June 30, 2010

Nhật ký single (1)

Nghĩ mình có 1 tuần tạm being single hoàn toàn, tự nhủ sẽ ghi lại nhật ký. Nhưng xem ra, có vẻ chẳng single cho lắm :)

Thứ 6+7, trước chuyến đi,
Ra 'nghị quyết' là mẹ chỉ nhắc tổng danh sách các thứ cần chuẩn bị, hai chị em tự lo xếp đồ mang theo, thiếu cái gì thì hô lên, mẹ làm chân phục vụ đi mua. Giời ạ, vì thực hiện nghiên cái nghị quyết ấy mà 'chân phục vụ' cứ là cong hết cả lên. Giá như bao việc luôn thì lại nhàn: xếp dần, thiếu cái gì ghi hết cả vào một tờ giấy đi sắm một vòng là đủ. Đằng này, cả hai tối trước ngày Mei đi mẹ đều phải chạy lượt nọ lượt kia mua đồ. Mỗi lúc nàng lại nghĩ ra thiếu một thứ. 9h tối thứ 7 'chân chạy' còn phục vụ thêm một vòng nữa mua cho nàng chai đựng nước và khóa vali :(

Vẫn chưa xong. Hơn 10h tối chuẩn bị đi ngủ cả nhà lại phải giúp nàng tìm khắp nơi mới thất cái máy chụp ảnh trò chơi của nàng. May mà còn thấy để còn được giấc ngủ ngon trước khi đi.

Xem ra, những dịp dư lày đúng thật là có giá trị thực hành xịn.

(ấy thế mà hôm sau đến sân bay vẫn còn nhớ ra quên 2 thứ - 'Mẹ bảo chị Phương (Dim) mai mang cho con em Sammi và kính bơi nhé')

Chị Dim thì khác, nhẹ tênh. Chả loanh quanh luống cuống gì. Đồ đạc tự sắp đặt êm ru. 3 tuổi rưỡi lớn hơn + bản tính tự lo + kinh nghiệm vài lần đi xa độc lập nên thành vậy. Hai người như Dim cả thì ở nhà mẹ thành thất nghiệp.

Chủ nhật, 27/06
Dậy sớm, lên Nội Bài theo đoàn của Mei - toàn các bạn khối lớp 4 + 5. Buồn cười, cô trưởng đoàn vác theo cái loa to tướng mà vẫn khó khăn để tụ tập các bạn vào một chỗ giữa sân bay đông đúc ồn ào. Mình vốn 'dân bản địa' nên xắn tay giúp làm check-in cho cả đoàn hơn ba chục người. Dự định chụp cái hình khách du lịch nhí mà chạy tới lui chả kịp nhớ nữa.

Về theo xe trường về có cả thầy hiệu trưởng cô hiệu phó, thêm một số giáo viên đi tiễn (giúp) đoàn. Mới thấy nhà trường thật sự lo lắng cho chuyến đi này của các con.

Về đến nhà, giờ trưa, nhớ ra bấm máy gọi Thái Nguyên. 'L.O. à, mẹ đang làm cơm'
- Mẹ à, người thiết kế hẹn chiều nay 4h đến.
- Ồ thế sao giờ mới gọi?
- Vâng, mấy hôm con lu bu chuyện Dim Mei nên quên mất.
- Ừ, hẵng cứ biết thế đã.

"Hẵng cứ biết thế đã" của mẹ là 3h chiều mẹ đã đứng bấm chuông dưới cửa. Mẹ nhất định phải gặp thiết kế để đưa các ý tưởng 'sửa cho đàng hoàng mà ở' của mẹ, lo mình giữ ý định 'chỉ sửa sơ sơ cho sạch sẽ sáng sủa đỡ mục cũ thôi'. Khổ thân cái đầu mình luôn bảo thủ một ý nghĩ xây nhà sửa nhà là việc của đàn ông, đàn bà không thể làm được, không thể làm được, không thể làm được.
Mẹ bỏ dở bữa cơm trưa, cúp điện thoại là cắp túi chạy thẳng ra bến xe đò đi Hà Nội. Ôi mẹ!

Căn giờ gọi theo số đt của bạn chung lớp, giọng Mei lấp lánh 'Con đến nơi rồi, đẹp lắm mẹ ạ'. Nhắn tin cho Land và Fooleryn số phòng Mei ở. Tối có số đt từ Sing, giọng thật yêu 'em chào chị, em vừa nói chuyện với Mei rồi, Mei nói muốn mẹ gọi cho Mei, chắc cũng nhớ mẹ'. Gọi, vừa lúc nàng chuẩn bị đi ngủ. Nghe giọng có vẻ vui và hài lòng lắm.

Thứ Hai, 28/6
6h sáng chở Dim đến trường. Chị Tuyết xin 'cho cháu đi tiễn em cùng'. Ừ thì chở 3. Hôm nay đoàn cấp 2 + 3, đông gần gấp đôi, nhưng các bạn lớn nên chả thấy phụ huynh mấy. Dim nhóm với bạn. Mẹ loanh quanh loanh quanh xem ra lại rơi vào thiểu số 'bám con quá', thế là rút, rủ Tuyết lặng lẽ về trước khi Dim lên xe đi Nội Bài. (Hình: Chào, con đi nhé)

Hai cô cháu ghé chợ mua đồ ăn, mua khoai lang (mẹ thích), dặn Tuyết luộc đãi bà bữa trưa rồi mình đi làm, như ngày thường.

Chiều trước khi về mẹ điện thoại 'L.O trên đường về mua cho mẹ mấy tờ báo nhé'. Thông điệp 'mẹ ở nhà cả ngày không có việc gì buồn quá'. Thốt lên 'Con quên mất trước khi đi không mở máy tính cho mẹ vào mạng đọc báo!'.

Cậu vẽ thiết kế gọi điện kêu bận chiều mai mới mang bản vẽ nháp đến. Bà gọi cho ông 'Em ở lại đây với con xem thế nào đã, xong em mới về'.
Lạy giời nó cứ hoãn cho như thế vài ngày.

9h tối gọi điện cho DM, 2 nàng có vẻ bận rộn. Thôi không làm vướng chân, chỉ gọi nghe tiếng 1, 2 câu thôi rồi cúp máy. Thấy giống in hệt những khi 'ai đó' thèm nói chuyện, gọi rồi nghe trả lời 'Con đang bận chút, con gọi lại cho mẹ sau nhé', lại vội vàng 'Ừ, thế thôi nhé'...

June 28, 2010

Tình hình là...

Tình hình là nhàn cư.
'Nhàn cư' rồi, 'vi' chuẩn bị 'bất thiện'!
:((
Có ai túm áo kéo lại không ta?!

June 26, 2010

Đi một ngày đàng...

Ngày mai Mei và Dim bắt đầu chuyến đi 1 tuần sang Singapore cùng với các bạn và các thầy cô ở trường. It's an excursion, also a 'mini' summer course. Vừa là đi chơi, nhưng mẹ muốn nhìn nó như là 'đi học' nhiều hơn. Không phải học chữ học toán, mà là học nhìn cuộc sống rộng mở.

Các con đã được ông hiệu trưởng, bà giáo hiệu phó dặn dò kỹ rằng Sing là đất nước rất sạch và đẹp, luật pháp nghiêm, con người ý thức, rằng các con tuyệt đối không được ăn và nhổ bã kẹo cao su ngoài công cộng, mức phạt sẽ là bao nhiêu, bao nhiêu...

