December 01, 2011

Những phút ấm mềm

1. Mấy bữa im im, hôm qua vào blog thấy có comment "chị nói gì đi chị", mềm tan, cảm động. Biết blog vẫn luôn có những bạn bè lặng thầm ghé đọc, lặng thầm quan tâm, lặng thầm sẻ chia.
Nếu viết, ngày của mình suốt mấy hôm rồi là này: Sáng dậy đánh răng rửa mặt ra xe bus đến cơ quan. Có 1 tiếng đầu giờ để ăn sáng + cà phê + coi công việc, làm vội, check mail, lướt nhanh blog mình blog bạn. Xuống lớp học đến 12:00am. Ăn bếp + nghỉ trưa đến 1h. Học tiếp đến 4:30pm. Về lại office, lại việc - mình phải làm slides cho cuộc họp TCT tuần tới. 7h tối về đến nhà. Ăn tối. Nằm ghế vừa liếc lại bài vừa gặp Bao Công theo hẹn 'quen'. Gặp mà thậm chí không bắt theo được 'anh' nói gì, lơ mơ đứt quãng.
Ngày sau lịch quay vòng in hệt như ngày trước, không sai lệch, không thêm không bớt li nào, chương trình chuẩn i rô bốt. Tới nỗi giá có ai hỏi mình ăn trưa có gì ăn tối có gì mình không hề nhớ. Vẫn đủ bữa, đúng giờ.

Kể ra kêu ca cũng kỳ. Được học luôn là khao khát của mình, mà đây còn là khóa 'du học tại chỗ' với giảng viên của IATA (hiệp hội HK thế giới). Cậu giáo người Canada, trẻ, tận tình. Chỉ là lịch của bọn Tây rất xì trét xì ki, í lộn, xì trét ding (tressing), nghe không thôi tới cuối ngày cũng đủ mệt rũ, chưa kể vẫn việc song song.
Thế nên đồng cảm với những người dị ứng với nói nhiều, nghe nhiều. Nghe nhiều mệt hơn người nói vì người nói được chủ động lại được thỏa mãn nhu cầu được nói. Nghe, nhất là khi không có nhu cầu được nghe thì mệt lắm lắm :D

2. 29/11 là sinh nhật cô bạn cặp đôi của mình thời đi học. Cùng đồng hương sơ tán - cha mẹ cùng dạy ở một trường Sư phạm miền núi, cùng tuổi mới lớn, cùng xuống Hà Nội học đại học, nên có nhiều thứ để nhỏ to chia sẻ. Bẵng đi nhiều năm rồi mỗi người mỗi cuộc sống. Tối muộn 29 mới nhắc nhớ ra ngày, nhắn tin "chúc mừng sinh nhật bạn gái tuổi thơ...", nhận tin về "Cảm ơn LO, lâu rồi không gặp nhưng mình không quên cô bạn gái luôn gắn với kỷ niệm tuổi thơ của mình...".
Nghe chữ 'tuổi thơ' xao xuyến. Vì sao nhỉ, những gì gắn với tuổi thơ luôn có một sự lay động khó tả, bất chấp thời gian, bất chấp mọi đổi thay.

Cũng là vì vậy nên bức ảnh cậu bé miền núi nhỏ xíu xiu ngồi kễn kễn nấu cơm bên bếp lửa bằng củi tre, bàn tay khum khum dùng miếng giấy gập làm lót mở vung nồi cho đỡ bỏng đã thật sự chạm vào đáy lòng mình. Hình ảnh quen thuộc quá. Những năm tuổi thơ.
Nên thật ra đã dự định đi theo chuyến này.

3. Tối qua đọc Hàn Mặc Tử
...Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay

Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.

nghe man mác 'mờ nhân ảnh'. Lại mềm thôi rô bốt. Nhớ đó đây người ta căng người với dòng xoay kiếm tiền, xài tiền, quan hệ gia đình, công việc..., bắn bật đi những lãng mạn, những thơ những tình.
Lại lan man chữ giàu. Giàu tiền bạc như ngôi nhà to, như cây sồi lớn, cho người ta chỗ dựa yên bình không âu lo. Giàu tâm hồn giúp làm nên sắc màu lung linh ấm áp trong ngôi nhà ấy, cảm được tiếng lá xào xạc và ánh nắng lấp lánh nhảy nhót trong tán cây sồi già ấy... Cuộc sống đẹp hơn, sâu hơn.

