January 31, 2012

yêu thương và 'nghệ thuật' ;)

Đấy là chiều mùng 1 Tết. Tết năm nay ở nhà Ba Mẹ rất vui. Đầy đủ cả vợ chồng bác Quý - Nga với Việt Anh - Bim và cậu Quỳnh từ Sài Gòn ra từ 25 tết. Mình với Dim Mei về từ 27. Huệ Oanh ở gần Ba Mẹ cũng cho 2 con trai Bi, Cò về ở Ông Bà đến tận chiều 30 (tận dụng mọi cơ hội có thể lập hội con nít cho lũ trẻ gắn kết từ nhỏ là 'chiến lược' thông suốt ngôi nhà to hồi nào giờ).
Sau mấy ngày xum vầy vui tưng bừng, chiều mùng 1 Tết nhà bác Quý chia tay Thái Nguyên về Hà Nội để đi tiếp về quê bên ngoại. Dim Mei ké theo xe bác về Nội gặp Bố ra ăn Tết. Việt Hoàng (con trai cậu Quỳnh, ở với ông bà nội ngoại và mẹ ở Thái Nguyên) thấy cả mấy anh chị tíu tít đồ đạc chuẩn bị đi thì buồn, lẩn ra ngoài góc hiên một mình, rơm rớm khóc. Mẹ LO trông thấy mới nháy các anh các chị ra chơi dỗ em.
Quỳnh thấy con trai mít ướt thì khó chịu lắm. Nhân V.Hoàng chơi nghịch gì điện thoại của anh V.Anh liền bị ba cau mặt lừ mắt la. Sẵn đang tủi thân cu cậu nức nở khóc.
Bà nội (là mẹ mình) vốn nuôi nấng ôm ẵm cu Hoàng từ nhỏ thấy thế thì xót cháu liền mắng cậu Quỳnh một câu kiểu 'mẹ mắng con'.
Nhưng tất nhiên là rất không nên 'bà mắng bố trước mặt cháu nội'.
Thời điểm đó tất cả người lớn ở đó đều cảm thấy sự không ổn. May là Quỳnh và Bà cũng đều kìm lại, dừng ở đó. Cũng vừa lúc xe đón. Một nửa nhà chào đi. Mẹ V.Hoàng đưa V.Hoàng qua ngoại. Cậu Quỳnh lấy xe đi chúc tết bạn bè. Mình với ông bà ăn tối. Lảng đi, mà biết trong bụng vài người vẫn chưa thoải mái.

Nhà mình có hai người tình cảm nhất, yêu nhau nhất mà lại đều nóng tính là Mẹ và Quỳnh. Thế nên cái trung dung là mình bỗng thành có giá đôi khi: Mình biết cách dàn hòa, kết nối hai người yêu thương nhau này. Nghĩ xâu xấu tí, khi nào cảm thấy mọi người quên lơ lơ mình chắc phải năng rủ thêm Quỳnh về, kiếm đề tài gì chọc cho hai người đó cáu nhau, thế là cục kẹo dẻo mình lại được dịp nối nối dính dính, nhắc nhớ, hihi.

Tối mùng 1 và ngày 2 mình có 3 buổi chuyện nhỏ.
1. Với Quỳnh, tối muộn ngày 1, khi cậu bình tĩnh:
- Đúng ra lúc đó không nên mắng V.Hoàng, nó đang vừa khóc vì các anh chị sắp đi.
- Làm cái thằng đàn ông mà hơi tí đái ra quần, điên không chịu được!
- Ừ thì đồng ý, nhưng V.Hoàng con mình nó vốn mẫn cảm từ nhỏ...
- Con tôi không thể như thế! (xưng 'tôi' là khi cáu đấy :D)
- Đồng ý mình muốn con mình phải mạnh mẽ, phải đàn ông... Nhưng V.Hoàng vốn là như thế. Và nó là con mình. Vậy phải làm thế nào? Nếu Quỳnh đọc thì biết các chuyên gia về tâm lý trẻ sẽ khuyên: Khi đứa bé mang điểm 4 về nhà, nếu bố mẹ bảo "con thật dốt, thật kém cỏi", đứa trẻ sẽ tin nó là đứa kém cỏi. Hết. Thay vì thế, nếu bố mẹ nói "điểm 4 chưa tốt, nhưng cha mẹ tin nếu cố gắng lần sau con sẽ được 5, rồi 6, rồi hơn nữa" - kết quả sẽ hoàn toàn khác. Càng tỏ ra thất vọng la mắng càng chỉ thu được kết quả ngược lại. Mình nuôi con mình phải làm sao cho nó tốt lên chứ, đâu phải đòi hỏi nó phải được ngay như mình muốn.
- (Im lặng...) Nhưng bà rất kỳ, coi như tôi cứ như không có quyền dạy con tôi tí nào.
- Đồng ý bà nóng, bà cũng sai, không được thể hiện bất đồng trong cách dạy trẻ trước mặt trẻ, rồi mình sẽ góp ý riêng với bà. Nhưng việc Quỳnh cần rút kinh nghiệm với việc bà la Quỳnh không đúng chỗ là hai việc khác nhau, đừng nhầm lẫn. Quỳnh lâu lâu mới về, hãy tạo không khí tin cậy với V.Hoàng. Mình yêu con, hãy nói chuyện và khích lệ con bằng tình yêu thương chứ đừng la mắng con phải thế này thế kia. Thế, là đào một cái hố ngăn cách giữa mình và nó.
- (im im, có vẻ 'chịu' thế là mình 'biến' thật nhanh :D).

2. Với mẹ, sáng hôm sau, khi đang vui vẻ chuyện, dẫn chuyện bọn trẻ rồi ra chuyện Quỳnh - V.Hoàng hôm qua. Bà vẫn cạu trách Quỳnh.
- (tỉ tê) con nói chuyện với Quỳnh rồi. Thật ra, mẹ cũng hiểu là Quỳnh nó yêu con nó, chỉ là cách 'huấn luyện' dở thôi. Để con kể cho mẹ nghe chuyện này: Hồi nhỏ những lần tụi con đi chơi hội đồng bị mẹ bắt tất cả nằm sóng dài trên giường ăn đòn, cậu bao giờ cũng chen nằm giữa L.O với H.O, mỗi lần mẹ chuẩn bị quất roi là cậu nhổm đít lên trước để hứng roi đỡ đòn cho 'tụi con gái'. Cậu làm bộ cắn răng, bảo là đàn ông phải anh hùng, không khóc. Thế, mẹ hiểu vì sao cậu thấy không chịu được khi thấy con trai mình yếu đuối. Tối quan con phân tích rồi, Quỳnh nghe ra rồi.
Tuy nhiên, mẹ cũng nóng. Dù Quỳnh sai mẹ cũng không nên mắng Quỳnh ngay đó, để sau phân tích la mắng sao cũng được. Nguyên tắc dạy trẻ là dù mẹ có sai khi dạy con bố cũng không được nói mẹ sai ngay trước mặt con, rất không tốt với trẻ. Cái này con biết mẹ biết, chỉ là mẹ nóng tức thì.
(Mẹ im im một giây, mình chuyển ngay sang một đề tài khác mà biết là có thể làm mẹ thoải mái. 10 phút sau đã cười. may thế. hú vía :D)

3. Tối Mùng 2, khi cả nhà quây quần coi TV. Mẹ LO ôm V.Hoàng trong lòng hỏi chuyện:
- Lớp V.Hoàng đông không? có bao nhiêu bạn tất cả? (V.Hoàng học lớp 6)
- Lớp con có 55 bạn.
- Thế bao nhiêu bạn trai?
- Dạ 25 bạn trai.
- À bạn gái đông hơn. Thế ở lớp con thân với những bạn nào?
- Con thân với Tuấn Linh, bạn Minh Quang...
- Toàn bạn trai à?
- Dạ có bạn gái, bạn Thu Trang.
- Bạn Tuấn Linh với bạn Minh Quang ai học giỏi hơn? ai nghịch hơn?
- bạn Tuấn Linh học giỏi hơn, hai bạn cùng nghịch ạ.
- Thế bạn Thu Trang có học giỏi không?
- Dạ bạn có.
- Mẹ đố V.Hoàng câu này: con trai và con gái khác nhau ở điểm gì?
- (ngẫm nghĩ...) ở bề ngoài.
- Đúng rồi, về cấu tạo cơ thể thì mình học rồi: Con trai và con gái khác nhau. Còn gì khác nhau nữa nào?
- Về tính cách.
- Ừ đúng, về tính cách. Nhưng cụ thể hơn cơ.
- (ngẫm nghĩ)
- Thế mẹ sẽ hỏi nhé: Con trai và con gái, ai nghịch hơn?
- Con trai (rất khẳng định!)
- Đúng. Thế ai dịu dàng hơn?
- Con gái!
- Đúng. Thế ai khỏe hơn?
- Con trai.
- Đúng. Thế ai nấu ăn giỏi hơn?
- Con gái.
- Đúng. Ai tỉ mỉ chăm chỉ hơn?
- Con gái.
- Đúng. Ai học giỏi hơn?
- Cả hai.
- Đúng, cả hai ai chăm thì học giỏi. Thế, ai tình cảm hơn?
- Cả hai.
- Đúng. Ai dễ khóc nhè hơn? (wink wink)
- ... Con gái.
- Đúng (;D), thật ra, mẹ nghĩ con trai cũng tình cảm, con trai cũng có lúc buồn và có quyền được khóc. Nhưng con trai cần tỏ ra cứng rắn hơn, vững vàng hơn, 'đàn ông mà', nên thường kìm chế, không khóc, ít nhất là khi có mọi người, đúng không?
- Đúng ạ.