Các con sẽ có buổi giao lưu với các bạn cùng lứa ở một trường công và một trường private (tư) ở bên đó. Các con sẽ biết thêm một chút về một môi trường học ngoài VN và Úc. Có ý tưởng mơ ước nào len lên trong đầu các con không? Mẹ tin là có. Rồi mình sẽ cùng giữ và vun đắp nó từ từ nhé.

Hôm rồi Dim tự hào kể 'cô ở phòng kế toán cũng biết mẹ đấy, trường con bây giờ nhiều người biết mẹ'. Ừ, thấy hay hay khi các thầy cô trường Ng. Siêu bây giờ nhiều người biết mẹ M.Ph. và M.Hg. - Người mẹ single mum của M.Ph. lớp trưởng 7A3 xinh xắn năng động và M.Hg 5A2 ngoan ngoãn dễ thương - vị phụ huynh kiên quyết từ chối cho con đi dự buổi lễ Noel ở khách sạn 5 sao kinh phí 500.000đ/bạn dù trong lớp có đến 18/24 bạn tham gia, nhưng lại đăng ký cho 2 chị em trong thiểu số đi hè 1 tuần ở Sing. Kinh phí US1000/bạn không mắc với chuyến đi, nhưng hoàn toàn không nhỏ, với mẹ.

Với mỗi quyết định mẹ đều chân thành nói suy nghĩ của mẹ với nhà trường, với cô giáo và với Dim Mei vì sao mẹ NO, vì sao mẹ YES. Mẹ tin sự trao đổi ấy có những giá trị nhất định.

Có đồng nghiệp của mẹ bảo 'giàu nhỉ'. Mẹ không hề giàu so với rất rất nhiều bố mẹ khác. Là cách mẹ chọn ưu tiên chi tiêu đồng tiền của mình cho các con, mẹ đầu tư bao nhiêu phần trong số tiền mẹ tiết kiệm và mẹ chờ đợi thu được điều gì.

Khi mẹ hiểu và tin vào quyết định của mình, mẹ không bao giờ để trôi theo đám đông.

Lại nhớ khi mẹ 'cắp' Dim theo qua Úc, rồi lại về đón Mei qua hè... nhiều người thân bạn bè ái ngại 'tốn kém quá'. Ở bên đó, mẹ đi làm đủ mọi việc để kiếm tiền: Từ việc 'quý tộc' là nhận dạy giờ thực hành ở khoa, chấm bài thi cho đến bán tiệm cá, phụ bếp tiệm bánh mì, công nhân nhà máy... đến kín mít thời gian. Nhưng mẹ không lăn tăn gì khi đăng ký cho Dim tham gia những hoạt động ngoại khóa ở trường school. Dịp đi trại 3 ngày, 5 ngày mỗi năm là Dim hồi hộp háo hức mong đợi nhất. Dim ái ngại nhìn khi mẹ ký tên đồng ý - trong mắt con có sự áy náy tốn nhiều tiền, nhưng phía sau đó niềm vui sướng chực trào ra.
Và mẹ nhìn rõ thấy sự 'đền đáp'. Những chuyến đi ấy đem về những giá trị không thể tính được. Con tự lập hơn, con ý thức hơn chia sẻ việc nhà. Con lắng nghe khi mẹ 'bàn' chuyện tiết kiệm chi tiêu. Con 'người lớn' hơn.

Lần này, nói chuyện với bà hiệu phó trường - người sẽ đi cùng các con, mẹ thấy cái attitude của nhà trường nhắm đến cho chuyến đi thật hợp với mẹ: dạy các con kỹ năng sống và giới thiệu cho các con về thế giới. Vì thế, mẹ hoàn toàn tin mẹ đã đúng.

Các con đi vui nhé. Hôm nay mẹ dặn hai chị em hãy đi và hãy học những điều hay về kể cho mẹ. Mẹ chỉ yêu cầu 2 điều là gọi điện cho mẹ và cho bố ít nhất 1 lần trong chuyến đi (để các con tự do thở :)) và tranh thủ dịp chập hai đoàn nhớ chụp cho mẹ cái hình chung 2 chị em. Thế thôi nha.

Yêu hai con gái của mẹ, vô cùng.

***Bây giờ thì mẹ đi in bức viết này để lặng lẽ cất vào va li của Dim Mei trước khi ra phi trường.
(wink :))

Bài liên quan:
* NHỮNG CHUYỆN MUỐN KỂ
* BỮA TIỆC NOEL MẮC TIỀN CỦA CON

June 23, 2010

Viết sau ngày 21/6

Trước ngày 21/6 (ngày nhà báo Việt Nam) mình đã đọc loạt bài về một nơi kia bà con tự góp 5 triệu đồng bắc dòng dọc làm phương tiện qua lại giữa hai bờ sông Pôkô. Sau đó là những tin ấm lòng: bạn đọc vnexpress quyên góp tiền xây cầu cho bà con.
Để xây mỗi cây cầu qua sông Pôkô cần 1.5 tỉ đồng VN (~80 ngàn USD), nhưng còn bao nhiêu những thiếu thốn cho người dân nghèo ở những vùng sâu vùng xa trên khắp đất nước mình như cây cầu này với người dân Đăk Nông?

Cũng ngay trước ngày 21/6 mình đọc tin đồng loạt trên các báo Quốc hội không thông qua dự án tàu cao tốc do Chính phủ trình trị giá 56 tỉ USD (bằng khoảng 1/2 GDP của cả nước).

(Hình từ vnexpress: Người dân đu dây vượt sông Pôkô)

Mình vốn không ham tham gia những chuyện to tát. Ngoài đi làm kiếm tiền nuôi con nuôi mình thì chỉ loanh quanh góc nhà xó bếp, có chút cảm nhận tâm tư thì vào blog viết chuyện phiếm với bạn bè.

Nhưng mình đọc, mỗi ngày. Có cái chỉ lướt qua, có cái đọc đi rồi đọc lại.

Ánh pháo hoa không còn lung linh khi mình đọc phần thảo luận của một bạn đọc Vnexpress "Có lẽ chúng ta không cần bắn pháo hoa để dành tiền làm những chiêc cầu như vậy cho bà con".

Dạo trên Hồ Gươm, bước chân mình đắng hơn khi đặt lên trên những miếng đá xanh đã kịp thay thế một phần vỉa hè Hồ Gươm trước khi dự án này bị ngưng. Phần đá kịp lát này xây được mấy cây cầu qua sông Pôkô?

Qua 21/6 rồi nhưng mình muốn cảm ơn các nhà báo, cảm ơn báo chí. Nhờ họ mà mình được biết những điều xa hơn góc bếp nhà mình, để mà nghĩ suy một chút, thở cùng đất nước một chút, hy vọng một chút.

Nhờ họ mà mình (và mọi người) được 'nghe' ông Nguyễn Lân Dũng (đại biểu Quốc Hội) trả lời phỏng vấn "dân mình nghèo, người ta xếp mình vào nước nợ thế giới rất lớn. Trong hoàn cảnh còn nhiều người nghèo như thế, chi đồng tiền phải rất thận trọng" trước thời điểm Quốc Hội bỏ phiếu dự án tàu cao tốc.

