May 18, 2010

Về sao chép, trích dẫn và 'ăn cóp' (plagiarism)

Entry này muốn nói về hiện trạng sao chép, sử dụng thông tin sao chép không dẫn nguồn ở Việt nam mình (plagiarism, mình tạm dùng từ 'ăn cóp', tránh dùng từ 'đạo văn', sẽ giải thích vì sao ở dưới bài). Mình cũng muốn kêu gọi bloggers cùng lan truyền ý thức tôn trọng tác quyền, nhất là cho lớp trẻ. (hình: sưu tầm)

Đầu tiên xin nói rằng chuyện sao chép thông tin 'không cần theo một nguyên tắc trích dẫn nào' đã thành nếp quen ở VN từ xưa. Gần đây khi mở cửa thông tin, sự cập nhật không đồng đều dẫn đến một số người hiểu và biết và tuân theo, còn rất nhiều người không biết, lại một số người biết nhưng không làm. Kiện cáo bắt đầu có, không ít gay gắt (ví dụ như ở đây). Các vụ kiện cáo do khác biệt nhận thức về 'tôn trọng nguồn' cũng có, vì mục đích cá nhân, tranh giành quyền lợi cũng có. Thế nên càng rối. Nhiều bạn trẻ u u mơ mơ chẳng biết đâu sai đâu đúng mà lần.

Đọc về vụ kiện cáo tác quyền ùm xùm này giữa các giáo sư Đại Học tại TP HCM mới thấy chính một số giáo sư có danh tiếng còn mơ hồ về những nguyên tắc trích dẫn nguồn khi biên soạn giáo trình, và thế nào được coi là 'đạo văn'.

Đấy là trong giới học thuật. Còn báo điện tử tiếng Việt thì khỏi nói, 'ăn cóp' tràn lan. ITCNews có bài: "Đạo báo - sự không bình thường của báo chí Việt nam" đáng để tham khảo (ở đây).

Ở mẩu chia sẻ này, Lana muốn nói là ở Việt Nam, rất nhiều người không được hướng dẫn ý thức về các nguyên tắc trích dẫn, về tôn trọng tác quyền. Đôi khi họ phạm lỗi một cách không cố ý, lấy của người khác nhưng nghĩ là 'của chùa'. Lana không biết đích xác các nguyên tắc trích dẫn đã được đưa vào dạy trong trường Đại học một cách chính thức chưa. Ở phổ thông thì chắc chắn là chưa. Các thầy cô nghiêm cấm hành vi quay cóp (cơ học) nhưng chưa dạy cho học sinh ý thức về 'quay cóp mềm', rằng chỉ trừ những kiến thức chung (general knowledge), việc sử dụng bất kỳ câu, bài, ý tưởng của người khác mà không có xin bản quyền hay trích dẫn nguồn rõ ràng cũng đều là hành vi người ta gọi là 'ăn cắp' hay 'đạo văn'. Nhưng mình nhắc lại là bản thân mình không muốn dùng hai cái từ nặng nề ấy. Nói theo cách nào đó, không biết thì không có tội, hoặc đáng được thông cảm.
Nói thêm là chính mình trước kia chẳng biết gì, vô tư sao chép không trích dẫn, và không hề nghĩ tội tiếc gì cả :((
Nhưng chưa biết thì cần học.
Học rồi, biết rồi, thì nên làm.

Vậy nên rất cần hệ thống giáo dục, truyền thông cùng tuyên truyền về điều này để nâng ý thức chung. Nhưng, trong khi những 'to tát' chưa làm triệt để, thì bắt đầu từ mình, từ bạn bè mình, từ các bloggers... cùng tôn trọng tác quyền, dẫn nguồn/ link cho những trích dẫn. 'Các nhà hàng xóm bloggers' nhà mình đã làm rất tốt điều này, nhưng có những em sinh viên, lớp trẻ hơn bắt đầu tham gia, vì thế, Lana tin hướng dẫn thêm các em là không thừa.
Như ai đó đã nói không thể hay hơn 'thà đốt lên một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối'.

