May 03, 2010

Nuôi dưỡng sự tự tin cho con

Đọc được bài báo'DEVELOPING YOUR CHILD'S SELF-ESTEEM'về xây dựng sự tự tin lành mạnh cho trẻ, dù xưa nay đọc hiểu là chính, rất rất lười (và kém) dịch, nhưng vì quá muốn chia sẻ với các bậc cha mẹ và những ai quan tâm đến trẻ em, nên Lana dịch tạm đưa lên Blog. Đây là nội dung Lana dịch cùng với sự tham gia của bé Dim, chia sẻ với mọi người, nếu có lỗi dịch thuật xin góp ý để Lana chỉnh sửa.

Tổng quan về A Healthy Self-Esteem (tạm dịch: Sự tự tin lành mạnh):
Sự tự tin lành mạnh giống như lá chắn bảo vệ trẻ trước những thách thức của cuộc sống. Những trẻ tự tin về bản thân có vẻ như sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi xử lý xung đột và chống lại những áp lực tiêu cực. Chúng dễ nở nụ cười tận hưởng cuộc sống. Những đứa trẻ như vậy thường thực tế và đa phần lạc quan.

Ngược lại, những đứa trẻ thiếu tự tin rất dễ trở nên lo lắng và bất an trước những thách thức. Khi trẻ tự đánh giá thấp bản thân, chúng cảm thấy khó khăn khi cần phải tìm giải pháp cho các vấn đề. Những ý nghĩ tự lên án bản thân kiểu như "Mình không tốt" hoặc "Mình không thể làm bất cứ điều gì đúng" khiến đứa trẻ trở nên thụ động, thu mình, hoặc chán nản. Khi xuất hiện một khó khăn mới, suy nghĩ đầu tiên của chúng sẽ là "Mình không thể".

Sự tự tin là gì?
Sự tự tin là tổng hợp các niềm tin hoặc cảm giác của chúng ta về bản thân, hay là 'sự tự nhận thức'. Việc chúng ta đánh giá bản thân như thế nào ảnh hưởng đến động cơ, thái độ, hành vi của chúng ta và tác động đến cảm xúc.

Những cảm nhân về sự tự tin khởi đầu từ rất sớm. Ví dụ, khi một em bé đạt được một mục tiêu, đứa trẻ trải nghiệm cảm giác thành công và khích lệ sự tự tin. Việc học để lật người sau hàng chục lần cố gắng không thành công hay việc cuối cùng đưa được chiếc muỗng vào miệng khi ăn là những kinh nghiệm tạo cho đứa trẻ thái độ tích cực: "có thể".

Một đứa trẻ rất nhỏ đã có thể có khái niệm về sự thành công do kiên trì mang lại. Khi trẻ thử làm một việc gì đó và thất bại, lại cố gắng, lại thất bại, và cuối cùng thành công, tự trong nó sẽ phát triển nhận biết về khả năng của bản thân. Điều này đồng thời cũng giúp đứa trẻ nhận thức về chính nó trong sự tương quan với xung quanh. Đây là lý do tại sao sự tham gia của cha mẹ là chìa khóa để giúp một đứa trẻ nhận thức đúng về bản thân mình.

Sự tự tin cũng có thể được định nghĩa là sự kết hợp của nhận biết về khả năng của bản thân với cảm giác được yêu thương. Một đứa trẻ hạnh phúc với thành tích đạt được nhưng không cảm thấy được yêu vẫn có thể cảm thấy mất tự tin. Tương tự, một đứa trẻ cảm thấy nó được yêu nhưng do dự về khả năng của mình cũng có thể dẫn đến việc đánh giá thấp bản thân. Tâm lý tự tin lành mạnh được hình thành khi cả hai điều kiện trên được cân bằng.

Những dấu hiệu để nhận biết sự tự tin và thiếu tự tin
Sự tự tin biến đổi trong quá trình một đứa trẻ lớn lên. Nó thường xuyên thay đổi do bị ảnh hưởng bởi sự trải nghiệm và những nhận thức mới của trẻ. Cha mẹ cần lưu ý nhận biết các dấu hiệu về sự thay đổi lành mạnh và không lành mạnh trong sự tự tin của trẻ.

