Nói về Расул Гамзатов (Raxun Gamzatov) có nghĩa là nói về Đaghextan, xứ sở trên vùng núi Capcadơ, nơi có 36 dân tộc đang chung sống, trong đó có dân tộc Avar.
Гамзатов sinh ngày 8/9/1923 tại ngôi làng Avar thuộc vùng Tsada, phía Đông Bắc Capcadơ. Cha của ông, nhà thơ nhân dân Gamzar Tsada, người kế thừa nghệ thuật hát rong truyền thống của ông cha mà cho đến nay vẫn còn thịnh hành tại các vùng núi. Những thi sĩ hát rong khi ấy rất được đề cao và trọng vọng. Khi Makhmud, nhà thơ nổi tiếng của thế hệ trước, cất tiếng hát tại một nơi hội họp đông người, vừa kéo căng dây đàn pandura làm nhạc đệm thì dường như từ những em bé đến những người già đều nín thở và hồi hộp lắng nghe: thậm chí người ta còn có thể nghe thấy cả tiếng vỗ cánh của một con ong.
Đầu những năm 20 của thế kỷ XX, khi những người thầy giáo Xôviết đầu tiên đặt chân tới ngôi làng Avar, những người phụ nữ thường ngồi quay lưng lại khi các thầy giáo giảng bài và họ không bao giờ để lộ khuôn mặt của mình trước người lạ. Nhưng khi một nhà thơ hát rong đi ngang qua cùng với những bài tình ca thì họ lại ngước nhìn anh với vẻ ngưỡng mộ pha chút sùng bái và thậm chí còn vén cả mạng che mặt lên. Chàng trai trẻ Raxun, vốn không thể chịu đựng được bất kỳ sự ngắt lời nào, có thể ngồi hàng giờ để nghe cho đến hết những câu chuyện của người Avar, những huyền thoại và truyện ngụ ngôn mà người cha kể cho nghe. Ông nhớ lại: "Khi tôi còn nhỏ xíu, cha tôi thường bọc tôi trong tấm áo choàng bằng da cừu của ông và đọc những bài thơ của ông cho tôi nghe, vì thế tôi đã học thuộc lòng những bài thơ ấy ngay cả trước khi biết cưỡi ngựa hay buộc thắt lưng".
Từ khung cửa sổ nhỏ bé trong ngôi nhà mái bằng bằng đá vững chắc của mình, Raxun có thể nhìn thấy cánh đồng xanh bao la như một tấm khăn trải bàn trùm lên khắp ngôi làng và ở phía trên nhô ra những tảng đá lớn....
Khi viết những vần thơ đầu tiên của mình, Raxun mới 11 tuổi. Lúc đó, cậu bé nằm giấu mình trên ban công của ngôi nhà. Bài thơ đầu tiên của cậu kể về những cậu bé miền núi đã chạy như bay từ trên núi xuống khoảng đất trống, nơi có một chiếc máy bay đã hạ cánh xuống đó lần đầu tiên vào năm 1934.
Trong hơn 50 năm, Raxun Gamzatov là một trong những nhà thơ Xôviết viết nhiều nhất. Bằng ngòi bút của mình, ông đã cho ra đời những bài thơ tình lãng mạn, những bài thơ tự thuật dài, những bản ballad, những vần thơ trào phúng và những bài thơ 8 câu có tính triết lý sâu xa và ông đã có được hàng triệu độc giả trung thành.
Trái tim nhà thơ ngừng đập vào ngày 3/11/2003 ở tuổi 81.
Trước đó báo Lao Động Nga đã có bài phỏng vấn ông tại ngôi nhà của ông ở Makhachkala, thủ phủ của Đaghextan trên bờ biển Caspian (theo diendan.nuocnga.net):
Bạn đến Mkhatrcala hỏi bất cứ người dân nào họ đều chỉ cho bạn ngôi nhà của nhà thơ nổi tiếng Raxul Gamzatốp ở đâu. Ngôi nhà hai tầng xinh xắn ấm cúng này từ lâu đã trở thành một thắng cảnh nổi tiếng của thành phố. Nó thân thuộc với mỗi người dân đến mức khi nói tới các vị trí khác trong thành phố họ vẫn quen miệng nói: "... phố ấy, phố nọ... đi qua nhà Raxul..." hoặc "chỗ này cách nhà Raxul một trăm mét".
Ngôi nhà của nhà thơ giống như một bảo tàng sống mang tên ông. Ngày nay nền thi ca Xôviết đã đi vào lịch sử, những khách đến tham quan phải đăng ký trước một tuần lễ.