Bắt đầu từ những việc đơn giản như tôn trọng tác giả, tôn trọng nguồn khi tham gia vào các trang mạng, từ đó thành ý thức khi sao chép.

Các em có thể tham khảo về 'Plagiarism' (ăn cóp) trong học thuật ở đây - trong một trang dành cho học sinh sinh viên của Mỹ (lưu ý là quy tắc về trích dẫn trong học thuật khắt khe hơn thông thường).

Sơ lược một vài ý chính:
What is plagiarism? In minor cases, it can be the quotation of a sentence or two, without quotation marks and without a citation (e.g., footnote) to the true author. In the most serious cases, a significant fraction of the entire work was written by someone else: the plagiarist removed the true author(s) names(s) and substituted the plagiarist's name, perhaps did some re-formatting of the text...

Tạm dịch: Đạo văn là gì? Trường hợp nhẹ có thể là một, hai câu được trích dẫn mà không bỏ trong dấu ngoặc kép và không có một dẫn nguồn (ví dụ, chú thích) cho tác giả thật sự. Trường hợp nghiêm trọng nhất là khi một phần đáng kể của toàn bộ công trình đã được viết bởi một người khác: người ăn cắp loại bỏ tên của tác giả thật sự và thay thế bằng tên của mình, có thể có chỉnh sửa đôi chút định dạng văn bản...

When using another person's words, to avoid plagiarism one must always do both of the following:
provide a citation, either in the text or in a footnote, and
either enclose their words inside quotation marks or put their words in a block of indented, single-spaced text.
Plagiarism is the act of quoting material without including the indicia of a quotation.

Tạm dịch: Khi sử dụng những câu từ của người khác, để tránh đạo văn luôn luôn phải làm cả hai điều sau đây:
- Cung cấp nguồn, hoặc là trong văn bản hoặc trong ghi chú, và
- Kèm theo câu từ của họ bên trong dấu ngoặc kép hoặc đặt trong một khối văn bản đơn dòng, thụt vào một khoảng cách.
Đạo văn là hành vi trích dẫn tài liệu mà không kèm theo các 'dấu' trích dẫn này.


Coppying ideas: One should provide a citation for all substantial information that is taken from another source:
a. to give credit to the person who supplied the information or who first made the discovery,
b. to relieve the writer from the responsibility for the accuracy or truth of the information,
c. to lead the reader to a source of more detailed or complete information, or
d. to give the reader a sense of the historical evolution of ideas in the field.

Tạm dịch: Khi 'copy' ý tưởng, cần cung cấp nguồn về tất cả các thông tin được lấy từ một nguồn khác:
a. để tôn trọng người cung cấp thông tin hoặc người đầu tiên phát hiện thông tin.
b. để giảm trách nhiệm cho người viết về tính chính xác hay sự thật của thông tin,
c. để dẫn người đọc đến một nguồn thông tin chi tiết hoặc đầy đủ hơn, hoặc
d. để giúp người đọc hình dung về sự phát triển các ý tưởng trong lĩnh vực đang đề cập.


** Thêm: Trong học thuật, còn có nhiều chuẩn trích dẫn khác nhau. Các trường đại học uy tín thường quy định một số chuẩn áp dụng trong trường (ví dụ, chuẩn Harvard được khá nhiều trường khuyên dùng). Nhưng cái này là chủ đề sâu hơn. Các bạn quan tâm có thể tìm trên google 'citation system', 'Harvard Citation', 'plagiarism' để tìm hiểu thêm nhé.

22 comments:

  1. Nhà Lana vừa bị ai "cóp" cái chi chi à?

    ReplyDelete
  2. Hic hic LU ơi, nhà Lana không có gì để bị cóp, nhưng thấy xung quanh nhiều người vô tư cóp quá, không nói thấy sao..., nên viết 'góp một lời chung' đấy thôi.
    (Lana đơn giản nói điều thật lòng nghĩ. Đọc còm của LU thấy đúng là may do không có gì để bị cóp, chớ nếu có lại ngại nói vì sẽ sợ hiểu lầm)

    ReplyDelete
  3. Thực ra thì có khá nhiều chuẩn về trích nguồn tư liệu. Bản thân mình chưa chắc đã rành. Tuy nhiên, người đàng hoàng nhất thì chỉ đơn giản cái gì không phải của mình, khi dùng nó, cần thiết phải ghi rõ nguồn lấy từ đâu?

