen mệt phờ người. Chán!

    ReplyDelete
  6. Nói chung là đi đền chùa nước mình nhất là vào các dịp lễ tết là mua vào người sự mệt mỏi, bực mình, thất vọng và chán nản.

    ReplyDelete
  7. Vấn đề là ấn dỏm các bác ợ. Vụ này có thể bị truy tố tội "làm hàng giả" và "lợi dụng niềm tin để trục lợi" :)))
    còn các quan nhà ta thì chỉ thế thoi!

    ReplyDelete
  8. @All: Nghĩ đến chuyện mất bao nhiêu công đi, mệt mỏi, chen chúc đến tan tác mới xin được cái ấn mà hóa ra ấn rởm thì ức nhỉ?

    ReplyDelete
  9. Thật chẳng biết cười hay mếu. Chuyện chỉ có ở VN

    ReplyDelete
  10. đọc tới câu "hết ghế quan" buồn cười quá ;))

    ReplyDelete
  11. Oài, cái này từ mấy năm nay ròi thì phải. Bên mình quan chức đều phải lo lót, chạy chọt cho nên các bố ấy cũng nghĩ là phải lot lót, chạy chọt với cả thánh thần đây :-(

    ReplyDelete

Nào mình cùng chia sẻ cảm nhận...