December 31, 2009

31-12-2009

Ngày cuối cùng của năm cũ. Tối cuối cùng của năm cũ.

Ngoài đường đông đúc rộn ràng... đúng là năm mới đang bước đi ngoài ngõ. Cũng thấy bâng khuâng. Lại muốn ngồi nhớ lại năm cũ một chút.

2009 mình để mất xe máy vào mùng 3 Tết Nguyên đán - khi đi cùng Mei qua nhà đồng nghiệp ở Gia Lâm chúc Tết. Chiếc xe đã cũ, nhưng là xe của Ba. Ba mua và gắn bó với nó nhiều năm. Ba đã nhường cho mình mượn đi hồi cuối 2007 khi mình học xong trở về Hà Nội, bắt đầu ổn định lại cuộc sống bằng việc mua nhà nên chưa thể sắm xe. Và thế là mình đánh mất. Tiếc giá trị của nó có lẽ không bằng sự áy náy vì chiếc xe kỷ niệm của Ba.

'Mất của là mất ít'. 2009 mang lại cho mình nhiều hơn mất mà cái được nhiều có lẽ là tình cảm ấm áp của người thân yêu và những người bạn.

Đầu năm mình có một công việc mới. Không còn phải làm ca kíp. Lịch hàng ngày của mình ít chênh với Dim Mei hơn trước rất nhiều. Mình thích công việc này.

Ba Mẹ năm nay vui nhiều. Nụ cười tươi nhiều hơn những nghĩ suy.

Dim Mei lớn thêm một tuổi. Ít dần đi những ngộ nghĩnh trẻ thơ nhưng gần hơn như những người bạn biết cùng yêu thương và lo lắng chăm sóc.

Mình đón được V.Hoàng(Sapa) xuống chơi hè dài ngày để mình có thể gần con (đỡ đầu) hơn. Mình cùng cả nhà tổ chức được chuyến đi cho ba mẹ, V.Hoàng(T.Nguyên) và Bi, Cò cùng Dim Mei vào TP. HCM chơi hè - chuyến đi mà Mẹ nói là vô cùng giá trị, là sự kiện lớn với 3 đứa trẻ TN, và là 'điểm' để ông bà, các Bác kết nối đàn cháu thân nhau hơn, nhìn nhau cùng phấn đấu chăm ngoan hơn.

Ưu tiên cho ông bà và các cháu nên 6 anh em không có nhiều dịp để gặp mặt đông vui, nhưng liên lạc thì hình như không ai phải bị trống, thiếu. Với 6 anh em, 2009 là một năm không sôi động nhưng bình yên.

Mình có những người bạn tri kỷ, thân quý khiến cuộc sống của mình ấm áp. Mình có thêm nhóm bạn bloggers - cá tính, hiểu biết - với những giá trị của riêng mình và điểm chung là thật dễ cùng chia sẻ.

Năm nay là năm duy nhất ngày 20/11 mình không cùng Dim Mei đến thăm nhà Thày D. - Cô Q. - ông bà giáo yêu quý và tự nguyện kèm dạy mình môn toán từ hồi cấp 2. Ông Bà bây giờ đều gần 80 cả rồi. 20/11 năm nay mình lên Thái Nguyên với Ba Mẹ. Đến giờ vẫn cảm thấy áy náy vì không định trước sẽ về TN nên đã không đến thăm Thày Cô sớm hơn.

Một năm bình yên. Mình sẽ không viết dài. Cầu chúc năm mới 2010 thật anh lành hạnh phúc cho tất cả mọi người. Cầu chúc cho những người thân yêu và bạn bè quý mến thật nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui và những điều may mắn.

Xì-trét

Hôm qua tự nhiên rất nhiều việc. Không có việc gì to tát nhưng cứ việc này việc kia dồn dập. Tối về cảm giác như cái đầu bị rối toàn bộ, disordered... Vừa nói chuyện cười lốp bốp với B.Hiệp vì hắn gọi "em vừa thấy quảng cáo Neptune có đứa bé giống y chang bé Mei nên gọi ra xin bữa", thế mà 5 phút sau Mei hỏi "ai gọi đó mẹ?" chẳng còn nhớ gì, phải mở lại đt mới nhớ 'à là anh Hiệp-to'.
Tóm lại là cảm giác rất không ổn. Chỉ còn đủ tỉnh táo để tự bảo: Mình bị xì-trét rồi, mình muốn chui vào một chỗ thật yên tĩnh, thích được vỗ về, và nhắm mắt ngủ.

Thế là đi ngủ sớm hơn thường lệ. Nhờ Mei bóp đầu một lúc, và ngủ ngon. Và sáng hôm nay dậy lại thấy trở lại hoàn toàn bình thường. Lại hát :)

Ngồi điểm lại hôm qua nhé:

Sáng qua mẹ gọi 'Ba Mẹ định Tết này (Tết ta) vào SG ăn Tết L.O ạ - vì a. Quý và Phú không định ra'. - 'Vâng, con thấy cũng đúng'. Vâng đấy, nhưng trong lòng hơi bâng khuâng, vì quyết định này hơi bất ngờ. Ừ nhỉ? vì năm nào cũng là mọi người tập trung về nhà Thái Nguyên như một cái lệ - một cái lệ ai cũng tự nguyện thích và muốn giữ. Chính mình trước cuộc điện thoại sáng qua với mẹ cũng đang dao động giao thừa này sẽ ở lại nhà Kim Mã để còn thắp hương cho nhà ấm cúng hay về xum vầy ở TN. Bây giờ thì chẳng phải tính nữa.

Giữa sáng phó TGĐ ghé phòng, giao nhiệm vụ cho nhóm trong chiều phải tìm các văn bản PL nói về một vấn đề TCT đang gặp phải. Hẹn cuối giờ chiều sếp qua thảo luận. Cuống quýt tìm, cuống quýt đọc, cuống quýt ghi note, cuống quýt 'digest' những gì kịp đọc.

Giữa chiều đang bù đầu đọc thì một người bạn gọi điện cần nhờ kiếm chỗ máy bay đi gấp Đà nẵng. - 'Dạ', rồi gọi điện để nhờ (chứ mình có trực tiếp làm vé đâu).

Gần cuối giờ chiều Thủ quỹ gọi lên lãnh tiền: Lương T12 + Thưởng quý+ Thưởng Tết tây. Lãnh cho cả nhóm, rồi về chia, mỗi người được một cục to to. Ôi giời cả tòa nhà cơ quan rộn ràng như Tết. Gặp nhau là roi rói: 'cần mượn túi đựng không?'

Thật ra thì vui quá, buồn quá hay bất ngờ ... đều có thể burst cái đầu khiến nó xì-trét.

Lại tiếp tục tìm, đọc, ghi note. Chưa kịp xong, điện thoại - Là H., nhỏ bạn từ hồi mới ra trường đi làm trong SG. 'Hôm nay sinh nhật Ba, làm về ghé Ba nhé. Em cũng ghé Ba luôn.' (Ba đẻ H., nhưng mười mấy năm nay ông quý và coi mình như con trong nhà. Ông gọi mình là con, xưng Ba, còn mình gọi ông là 'ông Ba' :).

Hết giờ làm ghé qua nhà ông. Cả nhà đón mình vui vẻ, cảm giác y như mình về nhà TN với ba mẹ và cả nhà vậy. Lần nào cũng thế.

Về nhà, chị D. đã đến đang chờ. Lại chuyện của chị - lại là những phập phồng lo lắng cho con. Nỗi lo muôn thuở của người làm cha mẹ...

Cứ thế. Đến 9h tối thì mình được ngồi một mình với cái đầu lúc này rối tung. Dim đã đi ngủ trước. Ngồi ôm Mei một chút, khoe với con rằng mẹ được thưởng, mẹ sẽ trích mua cho 3 chị em (chị Tuyết và DM) mỗi người một món quà. Kêu với Tuyết và Mei rằng mẹ căng thẳng quá, không có gì ghê gớm, chỉ là mẹ mệt thôi.

Vậy mới biết mình rất kém chịu xì trét. Cứ có 3 việc chồng nhau một lúc là cái đầu mình đã rối rồi. Mình đúng là chỉ sống chậm được thôi.

