August 03, 2010

Dim, truyện tranh, và môn Văn

Chủ nhật vừa rồi cả nhà đi hiệu sách cùng PTN. Chuyện PTN là đồng hương trường Lương (Thái nguyên) tìm được qua Blog rất thú vị nhé, nhưng mình sẽ kể vào dịp khác. Còn bây giờ phải giữ vững chủ đề kẻo lại lệch đề y như mọi câu chuyện đám chị em đàn bà thường mắc - định nói một chuyện, dây cà dây muống thế nào đến cuối lại ra một câu chuyện khác tuyệt đối :)) (Hình sưu tầm)

Chuyện mình định nói là chuyện Dim học văn.

Câu chốt mình muốn nói là các mẹ nhớ chú ý cân đối giữa truyện tranh và truyện chữ trong tủ sách của con. Chỉ đọc truyện tranh không thôi phần nào sẽ hạn chế khả năng viết văn, mình tin chắc thế (bạn có thể tham khảo thêm ý kiến ở đây). Còn mình, mình phát hiện ra điều này từ chuyện học văn của Dim.

Xin nói qua là Dim, Mei học vào loại khá. Không xuất sắc, tạm đủ gọi là nắm bắt được chương trình học theo lớp. Mẹ chỉ yêu cầu có ý thức tự lo làm đầy đủ bài về nhà và hỏi mẹ gợi ý nếu có bài nào cần hỗ trợ (hic hic, mình có kỹ năng giảng bài ra phết, nhờ Dim Mei. Ấy chết, lại lệch lề rồi, quay lại, hờ). Túm lại là mẹ Lana không chủ trương ép học các loại bồi dưỡng, nâng cao và Dim chưa từng học thêm cái gì ngoài giờ học ở trường, cho đến đầu học kỳ 2 lớp 6...

Bữa đó Dim mang về cho mẹ coi bài văn con được 6 điểm. 6 điểm không phải là chuyện lớn (hum...mmm, nếu mẹ chấm thì điểm còn thấp hơn nhiều). Mẹ đọc bài văn đó và thật sự giật mình. Con tả cành đào Tết. Con tả khi mẹ mua nó về nhà nhìn nó trơ trụi, cành nhánh khẳng khiu. Rồi mẹ cắm vào nước. Rồi mùng 1 rất nhiều nụ. Rồi mùng 2, hoa nở tung rơi đầy nhà... đại khái thế (tiếc sao mình không giữ lại bài văn 'đánh dấu mốc' ấy chứ). Câu văn của con ngắn ngủn, cộc lốc, không có sự chuyển mềm dẻo từ ý này qua ý kia, diễn đạt lủng củng đến buồn cười. Nó giống y như bóc những khung chữ ở những trang truyện tranh và ghép lại thành bài văn vậy. Rất giống.

Gọi 'cái mốc', là vì sau bài văn ấy mình thật sự ý thức về tủ truyện của con và ảnh hưởng của nó đến chuyện viết văn. Chỉ số EQ quan trọng với sự thành công. Kỹ năng viết bài luận (essay) là cần thiết cho tất cả mọi ngành học... trong khi, tới lúc đó Dim Mei CHỈ ĐỌC truyện tranh. Mỗi lần đi nhà sách Dim Mei tự chọn sách, mẹ chỉ 'duyệt' để bảo đảm câu chữ trong đó không tục tĩu, nội dung không quá nhảm nhí, thô tục. Thế thôi. Toàn truyện tranh. Câu chữ ngắn ngủn ít hình tượng. Cảm nhận 'nổi'. Mì ăn liền.

Giữa lớp 6 chưa là muộn nhưng không sớm để có thể 'lững thững' điều chỉnh cách đọc và viết văn. Thế là:

1. Mẹ đăng ký với một cô giáo dạy văn khá có uy tín của trường để Dim đến nhà cô học phụ đạo 2 buổi mỗi tuần (không phải cô đang dạy lớp Dim để tránh bị 'nhiễu' vì cảm tình riêng). Cô tập trung vào việc giúp Dim khắc phục các lỗi diễn đạt.