Nhờ họ mà mình biết nghĩ: Mình không muốn Dim Mei và thế hệ của các con, thế hệ sau các con phải gom sức trả nợ cho mẹ được đi tàu cao tốc lung linh hiện đại, nhưng mình đồng ý cho các con ráng sức trả nợ giúp cho bà con nghèo có những cây cầu thay cho những đò dọc đò ngang đu dây qua sông dữ.

Entry này để gửi một lời tri ân đến những người làm báo trên đất nước tôi.

Tham khảo:
* Vượt sông dữ bằng cách đu trên dây cáp
* Độc giả vnexpress quyên góp xây cầu vượt sông Pôkô
* Lát đá Hồ Gươm chẳng khác nào sơn lại Tháp Rùa

June 22, 2010

Mei và bác V.

Thứ Hai đầu tuần.

Dim Mei ra cuối tuần vẫn nóng khiếp. Hứa đồng ý Thứ Hai cho Dim Mei đi theo lên cơ quan mẹ lo lỡ 2 chị em ở nhà cúp điện không chịu nổi nóng. Tối chủ nhật Hà Nội có trận mưa rào vàng bạc kim cương. Ôi chao là thích. Mát thì mát, nhưng mẹ hứa rồi nên sớm thứ 2 hai chị em bật dậy sớm lắm, giục nhau đánh răng rửa mặt mặc quần áo rất lẹ. Đành giữ lời :)

Kể ra thì lâu rồi Dim Mei không được đi theo đến cơ quan mẹ. Ngày xưa DM còn nhỏ, mẹ còn phải trực ca thỉnh thoảng lại mang theo. Các cô các bác quý thương lại giúp giấu bác sếp, cho hai con chui vào phòng nghỉ, dặn ở yên trong đó. Giờ lớn rồi nhưng lâu lâu Dim Mei lại thích xin mẹ lên cơ quan chơi một chút - có vẻ như thích được nhớ lại ký ức.

Bữa nay cơ quan mẹ đang nhộn nhịp chuẩn bị ba cái vụ hội diễn văn nghệ hát hò chào mừng mấy sự kiện lớn của Tổng Công ty, nên cho tới đó coi các chị thanh niên trẻ tập tành. Hờ, mà Thứ Hai là ngày cơ quan mẹ bắt buộc mặc đồng phục quần sẫm áo sơ-mi trắng. Nào thì ba tên ba cái sơ-mi trắng, cao sàn sàn. Xong, nào đi :)

Trưa, chở DM xuống Ban cũ của mẹ, nơi có phòng nghỉ trực ca quen xưa.

Các bác tíu tít chào, xuýt xoa khen lớn. Dim vô SG ra làm như nhớ lại được thói quen khoanh tay cúi chào, các cô bác khen ghê, mẹ thích quá. Còn Mei, vẫn như xưa, luôn là đối tượng phỏng vấn của bác V. sếp cũ của mẹ. Dù bác hỏi cả hai, nhưng chị Dim ít nói, trong khi Mei cứ tròn mắt kiên nhẫn trả lời đủ các câu hỏi.

- Hai chị em lớn quá nhỉ? Thế có ai chào 3 mẹ con là 3 chị em chưa?
- Dạ rồi ạ.
- Thế bác chào 3 chị em thì có được không?
- Dạ được ạ.
- Vừa rồi hai chị em vào SG có được đi chơi nhiều không?
- Dạ có ạ.
- Thế cháu thích sống ở Hà Nội hơn hay Sài Gòn hơn?
- Dạ cháu ở đâu cũng được ạ.
(Câu này 'nhạy cảm', rất nhạy cảm với những đứa trẻ như Dim Mei. Và Mei trả lời ngay giây đầu tiên, nhanh lắm, sếp phó ngồi đó cười 'mẹ có vẻ dạy kỹ năng trả lời phỏng vấn kỹ nhỉ'.
Người lớn bao giờ cũng thế, chả được mấy câu là trong sáng.)

Bác V. lại hỏi tiếp:
- Dim Mei năm nay học lớp mấy nhỉ?
- Cháu lên lớp 6 còn chị lên lớp 8.
- Thế hai chị em có biết làm việc nhà, nấu cơm giúp mẹ không?
- Dạ biết.
- Biết nấu những món gì nào?
- Dạ cháu biết cắm cơm, làm trứng; chị Dim biết làm nhiều hơn, chị biết nấu rau, xào thịt bò.
- Giỏi quá. Còn làm gì nữa?
- Dạ cháu với chị chia nhau rửa bát và đổ rác.
- Sang năm chị Dim thi hết cấp thì chị sẽ bận. Lúc ấy Mei có làm giúp cho chị không?
- Dạ không.
- Sao thế?
- Vì mệt lắm ạ. Cháu làm một mình ngày nào cũng làm thì mệt lắm.

Hí hí. Cái bác lúc nãy lại cười, chêm 'câu này chắc mẹ chưa huấn luyện'.
Đến lúc này mẹ mới nói: - Không, mẹ cháu chẳng huấn luyện trả lời gì cả. Chỉ dạy mỗi là cái gì khó không nói được thì thôi, né hoặc đàng hoàng xin phép không trả lời câu hỏi đó, còn cái gì đã nói là nói đúng.

Mà cái 'kỹ năng trả lời phỏng vấn' hàm ý ấy, nếu có, chỉ dùng trong một số tình huống cần thiết thôi, còn thì tội gì không sống cho thoải mái có sao nói vậy chớ, huh?

June 21, 2010

Cậu Quỳnh và Mei và 'chủ thể'

Cậu Quỳnh ở tận trong Sài Gòn. Một năm cậu gặp Dim Mei và mẹ vài lần, nhưng điện thoại thì thường xuyên. Thân.


Đây là một trong những mẩu đối thoại mới nhất. Cậu Quỳnh gõ gõ Mei bên cạnh, vừa chỉ mẹ gần đó đang chăm chú một việc khác:
- Này, cậu bảo, bà này giờ xấu nhỉ?
- Xinh chứ.
- Đâu, xấu rồi (Tất nhiên cậu có nháy nháy 'chủ thể' chứ không thì ăn đập to :))

Mei (khẳng định dứt khoát): - Xinh!
- Ừ thì cậu đồng ý trước có thể xinh nhưng bây giờ già nên xấu đi.
- Vẫn trẻ mà.
(lại nháy nháy xéo với 'chủ thể'): - Cậu thấy già rồi!
- Trẻ, nhiều người bảo mẹ trẻ.
- Đâu có, già và xấu.
- Trẻ và xinh! Vẫn có người thích đấy!

Đến đây hai cái tai của 'chủ thể' dỏng hẳn lên tò mò. Thế mà cậu lại cười không hỏi tiếp làm đối thoại chấm dứt đầy dở dang. Thiệt là uổng :((
:)
------------------
Được 'fan ruột' ra sức bảo vệ thì ngất ngây, tường thuật lại trung thực, chứ 'chủ thể' thuộc lắm 'Mẹ hát con khen', cũng biết câu này: 'Ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đến ngoài đường khối kẻ giòn hơn ta'. Hihi. :)
------------------

*** Về cậu Quỳnh:
- Phần cuối entry Sapa - Kể chuyện bằng hình
- Cũng khoe
- Dùng vũ khí nào

June 19, 2010

Lãng đãng, ngọt ngào, háo hức.