*** Entry liên quan:
- Về Big Hiệp: THÔI THÌ... CƯỜI TƯƠI LÊN NHÉ

December 28, 2009

Noel muộn - ngày cuối tuần hạnh phúc

"Sau này con nói với con con về Ông già Noel..." 26/12/2009 - Mei (1999)

Cuối tuần rồi không có việc gì phải lo, không có lịch gì phải đi khỏi nhà. Chủ nhật Tuyết về quê. Nhà còn 3 người. Noel cả nhà không được nghỉ, nên cuối tuần coi như Noel muộn. Nhiều câu chuyện bí mật về Noel trước đây được nói ra. Nhiều kỷ niệm được nhắc lại. Gần gũi, thương yêu, và ấm áp. Mình yêu cuối tuần Noel muộn này.
Giữa chiều thứ 7 cùng Dim Mei và Thảo Mi đi bộ dạo ra nhà sách (Thảo Mi ở lại từ tối thứ 6). Dọc đường, dư âm Noel vẫn còn nên Mei lại hỏi mẹ về Noel. Năm nay là năm thứ hai Dim không viết thư cho Ông già Noel, và là năm đầu tiên của Mei. Sau Noel năm ngoái thì Mei biết quà của Ông già Noel là do mẹ chuẩn bị. Khi đó Mei học lớp 4. Câu chuyện với Mei hôm nay lặp lại y như mẹ nói chuyện với Dim cách đây 2 năm:

- Mẹ ơi, các bạn con nhiều bạn biết từ lâu rồi là không có Ông già Noel.
- Ừ. Còn Mẹ thì nghĩ khi các con còn nhỏ, được tin có Ông già Noel là một điều rất đẹp. Sau này con sẽ nghĩ lại và sẽ rất thích những Noel trước kia. Không có được những kỷ niệm như thế cũng là một thiệt thòi đấy con ạ.

- Vậy Ông già Noel không có thật đúng không mẹ?
- Ông già Noel không phải là người thật như chúng ta, nhưng Ông vẫn có thật con ạ. Ông có khi trẻ em tin là Ông có. Khi lớn lên không tin nữa, con sẽ cảm thấy tiếc.
- Vâng. Mẹ biết không? khi con hỏi chị Dim chị có tin có Ông già Noel không? Chị bảo với con là chị thấy tiếc là bây giờ chị biết rồi. Chị ước gì chị vẫn được tin cơ. Mẹ ơi, thế những quà Noel mọi khi là mẹ mua à?
- Ừ, mẹ mua. Nhưng là mẹ mua hộ Ông già Noel. Mẹ kể ví dụ nhé: Có một năm, chị Dim viết thư xin ông già Noel quà là một cái nhẫn. Chị Dim thích đeo nhẫn lắm nhưng mẹ không bao giờ cho (vì hồi 5 tuổi đi học mẫu giáo, Dim đã vô tình nuốt một cái nhẫn vàng nhỏ xíu của bạn làm cô giáo và mẹ sợ, phải theo dõi mãi). Cuối cùng trong quà của Ông già Noel cho Dim có một chiếc nhẫn bạc, nhưng Ông lại viết trong thư 'Ông tặng vì con ngoan, nhưng con nhớ mỗi lần muốn đeo con phải xin phép mẹ nhé'. Sau này thỉnh thoảng mẹ đồng ý cho Dim đeo một lúc và Dim rất nghe lời (Ông) :)

Ngày ở bên Úc, chị Dim biết mẹ đi học lại đi làm thêm vất vả. chị rất thích 1 chiếc xe scooter như bạn thân Kelsy nhưng biết nó mắc tiền nên không dám đòi mẹ mua (45USD một món đồ chơi với mẹ và Dim khi đó là mắc). Một lần mẹ thương quá, bảo: - Hay để dịp Noel mẹ mua tặng con một cái xe scooter nhé? Dim nói rất tin tưởng: - Thôi mẹ không phải mua cho con đâu mẹ ạ. Sắp Noel rồi, để con viết thư xin Ông già Noel! Và năm ấy chị Dim cũng có quà Noel là chiếc xe Scooter thật. (mẹ kể đến đây Dim vừa cười vừa khoác tay mẹ thật chặt).

Xa hơn, mẹ lại nhớ năm 2004 đúng hôm Noel mẹ đang phải công tác ở Đà nẵng. Mẹ đang ngồi trên xe với các bác đồng nghiệp thì điện thoại reo. Bên kia hai chị em con reo rất to, vô cùng rộn ràng, đúng thật niềm vui vỡ òa,: - Mẹ ơi, Ông già Noel đến rồi, có rất nhiều quà. Chị Tuyết đón bọn con về đến nhà thì đã thấy quà rồi. Ông đến rồi, nhiều quà lắm mẹ ạ! có cả quà cho mẹ, có cả quà cho chị Tuyết!. Mẹ để đt nói to - tất cả các bác trên xe đều rất vui, vui lây với mẹ.

- Thế lúc đó mẹ đi vắng làm sao mẹ chuẩn bị quà?
- Thì trước khi mẹ đi mẹ phải chuẩn bị trước.
- À, nhưng thư con và chị Dim viết cho Ông già Noel gửi bưu điện cơ mà, vì sao mẹ lại mua được đúng những thứ tụi con viết trong thư?
- (Cười xin lỗi) Cái này thì mẹ hơi cheating một chút, mẹ đọc lén thư. (hì, xấu hổ, mẹ dùng 'cheating' để tránh phải nói từ 'lừa dối' :(
- Con nhớ năm con ở Sài gòn Bố cũng chuẩn bị quà Ông già Noel, cả năm mình ăn Noel ở trên Thái nguyên, ông bà ngoại còn cùng cả nhà, cả tụi con đuổi tìm bắt Ông già Noel nữa.
- Đúng rồi. Từ khi chị Dim còn bé cho đến năm ngoái, mẹ luôn muốn để các con được dịp nhận quà của Ông già Noel thật vui. Mẹ lôi kéo được cả Bố và ông bà ngoại tham gia vào trò chơi này.

- Thế đúng là Ông già Noel không có thật mẹ nhỉ?
- Thế này con ạ: Ông già Noel không hiện diện như người thường, không ai nhìn thấy ông, nhưng Ông có ở trong niềm tin của trẻ em con ạ. Cũng giống như Chúa hay ông Trời vậy. Chúa và Ông Trời không phải người thường như chúng mình, nhưng trong niềm tin, người ta vẫn tin có Chúa Trời hiện diện ở đâu đó, vì thế họ cố gắng sống tốt vì họ tin sống tốt sẽ được gặp điều tốt lành may mắn còn làm điều xấu sẽ bị trừng phạt. Giống như con đã tin Ông già Noel rất phúc hậu, yêu trẻ em, và ai ngoan sẽ được Ông tặng quà. Vì thế mà cho đến nhiều nghìn năm nữa sẽ vẫn có Ông già Noel và trẻ em vẫn thích được tin có Ông già Noel.
Mẹ nhớ mỗi lần từ tháng 11 là hai chị em đã háo hức viết thư cho Ông già Noel, rồi chúng mình cùng thi đua xem ai ngoan. "Ai ngoan thì được Ông tặng quà, còn ai hư thì cũng vẫn được một gói quà, nhưng trong đó là cục than" :)
Mẹ thích nhớ lại lắm, vì nhớ lại mẹ cũng rất vui. Mẹ chắc là nhớ lại Dim Mei cũng rất vui. Mẹ mới đọc được bài báo của một nhà báo trả lời một em bé 8 tuổi. Em hỏi "Ông già Noel có thật không?" và nhà báo đã trả lời là Ông già Noel có trong niềm tin. Niềm tin ấy làm thế giới của các con đẹp hơn. Bài báo ấy có hơn 1 trăm năm nay rồi mà mỗi năm vẫn được in lại và rất nhiều người đọc. Chút nữa về mẹ sẽ cùng con đọc bài ấy nhé. Trước kia mẹ chưa đọc được bài báo này nhưng Mẹ tự hào là mẹ đã tạo được cho các con những Noel hết sức vui và rất là đáng nhớ.
- À... con hiểu rồi, mẹ biết không, may quá là hôm nay mẹ nói cho con, không thì sau này con lại nói với con con là không có Ông già Noel.

Mei nói rất thật, vô tư, giữa những câu chuyện. Ôi người-lớn-trẻ-con của tôi. Câu nói này của Mei ghi lại không sai một chữ (có lúc nào sau này Mei đọc lại và cảm thấy thú vị?). Viết lại mà vẫn mỉm cười một mình.
-------------------

Sau câu chuyện chiều thứ 7, sáng chủ nhật, ăn sáng xong, thư giãn, mẹ mang ra một túi ni-lông. Trong đó là những cái thư Dim, Mei gửi cho ông già Noel và thư Ông viết cho 2 chị em. Vẫn còn những ngạc nhiên - Ôi sao mẹ lại có những thư này? - Ừ, mẹ giữ để làm kỷ niệm.

2004: "... Ông ơi cháu và em rất thích 1 cái đồng hồ. Em cháu thích 1 dôi găng tay nữa. Còn cháu còn thích 1 chiếc nhẫn và một bộ quần áo mùa đông. Ông ơi cháu phải dừng bút đây. Chúc Ông vui vẻ."

