December 10, 2009

Ba Mẹ

Ông nội là ông giáo làng biết tiếng Pháp. Ba là con trai duy nhất. Ba mẹ ở chung làng. Ngày lấy mẹ, Ba là người duy nhất ở làng lên Hà nội học Đại học. Ba nho nhã, thư sinh, hiền, từ tốn, nhân hậu, yêu thích công việc. Và Ba rất yêu mẹ.

Nhà ngoại ngày đó ở quê là 'địa chủ', có nhà tầng ruộng lúa sân kho từ nhiều đời để lại. Mẹ là con gái lớn. Ông ngoại mất khi mẹ 14 tuổi. Ngay sau đó là cải cách ruộng đất. Thật không dễ để hình dung mẹ đã cùng bà và các cậu, dì sống qua những tháng năm bĩ cực đó như thế nào. Một gia đình đang đầy đủ bỗng mất hết, trắng tay, bị tố, bị cả đứa trẻ 9 tuổi ngoài đường bắt cúi chào 'cán bộ' cũng phải cúi chào. Đấy là chắp nối từng 'rất ít' mẹ kể cho con khi con đã lớn, giọng mẹ bình thản, mẹ không hề lưu giữ thù hận hoặc cũng có thể là mẹ không muốn con cái bị ảnh hưởng cảm giác.

Mẹ xinh đẹp nhất làng, Bà ngoại và nhiều người vẫn kể thế. Mẹ thêu, móc, may, đan rất đẹp; mẹ đọc nhiều và thích đọc - chắc là nếp của mười mấy năm được là 'con nhà giàu'. Mẹ nghị lực, quyết đoán và luôn sống tích cực - chắc là được rèn qua những vật lộn với khó khăn vất vả những năm sau đó. Mẹ tinh tế, quan tâm và nghĩ rộng trong cư xử - là thừa hưởng cốt cách từ Bà ngoại. Sau này khi con đã lớn, một lần hai mẹ con nói chuyện, con nói với mẹ: 'Con thấy mọi điều ở mẹ đều tuyệt vời, chỉ mỗi điều mẹ nóng tính và đánh đòn con cái'. Mẹ bảo: 'Có lẽ do cuộc sống vất vả quá, 5 đứa con, chỉ lo sao cho cả nhà đủ ăn không bị đói đã khó lắm rồi. Chứ hồi con gái mẹ dịu tính, không thế đâu'.

Mẹ hài hước, con cái đều thừa hưởng điều này từ mẹ. Mỗi khi cả nhà vui đùa, Ba chỉ cười. Ngày xưa và bây giờ, cứ đông đủ là nhà mình đầy ắp những câu đùa, đầy ắp tiếng cười, thật vui.

Dường như có sự phân công tự nguyện giữa Ba Mẹ: Mẹ lo lắng mọi việc trong nhà, cái ăn, cái mặc, đến tất cả sắp xếp chi tiêu. Ba chỉ đi làm đưa hết lương cho mẹ, thế thôi, nhưng Ba lo mọi chuyện về học hành, sách vở, dạy, hướng học và truyền tính hiếu học cho con cái. Thời còn nghèo, cái nồi cơm đủ cho cả nhà là nỗi lo lớn nhất, nên cảm giác như mẹ là nội tướng trong nhà. Tuy vậy, mẹ luôn khiêm nhường trước Ba. Mẹ nhận tất cả những vất vả để Ba tập trung cho công việc mà Ba rất yêu thích. Xưa mẹ có lúc mặc quần áo vá, nhưng Ba luôn có 2, 3 cái sơ mi đẹp gọn gàng, luôn được mẹ giặt, gấp, treo phẳng phiu, cẩn thận, chỉn chu.

Hôm nay con bỗng ngồi nhớ lại nhà mình từ thời tụi con còn nhỏ cho đến bây giờ. Có những lúc ký ức bỗng quay lại rõ ràng lần lượt như những thước phim. Nhớ về Ba, hình ảnh rõ nhất, đẹp nhất trong con là lần đầu con từ Nga về phép sau 2 năm đi học xa nhà. Ba mẹ và cả nhà đón con ở Nội Bài. Con bước ra cửa nhà ga, ba cười vui thật vui, ôm con và lặp đi lặp lại "con gái tôi, con gái tôi". Nụ cười tươi trên gương mặt ba hạnh phúc hôm đó không gì đẹp và rạng rỡ hơn, con thích nhớ vô cùng.