2. Mẹ nói chuyện với Dim về bài văn cành đào, về vấn đề trong diễn đạt, về ảnh hưởng của việc đọc CHỈ TOÀN truyện tranh. Rằng kỹ năng sử dụng ngôn ngữ sẽ quan trọng như thế nào cho con sau này. Rằng con hãy bắt đầu đọc truyện chữ.

Vẫn là thói quen cùng nhau đi nhà sách nhưng có sự thay đổi: Mẹ giới thiệu sách. Con đọc qua và 'duyệt' (để đảm bảo con sẽ thích đọc). Bắt đầu từ những cuốn mỏng thôi. Thi thoảng, mẹ mua tặng, những cuốn 'Chó hoang Dingo', 'Hai vạn dặm dưới đáy biển', 'Không gia đình'...

Còn nhớ, cuốn truyện chữ trên 500 trang đầu tiên Dim tự chọn là 'Thần thoại Hy Lạp'. Hình như đến giờ Dim cũng chỉ đọc được hai phần ba rồi bỏ lửng. Nhưng thế cũng là thành công rồi.

Hiện tại, Dim làm văn chưa phải hay, nhưng ít nhất không còn là 'bài văn cành đào'. Chủ nhật vừa rồi đi nhà sách cùng cô PTN, Dim đã chọn cho mình cuốn 'Trăng Non' (New Moon, Stephenie Meyer 2005), truyện phim. Sách dày > 700 trang. Viết hay. Mẹ vô cùng happy mặc cho cô PTN tốn một khoản kha khá :-D.
(báo cáo với cô PTN, Dim đọc ngấu nghiến hôm nay đã 'xử lý' xong cuốn đó rồi).

Note: Mình không phản đối truyện tranh và đồng ý truyện tranh có những giá trị giải trí nhất định. Điều mình muốn nói là truyện tranh đang là một trào lưu phổ biến, nó trực quan, dễ đọc, 'ăn liền', nên nếu không có sự định hướng, tụi nhỏ tất sẽ chọn truyện tranh và ngại đọc truyện chữ. Cá nhân mình nghĩ nên có cả hai thể loại sách này trong tủ sách của trẻ. Mình cũng có thể sai. Mọi người cho thêm ý kiến nha.

*** Entry liên quan:
- TẢN MẠN THỨ 7

14 comments:

  1. Khó lắm em ạ! Hướng trẻ bỏ truyện tranh, xem truyện kể, tiểu thuyết là công việc của một thế hệ đấy. Hic

    ReplyDelete
  2. Chị à, em chuyện tranh có nhiều thể loại, nhưng cái loại ăn khách ở VN mà các teen nhà mình thích thì đúng như chị tả thật, cộc lốc vô cảm.

    Hầu hết những đứa như con nhà em đều là visual learner, bọn em đều làm chuyện tranh để phát triển ngôn ngữ cho con. Thậm chí còn có một phương pháp rất nổi tiếng giúp con phát triển ngôn ngữ diễn đạt thêm phong phú gọi là Visualizing and Verbalizing http://www.ganderpublishing.com/Visualizing-and-Verbalizing.html

    ReplyDelete
  3. Truyện tranh chỉ nên dùng khi bé chưa biết đọc và với tuổi tiểu học cũng nên rất hạn chế. Từ lâu, em vẫn mua truyện tranh cho Tí với điều kiện có nhiều chữ và mẹ chọn lựa văn phong truyện rất kỹ :-)

    ReplyDelete
  4. Đúng như blogger Titi nói thì trẻ em lựa truyện tranh nên có sự tư vấn của cha mẹ. Bây giờ có những kiểu truyện tranh vừa ít chữ, cộc lốc thậm chí bóp méo câu chuyện hoặc chêm vào những tình tiết hết sức bậy bạ hoặc gây cười theo kiểu thô thiển, những truyện này không nên cho trẻ em đọc.

    ReplyDelete
  5. @ĐMT: Khi chúng lớn và quen rồi thì khó đổi anh ạ. Nhưng 'dắt' từ sớm thì được. Thế nên em nghĩ những diễn đàn kiểu như thế này cho các cha mẹ thảo luận sẽ có ích.