2006: "Ông già Noel kính mến, năm nay cháu được mẹ cháu đưa cháu sang bên Úc chơi với mẹ cháu và chị cháu. Hiện tại cháu vẫn đang ở bên Úc, cháu tranh thủ viết thư cho Ông...".
(Trước khi về, mẹ phải soạn bỏ lại rất nhiều đồ, nhưng những lá thư này thì mẹ không thể để thất lạc)

2007: "...mẹ con rất đáng được nhận quà nên con xin ông Sôcôla loại ngon và đắng (cho mẹ). Chị Tuyết ngày đi làm tối đi học rất mệt và mỏi chân, và giày chị luôn bị hỏng, nên con muốn ông mua cho chị đôi giày tốt...".

Một buổi sáng cả nhà cùng đọc lại thư cũ, kể lại chuyện cũ, nói chuyện thương yêu.
Cuối cùng, Mei dựa đầu vào mẹ, nói: Mẹ ơi, sang năm con sẽ viết thư cho Ông già Noel!
(hình: sưu tầm từ google search)

Ông già Noel hiện diện trong niềm tin

Đọc được bài báo quá sức dễ thương cho câu hỏi "ÔNG GIÀ NOEL CÓ THẬT KHÔNG?". Bài báo trên New York Sun từ cuối thế kỷ thứ 19 và mỗi năm đều được in lại trang trọng trên chính tờ báo này và nhiều tờ báo khác, bằng nhiều thứ tiếng, bởi câu hỏi "Ông già Noel có thật không" mãi mãi vẫn là câu hỏi tươi mới của hàng triệu trẻ thơ trên khắp thế giới.

Đây thật sự là câu trả lời hay nhất, đầy đủ nhất và tuyệt vời nhất trước câu hỏi "Ông già Noel có thật không?" cho mọi trẻ thơ. Chưa một ai nhìn thấy Ông già Noel không có nghĩa là Ông không có thật. Ông có trong "niềm tin, trí tưởng tượng, tình yêu và sự lãng mạn" - cuộc sống sẽ buồn tẻ thế nào nếu không còn những điều này? Trong thế giới tưởng tượng đầy mầu sắc của trẻ em, Ông già Noel giống như một nhân vật cổ tích nhưng lại thật gần gũi, đặc biệt là Ông vô cùng phúc hậu và yêu quý trẻ thơ. Chúng ta đọc truyện cổ tích cho con yêu mỗi buổi tối trước khi ngủ, sao lại không giữ thêm Ông già Noel như một hình ảnh đẹp trong thế giới tưởng tượng lung linh của trẻ, cho chúng một cái nhìn lạc quan trước khi chúng lớn lên và phải tham gia vào thế giới trần trụi đầy rắc rối của người lớn?

----------------------
Trước lễ Noel 1897, cô bé Virginia O’Hanlon đã gửi một lá thư đến tòa soạn báo The New York Sun để hỏi một vấn đề mà bé đang rất băn khoăn. Bức thư như sau:

Bác Tổng biên tập quý mến,
Cháu 8 tuổi. Mấy đứa bạn của cháu nói là không có ông già Noel. Bố cháu bảo, "Nếu con thấy báo The Sun nói có, thì là có". Xin làm ơn cho cháu biết sự thật, có ông già Noel không ạ?
Virginia O’Hanlon
115 đường West Ninety-Fifth.

Và câu hỏi ấy được trả lời bằng một bài viết vội ngay vào lúc tờ báo chuẩn bị lên khuôn:

"Cháu Virginia, các bạn nhỏ của cháu đã sai rồi. Các bạn ấy đã bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hoài nghi của một thời đại hoài nghi. Các bạn ấy không tin những điều không nhìn thấy. Các bạn ấy nghĩ rằng những gì mà đầu óc nhỏ bé của chúng không hiểu nổi đều không có thật.

Nhưng tất cả mọi đầu óc, Virginia ạ, dù là của người lớn hay trẻ em, đều nhỏ bé cả. Trong vũ trụ rộng lớn này, trí óc con người chỉ là một con côn trùng, một con kiến so với thế giới vô cùng bên ngoài nó; nhỏ bé cũng như khả năng trí tuệ của con người trong việc nắm bắt toàn bộ sự thật và kiến thức vậy.


Bức thư của cô bé Virginia viết năm 1897

Có chứ Virginia, có ông già Noel ! Ông hiện diện cũng chắc chắn như tình yêu, sự rộng lượng và lòng thành tâm đang hiện diện, mà cháu đã biết rằng chúng có ở khắp mọi nơi, và đang mang đến cho cuộc sống của cháu cái đẹp và niềm vui cao quý nhất.

Chao ôi, thế giới này sẽ ảm đạm biết bao nếu không có ông già Noel. Điều đó cũng buồn như nếu không có những bé Virginia. Lúc đó sẽ không có niềm tin con trẻ, thơ ca hay sự lãng mạn để ta còn tồn tại được nơi đây. Ta còn cảm nhận được vui thú gì khi mất đi tri giác và thị giác. Ánh sáng bất diệt mà trẻ thơ đổ tràn thế gian lịm tắt mất thôi.

Không tin có ông già Noel ư? Thế thì có lẽ cháu cũng chẳng tin có các thiên thần! Cháu có thể xin bố thuê người canh chừng tất cả các ống khói vào đêm Giáng sinh để bắt cho được ông già Noel, nhưng dẫu họ có không thấy ông già Noel leo xuống các ống khói thì đã chứng minh được gì nào? Chưa ai thấy ông già Noel ra sao, nhưng cũng chẳng có bằng chứng nào cho thấy ông không tồn tại.

Những điều thật nhất trên thế giới này là những điều mà cả người lớn và trẻ em đều không thể thấy. Cháu đã bao giờ thấy những bà tiên nhảy múa trên thảm cỏ chưa? Dĩ nhiên là chưa, nhưng vậy không chứng tỏ rằng họ không có mặt nơi đó. Không ai có thể nhận thức hoặc tưởng tượng ra được tất cả những điều kỳ diệu không hoặc không thể thấy được trong thế giới này.

Cháu có thể tháo tung cái lục lạc của em bé để tìm cho ra thứ gì đã tạo nên tiếng động bên trong, nhưng có một tấm mạng che cái thế giới chúng ta không thấy được mà không một người mạnh nhất hoặc thậm chí tất cả những người mạnh nhất từng sống hợp lại có thể xé toang nó được. Chỉ có lòng tin, trí tưởng tượng, thơ ca, tình yêu và sự lãng mạn mới có đủ sức mạnh vén bức màn đó, để ta được chiêm ngưỡng và vẽ nên cái đẹp cùng sự huy hoàng của nó.

Liệu điều đó có thật không ư! Virginia ạ, trong cả thế giới này không có gì khác thật và vĩnh cửu như vậy đâu.

Không có ông già Noel ư! Ơn Chúa! ông vẫn sống, và sống mãi muôn đời. Hàng nghìn năm tới nữa, không, cháu Virginia ạ, hàng chục lần của hàng chục nghìn năm sau nữa, ông già Noel vẫn sẽ tiếp tục là niềm vui của những trái tim thơ trẻ.

Chúc cháu Giáng sinh hạnh phúc".


Hai nhân vật chính của câu chuyện và bài báo trên New York Sun từ năm 1897

Tác giả của lá thư trả lời là Francis Pharcellus Church, cây bút bình luận của The Sun, khi ấy 57 tuổi.
Câu hỏi thơ ngây của Virginia được đăng trên tờ New York Sun vào ngày 21 tháng 9 năm 1897. Tác giả của lá thư tòa soạn trả lời bé Virginia chỉ được công bố tên thật sau khi ông mất vào tháng 4 năm 1906. Theo Viện Bảo tàng Báo chí ở Arlington (bang Virginia): Bài viết này được in lại nhiều nhất trong lịch sử báo chí Mỹ (được in liên tục mỗi năm vào dịp lễ Noel trên tờ The Sun), được dịch ra nhiều thứ tiếng, và được trích đăng trong nhiều sách báo trên toàn thế giới.

Còn Virginia O’Hanlon Douglas cũng đã mất năm 1971 ở tuổi 81, sau một cuộc đời 47 năm làm giáo viên cống hiến cho việc giáo dục trẻ thơ vùng Upper New York. Hành trang cho sự nghiệp giáo dục của bà Virginia là lá thư phúc đáp của ông Francis P. Church mà Bà cho biết đã mang theo mình suốt cả cuộc đời.