Chủ nhà đón khách niềm nở, thân mật theo kiểu phương Đông. Ông tiếp chuyện cởi mở, chân thành. Nhưng thật tiếc, tiếc đến se lòng Raxul Gamzatốp của chúng ta không còn được khoẻ. May thay trí tuệ ông vẫn minh mẫn như xưa, nhà thơ vốn có biệt tài ứng đáp nhanh, dí dỏm, hài hước. Ông nói: "...ý nghĩ thì vẫn chạy, còn mắt và tay thì lần chần".
- Các sĩ quan biên phòng vừa rời khỏi đây, - chủ nhà vừa nói vừa bước từng bước khó nhọc trên chiếc cầu thang dẫn lên phòng làm việc của ông. – Họ đã kể cho tôi nghe về những chiến công hiển hách trong việc bảo vệ cuộc sống bình yên của vùng rừng núi này.
Chúng tôi ngồi nói chuyện thoải mái bên chiếc lò sưởi. Cạnh đó là chiếc bàn ăn với những thức ăn, đồ uống còn lại mà nhà thơ vừa tiếp đãi khách biên phòng.
- Nay ra lệnh hồi phục lại nền "kinh tế" đã bị thâm hụt, - nhà thơ ra lệnh một cách hài hước cho cô con gái khi Xalikhát đang bước vào phòng để giúp bố tiếp khách.
Trong khi cô con gái tiến hành "quá trình hồi phục" bàn ăn thì Raxul Gamzatốp đưa mắt nhìn buồn rầu sang phía góc tường trên lò sưởi rồi nói:
- ở đây vốn vẫn treo một bộ sưu tập độc nhất vô nhị những loại dao găm cổ. Giữa ban ngày ban mặt tên trộm đã lẻn vào nhà không lấy gì hết, ngoài số dao găm này. Tôi khẩn khoản đề nghị công an thành phố thôi không truy tìm lại báu vật nữa. Có lẽ một người nào đó trước đây đã có mặt trong căn nhà này lấy trộm! Nghĩa là người đó đã cùng chia xẻ "bánh mì - muối" với tôi rồi đó. Đã thế thì thôi không còn thiết biết người đó là ai mà lại hèn hạ thế. Nếu bán bộ sưu tập đi, người đó sẽ giàu có. Thôi, hãy để hắn ta được sung sướng bởi sự giàu có này.
- Thưa Raxul Gamzatốp, vậy là kẻ đó đã cùng lúc vi phạm nhiều điều trong "Những lời thề nguyện của một người dân vùng núi" do ông soạn ra phải không ạ?
- Đúng, kẻ đó đã vi phạm thô bạo toàn bộ "Những lời thề nguyện – "Hiến pháp" gồm bảy điều của tôi rồi đó. Nhân đây xin nói thêm là điều một trong "Hiến pháp" nói rằng "là dao găm thì phải sắc bén, là đàn ông thì phải dũng cảm". Trong đó còn có các điều về tình bạn, về lòng mến khách. Theo cách hiểu của người dân vùng núi chúng tôi thì kẻ đó là một người sống ngoài vòng pháp luật.
- Luật pháp ngày nay soạn ra không thể áp đặt cho tất cả mọi người. Phải chăng do sự tự tôn, do lòng yêu thương quê hương bản quán quá mạnh mẽ? Ví như Đagextan của ta chẳng hạn, vốn là một nước cộng hoà tự trị trong Liên Xô trước đây, nơi có nhiều tôn giáo bắt rễ rất mạnh mẽ, trong những năm gần đây lại ủng hộ những người cộng sản...
- Theo tôi thì điều đó rõ như ban ngày. Thời Xôviết luật pháp, an ninh, trật tự được mọi người dân thực hiện răm rắp, xã hội không có người nghèo đói, không có người mù chữ. Giờ thì số người nghèo đó, mù chữ xuất hiện rất nhiều. Trước kia luật pháp nghiêm minh, giờ thì hoàn toàn buông lỏng. Có những điều trước kia ai cũng cho là đê mạt, hèn hạ giờ bỗng thành hiển hách lẫy lừng. Trong chúng ta xuất hiện nỗi sợ hãi âm ỉ, kéo dài trước thực trạng hiện nay và tương lai.
- Ngày nay khi mà cuộc chiến ở Tresnhia kề bên nước cộng hoà tự trị đa sắc tộc đagextan vẫn đang tiếp diễn, người ta có còn lắng nghe ý kiến của ông không?