Ký ức về mẹ đằm hơn. Con rất thường nhớ đến mẹ với những bài học. Mẹ hay nói chuyện với con cái, trong mỗi câu chuyện mẹ kể luôn kèm theo những thông điệp về con người, về nhân cách, về cách cư xử (mà mẹ gọi là cách ăn ở) và cách định hướng cho cuộc sống. Nhiều điều con chẳng nhận ra ngay, nhưng mỗi ngày lớn thêm, con lại ngộ ra cách nuôi dạy tụi con của mẹ. Con cái lớn lên là đi học, đi làm xa mẹ, ai cũng thường xuyên có thư mẹ. Những lá thư viết tay dài, chia sẻ, tâm sự, dặn dò. Chữ mẹ rất đẹp, đến bây giờ vẫn đẹp: cứng cáp, đều đặn, ngay thẳng và rõ ràng "làm cha mẹ ai cũng mong con mình không vấp ngã, nhưng mẹ cũng luôn dạy các con nếu vấp ngã thì phải biết đứng dậy đi tiếp".

Cách đây 4 năm, Anh Q. đưa cả gia đình qua Ukraine, còn con đi học ở Úc. Mẹ, ngoài 60 tuổi, quyết học cách vào Internet chát qua mạng để thường xuyên gặp và nói chuyện với các con. Một lần chát, nói chuyện con, mẹ viết "Mẹ không trách gì con đâu, mẹ thương con mà". Mắt con, tay con, màn hình nhòe nước làm con không thể viết tiếp.

Thời kỳ đó tự nhiên Ba Mẹ rất yếu. Cả hai cùng bệnh. Ba Mẹ vẫn luôn nói Ba Mẹ ổn để con cái yên tâm nhưng con biết Ba Mẹ lo 'khi mình có việc' 2 con lớn đều ở xa. Lần đầu tiên mẹ nhắn anh em con cùng lên mạng chát tập thể - ba mẹ bàn về chuyện thừa kế. Nhà mình xưa nay không ai nghĩ đến chuyện đó, mọi người đều tự lập, thương yêu, san sẻ - con chợt hiểu ba mẹ chuẩn bị cho 'quy luật'. Mẹ làm con sợ. Ở Melbourne, đi ngoài đường con chợt nghĩ rồi tuôn giàn nước mắt. Con viết cho mẹ: "Mẹ bây giờ còn được trông bà ngoại khi bà ngoại ốm (bà ngoại gần 90 tuổi). Con chỉ mong Ba Mẹ khỏe cho đến khi con nghỉ hưu. Mẹ phải cố gắng nhé".

Ý nghĩ sợ sẽ phải ân hận vì ba mẹ yếu khi con ở xa không về kịp là một trong mấy điều lớn con đặt lên bàn khi làm bài toán "ở lại Úc hay về VN" khi ấy.

Con về, rồi cả nhà anh Q. cũng về. Ba mẹ khỏe lại. 2 năm nay rồi Ba Mẹ đều rất khỏe và vui. Hai ông bà 70 tuổi mà hàng ngày Ông vẫn chở Bà đi chợ, tự lo. Mấy bữa này hàng ngày Ba còn chở Mẹ ra nhà H.O giúp trông thợ sửa nhà. D. chồng H.O đang đi học xa. Ba Mẹ thấy nhà hỏng nên kêu H.O đồng ý sửa đi Ba Mẹ còn khỏe lo trông giúp. Tụi con cứ đùa là "các cụ xin việc làm".

