May 05, 2010

Cái phong bì

Phong bì xuất phát là cái bì thư. Tưởng rằng cuộc cách mạng intenet với dịch vụ thư điện tử vô cùng tiện lợi sẽ khiến nó trở nên vô dụng, bỏ xó hoặc khá lắm thì cũng được ngồi ngay ngắn ở một góc bảo tàng có cái tên lãng mạn 'Xưa'. Ai ngờ đâu ở một xứ nọ, thế kỷ 21, phong bì trở thành thứ vật dụng quen thuộc nhất ai ai cũng phải biết, ai ai cũng dùng, từ người nông dân nghèo đi chân đất đến những vị quyền uy đầy mình một bước xe hơi máy bay. Dĩ nhiên là cái bọn giữa giữa nửa mùa cũng thế. Dĩ nhiên là cả mình. Được đặc quyền trong veo không cần biết đến câu chuyện phong bì này chỉ còn những những đứa trẻ nhỏ. Ôi sao mà thèm tuổi thơ đến thế.

Phong bì không lộ liễu nhưng có ở khắp nơi. Hầu như nhà nào cũng có phong bì mới, công sở thì phòng nào ngăn kéo nào khéo cũng có vài cái phong bì rỗng để sẵn. Lỡ hết thì tiệm tạp hóa, quán nước lặt vặt nào cũng có bán phong bì. Rẻ bèo. Đắt cũng chỉ nửa ngàn đồng một chiếc, nhưng trong ruột nó thì linh hoạt vô cùng, gấp X00, X000, X0000, X00000 lần giá cái vỏ và nhiều hơn nữa, tùy vào mục đích người ta dùng nó. Cái phong bì bây giờ không dính dáng gì đến chữ nghĩa nhắn nhủ tình cảm nhớ nhung nữa, chả mấy ai dùng nó để bỏ thư. Chuyển đổi mục đích sử dụng rồi, thế này:

- Được mời dự tiệc cưới không thể thiếu phong bì mừng tân nương - tân giai nhân, nhiều khi là mừng bố mẹ cô dâu hoặc chú rể. Không có tiền trong túi thì mượn (mình từng biết ở tỉnh lẻ có những phong bì mừng cưới hai chục ngàn, người được nhận không nhận thì sợ làm buồn, nhận thì xót xa).

- Đi đám tang nhớ chuẩn bị cái phong bì, dù chỉ hương hoa thôi, chia buồn cùng gia quyến.

- Con đói không tiền nộp học mà lỡ bệnh vào viện, ngoài chuyện chạy đôn chạy đáo lo tiền viện vẫn phải sắp thêm cái phong bì nếu bệnh cần phẫu thuật, cần chen hàng chữa trị sớm hay xin đổi sang cái phòng bệnh tiện nghi hơn.

Còn vô cùng nhiều việc đụng đến phong bì: Mừng bạn bè người thân khai trương công ty/ nhà hàng, cảm ơn thầy cô của con, Tết/ lễ 'ân nhân', thăm bệnh, xin trường cho con, xin việc (và hầu hết những gì dính đến chữ xin)... vân vân và vân vân... Tóm lại là đủ thứ, việc gì cũng có thể cần đến nó. Phong bì tự lòng và phong bì 'thế thời thời phải thế'. Dễ có tháng xài đủ ba chục cái bì thư mà ruột không là thư.

(Oài, nói đến 'Chữ Xin và Phong Bì' lại nhớ vài vụ đen đen, những con số nhiều số 0 và đơn vị là đô la, nhưng thôi, đó chỉ dính một chút vào cái entry này, còn lại là một topic khác).

Ý mình chỉ là bỗng dưng hôm nay phải dùng đến cái phong bì vài lần. Lơ đễnh chẳng để ý lưu trữ đã hết, trong khi chạy loanh quanh kiếm vỏ rút ruột (mua bì và rút ATM) chợt lan man nhảm chuyện cái bì thư, lộn, cái phong bì. Thấy hay.

Lan man, rồi phì cười chút thì tông phải ông xe ôm chạy phía trước chỉ vì nhớ đến vụ mình và con bạn lập cập đem phong bì đến cảm ơn ông bác sĩ đang theo chữa bệnh cho người nhà. Lập cập nên nhầm. Về đến nhà 2 đứa tá hỏa: phong bì có ruột ung dung ở lại trong giỏ xách, phong bì rỗng thì đã ra đi :((
(hình sưu tầm tượng trưng)

40 comments:

  1. Ờ nhỉ, cái bì thư. Nó đã được giao "nhiệm vụ mới" trong "giai đoạn mới" rồi.

    ReplyDelete
  2. Lana hay thật, phát hiện ra việc chuyển chức năng sử dụng của cái phong bì thời đại Internet.

    ReplyDelete
  3. Cái phong bì làm nên tất cả, phong bì số zách...

    ReplyDelete
  4. Chỗ em đi cho tiền viện trợ, vậy mà cũng phải phong bì để người nhận tiền chịu ngồi nghe bọn em thuyết trình.

