January 06, 2010

Phim "Hàng rào ngăn thỏ", Nước Úc và Thế hệ bị đánh cắp

Trong một giờ học thư viện của lớp học dự bị tiếng Anh thuộc chương trình học bổng AusAID, bà giáo người Úc đã giới thiệu với chúng tôi bộ phim "Hàng rào ngăn Thỏ" (Rabbit-Proof Fence). Bà kể rằng bộ phim dựa trên tiểu thuyết "Lần theo hàng rào ngăn Thỏ" (Follow the Rabbit-Proof Fence) của Doris Pilkington Garimara. Đây là một câu chuyện có thực, về một 'lịch sử đáng xấu hổ' (lời của bà) trong việc khai phá, thành lập và xây dựng nước Úc của người da trắng.
(Hình: Poster của bộ phim Rabbit-Proof Fence, 2002)

Đó là lần đầu tiên tôi được nghe về câu chuyện của Thế Hệ Bị Đánh Cắp (Stolen Generation) trong lịch sử nước Úc. Họ là những nạn nhân của chính sách độc đoán 'văn minh hóa trẻ em thổ dân' kéo dài từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thập kỷ 1960s của thế kỷ 20.

Để kể toàn bộ câu chuyện này, phải quay lại từ năm 1859, khi Thomas Austin nhập cảng 24 loại thỏ và thả vào nông trại ở tiểu bang Victoria. Ông tin là ở một châu Úc rộng như thế, một ít thỏ không làm hại gì mà có thể mang thêm vẻ sinh động. Năm 1894 thỏ lan tràn khắp Úc Châu, cắn phá mùa màng. Sau thế chiến lần thứ nhất, miền Tây của Châu Úc bị dịch thỏ hoành hành, nông dân phải dựng hàng rào cá nhân và dùng mồi có thuốc độc để trừ thỏ. Từ năm 1901 đến 1907, người ta đã 3 lần dựng lên hàng rào chạy suốt từ Bắc đến Nam bang Tây Úc, dài mấy nghìn dặm (1 dặm tương đương khoảng 1,6km) để ngăn sự lan tràn của đại dịch thỏ, được gọi là Hàng rào ngăn Thỏ (Rabbit- proof Fence).[5]

Trước khi Anh chiếm Úc Châu làm thuộc địa, đa số người sinh sống ở đây là thổ dân, được gọi chung là Aborigines, thuộc giòng họ người Torres Strait Islanders. Lâu dần, một số ít người da trắng kết hợp với dân địa phương sinh ra một số trẻ em lai mang hai dòng máu. Giới chính quyền thuộc địa khi đó đưa ra một chính sách gom những trẻ em này và 'văn minh hóa' chúng. Họ nói rằng họ phải bảo vệ nhóm trẻ em có mang dòng máu người da trắng, tuy nhiên theo nhiều nguồn tin, lý do chính của chính sách này là chính quyền có ý định đồng hóa các em thổ dân, cho các em giá trị châu Âu nhằm xóa đi ảnh hưởng văn hóa, ngôn ngữ cùng các truyền thống của người thổ dân Úc. Theo chính sách này, chính phủ cử người tới các cộng đồng thổ dân, tách riêng trẻ em có da màu nhạt hơn, cưỡng bức lấy đi khỏi cha mẹ và trao cho các gia đình da trắng, trại trẻ mồ côi và các cơ quan khác. Tình trạng cách ly này dẫn đến nhiều hậu quả đau buồn. Đa số các em này lớn lên mà không biết nguồn gốc gia đình, không có ý thức chủng tộc hay văn hóa, trong đó nhiều em đối mặt với cảm giác bất an, thiếu tự tin, mang nặng mặc cảm tự ti, chán đời, muốn tự tử, hay lâm vào cảnh nghiện ngập, hút sách hay bạo động.[6]

Nhà sử học Robert Manne đã gọi đây là "hành động đáng hổ thẹn nhất của Australia trong thế kỷ 20". Theo các nghiên cứu mang tên "Trả họ về nhà" được công bố vào cuối những năm 1990s, có hơn 10,000 trẻ em thổ dân đã bị chính phủ tước đoạt từ mái ấm gia đình trong khoảng thời gian từ năm 1910 đến 1970, sau này được nói đến như Stolen Generation (Thế hệ bị đánh cắp). Nhiều người dân Australia khi đó mới biết về chuyện này nhưng họ hoàn toàn thờ ơ. [1]

Cuối cùng, sau rất nhiều đấu tranh của cộng đồng thổ dân, ngày 13/02/2008 Thủ tướng Australia Kevin Rudd đã lên sóng truyền hình quốc gia đưa ra lời xin lỗi chính thức với những người thuộc Thế hệ bị đánh cắp[2]. Hàng ngàn người Thổ dân đã tụ họp bên ngoài tòa Quốc hội Liên bang ở Canberra để nghe lời xin lỗi đầu tiên từ Thủ tướng trong suốt lịch sử Úc, kể từ ngày Thế hệ bị đánh cắp bị cưỡng đoạt khỏi mái ấm gia đình. Thời khắc 9 giờ sáng ngày thứ Tư 13/02/2008 đã đi vào lịch sử nước Úc như một dấu mốc đáng ghi nhận trong hơn 220 lập quốc của nước này.[6]

Trở lại với câu chuyện phim "Hàng Rào Ngăn Thỏ" (Rabbit-Proof Fence, 2002) dựa trên cuốn tiểu thuyết "Follow the Rabbit-Proof Fence" của Doris Pilkington. Tác giả cuốn sách đã thuật lại câu chuyện thực về cuộc đời người mẹ của bà.

