September 20, 2010

Chuyện nghề - tiếp theo (4)

* CHUYỆN NGHỀ (1)
* CHUYỆN NGHỀ - tiếp theo (2)
* CHUYỆN NGHỀ - Tiếp theo (3)

TCT Quản lý bay - VATM Co. (Vietnam Air Traffic Management Coorporation) hiện là doanh nghiệp duy nhất ở VN cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cho tàu bay dân dụng trên vùng trời thuộc chủ quyền Việt Nam và các vùng thông báo bay (FIR) do Việt Nam quản lý (dịch vụ không lưu, thông tin, dẫn đường, giám sát, thông báo tin tức HK, khí tượng, tìm kiếm cứu nạn). Trước 1993 toàn bộ ngành HK Việt Nam quy về một mối, nhưng kể từ đó được tổ chức lại và chia tách các mảng lớn hạch toán độc lập: Các hãng hàng không (HK) / các tổng công ty Cảng HK - sân bay (miền Bắc, miền Trung, miền Nam)/ và mảng không lưu - VATM. Coi như như trước kia là anh em một nhà giờ tách ra làm ăn riêng, ai xài dịch vụ của người kia thì trả tiền. 'Cha mẹ' đôi khi có thò tay 'điều tiết', nhưng cũng không dễ vì điều tiết mà không công bằng là chúng dễ uýnh nhau.

Vậy để bà con hiểu hơn về bản đồ ngành hàng không ở mình: Việt Nam Airlines là một hãng HK - một con cá trong biển (a fish on the sea) - dĩ nhiên là 'con cá mập' trong ngành HK ở VN mình, nhưng cũng là một khách hàng của các TCT Cảng và của VATM. VATM lo phần điều hành tất cả các chuyến bay đi, đến các sân bay trong nước kể từ khi máy bay ra đường băng cất cánh cho đến khi hạ cánh. Ngoài ra còn điều hành các chuyến bay quá cảnh tức là không có đáp mà chỉ bay ngang qua vùng trời và vùng thông báo bay FIR ta quản lý - cái này đem lại một nguồn thu lớn ụ. Bay qua cũng bắt buộc phải đăng ký để được điều hành và phải móc bóp trả tiền dịch vụ, e he. Trong ngành, VATM được dí cho câu 'đếm ruồi ăn tiền' :) là vậy. Tiền thu từ 'đếm ruồi' kể cả ruồi bay ngang, ruồi đi và ruồi đậu, phần nộp ngân sách nhà nước phần được trích lại và Lana của cả nhà hưởng lương là một xí trong cái cục trích lại đó, hì hì).

Nói về Điều hành bay thì nhiều việc để nói lắm. Bắt đầu từ vùng thông báo bay FIR (Flight Information Region). Là thế này: vùng trời toàn cầu được chia ra các FIR giao cho các quốc gia quản lý. FIR thông thường bao trùm lãnh thổ hoặc một phần lãnh thổ của Quốc gia và các vùng trên công hải (vùng biển quốc tế) được giao trên cơ sở hiệp định không vận khu vực do tổ chức hàng không dân dụng thế giới ICAO (International Civil Aviation Organization) làm trọng tài. Việt Nam mình quản lý hai vùng FIR - FIR Hanoi và FIR Hochiminh (FIR Saigon cũ).
(Lịch sử vùng FIR là một câu chuyện dài đủ 1 entry, đi xuyên qua biến cố 1975, có những vấn đề rất hay đáng chia sẻ nhưng chắc chỉ kể qua email được thôi).
(Hình: 2 vùng FIRs do VN quản lý, 2004)

Các tàu bay bay qua không phận thuộc chủ quyền của Quốc gia nào phải được quốc gia đó cấp phép, ngược lại sẽ bị coi là 'máy bay lạ', bị nhắc nhở và/hoặc xử lý (nghe bạo lực nhỉ :D). Vì thế VATM luôn phải phối hợp thường xuyên với bên Quốc phòng để đảm bảo an ninh vùng trời cũng như an ninh an toàn cho các chuyến bay dân dụng (nghiêm trọng ghê, viết cái này cái mặt mình cứ nghênh nghênh là sao ta :D)