    ReplyDelete
  5. Thế là phong bì được nâng từ phương tiện liên lạc lên thành văn hóa òi :-)

    ReplyDelete
  6. Để bày tỏ thông cảm với các cháu thiệt thòi như con em, người ta cũng phong bì, đây này chị ơi http://like2chat.blogspot.com/2010/02/quan-tam.html

    ReplyDelete
  7. @Đỗ, VMC: Thật ra chuyện này chẳng có gì mới. Đơn giản là nó quá phổ biến, quá quen đến nỗi chẳng ai còn để ý đến chuyện nó sinh ra là cái bì thư ấy mà.
    Như Titi nói ạ, nó thành văn hóa, văn hóa phong bì, có dở và có hay...

    ReplyDelete
  8. @BeBo: Ừ, vì nó chứa tiền :(

    ReplyDelete
  9. @Anonymous cmt số 4: Đọc xong comment chỉ biết mếu.

    ReplyDelete
  10. @Titi: Cái đầu Titi luôn đọc một cách rất 'tư duy' :)

    ReplyDelete
  11. @Like2chat: Cảm ơn đường link của L2C. Rất hiểu khi em viết "tư duy theo kiểu phong bì".
    Mặt dở ( -, negative) của 'văn hóa phong bì' L2C nhỉ? :(

    ReplyDelete
  12. @ Chị gái!
    Chị! Em giờ mới xong mọi việc.Đọc đến đoạn phong bì rỗng ra đi mà cười wuas. Sau đó tính sao chị?Chẳng lẽ chạy đến đổi,cảm ơn và xin lỗi? hic! ây dà...

    ReplyDelete
  13. Phị cười! Có ai khéo thế ko bết!

    ReplyDelete
  14. Hồi chị làm Chi Hội phụ huynh cho con gái và con trai, nhà lúc nào cũng trữ sẵn hàng trăm cái phong bì. Mỗi năm có chừng 5,7 cơ hội dùng đến như: Tết, ngày 8/3, 20/10, 20/11, Giáng sinh, tổng kết năm học...
    Bên này cũng cho tiền vào phong bì, nhưng chỉ là khi đóng góp từ thiện bỏ vào thùng thôi.
    Bây giờ cho con tiền cũng rót luôn vào TK nên chẳng cần phong bì nữa.

    ReplyDelete
  15. "phong bì" có nhiệm vụ mới ha. Vậy ra, phong bì có lợi hay có hại nhỉ? :) :)

    ReplyDelete
  16. Chữ "phong bì" bây giờ là chữ thời thượng rồi, dùng để dung trong nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao...

    ReplyDelete
  17. @Nga: Phần được kể thì đến đó thôi, tiếp theo thế nào thì chị phải xin bản quyền mới được kể tiếp :)

    ReplyDelete
  18. @Mai: ừ, ai mà khéo thế không biết (wink wink) :)

    ReplyDelete
  19. @ThanhChung, ĐH.Phú: 'Phong bì' là văn hóa đặc sắc độc quyền của VN mình. Lana đi ra nước ngoài vẫn thấy phong bì được dùng đúng như chức năng khi nó sinh ra, tức là được bán ở bưu điện và dùng làm bì thư.
    Tự hào, cười, hay là mếu nhỉ?

    ReplyDelete
  20. @Dã Quỳ: Lana không biết nữa, có vài cái hay, có nhiều cái dở...
    nên đang tự hỏi với chị Thanh Chung và ĐHPhú xem nên cười hay mếu.

    ReplyDelete
  21. Hay quá! Ai cũng thường ngày sử dụng phong bì vào mục đích khác từ lâu rôi. Vậy mà chỉ có em hệ thống lại việc chuyển đổi mục đích của nó. Giờ mà không có phong bì là nhiều lúc cực kỳ "hạt bí" đấy nhỉ?

    ReplyDelete
  22. Phong bì bên VN dùng nhiều chức năng lạ ha Lana ;))

    ReplyDelete
  23. @TĐM: Anh ơi không có xe đạp thì đi xe máy, hết xe máy thì đi ô tô... không có phong bì chắc sẽ có phương cách khác. Em nghĩ có cầu thì có cung mà. Người Việt mình về thông minh và vận dụng linh hoạt có thứ hạng thế giới, anh đừng lo :)

    ReplyDelete
  24. @LU: LU thấy đấy, nhiều chức năng LU ạ, nhưng chung quy thì chức năng chính bây giờ là chuyển tiền. Cái này rất thật.

    ReplyDelete
  25. Thế phong bì của em đâu, sau khi em khen Lana bên nhà đó?

    Ở nước của chúng mình, tiền mặt ra đường hơi bị nhiều, một phần lớn là nhờ phong bì.

    Lần này em phản đối Ti cái cho vui nào: đã gọi là 'phong bì' thì làm gì mà có 'văn hóa' ạ?

    Nhưng thôi, lại không phản đối nữa. 'Phong bì' thực ra vẫn là để chuyển tải thông điệp thôi, thậm chí nó còn nhiều thông điệp hơn cả viết ra. Ta nói, khi lời nói bất lực thì phong bì lên tiếng. Gọi là: thay lời muốn nói.