Có lẽ Francis P. Church không ngờ rằng bài báo của mình đã đi vào lịch sử: là bài báo được in lại nhiều nhất và được dịch ra nhiều thứ tiếng, xuất hiện trên phim ảnh, sách, và cả tem. Bài báo gây xúc động cho độc giả nên sau đó mỗi năm cứ đến mùa Giáng sinh, lại được đăng lại một cách trang trọng trên The Sun cho đến năm 1950, khi tờ báo này đình bản.
(Theo vietnamnet.vn)


* Thêm về bài báo này:
http://en.wikipedia.org/wiki/Yes,_Virginia,_there_is_a_Santa_Claus

December 25, 2009

Lòng nhân hậu, tính ích kỷ và sự vô cảm

Hôm nay đọc được entry "Tình yêu vĩnh cửu" ở một Blog bạn. Câu chuyện vô cùng cảm động nhưng cũng thật xót xa. Cô sinh viên năm thứ 3 của một trường cao đẳng, như một định mệnh, đã cùng các bạn chia sẻ phòng trọ cho một cô gái bị người yêu bỏ rơi cùng với bào thai trong bụng, để rồi sau đó bất đắc dĩ phải chăm sóc cô ta khi sinh nở, rồi cưu mang và nuôi bé khi bé bị mẹ bỏ rơi lại và ra đi.

Quá cảm động, lại nhớ ở đâu đó đã đọc về câu chuyện này, mình vội tìm... Thì ra cuối năm 2007 trên mạng đã có loạt bài viết về cô - cô giáo Thúy Nga của nhóm phóng viên baovanhoa.vn, mục đích kể về việc gian nan đi làm khai sinh cho bé (bé Trang) mà chưa có kết quả. Đọc những bài báo khi đó cứ tưởng như hạnh phúc đã mỉm cười khi cô gái có tấm lòng người mẹ đã có một chỗ dựa - một người đàn ông 'dám bước qua dư luận' để cưới cô cùng với con gái nuôi.

NHƯNG chỉ sau đó hơn một năm, trong loạt Ký sự về thử ADN của Tuoitreonline có bài viết về đoạn trường tiếp theo của cô gái - người mẹ: Bé Trang quá giống và quấn quýt với mẹ nuôi đã khiến sự nghi ngờ của gia đình chồng lấn át cả tình người/ sự cảm thông. Họ đã làm tổn thương cô đến đau đớn. Và cô - lặng lẽ đưa bé Trang lên Hà Nội sinh đứa con đầu lòng một mình. Thật xót xa.
(Ảnh dưới: Mẹ và con gái nuôi, nguồn: tuoitre.com.vn)

Nhiều trang mạng sao đi chép lại, không ghi nguồn xuất xứ - mình không biết thật sự câu chuyện đúng đến đâu, người thật sự viết câu chuyện này là ai... Nhưng qua những bài, thứ tự thời gian, hình ảnh... có thể tin được câu chuyện cô gái sinh viên cưu mang và yêu thương một đứa trẻ bị chối bỏ là có thật. Chuyện cô phải đối diện với dư luận, chia tay người yêu vì không thể bỏ bé theo tối hậu thư 'hoặc bé Trang hoặc anh', bị gia đình chồng soi xét, gây sức ép... cũng là điều hoàn toàn có thể ở những vùng miền quê (và có thể là cả thành phố nữa) - khi mà ở VN, bên cạnh những tấm lòng nhân hậu vẫn còn rất nhiều những cái đầu ích kỷ, những cách nhìn hạn hẹp, nhân danh đạo đức khuôn mẫu mải mê suy xét người khác, lạnh lùng.

Người thân vì xót cô, người ngoài vì vô cảm, có thể sẽ không đồng tình với việc cô làm, kể cả khi cô nhận nuôi bé, khi cô không chịu rời bé và chấp nhận chia tay người yêu, khi cô lại một lần nữa chấp nhận một mình vì quá tổn thương trước sự ích kỷ đến tàn nhẫn... Người này hay người khác có thể rằng cô dại nên thiệt, rằng cô ngang bướng, khác người... Nhưng đặt là mình, nếu gặp những chuyện như thế mình cũng sẽ làm như cô, từng bước. Vậy nên coi đó là định mệnh. Và cô không (chưa ?) gặp được người quý trọng tấm lòng của cô, yêu thương cô đủ để cùng cô chia sẻ cả yêu thương và những gập ghềnh của cuộc sống - thì đành coi như là số phận cô chưa có được vậy.

Không biết có đúng là cô bây giờ sống trong căn nhà thuê ở Hà nội với 2 đứa con nhỏ như những gi mình đọc được? Cuộc sống của 3 mẹ con cô thế nào? Mình bỗng muốn biết thêm về cuộc sống của họ quá. Nếu sự thật cuộc sống còn rất vất vả chông chênh với 3 mẹ con - lại mong có những bù đắp, mong có những tấm lòng, những sự chia sẻ vật chất và tinh thần với họ. Bằng cách nào đây?

Mình biết tối nay giấc ngủ sẽ hơi nặng lòng.

* Links tham khảo:
Cháu Trang vẫn chưa thể có giấy khai sinh?
Phóng sự: Những kỳ án ADN
http://www.svvn.vn/vn/printnews/446.svvn

December 23, 2009

Chị Chi

Chị Chi là 1 trong 3 người của nhóm giáo viên hướng dẫn luận án của mình ở Melbourne. Chị là người gốc Việt. Chị đi sau giải phóng vài năm và định cư ở Úc. Sau khi làm luận án tiến sĩ ở trường ĐH Monash chị về làm cho TT nghiên cứu CSIRO ở Melbourne. Chị về Việt Nam chơi dịp lễ Noel kết hợp với dự hội thảo khoa học ở Hà Nội. Mấy hôm nay chị ở nhà mình. Chị không thích ở Khách sạn. Chị giản dị, và cảm thấy thoải mái. Mình cũng vui vì như thế tiện quan tâm tới chị hơn. Chị lần đầu đến Hà Nội.

Chị Chi rất tình cảm. Chị chỉ ở HN vài ngày nên lịch đưa chị đi quanh Hà Nội đã kín hết thời gian. Được một khoảng khắc 2 chị em ngồi ở nhà bình yên, mình pha cà phê chị uống. Chị hỏi: - "Ủa em uống cà phê ở nhà nữa hả? chị nhớ hồi bên đó ở phòng em chỉ uống trà". Rồi chị bảo: - "Cái ly và chiếc muỗng nhỏ uống nước của em để ở phòng làm việc của chị tới giờ chị vẫn để nguyên chỗ cũ. Chị bảo thôi để đó đi, mai mốt O. nó qua nó xài để uống nước" (ngày về lu bu không kịp dọn hết đồ cá nhân). Ừa chị, không biết có bao giờ em qua thăm lại Melbourne?

Quê chị ở Tây Ninh, Nam bộ. Chị là Single Mum - a happy single mum: Chị có 1 cậu con trai rất thông minh chăm chỉ đang học năm thứ 2 khoa Y đại học Monash, Melbourne, bằng học bổng toàn phần của trường. Hai mẹ con thân thiết và cậu bé rất yêu và quan tâm đến mẹ.

Ở Melbourne chị sống hiền lành và khá khép kín. Chị chủ yếu đi làm và chăm sóc cậu con trai mà dù cậu đã là thanh niên chị vẫn luôn gọi âu yếm là 'honey'. Chị ít giao lưu với cộng đồng người Việt, chủ yếu là với những đồng nghiệp ở TT nghiên cứu của chị.

Mẹ chị mới mất cách đây 2 năm ở Tây Ninh. Chị là con lớn, có các em trai và em gái. Họ đều ở Sài gòn hoặc Tây Ninh và đa phần đều không khá giả. Trong nhà chỉ mình chị thích học, vươn lên và vững vàng trong cuộc sống.

Những năm gần đây, nhất là khi mẹ chị già, bệnh rồi mất, chị mới liên hệ nhiều với gia đình ở VN. Giờ đây khi không phải lo tiền học cho con nữa, chị bắt đầu đem tất cả số tiền tiết kiệm được về giúp các em đầu tư công việc, trang trải tiền học cho các cháu, tạo dựng công ăn việc làm... Chị giúp hết mức chị có thể và còn hơn có thể nữa.

Mình không hỏi. Nhưng câu hỏi của mình hôm qua được trả lời. Chị tâm sự: Đến giờ có những lúc chị cảm thấy trước đây chị quá ích kỷ. Chị chỉ lo cho chị và con chị. Chị để các em sống nghèo khó và thất học. Vì thế bây giờ chị rất muốn giúp đỡ các em, các cháu. Các em chị giờ đã quá lớn tuổi có nhiều điều chị không thể giúp thay đổi được. Dù sao chị vẫn cố gắng hết mức.

Đưa chị đi làng nghề Bát Tràng. Đưa chị đi vòng vòng Hà Nội. Chị rất vui. Chị nói chị thích Hà Nội hơn Sài Gòn, nhưng chị rất sợ đường phố đông đúc với giao thông hỗn loạn ở Việt Nam.

Học trò đón cô giáo


Với 3 đứa em chị đã gặp ở Melbourne (chụp tại một phòng nghiên cứu của ĐH KHTN Hà Nội)


Rất thích khung cảnh hồ thơ mộng và những gốc cây già thả rễ xuống Hồ Gươm:


Blogger - Fellows

Offline Bloggers 16/12/2009, để rồi lại hẹn thêm 1 offline gần vào dịp Noel và một offline xa giữa tháng 1. Có vẻ như kế hoạch tụ tập khá dầy đấy chứ? Ở Việt Nam đúng là sướng thật! (hì, câu này dành cho những ai tham gia cuộc tranh luận "ở đâu?" bữa offline).