Khi tàu bay bay từ vùng FIR này qua FIR khác, các đơn vị kiểm soát không lưu sẽ 'bàn giao' việc điều hành, giống như khi ta qua biên giới vậy. Có khác là không phải xếp hàng chờ thò cái mặt cho họ ngó ngó nhập cảnh xuất cảnh rồi ký ký ba cái thủ tục hải quan rắc rối (à mà bay bò cũng có chuyện xin xỏ đấy nhưng vụ này nói sau đi). Ở điểm chuyển giao người lái (pilot) sẽ phải điều chỉnh tần số thiết bị để liên lạc với đơn vị điều hành bay mới. Chúng tớ hoàn thành nhiệm vụ, thu tiền và bai bai, chúc chuyến bay tốt đẹp :)

Quanh chuyện vùng FIR này còn có chuyện tranh chấp quyền quản lý vùng trời trên biển Đông (lão Trung Quốc bụng bự luôn muốn thò cái lưỡi to đáng ghét, rất đáng ghét). Chuyện này được dàn xếp xong xuôi vào cuối 2007 và thế là sau khi Lana đi học 2 năm 2005-2007 về thấy trên bản đồ vùng FIR của VN có một mảnh bị gạch xéo xéo bỏ ở vùng biển phía nam Đảo Hải Nam, tức là bị lẹm mất, tuy không lớn nhưng Lana vẫn cứ xót đứt ruột (không nói chuyện quốc gia đại sự thì Lana cũng mất một tẹo lương theo cái mảnh đó).

Nói chuyện điều hành bay là phải kể tàu bay được dẫn bay trên hệ thống các đường hàng không được quy chuẩn theo những tiêu chí nghiêm ngặt về không lưu. Các đường hàng không giống như các xa lộ / hành lang bề rộng 20 - 30km ở những mực bay FL (Flight Level) nhất định trên độ cao an toàn tối thiểu. Phân cách dọc, phân cách ngang, phân cách cao giữa các tàu bay phải được đảm bảo trên ngưỡng quy định để tránh va chạm. Khi mật độ tàu bay tăng, những đường bay mới song song - 'xa lộ một chiều' được 'kẻ' thêm; các 'cầu vượt', 'đường ngầm' được thiết kế bằng cách sử dụng các mực bay khác nhau. Nói túm lại sơ sơ cũng giống như thiết kế giao thông trên mặt đất, có khác trên trời là không gian ba chiều (có thêm các tầng - mực bay).
Thêm nữa là trên không vận tốc tàu bay rất lớn (400-500km/h với ATR72, 800-900km/h với Airbus, Boeing), nhanh hơn việc xử lý bằng mắt, nên việc giữ đường thông thoáng cả trên dưới ngang dọc là tiên quyết và buộc phải cần người dẫn đường, dọn đường, lên lịch, không cho phép anh nào chen lấn xô đẩy.

À hôm trước có một bạn hỏi đường HK cũng có kẹt đường? Thông thường lịch bay được xếp để bảo đảm phân cách tàu bay. Nhưng cũng có những tình huống như máy bay trễ so với lịch, sân bay này sân bay kia đóng cửa (vì lý do an ninh, thời tiết...v..v..) tàu bay phải bay vòng chờ, lịch bay bị dồn lại, khi đó sẽ đơn vị điều hành bay phải 'ra tay' điều tiết :)

Thôi dài quá đọc mệt. Hẹn cả nhà entry sau Lana sẽ viết thêm nốt về những thay đổi trong điều hành bay kể từ năm 92 ấy. Nếu là bây giờ chắc sẽ không có ánh mắt ám ảnh của Annette, sẽ không bao giờ ám ảnh đến thế...
(còn nữa để hết)

*** CHUYỆN NGHỀ (TIẾP THEO VÀ TẠM NGƯNG)

*** Đọc thêm:
- FIR LÀ GÌ?
- LÀM CHỦ VÙNG TRỜI

33 comments:

  1. Đọc ngấu nghiến ấy!

    ReplyDelete
  2. Em cũng đọc ngấu nghiến (nghỉ ăn sáng lun). Mặc dù thiệt tình là có nhiều chỗ đọc..hổng hiểu lắm,hehehe. Nhưng mà thấy hay ghê (hay nhất là phát hiện ra chị Lana đếm ruồi:D.lol)

    ReplyDelete
  3. Đọc không hề mệt chút nào, thật đó chị, mà còn thấy quá ngắn nữa.
    Dzậy là càng có lý do để "nâng niu" người ta, vì người ta chịu trách nhiệm cho sự an toàn của mình trong mỗi chuyến bay...lí do chính đáng quá đi .
    Phần nhạy cảm nhớ gửi mail cho em với nha.