*** Có thể bạn muốn đọc:
- TẾT Ở NHÀ
- BA MẸ

January 29, 2012

Vương Miện ô mai gát

Sớm nay lướt bạn blogs, thấy nhà Gác "Ô mai gát", cho cái link về tiền 'lì xì' 650 tỉ VNĐ - là kinh phí chính phủ phê duyệt cho viện toán cao cấp do Frields toán học Ngô Bảo Châu làm Giám đốc vừa chính thức ra mắt ngày 17/01/2012, những mong muốn " 2020 toán học Việt Nam có thứ hạng thứ 40 trên thế giới".
Đọc trong bài báo nói về sự kiện này có phần phát biểu của một vị giáo sư "việc thành lập Viện nghiên cứu toán học cao cấp ở Việt Nam, ở một nước đang phát triển, với trình độ phát triển kinh tế xã hội tương đối thấp, đó là một hiện tượng hiếm hoi, là sự kiện đặc biệt của đất nước chúng ta...". Mình trích đoạn này thôi, chợt nghĩ cái gì 'hiếm hoi, đặc biệt' có nghĩa không 'common sense' và cần xem xét một tí: Vì sao? để làm gì? hợp lý?

Mình từng say mê học toán rồi chuyển sang một ngành ứng dụng, vì hiểu muốn đi xa trong khoa học cần có môi trường cho nghiên cứu, cần dứt áo hy sinh, mà mình còn nặng chữ 'nữ nhi / đất đẻ' (Châu nếu học xong về Việt Nam sẽ không thể có 1/100 Fields). Nhìn ra, đi sâu toán lý thuyết và đạt tới những thành tựu nghiên cứu như NBC là ở tầm cao của khoa học, là cống hiến cho nhân loại, phải ở những nước có nền kinh tế và nền khoa học phát triển với nhiều yếu tố đồng bộ hỗ trợ mới làm được. Một viện toán chỏng trơ ở một nước còn lo ăn lo mặc, lo tăng dân trí lo xóa đói giảm nghèo... Châu ơi có hiệu quả được chăng?
Lại liên tưởng đợt tranh cãi về dự án đường sắt cao tốc hiện đại Chính phủ tính chi, và nhiều người đã thở phào khi Quốc Hội bỏ phiếu không thông qua (tái bút điều mà ai cũng biết: Tiền của Chính phủ là từ thuế của dân).

Ôi cái mình mẹ trẻ con, bà nội trợ, nhân viên xoàng đi làm kiếm tiền nuôi con nuôi bản thân (và góp thuế cho nhà nước), mở miệng nói chuyện chiến lược dư lày thấy to tát quá, nãy giờ tay run gì đâu. Quay về góc nho nhỏ hẹp hẹp mình đã theo đã biết, là này: Kêu gọi "Cơm thịt" của bác TĐT được tấm lòng hảo tâm khắp nơi quyên góp về tổng cộng GẦN 2 TỈ VNĐ mà đã giúp được nhiều ngàn đứa trẻ ở gần 20 điểm trường (hàng trăm bản nghèo vùng biên giới) có thịt/ trứng trong bữa cơm trưa hàng ngày trong vài tháng qua và vài thánh tới, có ủng có tất cho chân trần và có áo ấm bọc ngoài những chiếc áo rách hở mỏng manh mùa đông giá rét.

Sáng nay theo link đọc về Viện toán cao cấp 650 TỈ VNĐ xong quay lại còm men nhà Gác "Cái này giống như mua mũ miện thật hoành tráng cho cái đầu mà phía dưới là đôi chân trần cóc cáy tím tái run lạnh..."

Ô mai gát
Vương Miện trên đó có nhìn xuống chân trần bấm vào đất giá?

January 27, 2012

Một chuyến đi dài... (3)

Cứ lần nữa 'khất nợ' cái vụ 'còn tiếp' của mình, vì thật sự chuyến đi miền núi vào ngày rét cuối năm đã túm áo nhóm tình nguyện đến mức nhà nào cũng viết hồi ức gần đủ hết rồi. Sau chuyến về lại dồn dập chuyện quyên áo ấm và ngay đó là hơn 3000 chiếc áo làm quà Tết, thành ra cái 'chuyến đi dài' của mình càng lùi xa. Mà cái tính mình nó lạ, ít hứa, nhưng đã nói ra lời hứa là tự gắn mình vào, là sẽ thực hiện, nếu không cảm giác 'nợ' không chịu đi. Sống Thật Chậm (STC) vừa nhắn tin chiều mai tụ họp bàn chuyến lên lại Bát Xát sau Tết (như hứa), nhớ ra trả nợ năm cũ vậy.
Sau bữa ăn bản ngủ xe ở Sàng Ma Sáo, đoàn đi tiếp tới Dền Thàng và Y Tý. Dền Thàng có bé Xúa, có cái bảng treo làm nhói cảm xúc, mà theo đó thì tên nó tên là Xúa, không phải Súa (ở cột bên trái, thứ ba từ trên xuống)
(Bấm vào hình để phóng to)

Vẫn nghĩ được ăn "Cơm có thịt" các bé Dền Thàng đã ấm, mà lên vào ngày nhiệt kế chỉ 3 độ C nên shock vì những ám ảnh phong phanh 'áo hở' như thế này:
Xót xa những bàn chân trần cóc cáy cương lên vì rét trên nền lớp lạnh băng:
Lắp xốp cho chúng mà chân đi tất vẫn phải kê trên xốp, vì buốt

Ngay ở đó, Khanh WHO đã gạn bóp nhờ cô giáo gọi mua ngay tất (vớ) cho các bé. Và qua điện thoại một nhà hảo tâm ở xa gởi qua Mai Thanh Hải 4 triệu số để mua hơn một trăm đôi ủng nhỏ.
Xốp trải đã được chương trình 'cơm có thịt' gởi lên hỗ trợ trước đó nhưng các cô bảo mẫu sợ trời mưa nền bẩn chỉ trải vào giờ các con ngủ. Bác T. gọi lên trách, các cô mếu máo khóc. Ngẫm ra "cơm thịt" chỉ là các nhà hảo tâm thương trẻ, không 'quyền hành' gì với các cô, chỉ có thể nhắc nhở tâm tình. Các cô còn trẻ quá, chỉ mới ngoài 20 tuổi.
Vào trang web của 'cơm thịt' được biết tuần sau đó 'Cơm thịt' đem áo lên Dền Thàng, lớp học đã được đốt củi sưởi thế này:
Rời Dền Thành đi Y Tý đường đi càng lúc càng lên cao, mưa lạnh giăng đầy:
Nhiệt kế chỉ nhiệt độ ngoài trời 3 độ C

'Nhà mặt phố'

Cột mốc "Khu vực biên giới" ở lối vào trường Mầm non Y Tý. Cách đó không bao xa là đất Trung Quốc

'Cơm đã có thịt' ở Mầm non Y Tý

Áo ấm Tết đã tới với tiểu học Pa Cheo, Sàng Ma Sáo..., Mầm non Dền Thàng có áo, có ủng, có tất (vớ), bé Xúa đã có tết ấm, không còn rét nữa. "Cơm thịt" đã đều mỗi bữa trưa ở Mầm non Bát Xát, ra Tết chuẩn bị đi Hà Giang, nghe là nơi nghèo cực độ nghèo, xác xơ hơn Bát Xát. Mà mình biết chiếc cặp lồng cơm của em bé tiểu học Hán Nắng vẫn rỗng, tiểu học Dền Thàng vẫn rét... thôi không dám nói không dám nghĩ thêm, sức mọn nghĩ thêm lại xót lòng.
(Hình trong bài: Trần Đăng Tuấn - Mai Thanh Hải - Lana)

*** Phần trước:
- MỘT CHUYẾN ĐI DÀI (1)
- MỘT CHUYẾN ĐI DÀI (2)

January 21, 2012

Tet (2)

Có ai nhận ra không? Khăn đỏ là Lana đấy

Truyền nghề cho thế hệ sau

Ai không tham gia gói thì thay nhau trông nồi bánh: từ 8h tối đến 7h sáng hôm sau!