    ReplyDelete
  4. oài, cái vị TBT tờ ĐV mà phát biểu trong cái hội thảo gì đó mà Lana dẫn link ấy nói hay ghê. Có điều các bạn ấy hay mượn bài của tụi em về đăng mà quên xin phép, mà mượn nhanh lắm, vừa đăng lên đã lấy về, rồi tờ thứ 2, 3... lại lấy lại thì ghi nguồn của các bạn ấy, chứ chả thèm đếm xỉa tới trang gốc. Gần đây nhất là bài của em về bác Lê Tuyên.

    Lana trình bày cẩn thận thế, tốn công chị, vụ này bàn chán lém :-(

    ReplyDelete
  5. Chơi blog, tôi chỉ xài ảnh của mình tự chụp. Sáng nay mới lần đầu lấy một tấm hình trên mạng, có chú thích rõ hình internet, nhưng nhìn cứ thấy chán chán thế nào ấy.

    ReplyDelete
  6. @ĐMT: Vâng đúng là thế anh ạ, với cư dân mạng mình chỉ cần dẫn nguồn rõ ràng là đủ rồi. Còn chuẩn cho trích dẫn là dùng cho những lĩnh vực cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chuẩn quy định cơ.

    ReplyDelete
  7. hấc! Hổng bít mấy lần "zing" về Vietnamsing em có đóng mở ngoặc kép hông ấy nhẩy?có chú dẫn hông nữa.

    ReplyDelete
  8. @Gấu: Không biết thì có thể thông cảm, nhưng biết, nói hay, mà vẫn làm tràn như báo ĐV thì gọi là gì nhỉ??
    Chị đã định viết là 'làm báo không thể không biết về plagiarism', nghĩ lại, cần phải có dẫn chứng cụ thể báo nào, bài gì... dài dòng nên thôi.
    Biết là vụ này chán, người ta hay chậc lưỡi: "ôi họ làm đầy ra kia, nói uổng công", nhưng không lẽ kệ hoài?

    ReplyDelete
  9. @Đỗ: Lana thật sự ko rõ về việc lấy hình trên mạng mình họa thì cần trích dẫn không, trích dẫn thế nào, thôi thì cứ đề sưu tầm. Cái này chắc muốn biết phải hỏi những ai được học chuyên nghiệp về báo cơ.
    (Lana thấy một số hình cần giữ bản quyền thì người ta đè chỉ dẫn nguồn lên hình luôn rồi).

    ReplyDelete
  10. @Nga: Bác Thụy nói đúng đấy Nga à, trước mắt trên mạng, nếu lấy thông tin từ một nguồn nào đó mình chỉ cần chỉ ra nguồn (đưa link) là đàng hoàng rồi.

    ReplyDelete
  11. Những chuyện đạo văn, "ăn cóp" kiểu này nên phải chấm dứt thật nhanh, nếu không mai này, không những giới trẻ mà rất nhiều người khác sẽ bị giẫm chân lên chuyện này và càng ngày càng tệ hại hơn thì nguy hiểm không ngờ luôn!

    Một học sinh, sinh viên ở Hoa Kỳ viết bài luận, nếu lỡ "ăn cóp" một ý hay một câu của người khác mà không có trích dẫn rõ ràng thì bài luận đó có thể bị huỷ luôn (đó là trường hợp của 1 người bạn học chung với DQ cách đây hơn 10 năm về trước lận).

    Còn ở VN, theo DQ biết thì chuyện "copy" nguyên bài "văn mẫu" vẫn xảy ra nhan nhản ở trường học, nhất là trong những kỳ thi. Tại sao???. Chuyện "trích dẫn" mà không ghi lại nguồn thì đâu đâu cũng có, nhưng nếu con người có lòng tự trọng thì sẽ không có chuyện cắt xén này nọ mà không dẫn nguồn của những "trích dẫn" đó ha!