- Có những lúc tôi giận trào nước mắt bởi người ta bóp méo những lời của tôi. Thí dụ trên một kênh truyền hình có uy tín người ta nói rằng, Gamzatốp gọi Samil Baxaep là kẻ hèn nhát. Không, tôi nói nó là kẻ tội phạm. Hèn nhát là từ quá xúc phạm đến người vùng núi. Mà xúc phạm đến nhân phẩm con người là điều cấm kỵ trong “Hiến pháp” của tôi.
- Về cuộc chiến ở Tresnhia nhà thơ là người phát biểu khá quyết liệt?
- Làm sao có thể im lặng được trước những hành động điên rồ mất trí khôn ấy. Tôi chưa hề biết một cuộc chiến nào ngu ngốc hơn cuộc chiến của những phần tử ly khai Tresnhia. Những kẻ chỉ huy đầu sỏ Tresnhia thề nguyền bảo vệ độc lập của xứ sở mình. Thử hỏi, vậy thì họ không muốn phụ thuộc vào ai? Vào chính những người già cả và trẻ em vẫn đang bị họ giết hại? Cái độc lập ấy chẳng để làm gì cả. Mười năm về trước tôi đã nói những điều đại loại như thế với Đuđaep khi hắn ta dẫn đầu một đoàn đại biểu đến chúc mừng tôi 70 tuổi. Hắn đã giận tôi về những nhận xét ấy. Đuđaep một mực cho rằng người dân Tresnhia đã có một sự lựa chọn tự giác, đúng đắn. Hoá ra đó là sự tự giác bước vào vực thẳm.
- Thưa ông, điều gì đem lại hoà bình?
- Tình yêu. Buổi sớm khi thức dậy, tôi nhìn thấy tia nắng mặt trời, thế là tôi hy vọng rằng chính nguồn sáng ấy sẽ chữa lành bệnh cho trái đất. Trái đất giống như người phụ nữ muốn làm mẹ, nhưng trời không cho họ sinh con. Khát vọng này chỉ có tình yêu mới đem lại được.
- Thưa Raxul Gamzatốp, trên bàn làm việc của nhà thơ bừa bộn những bản thảo sáng tác. Vậy là hàng ngày ông vẫn làm việc?
- Không được làm thơ là một hình phạt nặng nề nhất đối với tôi. Vì thế Thượng đế còn cho tôi giờ nào thì tôi tận dụng giờ ấy để viết ra những dòng thơ mới. Tôi vừa hoàn thành bản trường ca Thời gian và những con đường, viết về đời người. Hay có thể nói đó là những suy ngẫm về những năm tháng đã qua.
- Thưa nhà thơ, trong đó niềm vui nhiều hơn hay nỗi buồn nhiều hơn?
- Có lẽ bằng nhau. Bạn bè luôn gọi tôi là người thích đùa. Tôi luôn tìm cách gây vui vẻ cho người khác, ngay cả khi trong lòng đang buồn như trấu cắn. Chính vì lẽ đó mà bức chân dung biếm hoạ do hoạ sĩ Kucrưnhik vẽ tặng tôi thích nhất.
- Thưa Raxul Gamzatốp, người ta nói rằng nhà thơ thường thích đùa ở cấp "thượng đẳng".
- Tôi đã có dịp kể chuyện tiếu lâm cho Khơrutsốp, Brêgiênhép, Goocbachôp và Elsin nghe. Những năm tháng ấy đôi khi chỉ bằng một câu chuyện đùa ý nhị, đúng chỗ có thể làm dịu đi hẳn những vấn đề căng thẳng, gai góc. Tôi còn nhớ một câu chuyện vui sau. Vào ngày bỏ phiếu, một nhà văn nổi tiếng nọ không có mặt tại khu vực bầu cử. Không hiểu sao tin này đến tai một vị lãnh đạo cấp cao. Vị này ra lệnh khai trừ "phần tử tự do chủ nghĩa" này ra khỏi đảng. Nhà văn nọ hốt quá tìm tôi hỏi ý kiến. Tôi nói, cậu hãy đăng ký xin gặp trực tiếp cấp trên đi. Cậu hãy trình bày rằng, ngày bầu cử, là ngày hội lớn của toàn dân nên ngay từ sáng sớm cậu đã bắt đầu đón chào… và không ngờ hơi bị quá... chén. Nhà văn nghe lời tôi khuyên và được vị lãnh đạo tiếp. Nghe xong lời tường trình của nhà văn, vị lãnh đạo đã hơi xiêu lòng. Ông nói, thôi được thế thì hạ xuống mức cảnh cáo. Nhà văn chuẩn bị cáo từ ra về thì vị lãnh đạo nghĩ thế nào lại hỏi thêm, thế uống rượu gì? – Thưa, rượu cônhắc. - Được, còn đồ nhắm? – Dạ, cá hộp ạ. Nghe đến đây vị lãnh đạo nói dằn giọng: "Vậy thì vẫn phải khai trừ ra khỏi đảng! Vì tội uống rượu với đồ hộp. Cônhắc là phải uống với chanh".