Hôm qua gọi về hỏi Ba "Sửa nhà bận thế mẹ có sao không Ba? sợ Mẹ lại yếu mệt". Ba cười: - Không, bận thế mà Mẹ lại khỏe ra, ăn được, ngủ được. Chắc vì thấy con sửa được nhà nên vui.
Đùa Ba: - Thế thì bao giờ việc nhà H.O sắp xong Ba bảo con nhé, để có gì nghĩ lên lịch vài việc sửa sang nữa cho Mẹ làm tiếp, tăng cường sức khỏe :)

À, còn một điều đặc biệt. Đến giờ, có cháu nội ngoại rồi, khi nói riêng Ba vẫn gọi Mẹ bằng tên, xưng anh. Nhiều lần mẹ nhắm đổi, nhưng tại sao lại phải đổi một thói quen dễ thương như thế chứ?

Con yêu và tự hào về Ba Mẹ vô cùng.

*** VỀ LANA

11 comments:

  1. Cái gốc đấy ... yêu thương vô cùng

    ReplyDelete
  2. Mẹ chị là người phụ nữ tuyệt vời, nên bà cũng đã tạo được một gia đình tuyệt vời. Phụ nữ muôn năm :-D

    ReplyDelete
  3. @Lana: Màn hình nhòe nước. Cảm ơn Lana.

    ReplyDelete
  4. Nhiều phụ nữ là "nội tướng trong nhà". Cũng lắm người "Mẹ luôn khiêm nhường trước Ba".
    Nhưng vừa là "nội tướng", vừa "khiêm nhường" như Mẹ Lana quả thật hiếm. Chúc hai bác sức khỏe và mãi hạnh phúc.

    ReplyDelete
  5. Cảm ơn những chia sẻ cảm động của Mai, Titi và Bí nhé.
    Cảm ơn Anonymous và lời chúc. Khi nào đó Lana sẽ kể về entry này và chuyển lời chúc đến Ba Mẹ.

    ReplyDelete
  6. Mình đọc bài này của Lana xúc động chảy nước mắt. Chúc hai bác luôn mạnh khỏe. Lana thật hạnh phúc vì được sinh ra dưới mái nhà của Ba Mẹ.

    ReplyDelete
  7. @HY: Lana viết kể lại cũng chảy nước mắt, đọc lại cũng chảy nước mắt. Cảm ơn giọt nước mắt chia sẻ của HY nhiều.

    ReplyDelete
  8. "Đến giờ, có cháu nội ngoại rồi, khi nói riêng Ba vẫn gọi Mẹ bằng tên, xưng anh. Nhiều lần mẹ nhắm đổi, nhưng tại sao lại phải đổi một thói quen dễ thương như thế chứ?"

    Thích, thích! ^^

    ReplyDelete
  9. Là lạ khi nghe chị gọi Ba mà không gọi là Bố ấy. :) :)

    Gia đình bên Nội của em ngày xưa cũng bị đấu tố. Nhưng bà Nội em thì không bao giờ muốn các thế hệ sau phải giữ lại thù hận mà bà chỉ buồn buồn mỗi khi kể lại cho con cháu nghe (để mà biết) thế thôi.

    Chị có nét giống Mẹ chị hơn Ba chị đấy phải không nào???

    Thăm 2 cụ giùm em luôn nha chị!

    ReplyDelete
  10. @Dã Quỳ: Ừa, ở nhà chị 5 anh em đều gọi Ba từ nhỏ, là vì Ba xưng Ba từ khi mẹ sinh anh Hai, riết cứ vậy gọi. Ngày đó Ba đi học, chắc có ảnh hưởng đặc biệt nào đó (Ba học nhiều người là trí thức ở Pháp về).
    Có một kỷ niệm rất vui: nhỏ em gái chị hồi nó 6 tuổi, một bác đồng nghiệp của Ba tới cổng, hỏi 'Bố cháu có nhà không?', nó lắc đầu. Lại hỏi 'Thế Bố cháu đâu?', nó nghĩ một hồi rồi trả lời 'bố ở Hà Nội'.
    (Hà Nội là cái gì xa xôi lắm nó nghe được, còn ở nhà nó chỉ biết Ba thôi :))

    Cảm ơn Dã Quỳ. Chị sẽ chuyển lời tới ông bà. Ông Bà sẽ vui lắm.

    ReplyDelete
  11. I just added this website to my rss reader, excellent stuff. Cannot get enough!

    ReplyDelete

Nào mình cùng chia sẻ cảm nhận...