December 25, 2009

Lòng nhân hậu, tính ích kỷ và sự vô cảm

Hôm nay đọc được entry "Tình yêu vĩnh cửu" ở một Blog bạn. Câu chuyện vô cùng cảm động nhưng cũng thật xót xa. Cô sinh viên năm thứ 3 của một trường cao đẳng, như một định mệnh, đã cùng các bạn chia sẻ phòng trọ cho một cô gái bị người yêu bỏ rơi cùng với bào thai trong bụng, để rồi sau đó bất đắc dĩ phải chăm sóc cô ta khi sinh nở, rồi cưu mang và nuôi bé khi bé bị mẹ bỏ rơi lại và ra đi.

Quá cảm động, lại nhớ ở đâu đó đã đọc về câu chuyện này, mình vội tìm... Thì ra cuối năm 2007 trên mạng đã có loạt bài viết về cô - cô giáo Thúy Nga của nhóm phóng viên baovanhoa.vn, mục đích kể về việc gian nan đi làm khai sinh cho bé (bé Trang) mà chưa có kết quả. Đọc những bài báo khi đó cứ tưởng như hạnh phúc đã mỉm cười khi cô gái có tấm lòng người mẹ đã có một chỗ dựa - một người đàn ông 'dám bước qua dư luận' để cưới cô cùng với con gái nuôi.

NHƯNG chỉ sau đó hơn một năm, trong loạt Ký sự về thử ADN của Tuoitreonline có bài viết về đoạn trường tiếp theo của cô gái - người mẹ: Bé Trang quá giống và quấn quýt với mẹ nuôi đã khiến sự nghi ngờ của gia đình chồng lấn át cả tình người/ sự cảm thông. Họ đã làm tổn thương cô đến đau đớn. Và cô - lặng lẽ đưa bé Trang lên Hà Nội sinh đứa con đầu lòng một mình. Thật xót xa.
(Ảnh dưới: Mẹ và con gái nuôi, nguồn: tuoitre.com.vn)

Nhiều trang mạng sao đi chép lại, không ghi nguồn xuất xứ - mình không biết thật sự câu chuyện đúng đến đâu, người thật sự viết câu chuyện này là ai... Nhưng qua những bài, thứ tự thời gian, hình ảnh... có thể tin được câu chuyện cô gái sinh viên cưu mang và yêu thương một đứa trẻ bị chối bỏ là có thật. Chuyện cô phải đối diện với dư luận, chia tay người yêu vì không thể bỏ bé theo tối hậu thư 'hoặc bé Trang hoặc anh', bị gia đình chồng soi xét, gây sức ép... cũng là điều hoàn toàn có thể ở những vùng miền quê (và có thể là cả thành phố nữa) - khi mà ở VN, bên cạnh những tấm lòng nhân hậu vẫn còn rất nhiều những cái đầu ích kỷ, những cách nhìn hạn hẹp, nhân danh đạo đức khuôn mẫu mải mê suy xét người khác, lạnh lùng.

Người thân vì xót cô, người ngoài vì vô cảm, có thể sẽ không đồng tình với việc cô làm, kể cả khi cô nhận nuôi bé, khi cô không chịu rời bé và chấp nhận chia tay người yêu, khi cô lại một lần nữa chấp nhận một mình vì quá tổn thương trước sự ích kỷ đến tàn nhẫn... Người này hay người khác có thể rằng cô dại nên thiệt, rằng cô ngang bướng, khác người... Nhưng đặt là mình, nếu gặp những chuyện như thế mình cũng sẽ làm như cô, từng bước. Vậy nên coi đó là định mệnh. Và cô không (chưa ?) gặp được người quý trọng tấm lòng của cô, yêu thương cô đủ để cùng cô chia sẻ cả yêu thương và những gập ghềnh của cuộc sống - thì đành coi như là số phận cô chưa có được vậy.

Không biết có đúng là cô bây giờ sống trong căn nhà thuê ở Hà nội với 2 đứa con nhỏ như những gi mình đọc được? Cuộc sống của 3 mẹ con cô thế nào? Mình bỗng muốn biết thêm về cuộc sống của họ quá. Nếu sự thật cuộc sống còn rất vất vả chông chênh với 3 mẹ con - lại mong có những bù đắp, mong có những tấm lòng, những sự chia sẻ vật chất và tinh thần với họ. Bằng cách nào đây?

Mình biết tối nay giấc ngủ sẽ hơi nặng lòng.

* Links tham khảo:
Cháu Trang vẫn chưa thể có giấy khai sinh?
Phóng sự: Những kỳ án ADN
http://www.svvn.vn/vn/printnews/446.svvn

9 comments:

  1. Người Việt có 1 điểm rất kỳ lạ là họ không thể yêu người mà không phải máu mủ ruột rà. Ngày xưa sếp cũ có 2 cô con nuôi, suốt ngày bị đối tác hỏi là sao bà không đẻ mà lại đi nhận con nuôi. Mình giải thích đủ các kiểu nhưng vẫn bị các vị lắc đầu bảo bà dở hơi.

    ReplyDelete
  2. Thế là vì nghi ngờ mà cha của đứa trẻ thứ hai cũng bỏ luôn đứa con của mình? Tuy không phải lúc nào cũng bỏ qua đc những đàm tiếu của người ngoài cuộc, nhưng người trong cuộc đã xử sự như vậy, cô chẳng có điều gì phải áy náy, dằn vặt, chỉ cầu cho mẹ con cô qua đc những ngày thường rất rất vất vả.