Lại nào:

December 19, 2009

ĐI HỌC

Tối thứ 6, đi học buổi đầu của chuyên đề "Quản lý dự án đầu tư". Trong khi giảng liên hệ với thực tế cuộc sống, thầy dẫn 4 câu thơ:

Mở mắt ra gặp toàn những người khôn!
Nhắm mắt lại, chao ôi, bao người dại!
Ngửa bàn tay lên, lật bàn tay lại
Mặt trắng, mặt đen... hai phía cũng tay mình.

Trời, thấy ngấm, vội vàng lật mặt cuối vở chép lại. Cũng may mình là tay tốc ký hạng ưu.
Chép kịp xong, lắng nghe thầy giảng giải rằng con người ta khôn đó mà dại đó. Tưởng là khôn mà không hẳn đã khôn. Khôn - dại, trắng - đen nhiều khi là tương đối, là do góc nhìn của mình, do cách mình nhìn sự việc mà ra (hai phía cũng tay mình).
Sắc sắc không không.
Vô thường.
...
Về đến nhà vội tra tìm, thì ra đó là bài thơ 4 câu "Sấp ngửa" của Võ Thanh An. Mình đọc, ngẫm, thấy thật sâu xa mà không đủ lời để bình. Kém văn chương hay chưa đủ trải nghiệm?
Không biết nữa.

December 17, 2009

Bé Mei (2)

Bé Mei 10 tuổi, học lớp 5. Sáng nay từ 06:00 đến 06:45am có 3 câu chuyện:

1. Sớm, bé đưa mẹ tờ giấy kiểm tra môn toán để mẹ ký nhận đã xem. Bé được 8.5đ. Ngoài những phép toán làm đúng, có 4 phép toán cô đề chữ 'S' (sai) bằng mực đỏ.
Mẹ xem, toàn là lỗi bé làm ẩu. Nhân, chia nhầm. Mẹ bảo: - mẹ thấy toàn lỗi nhầm tính toán, bé ẩu chứ không phải bài toán khó. Bé rút kinh nghiệm nha.
Bé: - Dạ. Nhưng mà bài này con thiếu dấu phẩy chứ không phải con làm sai mẹ ạ.
Mẹ: - Ôi trời, toán là phải chính xác. Kết quả phép chia là 2.6 bé viết thành 26 là sai gấp 10 lần rồi còn gì?
Bé 'vâng' nhỏ nhỏ, ra chiều vẫn lăn tăn, ý là khi đặt phép chia, bé quên đặt dấu phẩy chứ không phải làm phép chia sai. Hix.
Hoan hô tinh thần đối thoại. Không hoan hô tính ngố.

2. Mẹ ký xong, bé tiếp tục kể: - Mẹ ơi, bài này thật ra hôm qua cô chấm nhầm cho con 1 con toán. Nhưng sửa xong rồi cô vẫn không thay đổi điểm, con vẫn được 8.5
Mẹ: - Thế à? Thế là con làm đúng cô nhầm thành sai?
Bé: - Không, câu đó con làm sai nhưng cô lại chấm Đ (đúng) cơ. Nộp bài cho cô xong là con biết con sai. Cô trả bài con thấy cô chấm đúng ('Đ') nên con mang bài lên bảo cô. Cô sửa thành 'S' nhưng cô lại không sửa điểm. Cô không trừ điểm con.
Mẹ: - À, mẹ đoán ra là cô trừ thêm điểm con vì phép tính sai, nhưng lại cộng thêm vì con dũng cảm và thật thà. Thế nên điểm vẫn vậy đấy. (Thật ra mẹ đoán là điểm đã vào sổ, cô ngại sửa :D)
Kết luận: Không hoan hô bé chuyện tính ẩu. Hoan hô tính thật thà.

3. Chuẩn bị đi học, mẹ nhắc: - Con đi tất (vớ) vào chân chứ, hôm nay trời lạnh đấy.
Bé (làm bộ nhăn nhó): - Nhưng mà đi tất hôi chân lắm.
Mẹ: - Vậy thì đi học về đến nhà con bỏ tất ra liền rồi rửa chân nước ấm.
Bé: - Nhưng mà tất bị đen dưới gót, con ngại giặt lắm.
Mẹ (định rút lui để thương lượng): - Trời lạnh phải đi tất không thì ốm. Hay nhờ chị Tuyết giặt tất vậy?
Bé (nói nhẹ nhưng khẳng định): - Không, con phải tự giặt đồ mà.
Nói rồi bé đi lấy tất.
Không hoan hô tính lười. Hoan hô ý thức tự giặt đồ cá nhân.
:)

December 15, 2009

Mẹ và Bé

Nghe tin chiều nay trở lạnh, để xe máy ở nhà đi làm bằng xe buýt.

Sáng sớm, cùng Mei dung dăng dung dẻ ra khỏi nhà. Điểm xe trường đón Mei ngược về phía trên nên mẹ cũng đi ngược về bến xe buýt trước để được đi cùng bé một đoạn. Còn cách bến xe của mẹ khoảng 20m thì thấy xe sắp tới bến, sợ mẹ lỡ xe như mấy lần trước, bé co chân chạy dọc vỉa hè, vừa chạy vừa giơ tay vẫy. Mẹ chạy theo kịp bé vừa lúc xe trờ tới - chiếc xe chậm chậm rồi dừng, cửa trước xe mở đúng ngay in chỗ hai mẹ con. Quay lại chụt chụt má chào nhau, kịp cười: "may quá mẹ vẫn kịp thơm chào bé". Cười, thấy bé cười. Xe lăn bánh.

Cửa xe khép lại sau lưng, vùa nói dứt "cảm ơn" bước lên bắt gặp gương mặt đang cười rất tươi của tài xế, chắc chừng 35-40 tuổi "Hai mẹ con chạy rất vui. Thấy vẫy vẫy lại tưởng xua tay chờ xe khác" - Cười, đáp: - "Là bé vẫy xe cho mẹ vì sợ xe đi mất". Phụ xe đứng ngay đó, giọng thân thiện và nụ cười còn tươi hơn: - "Thấy hai mẹ con chạy từ đằng trước lại, vừa chạy vừa vẫy, cứ tưởng cổ động viên đội tuyển ở Lào về Kim Mã, phải dừng đón ngay" :) (Chả là tối qua cả thành phố (hay cả nước nhỉ?) lễ hội sau trận đội U23 Việt Nam thắng Singapore vào chung kết bóng đá Seagames ở Lào).

Không phải là chốn để tung hứng nên chỉ mỉm cười đáp lại sự thân thiện. Đi xuống phía sau xe, mỉm cười, thấy ý nghĩ tươi vui. Một khởi đầu vui vẻ cho mình cảm giác về một ngày tươi sáng, tốt lành.

Là thế, niềm vui đôi khi giản đơn và rất dễ tìm.


Hình ảnh tối 14-12-2009, người Hà Nội ra đường mừng chiến thắng của đội tuyển U23VN

December 10, 2009

Ba Mẹ

Ông nội là ông giáo làng biết tiếng Pháp. Ba là con trai duy nhất. Ba mẹ ở chung làng. Ngày lấy mẹ, Ba là người duy nhất ở làng lên Hà nội học Đại học. Ba nho nhã, thư sinh, hiền, từ tốn, nhân hậu, yêu thích công việc. Và Ba rất yêu mẹ.

Nhà ngoại ngày đó ở quê là 'địa chủ', có nhà tầng ruộng lúa sân kho từ nhiều đời để lại. Mẹ là con gái lớn. Ông ngoại mất khi mẹ 14 tuổi. Ngay sau đó là cải cách ruộng đất. Thật không dễ để hình dung mẹ đã cùng bà và các cậu, dì sống qua những tháng năm bĩ cực đó như thế nào. Một gia đình đang đầy đủ bỗng mất hết, trắng tay, bị tố, bị cả đứa trẻ 9 tuổi ngoài đường bắt cúi chào 'cán bộ' cũng phải cúi chào. Đấy là chắp nối từng 'rất ít' mẹ kể cho con khi con đã lớn, giọng mẹ bình thản, mẹ không hề lưu giữ thù hận hoặc cũng có thể là mẹ không muốn con cái bị ảnh hưởng cảm giác.