Câu chuyện xảy ra năm 1931, dưới sự cầm quyền của A. O. Neville - người lãnh đạo chương trình bảo vệ trẻ em có nửa dòng máu trắng, Molly Craig (mẹ của Doris) khi đó 14 tuổi cùng với người em gái tên Daisy Craig (8 tuổi) và người em họ tên Gracie Field (10 tuổi) bị bắt khỏi nhà đem về Trại định cư sông Moore dành cho người thổ dân. Molly đã dẫn hai em chạy trốn khỏi trại tập trung. Không biết đường về nhưng biết hàng rào ngăn thỏ chạy ngang qua Jigalong làng mình nên Molly dẫn hai em đi bộ dọc theo hàng rào để tìm về. Cuộc hành trình kéo dài 9 tuần, 1500 dặm đường, vượt qua đói khát, vượt qua cái nắng giết người trên sa mạc Tây Úc nổi tiếng khắc nghiệt và sự lùng bắt gắt gao của những người quản lý trại. Gracie bị bắt lại. Cuối cùng, nhờ sự khôn ngoan, một phần do may mắn và sự tốt bụng giúp đỡ của một ít người gặp trên đường trốn chạy, Molly dẫn được Daisy về đến làng, gặp lại mẹ và bà.

Cuốn phim vô cùng cảm động. Diễn viên không khóc, đúng hơn là khóc mà không phải tiếng khóc, nhưng luôn là nước mắt ở người xem. Khi ba đứa trẻ bị người da trắng tới bắt lên xe hơi chạy đi, hai người đàn bà mất con, mẹ của Molly và Daisy và mẹ của Gracie lăn lộn gào thét vì đau khổ và bất lực. Tiếng khóc của họ không như tiếng khóc, nó như một tiếng tru đau đớn thống thiết mà không ngôn từ, nước mắt nào có thể diễn tả được. Sau đó là cuộc hành trình trốn chạy thống khổ của 3 đứa trẻ qua 1500 dặm đường (~2400km) để trở về vòng tay mẹ.

Sự xuất hiện của Molly và Daisy đời thực (86 và 79 tuổi) ở cuối phim khiến cho sự xúc động lên đến tột đỉnh[4]. Sau này, khi đã lấy chồng và có con, chính Molly lại một lần nữa bị bắt lại về Trại Định cư sông Moore cùng 2 con gái nhỏ của Bà. Molly ôm con chạy trốn lần nữa nhưng chỉ mình bà được tự do. Cho đến khi bộ phim về cuộc đời bà được dựng (2001), bà chỉ được gặp lại con gái Doris (tác giả cuốn sách) mà chưa từng được gặp lại đứa con nhỏ Annabelle dù bà vẫn luôn chờ đợi. Annabelle đã hoàn toàn mất ký ức về những người ruột thịt và cô từ chối nhận lại họ.[3]

Còn tôi, sau đó, đã tìm đọc tất cả những tư liệu có thể tìm thấy về Thế hệ bị đánh cắp. Mỗi khi tôi vô tình gặp một người Thổ dân Úc trên đường phố Melbourne, câu chuyện phim lại trở về rõ mồn một, và lòng tôi trào nên một sự cảm thông thầm lặng...

Tư liệu tham khảo:
[1] Australia: Thế hệ bị đánh cắp và lời xin lỗi muộn màng
[2] Rudd, Nelson apologise to Stolen Generations
[3] Leaping The Fence Of Australia's Past
[4] Rabbit-Proof Fence: Phillip Noyce's Diary
[5] Rabbit Proof Fence
[6] Úc chính thức xin lỗi người bản địa
Và những bài viết khác về bộ phim "Rabbit-proof Fence", tiểu thuyết "Follow the Rabbit-proof Fence" của Doris Pilkington.

4 comments:

  1. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  2. Thanks for sharing. Em cứ nghĩ mãi về những em bé Mông trên Sapa, gày đét, tóc bết khô trong làn mưa sương thấu buốt, không biết con chữ, đôi mắt cô độc hoang dại, không biết có nhận thức về tình cảnh hiện tại, họ kiếm tiền nhưng chỉ sống đơn giản kiểu trời sinh voi trời sinh cỏ, không giống dân tộc Kinh biết lo toan ngày càng sinh sôi nảy nở phát triển mạnh mẽ, liệu có một ngày sẽ lụi tàn văn hóa dân tộc thiểu số? Nhưng dù sao họ có quyền sống như thế, sống như trời đất cây cỏ. Chẳng cần biết trái đất có quay, có một trái đất khác hay không?
    Nhưng ngược lại, dân tộc Việt mới đứng vững trước châu Âu văn minh, không bi đát như thổ dân châu Mỹ bị châu Ấu làm thịt sạch,

    ReplyDelete
  3. Em nghĩ, những việc như thế này, buồn và mất mát...vẫn xảy ra hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, hàng thế kỷ nay . Chúng ta buồn nhưng cũng phải thừa nhận rằng cuộc sống có sự điều chỉnh kỳ diệu lắm. Mất mát này lại là cái cớ để những tái sinh khác nảy nở, thậm chí phải mất mát thì cuộc sống mới có tái sinh, phát triển. C'est la Vie!

    ReplyDelete
  4. Vừa xem phim "Rabbit-Proof Fence" xong. Mắt nhòe nước.

    Mình sẽ không bao giờ viết "...đôi mắt cô độc hoang dại, không biết có nhận thức về tình cảnh hiện tại,..."

    ReplyDelete

Nào mình cùng chia sẻ cảm nhận...