Một đứa trẻ kém tự tin có thể sẽ không muốn thử nghiệm những điều mới lạ. Chúng thường xuyên nói những câu nói tiêu cực về bản thân mình, ví như "Mình thật ngu ngốc", "Mình sẽ không bao giờ tìm được cách để làm điều này," hoặc " Chuyện gì chứ? Đằng nào thì cũng chẳng có ai quan tâm đến mình" Những đứa trẻ này có thể kém chịu đựng sự thất vọng, dễ dàng đầu hàng hoặc chờ đợi sự giúp đỡ từ người khác. Đứa trẻ thiếu tự tin sẽ có xu hướng phê phán bản thân quá mức và dễ dàng thất vọng về bản thân mình. Chúng coi một thất bại tạm thời là nghiêm trọng, không thể chịu đựng được. Cảm giác bi quan thường xuyên chiếm ưu thế.

Trẻ tự tin có xu hướng thích giao tiếp với người khác. Chúng cảm thấy thoải mái trong xã hội, thích hoạt động nhóm cũng như theo đuổi các sở thích cá nhân. Khi những thách thức nảy sinh, chúng có khả năng suy nghĩ tìm kiếm giải pháp. Khi thất vọng lời nói của chúng không có xu hướng làm nản bản thân hay xung quanh. Ví dụ, thay vì nói rằng, "Mình là một thằng ngốc", đứa trẻ tự tin sẽ nói, "Mình không hiểu điều này". Chúng biết rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình, và chấp nhận chúng. Cảm giác lạc quan chiếm ưu thế.

Cha mẹ có thể làm gì?
Làm thế nào cha mẹ có thể giúp nuôi dưỡng sự tự tin lành mạnh cho một đứa trẻ? Dưới đây là một số mẹo có thể giúp thành công:

Chú ý những gì bạn nói. Trẻ em rất nhạy cảm với lời nói của cha mẹ. Hãy nhớ khen ngợi con mình không chỉ cho những việc con hoàn thành tốt, mà hãy khen sự nỗ lực của trẻ. Tuy nhiên hãy nhớ là luôn nói thật. Ví dụ, nếu con của bạn trượt vào đội tuyển bóng đá, tránh nói những câu đại loại: "Không sao, lần sau con sẽ cố gắng chơi tốt hơn và sẽ được vào đội tuyển" Thay vào đó, hãy nói "Không sao, tuy con không được vào đội tuyển nhưng Ba/Mẹ tự hào vì những cố gắng của con." Hãy khen ngợi sự nỗ lực và sự hoàn thành công việc của con thay vì chỉ chú ý vào kết quả.

Hãy làm gương cho con về việc hướng suy nghĩ tích cực. Nếu bạn quá khắc nghiệt với chính mình, bi quan, hoặc mơ hồ về khả năng hay giới hạn của mình, con bạn cuối cùng sẽ giống bạn. Hãy nuôi dưỡng sự tự tin của riêng bạn, và con bạn sẽ có một hình mẫu tuyệt vời.

Hãy nhận biết và điều chỉnh những suy nghĩ không đúng của con. Điều quan trọng là cha mẹ cần nhận biết được những niềm tin không chuẩn xác về bản thân của con, cho dù là về sự hoàn hảo, sự hấp dẫn, về khả năng hay bất cứ lĩnh vực nào. Việc giúp con bạn thiết lập các chuẩn hợp lý hơn và giúp chúng có cái nhìn thực tế hơn trong việc đánh giá bản thân sẽ giúp đứa trẻ có một sự tự tin lành mạnh. Ví dụ, một đứa trẻ chăm ngoan ở trường nhưng gặp khó khăn với môn toán có thể nói "Tôi học toán kém, tôi là một học sinh kém". Ngoài việc kết luận chung như vậy là sai, đó còn gây một niềm tin sai có thể dẫn con bạn đến thất bại. Hãy khuyến khích con bạn nhận định tình huống một cách đúng đắn, tích cực. Phản ứng hữu ích có thể là: "Con là một học sinh ngoan. Ở trường con luôn làm mọi việc rất tốt. Môn toán chỉ là một môn mà con cần phải dành nhiều thời gian hơn. Ba/ Mẹ con mình sẽ cùng học nó."