Mẹ xinh đẹp nhất làng, Bà ngoại và nhiều người vẫn kể thế. Mẹ thêu, móc, may, đan rất đẹp; mẹ đọc nhiều và thích đọc - chắc là nếp của mười mấy năm được là 'con nhà giàu'. Mẹ nghị lực, quyết đoán và luôn sống tích cực - chắc là được rèn qua những vật lộn với khó khăn vất vả những năm sau đó. Mẹ tinh tế, quan tâm và nghĩ rộng trong cư xử - là thừa hưởng cốt cách từ Bà ngoại. Sau này khi con đã lớn, một lần hai mẹ con nói chuyện, con nói với mẹ: 'Con thấy mọi điều ở mẹ đều tuyệt vời, chỉ mỗi điều mẹ nóng tính và đánh đòn con cái'. Mẹ bảo: 'Có lẽ do cuộc sống vất vả quá, 5 đứa con, chỉ lo sao cho cả nhà đủ ăn không bị đói đã khó lắm rồi. Chứ hồi con gái mẹ dịu tính, không thế đâu'.

Mẹ hài hước, con cái đều thừa hưởng điều này từ mẹ. Mỗi khi cả nhà vui đùa, Ba chỉ cười. Ngày xưa và bây giờ, cứ đông đủ là nhà mình đầy ắp những câu đùa, đầy ắp tiếng cười, thật vui.

Dường như có sự phân công tự nguyện giữa Ba Mẹ: Mẹ lo lắng mọi việc trong nhà, cái ăn, cái mặc, đến tất cả sắp xếp chi tiêu. Ba chỉ đi làm đưa hết lương cho mẹ, thế thôi, nhưng Ba lo mọi chuyện về học hành, sách vở, dạy, hướng học và truyền tính hiếu học cho con cái. Thời còn nghèo, cái nồi cơm đủ cho cả nhà là nỗi lo lớn nhất, nên cảm giác như mẹ là nội tướng trong nhà. Tuy vậy, mẹ luôn khiêm nhường trước Ba. Mẹ nhận tất cả những vất vả để Ba tập trung cho công việc mà Ba rất yêu thích. Xưa mẹ có lúc mặc quần áo vá, nhưng Ba luôn có 2, 3 cái sơ mi đẹp gọn gàng, luôn được mẹ giặt, gấp, treo phẳng phiu, cẩn thận, chỉn chu.

Hôm nay con bỗng ngồi nhớ lại nhà mình từ thời tụi con còn nhỏ cho đến bây giờ. Có những lúc ký ức bỗng quay lại rõ ràng lần lượt như những thước phim. Nhớ về Ba, hình ảnh rõ nhất, đẹp nhất trong con là lần đầu con từ Nga về phép sau 2 năm đi học xa nhà. Ba mẹ và cả nhà đón con ở Nội Bài. Con bước ra cửa nhà ga, ba cười vui thật vui, ôm con và lặp đi lặp lại "con gái tôi, con gái tôi". Nụ cười tươi trên gương mặt ba hạnh phúc hôm đó không gì đẹp và rạng rỡ hơn, con thích nhớ vô cùng.

Ký ức về mẹ đằm hơn. Con rất thường nhớ đến mẹ với những bài học. Mẹ hay nói chuyện với con cái, trong mỗi câu chuyện mẹ kể luôn kèm theo những thông điệp về con người, về nhân cách, về cách cư xử (mà mẹ gọi là cách ăn ở) và cách định hướng cho cuộc sống. Nhiều điều con chẳng nhận ra ngay, nhưng mỗi ngày lớn thêm, con lại ngộ ra cách nuôi dạy tụi con của mẹ. Con cái lớn lên là đi học, đi làm xa mẹ, ai cũng thường xuyên có thư mẹ. Những lá thư viết tay dài, chia sẻ, tâm sự, dặn dò. Chữ mẹ rất đẹp, đến bây giờ vẫn đẹp: cứng cáp, đều đặn, ngay thẳng và rõ ràng "làm cha mẹ ai cũng mong con mình không vấp ngã, nhưng mẹ cũng luôn dạy các con nếu vấp ngã thì phải biết đứng dậy đi tiếp".

Cách đây 4 năm, Anh Q. đưa cả gia đình qua Ukraine, còn con đi học ở Úc. Mẹ, ngoài 60 tuổi, quyết học cách vào Internet chát qua mạng để thường xuyên gặp và nói chuyện với các con. Một lần chát, nói chuyện con, mẹ viết "Mẹ không trách gì con đâu, mẹ thương con mà". Mắt con, tay con, màn hình nhòe nước làm con không thể viết tiếp.

Thời kỳ đó tự nhiên Ba Mẹ rất yếu. Cả hai cùng bệnh. Ba Mẹ vẫn luôn nói Ba Mẹ ổn để con cái yên tâm nhưng con biết Ba Mẹ lo 'khi mình có việc' 2 con lớn đều ở xa. Lần đầu tiên mẹ nhắn anh em con cùng lên mạng chát tập thể - ba mẹ bàn về chuyện thừa kế. Nhà mình xưa nay không ai nghĩ đến chuyện đó, mọi người đều tự lập, thương yêu, san sẻ - con chợt hiểu ba mẹ chuẩn bị cho 'quy luật'. Mẹ làm con sợ. Ở Melbourne, đi ngoài đường con chợt nghĩ rồi tuôn giàn nước mắt. Con viết cho mẹ: "Mẹ bây giờ còn được trông bà ngoại khi bà ngoại ốm (bà ngoại gần 90 tuổi). Con chỉ mong Ba Mẹ khỏe cho đến khi con nghỉ hưu. Mẹ phải cố gắng nhé".

Ý nghĩ sợ sẽ phải ân hận vì ba mẹ yếu khi con ở xa không về kịp là một trong mấy điều lớn con đặt lên bàn khi làm bài toán "ở lại Úc hay về VN" khi ấy.

Con về, rồi cả nhà anh Q. cũng về. Ba mẹ khỏe lại. 2 năm nay rồi Ba Mẹ đều rất khỏe và vui. Hai ông bà 70 tuổi mà hàng ngày Ông vẫn chở Bà đi chợ, tự lo. Mấy bữa này hàng ngày Ba còn chở Mẹ ra nhà H.O giúp trông thợ sửa nhà. D. chồng H.O đang đi học xa. Ba Mẹ thấy nhà hỏng nên kêu H.O đồng ý sửa đi Ba Mẹ còn khỏe lo trông giúp. Tụi con cứ đùa là "các cụ xin việc làm".

Hôm qua gọi về hỏi Ba "Sửa nhà bận thế mẹ có sao không Ba? sợ Mẹ lại yếu mệt". Ba cười: - Không, bận thế mà Mẹ lại khỏe ra, ăn được, ngủ được. Chắc vì thấy con sửa được nhà nên vui.
Đùa Ba: - Thế thì bao giờ việc nhà H.O sắp xong Ba bảo con nhé, để có gì nghĩ lên lịch vài việc sửa sang nữa cho Mẹ làm tiếp, tăng cường sức khỏe :)

À, còn một điều đặc biệt. Đến giờ, có cháu nội ngoại rồi, khi nói riêng Ba vẫn gọi Mẹ bằng tên, xưng anh. Nhiều lần mẹ nhắm đổi, nhưng tại sao lại phải đổi một thói quen dễ thương như thế chứ?

Con yêu và tự hào về Ba Mẹ vô cùng.

*** VỀ LANA

December 07, 2009

Sáng thứ 2

Sáng thứ 2. Bắt đầu một tuần mới. Nhưng hình như vẫn còn những lăn tăn kiểu gì, thấy khó tập trung. Vậy tổng kết qua tuần trước để còn 'refresh cái đầu mình' nhé:

Cả tuần lịch chỉ là đi làm + 3 buổi tối đi học. Thứ 6 'trốn' làm về sớm để đi làm nốt bước cuối chuyển tên giấy tờ nhà. Cũng được việc. Nhưng phải mất thêm một buổi nữa - hẹn đầu tuần này - chuyện thủ tục + các loại phí nữa thôi, không có gì rắc rối.

Chiều thứ 6, một người bạn mua giúp cho một thứ đồ dùng ở nhà nhưng nhất định kêu anh tặng không nhận tiền. Anh em khá thân, tôn trọng, ko 'ý định' gì, nhưng nhận quà (cho, tặng) không lý do gì mình không thoải mái chút nào. Nhất định sẽ tìm cách gửi lại tiền.

Tối thứ 6 học buổi đầu chuyên đề về Tín dụng cho DN. Thầy này dạy chán nhất trong các thầy - chiếu slides mà thầy toàn đọc nguyên si lại nội dung đang chiếu - học trò chưa ngủ gật thầy chắc buồn ngủ trước - thật không đáng để đánh đổi buổi tối mùa đông ở nhà rù rì với DM. Hết nửa giờ bỏ về - 'lập trình' luôn nghỉ 2 buổi học TD kế tiếp (tối thứ 2 và 4) - thứ 6 sau chuyển qua chuyên đề mới mới đi nghe. Good.

