October 27, 2009

"Yêu thương đừng là gánh nặng"

Một người bạn gửi lên Facebook chia sẻ đường link đến bài viết của Chung Nhi cho chuyên đề "Yêu thương đừng là gánh nặng" trên báo mạng Sài gòn Tiếp thị Nguyệt san.
(ảnh Tường Huy).

Thế giới ca ngợi vẻ đẹp phụ nữ khác ta
(tác giả: Chung Nhi)

Nhắc đến phụ nữ Pháp, người ta nói, họ thật lãng mạn. Nhắc đến phụ nữ Venezuela, người ta nói họ tuyệt đẹp. Hình như thế giới ca ngợi vẻ đẹp của phụ nữ cũng khác ta.

Phụ nữ Việt đã từng phải nêu cao đức hy sinh trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử. Thời kỳ phong kiến, họ phải cần cù và giàu đức hy sinh để nuôi chồng ăn học mong đỗ đạt với đời. Vì thời kỳ này, phụ nữ không được phép tham gia khoa cử, nên phụ nữ phải đặt niềm mong chờ cuộc đời vào nam giới.

Đến thời chiến tranh, tinh thần phụ nữ Việt lại được nêu cao vẻ đẹp đức hy sinh, vừa lo việc sản xuất, vừa tham gia chiến đấu, là hậu phương vững chắc cho chồng, con nơi chiến tuyến. Họ vẫn tần tảo cả một đời người.

Đến thời đại ngày nay, phụ nữ có cần tiếp tục hy sinh nữa hay không?

Dì của tôi là giáo viên, cách đây mười mấy năm đã quyết định bỏ nghề giáo để ra ngoài làm, để đi buôn bán vặt và may gia công nuôi chồng học thạc sĩ, rồi tiến sĩ. Khi chồng dì trở thành một tiến sĩ hoá học thì cũng vừa lúc hai người ra toà vì người chồng thay lòng đổi dạ, có một cô bồ trẻ hơn dì, không đầu tắt mặt tối như dì. Khi ra toà, dì kể sự hy sinh vì chồng trong nhiều năm, thức khuya dậy sớm như thế nào. Sau khi kết thúc những lời thiết tha, dì nhận được câu nói ráo hoảnh của ông chồng bội bạc "Ai khiến cô làm thế? Ai khiến cô hy sinh cho tôi?".

Đã tham dự rất nhiều phiên toà xử ly hôn và không ít lần tôi đã nghe câu nói của những ông chồng, sau khi vợ kể lể công lao, sự hy sinh bản thân của mình cho chồng cho con, rằng: "Ai khiến cô?".

Tôi đặc biệt quan sát và nhớ thái độ của những người phụ nữ khi nhận được câu nói đó của chồng họ. Người thì trân trối nhìn. Người thì im lặng. Người thì ú ớ. Tôi chưa từng gặp người phụ nữ nào trả lời nổi câu đó.

Chưa bao giờ tôi coi đức hy sinh của phụ nữ Việt Nam là xấu. Phải nói nó thực sự vĩ đại. Nhưng ca ngợi nó vĩ đại đến bao giờ khi chúng ta đang nhìn thấy cảnh những người chân yếu, tay mềm ấy quần quật ngoài đồng, ngoài đường và chồng họ đang ngồi quán nước đánh đề, uống rượu và nói phét? Trong một lớp học về bình đẳng giới, tôi đã từng đề nghị các bạn đồng nghiệp nhà báo, nên chăng chúng ta tuyên truyền ít thôi, ca ngợi ít thôi đức hy sinh của phụ nữ? Hãy nói nhiều hơn về quyền lợi của phụ nữ, quyền được chồng chia sẻ việc nhà, quyền được chồng chăm sóc nâng niu, quyền được nhờ chồng làm hộ việc nọ việc kia... Chị em thấy báo chí ca ngợi nên cứ nhẫn nại hy sinh, từ đời này qua đời khác. Bị chồng đánh cũng nhẫn nại, nhịn nhục vì làm người phụ nữ có chồng là phải hy sinh thân mình vì chồng. Bị chồng bội bạc cũng hy sinh nhẫn nại, im lặng vì con, vì bố mẹ mình. Tôi đã bị đa phần các nhà báo nữ ở các địa phương khác nhau phản đối. Họ bảo, phụ nữ hy sinh cho chồng, cho gia đình là đúng, sao lại đả phá?