1. Hôm rồi nói chuyện với Mei 'Hôm nay có lại đi bơi không?' (Dim Mei có thể đi bơi mỗi ngày không chán, ngược lại, nếu rảnh chán thì tốt nhất là cho đi bơi).
Trả lời: - Dạ có
- Vậy chắc 2 chị em đen lắm rồi nhỉ?
(hạ thấp giọng và kéo dài): - Đen rồi
- :) Vài bữa nữa mẹ đi đón ở Nội Bài chắc phải đem theo cái flash, soi soi, thấy hai cục đen đen chạy ra thì biết là Dim Mei nhỉ?
- hì hì.


Kể cho chị Tuyết nghe đối thoại. Tuyết cười hihi.
Sáng nay rủ: - Chiều Tuyết đi đón DM với cô không?
- Dạ có, đón hai em đen đen.

Hơ hơ cool, học được khiếu hài của mình rồi, phục mình ghê :)

2. Hôm qua theo xe Ph. về Thái Nguyên. Đến nhà nói với Ba Mẹ chừng 5 phút rồi ra nhà chị Nh. thăm bác Loát. Tình trạng nản lắm. Xấu là nhiều rồi. Hỏng rồi... Có khi chỉ tính bằng tháng nữa thôi. Cô Út cũng mới ở quê lên thăm chị. Thế là cả 3 chị em ông ở đây, 2 người hiểu họ đang sắp mất người kia mãi mãi. Xưa nay ít nghe Ba kể chuyện thời thơ ấu, không biết bác có cùng Ba bắt cua mò ốc tắm ao chăn trâu đẩy lúa?

Chợt nao lòng lo lắng bâng quơ. Cầu mong ba mẹ cứ khỏe mãi với con.

Cô đi cùng xe xuống HN để về quê. Lẫn giữa câu chuyện với cô thỉnh thoảng Ph. hỏi L.O. có nhớ..., L.O. có nhớ... - Nhiều cái em nhớ, vài cái quên, thời đi học đã xa hai mấy năm rồi còn gì. Nhớ hay quên, cứ đặt chân trên đất TN là bồi hồi. Không phải quê gốc, nhưng phần lớn tuổi thơ mình ở đây. Những chạy nhảy, mót lúa, trộm ngô, những mải chơi quên giờ nấu cơm, những trận đòn sợ xanh mặt, những học hành thi cử, những yêu thương trộn trong nghèo khó vất vả, những nghịch ngợm cùng đám bạn học trò...

Ngọt ngào, dịu êm.

3. Hà Nội nóng như điên suốt cả tuần. Có đến mấy thứ giấy tờ 'hành chính nhà nước' phải làm. 7h30 sáng đến 4h30 chiều ngồi trong phòng máy lạnh trốn nóng, kể cả lúc ăn trưa ở nhà ăn cơ quan cũng máy lạnh luôn - quý xì tộc. Xin trốn đi làm việc riêng cũng ngại, mà có xin được bảo chạy đi trong trời nắng như rang như thiêu, về mặt mũi cháy đỏ áo ướt sũng nhớp nháp mồ hôi, thôi kiếu.
Thật là sáng suốt khi Nhà nước quy định các cơ quan hành chính làm việc sáng hứ 7. Bà con đỡ phải cúp giờ làm đi lo việc.
Thì hôm nay thứ 7. Lên UBND phường. Gặp người phụ tránh xây dựng để xin sửa nhà thì 'hôm nay chú ấy nghỉ, đầu giờ thứ 2 chị đến nhé'. Phô tô công chứng giấy tờ thì máy photocopy hỏng -> chạy ra ngoài copy. Nộp giấy. Nhận. - Thứ 2 chị đến lấy nhé. - Lâu vậy cơ à? - Dạ không, nhưng hôm nay không có ai ký, các bác ấy nghỉ hết ạ. :(

Tiếp, chạy đến UBND Quận việc chuyển hộ khẩu. Bộ phận một cửa tiếp dân 8h làm việc mà 8h30 chưa có ai. Lần ra hỏi bảo vệ. 'Xin chuyển hộ khẩu à? thế thì lên Công an Hộ khẩu Quận chứ, ở Quán Thánh ấy'. Lại chạy.
Vừa chạy trên đường nắng rát mặt vừa lẩm bẩm 'Tưởng bở! Thứ 7 chỉ được mỗi cái vắng vẻ. Vắng cả dân lẫn người tiếp dân. Muốn làm công dân tốt 'sống và làm việc theo pháp luật' mà pháp luật rắc rối mệt mỏi quá sao làm?'

May sao ở đây suôn sẻ vui vẻ. Chị công an hộ khẩu xem xem giấy tờ rồi bảo 'em đủ điều kiện, giờ làm cái này, cái này, xong quay lại đưa chị là xong'.
Đấy, 3 việc thì cũng được 1, chưa gì đã nản sớm. Đi lại vậy nhằm nhò gì. Thủ tục hành-chính vậy là đã tiến bộ lắm rồi b..à ạ.

Đường về, hơi bâng khuâng... Mình sắp tuột mất cái gì? xa cái gì nhỉ? - rời bỏ làm công dân TP HCM để làm công dân Hà Nội, biên giới mờ thôi mà vẫn làm mình bâng khuâng.

4. Đến cổng, thấy bà chị bàng xóm sát nhà khai trương máy ép nước mía, đang ép lấy ép để, mồ hôi lăn ròng ròng - Để em ủng hộ chị khai trương nhé, chị ép hết chỗ mía đã róc này đi được mấy ly em mua cả. - 6 ly, 36.000 cô. - Dạ (đưa chị tờ 50.000) Chị cứ cầm, em chúc đắt hàng đấy.
Cười tươi cầm tờ tiền phẩy phẩy quệt quệt vào má mình - chắc là kiểu âu yếm của dân 'anh chị' đây :)
(bà chị này to mập, tay có vài hình xăm trổ, hút thuốc phì phèo văng bậy tuồn tuột. Túm lại có lẽ là 'đại bàng xếp cánh').

- Chị ơi em góp ý chị mua một hộp bao tay nylon ấy, rẻ thôi, đi vào nhìn cho pờ rồ ẩn ý là vệ sinh). Vất vả phết bác nhỉ, coi chừng mỗi ly lại được khuyến mãi vài giọt mồ hôi của bác. hihi.
(bệnh hài hước nghịch ngợm bẩm sinh khó chữa, may mà đã mua ủng hộ, với lại điệu bộ cũng lành không ngoa ngoắt chớ không chắc ăn vài cái đập bằng vỏ mía rồi :))

Chia bớt nước mía qua hai nhà hàng xóm chỉ đem lên nhà 2 ly cho 2 cô cháu. Đóng kín các loại cửa. Bật quạt. Mở máy lạnh một chút làm nền cho 'ốc đảo' rồi tắt (tiết kiệm). Mặc đồ bãi biển. Lướt nét :)

5. Thế, hôm nay cứ lãng đãng lãng đãng. Tổng cộng 40 phút chạy xe trên đường giả sử có gõ máy được thì đã làm được 1 entry đầy cảm xúc lộn xộn rồi. Bơ lơ bảng lảng đủ thứ may mà còn ráng để ý được đèn giao thông chứ chú CA mà toét cho một cái thì tỉnh đau tỉnh đớn nhé.