Còn mình: ngắm đêm

Thành quả

January 20, 2012

Tết

Tết là Năm cũ chuyển qua Năm mới, là cuối năm chuyển qua đầu năm.
Cuối năm
Bao giờ cũng bận rộn. Càng mấy ngày cuối năm càng bận cuống. Từ xa xưa đời cụ truyền đời ông bà rồi truyền đời con, đời cháu là tất tần tật mọi việc cần làm xong hết trong năm cũ. Từ việc đối ngoại (tri ân, cảm ơn, báo hiếu...) đến đối nội (mua sắm Tết, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa thật đẹp thật màu sắc thật ấm cúng). Ai cũng chạy không nghỉ. Đường xá chen chúc kẹt cứng từ sáng đến tối đêm. 29, 30 Tết gặp ai cũng thấy thở lấy thở để, quần áo xộc xệch tóc tai ngơ ngoác. Kín mít lịch, có khi đến tận giao thừa, thế rồi để năm mới thênh thang bước vào.

Mình, mặc dù chủ tâm 'kệ', chạy hất chân đến eo thôi chứ nhất định không vắt đến cổ, lo đến đâu đón Tết đến đó. Thế mà cũng một tuần nay không còn chế độ đi xe buýt. Trời lạnh, mưa, kệ. Chạy xe vù vù. Không có chuyện ngồi ráng ở cơ quan. Đúng 4h30 là xếp việc gọn ghẽ trên bàn thưa sếp tớ dzìa. Chạy Tết.

Nhờ Tết mình sắm được cái này đây (nói nhỏ: Thổ Nhĩ Kỳ, dệt công nghiệp, giá bằng đúng 1/6 của thảm này):
Cành đào: Năm nào mình cũng có một bữa lang thang đi dọc các hàng bán đào rừng, chọn một cành, giỏi thì nhờ người bán chằng buộc vào xe tự chở về, gợn tí ái ngại thì mất thêm tiền thuê xe (gắn máy) chở. Năm nào cũng vậy. Cảm giác từ khi mang cành đào vào nhà là bắt đầu Tết. Nhớ những năm xưa. Tết bắt đầu từ khi mẹ mang cành đào Tết về, ba loay hoay chọn bình, rửa bình, cắm cành đào giùm mẹ.

Chiều 26 Tết hết giờ về chạy dọc Âu Cơ - Nghi Tàm. Ngắm. Hỏi một cành ưng ý. bảo: 1 triệu 7. Phản xạ trong đầu: Bằng 15 cái áo ấm con nít hoặc 60 đôi ủng cho những đôi chân trần dày cước vì lạnh (lại là hội chứng áo - ủng. Hội chứng này cần có thời gian để tan, để trở lại thờ ơ lãnh đạm như... đời thường).
Chọn một cành vừa phải, giá vừa phải. Thuê chở đào về nhà, người chở là con trai ông cụ bán đào luôn. Tiền công 100 ngàn. Rốt cuộc anh ta bận chở mối khác, chở đến nhà mình là chị vợ với đứa con gái chừng hơn 10 tuổi ngồi sau giữ cành đào. Tới đầu ngõ bà mẹ dừng xe, giao cô bé vác qua 50m ngõ tới nhà mình. Xuống đón, nó cứ "cô để cháu vác ạ" rất 'trách nhiệm', mặc dù người nhỏ tí tẹo, cành đào không nặng nhưng khuềnh khoàng và dài gấp đôi người nó.
Cô đầu cháu đuôi kéo cành đào lên nhà. Mei ra cửa giúp đón. Con bé giao xong lặng lẽ đứng ngoài cửa đợi. Đem tiền ra đưa nó 100 ngàn "đây là cô trả cho mẹ nhé", rồi một tờ 20 ngàn tiền mới vừa kịp chuẩn bị "còn đây là cô lì xì sớm, cháu ngoan lắm. Cháu học lớp mấy rồi?". "Dạ cháu học lớp 6 (đưa hai tay) cháu xin cô", mắt nó sáng rỡ như chứa tới ba câu cảm ơn...

Ngày làm việc cuối năm. Giữa ngày nhưng cơ quan vắng lắm rồi. Tối nay mình về Thái Nguyên. Thế rồi sẽ tíu tít. Thế rồi sẽ gói bánh. Lũ trẻ con sẽ đảm nhiệm lau dọn nhà cửa. Thế rồi sẽ cùng canh nồi bánh chưng. Rồi sẽ nấu nướng đủ các loại gà măng nem mọc... Thế rồi sẽ đón Giao thừa. Cái không khí Giao thừa cả nhà quây quần, vừa ấm áp vừa trang trọng, làm nhà mình ai cũng thầm tự hào và nhớ nhất khi ở xa. Bác Quý (trưởng) sẽ bật sâm banh, Lan Oanh rót ra ly. Ông sẽ tổng kết năm cũ, ông sẽ cảm ơn bà vì đã luôn bên cạnh, làm nội tướng, hướng dẫn con cháu, rồi ông ghi nhận ai ai năm cũ thế nào, ngắn gọn thôi. Rồi ông chúc từng người - Chúc bà Năm nay làm sao, chúc vợ chồng Quý làm sao, chúc L.Oanh làm sao, chúc Quỳnh làm sao... tới từng đứa cháu... Rồi tới Bà, Bà sẽ cảm ơn ông và chúc ông sức khỏe để tiếp tục trụ cột, chúc Quý, Lan Oanh, Quỳnh, chúc Huệ Oanh, chúc Phú, chúc các cháu... cứ thế, lần lượt tới con, tới cháu chúc ông bà, chúc từng người... Vui, cười, và cũng có trào nước mắt, vì cảm động, hay cũng có thể vì cái không khí ấy.

Thế rồi sang Tết
là trống rỗng.
Thường vậy. Sau những tột đỉnh cố gắng/ bận rộn là trống rỗng. Người ra san lấp cái trống rỗng sau Tết bằng việc gặp gỡ, tíu tít chào hỏi, tíu tít chúc tụng, rồng rắn, tụ tập, uống, chơi, quên.

Năm nào mình cũng giữ Dim Mei nửa trước Tết với mình, để 'ngấm, cảm' cái không khí tíu tít chuẩn bị Tết và 'Giao thừa nhà mình'. Sau Tết Dim Mei về Nội đón Tết cùng bố và bên nội. Năm nào khi đó mình cũng có một ngày 'độc thân toàn phần'. Ngày này dài ngắn tùy năm. Năm nay nó dài 72h. Thì, tự do tuyệt đối lại nghỉ không làm việc nên chẳng còn ranh giới ngày. Câu này, chẳng định than phiền gì đâu. Điều gì cũng có hai mặt pros and cons. Nhìn về phía sáng, một ngày như thế là một đặc ân: Không cảm nhận thời gian, list công việc bằng không, không trách nhiệm với ai, điều gì, không lịch hẹn. Mình có thể sexy thoải mái trong nhà, ôm cuốn sách yêu thích thức đọc nửa đêm hoặc ngủ tới 11h trưa hôm sau. Mình cũng có thể giúp kaki ngắn giày thể thao vác ba lô đi đâu đó, lang thang, chơi, ngắm. Hoàn toàn tùy hứng.

Nhưng đấy là sang Tết, còn bây giờ thì đi tíu tít đây...
tết, tết, tết.

January 19, 2012

Thông tin tuyển dụng KSVKL

(KSVKL = Kiểm soát viên không lưu / Air traffic controller = ATC = người làm nghề 'lơ' tàu bay :D)

Tổng công ty QLB đang nhận hồ sơ tuyển dụng nhân sự để đào tạo KSVKL (thời hạn nhận hồ sơ từ 9/1/2012 đến 10/2/2012, tức là 'còn date' đó cả nhà :D).