    ReplyDelete
  3. @lvu: Kể ra thì trong từ "người Việt" cũng còn có những người như người mẹ trẻ trong câu chuyện này mà Lừng (cô SV Nga lúc đó không tự đi xin con nuôi, dường như ông Trời đặt bé Trang vào tay cô, nhưng cô đã chấp nhận nuôi bé và yêu thương bé đến mức chấp nhận những thiệt thòi cho riêng mình).
    Nhưng chị Lana cũng đồng ý với Lừng là số đông không nghĩ như vậy. Họ khó yêu một đứa trẻ không phải con cháu họ.

    Thật ra con người dù ở đâu, khi sinh ra cũng có cả phần nhân hậu và phần ích kỷ. Chỉ là người Việt còn nghèo, cộng thêm văn hóa lúa nước (suy nghĩ nhỏ lẻ) xưa nay vẫn còn khá phổ biến trong cộng đồng. Một số ít có suy nghĩ rộng hơn thì cái 'vòng tròn đạo đức' (xin từ này của VMC) vẫn va đập khiến người ta sống rộng lòng cũng thật khó khăn như chính câu chuyện này.

    ReplyDelete
  4. @Mai: Thông thường ở VN nếu khóc lóc, áy náy, dằn vặt, cố gắng chịu đựng, chấp nhận... lại được thương, được tôn vinh. Còn cứng cỏi dứt áo ra đi khi họ "xử sự như vậy" chẳng được ủng hộ đâu. Không biết đến thời của Dim Mei thì XH đổi được đến đâu nữa.
    :(

    ReplyDelete
  5. Điều em quan tâm đó là tình yêu của người đàn ông của chị sinh viên đó, hóa ra người đàn ông chỉ có tình yêu nhỏ bé đến nổi không vượt qua được dư luận và không có niềm tin vào người vợ mình và cũng không vì tình cha con mà chấp nhận bỏ luôn đứa con mình ư?Em muốn xin con nuôi và sẽ để ý hơn đến chuyện chọn người đàn ông của mình. Thán phục chị chị sinh viên trong bài quá chị Lana àh.

    ReplyDelete
  6. @Phung: Vì những bài viết chị Lana đọc được (links trong entry) không nói nhiều về người chồng, hơn nữa mình không biết rõ người ta nghĩ gì Phung ạ.

    Chị Lana chỉ nghĩ thiện thế này: Anh đó chắc có tình yêu và có niềm tin nên mới vượt qua rào cản suy nghĩ (của bản thân và gia đình) ban đầu để cưới cô ấy. Nhưng khi họ lấy nhau rồi, cô giáo Nga về quê chồng sống, thì anh ta lại không đủ mạnh mẽ để bảo vệ cô trước sức ép lớn của gia đình và dư luận. Theo chị hiểu, cô ấy cảm thấy mình cô độc trong tột cùng khó khăn và tổn thương, vì thế cô ấy ra đi.

    Tư duy chung còn hẹp hòi thì XH sẽ ít đi những điều tốt đẹp, và những việc thật sự xuất phát từ lòng nhân hậu vẫn còn bị đánh giá như một sự khác người.

    Những người đàn ông cảm phục, yêu và lấy một người có lòng nhân hậu có lẽ không hiếm lắm, nhưng người đủ mạnh mẽ để bảo vệ người phụ nữ của mình (lòng nhân hậu của cô ấy) thì là số rất ít Phung à. Nghe buồn nhỉ, nhưng thực tế là vậy đó.

    Nên thôi, anh ta âu cũng là bình thường trong muôn vàn người. Chỉ là thương cho cô giáo Nga thôi. Cảm phục, rất cảm phục, và rất thương. Cô ấy xứng đáng được may mắn hơn những gì cô ấy trải qua.

    ReplyDelete
  7. Chào bạn! Mình viết truyện này trên tinh thần câu chuyện về cô Nga. Phải thay đổi một vài tình tiết vì để tránh phiền toái có thể xảy ra. Bạn có muốn biết địa chỉ thật và điện thoại của cô Nga không?

    ReplyDelete
  8. @ThuyDamMinh: Ôi chào, Lana thật sự không biết việc các báo đưa tên, đưa hình ảnh thật... có được sự đồng ý của cô hay không, có gây điều gì phiền phức cho cô giáo Nga hay không, nếu có Lana sẽ cất đi.

    Có lẽ Lana muốn xin đ/c và cách liên lạc với cô giáo. Lana chưa biết sẽ làm gì giúp được cô. Nhưng nếu bạn có thể, cho Lana xin với - qua email: lana.nguyen2@gmail.com.

    Lana cảm ơn rất nhiều.

    ReplyDelete
  9. Lana đã liên lạc được với Nga. 3 mẹ con cô ấy hiện tại sống ở Hải Phòng. Bé em 22 tháng tuổi. Bé Trang đã đi học lớp 1, kỳ vừa rồi cháu được học sinh giỏi. Mẹ Nga ở chung giúp trông cháu. Nga hiện nay nhận một công việc trái nghề ở HN và theo học đại học hệ tại chức của trường DDHSP1 HN, mỗi tuần cô lên trường một lần cho việc học.

    Nga tâm sự sau khi có bài báo viết về cô, có một thày hiệu trưởng một trường PT ở Hà nội đề nghị được giúp đỡ, nhận cô về trường với mức lương 1tr7/tháng. Cô đã ước gì mình có được công việc ấy, nhưng vì con nhỏ, không có nhà ở Hà nội mà giá thuê nhà quá cao, cô đành không nhận. Một lần lên HN, cô đã đến cổng trường PT ấy và khóc vì tiếc cho cơ hội không thể nắm bắt.

    ReplyDelete

Nào mình cùng chia sẻ cảm nhận...