September 29, 2011

Chuyện lớp chuyện trường


Qua năm học mới được 1 tháng Dim xin cô giáo thôi làm lớp trưởng. Năm nay có cô giáo chủ nhiệm mới. Dim bảo lớp thì rất nghịch còn cô giáo quá nghiêm khắc. Trường có những quy định như trong giờ nghỉ 5 phút giữa các tiết học các con chỉ được ở phía trong cánh cửa phòng học. Mấy đứa đùa nghịch đuổi nhau chạy ra tới hành lang liền bị ghi tên phê bình gửi tin nhắn điện thoại báo về phụ huynh. (hình: Sưu tầm)
Con bảo các bạn tuổi con lớn rồi con không thể ghi tên các bạn rồi nói với cô, như thế các bạn sẽ ghét, mà không giúp thì bị cô phê bình không hoàn thành nhiệm vụ lớp trưởng. Năm nay con cũng phải học nhiều nên con xin thôi. Tới Thứ 7 vừa rồi cô chính thức đồng ý. Lớp bầu một bạn trai làm lớp trưởng.

Mẹ nói đồng ý và ủng hộ quyết định của Dim.
Chỉ có một so sánh nhỏ buồn buồn: Ở trường học Úc Dim đã tự ứng cử vào house captein (trưởng 'nhà' - trường chia dọc các lớp từ lớp 1 đến lớp 6, mỗi 'nhà' là một dọc 6 lớp ấy).

Từ bữa Dim 'từ quan', mỗi ngày đều gợi nói chuyện với Dim một chút về trường học. Hôm qua nói chuyện, Dim bảo trong lớp dạo này căng thẳng ức chế lắm. Cô giáo chủ nhiệm thường xuyên đem việc sếp loại hạnh kiểm ra 'dọa', mỗi lần có ai mắc lỗi, cô lại nhắc lại lỗi của bạn này bạn kia trước lớp làm ví dụ. Mei kể cho mẹ "chị nói với con cô giáo chị lúc nào cũng cười mà không phải cười tình cảm, chị sợ mỗi khi cô cười lắm".
(Cái cười 'lạnh', mình nhớ in bà giáo tên Ivus dạy môn khí tượng hàng không hồi mình học đại học bên Nga, ngoài 40t không lấy chồng, sinh viên gọi Ivus là "nỗi sợ hãi", khóa trên sợ truyền xuống khóa dưới. Một anh năm trên kể giờ cô Ivus đến tụi con trai còn sợ run rẩy, im phắc, đang dạy cũng có lúc cao hứng cô kể truyện cười rồi cô cười nhe hàm răng chuột, cả lũ nhe miệng cười theo, bỗng nhiên cô ngậm miệng lại, thoắt cái mặt cô trở lại lạnh sắt, cả lũ ngậm phắc theo, mấy thằng ngậm không kịp mà gặp cô chiếu tướng có khi vãi tè ra quần vì sợ).

Thì xã hội ở đâu cũng có người tình cảm có người nghiêm khắc.
Có lẽ gặp nhiều thực tế khác nhau cũng là những trải nghiệm có giá trị cho các con tập 'bươn chải', thích nghi?

Quả là lớp Dim năm nay nghịch hơn năm trước nhiều, lớp 9 là cái lứa tuổi (teen) thách thức mọi nhà giáo dục. Chỉ biết nói với Dim lớp quậy cô lại mới mổ nằm viện 1 tháng nên mệt mỏi, trong mọi trường hợp các bạn phải bảo nhau tuân thủ nội quy lớp học và nhà trường chứ không được ức chế cô rồi bảo vệ nhau phá bĩnh là thành sai. Xã hội nào lớn hay nhỏ cũng có luật, có quy tắc của XH ấy. Nước có luật, lớp có nội quy, nhà có nguyên tắc, và mình ở XH nào cũng phải tuân thủ luật của XH ấy. Nếu cô tình cảm cô trò thân thiết được thì tốt cho cả hai, bằng không thì các con phải ráng im lặng chấp nhận, qua năm là thi chuyển cấp rồi. Cô cũng chỉ chủ nhiệm mình một năm thôi.

Sáng nay một mẹ cùng trong ban phụ huynh lớp Dim gọi điện (dạo này các mẹ căng thẳng quá lại gọi điện chia sẻ than thở với nhau), bảo "lớp giờ chúng nó nghịch quá cô phê bình gay gắt, liệu cách chị em mình dạy con trước giờ có là thiếu nghiêm khắc, có là sai không chị?".