I. Đối tượng và tiêu chuẩn:
- Công dân Việt Nam, không quá 30 tuổi.
- Tốt nghiệp Đại học loại Trung bình khá hoặc Cao đẳng loại Khá trở lên.
- Có một trong các chứng chỉ tiếng Anh: ... (đọc tiếp)

Kết giỏ "Áo ấm cho trẻ Sàng Ma Sáo"

Cả nhà mến,
Hôm nay các bé học sinh Sàng Ma Sáo đã nghỉ học để chuẩn bị đón Tết. Hẳn là trong cái Tết này mỗi 'lít nhít' đều có một chút niềm vui được tặng áo ấm mới toe. Hẳn là sẽ bớt đi những em bé bệnh vì cảm lạnh trong những ngày Tết rộn ràng. Là nhờ những tấm lòng thơm thảo gần xa từ khắp nơi cùng chung giúp, nhờ công của Dự án Cơm thịt gom mua số lượng lớn áo đẹp và ấm với giá rất rẻ chỉ trong thời gian rất ngắn và tổ chức chuyến đi. Nói lời cảm ơn ở đây không sao đủ. Mong cả nhà cùng chia sẻ niềm vui với Lana và những người bạn tình nguyện nha.
Xin chính thức đóng tài khoản cho đợt áo ấm lần này cả nhà nhé, và xin thông báo tổng kết đợt Áo ấm cho trẻ Sàng Ma Sáo Tháng 1/2012:

I. Thứ rất quan trọng mà không phải quan trọng nhứt: Money
a) Tiền thu:
- Tính đến 18:00 hôm nay 18/01/2012, Quỹ 'Áo ấm' nhóm Giỏ thị đã nhận được ủng hộ từ các bạn: ThaiNC, chị em Ba Đậu, Quỳnh Ni, Khanh TSN, Mẹ Mốc Mít, Lana, Dim, Mei, Tuyết, Thu (Michellehuongtran), Thuy Anh (Hải Phòng), Do Quyen, Anh Bắc và đồng nghiệp, Nhóm bạn Trỗi (Anh Đỗ, a Việt, VNQ, a Đạt), Diễm (quyên), Gác Xép, CapriR, bé Nam Anh và mẹ, Chau Thao, LH, Kim (Thoa Tran), Sông , Huyền (Pha Linh), a Dũng (Chu Lai), HY, Phương (Germany). Thông tin chi tiết Lana sẽ chia sẻ trong email chung nhóm ngay trong hôm nay. Cả nhà check giùm nha.
- Cộng thu nhóm Giỏ thị: 1550 USD + 28,755,000 VNĐ (= 61,305,000 VNĐ nếu quy đổi theo tỉ giá 1 USD = 21,000 VNĐ) (1)
p.s: Đây là thông tin cập nhật cho tới 18:00 ngày 18/01/2012. Xin phép đề nghị những ai đã gởi tiền giúp "Áo ấm" nếu thấy cập nhật trên còn thiếu và không nhận được email nhóm thì email gấp cho Lana (lana.nguyen2@gmail.com) để cùng kiểm tra lại với ngân hàng hoặc dịch vụ chuyển tiền. (hụ, sợ nhất là sơ sót tiền bạc, mà chắc ai cũng sợ cái này quá :D)

b) Tiền chi (quyết toán tối qua 17/01/2012):
Áo ấm cho 575 bé học sinh tiểu học Sàng Ma Sáo - Bát Xát, Lào Cai (chung một trường cho cả xã Sàng Ma Sáo, gồm một điểm trường chính và 10 điểm cắm bản) trong chiến dịch 3000 áo ấm cho trẻ nghèo vùng cao của "Cơm thịt" và nhiều nhóm cùng chung tay. Giá áo 115,000 VNĐ/áo.
=> Tiền áo: 575 x 115,000 = 66,125,000 VNĐ (xem biên bản ở hình dưới)
- Xe chuyên chở: 2,000,000 VNĐ
- Chi phí đi lại + tất cả các chi phí khác: Tình nguyện.
* Tổng các nhóm cùng chi cho chuyến áo ấm tiểu học SMS: 68,125,000 VNĐ
Trong số đó:
- Nhóm Khanh WHO góp 20,000,000đ
- Nhóm MTH góp 6,600,000đ (= 200USD + 2,000,000đ)

- Nhóm Giỏ thị (Lana và Tuấn HAT đại diện) góp 41,925,000đ (= 1300 USD + 14,625,000đ, bao gồm cả 2 triệu vnđ tiền xe). (2)

* Vậy hiện Quỹ áo ấm của nhóm Giỏ thị còn: (1) - (2) = 19,380,000 VNĐ (= 250 USD + 14,130,000đ)
(dự định sau Tết nhóm sẽ lên lại Sàng Ma Sáo, xin phép cả nhà được để quỹ này lại tới đó lo cho các bé ủng hoặc những thứ thiết yếu mà chuyến rồi chưa kịp lo).

(bấm vào hình để phóng to lên ạ)

II. Những món lời vô giá
- Là nụ cười vui sướng ngời trong mắt các bé khi nhận áo ấm của các cô bác. Là bớt đi những em bé áo lạnh co chân trần trong rét. Là niềm vui chung của tất cả chúng ta - mỗi người một vài hạt muối nhỏ góp lại thành bát canh mang hương vị đậm đà.
- Là những dòng thơ này từ Thầy Thắng Hiệu trưởng trường tiểu học Sàng Ma Sáo:
Thầy cô và các conTrường TH Sàng Ma Sáo Gửi Lời Cảm ơn đến các cô bác giúp đỡ và các anh chị trong đoàn tình nguyện.
Cái lạnh của vùng cao mạc dù rất lạnh nhưng các con phần nào đã nhận được cái chia sẻ của các bác trong đoàn, lên trường TH Sàng Ma Sáo vào một ngày khá lạnh, cái tết này hơn 500 con của trường TH Sàng Ma Sáo đã được nhận áo ấm của các bác trong đoàn, vẻ mặt của các con rất phấn khởi, suy nghĩ cái lạnh của mùa đông đã có áo ấm của các bác tặng các con rồi, các con hứa với các bác sẽ phải đi học đều, ngoài tết các thầy, các cô không phải đến từng nhà để gọi đi học nữa.
và mong muốm một ngày gần nhất được đón các bác, các anh chi trong đoàn lên thăm trường.


- Và là những giọt nước mắt cảm động, vì sự sẻ chia, Lana đã xin phép trích lên đây một đôi phần:
"Chào chị Lana,
E vẫn đọc blog của chị. E định cư tại... Đọc những bài viết của chị về những trẻ em vùng cao, e khóc. Bên này e rất ít hoạt động những công tác xã hội, phần vì các con em còn nhỏ, phần vì công việc em làm fulltime. E không còn gia đình ở VN nên nhiều lần em có về VN, muốn giúp mà ko biết bắt đầu từ đâu..."

"Chao chi Lana. Toi da chuyen ... vnđ vao tai khoan cua chi tai Vietcombank Hanoi tu ngan hang Dong A o Chu Lai - Quang Nam. Chuc chi va cong su suc khoe, chan cung da mem de mang tam long bo tac den cho cac con chau chung ta o tham son cung coc."

"Chị yêu quý! Em vẫn lang thang "theo dõi" về chương trình cơm có thịt, áo ấm cho trẻ em vùng cao của mọi người. Lòng cũng ấm dần lên khi nhiều em bé ở các vùng lân cận cũng nhận được sự giúp đỡ này. Mỗi lần đọc một bài viết về chuyến đi, là một lần em lại khóc. Thực sự, em rất muốn cùng góp một phần nhỏ cho các em mà chưa làm được. Gửi tiền về VN, số tiền không nhiều, cước phí lại không ít vì thế mà em cứ đắn đo, đợi có người về gửi tay thì sẽ đỡ tốn hơn... "


Và rất nhiều nữa. Thật sự là Lana và tất cả nhóm "Áo ấm" đã như được tiếp thêm sức khỏe và hơi ấm suốt những ngày bận rộn vừa rồi. Cảm ơn thật nhiều. Một lần nữa xin cảm ơn tất cả những tấm lòng gần xa đã cùng góp một chút ấm áp lên với các bé vùng cao, và xin chúc tất cả một cái Tết thật vui và đầm ấm.
Hugs.
Đúng thật là Tết. (hình: TĐT)

Eo ơi áo vẫn còn mác kìa! (hình: PNT)

*** Có thể bạn muốn đọc:
- XUYÊN QUA SƯƠNG MÙ TÂY BẮC

January 12, 2012

Tết đến với trẻ Sàng Ma Sáo

Hôm nay Lana đã có thể bình tĩnh để viết rõ hơn về đợt "áo ấm cho trẻ Bát Xát" này với cả nhà, những bạn bè quen và những người chưa quen:

Vì Giỏ thị (một nhóm những bạn blogspot) đã chung góp với dự án "cơm thịt cho trẻ vùng cao" từ những ngày đầu dự án khởi động nên Lana muốn đi theo dự án một lần, cũng để "đi và thấy". Chuyến đi rồi "cơm thịt" đi 'thăm' các điểm trường đã được hỗ trợ (các xã Pa Cheo, Dền Thàng, Y Tý đều thuộc Bát Xát) và 'khảo sát' thêm điểm xã Sàng Ma Sáo (Bát Xát, Lào Cai) và Tả Gia Khâu (Mường Khương, Điện Biên). Hiện Quỹ 'cơm thịt' ưu tiên hỗ trợ tiền mua thịt vào bữa ăn và áo ấm cho trẻ Mầm non. Lên Bát Xát đúng vào ngày mưa lạnh buốt thấy bọn trẻ tiểu học co ro vì đói lạnh thương quá, những tình nguyện viên 'amateur' như Lana và và đội 'com thit' quyết bàn nhau cùng về kêu gọi thêm bạn bè quyên áo ấm. Chia nhóm chịu trách nhiệm từng điểm xã. Nhóm Sống Thật Chậm - Mẹ Còi lo quyên giúp tiểu học Pa Cheo. Nhóm Giỏ thị, Tuấn HAT, Khanh WHO, M.T. HẢI quyên giúp Sàng Ma Sáo, Nhóm chị Thùy Linh - Hà bánh mì lo giúp Tả Gia Khâu (Mường Khương). Những điểm còn lại Dền Thàng, Mù Căng Chải thì "cơm thịt" đảm nhận. Tổng cộng 3000 cái áo cho 3000 em bé (số liệu lấy từ các trường).
Ban đầu cả nhóm chỉ dám bàn nhau chọn áo cũ trong kho đã quyên được, rồi gom thêm, không đủ mới mua áo mới (thì chọn trao những bé học giỏi, ví dụ thế). Nhưng Tết, thời gian lại quá gấp, đành bảo nhau bỏ e ngại trưng biển đi xin (cho chúng nó), nào ngờ được ủng hộ nhiệt tình, Giỏ chả mấy chốc đã lưng lưng, thế là quyết định đợt này toàn áo mới mặc Tết, các bạn đều như nhau!

Các bác "Cơm thịt" giúp lùng mua đem về hơn 3000 chiếc áo ấm rất đẹp với giá không thể tiết kiệm hơn. Vì hàng cồng kềnh nên cần một chiếc xe thật lớn chất đầy hàng đi qua từng điểm trường thả xuống. Các tình nguyện viên của từng nhóm có trách nhiệm tự lên trước đón hàng của mình và trao cho trẻ.
Lại thêm một chuyến đi vất vả của các tình nguyện viên - vì mục đích muốn trao áo đến tận từng em. Để tận mắt nhìn thấy những nụ cười. Để những tấm lòng từ xa hướng về ấm lòng và yên tâm.
Chiếc xe này chỉ còn chỗ cho hai người ở khoang lái. Còn lại chất kín trong xe và trên nóc là áo ấm trẻ em, đi nhiều trăm cây số, tới nhiều bản mường. Trong hình xe đang qua ngầm Mường Hum, là con ngầm nơi chuyến trước đi qua tụi mình đã hát "Em là suối Mường Hum...", cũng ở đó lúc về xe nhà Tuấn HAT bị sa lầy (hình: P.N.Tiến - bác Khoai)

Ngày 12/01, áo đã lên đến hầu hết các điểm chuyến này trừ Tả Gia Khâu. Nhóm tình nguyện đi Sàng Ma Sáo đã bắt đầu rời Sàng Ma Sáo về Hà Nội. Lana không thể thu xếp đi theo chuyến này. Hai chuyến sát nhau quá mà đều mất đến nửa tuần, không vượt qua được cái nhăn mặt của sếp. Kế hoạch đi thay đổi gấp nên hai bạn Dim Mei chuẩn bị tinh thần đi tình nguyện rồi mẹ đành động viên ở lại, hẹn chuyến sau.

Cô giáo Quỳnh Mầm non Sàng Ma Sáo gọi điện, giọng khản đặc vì lo giúp đoàn suốt hai ngày đưa áo đến các điểm bản cho trẻ mà vẫn lấp lánh niềm vui khôn giấu "Chị ơi. Áo ấm lên rồi chị ạ. Chị cho em gửi lời cảm ơn tất cả các cô bác anh chị đã giúp chúng em và các con chị nhé". Thầy Thắng (tiểu học) cũng xin thay mặt các con gởi lời cảm ơn tới các tấm lòng gần xa. (Ai muốn liên lạc với thầy cô Sàng Ma Sáo xin email cho Lana nhé).

M.T.Hải nhận trách nhiệm quảy gánh áo lên Sàng Ma Sáo chuyến này, bạc mặt sau 17 tiếng chạy xe liên tục mà vẫn cười tươi (hình: P.N.Tiến)

Để đưa áo về từng điểm bản đường xá gập ghềnh, phải nhờ các tình nguyện viên bản địa chở bằng xe máy, thậm chí có điểm phải nhờ bạn này (hình: P.N.Tiến)

Chúng cháu Sàng Ma Sáo có áo mới nè, ấm lắm các cô bác (Hình: Cô giáo Quỳnh - MN SMS)

Hơi dài ạ, nhưng mà ấm :) (Hình: T.Đ. Tuấn).
Đây là ở Dền Thàng, trường của bé Súa. Thế là cô bé Sùng Thị Súa cũng có áo ấm giống các bạn. Từ nay nó sẽ mặc áo nỉ hồng ở trong và áo khoác ấm có cả mũ che đầu ở ngoài và chân có ủng. Hết lạnh rồi.


Đợt áo ấm này xin được kết Giỏ ở đây (phần Giỏ thị góp lâu dài theo từng quý chúng mình vẫn duy trì nhé). Sau Tết nhóm tình nguyện lần này muốn liên kết gánh hàng lên Bát Xát lần nữa, bởi các bé trên đó vẫn cần ủng ấm chân và nhiều đồ thiết yếu. Khi đó nếu cùng nhau tổ chức được Lana sẽ thông tin đến cả nhà.
Cảm ơn tất cả những bàn tay đóng góp và những tấm lòng bạn bè gần xa. Xin cảm ơn những tấm lòng thơm thảo đã cùng Lana và Giỏ thị đem một chút ấm áp và niềm vui đến với các bé vùng cao. Xin cảm ơn những email đến trong những ngày này dù không dễ để trả lời hết trước nửa đêm, nhưng khiến Lana và nhóm bạn chung sức lần này thật sự cảm động và ấm lòng. Cảm ơn nhiều lắm.

p.s: Cuối chiều ngày 12/01/2012 sao kê TK VCB Lana có khoản tiền gởi:
"500,000.00 IBVCB.1201120588671001. Giup ao am cho tre Bat Xat".
Vì không có tên người gởi nên ai ơi email cho Lana lana.nguyen2@gmail.com để Lana cập nhật vào sổ thu chi chung nhóm nha. Xin cảm ơn nhiều.

P.S: (16/01) Trái thị này đã tìm ra người gởi rồi ạ :)

January 10, 2012

chung lòng giúp áo ấm cho trẻ vùng cao

Khởi động

10/01/2011: Hiện nay số tiền những tấm lòng hảo tâm đóng góp từ ba hướng đã được khoảng 4/5 số áo ấm cho trẻ Sàng Ma Sáo, và thị thơm vẫn đang về (Lana đã gởi email chung tới tất cả những đ/c đóng góp, bà con check mail nha). Vì học sinh chỉ học hết tuần này là nghỉ tết, thời gian rất gấp nên nhóm đã thống nhất 'mua thiếu' để có đủ số áo cho mỗi bé đều có áo ấm đẹp kịp mặc Tết (các thầy cô bảo đứa có đứa không là chúng tủi thân dỗi không đi học luôn đấy :)
Ba nhóm: Chúng ta, bạn bè Blog Mai Thanh Hải, bạn bè bạn Khanh WHO và Tập thể cán bộ sinh viên trường ĐH y tế công cộng đang chung tay để mỗi bé Mầm non và Tiểu học Sàng Ma Sáo (882 bé) đều có áo ấm mới mặc Tết (bấm vào hình để phóng lớn)
Tại điểm tập kết, Bạn Khanh WHO (khăn len đỏ) hai tay hai bịch áo của 'đội chúng mình'.
Nặng nghĩa tình.

Ưu tiên số 1 cho áo ấm. Nếu trả hết tiền áo ấm mà giỏ vẫn còn thì sau Tết chúng ta sẽ làm gánh hàng ủng + tất (vớ), khăn mũ ấm, quần áo cũ lành lặn, sách vở, thuốc tẩy giun... (hy vọng là thế, để không "chúng ta đến, rồi đi...").
Lần này Lana và Khanh WHO đều không thể theo được. Hai chuyến đi gần nhau quá. Có Mai Thanh Hải thay mặt nhóm trực tiếp đi Sàng Ma Sáo cùng với 17 tình nguyện từ trường Đại học Y tế Công cộng, thêm một bạn sinh viên tình nguyện nữa mà mình chưa kịp nhớ tên.