Vâng, tôi không đả phá. Nhưng hy sinh đến đâu và hy sinh như thế nào lại là điều phải bàn. Lúc chồng ốm, tôi sẵn sàng không quản nắng mưa đi chợ mua cho chồng thức ăn ngon, viên thuốc uống cho khỏi bệnh. Lúc chồng cần hỗ trợ, tôi sẵn sàng dành thời gian và công sức để giúp đỡ công việc của chồng trôi chảy hơn. Nhưng những điều đó không đồng nghĩa với việc tôi phải triệt tiêu cá tính để cho một người đàn ông. Bạn có tin có những phụ nữ cả đời không xem thời sự chỉ vì giờ phát sóng chương trình ấy trùng với giờ rửa bát? Hay như nếu tivi không có chương trình bóng đá thì mới đến lượt vợ ngồi xem phim. Nếu người phụ nữ luôn sống như một bản nháp của người đàn ông thì đến muôn kiếp họ cũng không thể nói đến hai chữ bình đẳng.

Nếu vậy, sẽ có người hỏi, vẻ đẹp của phụ nữ ngày nay là gì? Tôi vẫn yêu nét dịu dàng yêu kiều nào đó. Tôi vẫn mê những người vợ biết nấu cơm cho chồng ăn trong những buổi chiều muộn. Tôi vẫn thấy họ đẹp khi tần tảo, khi lo lắng cho gia đình. Nhưng đằng sau những đức tính đó, tôi muốn nhìn thấy bao trùm trên hết là sự làm chủ của người phụ nữ trong cuộc sống của họ. Tôi thích những phụ nữ tự tin với nhan sắc của mình, tự chủ với công việc của mình, độc lập với suy nghĩ của mình và biết quyết định đúng lúc với những sự kiện của cuộc đời mình. Vẻ đẹp lớn nhất của người phụ nữ là tự quyết chứ không phải lệ thuộc. Khi phụ nữ tự quyết, họ có thể cống hiến, đóng góp, hy sinh… Đó là vì sở nguyện của họ, vì họ muốn thế chứ không phải vì bất cứ lý do nào khác ràng buộc như thói quen xã hội, truyền thống văn hoá, sự dạy dỗ bằng định kiến...

Có một diễn biến tâm lý rất đơn giản, nếu bạn quá hết lòng vì người đàn ông nào đó, có thể họ sẽ rất biết ơn bạn và cũng có thể họ chẳng biết gì về sự hy sinh của bạn. Với họ, nghiễm nhiên bạn phải như vậy và họ đáng được hưởng như vậy. Tôi chưa từng nghiên cứu rạch ròi hai nhóm đàn ông trên nhưng tôi nhận ra rằng, tôi không nhất thiết phải hy sinh mới có thể làm tốt vai trò của mình. Đơn giản, tôi chỉ việc sống tốt nhất trong khả năng tôi có thể với gia đình của mình mà thôi.

(Chung Nhi - SGTT Nguyệt san, chuyên mục Gia đình và Phụ nữ ngày 08/10/09)

-------------------------------------------------

Chung Nhi viết "chưa từng gặp người phụ nữ nào trả lời nổi câu đó", tôi xin trả lời thay họ: Không ai khiến cả, đơn giản là vì chúng tôi đã luôn được dạy như thế từ nhỏ, từ bà, từ mẹ, từ xung quanh, từ sách vở, trường học. Chúng tôi luôn luôn được dạy phải chịu đựng, hy sinh nhưng hầu như không được dạy phải biết yêu bản thân mình.

Gần như mặc định, "bổn phận và trách nhiệm" của người phụ nữ là đương nhiên, vô điều kiện, và thế, nhiều người chồng coi việc mình được hưởng sự hy sinh đó là đương nhiên (họ 'take it for granted'), đâu có gì phải đánh giá và coi trọng. Buồn không?