Hãy gần gũi và tình cảm với con bạn. Tình yêu của bạn luôn ở bên sẽ khích lệ sự tự tin của con. Hãy ôm hôn con bạn. Hãy nói với con của bạn rằng bạn tự hào về chúng. Hãy cài một mẩu giấy trong hộp ăn trưa của con "Ba/ Mẹ nghĩ rằng con rất tuyệt vời!" Hãy khen ngợi thường xuyên và trung thực nhưng không lạm dụng. Với trẻ em có thể nói bất kỳ điều gì xuất phát từ trái tim.

Hãy đưa ra những phản hồi tích cực và chính xác. Một nhận xét như: "Con luôn luôn tự khiến cho mình nổi giận như vậy!" sẽ khiến cho đứa trẻ tin rằng nó không biết kiểm soát những cơn giận dữ của mình. Một thông cáo tốt hơn là "Con đã thực sự nổi điên với em trai của con, nhưng Ba (Mẹ) đánh giá cao rằng con đã không hét lên với em hay đánh em". Cách nói này thừa nhận cảm xúc của con bạn và khen ngợi sự cách cư xử đúng con đã lựa chọn, khuyến khích con bạn tiếp tục lựa chọn đúng ở lần sau.

Tạo môi trường an toàn bình ổn trong gia đình. Một đứa trẻ không cảm thấy bình an hoặc bị lạm dụng tại nhà sẽ vô cùng thiệt thòi vì mất tự tin. Một đứa trẻ nhiều lần chứng kiến cha mẹ đánh / cãi nhau có thể trở nên chán nản và thu mình. Hãy nhớ luôn luôn tôn trọng con bạn.

Hãy tạo dựng căn nhà của bạn thành một thiên đường an toàn cho gia đình bạn. Theo dõi các dấu hiệu bị lạm dụng bởi người khác, các vấn đề ở trường, với bạn bè, và các yếu tố tiềm ẩn khác có thể ảnh hưởng đến sự tự tin của trẻ. Hãy giải quyết các vấn đề một cách tế nhị nhưng dứt khoát.

Giúp con tham gia vào những trải nghiệm mang tính xây dựng. Các hoạt động khuyến khích hợp tác thay vì cạnh tranh đặc biệt hữu ích trong việc bồi dưỡng lòng tự tin. Ví dụ, các chương trình trong đó một đứa trẻ lớn hơn giúp một em bé học đọc có thể làm nên điều kỳ diệu cho cả hai.

Tìm sự giúp đỡ, tư vấn của các chuyên gia nếu nhận thấy những dấu hiệu tự ti ở con bạn.
----------------------------------------------

*** Nguồn: Developing Your Child's Self-Esteem
*** Note 1: Self-Esteem trong nhiều từ điển Anh Việt dịch là lòng tự trọng. Tuy nhiên đọc xuyên suốt bài này, Lana xin tạm dịch (hiểu) là sự tự tin.
*** Note 2: Lana 'cố tình' nhờ bé Dim tham gia dịch :), Dim có vốn tiếng Anh khá tốt và góp ý được khá nhiều từ 'Việt hóa' hợp lý khi mẹ bí từ.

17 comments:

  1. Tạo cho trẻ tính tự tin, và niềm tin vào chính bạn sẽ giúp trẻ mạnh dạn bước chân vào cuộc sống.

    ReplyDelete
  2. Tự tin sẽ là chìa khóa mở cửa thành công sau này.

    Mẹ ghê nhé, cố tình nhờ con dịch, coi như bắt con đọc và suy nghĩ luôn. Lợi đôi bề.

    ReplyDelete
  3. Bài dịch của chị và Dim hay và bổ ích ạ.

    Em cũng chưa biết tìm từ gì cho từ self-esteem, vì em nghĩ từ đó bao gồm tự tin và hơn thế nữa cơ, không biết dịch là "tự tôn" thì có hơn không?

    ReplyDelete
  4. @BeBo: Lana cũng thấy đúng vậy BeBo, chỉ mong mình giúp con tạo được sự tự tin.
    Thanks for sharing,
    Thân.