11h 11/01/2012: Giờ này áo đã đến Sàng Ma Sáo. Có lẽ những kiện hàng đầu tiên đã được mở. Những đứa trẻ đầu tiên đã đang xúng xính áo mới. Một số đứa khác đang sắp hàng. Chúng ngoan lắm. Chẳng bao giờ chen lấn xô đẩy...

còn tiếp tục cập nhật...

------------------------------------------------
Bạn bè Lana Blog và Giỏ Thị mến,
Có một sự thật là Sàng Ma Sáo, Dền Thàng, Y Tý... và tất cả những điểm nghèo tại Bát Xát (Lào Cai) mà chuyến đi rồi Lana theo đoàn 'cơm thịt' đi qua bọn trẻ đều nghèo rét như nhau, tuy nhiên Pa Cheo gây một nỗi niềm đặc biệt cho Lana cũng như tất cả mọi người trong đoàn vì ở Pa Cheo trường Mầm non "ở nhờ" trường Tiểu học, mà chuyến đi rồi nhắm giúp các trường Mầm non nên gánh hàng cho Mầm non được Thật Chậm chuẩn bị rất chu đáo, thật sự không lường được việc các bé Tiểu học ở sát bên là thế nào. Vì cái nghèo nó nghèo quá, chỉ một chút quà cũng giống như phép mầu vậy. Chứng kiến bọn Tiểu học nhìn qua không đòi không hỏi, chắc biết tủi thân mà không dám tủi thân sao thấy xót xa vô tả. Ngay trên đường về mọi người tình nguyện viên đi theo đoàn như Lana đều nóng lòng muốn tìm cách để các bé Tiểu học Pa Cheo được tặng áo ấm và đã bàn nhau cùng đi quyên góp, tuy nhiên sau đó được biết vì cảm giác nặng lòng (Sống Chậm đứng ra tổ chức chính gánh hàng Pa Cheo vừa rồi),
Sống Chậm cùng bạn bè sẽ lại cố gắng làm gánh hàng Pa Cheo 2 cho tiểu học Pa Cheo. Mừng vì Hán Nắng của mình sẽ có đủ áo ấm. Bàn tay nào cũng quý. Sống Chậm càng quý vô cùng.

Yên tâm về Pa Cheo lại lan man về những đứa trẻ nghèo đang gồng mình chịu rét ở những điểm khó khăn khác của Bát Xát. Trước chuyến đi Lana tin rằng bọn trẻ trên đó chịu lạnh quen rồi. Nhưng không đúng. Chúng vẫn lạnh. Chỉ là không có cách nào khác. Lớp học nào lúc đoàn đến cũng vắng gần 1/3 số trẻ vì ốm. Miền núi rét thấu mà nhiều đứa chỉ có một, hai cái áo mặc trên người
suốt mấy tháng đông, rách, mất cúc thì khâu, túm buộc.
Lúc ở Dền Thàng khi đoàn đến có một đứa bé gái đang run cầm cập. Sờ vào nó thì trời ơi áo quần nó sũng ướt và lạnh tê tái. Nhớ mãi hình ảnh một
đồng chí nam trong đoàn đội mưa lao ra xe rồi lao vào với cái áo pull ngắn tay màu xanh xám, tức tốc lột cái áo ướt ra trùm áo pull cho nó. Thì ra nó chỉ mặc duy nhất một cái áo nỉ màu hồng đã ướt ấy, cũng là áo được đoàn bác Tuấn cho từ hồi mùa thu trước.
Các cô bảo nó tên là Súa, Sùng Thị Súa. Nhà nó rất nghèo. Mỗi ngày bé Súa 5 tuổi phải tự đi bộ một mình từ 6h sáng qua hai quả đồi để đến lớp - để được ăn cơm của trường. Ngày nào nó cũng chỉ mặc trên người một cái áo thu được cho ấy, kể cả ngày mưa lạnh buốt như hôm nay.

Nhìn nó ngồi yên trong chỉ một cái áo pull mỏng trong cái lớp học trống thống và tiết lạnh 3 độ C, không ai còn có ý nghĩ so sánh hình ảnh của nó với những đứa trẻ ấm áp ở thành thị. Người ta chỉ so sánh khi còn có thể so sánh. Mình đã không thể kìm được nước mắt khi không tìm được thêm cái gì ủ cho nó. Hạn chế hết sức hành trang vì xe chở chật đồ, chuyến đi bị kéo dài, thời tiết xấu đã làm túi mình chẳng còn cái gì có thể mặc. Lấy cái khăn choàng tím quấn quanh. Ai đó đã kịp trùm chân cho nó bằng một cái áo vải khác. Chỉ thế thôi mà cho đến khi đoàn đi, mình thấy nó thật yên ổn, thỉnh thoảng còn đụng đụng muốn giơ tay như để mân mê 'váy mới'.

Về lại HN, đài báo lạnh còn kéo dài làm Lana cứ mãi nghĩ đến những đứa trẻ như bé Súa. Nhân tuần sau có chuyến xe lên Lào Cai, Lana viết lên đây mong bạn bè kẻ ít người nhiều góp chung cùng lo áo ấm cho trẻ em điểm nghèo Bát Xát. Áo đã có nguồn cung, người bán vừa bán vừa từ thiện, chỉ hơn 100 ngàn VNĐ một chiếc áo đủ ấm và tốt. Nếu kịp gởi được thêm một chiếc áo lên trước Tết thì sẽ có thêm một nụ cười trẻ thơ hạnh phúc. Nhớ xưa mình nhỏ cũng vui biết bao khi Tết được mặc áo mới.

Có điều này Lana không thể không nói, thật ra trước giờ Lana rất ngại kêu gọi từ thiện liên quan đến tiền (Giỏ thị hoàn toàn là tự phát tự nguyện khi bạn bè đọc về chương trình cơm thịt Lana đem về Blog, và Lana chỉ là người gom thị và đem giỏ đi góp giùm). Nhưng sau chuyến đi nhìn những hình ảnh như bé Súa xót quá chẳng biết làm sao, quyết định làm 'cái bang' một lần quyên góp áo ấm cho 'chúng nó'. Rất mong cả nhà hiểu và thông cảm cho Lana.
Phần Lana và nhóm bạn tình nguyện Hà Nội hứa sẽ có trách nhiệm với từng đồng đóng góp sao cho áo ấm đến được các bé một cách ấm áp và hiệu quả nhất.

Mọi đóng góp cho áo ấm lên Bát Xát xin email cho Lana về lana.nguyen2@gmail.com để Lana gởi thông tin TK, địa chỉ liên hệ và cùng chia sẻ thông tin nhé.

Bạn nào không hài lòng xin bỏ qua cho Lana về việc đường đột làm 'cái bang' thế này :)


*** Gác Xép: Phần thưởng để cho Giỏ thị từ câu đố bên Gác, cho phép Lana chuyển và Quỹ áo ấm này nha Gác. Cảm ơn Gác rất rất nhiều.
*** Titi: Chị rất xin lỗi Titi. Cái khăn tím là quà Sinh Nhật Titi tặng. Xưa nay chị Lana luôn giữ gìn quà tặng như những gì quý nhất. Xin lỗi Titi...
*** Giỏ thị: Còn hơn 4tr đợt hai giúp "Cơm có thịt" chưa chuyển Lana xin ý kiến mọi người chuyển qua áo ấm đợt này, ưu tiên áo ấm cho các bé ngày rét, được không?

- THÔNG TIN CẬP NHẬT (1)

January 09, 2012

Trở lại đời thường tẹo đi...

Chợt nhìn lại blog mình thấy kín là dư âm của chuyến đi. Như chưa đặt chân trở lại. Nói chuyện với bạn, nói chuyện ở nhà, toàn chuyện chuyến bọn trẻ, cô giáo, bạn đồng hành, ăn bản ngủ xe... một hồi giật mình, tự hứa "thôi không nói chuyện đi nữa". Thế nào loay quay một hồi lại là chuyện ăn bản ngủ xe, bạn đồng hành, cô giáo, bọn trẻ.

Trở lại đời thường tẹo đi.

Mình còn nợ chữ "còn nữa" của "Một chuyến đi dài". Còn Dền Thàng, y Tý, còn vụ trôi lịch gọi về cho sếp trong đêm báo xin nghỉ thêm một ngày mà run run cái tai chờ nghe la vì trên bàn đang có mấy thứ deadline. Nhưng mà lại chưa muốn viết vội sợ đẩy mất cái giỏ 'xin tiền mua áo ấm' xuống dưới. Thì 'cái bang' bao giờ cũng phải chìa cái nón ra trước. Xin cho chúng nó mình chìa mãi cũng được. Ngại một chút, đổi được bao nhiêu ánh mắt và nụ cười hiền. Đôi khi là cả sự sống.

