May 26, 2010

Mở rộng hiểu biết, mở rộng vòng tay

Entry này là để góp thêm một tiếng nói ủng hộ nỗ lực của các nhóm cha mẹ có con tự kỷ nhằm đưa thông tin về bệnh tự kỷ đến với cộng đồng, giúp cộng đồng hiểu biết hơn về căn bệnh, bớt kỳ thị, gần gũi mở vòng tay yêu thương cho các em nhiều cơ hội hơn học hòa nhập cuộc sống.

Mở rộng vòng tay. Trộm nghĩ có thể là việc nhỏ như đọc, hiểu về bệnh, chấp nhận những biểu hiện của trẻ tự kỷ bằng sự thấu hiểu chứ không phải với thái độ ái ngại hay tệ hơn là kỳ thị. Việc lớn hơn có thể là tùy sức mình hỗ trợ tinh thần, vật chất, cơ hội cho các nhóm hoạt động vì trẻ tự kỷ mà hiện tại đa phần là tự phát.

Lana lại tin điều chị Thanh Chung đã gửi gắm "Không kỳ vọng vào những điều lớn lao, nhưng vẫn tin mỗi blogger có tâm đều có thể góp phần cải tạo cuộc sống khi chúng ta cùng cổ vũ cho những điều tốt đẹp", không biết trong việc này có là lãng mạn quá không. Hy vọng là không.

Dưới đây Lana trích đăng bức thư của một cô giáo trường Mầm non Tuổi Ngọc ở Sài Gòn gửi cho Blogger VMC. Toàn văn bức thư và thư mời dự Hội thảo "Trường nào cho trẻ tự kỷ" bà con xem ở đây nha.

"... Trường chúng em là trường dạy trẻ khuyết tật và chậm phát triển. Tuy nhiên, trẻ của chúng em và cả phụ huynh có con tự kỷ nữa, khi đi ra ngoài thường được đối xử không công bằng. Khi chúng em đưa con em mình ra ngoài, mọi người nhìn các bé bằng con mắt kỳ thị, cho rằng các bé bị "điên", "thần kinh",... và xa lánh các bé. Thực ra không phải như vậy. Các bé của chúng em chỉ khác những trẻ bình thường thôi. Hơn ai hết, các bé rất cần sự quan tâm, gần gũi và yêu thương của cả cộng đồng.

Tuy nhiên, xã hội chưa có nhiều người hiểu về hội chứng tự kỷ này, thậm chí có nhiều người còn có kiến thức sai lệch nữa. Như vậy, bằng một cách nào đó, họ đã đẩy các bé tự kỷ ra xa xã hội hơn, đã nhấn chìm sâu hơn những niềm hy vọng của các phụ huynh có con tự kỷ. Cả trẻ và cha mẹ đều cần sự đón nhận trong yêu thương và chia sẻ của cả cộng đồng.

Hội thảo mà chúng em tổ chức cũng nhằm vào mục đích hướng tới cộng đồng, nhằm nâng cao hơn nhận thức của cộng đồng về trẻ tự kỷ, nhằm giúp cho nhiều người hiểu hơn về trẻ. Cuối cùng, khi họ gặp một em bé nào có hành vi khác thường một chút, họ sẽ dễ chấp nhận hơn, sẽ bước gần lại với em hơn và có cách giải quyết phù hợp hơn giúp bé có thể hiểu và chấp nhận các quy tắc của cộng đồng.
...
Em xin phép được gửi thư mời ở dưới đây ạ. Thêm một người biết về tự kỷ, hiểu về tự kỷ tức là chúng ta đã có thêm một đồng minh trong cuộc chiến trường kỳ này
."


THƯ MỜI

Kính mời toàn thể bác sĩ, nhà chuyên môn, giáo viên, sinh viên, phụ huynh trẻ tự kỷ và những người có quan tâm … đến tham dự Hội thảo chuyên đề “TRƯỜNG HỌC NÀO CHO TRẺ TỰ KỶ?” được DRD (Chương trình khuyết tật và phát triển) kết hợp với các Nhóm phụ huynh trẻ tự kỷ trên cả nước tổ chức tại Khách sạn Hoàng Đế, 117 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3, TP.HCM, ngày 5/6/2010, từ 8g00 đến 11g30.