Chiều nay DM về. Còn mấy tiếng nữa là hết những ngày enjoy being 'a wild single woman' như ông thày Steve hay email trêu chọc mỗi đầu hè.

Ngày tháng thường nhật trở về.

Háo hức.

*** Entry liên quan:
- Gia đình Gia đình
- Vụn

June 16, 2010

Gia đình, Gia đình

1. Sớm, còn mấy phút đến giờ đi làm. Đi ra đi vào. Nhà trống. Hơi bồn chồn. Nhìn điện thoại. Định bấm, lại thôi. Dim Mei có thể đang ngủ nướng.

Đến cơ quan. Gọi. Mei nghe. 'Giọng con hơi khàn nhỉ? hay tại nằm máy lạnh?' - 'Không ạ, là tối hôm qua con ói hơi nhiều, mấy lần' - 'sao thế? thế bữa tối có gì nhỉ?'...
Cũng tại mẹ ở nhà cứ kỹ quá, con ít khi ăn ở ngoài, có thì cũng chọn lựa kỹ càng vệ sinh thực phẩm nên thành ra con dễ bị phản ứng với những thức lạ.
- Con đỡ rồi chứ? thôi không sao, bé khỏe nhé.
- Sao hôm nay mẹ gọi sớm thế?
- Ừ mẹ bỗng nhiên thấy muốn gọi. Mẹ toàn chờ các con chủ động gọi cho mẹ buổi chiều. Lần này lần thứ 2 mẹ gọi sáng, cả 2 lần đều có chuyện, nhỉ?
- hì...ì, vâng, con thấy mẹ gọi biết ngay là mẹ biết.
- Ừ, cái đó gọi là gì con biết không?
- Không ạ.
- Cái đó gọi là 'linh cảm người mẹ'.
Bé cười: - Hì, vâng, đúng.

2. Tối muộn hôm qua nhận được món quà từ Blog. Thế giới ảo quà thật. Bé nhắn tin: 'Chị ơi em vừa xuống đến Hà Nội, em mang cho chị một chút quà quê mẹ em tự làm. Tối em ghé chị nhé'.
Món quà mang hương vị vùng trung du: bánh tro, có vùng gọi bánh gio.

Bánh tro người Bắc gần giống bánh ú lá tre (*) trong Nam, thường bán vào dịp
Tết Đoan Ngọ. Vỏ bọc lá. Ruột bánh làm từ gạo ngâm trong nước tro đặc biệt trở nên trong, màu vàng óng, dẻo, khi ăn chấm với mật. Yummmy.

Hỏi: - Con gái về mẹ làm bánh thích nhỉ? Trả lời: - Mẹ em vẫn làm bánh để bán mỗi ngày chị à.

Bất giác bàn tay cầm chùm bánh nâng niu hơn.

Sớm nay là mùng 5 tháng 5, Tết Đoan Ngọ - ngày 'giết sâu bọ', thật hợp. Qua Blog bé gặp câu viết "Trở về nhà là mình thấy bình yên. Bình yên lắm!". Để lại dòng nhắn: "Căn nhà tuổi thơ luôn là một chốn bình yên để ai ai cũng mong được về, vùi mặt vào những mùi thơm ngai ngái quen thuộc từ sâu thẳm. Chị đang ké cái mùi hương đó đây. Đã nếm món quà mẹ làm. Cho chị gửi lời cảm ơn đôi bàn tay tần tảo của mẹ nhé.
Thân."
(Hình số 3 - sưu tầm: Một kiểu gói bánh tro khác)

3. Đúng ra là hôm qua Thứ 3 bắt đầu thợ đến sửa nhà tranh thủ khi DM vắng. 2 cô cháu mua nào bạt, nào ly-non, nào túi, góp góp, gói gói, bọc bọc đồ đạc để tránh bụi. Tối tối vừa gom dọn vừa coi World Cup :)

Tận tối thứ 2 mới quyết định hoãn. Bữa đó Ba cùng với vợ chồng anh Ch. chị Nh. đưa bác Loát xuống Hà Nội khám. Chiều, cả nhà ngược luôn về Thái Nguyên. Kết quả xấu. Em trai 70 tuổi theo chị 73 tuổi đến viện, các xét nghiệm, ngồi chờ kết quả, nghe tư vấn 'gần như chắc chắn là u ác (ung thư)'.
Hiểu Ba. Cảm giác sắp mất một người ruột thịt.
Mẹ gọi xuống: 'Mẹ định xuống với L.O sửa nhà, nhưng đang bối rối thế này, Mẹ ở lại với Ba mai mẹ xuống'.

Con gọi thợ hoãn lại lịch. Không muốn mẹ bị cảm giác 'thân này ví xẻ làm đôi...'.
- Vâng mẹ cứ ở nhà, vài bữa nữa ổn, con sửa cũng được mẹ ạ.
(giọng mẹ nhẹ nhõm) - Ừ, thế thì lúc đó cả Ba Mẹ sẽ xuống.
- Dạ vâng...

*** Entry liên quan: bác Loát
*** Ban đầu Lana viết bánh tro giống bánh ít của người Nam - nhớ nhầm tên - đúng ra là bánh ú lá tre. Cảm ơn Đỗ vì phát hiện này nha.

June 14, 2010

Vợ là gì trong nhà?

Bữa offline rồi có một đề tài được lướt qua là nên lấy vợ Nam hay vợ Bắc. Vợ Nam thì sao vợ Bắc thì sao... Tất nhiên nói cho vui thôi vì ở đó có 'các bà' Nam, Bắc, lẫn Bắc lẫn Nam, đủ cả, nói quá là... là sao nhỉ, chưa biết, nói thử biết liền :))

Mình vốn là đứa mà tính từ khi bắt đầu biết để ý, đọc, xem những chuyện về gặp nhau - yêu - lấy vợ lấy chồng - sinh con - gia đình..., thời gian sống ở Nam, Bắc và một vùng nào đó không Nam chẳng Bắc chia đều cho nhau, nên vô tư chẳng chút hân hoan hay tự ái vùng miền nào khi nghe những 'thảo luận' Bắc - Nam hướng này hướng khác, nghe để đó. Nghĩ ra, nói chung thì mỗi vùng cũng có nét chung, nói riêng thì văn hóa vùng miền không phải yếu tố quyết định cách tư duy riêng của một ai đó. Mà cách cư xử, thái độ sống... phần nhiều do cách tư duy của mỗi người quyết định.

Còn cách tư duy là kết quả của những gì thì nhiều tài liệu nghiên cứu xã hội học, sách tâm lý, giáo dục... nói nhiều. Mình chỉ là dân đọc thôi, không dám kết.

Chỉ xin góp câu chuyện từ một bà giáo tiếng Nga dạy mình hồi mình qua đó.

Ngày đó, các bà giáo tiếng Nga không chỉ dạy tiếng Nga mà như bảo mẫu, như người mẹ hướng dẫn cách hòa nhập cuộc sống và văn hóa đất nước Nga. Lớp học tiếng Nga của tụi mình gồm sinh viên đa quốc tịch da trắng da vàng da đen da nâu đủ cả. Nam và nữ. Sinh viên nên tất nhiên đều trẻ. Một lần trong giờ học, bà giáo hỏi: Các bạn hãy thử nói xem, người chồng là gì trong gia đình?
Xôn xao nhưng cuối cùng có vẻ câu trả lời chốt lại là 'голова' (cái đầu). Bà giáo gật đầu: Đúng rồi, người đàn ông là cái đầu trong gia đình.
Tụi con trai sung sướng cái mặt nghênh nghênh hỉ hả. Đám con gái ngồi im kiểu 'hứ, đồ trẻ con, có thế mà cũng vênh mặt'.