Câu chuyện thứ hai xảy ra ở Hội Nhà văn Đagextan. Hồi ấy đứng trước thực trạng các nhà văn trong Hội bị chia rẽ thành hai phe, tôi phát biểu vui thế này: "... hơn một trăm hội viên mà chia thành hai phe thì có gì đáng ngại. ở Hội Nhạc sĩ có sáu hội viên mà chia thành sáu phe cơ mà!" Tiếng vang của lời phát biểu đó bay đến tận Matxcơva. Một nhà văn đã gửi bức điện cho Chủ tịch Chủ tịch Đoàn Xôviết Tối cao Pôtgoocnưi đòi kỷ luật Raxul Gamzatốp. Khi tôi lên Matxcơva dự kỳ họp thường kỳ Chủ tịch đoàn (khi ấy tôi là uỷ viên Chủ tịch đoàn) Nhicolai Vichtorovich Pôtgoocnưi mời tôi vào phòng làm việc, đưa cho xem bức điện. Tôi bắt đầu thanh minh. Bỗng Pôtgoocnưi nhíu lông mày căng thẳng hỏi:
- Này Raxul, ông có biết tại sao người ta không viết đơn, gửi điện đòi kỷ luật tôi không? Ông trả lời tôi đi! Tôi bối rối không biết nói gì.
- Bởi tôi "kiêng khem" chặt chẽ lắm. Nếu không, làm sao ngồi vững sau chiếc bàn này. Thôi, nghe tôi khuyên nhé: Khi nào còn sức khoẻ thì hãy sống cho vui vẻ, thoải mái. Thế nhé!
- Thưa Raxul Gamzatốp, từ đỉnh cao của những năm tháng trải qua nay nhìn lại ông có điều gì hối tiếc?
- Tôi không thể quên được sự kiện sau: năm tôi hơn hai mươi tuổi tôi đã đồng ý lên Matxcơva tham dự cuộc mít tinh lên án bọn "theo chủ nghĩa thế giới" Akhmatôva và Zosenko. Tôi bước lên diễn đàn tới tấp tung ra những lời phê phán. Về đến nhà bố tôi hỏi, thế con đã đọc những tác phẩm của họ chưa? Tôi thực thà thú nhận với bố tôi rằng chưa đọc. "Thế mà con dám phê phán là thế nào?" – Bố tôi nói như đinh đóng cột.
Bố tôi là người thầy của tôi, không chỉ trong thơ ca mà cả trong đời thường. Những dòng thơ của người hướng ta tới thiện tâm, chính nghĩa. Tôi muốn đi theo con đường đó. Tôi vô cùng tự hào khi được nhận giải thưởng Stalin sau bố tôi một năm. Năm 1951 bố tôi nhận giải, còn tôi thì năm 1952. Từ đó đến nay tôi vẫn tiếp bước theo con đường đó.
(Nguyễn Chí Được, theo báo Lao động Nga)
Nguồn:
http://diendan.nuocnga.net/,
http://www.thivien.net/)
Một số bài thơ của Raxul:
Những ngày nắng đã hết
(Rasul Gamzatov,
Nina dịch)
Những ngày nắng đã hết rồi em nhỉ,
Những đàn chim đã đi tránh rét rồi.
Chỉ còn hai ta với ngày với tháng,
Chỉ còn hai ta ở lại em ơi!
Chỉ có hai ta với cả đất trời,
Chỉ anh và em - người_yêu_quý_nhất
Em là niềm tin, em là số phận
Em là tình yêu - báu vật của tôi
Nhìn đuôi sam tóc em mãi không rời
Ngỡ cả đời chưa bao giờ được ngắm
Đàn chim nào chắc bay đi vội lắm
Để quên sợi lông tơ trên tóc, em ơi
Dẫu tóc anh thời gian phủ tuyết rồi,
tuyết không tan giữa mùa hè đầy nắng...
Nhưng trái tim vẫn như xưa, say đắm
- Em vẫn tuyệt vời hơn hết thảy, em ơi!
Mùa đông sẽ qua, và đàn chim trở lại
Với sắc màu xuân rực rỡ đẹp tươi
Nhưng màu tóc, em ơi, không về lại
Dẫu mùa xuân lay động cả cuộc đời...