Nhớ lại ngày xưa cấp 3 tụi lớp mình nghịch như quỷ. Có thầy Sách dạy Địa hay tới trễ, bữa nào có giờ Địa cả lớp rủ nhau sẵn, đúng đến phút thứ 5 thày chưa tới là rủ nhau lẻn trốn. Nguyên lớp. Chỉ vài phút sau dãy xe đạp lớp B5 đã trống trơn. Mà trốn chỉ để kéo nhau vòng vòng hết nhà đứa này qua nhà đứa kia trong lớp chơi cho biết nhà chứ hồi đó đâu có gì mà chơi.
Chào cờ thứ hai tuần sau thế nào cũng bị phê bình cả lớp trước toàn trường. Mà phê bình tập thể có hội đâu sợ gì đâu, phải đến cuối kỳ họp phụ huynh cô mới báo cho bố mẹ thì chuyện đã thành cũ. Nhớ cứ chuẩn bị họp phụ huynh là mình về nhỏ to kèo ba "Hôm tới Ba đi họp phụ huynh cho con nhé", ba hiểu con gái liền (quả này có lỗi, mẹ mà đi họp thì bão to :D).

Xếp theo chuẩn trường Dim bây giờ thì lớp mình hồi đó sẽ là hư cá biệt, vô tổ chức vô kỷ luật, hạnh kiểm kém đến 90% trong đó có mình. Chuyện nhớ lại này, sẽ chỉ nhớ riêng mình thôi, chưa kể cho Dim Mei được ;D.

*** Chung nỗi:
- LẠI THỞ THAN XÍ (AnhDo's Blog)

30 comments:

  1. Không nghich thì làm sao là học sinh. Cô giáo giữa thủ đô mà kỹ năng quản lý học sinh tù túng và phản giáo dục thế này thì học sinh Việt còn khổ dài.

    ReplyDelete
  2. Việt nhà mình (lớp 11) về nhà phàn nàn năm nay cô giáo mới môn Hóa chán quá. Hỏi chán sao? Đáp: cô nhiều tuổi rồi, dạy thì ít giảng đạo đức thì nhiều. Lớp con là lớp ngoan nhất trường, từ đầu năm đến giờ gần như tuần nào cũng giành cờ thi đua. Thế mà cô giáo môn Hóa cứ bắt lỗi suốt, cứ có tý lỗi là cô bỏ hàng 20-30 phút ra "giáo dục công dân", thường là bằng cách kể chuyện ngày xưa thế nọ thế kia, rằng nhiều học trò xưa của cô, thậm chí cả các bậc phụ huyanh, nay vẫn cảm ơn cô vì cô đã nghiêm khắc dạy dỗ. Điều đó có thể đúng, nhưng cách đó chả thuyết phục được ai, nhất là tụi trẻ @. Nên cứ đến giờ Hóa là chả đứa nào thiết học, đúng hơn là nghe giảng đạo đức. Thế là cô dỗi, lại càng kể nhiều chuyện xưa. Hôm qua cô còn tuyên bố đã làm đơn xin chuyển lớp, nhưng Ban GH chưa duyệt. Việt thở dài: sao thầy hiệu trưởng không đồng ý luôn cho khỏe tụi con. Năm nay tớ là trưởng ban PHHS lớp Việt. Sắp tới lại phải đau đầu giải quyết vụ này đây, chứ sang năm chúng lên lớp 12, rồi thi tốt nghiệp, môn Hóa cũng có thể phải thi. Và cái chính là khi tâm lý không vui không thoải mái, học sao vào được.
    Sorry tớ còm hơi dài.

    ReplyDelete
  3. -Bạn HAT,
    Hơi dài dưng mà ý hay. Cho tui mượn cái còm dài về ít bữa xài nhé.
    -Lana,
    Ủng hộ bạn Dim, không có trưởng phó lớp, cờ đỏ cờ đen chi cho mệt, chúng ghét. Để giờ học bài.

    ReplyDelete
  4. Một nhà nghiên cứu nhân học của Ta đi cùng một nhóm chuyên gia Tây đến nhà một đối tượng nghiên cứu là trẻ em.
    Đứa trẻ nhìn thấy người lạ thì không chào.
    Chuyên gia Ta bảo: Sao cháu không chào các cô các chú?.
    Đứa bé bảo:" Vì các cô các chú là người lạ. Mẹ con dặn không được nói chuyện với người lạ".
    Nhà Ta nói:" Lần sau thì con đã quen với các cô các chú rồi, mẹ con cũng biết rồi, không sợ nữa thì con chào nhé".
    Nhà Ta liền bị các chuyên gia Tây góp ý rất thẳng:" Việc của ta là quan sát. Việc của cha mẹ các cháu là dạy dỗ. Không nên lẫn lộn hai vai trò với nhau".