Xong, bà giáo lại hỏi: Rồi, người đàn ông là cái đầu, vậy phụ nữ là gì trong gia đình?

À... đến đây thì câu trả lời có vẻ phân tán, chủ yếu vẫn là đám đàn ông tích cực trả lời.
- Thưa cô là trái tim (một chàng đặt tay lên ngực, mắt long lanh liếc về phía nàng mà hắn thích)
- Là cánh tay phải
- Là đôi chân (mình không nhớ câu này của chàng nào, chỉ nhớ đã rất thú vị với câu trả lời này, hình như 1 chàng châu Phi).

Bà giáo vẫn lắc đầu.
- Thưa cô là cái hòm chứa
- Là trợ lý đắc lực
- là người bạn
...
- Đều không đúng, bà giáo nói, người chồng là cái đầu, người vợ là cái cổ, rồi bà nói chậm: cái cổ quay đi đâu, cái đầu quay đi đó!
Trời ơi tới đây thì đám con gái òa lên, vỗ tay rần rần. Phe kia nãy giờ ào ào bỗng ngồi thộn hết cả mặt ra như ngỗng ị.

Để cả đám trả đũa nhau chán, bà giáo ra hiệu trật tự rồi nói tiếp:
- Nhưng các bạn nữ phải nhớ rằng câu chuyện này của chúng tôi còn 1 câu nữa mới hết. "Cái cổ quan trọng là vậy, nhưng phải luôn luôn nhớ nó là cái cổ, đứng lùi phía sau. Cái đầu luôn ở phía trước hứng gió mưa bão lạnh. Khi nhìn vào người ta sẽ thấy cái đầu trước cái cổ. Nếu không là thế thì cái cổ không còn là cái cổ, và người đàn bà trở thành đàn ông rồi."

June 13, 2010

Bác Loát

Bác Loát là chị ruột của Ba, đang sống ở quê Hưng Yên.

Chuyến đi Sapa của cả nhà đã hoàn hảo nếu không có một cuộc điện thoại cho Ba vào buổi tối ngay trước khi lên tàu về Hà Nội. Ba thừ người. Trên tàu Ba, Mẹ và mình cùng bàn bạc, mỗi người một ý mở ra cho đến khi tìm được phương án tạm tốt nhất ba mẹ mới yên tâm đi nằm trong tiếng tàu chạy xình xịch.

Cú điện thoại đó là chị Dung, con lớn của bác Loát gọi cho cậu (là Ba). Cúp máy xong, ba nhìn mẹ nói trầm trầm: Con Dung nhờ cậu gọi vào Đà Nẵng cho thằng V. về đón mẹ vào ĐN khám chữa bệnh. V. là con trai trưởng của bác Loát.
Bật hỏi một câu hỏi vô tư hoàn toàn không thành ý: Bác Loát bệnh gì? Sao lại vào Đà Nẵng chữa ạ? là bệnh ấy cứ phải vào phía trong mới chữa được ạ?

Hai bác có 8 người con. 4 người ở quê, 4 còn lại ở Hà Nội, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Sài Gòn. Tất cả đều có gia đình, con cái, công ăn việc làm ổn định và đều ở riêng. 4 trong số 8 anh chị trước đây được cậu (là Ba) đỡ đón lên Thái Nguyên cho học nghề hoặc đại học, trong đó có anh V. đang ở Đà Nẵng và chị Nhung ở lại Thái Nguyên, vậy nên cậu rất có 'uy tín'.

Cách nay nửa năm bác trai đổ bệnh nằm một chỗ, bác gái một tay chăm sóc, các con kẻ ở xa lâu lâu về thăm góp tiền lo thuốc thang, người ở gần xẹt qua xẹt lại đỡ mẹ. Nay bỗng dưng bác gái phát bệnh vừa tiểu đường vừa gan/ mật. Thế là 2 việc một lúc: đưa mẹ đi chữa bệnh và thay mẹ chăm cha.

Ở quê mình vẫn còn tục lệ cha mẹ lo chuẩn bị tài sản (nhà, đất) chia cho con trai, con gái đi lấy chồng hưởng phước nhà chồng. Đồng nghĩa với việc nhà mình con trai lo là chính, con gái lại lo nghĩa vụ nhà chồng.
Chắc vậy nên lúc này các em ở quê lo thay nhau chăm sóc bác trai. Chị lớn ở HN đang bận xây nhà, lại là con gái, nên các em gọi đến anh trưởng V. ở ĐN về đón mẹ đi bệnh viện. Đến lượt V. cũng lại đang bận xây nhà, nói mua vé nhờ người đưa mẹ vô nhưng ở nhà muốn thấy anh phải sốt sắng hơn, về đón. Kết quả là chị lớn phải gọi cầu cứu Cậu!

Cậu ứa nước mắt. Trầm hẳn. Lẩm bẩm 'đẻ thì đẻ cho đến cạn sức'.

Ừa, các anh chị không tính đến gọi Nhung ở Thái nguyên - là con lớn thứ 2, sau D. và trên V. Đoán có lẽ vì V. khá giả hơn lại là 'trách nhiệm con trai'??

Con gái thì sao nào?
'Con nghĩ thế này, bỏ qua chuyện tài sản đi. Con trai hay con gái, công sinh thành và công nuôi dưỡng con nào lớn hơn?/ Đừng nhìn qua nhìn lại, đẻ 8 người hay đẻ một mình chúng con thì vẫn là chúng con đã được sinh ra, chăm bẵm. Nhiều con và có điều kiện thì đi đông đi tây chữa bệnh, có một con và lỡ nghèo thì nằm nhà con chăm, nhất là ăn cháo vẫn ấm. Nghĩ thế sẽ thấy đơn giản, chẳng còn gì phức tạp'.

Không có gì khó khăn để Ba và Mẹ và con cùng chụm đầu một ý nghĩ: Ừ, con gái đón bác lên Thái nguyên. Càng bàn càng thấy khả thi:
* Anh chị có điều kiện về thời gian, Nhung làm giáo viên đang kỳ nghỉ hè, con cái đều đã lớn, tự lập.
* Nhung hiền. Ba đưa Nhung lên đỡ đầu từ nhỏ. Cả Nhung và anh Chính chồng chị rất rất quý, quấn quýt với Cậu Mợ không khác gì con trong nhà. Nếu ba mẹ gợi ý, phân tích, anh chị sẽ nghe ra liền.
* Bỏ qua Hà Nội thì Thái Nguyên gần hơn Đà Nẵng nếu con cái muốn qua lại chăm sóc thăm hỏi mẹ.

Ba mẹ quyết định rất nhanh: Sáng sớm về đến Hà Nội, thay vì ở lại HN như định Ba Mẹ sẽ về Thái Nguyên luôn nói chuyện với vợ chồng chị Nhung.
Ngay sáng đó, anh chị kịp thuê 1 chuyến xe về quê Hưng Yên đón bác Loát lên trong ngày.