    ReplyDelete
  5. Dim giỏi quá! cùng dịch chung với chị Cả thế này để post bờ lốc thì...Dim đã có sự tự tinrồi đấy :)

    ReplyDelete
  6. @Đậu: wink wink..., 'cố tình nhờ dịch' đã để trong nháy nháy rùi vẫn không lôi kéo được dì Ba, mẹo gian của mẹ Lana bị bắt bài chính xác luôn :)

    ReplyDelete
  7. @NCQ: Cảm ơn NCQ, về 'tự tôn' hay 'tự tin', chị em mình chờ thêm ý kiến của các chuyên gia tâm lý học nha.

    @Đỗ: Cheers.

    ReplyDelete
  8. @LU: Cảm ơn cô LU. Chị Cả dùng Google dịch trước, Dim đọc nhiều câu ngô nghê cười phá, thế là tự nguyện ngồi chung 'chiến đấu' với bài dịch :)

    ReplyDelete
  9. Lý thuyết thì có vẻ phức tạp thế, chứ rèn sự tự tin thì đơn giản thôi. Anh ruột anh có cách rèn sự tự tin cho con thật độc đáo: Lúc còn nhỏ, bác ấy cứ ôm con vứt đánh bùm một phát xuống ao. Vừa lóp ngóp bơi vào, bác ấy lại làm phát nữa... Thằng con trai bác ấy giờ phải nói là tự tin cao độ luôn. Hì!

    ReplyDelete
  10. @TĐM: Anh ơi em nghĩ những bài viết này là để thuyết phục nhận thức, tránh các bà nội bà ngoại, bố mẹ cứ con ngã là cuống quýt xuýt xoa ôi đau quá, bà đánh cái bàn, mẹ đánh chừa cái nhà, osin bón cơm đến 5, 6 tuổi, mẹ giặt mẹ gấp quần áo, mẹ chuẩn bị ăn sáng, bố mẹ quyết định ngành học, bố mẹ xin việc, bố mẹ mua nhà, mua xe... tóm lại là cái gì cũng bố mẹ lo đến tận răng :))
    Một khi cha mẹ có ý thức rèn cho con cứng cáp rồi thì chả cần lý thuyết rắc rối gì, sẽ tự tìm được những cách thích hợp cho mỗi đứa trẻ thôi (như anh trai anh ấy).
    Có điều em thấy đọc những bài viết về tâm lý của các chuyên gia xịn rất hay, dễ đọc, nhiều những ví dụ tình huống cụ thể, nên không bị giống như đọc diễn văn, nên thích.

    ReplyDelete
  11. Lana: Hì, anh kể câu chuyện vui thế thôi, nhưng thực sự là thằng cháu nhà anh giờ thì rất là xịn. Đi học, đi làm xa nhà vài năm, giờ về nhà rất là khá. Chẳng biết có phải bố nó ngày trước phát-xít thế nên giờ nó cứng cáp vậy không nữa.

    Hà hà, bác Thụy phải nói thêm câu này: Mẹ con nhà em dịch bài này xịn lắm đấy. Vì nó thuộc một lĩnh vực khá hóc búa khi chuyển ngữ. Bác khen Dim nhé!

    ReplyDelete
  12. Chị bit hong, ngày xưa em dát lắm :-D CHo đến khi em chẳng bận tâm quá đến những gì người khác nghĩ nữa thì thấy được khen là tự tin. Hà hà ...

    ReplyDelete
  13. Cám ơn mẹ con Dim dịch bài này nhen !!!!!

    ReplyDelete
  14. @Dã Quỳ: Thanks Dã Quỳ nhiều vì đã cùng chia sẻ. Cheers.

    ReplyDelete
  15. Chú ý những gì bạn nói.
    Hãy làm gương cho con về việc hướng suy nghĩ tích cực.
    Hãy nhận biết và điều chỉnh những suy nghĩ không đúng của con.
    Hãy gần gũi và tình cảm với con bạn.
    Hãy đưa ra những phản hồi tích cực và chính xác
    Tạo môi trường an toàn bình ổn trong gia đình.
    Hãy tạo dựng căn nhà của bạn thành một thiên đường an toàn cho gia đình bạn.
    Giúp con tham gia vào những trải nghiệm mang tính xây dựng.
    Tìm sự giúp đỡ, tư vấn của các chuyên gia.
    ------
    Chi ui! Nhọc nhỉ? và khó lắm đây.Em làm đến đâu rồi ấy. Ko bít nữa.Chắc được 2% .

    ReplyDelete

Nào mình cùng chia sẻ cảm nhận...