    Ta và Tây...Thế đấy ạ.
    Lại cũng soizzi vì còm dài.

    ReplyDelete
  5. Lớp trưởng cũng hay đấy. Nhưng mệt và lắm chuyện lắm. CÁc bạn thì oán trách nếu mình làm nghiêm. Mà được lòng các bạn thì cô giáo, thày giáo lại mắng. Khổ thế đấy!

    ReplyDelete
  6. Con gái tớ lớp trưởng mấy năm tiểu học tớ đồng ý. Lên THCS tớ nói ngay với cô chủ nhiệm rằng: "Xin cô cho cháu được làm luân phiên để cháu có thêm trải nghiệm khi là lính"
    Cô đồng ý ngay!

    ReplyDelete
  7. Ơ, chị làm em nhớ tới giờ Lý năm lớp chín, tụi em cũng chờ, mà tới 15 phút lận, thầy chưa kịp tới nên rủ nhau đi xuống cái đồi sau trường hái dâu hết. Mèn, cả tuần đó bị kiểm điểm chết luôn. Cô chủ nhiệm giận đỏ mặt tía tai la ơi là la. Rồi em cũng nhờ ba đi họp phụ huynh. :) (mà trường hợp của em thì thê thảm hơn tại vì nhờ mẹ trước mà mẹ nói để cho ba mày xử.) :)

    ReplyDelete
  8. Quên, trở lại tiếp chuyện Dim xin không làm lớp trưởng, em lại cũng có chuyện để nói nữa (tự nhiên nhiều chuyện). Năm lớp tám em cũng nạp đơn 'từ chức' lớp trưởng vậy, là tại cũng cái vụ làm vừa lòng cô giáo thì mích lòng bạn, khó xử quá nên xin thôi. Nên Dim làm vậy là đã suy nghĩ lung lắm rồi đó chị.

    ReplyDelete
  9. Thảo nào,nguyên nhân là đây,mình toàn bị bà thị xã dí đi họp PH từ hồi nghỉ hưu tới giờ.

    ReplyDelete
  10. @Lvu: Biết làm sao được Lừng ui. Cái tư duy của mình là vừa dạy vừa dỗ, bình đẳng, prefer khích lệ hơn là dùng hình phạt nhưng lại không chung với đa số tư duy truyền thống (khuôn phép, thứ bậc, nghiêm khắc). Không ít lần bị tư duy truyền thống này nhận xét mình 'ảnh hưởng dạy con kiểu Tây', không phù hợp với XH VN. Làm đôi khi cũng hơi tự lung lay (hay là mình sai?) :((

    ReplyDelete
  11. @HAT: Khoan tranh luận cô Hóa nên dạy cách nào, mình chỉ nhìn vào hiệu quả giờ học ha Tuấn.
    Vấn đề là cô kiến thức dù thế nào, đạo đức dù thế nào thì hiệu quả sau một giờ dạy của cô, đưa số kiến thức đó vào đầu HS được bao nhiêu.
    Đấy cũng là vấn đề chung phụ huynh lớp Dim lo lắng lúc này: Con nít không thoải mái làm sao nói đến hiệu quả học :((

    ReplyDelete
  12. @Đỗ: Cái này như là Dim có gien mẹ đó pác Đỗ ui. Tính quần chúng chớ không lựa chọn 'cô độc để bật lên'.

    ReplyDelete
  13. @Titi: Mẹ Tí biết không, chị gặp cô nói chuyện trao đổi cô bảo "cách giáo dục của chị là phân tích khích lệ, cái này bên Tây có khi là phù hợp nhưng ở VN mình... abcd...". Chị chẳng biết nói sao nữa, thấy buồn.

    ReplyDelete
  14. Nói thiệt hồi xưa em đi học cũng bị ức chế vụ giáo viên quá nghiêm khắc ah chị, em ước lớn lên làm giáo viên sẽ k ăn hiếp học sinh. Nhưng, nghĩ lại ngày xưa nếu thầy cô k nghiêm khắc thì liệu mình có chịu học và có kiến thức cho ngày hôm nay hay không.
    Vụ Dim xin từ chức, em thấy thích tích cách của Dim. Đó là 1 sự quyết đoán ha chị ha.