Tối, khi xe về đến Thái Nguyên, Anh V. và vợ ở Đà Nẵng gọi ra, Ba nói: 'Thôi hôm nay anh Chính chị Nhung về đón mẹ lên TN khám bệnh, trên này có cậu mợ. Trước mắt thế là phải nhất. Cậu chỉ dặn các cháu sống sao để thương yêu và bảo ban nhau cùng lo chuyện nhà, việc còn dài'. Vâng, vâng.
Anh Chính chồng Nhung gọi cho mình thì cứ nhắc đi nhắc lại 'cậu mợ thật sáng suốt em ạ.'.
...

Vừa gọi điện về Thái Nguyên cho mẹ. Mẹ bảo ngày mai Ba và anh Chính sẽ đưa bác về Hà Nội làm thêm một số xét nghiệm. Từ bữa bác lên các anh các chị thường xuyên gọi lên hỏi tình hình. Tự nhiên tin sau này nếu bác phải điều trị lâu dài các anh chị sẽ qua lại cùng Nhung chăm sóc mẹ.

***
Là khi một vài người xông vào giành giật một quyền lợi hay đùn đẩy một trách nhiệm, bỗng hình thành cảm giác 'sợ thiệt' cho những người xung quanh, khi đó sự phân chia (nếu cần) có thể trở nên khó khăn. Ngược lại, khi 1, 2 người đặt cư xử bằng tình cảm và nhường nhịn trước, tính thiện trong những người còn lại được lay động. Không còn nỗi lo 'thiệt', họ có thể sẽ sợ mình bị bật ra khỏi cộng đồng 'người tốt'. Cái tốt có tính lôi cuốn mạnh hơn cái xấu.
Chỉ trừ những nhân cách đã bị hỏng, đã quá chai lì, còn thì trong mỗi con người tình thương máu mủ, biết ơn sinh thành luôn vẫn có ẩn sâu trong tim. Trong mỗi họ cũng luôn có cả phần thiện/ ác, lòng nhân/ ích kỷ, chỉ là làm thế nào để đánh thức phần thiện thành trội hơn thôi.

Là mình tin vậy, biết mọi người có tin?

June 12, 2010

Một nửa nhà đi vắng

1. Dim Mei vắng nhà.
Tối, chị Tuyết vẫn ngủ giường của chị Tuyết và Dim, mẹ vẫn ngủ giường của mẹ và Mei. Mỗi giường trống đi một nửa.

Hôm mẹ về bình ga hết đã 3 ngày chị Tuyết vẫn chưa gọi thay. Định nhắc rồi lại thôi. Nghĩ hôm nay bữa cơm 2 người còn thấy tẻ, mình ở nhà một mình thì cũng thế thôi, chả hơn.

Cái chậu nhỏ có hạt đỗ Mei bữa trước gieo khô cong, đất nứt nẻ. Chị Tuyết ở nhà tưới không đều. Chắc Mei cũng quá háo hức với chuyến đi quên không dặn chị. Coi, thấy hạt đã có rễ, chưa nảy mầm. Tưới lại, không biết nó có sống tiếp không?

Thứ 7. Nghỉ. Nhà càng vắng.

2. Thử nghĩ theo hướng 'ly nước đầy một nửa' (half full, not half empty), tự bảo 'nào, hãy hưởng một cuối tuần yên tĩnh và không có lịch', thả lỏng. Hiếm khi có cuối tuần thế này. Không đưa DM đi đâu, không lên TN, không một việc gì đợi gấp. Từ tuần sau lại lo sửa sang nhà cửa để kịp DM về nhà sáng lung linh.

Haà, nằm dài trên di văng, vung vẩy cái remote TV bấm bấm, chọn chọn, coi nguyên đủ chương trình Thời sự mà không phải căn giờ đến đúng từng phút rồi đề nghị (xin) DM dứt khỏi High School Musical hay mấy anh Hàn Quốc Big Bang hát đi hát lại bài gì mà cả hai chị em hát theo tiếng Hàn ngon lành say sưa.

3. Lại nhắc Phim Hàn Quốc, mình chỉ thích nhất 'Anh em nhà Bác sĩ', thêm vài phim sau đó, rồi thì chán và chẳng thể kiên nhẫn coi đủ bộ phim Hàn nào nữa. Vậy cũng đủ để nhớ một hình ảnh thường lặp đi lặp lại: Bên giường bệnh, người thân yêu ngồi thật lâu, nắm tay và nói chuyện, nói như thể người kia đang lắng nghe, nói những điều họ muốn nói, nói những điều người kia từng muốn nghe, nói những điều thật lòng, yêu thương... Mình không còn thích coi phim Hàn Quốc, nhưng mình tin trong số những điều kỳ diệu mà khoa học chưa thể giải thích có những trường hợp mà hơi ấm, tình yêu thương, cái nắm tay, lời thầm thì của người thân yêu là liều thuốc kỳ diệu giảm đau, khích lệ, đánh thức cảm giác.

4. 7h30 tối. Mei gọi điện - Mẹ có xem bóng đá không?.
Ngạc nhiên, Mei coi bóng đá?
- ... Mẹ có ('có' là có chung, thật ra đang coi Thời sự cơ).
- Thế mẹ bắt đội nào?
- Đang đội nào ấy nhỉ?
- Hàn Quốc với Hy Lạp.

À, thì ra là vì có Hàn Quốc của con :)

Bật sang kênh VTV2. Phút thứ 60. Hàn Quốc đang dẫn 2 - 0 :)

June 11, 2010

...Lại Sài Gòn

Đi Sài gòn mấy ngày thì phải có cái entry tổng kết chứ nhỉ? Cái entry SaiGon SaiGon kia 'khoảng khắc' quá. Chắc nhiều người cũng đều có khoảng khắc 'sau lưng mình là khoảng trống', ở SG, ở HN, ở nơi nào đó bước chân lỡ lỡ... Bữa nay có cô bé bạn/em hỏi: - Đọc blog của chị, đi SG buồn thế chị? trả lời: - Chỉ là một lúc đó bất chợt thôi. Cũng có lúc cười đến đau ruột và hát đến hết giọng với bạn bè đó chứ.

Vậy thì lần vô này Sài Gòn là thế này:
1. Đường phố: Năm nay Sài Gòn dễ thương hơn nhiều. Rộng rãi thênh thang. Đi mãi từ Trung tâm qua Tân Bình, qua Quận 7, qua Quận 2 mà chỉ gặp có mỗi một cái lô cốt thì phải, ở khúc nào thì không nhớ nữa. Nhưng túm lại, SG thế là khác hẳn năm ngoái, năm kia, năm kìa nhiều lắm. Hồi đó đi đâu cũng đụng lô cốt, kẹt, tắc..., giờ tênh tênh.
Bỗng chốc lại thương Hà Nội sắp 1000 năm Thăng Long, đâu đâu cũng công trường, vỉa hè đào tung, cát, bụi lem nhem, đường bị cắt/ lấp tạm nham nhở lồi lõm...
Có điều SG quá ít đường có cây xanh. Kể cả những vùng cách xa bắn đại bác không tới trung tâm cũng khô khốc toàn nhà và người, rất ít đường có cây!