    ReplyDelete
  4. @Mai: Mày..., dù gì cũng dính tí với công việc nhỉ?
    Này, nghĩ thế nào đi, rượu vang đợi lâu sắp chua rồi đấy.

    ReplyDelete
  5. Hôm nào em sẽ được nghe Lana kể về cái chỉ nên nói trong email nhé :-D

    ReplyDelete
  6. Cám ơn bạn Lana nhé, một bài viết được biết thêm nhiều điều bổ ích.

    ReplyDelete
  7. @Mía: Ráng viết gọn cho mọi người khỏi ngán đọc đó Mía. Chỗ nào 'hổng hiểu lắm' hỏi luôn đi nha người ta trả lời chớ không là thôi bỏ qua mất đó.

    Oh mà ăn sáng đi đã chứ (có thực mới vực được đọc :D).

    ReplyDelete
  8. @Moon: Hờ hờ... vậy là ghi lại 'ta được nâng niu'. Đang bay nè chớ để rơi bụp xuống đất đó nha :))
    Cái vụ gởi email còn phải coi nâng niu thế nào đã. hi hi.

    ReplyDelete
  9. @Titi: Chết thật câu này vừa trả lời Moon ở trên. Muốn ừ mà ừ không được :))

    ReplyDelete
  10. @Đỗ: Nghề của Lana và nghề của bác Đỗ có chung chữ 'hàng' bác nhỉ?

    ReplyDelete
  11. Hiểu thêm về ngành HK, hiểu thêm nghề của chị :D

    ReplyDelete
  12. @NMM: Nhà ấy có 'tay trong', thủ thỉ còn kỹ hơn thế này ấy chứ :))

    ReplyDelete
  13. Hỏi chị một câu : Mình nghe nói hiện nay 90% nhân viên ngành hàng không là người miền Bắc, điều này đúng không chị? (có thể chị không có số liệu cả ngành nhưng chắc chị biết được ở cơ quan chị ? )
    Cảm ơn chị.

    ReplyDelete
  14. Hí hí nhà em về nhà ít nói chuyện CV :P

    ReplyDelete
  15. Chị ơi, entry này mở mang đầu óc quá, hay !

    FIR Hochiminh rộng hơn FIR Hanoi nhiều nhỉ chị nhỉ (hichic, tư duy là chắc rộng vậy thu được nhiều tiền hơn nhiều).

    Tưởng tượng cảm giác nhìn lên bầu trời toàn những "con ruồi bé tẹo" bay đi bay lại, mà chúng lại phải nghe theo lời điều khiển từ mình nữa chứ, ôi, công việc gì mà khoái thế !

    ReplyDelete
  16. @TiTi : Ti iu ơi, gặp được chị Lana thì mình tranh thủ khai thác thêm nhiều thứ khác chứ, kha kha, cái gì gửi được qua email thì cứ email đi,

    ReplyDelete
  17. @Ẩn danh: Mình không có số liệu cả ngành bạn ạ. Cơ quan mình hiện nay ở HN người Bắc hầu hết. Còn trước kia khi ở TSN đơn vị nhỏ của mình có khoảng 30 - 40% đồng nghiệp người Nam, còn lại người Trung và người Bắc. Tụi mình dân kỹ thuật, cởi mở và hòa đồng. Mình luôn biết ơn các anh chị người Nam đồng nghiệp xưa đã không để mình bị cảm giác 'phân biệt' vì là người Bắc vô Nam, ngược lại mình luôn được thương quý. Giờ mỗi khi vào mình lại ngồi với mọi người, thấy ấm áp như xưa.

    Kể chuyện cá nhân mình, đi học chuyên ngành về ở HN đã kín chỗ không xin nổi việc trong khi TSN thiếu tuyển không đủ người làm. Thế là mình cắp giỏ vô. Bạn tin không?

    Câu hỏi bạn hỏi ẩn vấn đề khá tế nhị nên mình muốn nói thêm rằng có những con số là do lịch sử. Ước sao để không ai còn phải care chuyện phân biệt Bắc Nam.

    Có cái này, nếu có câu hỏi xin bạn để lại chút tên đặng mình biết mình đang nói chuyện với ai ha bạn. Mến.