    ReplyDelete
  15. Bí iu: Cái còm dài mà tuyệt Bí ui.
    Em ước Bí cứ sorry thế này mỗi entry :)
    Tây này chuẩn. Trách nhiệm rành mạch. Không lấn sân. Em mà là nhà Ta sẽ trả lời lại Tây là ở VN nhiều bố mẹ không dạy chỉ nuôi nên đành trông chờ xung quanh dạy gì được nấy.

    À mà Tây có luật rằng bố mẹ mà không đủ điều kiện nuôi dạy con sẽ bị phạt, giáo dục hoặc tạm tước quyền nuôi con.
    VN mình có trường hợp bạo hành con tàn nhẫn, chính quyền vào cuộc nhưng sau rốt thì đứa trẻ lại được đưa về 'địa ngục' cũ :((

    ReplyDelete
  16. @a Thụy: Vâng đúng ạ, lớp trưởng cấp này mệt lắm. Nghĩ lại em vẫn thương mấy đứa cán bộ lớp em hồi cấp 3 :))

    ReplyDelete
  17. thanhvdgt: Hoàn toàn đồng ý với ý tưởng "trải nghiệm làm lính". Nhưng xu hướng/ kỹ năng leader hình như là bẩm sinh.
    Đây không phải lần đầu bạn Dim xin thôi lớp trưởng. Nhớ hồi đầu cấp (lớp 6) nhà trường xếp lại lớp, có lớp A1 chọn về toán (Dim đủ tiêu chuẩn) nhưng trường xếp bạn í vào lớp A3 để làm lớp trưởng (dàn chia các bạn cán sự), lần í Dim và mẹ bàn rồi cùng tới gặp trường xin thôi vị trí lớp trưởng A3 chuyển qua A1 mà không được đồng ý.

    ReplyDelete
  18. Quyên: Nhiều chuyện dễ thương quá Quyên ui.

    Ừa nhìn tụi nhỏ nghịch nhớ mình hồi tuổi đó, tự dưng 'bao dung' hơn :)

    Đúng là tuổi này đứng giữa chữ 'quậy học trò' với 'nội quy trường' là rất khó. Chị hiểu Dim, nên ủng hộ quyết định của con.

    ReplyDelete
  19. AK7: Uầy uầy nghỉ hưu. Nghỉ hưu rồi ạ??
    :))
    bà xã đẩy bác đi họp PH là "để ba mày xử" như ở comment của Quyên chứ ha? Lana hồi xưa là tự kèo Ba đi họp cơ, vì sợ mẹ đi họp thì ăn đòn (Ba hiền và chiều Lana hơn :)

    ReplyDelete
  20. @Phụng: Cái còm của Phụng rất hay. Đúng vậy, mềm dẻo, khích lệ, nghiêm khắc, kỷ luật... đều cần thiết trong giáo dục (ở mọi phạm vi của từ education - trong gia đình, trường học, một tổ chức, một Quốc gia...).
    Vậy là phải dung hòa, mà dung hòa thế nào lại là công thức của từng người. Đôi khi cũng khó Phụng à, dễ quá thì loạn mà nghiêm quá thì mất cái tình.

    ReplyDelete
  21. Ý kiến các bạn đều đúng cả nhưng các bạn chỉ đứng trên từng góc độ mà nói thôi. Tôi chưa bao giờ biết Tây họ dạy thế nào nhưng các bạn sống ở Ta thì phải theo Ta thôi. Theo môn tâm lý học chúng tôi được dạy ở trường sư phạm thì tính cách con người phát triển phụ thuộc 4 yếu tố đó là: bẩm sinh DT, giáo dục, tự giáo dục, xã hội vậy nên tôi không đồng ý với ý kiến của bạn vhlinh. Tôi không đồng ý với việc cô giáo quá nghiêm khắc nhưng đôi khi gặp cô giáo nghiêm khắc HS cũng được lợi đấy (nhưng cầu trời chỉ một cô trong đời là đủ rồi)
    Thông cảm vì nói dài nhé

    ReplyDelete
  22. Bé Nguyên nhà em đi học về bà ngoại hỏi" Hôm nay cô giáo có cho con uống sữa bà để trong túi không?". Bé Nguyên vui vẻ " Có bà ạ. Cô giáo cho con uống và cũng uống với con". Hic!