Đấy, lại quay về đó rồi. Trở lại đời thường tẹo đi.

Còn có hai tuần nữa là Tết. Hôm qua sáng đi họp phụ huynh cho Dim Mei, chiều ở trong nhà nguyên buổi. Nhớ weekend trước mình nghĩ ra bao nhiêu thứ để mua, để làm, chạy cong cả cái 'bottom'. Mua thảm trang trí cho phòng khách. Cùng Dim Mei đi mua áo len ở tiệm hai bạn đã tự nhắm. Mua thêm quạt sưởi tết mang lên Ba Mẹ. Sắm cho mình một đôi bông tai làm điệu... Đại loại là mình phải ghi ra cả một cái list việc rồi sắp lịch chạy, cho tới tận sát giờ ra tàu lên Lào Cai. Sau chuyến đi, bỗng như thay sạch bộ nghĩ. Thấy như đủ đầy hết cả rồi.

Nhưng phải cân bằng đi chứ, trở lại đời thường tẹo đi...

January 07, 2012

Một chuyến đi dài... (2)


Phần trước: * MỘT CHUYẾN ĐI DÀI (1)

Ngày thứ hai 03/01/2012
Rời Hán Nắng khởi hành đi điểm khảo sát Sàng Ma Sáo, cách Pa Cheo mấy chục cây số mình không rõ nữa (mình chúa là tệ về các thể loại đường xá xe cộ). Đến Sàng Ma Sáo phải đi qua Mường Hum tiện ăn trưa ở thị trấn Mường Hum luôn. Thị Trấn miền cao chỉ có chừng hai dãy phố với vài chục nóc nhà. Mệt, đồ ăn nóng sốt, cả đội ăn như tằm, veo cái đã xong. Nhớ trước đó qua con Suối rộng, bác K bảo Suối Mường Hum đấy, tụi mình trên xe tự nhiên cùng bật hát Tình Ca Tây Bắc "Em là dòng sông Mã, Anh là suối Mường Hum, cho thuyền em ngược ớ dòng...". Thì, vừa qua Pa Cheo, đang đầy ắp cảm xúc.

15h00. Điểm trường chính Sàng Ma Sáo ở sát ngay gần UBND xã nên có cơ sở vật chất khá hơn một tẹo, tức là có nhà xây cấp 4. Tuy vậy trường chính cũng chỉ có một lớp (dân ở thưa mà), còn lại 11 phân điểm nằm ở các bản nghèo, giống như Hán Nắng của mình. Cô giáo Quỳnh hiệu trưởng sinh năm 1986, vừa mới lấy chồng, chồng cô làm công nhân lái máy xúc ở một huyện sát thị xã Lào Cai, cách Sàng Ma Sáo hơn 80km. Họ gặp nhau mỗi cuối tuần hoặc thậm chí cách hai, ba tuần nếu thời tiết xấu. Hỏi ra thì hầu hết các cô giáo ở đây đều vậy, xa nhà, xa gia đình, vậy mà vẫn kiên trì bám trường bám bản. Bạn có biết các cô khoe với mình điều gì không? "Từ khi tổ chức bữa ăn chung cho các bé cách đây hai tháng, bọn em đã có thêm 8 cháu đi học rồi đấy chị ạ".

Trong khi trưởng đoàn trao đổi với trường, hai tình nguyện viên lên xe máy của hai cô giáo xung phong vào bản. Mượn thêm một chiếc xe, đồng chí bạn đồng hành Hán Nắng kéo tay - "Đi Lana, cùng tớ xuống bản" (kết Lana rồi, ha ha)

Chất theo xe một túi bánh mì. Mình ôm hai hộp sữa. Đường thì khúc trơn như mỡ khúc lại toàn đá lớn lổn nhổn cực kỳ khó đi, những hòn đá mài nhẵn như đá suối í (hay người dân tộc lấy đá suối lên làm đường nhỉ). Đồng chí bảo "ôm vào! cảnh quất nỗi gì. Bà mà rớt thì cùng lắm rớt xuống đường, tôi chỉ xót hai hộp sữa của bọn trẻ, rớt là lăn xuống tận sâu kia hết nhặt, chúng nó chén bánh mì chấm không đấy!". Đi chung với đồng chí này vui phết. Hài hước làm đường xa bớt mệt.

Càng đi càng hun hút cheo leo, lên gần đỉnh núi, nhiệt độ chắc chỉ còn 3 - 4 độ C, mình đi vội không vớ theo khăn với chiếc áo khoác, ngồi sau xe co hết cỡ nấp gió mà cái rét vẫn thấu tận da thịt. Còn đang gập ghềnh với đường đá với rét với cheo leo thì bác K gọi "xong chưa ra thôi sắp tối rồi". Trời, đã tới nơi đâu ạ. Bắt đầu mưa. Điểm đến vẫn chưa bóng dáng. Vừa đó thấy một ngôi trường nhỏ - tiểu học Khu Chu Phìn. Bảo nhau thôi, đành bỏ cuộc, hy vọng hai xe kia quen đường đi nhanh đến được nơi. Mình đem bánh mì vào cho tiểu học. Đều là những vùng nghèo nhất của Bát Xát, 'chúng nó' đâu cũng đói rét như nhau.
Bọn trẻ cũng phong phanh, cũng chân trần, cũng rét run lập cập, mà mới chỉ một ngày mình như đã 'quen hơn' với những hình ảnh ấy. Chỉ những đôi mắt, buồn và trong veo, và cái vẻ hiền lành nhẫn nhịn chấp nhận mình gặp ở mọi đứa trẻ miền núi là luôn gây một cảm giác nhức nhối thương đến vô cùng.


17h00. Chiếc Inova 7 chỗ của nhà Tuấn HAT quay ra bị rệ bánh ngay gần cửa trường. Mưa, đất bở. Thôi là chèn đá, xe kéo người đẩy, chật vật tiếng rưỡi đồng hồ. Khi thở phào rồi khách quay qua vội vàng chào chủ thì trời đã sập tối.

18h00. Bàn đi tính lại mãi. Cuối cùng quyết định hai xe nhà Sống Chậm có nhiều trẻ con quay trở lại nghỉ Sa Pa. Hai xe còn lại đi Dền Thàng rồi sẽ nghỉ đêm tại đó. Nhưng sau mấy cơn mưa đường đất đỏ như được tráng thêm một lớp mỡ. Ra tới con dốc chiếc Inova bắt đầu trượt lùi, bánh quay mù tít. Đi tiếp thì quá nguy hiểm. Trưởng đoàn cân nhắc việc buộc ở lại Sàng Ma Sáo. Chẳng ai bảo ai. Ái ngại vô cùng. Tiến thoái lưỡng nan.
Cô giáo Quỳnh ngay lập tức đội mưa chạy ù vào bản mua hai con gà và ít rau, đậu. Bác K bảo "mua giúp đi tụi anh trả tiền. Đoàn có kinh phí đừng ngại". ('Kinh phí' là chia đều sau chuyến đi, đến hôm nay mình vẫn chưa nộp :))
Các tình nguyện viên xắn tay cùng các cô chuẩn bị bữa ăn. Tám rưỡi tối mới ngồi vào bàn. Nói thật là mình không ăn được. Bếp thì nhỏ lại thiếu thốn. Trời còn có 2 độ. Tới khi ăn món nào cũng nguội ngắt cả. Giữa bản heo hút này có ăn là quý lắm rồi.

Giá như mùa hè thì có thể ngủ đất. Đằng này mừa rét vừa mưa bẩn. Tất cả chỉ có ba phòng cấp 4 nhỏ xíu. Mà tối đó lại có chồng của một cô giáo chạy 30km lên trường thăm vợ. Mình và Hà bánh mì (tài trợ bánh mì) rủ nhau ra xe ngủ. Một mày râu tình nguyện ra cùng. Thế là hai ghế trước ngả ra cho hai đồng chí, mình nằm băng sau (băng cuối đã được gấp lên để lấy chỗ chở đồ ủng hộ). 11h đêm hai bác Tuấn - Tiến ở HN sốt ruột gọi lên đoàn, dặn đi dặn lại nhớ phải hé cửa xe ra đấy. Mình bảo vâng ạ anh yên tâm em sẽ hé kính. Tụi em có biết đã từng có vài đồng chí hy sinh khi ngủ trong xe rồi ạ, mà tụi em thì chưa định hy sinh ở đây giữa núi rừng xa ngái này đâu... (còn nữa)

*** Nghe hai anh chị xuống được đến lớp bản kể 'trường' nghèo lắm, bánh mì sữa bị 'rớt' giữa đường không có gì cho chúng, thấy tội vô cùng. Mình chờ hình để post kèm mà chưa lấy được. Lại thêm một điểm để cần áo ấm cơm thịt... giá mà đừng đi, để đừng thấy...