Trân trọng.

Để công tác tổ chức được chu đáo, xin vui lòng xác nhận sự tham dự của quý vị :
- Cô Loan (DRD), số điện thoại: 08-38682770, 0918235375
- Hoặc cô Dung, số điện thoại 08-35561952, 08-35561951
- Hoặc email : tamsgn@yahoo.com

Mọi người hãy tham gia càng đông càng tốt. Buổi sáng ngày hội thảo, trên bầu trời Hà Nội sẽ có nhiều bóng bay được thả cũng sẽ có các nội dung về trường cho trẻ tự kỷ, ước mơ của mọi người dành cho trẻ tự kỷ. Ở TP. Hồ Chí Minh hội thảo được tổ chức trước đông đảo sự tham gia của mọi người. Như vậy, trẻ tự kỷ không chỉ giới hạn ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, không chỉ là miền Nam hay miền Bắc, trẻ tự kỷ có ở mọi nơi, mọi miền và vì thế, trẻ tự kỷ cần sự giúp sức của tất cả mọi người, là "chuyện không của riêng ai" nữa.

Kính mong mọi người hãy đồng tâm hiệp lực, vì sự phát triển lành mạnh hơn của cộng đồng, vì sự tiến bộ hơn của xã hội.


*** Mời tham khảo thêm Blog Like2chat (ở đây) hoặc từ Blog list.

-----------------------------------------------------
Và dưới đây là tâm sự nặng trĩu của một người ẩn danh trong phần comment dưới entry của VMC, Lana xin chép lại đây chia sẻ, chưa biết làm gì hơn cho 'Trường nào cho em'...

Chút tâm sự buồn:

Đằng sau cái từ TK, là cả 1 cuộc khủng hoảng đấy ạ. Khủng hoảng gia đình, khi người này trách người kia không làm việc A, việc B, hay có họ hàng gì đó .... hơi hơi có nét TK, với một số bố hoặc mẹ đã ra đi, để lại đứa con tk cho người kia chăm sóc.

Nhưng cái khủng hoảng đặc trưng nhất, chính là nuôi dạy con TK thế nào, cho con học ở đâu???

Với trẻ thường, ta cứ nuôi đến 2-3 tuổi, rồi gửi trẻ. Không hợp trường A, không yên tâm về trường B, thì a lê hấp, chuyển trường. HN này, quá nhiều trường để lựa chọn.

Nhưng với trẻ TK, thường được phát hiện TK vào tầm 2t. Để con ở nhà thì không yên tâm, vì người nhà đâu phải chuyên gia TK. Đem con đi trẻ, thì con nhỏ quá, con chưa biết ăn, đau chưa biết kêu, tè chưa biết gọi... Ngổn ngang...

Học trường bình thường, dăm bữa, cô phàn nàn... Một phụ huynh khác eo xèo ... Con thui thủi góc lớp... Không đặng

Học trường chuyên biệt, lớp tầm chục trẻ, nhưng ... không trẻ nào chơi với ai. Hình ảnh 1 lớp học giờ chơi tự do, mỗi trẻ làm 1 việc, hoàn toàn ... tách bạch, giữa chúng là sự im lặng và những hố sâu vô hình, thực sự ám ảnh tâm trí tôi ...

Có nhiều đứa trẻ khó hòa nhập, người mẹ đã phải bỏ một công việc tốt ở ngân hàng, nơi ít nhất cũng được một vài chục triệu, để ở nhà với con...

Có người mở nhóm can thiệp, con học nửa ngày, về trung tâm học nửa ngày, ... tình trạng cân bằng động... Rồi hết hợp đồng thuê nhà, cô giáo tìm việc mới ổn định hơn, v.v.. Hết thời cân bằng động, chuyển hẳn sang dao động...

Có những đứa trẻ hết tuổi mẫu giáo .... không biết đi đâu...

Và có những thiếu niên tự kỷ, khi mà ngôi trường nho nhỏ, không còn giữ được con nữa, cũng không biết về đâu...