    ReplyDelete
  23. Bạn Phúc Kèn ơi, ví dụ giờ hóa thì cô dạy kiến thức (theo Tây), đến giờ ra chowi thì cô gom bọn trẻ lếu laaos vào giảng thêm tí đâọ đức(theo Ta), thì có được không?
    Ý mình là phận sự của ai là gì thì nên làm tốt cái đó trước đã.
    Chắc là chúng mình chung nhau một ý thôi mà.

    ReplyDelete
  24. Từ đêm qua, khi được biết Blog này và comment ở đây đến lúc này tôi vẫn cứ loanh quanh ở đây. (Xin lỗi nhé nếu không hài lòng)
    Tôi đã biết con gái DIM của bạn cũng đúng tuổi con gái tôi "tôi 1 cháu thôi". Sinh nhật cách nhau 01 ngày, cháu nhà tôi sinh 24/01 và cũng lớp 9 một trường ở quận BD - HN.
    Rất nhiều đồng cảm với chủ nhà, tôi xin kể một chuyện nhỏ sau:
    Năm lớp 7, cháu nhà tôi có một lần bị cô giáo mời phụ huyng vì có biểu hiện gian dối trong thi cử. Tôi đã phải gặp cô, đã hứa với cô rằng gia đình sẽ tuyệt đối dạy dỗ cháu trung thực trong thi cử và hứa một số điều khác. Về nhà, tôi nói với cháu rằng không bao giờ được quay cóp, dù một điểm cũng vẫn là của mình, điểm đó để cho ta biết ta học được gì. Quay cóp cũng gần giống hành vi ăn trộm vậy. Con bé thật tội nghiệp khi cứ cố thanh minh rằng con không làm vậy, chỉ là tài liệu đó có sẵn ở đó từ tiết học trước và con chưa hề đặt tay vào đó "Trong ngăn bàn".
    Quan điểm của tôi, tôi vẫn nhắc cháu là bố không hy vọng con số 1 số 2, nhưng yêu cầu con top 10 trong một tập thể, yêu cầu vậy vì bố biết con có khả năng như vậy. Và cũng không là khó khăn quá!
    Giáo dục trẻ em nhiều vấn đề còn bất cập trong xã hội mình quá, có điều không thể nói ra trong khuôn khổ này "Như tâm trạng bên bài Lại thở than xí cho đời bớt khổ của AnhdoBlog".
    Thôi từ từ chúng ta sẽ sẻ chia và thông cảm. Hy vọng trên thế giới ảo này có được những tình cảm chân thật hơn sự thật!
    Chúc bạn sức khỏe - hạnh phúc!

    ReplyDelete
  25. @Phúc Kèn, Bí: Lana nghĩ là bạn Phúc Kèn hiểu hơi trật í câu chuyện chuyên gia Tây - Ta trong còm của Bí thôi. Còm đó Lana đọc hai lần mới hiểu trúng ý đấy.

    Về 4 điều ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách, tính cách mà Phúc kèn nói thì mình hoàn toàn đồng ý rồi.

    ReplyDelete
  26. Thy Nguyên: Blogspot ha Nga?
    Chuyện như cô giáo em Mít, đáng buồn là vẫn có không ít :(

    ReplyDelete
  27. Tôi có một comment dài ở bài này, chả hiểu sao lại mất?
    Bạn có biết không?

    ReplyDelete
  28. thanhvdgt: Nhiều comment chia sẻ thì mừng, sao mà chủ nhà có thể không hài lòng được. Cảm ơn về những comment chia sẻ nha

    Lana trộm đoán 'loanh quanh' cũng vì 'những nỗi niềm chung' :)

    Chuyện của bé nhà thanhvd, Lana đồng ý với cách giải quyết của thanhvd.
    Không thể nhất nhất theo cô trừng phạt con mà không để cho con cơ hội giải thích và có cảm giác được lắng nghe. Tuổi này nếu thày cô và bố mẹ không tâm lý các con dễ bị cảm giác "cả thế giới chống lại ta".

    *** đọc thanhvd nói 'mất còm' Lana mới vào dashboard coi lại thì ra blogspot xếp còm dài vào spam thanvd ạ. Hay là Blogspot đi đêm với Bộ GDĐT nhỉ (wink)

    ReplyDelete
  29. Cám ơn chủ nhà đã phân minh!

    ReplyDelete

Nào mình cùng chia sẻ cảm nhận...