January 09, 2010

Chuyện làm bếp

Phải nói ngay từ đầu là mình không phải chuyên gia về nấu ăn, cũng không giỏi, chỉ thường thường trong cái mảng 'kỹ năng' này. Nhưng vì thích nấu nên hay học, nấu mãi thì cũng học được chút kinh nghiệm hay hay. À có lẽ nói thích nấu chưa chính xác - đúng hơn là mình thích nhìn thấy món ăn của mình nấu xong được người ăn hưởng ứng, hít hà, xuýt xoa khen, ăn hết sạch trơn... Nói chân thật thì có lẽ chỉ là cái tội thích được khen nịnh :)

Mình định viết cái tựa đề là chuyện nấu ăn, sau đổi lại là chuyện làm bếp - vì để chuẩn bị bữa ăn không chỉ là 'nấu thế nào', mà còn có cả khâu thiết kế (một mâm cơm hợp lý và nhìn bắt mắt nữa).

Bữa ăn bây giờ mà quá nhiều thịt, cá thì rất khó ăn. Còn phải làm sao để màu sắc trông tươi và sinh động nữa. Hãy chêm ít nhất 3 loại rau củ. Các loại rau củ có màu tự nhiên rất phong phú đủ để bạn có thể hình dung ra một mâm cơm đẹp :)

Chuyện 'mâm cơm đẹp' này rất thú vị. Nhiều khi nấu một bữa ăn, có vài ba món thì mất một hoặc tệ hơn là hai món không đạt. Trang trí bắt mắt ai biết đâu, khách nhìn đẹp quá chưa ăn đã thấy thích thú, nhỡ lại chót nhanh miệng khen đầu bếp nữa thì ôi thôi, chút sau có cắn nhầm muối hạt cũng đành ráng nuốt trôi rồi 'ngậm bồ hòn làm ngọt'. Thế là muối hạt thì im lặng, lời khen thì truyền đi (cái này gọi là: không ngon nhưng quân tử lỡ khen rồi (1)), hì hì.

Điều tiếp theo mình nhận thấy là một món ăn ngon mang một theo giá trị vô hình rất đặc biệt - đấy là cái hồn của người nấu. Cũng giống như giọng hát chuẩn, bài bản nhưng hát không có hồn bài hát thành nhạt, bức tranh không có hồn chẳng thể là bức tranh đẹp, món quà đắt tiền không mang theo sự quan tâm chân thành của người tặng chỉ có giá để đem bán hoặc trưng khoe. Mà lạ, cũng là món ăn mình đã nấu thạo đến thành món ruột, nhưng rõ hôm nào tâm trạng không tốt thì mình chế nó thành rất dở, hôm nào vui vẻ tươi tỉnh thì nó rất ngon. Có lẽ cái gương mặt tươi rói của người đứng bếp cũng là một thứ gia vị rất quan trọng. Nếu vừa nấu vừa hát nữa thì chắc người ăn sẽ ngất ngây luôn :). (Cái này thì lại là: không hẳn ngon nhưng 'họ' lại thấy ngon (2)).

Có một bí kíp là: hãy làm cho món ăn của bạn độc đáo. Ví như một món ăn thông dụng ai cũng biết, lên anh gu gờ đánh tên vào, bấm sớt-chờ một cái là thấy cả dãy trang dạy tỉ mỉ công thức nấu, rành mạch đến từng chi tiết... thế mà sao vẫn có người này nấu ngon, người kia nấu dở? Còn hơn thế nữa, làm thế nào để người ta vẫn khen bạn nấu ngon dù trước đó họ đã từng được ăn chính món ấy ở hơn 10 chỗ khác rồi? - câu trả lời là món ăn của bạn phải có cái gì đó độc đáo.
'Cái gì đó' ở đây đôi khi nhỏ thôi, nhưng lại là điểm nhấn tinh tế cho món ăn của bạn: một chút đường bỏ vào xào chung với dưa khi nấu canh dưa chua; nhúng rau muống sau, nhưng vớt ra trước để giữ nước canh trong cho món canh rau muống nấu khoai sọ; phi xả băm cho giòn thơm trong món mực xào xả ớt (hoặc vịt/gà xào xả ớt); hương vị của vài lát gừng và chanh xắt mỏng trong món cá hồi bỏ lò; thêm dầu hào trong hỗn hợp gia vị ướp các món thịt nướng..v.v.. Tất nhiên các bí quyết làm độc đáo này phải hợp với món ăn của bạn, làm nó ngon và đặc biệt hơn, bám vào cái dây thần kinh khẩu vị của người ăn và làm họ nhớ ((3): nhớ mà không biết nhớ vì cái gì). Những mẹo riêng cho mỗi món kiểu này phải đúc rút qua kinh nghiệm và/hoặc chịu khó học (lỏm) chứ đừng tự tích cực quá sáng tạo lung tung nhé :)
Khi bạn nấu rất thạo một món ăn nào đó rồi, nắm được cái hồn của món ăn đó thì có thể thử sáng tạo.