Trẻ tự kỷ, sau bằng ấy năm, đọng lại trong tôi từ "rối loạn". Cái rối loạn đem đến cái "khác biệt". Cái khác biệt mang lại cho con 1 ngàn, 1 triệu thứ phiền toái, mà chẳng phải nơi đâu cũng rộng lòng, cảm thông..., đúng vậy đấy, đôi khi, ngay cả trong nhà, chứ đừng nói gì ngoài xã hội...

Ở nhà, mất chừng 1 năm để chấp nhận con: TK là thế đấy.

Nhưng ở trường, vẫn chưa chắc chắn...

Bố mẹ TK rồi cũng sẽ chấp nhận con mình là khuyết tật dù trong một hình hài ... sáng láng! Nhưng cái mà cha mẹ tk vẫn trăn trở là làm sao giúp được con đi học, học ở đâu, học thế nào cho phù hợp,... để con ... vẫn sẽ trở thành một "con người"!

Đó là lý do tại sao, nếu có cụm từ "trường học cho trẻ TK" thì phụ huynh TK lại như giật mình tỉnh giấc!!!

Nhưng thực là khó để có thể diễn giải cho mọi người về những khó khăn (thậm chí là bế tắc, sự cuối đường) về việc xin học ở trường cho trẻ TK.

14 comments:

  1. Xin copy một số comment của mọi người sau entry bên nhà VMC để mọi người tiện tham khảo:
    Dam Minh Thuy (http://damminhthuy.blogspot.com):
    1. Anh đang làm chương trình Kỹ Năng Sống. Sẽ ủng hộ các cháu 2 số chuyên đề phát trên VTV1. Khi làm về nội dung này, đoàn làm phim sẽ liên hệ với mẹ Dung (HCMC) và me Linh (Hà Nội) nhé!

    2. Kỹ Năng Sống được các bác bên VTV bố trí giờ phát sóng 8 giờ 30 sáng Thứ 7 hàng tuần. Hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị nội dung. Dự kiến tháng bắt đầu lên sóng. Mọi người ủng hộ chương trình nhé!
    (Tháng mấy ha anh Thụy?)

    ReplyDelete
  2. Lana:
    1. Chương trình được VTV chính thức phê duyệt và bố trí sóng rồi. Còn một số việc về kỹ thuật như đàm phán chi phí, hợp tác sản xuất, phương án kinh tế. Vì là chương trình phát sóng đều đặn hàng tuần nên việc chuẩn bị cho nó cũng mất nhiều thời gian.

    Kế hoạch là tháng 8. Chậm nhất thì cũng chỉ tháng 9 thôi.

    2- Về tâm sự của một người ẩn danh: Nói thật, anh là đàn ông mà đọc xong cũng muốn khóc. Chỉ ai phải nuôi con, phải chăm con ăn, con học mới biết, mới hiểu, và mới tưởng tượng ra được cái vất vả của cha mẹ có con tự kỷ. Con bình thường, cha mẹ đã vất vả rồi. Con tự kỷ còn vất vả gấp bội. Và còn nhiều gian nan khác đâu chỉ tính bằng công sức, tiền bạc được.

    Có nên, có cần vận động một ngôi trường dành riêng cho trẻ tự kỷ không? Như thế, có tốt không? Hay là thêm phần dở hơn cho các cháu? Các bạn là cha mẹ có con tự kỷ cho biết với!

    ReplyDelete
  3. Trường dành cho trẻ Tk rất phức tạp. Em nghĩ là cần nhiều ngành hợp sức lắm, cần nhất là các thông tin tiến bộ từ các nước văn minh đã thành công về điều trị cho người TK. Trước mắt, căn bệnh này cần được mọi người thừa nhận và có ý thức đúng, không kỳ thị đã. Sau đó, truyền thông mạnh như các chương trình kỹ năng của bác THụy vào cuộc, rồi mọi người cùng đấu tranh và vận động nhà nước chung tay giúp các cháu. Thế thì may ra mới tạo ra không những một ngôi trường mà còn cả môi trường thiện chí dành cho các trẻ TK ạ. Hic...

    ReplyDelete
  4. Em thích câu hỏi của bác Thụy quá.

    Nói thật là giữa các mẹ cũng có quá nhiều quan điểm.