    Ta cũng nói, nếu mà nước của chúng mình thanh toán điện tử ngân hàng phát triển mạnh thì sẽ giảm nạn phong bì. Nhưng em tin là kiểu gì người ta cũng có cách. Cách chính là phương tiện, mà thông điệp thì lúc nào cũng cần phải chuyển đi.

    Cho nên, chỉ cần đơn giản là Lana ghi xuống số tài khoản của em để gửi nhé, khỏi bì, mất công :-D

    ReplyDelete
  26. Em không còm về vấn đề phong bì đâu, em chỉ nói là cái áo chị mặc buổi offline trước xì tin quá đi, nhìn xinh ghê!! Hihi

    ReplyDelete
  27. @Gấu; hé hé...thế em không nghe cụm từ "văn hóa lùn" à? Kẻ nào không bit sử dụng phong bì một cách ý nhị, hợp tình hợp lý thì kệ nó chứ. Phong bao, phong bì bên Nhật và Hàn quốc rất phổ biến và được coi như một phần không thể thiếu của nhiều mối quan hệ trong sạch. Ở ta, chị nghĩ rằng cách đưa và nhận phong bì cũng thể hiện con người, tri thức và nhân cách đóa :-D

    ReplyDelete
  28. @Fooleryn: Rảnh cứ ghé cười với chị Lana cho vui nha :)

    ReplyDelete
  29. @Gauxx: Ura hôm nay Gấu để lại cái còm đã ghê. Rất thích cái đoạn phong bì lên tiếng = thay lời muốn nói, và túm lại là phong bì mang thông điệp.
    Riêng cái vụ 'văn hóa' thì phải công nhận rằng có thể gọi là văn hóa phong bì. Người ta chấp nhận nó, quen với nó đến nỗi bi giờ ko có nó thì 'hạt bí' như anh Thụy nói.
    Ví như đi tiệc cưới bây giờ ko mừng phong bì thì thế nào nhỉ? mừng quà cưới ít được hoan nghênh. À mà nếu bỏ lệ mừng tiền chắc đám cưới sẽ chỉ mời một nhóm nhỏ thật thân, lại hóa hay.
    Nhưng cho đến lúc đó thì vẫn phải mang phong bì mừng, chả làm sao đi không được :((

    ReplyDelete
  30. @Titi: Đồng ý với Titi về cái tên 'văn hóa phong bì'. Tuy nhiên chị thấy nó vẫn tối nhiều hơn sáng, nên nếu được ước vẫn ước giá như cái phong bì được trả lại ý nghĩa nguyên thủy.

    ReplyDelete
  31. @NADIA: lạc đề quá nhỉ, hì hì, nhưng cứ lạc đề mà khen thì vẫn dễ thương. Hôm đó ko gọi được em hơi tiếc đấy.

    ReplyDelete
  32. Chị bit hong, em thì chỉ thích có thêm, không thích mất đi cái giề. Khi phong bì, hay bất cứ thứ gì khác, có thêm chức năng sử dụng, dù tối dù sáng thì cũng là sự phong phú của cuộc sống- em rất khoái ạ :-D

    ReplyDelete
  33. Có vẻ như phong bì là một phương tiện biểu hiện tình cảm (đã nhiều người nâng lên thành văn hóa), trộm nghĩ đến tương lai thế này:

    +Trai gái khi tỏ tình với nhau lần đầu, thay vì trao nhau nụ hôn, thì trao nhau cái phong bì. Và khi làm đám cưới cũng dùng phong bì thay nhẫn cưới.
    +Bạn cũ lâu ngày gặp nhau, thay vì rủ nhau uống nước, hàn huyên thì đưa cho nhau cái phong bì rồi ai đi đường nấy.
    ...

    ReplyDelete
  34. @Titi: Phong phú thì hay, nhưng quá lên thành lộn xộn cũng ớn chứ :)

    ReplyDelete
  35. @JK: đâu cần phải tưởng tượng nhỉ, văn hóa phong bì có đủ biến tấu cung bậc. Bây giờ lễ hỏi nhà trai mang đến nhà gái cũng phong bì rồi đó thôi?
    Bạn bè giúp nhau kiếm hợp đồng hay việc gì cũng đặt cái phong bì: ông cầm cái này lo giúp tôi vụ đó nhé :(

    ReplyDelete
  36. á, em chào chị. Có đến thăm em thì khỏi phong bì bao thư, chị nhé. Hihi.

    ReplyDelete
  37. Tớ còn nghĩ là đã có những cặp vợ chồng tối tối lên giường , trao nhau cái phong bì rồi ai nấy...ngủ thẳng cẳng!

    ReplyDelete
  38. Em ghé hoài đó chớ! hihi

    ReplyDelete
  39. @HPLT: Cất công ghé thăm em sẽ 'đòi' phong bao tiền taxi đi về :)

    ReplyDelete

Nào mình cùng chia sẻ cảm nhận...