Sáng thứ 7, laptop nhiễm viruts nặng, thế là phải mang đi bảo hành. Câu trả lời là virut đã nhiễm vào files hệ thống - phải cài lại Win (OS). Mình giờ không có mạng 1 ngày thời gian bỗng dư thừa, người cứ thiếu thiếu - chính xác là một kẻ nghiện mạng! À nhớ khi về TN, về quê Hưng yên hay đi đâu xa cả mấy ngày không mạng cũng chả thấy sao lắm. Này nghiện những cái khác chắc cũng thế nhỉ - đầy ắp tình yêu thương xung quanh và nhiều việc lôi cuốn thì sẽ dễ cai trò nghiện thôi :)

Chiều thứ 7 vô dụng nhất. Mấy mẹ con cô cháu rúc chăn ngủ, loay hoay hết chiều. Cứ tiếc mãi vì cả tuần bận chỉ có mỗi 2 ngày cuối tuần cho cái list bao nhiêu việc cần làm.
Dim học nửa ngày thứ 7. Con về kể chuyện nhà trường tập trung HS cả khối nghe cô hiệu phó giải thích xung quanh lý do buổi Noel ở Melia. Lại nói chuyện thêm với con, ngộ ra mình kín đáo 'nói' với con được khá nhiều qua câu chuyện này. Không có cái gì là hoàn toàn dở, đúng vậy.

Chủ nhật là ngày đo đường - vòng vòng cùng Dim Mei qua Nhà VH Thiếu nhi (Lý Thái Tổ) - Phở Lê Văn Hưu - Viện mắt (Bà Triệu) - nhà bác Nhung-Cường (Lê Trọng Tấn) - quay lại nhà VHTN - về ăn/ngủ trưa - lại đi phòng Răng Khâm thiên: đóng cửa -> lên phòng Răng đầu Trần Hưng đạo - vòng về Nghi Tàm Dim Mei thăm bà nội và chú - 6h tối về nhà. Đến nhà VHTN là việc của Dim. Khám răng và mắt là của Mei. Răng thì bé đã 10 tuổi mà răng sữa nó cứ thích ở lại không chịu đi, đến giờ mới thay được tổng cộng có 5-6 cái. Còn mắt thì bé kêu ở lớp nhìn bảng thấy mờ.

BS bảo bé bị cận. Đây là tin chán nhất. Mei bị nhẹ nhưng BS bảo sẽ còn tăng số và khuyến cáo Mei đeo kính. Mua cho bé một cặp kính màu hồng, bé thích lắm vì nhìn rõ hơn, vì kính đẹp nữa, từ đó đến hết chiều đi đâu cũng cầm theo bao kính nâng niu, thỉnh thoảng lại mở ngắm nghía. Mỗi mẹ là buồn.
Sáng Thứ 2 nhận được email người bạn ở xa (cũng đeo kính) "Hì vậy là có thêm 'bạn' cận thị". Mỉm cười một mình. Thấy như được an ủi.

Việc tồn lại qua tuần này là cái điện thoại nhà chập cheng đòi thay mới, cái cánh cửa trên lầu bị mục hỏng cần thay, làm nốt giấy tờ nhà và gửi lại tiền mua món đồ cho người bạn.

Rồi, bây giờ thì tập trung vào việc của một tuần mới đi nhé.

December 04, 2009

Bữa tiệc Noel mắc tiền của con

Hôm qua Dim mang thông báo của Trường về đưa mẹ: Sắp tới nhà trường tổ chức tiệc Noel cho học sinh tại Melia - một khách sạn 5 sao ở trung tâm Hà nội, phí nộp cho bữa tiệc là 500.000 đồng một học sinh hoặc người lớn tham gia.
(hình bên: Cava Lounge2 Melia Hotel, Hà Nội, sưu tầm từ google search)

Năm ngoái nhà trường đã tổ chức tương tự tại KS cũng 5 sao Sheraton với giá 360.000đ/em. Mẹ đã suy nghĩ và nói chuyện - giải thích cho Dim về ý định không muốn con tham gia tiệc Noel Nhà trường tổ chức - lý do thứ nhất tất nhiên là giá tiền quá mắc. Nhưng lý do quan trọng hơn là dù cha mẹ có dư giả, thì tổ chức bữa tiệc ở các KS như vậy cho các con học sinh lớp 7 theo mẹ là không phù hợp và ít giá trị giáo dục.

Mẹ đã nói chuyện với cô giáo chủ nhiệm, với một số phụ huynh các bạn khác ở lớp con và để con được nghe những cuộc trao đổi ấy. Cô giáo và các bố mẹ khác cũng rất đồng tình với những gì mẹ nghĩ:
- Cái được là cho các con dự một buổi lễ vui vẻ, sang trọng cùng bạn bè học chung.
- Cái mất là tạo cho các con cảm giác là người giàu có hơn người (vì các bạn cùng lứa ở các trường khác ít có buổi Noel như thế). Tuổi của các con là tuổi đi học, phấn đấu, tích lũy kiến thức, cách sống, hiểu biết xã hội, để sau này làm ra tiền phục vụ bản thân và xã hội. Khi các con thật sự chưa làm ra tiền mẹ sợ những nơi đó khiến hình thành ý thích xa hoa choáng ngợp. Không có mẹ ở bên, làm sao mẹ biết những gì con gặp ở đó để điều chỉnh cách con tiếp cận? Có rất nhiều nơi phù hợp để nhà trường lựa chọn tổ chức lễ Noel vui vẻ và bổ ích cho các con hơn là một bữa tiệc xa xỉ ở một KS hạng sang như thế.

Nhưng cuối cùng, tiệc Noel năm ngoái vẫn có 22/24 bạn của lớp con đăng ký tham dự. Con là người cuối cùng ghi danh. Mẹ đồng ý vào phút chót vì con là lớp trưởng (mẹ vẫn thường trao đổi với con về tính tập thể), lại vì con là hát chính trong tốp hát được chọn biểu diễn hôm đó. Mẹ cũng nói tất cả những điều này với con, và giao hẹn sang năm nếu nhà trường không thay đổi cách tổ chức, mẹ sẽ không đồng ý cho con đi dự. Mẹ biết con thích, vui vì được đi, nhưng con hiểu phần nào những điều mẹ nói.

Phần mẹ không nói với con, là mẹ đã đồng ý vì để con không bị cảm giác quá thiệt thòi so với số đông của lớp. Cuối cùng, mẹ cũng muốn con đến đó 1 lần để con không phải tưởng tượng ra nó quá mức lung linh nếu lần sau mẹ không cho con dự nữa.

Noel năm nay chính là cái lần sau đấy: Con đưa mẹ tờ thông báo của nhà trường và nhìn mẹ. Mẹ biết con biết câu trả lời của mẹ, nhưng mẹ vẫn nhắc lại ngắn thôi - rằng quan điểm của mẹ và nhà trường trong việc này khác nhau. Mẹ không nhìn thấy ở đó nhiều cái tốt cho các con mà ngược lại. Mẹ muốn con hiểu và đồng tình.

Mẹ nhắc cho con về vụ án hai anh chị tuổi teen mới đây lên kế hoạch lừa giết người cướp của - cũng vì lòng tham của cải không phải của mình, và vì nhu cầu tiêu xài nhiều hơn số cha mẹ chu cấp.

Con bảo: - Con cũng biết mẹ sẽ không đồng ý. Nhưng cô giáo bảo nhà trường mong bố mẹ cho các con đi dự đầy đủ. Mẹ gọi cho cô mẹ nhé. Thế, con đã đồng ý với mẹ, dù giọng con vẫn còn chút nuối tiếc, và cả lăn tăn trách nhiệm với tập thể - con vẫn đang là lớp trưởng. - Ừ con, mẹ sẽ gọi nói chuyện với cô.

----------------------
Cô giáo chủ nhiệm của Dim khoảng 30 tuổi. Trẻ, nhưng cô rất tâm huyết với nghề, có tri thức, đầy trách nhiệm và rất yêu quý học trò. Mẹ thấy thật sự may mắn khi Dim được gửi vào lớp của cô. Cô sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, chân tình, trách nhiệm với cha mẹ học sinh của mình, và đặc biệt, mẹ luôn có được sự đồng tình và thống nhất của cô về cách nói chuyện với con khi có những vấn đề này sinh, dù nhỏ.

Mẹ gọi cho cô về chuyện bữa tiệc Noel. Và cô hiểu ngay. Cô bảo: - Em biết năm nay chị sẽ không đồng ý cho con đi. Cá nhân em hoàn toàn đồng tình với cách dạy con của chị. Nếu là con em em cũng sẽ xử sự như chị. Nhưng vì là giáo viên của trường, em buộc phải nói với các con theo nhà trường yêu cầu. Em mong chị thông cảm cho em.

Rồi cô nói thêm: - Tuy nhiên em có nói với các con là nhà trường muốn các con đi đủ nhưng quyết định là ở cha mẹ. Lớp đi thiếu em cũng bị 'nói' đấy chị ạ. Nhưng chị cứ cho con ở nhà không sao cả. Em sẵn sàng chấp nhận mà..