    ReplyDelete
  6. @L2C: Ừ đúng, dùng tranh vẽ để dạy trẻ nhỏ học chữ (visual learning) rất hiệu quả và là cách được dùng phổ biến nhưng đó là chuyện khác L2C à.

    Ý chị muốn đưa ra ở đây là về kênh đọc - một trong những 'đầu vào' quan trọng đối với người phát triển/trưởng thành, nếu coi đầu ra là ngôn ngữ giao tiếp/ diễn đạt/ văn viết. Nếu trẻ chỉ đọc truyện tranh sẽ ảnh hưởng không ít bởi ngôn ngữ trong đó.

    ReplyDelete
  7. Em thì vẫn cho con đọc cả hai thể loại chị ạ và cả hai đều do em thông qua con mới được mua.
    Truyện tranh con nhà em đọc Doraemon thôi còn truyện chữ thì đa dạng ( vd: "Kính Vạn Hoa" của Nguyễn Nhật Ánh, "Harry Potter" là những bộ truyện dài Mốc đều đọc từ 2-3 lần/bộ, ngoài ra Mốc và Mít thích đọc truyện kiểu "Nhật ký chú bé nhút nhát" hay "Nhóc Nicholas"...)
    Còn dòng văn học kinh điển của bố mẹ như "Chó hoang Dingo", "Hai vạn dặm dưới đáy biển", "Không gia đình", "Cánh buồm đỏ thắm"...con có đọc nhưng chỉ đọc một lần thôi chị ạ :(( hay tại ngày xưa mình ít truyện nên cứ nghiền đi nghiền lại mấy quyển đấy chị nhỉ :P

    ReplyDelete
  8. @Titi: Ừa, về chuyện phát triển ngôn ngữ cho Tí thì mẹ Titi bậc thầy rồi. Chị cũng 'duyệt' sách truyện Dim Mei mua/ đọc, nhưng đúng là chỉ giật mình và hướng Dim đọc chuyện chữ khi Dim học lớp 6. Trước đó nhà toàn Thần đồng đất Việt, Doraemon, Thần thoại Hy lạp (bằng tranh)..v.v..

    ReplyDelete
  9. @Mèo bự: Ừa đúng đồng ý với Mèo bự. Nhiều cuốn sách được phát hành khá tùy tiện nên cha mẹ cần duyệt/ để ý/ tư vấn với con (hic, làm cha mẹ nhiều việc phải làm quá ta ơi :( )

    ReplyDelete
  10. @Mốc Mít: Ừa đúng nhỉ, những cuốn đương thời cũng nhiều cuốn hay. Dim thích bộ Harry Potter lắm (mà khổ, lẫn mua lẫn đọc mượn vì cuốn mới quá đắt, mẹ thường rình giảm giá hoặc sách cũ mới mua, trừ những dịp đặc biệt :()

    ReplyDelete
  11. Sách trên 700 trang mà bạn ấy làm cái vèo vậy sao? Ham đọc sách không sợ yếu môn Văn đâu.

    ReplyDelete
  12. Chị, có một thực tế rằng nếu từ nhỏ,mình hướng con trẻ theo hướng nào,hắn sẽ một phần đi theo hướng đó.Lúc nhỏ thì đọc truyện tranh là điều hiển nhiên, rồi Nhi Đồng, Rùa Vàng.Theo thời gian,trình độ đọc của con trẻ sẽ được nâng cấp từ từ, chuyển sang truyện chữ, quyển mỏng rồi đến quyển dày. Mình cũng sẽ tiếp tục đóng vai trò "hướng" chứ không "ép".

    ReplyDelete
  13. @Đỗ: 'Hắn' đang rất thích loạt phim về ma cà rồng này nên 'chiến' dữ vậy đó Đỗ à :-D

    ReplyDelete
  14. @Moon.: Đúng thế Moon. ơi. chị nhận ra điều này muộn đấy. Đúng thật là nếu 'theo' con dần dần, và 'hướng' con việc đọc theo từng lứa tuổi như em nói thì chị đã không phải 'giật mình'.

    ReplyDelete

Nào mình cùng chia sẻ cảm nhận...