Là tản mạn vậy thôi. Mỗi thứ giàu một nửa là ấm áp lung linh rồi.
Là vì trời Hà Nội hôm nay rất mưa và lạnh. Rất mùa đông.

21 comments:

  1. Ngày nào cũng vào trang blog này nhưng chả biết nhắn lại gì vì không biết chủ nhà có nhiều tâm trí cho việc đó không?

    ReplyDelete
  2. "Trời hởi làm sao cho khỏi đói. Gió trăng sẳn đó làm sao ăn !" Chắc Hàn Mạc Tử cũng đã từng lên Suối Giàng ?

    @Sông: Hết

    ReplyDelete
  3. chưa biết sao chứ mần blog em thấy có cơ man giàu tình cảm rồi
    --
    chúng ta rất cần 1 chỗ để tử tế với chính chúng ta thông qua từ tế với mọi người

    đại loại như "anh cua anh thông qua cua em" đó chị

    em hay nói với mấy gái nhu vậy hé hé

    ReplyDelete
  4. 1. Tôi đồng cảm với bạn vì tôi đang bị tra tấn bởi một người làm chung ngay giờ khắc này.
    2.Tuổi thơ là thời đẹp nhất vì đó là thời chúng ta hồn nhiên nhất.
    3.Nếu được giàu cả hai thứ là nhất rồi bạn à , dù chỉ là một nửa.

    ReplyDelete
  5. He he... mắc cười cái còm của anh B.

    ReplyDelete
  6. Tiếc là hôm rồi chị vào mà không gặp được. Vậy là nghèo đi 1 chút rồi đó nhen.

    ReplyDelete
  7. @Sông: Ngắn gọn hỉ :)
    Mà vẫn đầy ấm.

    ReplyDelete
  8. @Thanhvd: Ghé là quý rồi bạn. Tâm trí cho việc gì kia? Vô blog mình blog bạn bè để chia sẻ và nhận chia sẻ là việc Lana khó thiếu mỗi ngày, thanhvd đọc thì thấy đó.

    ReplyDelete
  9. @7hoc, Đỗ: Hì...
    Ờ vâng Hàn Mặc Tử mà tới những miền xa xôi dân nghèo không biết thơ ông sẽ sao nhỉ.

    ReplyDelete
  10. @Guy: thích câu này "chúng ta rất cần 1 chỗ để tử tế với chính chúng ta thông qua từ tế với mọi người".
    Hỏi: Thế cua được bản thân mấy lần thông qua các em rồi? :D

    ReplyDelete
  11. @Trăng Quê: Thế ngày làm việc của Trăng Quê dài bao lâu? tần suất gặp bạn đồng nghiệp thích nói ấy là bao nhiêu. Cầu mong là đừng quá 30' mỗi ngày chớ quá là tốn thuốc đau đầu lắm đó. hihi.

    ReplyDelete
  12. @Kiến: Ừa chị biết vụ đó, bác Đỗ sắp xếp rồi hồi lại. Không nghèo đi, nhỏ. Để dành lại đi, bữa nào sẽ gặp. Nhất định mà.

    ReplyDelete
  13. Em cung la nguoi am tham doc blog, chua bao gio comment:)

    Chuc chi 1 ngay vui ve!

    ReplyDelete
  14. Chia sẻ cái vụ phải ngồi nghe nói cả ngày, đặc biệt k phải là tiếng của mình.

    ReplyDelete
  15. @Carpe Diem: Chào Carpe và cảm ơn vì comment (âm thầm ghé). Thật ra Lana đã từng 'đọc ké' comment của Carpe ở nhà Đậu, Gác...
    Bên đó, trời chắc cũng lạnh rồi?

    ReplyDelete
  16. @Phụng: Ừa, mà "không phải tiếng của mình" đôi khi lại còn hơn "tiếng của mình, không thích mà bị buộc phải ngồi nghe", hén Phụng :D

    ReplyDelete
  17. Nhất trí nhớn, Lu sợ nhất những ai nói nhiều bô lô ba la.

    ReplyDelete
  18. Hay. Thích. Biết nhà chủ biết... thế là đủ.

    ReplyDelete
  19. @Mai: Biết. Nhưng mà lâu lâu xuất hiện tí đi nha (đỡ nhớ).
    FB ở nhà bị chặn mạng được mạng không vớ vẩn lắm nên tao ít vào :((

    ReplyDelete
  20. Sắp mà. Chờ chút đi!

    ReplyDelete

Nào mình cùng chia sẻ cảm nhận...