Cuối cùng, món ăn dù ngon mà ăn từ hôm nay qua ngày mai rồi cách 2 ngày sau lại lặp lại thì trở thành 'phải ăn' rồi. Hãy cố gắng để sự lặp lại là ít nhất trong thực đơn bữa ăn 1 tuần của bạn. Bữa ăn phải vui vẻ chứ đừng là miễn cưỡng, đúng không?
(hình trong bài sưu tầm từ google search)

8 comments:

  1. Hôm nay anh phải nấu ăn cho thợ đến sửa một vài thứ đồ gỗ trong nhà (trong đó có cái chân bàn hôm nọ bị mọi người đạp đổ). Hai đ/c thợ ăn như rồng, còn khen nắc nỏm: Bác nấu ngon quá. Hehe.

    ReplyDelete
  2. Ăn không cầu no, ở không cầu yên là chí người quân tử. Theo cái cách này thì chuyện bếp núc hình như không quan trọng lăm. Hi!

    ReplyDelete
  3. Đây là một mảng mới của mày mà tao... chưa biết đấy:) Mày sắp giống... Lan Anh rồi, để lại mỗi một người là tao, vụng, huhu :((
    Đoạn cuối của mày làm tao thêm cảm thông với người muốn thỉnh thoảng đòi thay cơm bằng ... phở! hehe:))

    ReplyDelete
  4. @Mai: Ồi, phiên từ чисто (purely) cái chuyện nấu nướng của tao sang cái chuyện cơm-phở là mày suy đấy nhé. OK tao đã chỉnh lại để mày khỏi bị phân tán :)
    Mà, nếu như mày liên hệ, cơm hàng ngày ngon nghẻ, ấm áp, không đơn điệu thì người ta sẽ thích về nhà hơn chứ? (khổ, tao lại cứ tin thế)
    À mà thôi tao đồng ý với mày, người nấu bảo ngon, người kia bảo không thì chịu.

    ReplyDelete
  5. Nấu ăn là một nghệ thuật, và thưởng thức ẩm thực cũng cần tinh tế không kém. Vì thế, nhìn cách nấu và cách thưởng thức đều đoán được tính người :-)

    ReplyDelete
  6. Tao phân tán thật à, thế mà mình cứ nghĩ mình đi đúng chủ đề :))
    "Khổ, tao lại cứ tin thế" ... chữ "khổ" ở đây sao mà hợp thế :(
    Bây giờ lạc đề này: mày nghĩ sao, khi gia đình chung chưa có trẻ con, cái gì làm người phụ nữ thích về nhà? Hay về nhà là chuyện dĩ nhiên vì không còn chỗ nào để đi?

    ReplyDelete
  7. Tâm hồn ăn uống gặp được cái mục làm bếp này sướng ghê.
    Hôm qua chị tìm được một blog của bác SG nào đó, toàn món ngon nên vội vàng add luôn để tiện ăn cóp mỗi khi cần nấu món gì đó.
    VMC mượn Diễn đàn để tố cáo sự thô bạo của những ai ý nhỉ?

    ReplyDelete
  8. @Vhlinh: Bí ơi VMC nói 'cái chân bàn hôm nọ bị mọi người đạp đổ', Bí có đóng góp tẹo nào trong vụ đạp đổ không thì khai ra thôi :)

    ReplyDelete

Nào mình cùng chia sẻ cảm nhận...