Với nỗi buồn đã không cần che dấu
Hai chúng ta mỉm cười với mặt trời
Nhưng em vẫn là niềm tin, số phận
Vẫn là tình yêu - báu vật của tôi
ИСЧЕЗЛИ СОЛНЕЧНЫЕ ДНИ
(Расул Гамзатов)
Исчезли солнечные дни,
И птицы улетели,
И вот одни проводим мы
Неделю за неделей.
Вдвоём с тобой, вдвоём с тобой
Остались ты да я.
Любимая, любимая,
Бесценная моя!
Вдвоём с тобой, вдвоём с тобой
Остались ты да я.
Любимая, любимая,
Бесценная моя!
На косы вновь твои смотрю,
Не налюбуюсь за день.
Птиц улетевших белый пух
Пристал к отдельным прядям.
Пусть у меня на волосах
Лежит, не тая, снег...
Но ты, моя бесценная,
Как прежде, лучше всех.
Пусть у меня на волосах
Лежит, не тая, снег...
Но ты, моя бесценная,
Как прежде, лучше всех.
Все краски вешние неся,
Вернутся снова птицы,
Но цвет волос, но цвет волос
С весной не возвратится.
И солнцу улыбнёмся мы,
Печали не тая.
Любимая, любимая,
Бесценная моя!
И солнцу улыбнёмся мы,
Печали не тая.
Любимая, любимая,
Бесценная моя!
Trái tim chàng
(Raxul Gamzatov,
Thái Bá Tân dịch)
Trái tim chàng trai như ngọn lửa
Cô gái ơi nên nhớ điều này
Có thể làm lửa tàn, lửa tắt
Nhưng coi chừng cô bị cháy không hay
Trái tim chàng trai như dao sắc
Cô gái ơi nên nhớ điều này
Có thể làm con dao cùn, dao rơi xuống đất
Nhưng cũng xem chừng cô có thể đứt tay
Сердце джигита
(Расул Гамзатов)
Сердце джигита – горящий костер.
Девушка, будь осторожна:
Можно огонь погасить, разорить,
Искрой обжечься можно.
Сердце джигита – острый кинжал.
Девушка, будь осторожна:
Можно кинжал уронить, затупить,
Руку поранить можно
Sonnet tình yêu
(Chưa tìm được nguyên bản, bản dịch của Thái Bá Tân)
I .
Trên trái đất đường đi không kể xiết
Đường dài lâu, gian khổ cũng rất nhiều
Nhưng anh hiểu, khó và dài hơn hết
Là con đường ta vẫn gọi: tình yêu.
Ừ thì biết đường tình là không ngắn
Nhưng không ai thiếu nó sống yên lành
Ù thì biết khó khăn là vô tận
Nhưng lại đầy cám dỗ cuốn lòng anh.
Anh cứ nghĩ rằng anh, thật lạ
Chỉ trẻ khi đi trên vĩnh cửu đường này
Anh từng vấp, đã và đang sẽ ngã
Nhưng ngã rồi, lại dậy, bước đi ngay.
Và anh chắc không bao giờ lạc lối
Vì phía trước anh là em vẫy gọi
II.
Không thể nói tình yêu là trường học
Không phai ai muốn học cũng được vào
Nơi thầy giáo là nụ cuời tiếng khóc
Bắt học trò làm việc khắt khe sao.
Tôi đã học nhiều sách hay và hiểm,
Học càng lâu, càng thấy rõ một điều:
Khó có thể thành công nhờ kinh nghiệm.
Của những người thất bại với tình yêu.
Tôi cố học nhưng không vào, trầy trật,
Thường vấp đau, thi trượt, nợ bài,
Thường phạm những sai lầm nghiêm trọng nhất,
Lý luận, thực hành không sắc sảo, thường sai...
Thành ra tôi hầu như không tiến bộ
Dù đã học suốt đời trong trường đó.
Không đề
(Chưa tìm được nguyên bản, bản dịch của Thái Bá Tân)
Nếu em muốn anh thắp sao em ngắm
Anh sẽ xua cơn gió lạnh ngoài đồng
Sẽ đốt lửa chờ em về sưởi ấm
Che bốn bề em đỡ rét mùa đông
Và hai ta ngồi trong đêm thanh vắng
Xích lại gần nhau, không lý sự, hiền lành,
Cái buồn khổ trên vai em mang nặng
Anh sẵn sàng cho hết cả sang anh.
Anh sẽ cúi bên giường em lặng lẽ
Và để em không thức giấc,- che đèn
Anh sẽ hát những lời ru của mẹ,
Ngăn mọi điều bất hạnh đến bên em...
Và lúc ấy, em sẽ tin trên trái đất
Toàn người tốt, không có buồn, nước mắt.