Mẹ và cô đã thống nhất cô sẽ nói chuyện (tâm sự) riêng thật với con để con hiểu rằng cô phải thực hiện đúng nghĩa vụ với nhà trường tập hợp cho bữa tiệc, mặc dù cá nhân cô đồng tình với suy nghĩ của mẹ. Mẹ biết ngoài mẹ, con rất tin yêu cô, và mẹ biết vì con, cô sẽ làm như thế.

Giờ khi mà mẹ yên tâm rằng con sẽ thoải mái chấp nhận từ bỏ buổi lễ, mẹ lại thấy thương con vô cùng. Hôm qua trong câu chuyện mẹ và cô đều nói với nhau Dim đã lớn, đến tuổi con bắt đầu phải biết dần về cuộc sống đa chiều và bắt đầu hiểu những rắc rối của nó, biết lựa chọn và biết chấp nhận. Nghĩ thương con quá nhưng quy luật là thế. Mẹ đành phải tung con dần ra nhìn cuộc sống thực bên ngoài cái giới hạn an toàn vô hình mà xưa nay mẹ vẫn cố che chắn.

Mẹ nhớ câu này ở đâu đó: "Mẹ xin lỗi, mẹ không bảo vệ được con"...

December 03, 2009

Câu chuyện cư xử và Bí quyết 90/10

Gần đây báo chí, blog, forum... sôi nổi câu chuyện bất đồng giữa Bà TGĐ một công ty bảo hiểm và cô tiếp viên trưởng (TV) một chuyến bay của Vietnam Airlines (VNA). Sơ qua là gia đình bà TGĐ đi máy bay của VNA, có 3 vé khoang VIP và 1 vé hạng thường cho đứa con 5 tuổi, nhưng đưa bé lên ngồi ở ghế còn trống trong khoang VIP. Bà tin rằng Bà và chồng có 'thẻ vàng' đi máy bay của VNA thì điều này là có thể nhưng người có quyền quyết định đổi chỗ là Tiếp viên (TV) trưởng của chuyến bay kiên quyết không đồng ý. Kết quả là bà TGĐ to tiếng -> Cơ trưởng chuyến bay báo xuống nhà chức trách sân bay đến (Tân Sơn Nhất) -> bà TGĐ cùng con cái đã bị anh ninh sân bay dẫn đi như một đối tượng 'vi phạm an toàn hàng không' khiến bà uất ức họp báo và tuyên bố dọa sẽ kiện hãng VNA. Chuyện không lớn, nhưng qua đó lại thấy nhiều chuyện đáng bàn:

- Thông tin: mấy ngày đầu một loạt báo đưa tin Bà TGĐ uất ức phát khóc, dọa kiện TV của VNA vì đã 'xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự và uy tín của bà và gia đình bà', cho đến khi VNA lên tiếng và nhất là khi bà con truyền nhau bài phân tích về 'Văn hóa đi máy bay' trên SGTT thì dư luận À - thì ra chính bà TGĐ này đã không chấp hành quy định bay lại còn lớn tiếng lời lẽ 'không mấy hay ho' với TV, mà theo luật HK thì việc không chấp hành quy định, to tiếng với tiếp viên trên máy bay bị xếp vào tội uy hiếp an toàn chuyến bay.

- Người trong cuộc: Không nói đến chuyện cư xử, tranh cãi qua lại trên chuyến bay, chỉ nói về việc 'khởi kiện' thì Bà TGĐ đã thiếu hiểu biết về luật để hiểu rằng bà không có cơ sở gì kiện VNA. Vì cả giận mà và TGĐ này phạm sai lầm nối tiếp là to tiếng trên báo chí - để khi VN AL thu thập đủ thông tin cả từ các hành khách khác trên chuyến bay, phản hồi lại thì bà thực sự mất khá nhiều (danh tiếng).

Trong chuyện này cách phản hồi của phía VNA mình cho là quá mờ nhạt. Theo như thông tin từ phía Hãng thu thập thì bà hành khách được giải thích nhiều lần nhưng vẫn không tuân thủ mà còn lăng mạ TV. Cô TV trưởng làm đúng luật nhưng có cứng nhắc quá không? hay mềm mỏng rồi vẫn bị phản ứng? Đúng ra VNA cần phải có động tác rõ ràng công khai vì uy tín của mình. Không biết vì trình độ phục vụ của đội ngũ TV của VNA còn nhiều chuyện phải khắc phục nên thôi tránh, hay là do tư tưởng 'độc quyền' nên thấy không cần thiết phải lên tiếng nhiều?

- Về phía dư luận: Đọc các bài báo mạng về câu chuyện này và các nhận xét (comments) - một số người luận là bà TGĐ cậy giàu cư xử hống hách, một số khác lại lôi ra các thành kiến với VNA để suy là chắc cô TV này phải hành xử thế nào mới ra nông nỗi. Thấy không ổn. Trong chuyện cư xử văn hóa không thể lấy cái thành kiến để ép cho riêng một cá nhân rồi phán xét. Theo mình, cách hay nhất khi nói những câu chuyện văn hóa là hãy nói từng câu chuyện cụ thể, người cụ thể: cách xử sự nào là văn hóa và cách nào là không, bất kể giàu, nghèo, ai, làm gì. Đặt mục đích để từ câu chuyện cụ thể này học được những kinh nghiệm và kiến thức cho bản thân (mình cũng học như thế). Xác định như vậy thì sẽ tránh được những tranh luận ngoài lề rắc rối không cần thiết. Đơn giản thế thôi.

Nhân đây hôm nay đọc được một bài viết về bí quyết 90/10 trên diễn đàn chungta.com của Thùy Linh dịch từ Chicken Soup - làm chủ quyền phản ứng của mình trước những tình huống hàng ngày để cuộc sống tươi vui, tốt đẹp hơn:

Bí quyết 90/10:

Thế nghĩa là sao? Hãy xét một ví dụ: Bạn đang ăn sáng cùng gia đình. Con gái bạn làm đổ cà phê lên áo bạn. Chuyện xảy ra hoàn toàn bất ngờ. Điều xảy ra tiếp sau đó là phản ứng thuộc quyền quyết định của bạn. Bạn đã làm gì?

Bạn mắng cháu. Cháu phát khóc. Bạn trách cả vợ mình đã đặt tách cà phê quá gần rìa bàn. Hai người cãi nhau một hồi. Bạn đùng đùng bước lên lầu thay áo. Khi bạn trở xuống con bạn vẫn còn khóc, chưa ăn xong để đi học. Cháu bị lỡ chuyến xe đưa rước. Vợ bạn phải hối hả đi làm. Bạn đi nhanh ra, đưa con gái tới trường. Sợ trễ, bạn chạy vượt đèn đỏ, bị một anh công an chặn lại và phạt. Sau khi đóng phạt, bạn đưa con đến trường trễ mất 15 phút. Con bạn chạy nhanh vào lớp không kịp chào bạn. Bạn đến cơ quan trễ mất 20 phút, lại thấy mình bỏ quên chiếc cặp ở nhà.

Ngày của bạn đã bắt đầu một cách thật khủng khiếp. Chuyện càng lúc càng tệ hại tiếp tục xảy ra. Buổi chiều bạn buồn chán trở về nhà để thấy vợ con không vui vẻ đón mừng mình như ngày hôm trước.


Tại sao bạn có một ngày buồn chán đến thế? A. Tại tách cà phê? B. Tại con gái bạn? C. Tại anh công an? D. Tại chính bạn?

Câu trả lời đúng là D. Bạn đã không làm chủ cái 90% thuộc quyền phản ứng của mình. Cách phản ứng chỉ trong 5 giây của bạn đã tạo nên một ngày bất hạnh.

Bạn có thể phản ứng theo cách khác. Khi tách cà phê đổ và cháu bé sợ phát khóc, bạn có thể xoa đầu con và nói: "Không sao, lần sau con phải cẩn thận hơn một chút". Bạn nhẹ nhàng lên lầu thay áo và mang theo chiếc cặp. Bạn xuống nhà vừa kịp vẫy tay chào lại cháu bé khi nó bước lên xe đưa rước đậu đối diện nhà mình. Bạn cũng có thể "mi" vợ và cùng đi làm. Bạn đến văn phòng sớm hơn 5 phút và vui vẻ chào các đồng nghiệp buổi sáng. Có thể sếp cũng khen bạn làm việc siêng năng và hiệu quả.

Hãy nhớ phản ứng của bạn là tối quan trọng. Chuyện bất ngờ chỉ chiếm 10%, 90% còn lại là phản ứng của bạn và hậu quả của nó. Hãy áp dụng bí quyết 90/10 để xử lý mọi việc trong ngày, bạn sẽ thấy cuộc đời đáng sống hơn, bạn đồng ý chứ?