Với nhiều người phụ nữ, yêu thương, hy sinh, chăm sóc gia đình... là hạnh phúc hay gánh nặng hầu như chỉ phụ thuộc vào: sự yêu thương đó có được biết cho hay không, chưa dám nói đến đáp đền. Chỉ ước gì những người phụ nữ ấy đều được thật sự làm phụ nữ vì được yêu thương. Họ sẽ làm tất cả những điều tốt đẹp vì họ muốn thế, chứ không phải vì khô khốc "bổn phận và trách nhiệm".

Cảm ơn Chung Nhi. Tôi đã không ít lần nghĩ trong nước mắt: tôi cần dạy con gái tôi khác mẹ tôi đã dạy tôi trước kia thế nào?

6 comments:

  1. Bài này đúng đó chị. Trẻ gái cần được giáo dục lòng tự trọng và biết yêu quí bản thân. Sự hy sinh trong thời đại này nhiều khi hoàn toàn không cần thiết (vì có nhiều cách giải quyết có thể ổn thỏa đôi đường). Hơn nữa, trẻ gái được trang bị tốt lòng tự trọng khi lớn lên sẽ có khả năng oánh giá con người và tránh bị vướng phải loại đàn ông xấu :-)

    ReplyDelete
  2. Mẹ Titi có con trai mà 'cách mạng' nhỉ, không nghiêng về phía giữ quyền lợi cho cu Ti của mình. hì hì. 20 năm nữa con gái nó cứng lắm đấy, mẹ Titi lo dạy con trai làm sao phải cứng hơn không thì bị bắt nạt ấy chứ. :)

    ReplyDelete
  3. Chị ơi. Em rất mong phái nữ nhà mình biết cứng rắn hơn bi giờ. Vì sao? Vì mẹ cứng rắn và tự chủ, con cái mới mạnh mẽ, thế hệ tương lai của mình mới làm được việc lớn và không lo bị đứa nào trên thế giới bắt nạt ạ.

    Còn Tí là đàn ông, đến 18 tuổi là phải tự chịu trách nhiệm cuộc đời của mình. Em không lo cho quyền lợi của nó, em chỉ trang bị cho nó phương tiện để trở thành người có ích cho đời. Từ đó, quyền lợi xứng đáng sẽ là lẽ đương nhiên :-)

    ReplyDelete
  4. @Titi: Đấy thế rồi sao cũng vẫn phải có chút 'mẹ chồng' (quyền lợi xứng đáng...), hihiii.

    Đùa chút thôi. Chị hoàn toàn đồng ý với Ti, mẹ cứng rắn con cái mới tự chủ. Nhưng c/s là cả một nghệ thuật. Khi nhu khi cương. Lúc nào cũng cứng rắn ông Trời sẽ đặt gánh lên vai, phải gồng mình làm đàn ông đấy, chả được mềm mại làm phụ nữ đâu :((

    Cảm ơn Ti thường xuyên ghé nhà. Có những chuyện chỉ là kể, nhưng có những chuyện đưa ra muốn có comment nhiều chiều để mình lắng nghe...

    ReplyDelete
  5. Đúng ròi, phải có quyền lợi chứ chị. Nhưng quyền đó là do con người xứng đáng và vì thế nghiễm nhiên có chứ không phải mệt nhọc tranh giành với ai. Muốn như vậy, trẻ phải được rèn rũa rất nhiều từ nhỏ (nhưng không phải rèn cái kiểu của VN truyền thống laf cho roi cho vọt đâu)
    Cả nam và nữ đều phải bit tự trọng, nhưng ở VN hiện nay, phụ nữ chưa bit yêu bản thân nên thành ra nam giới cũng thiệt thòi. Bit yêu bản thân, các chị sẽ bit chăm sóc mình hơn, đẹp hơn trên mọi phương diện ((thanh sắc trí dũng- tương tự như nam giới nhưng kiểu khác) và đàn ông sẽ vì thế mà hãnh diện hơn khi được sánh vai cùng :-)

    ReplyDelete
  6. Em không ngán việc phải là đàn ông, thích là đằng khác vì đó là việc không hề dễ dàng với em. Vừa phải là mẹ, vừa phải là bố của con, em thấy thật thú vị chị ạ :-D

    Em nghĩ phụ nữ và nam giới khác nhau rất nhiều nhưng đều cần là con người tự chủ, bao dung, rành mạch và nhiệt huyết :-)

    ReplyDelete

Nào mình cùng chia sẻ cảm nhận...