*** Có thể bạn muốn đọc:
- CHÚNG NÓ ĐANG RÉT, RÉT LẮM

January 05, 2012

Một chuyến đi dài... (1)

Không ít lần có đoàn "cơm thịt lên vùng cao" bên bác Tuấn tổ chức đã định vác ba lô theo mà chưa lần nào đi được. Chuyến nào cũng dài 3, 4 ngày mà lại đi vào trong tuần nên thật khó xếp lịch, cho đến lần này. Đi rồi mình mới hiểu "cơm thịt" phải đi trong tuần để còn gặp các cháu, còn xem bữa cơm, áo mặc, lớp học, nơi ăn, còn gặp thầy cô bàn bạc. Nơi đã đỡ đầu cơm thịt đến rồi thì đi "kiểm tra", nơi được thông tin "các cô chú đến đi ạ, ở đó nghèo lắm" thì đến tận nơi "khảo sát" để phủ sóng khi quỹ đủ sức.

Chuyến đi lần này nhóm "cơm thịt" qua các điểm trường 'quen' ở ba xã (Pa Cheo, Dền Thàng, Y Tý - huyện Bát Xát, Lào Cai), khảo sát một xã mới (Sàng Ma Sáo) cũng ở Bát Xát và một điểm nghe là cũng rất nghèo ở Mường Khương (Điện Biên), kết hợp với "Gánh hàng lên Pa Cheo" là một chương trình song song do bạn Sống Thật Chậm là nhà tổ chức chính.

Ngày thứ nhất (02/01/2012) - Sapa:
Sợ đi xe nên mình bắt tàu lên Lào Cai từ tối hôm trước rồi bắt xe đò vào Sapa. Đoàn xe xuất phát từ Hà Nội đi Sapa sáng sớm Thứ Hai 03/01/2012. 4 chiếc xe (đều của những 'tình nguyện viên' theo đoàn) chở chật đồ của các nhà hảo tâm khắp nơi góp cho 'Gánh hàng lên Pa Cheo') với khoảng gần 20 người, số nhỏ trong họ là hạt nhân của Quỹ 'cơm thịt', còn lại là những tình nguyện viên như tôi, lần đầu gặp nhau trong một chuyến đi dài.
Trời SaPa mù đặc quánh, đứng cách nhau 7-8m là không nhìn thấy gì, lại thêm mưa kéo dài làm đường đi trở xấu.
Dù vậy, ngay trong chiều Thứ 2 đoàn đã chia hai nhóm, một nhóm theo xe chở vật dụng ủng hộ (TV, chăn, mền, sách vở...) đến trường chính mạng lưới Mầm non xã Pa Cheo, nhóm khác ở lại Sapa chuẩn bị giò chả, bánh mì sữa... để ngày mai làm bữa trưa đầu năm cho 285 bé ở 6 phân điểm trường nằm rải rác trong các thôn bản. Pa Cheo là một xã nghèo ở huyện Bát Xát, Lào Cai mà chương trình cơm thịt đã đến từ tháng trước, tức là các con đã đang được ăn cơm thịt và đoàn lên Pa Cheo lần này vừa là thăm vừa mang quà tặng vật dụng và đồ ấm đến cho các 'mầm non':(Hình lấy từ Blog Sống Thật Chậm, bạn có thể xem thêm ở link này)

Ngày thứ hai (03/01/2012) - Pa Cheo / Hán Nắng:
Lịch hôm nay đi nhiều, dự kiến 7h sáng khởi hành mà đến 8h mới xuất phát được vì trời Sapa mù kín và mưa nặng hạt. Ở Pa Cheo đoàn sẽ chia làm 6 đội để đến với từng phân điểm trường Mầm non (thật ra chỉ là một lớp) đặt ở các bản. Đội của mình có mình với một đồng chí nam được phân công đến điểm Hán Nắng. Xe ô tô chỉ có thể đến gần trường chính vì đường xấu. Các thầy cô giáo (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở của xã) đã phân công nhau chờ sẵn để chở các tình nguyện viên về điểm bản bằng xe gắn máy:

Đường về điểm Hán Nắng gập gềnh trơn trượt, lại phải gửi xe máy ở nhà dân rồi đi bộ khoảng 1km mới đến được điểm trường:
Nhưng... mầm non ở sát bên trường tiểu học và để đến mầm non cần đi qua sân trường tiểu học. Và một hình ảnh quen đã khiến đội mình mang tội rẽ ngang khi chưa làm xong việc chính (mình bật khóc khi lần đầu nhìn thấy hình ảnh tương tự, nhưng là qua báo mạng, vì thế mình gần như đã ngồi thụp ngay xuống, khi nhìn thấy hình ảnh cô bé địu em trong lớp, rất thật ngay trước mắt mình):

Cô bé 'địu em đi học' này làm toán rất giỏi. Em đang đặt phép tính diện tích hình tròn 4 x 4 x 3.14, kết quả chính xác tuyệt đối.
Lúc này chừng 10h sáng. Lớp bên cạnh nhỏ tuổi hơn, đồng chí đồng hành với mình phát hiện ba bé mang theo cặp lồng cơm. Cô xin lỗi, cho cô coi chút nhé:
Cô giáo đứng sau lưng nhắc Lana "Dạ, cẩn thận kẻo đổ đồ ăn, cơm ở bên dưới, ngăn trên là để đồ ăn đấy ạ". Và...
...tất cả bữa cơm trưa của bé:
Nghẹn đắng... Các thầy cô bảo, dù chỉ bằng lòng bàn tay cơm trắng nhưng vậy còn là trong số 3 cặp lồng cơm trưa mang theo đấy, các bạn không mang cơm số nhà gần thì về, số nhà xa nhịn đói thơ thẩn ở lại đến chiều lại học. Thú thật tôi đã định lấy máy chụp hình chụp thêm, nhưng giữ nguyên cảnh để có khung hình đẹp như là quá bất nhẫn, tôi dường như không thể. Có cái gì thật cay trào lên mắt. Và tôi gần như chạy trốn, qua bờ rào, sang phía trường mầm non, nơi các con đã được Quỹ cơm thịt 'đỡ đầu' chuyển tiền lên từ tháng trước, có bếp ăn các cô nấu, hôm nay lại có áo ấm, có quà và có rất nhiều đồ ăn ngon để liên hoan.

Trường của cháu đây là trường mầm non:
Chúng cháu chào cô ạ:
"Cháu xin cô":
Đôi chân này, sau hôm nay đã có ủng:
Ai cũng được quà rồi, các con có thích không? - "Có ạ". Nếu các con ngoan, chăm đi học các cô các bác lại lên nữa, các con có hứa sẽ ngoan không? - "Có ạ". Thế có bạn nào muốn nghỉ học nữa không? - "Có ạ" (đang đà) :D

Con được cô mặc cho áo ấm đẹp, thích lắm ạ:
Chúng mình thấy cái người dưới xuôi mang thịt mang áo đến cho trẻ con thì cũng vui lắm:
11h, đến giờ ăn trưa. Nào, các con mầm non đâu, mỗi bạn tự xách ghế xuống bếp ăn nào:
Cùng các cô giáo xắt bánh mì cho 28 bé mầm non, tôi xém cắt vào tay mình: tiểu học trưa không cơm, không thịt, ở kế sát bên! Rất nhanh, nhóm chúng tôi hội ý. Hỏi tiểu học có bao nhiêu cháu? tổng cộng 46. Mầm non 28. Vậy thì, bánh mì thay vì xắt làm hai giờ sẽ xắt làm 5. Nhiều no ít đỡ đói lòng, phải không.

Lần đầu bé được biết món bánh mì chấm sữa:

Bên tiểu học chị cũng thế
Đã thấy gần gũi và tin cậy, lúc trước em len lén chị mãi cúi gầm...
Hôm nay mầm non chúng em nhiều đồ ăn lắm, chia sang các anh chị cùng ăn nhé:
11h30. Ngoài xe gọi ra tập trung lên đường, trong kế hoạch còn cả một cung đường với bốn điểm nữa cần qua. Mượn sân Tiểu học để chụp một tấm hình chung với mầm non Hán Nắng, nụ cười đắng đót nghe phía sau lưng thầy tiểu học nhắc các con vào lớp, thôi không đứng nhìn.
Chào tạm biệt Hán Nắng, thầy phụ trách tiểu học nói thật nhẹ "Nếu có thể được, mong các cô các bác quyên góp giúp cho các cháu tiểu học ít áo ấm". Rời bước chân đi, bỗng thấy như mình mắc nợ nơi này... (còn tiếp)

Hình trong bài: Mai Thanh Hải - Lana