    Quan điểm của em là một ngôi trường bình thường nhưng bao dung với trẻ tự kỷ ạ.

    ReplyDelete
  5. Vẫn cần có đủ các mô hình: hoà nhập, chuyên biệt và hội nhập dành cho trẻ tự kỷ.
    Nhưng để có trường thì phải có chính sách. Cho đến giờ, chưa hề có chính sách xã hội nào dành cho người tự kỷ, thậm chí tự kỷ còn chưa xét là khuyết tật, không được hỗ trợ bất cứ thứ gì, cho dù quá trình can thiệp lâu dài làm cạn kiệt tài chính và sức lực của các gia đình!

    Phụ huynh cho đến hôm nay cũng mới chỉ có thể đi bộ giương cao khẩu hiệu và thả bóng lên trời thôi.

    Hy vọng vào những chương trình truyền thông của các anh chị nhà báo!

    ReplyDelete
  6. Thú thật là như cá nhân Lana không thể biết ngôi trường như thế nào thì tốt hơn cho trẻ tự kỷ. Có lẽ các mẹ thử đọc thêm tài liệu sách báo, tham khảo thêm ở các nước phát triển mà có những chính sách hỗ trợ hoặc nghiên cứu về trẻ tự kỷ xem vấn đề trường học cho trẻ tự kỷ được giải quyết như thế nào.

    ReplyDelete
  7. DQ biết một người mẹ này, cũng có con tự kỷ. Nhưng chị đang ở Úc Đại Lợi. Vì có con tự kỷ nên chị L. đã tìm tòi, học hỏi và có rất nhiều tài liệu về trẻ tự kỷ.

    Đây là blog của chị ấy đây:

    http://my.opera.com/lannguyensa/blog/

    DQ cũng vẫn thường vào trang nhà của người mẹ này để xin những tài liệu về trẻ tự kỷ cho bạn bè của DQ nè.

    PS: Hình như chị L2C biết người mẹ này phải không ạ ? (tại DQ tình cờ đọc qua 1 đoạn chat trong blog của chị L2C nên đoán vậy thôi, không phải thì đừng la DQ nha).

    ReplyDelete
  8. Hoan hô Lana, hoan hô bác Thụy.

    ReplyDelete
  9. @Dã Quỳ: mẹ cháu có vào thăm blog của mẹ Lan con Sâu róm, có lấy một số tư liệu đăng lên Facebook.

    Còn mẹ mà mẹ cháu chat thì đến viết email cho mình còn không đủ thời gian, mẹ ấy không viết blog đâu.

    Cảm ơn bạn DQ đã quan tâm đến chủ đề này.

    ReplyDelete
  10. Em comment giống anh VMC :)

    ReplyDelete
  11. ★★★★★★★★★★★★★★★★★★☆
    Tool Spam Comment of Blogspot
    Sent to 100.000 blogs
    ★★★★★★★★★★★★★★★★★★☆

    Chào bạn! Chúng tôi vừa thành lập một website chạy trên nền Blogspot 4.0 hoàn toàn mới. Hiện tại vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, mời bạn ghé thăm & đóng góp ý kiến. Xin chân thành cảm ơn!

    [Code1k.blogspot.com | Code1k.com]

    ReplyDelete
  12. @VMC: là bác VMC cầm cờ đi tưước, em thấy việc nên làm nên đi sau ủng hộ :)

    Bố mẹ các con rất cần sự chia sẻ và thấu hiểu, các con xứng đáng được đón nhận, nhưng XH còn nhiều vấn đề để lo quá nên mỗi người làm được cỏn con gì thì góp tay, nghĩ thế...

    ReplyDelete
  13. @H.Y. Đồng hương mình hoan hô ủng hộ là vui rồi :)

    ReplyDelete
  14. @Bạn Hoàng Tử còn có lời chào, cảm ơn. Bạn nhạc chấm com dán nhờ quảng cáo mà chẳng có lời nào nhỉ? :((
    Tớ thì ko có sở thích nhanh gọn đơn giản khám phá..., định dọn dẹp nhưng lại để thử xin ý kiến xem có nên dọn những comment quảng cáo lạc chỗ không ha mọi người?

    ReplyDelete

Nào mình cùng chia sẻ cảm nhận...