    Cám ơn chị Lana đã viết bài này để nhắc nhở mọi ng` nha.

    ReplyDelete
  12. @Dã Quỳ: Cảm ơn Dã Quỳ nhiều vì đã để lại một comment rất rất hay và rõ.
    Ngẫu nhiên, Lana mới thấy bên QueChoa blog của nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng vừa có entry "Đạo văn, xin chớ xem thường":
    http://quechoablog.wordpress.com/2010/05/18/d%e1%ba%a1o-van-xin-ch%e1%bb%9b-xem-th%c6%b0%e1%bb%9dng/
    Blog QueChoa vốn là Blog rất đông người đọc. Lana thấy mừng lắm.

    ReplyDelete
  13. Bên Bác Tuấn cũng bàn đến nhiều về chuyện này thời gian gần đây đó Lana, tham khảo thêm:

    http://tuanvannguyen.blogspot.com/2010/05/ao-van-quan-quyen-va-cau-chuyen-li-ki-o.html

    ReplyDelete
  14. Chị, em viết toàn nhảm nhí mà cũng thấy có bạn copy sang blog của mình.

    Nếu người ta copy sang mà có trích dẫn đến blog của em nhưng không nói với em thì đã đủ phép chưa hả chị theo mấy cái hướng dẫn của chị ấy?

    ReplyDelete
  15. @L2C: Theo chị nghĩ thì mình đã post lên mạng là chia sẻ thông tin rồi, trừ khi mình ghi rõ cái này có bản quyền thì ai đó đều có thể copy. Việc để link chính là họ ghi nhận, tôn trọng nguồn thông tin khi họ đăng tải lại - việc này chủ yếu là văn hóa, lương tâm thôi.

    ReplyDelete
  16. @BeBo: Cảm ơn BeBo, Lana đọc bài bên bác Tuấn rồi. Không ngạc nhiên. Chỉ buồn thêm chút nữa thôi.

    ReplyDelete
  17. Lana, mấy cái vụ này là chuyện thường ngày ở huyện rồi. Ba cái hình Chôm chụp vớ vẩn cùng với mấy cái recipes nấu ăn quèn mà cũng bị ăn cắp tràn lan. Bởi vậy bây giờ Chôm cứ phải ký tên to đùng trên hình là vậy đấy.

    ReplyDelete
  18. @Chôm Chôm: Ừa đúng là 'chuyện thường ngày', nhưng không lẽ ai cũng nản không ai nói, thôi thì mình đành nói vậy, tới được ai hay người đó Chôm Chôm à. Các em đang học nên biết điều này lắm, để tránh những chuyện phạm lỗi 'đạo văn' vì không biết.
    Thấy những cái hình của Chôm Chôm có chữ ký rồi. Nghệ thuật nữa chứ. :)

    ReplyDelete
  19. Cám ơn bài viết cuả chị Lana, em share link trên FB nhé! Em cũng hơi bị bức xúc vấn đề này đấy ạ.. :D

    ReplyDelete
  20. Cảm ơn Fooleryn đã public nhé. Chị thật sự muốn có một cái nhìn bình tĩnh về nguyên nhân hơn là bức xúc. Và nói với các bạn trẻ về vấn đề này cũng là 1 cách khắc phục nguyên nhân. Chị hy vọng thế.

    ReplyDelete
  21. Em mới thấy cái này hay phết này http://www.tynt.com/

    ReplyDelete
  22. Hay lắm bạn. Vấn đề rất nghiêm trọng và nan giải ở nước mình. Suy nghĩ nghiêm túc và tránh được plagiarism chỉ có thể là "hậu quả" của việc học hành tại nơi bọn tư bản đang giãy chết :)

    Bạn Lam (Mel Uni) cũng có một bài về chuyện này trên blog của bạn ý.

    ReplyDelete

Nào mình cùng chia sẻ cảm nhận...