    ReplyDelete
  18. Cái này hay quá! Nhiều thông tin chẳng mấy ai biết. Mà em viết rất dễ hiểu. Anh nhớ, ở Mỹ có ông nhà văn tên là Arthur Haley có viết 2 cuốn Phi Trường 80 và Bay vào nguy hiểm đọc rất là thích. Cũng nói về ngành Hàng không của em. Dễ hiều lắm!

    ReplyDelete
  19. @Thụy: Cảm ơn anh đã 'đọc ra'. Đúng là em viết cái này lâu lắm anh ạ. Phải chọn lựa cách viết để người ngoài nghề đọc dễ hình dung chứ không như viết nhật ký có gì thúc thúc trong đầu là ngồi là type ra thôi.

    ReplyDelete
  20. Không phải dính mà là say, thế mới viết được thế này. Đọc và thấy con bạn mình làm nghề đào tạo được lắm ấy :)

    ReplyDelete
  21. Quên mất 1 câu muốn hỏi. Mày có biết tại sao kỹ thuật ngày nay cho phép người ta hạ cánh cả trong điều kiên zero visibility vậy mà trong sương mù người ta lại ko cất cánh được ko?
    Biết một đằng là "hạ thổ", một đằng là "thăng thiên", mà vẫn thắc mắc quá:(

    ReplyDelete
  22. Chị Lana viết về nghề vừa dễ hiểu vừa hấp dẫn, giúp người không biết gì về hàng không (như em chẳng hạn) chỉ để ý cái tên Việt Nam Airlines to to :P

    ReplyDelete
  23. Á, nếu mà nâng niu tính bằng ốc thì ốc SG vô địch rồi chị ơi, ốc sáng trưa chiều tối đến nửa đêm, lúc nào cũng có, hic.

    ReplyDelete
  24. nhờ đọc ở đây, em mới biết thêm mấy điều chưa hề biết.
    mà chị viết sách huớng dẫn đuợc đó nghen!

    ReplyDelete
  25. @Mai: Ý muốn nói bạn mình đọc 'ngấu nghiến' là vì công việc của hắn có dính chút ít tới 'chuyện nghề' ấy chứ.

    Vụ hạ cánh (landing) và cất cánh (take-off), có lẽ mày nhầm 2 cái với nhau. Take-off có thể trong điều kiện zero visibility nhưng hạ cánh thì tầm nhìn bắt buộc phải trên tiêu chuẩn tối thiểu hạ cánh (landing minimum) để phi công nhìn thấy tim đường băng, đèn tín hiệu...). Chưa thấy sân bay nào có lanđing minimum cho tầm nhìn (visibility) là zero cả mày ạ.

    Nghĩ đơn giản thì hành lang cất cánh ít chướng ngại vật hơn hạ cánh và rộng hơn đường băng dưới mặt đất, nên 'dễ dàng' hơn trong điều kiện trời mù.

    ReplyDelete
  26. @HY & LeKhanhBaoQuyen: Cảm ơn hai bạn nha. Chị Lana cũng nghĩ nghề này ít người để ý vì nó hơi 'riêng' nên muốn viết những gì tóm gọn và đơn giản nhất cho mọi người hình dung. Đọc comment của HY và LeKhanhBaoQuyen thấy vui, biết series chuyện nghề ít nhiều có ích.

    ReplyDelete
  27. @Moon: Nâng niu không tính bằng Ốc, Giời ạ, chuyện Ốc là trả lời PTN cho vụ 'khai thác thêm về nghề' :))

    ReplyDelete
  28. Ừ, nhầm thật. Tự tin đến độ ko check lại thông tin trước khi hỏi :( Sáng qua sương mù, một lũ "ruồi" chậm bay, thế là nhớ đến tầm nhìn zero.

    ReplyDelete
  29. Em đọc bài này từ hôm trước rồi, nhưng sao cứ thấy hẫng hẫng, muốn nói chuyện với chị mà chả mở lời được, cứ băn khoăn mấy hôm nay, giờ mới hiểu vì sao hẫng, tại cứ mong chị kể nữa, viết về nghề thế này vẫn ít quá chị ơi!

    ReplyDelete
  30. @Daogiatrang: Viết cái này phải xắp xếp ý nên chậm, chị cũng muốn viết nốt mà chưa viết được. Em chờ chút nha.

    ReplyDelete
  31. Phi trường Tân Sơn Nhất

    ReplyDelete

Nào mình cùng chia sẻ cảm nhận...