2. Ăn, uống: Trưa ngày thứ hai ở SG ngồi với các bạn đồng nghiệp cũ ở quán Nem đầu phố NTMK. Ngon và đông khách. Bạn bè lâu lâu mới gặp nhiều chuyện để vui, nhưng chỉ nói hết được 1/3 những câu định bật ra - vì ồn ào quá. Căng hết giọng để nói, căng hết tai để nghe mà vẫn lõm bõm chữ được chữ mất. Cười không hết cái hài.
Mọi người thấy mình hiền dịu êm hơn hẳn, tưởng vật đổi sao rời. Đâu ngờ sáng hôm sau cũng tụi đó gọi cà phê, chỗ ngồi sân vườn thoáng, mình góp miệng líu lo pha trò 'như xưa'. Cả hội kể chuyện xưa chuyện nay, đa phần chuyện hài, pha trò, trêu chọc, cười đau hết cả hai cái khung hàm :)

3. Bloggers: Một bữa tưởng khó sắp thời gian, vậy mà vẫn có đủ cặp đôi DHP, TOU, Haukhaoco và Lana. Cà phê Paris Deli nhẹ nhàng. Quán An đủ ấm cúng để hàn huyên câu chuyện của những người chưa từng gặp mặt mà như đã quen. Đủ vui để đặt thêm một cái hẹn nữa khi Titi dứt được ra khỏi công việc.

Bữa sau offline thì vui khỏi nói, mình chậm chân kể, các bạn xem hình ở đây, và ở đây. Chỉ kể thêm chi tiết này: Trưa ngày 9/6 nhận tin nhắn 'Chiều nay hẹn nhau 6h ở Khách sạn Saigon Star số ... NTMK nhé'.
Dặn anh chị 'em ko ăn cơm nhà, tối em về trễ'. Cậu em xung phong chở đến điểm hẹn. Tới, thằng em dừng xe phía ngoài KS nguy nga, hoành tráng. Phòng, phòng, phòng, đèn, đèn, đèn... không nhìn thấy nhà hàng cà phê gì hết trơn. - Chờ chị chút đi, chị gọi thử coi đúng chỗ không.

Bấm máy cố tình gọi cho các 'nàng' chứ không phải các 'chàng' để cậu em có lăn tăn gì thì yên tâm. Chị Hậu nghe máy. - Ừa, đúng rồi em, em lên phòng số 4, tầng 1 - CHỊ ơi CHỊ ló mặt xuống cầu thang chút đi.

Đợi vài giây, một 'chàng' cao chừng 1m7 - 1m8, to ngang tương tự, đen, đầu húi, ló dần xuống cầu thang phía trong KS. Theo phản xạ chỉ luôn: Ô đúng rồi!. há há, quay qua thằng em chắc lúc đó trong đầu xoắn vài ba câu hỏi: Rồi, Th. về đi. Thế nhé. Tối chị tự về :)
Thằng em quay xe, con chị tong tong đi vào KS về phía anh 'to cao đen đầu húi'.

Thì ra, tầng 1 Saigon Star cung cấp phòng dịch vụ 4 trong 1 mà các bạn đã biết ở entry nhà Phú.
:))

4. Điều rất vui, ngoài chuyện ngồi với những Bloggers 'có gì đó chung' mà tớ luôn thích, ngoài chuyện được gặp hai bạn mới rất dễ thương là cô bé Tiên cực kỳ ấn tượng với bài hát 'Gửi người em gái' đặc Hà Nội và Zouk (Tú) - fans của TOU, thì còn 2 điều đáng nói: 1) tớ đã được gặp cặp vợ chồng - tình nhân vô cùng dễ thương Thần-đèn-và-nàng (ĐHP), và 2) tớ được tặng cuốn sách 'Quà của Bố' - cuốn sách tớ đã mong ước cầm trên tay ngay khi đọc về nó, cho dù qua Blog tác giả tớ đã đọc được gần hết phần ruột rồi.

Nhận, đọc lại liền không thể chờ. Đọc trên đường đi, trên máy bay. Những dòng chữ rút sợi từ trái tim đầy ắp yêu thương của một người cha. Những dòng chữ viết khi cười, khi khóc, để người đọc phải khóc, cười theo từng trang chữ.
Bìa sách Quà của Bố (từ TOU's Blog)

5. Những vớ vẩn cá nhân:
Đầu tiên là chuyện quên mang theo thẻ ATM. Tại cái tội điệu, đổi giỏ xách đẹp, thế là thẻ ATM ở lại. Chị dâu rủ tối đi dzòng dzòng shopping hào hứng đi ngay, lại chở thêm Dim Mei. Nào giày, nào đồ hè đi biển..., được nửa bữa tiệc mua sắm thì cạn túi. Lúc này mới phát hiện quên thẻ ở tít Hà Nội.

Thế là vô tình thành hà tiện mang ý nghĩa tiết kiệm :)
Đồ cho bản thân thì thôi, cắt. Còn vài thứ thật cần phải mua cho Dim Mei thì quay qua chị dâu bằng đôi mắt vô tội 'Ng. trả cho em nhé, hết tiền' :((
Từ hôm sau, đi đâu cùng anh trai cần gì lại cười cầu tài, chìa tay 'anh cho em mượn bóp'. Tất nhiên là không dám phóng tay.
Ngồi với bạn bè đồng nghiệp cũ hay Bloggers thì rất im, ngoan ngoãn hưởng cái đặc quyền 'làm khách' trong khi các chủ nhà giành nhau trả bill :((

Chuyện thứ hai là hỏi đường về nhà. Tớ rất tệ nhớ đường. Anh trai chuyển nhà từ Tân Bình về NTMK Q1 hồi cuối tháng 4, là mới với tớ, đi về đến lần thứ 3 vẫn phải gọi điện hỏi 'về nhà mình đi thế nào anh nhỉ?'. Thành ngơ ngác thêm giữa SG.

Chuyện nữa là cái điện thoại đang xài bị rơi xuống ao bữa Về quê, hỏng IC xếp xó. Hà tiện chưa mua mới, xài tạm cái điện thoại Nokia cổ lỗ sĩ thời Napoleon loa nhỏ xíu. Đường ài Gòn thì độ ồn ung tai, rất nhiều lần miss call. Hễ bắt được cuộc gọi thì cũng vừa nghe vừa đoán, rồi thì hét hết cả sức 'hả, hả/ dạ dạ...' - góp thêm chút ồn cho rõ sự 'hòa nhập' Sài Gòn. Về, bạn bè đồng nghiệp trách 'đi SG tít mít gọi ko thèm nghe' :(

6. Chuyến bay về Hà Nội, anh trai chở ra sân bay rồi đưa đến tận cửa làm thủ tục an ninh. Bao giờ anh cũng chào bằng một cái kéo đầu em gái dúi về và ký môi lên trán. Chở che và ấm áp. Vô phòng cách ly lại có Kh.H và chị V. - 2 người bạn thân suốt từ hồi là đồng nghiệp ở TSN ngồi chờ cùng. Chẳng một phút phải một mình.
Trên xe từ NB về nhà, Kh.H. gọi 'Thế có ai đón nàng ko vậy?' - Không, nàng mơ mộng nhỉ - Ừ, thì cứ tưởng phải có... - Hì, xuống máy bay, ra cửa, thấy người ta đón người ta đông đông, bất giác cũng thích nhòm nhòm, rồi thì yên tâm xách túi ra xe bus. Thỉnh thoảng một mình tuyệt đối cũng có cái hay. Với lại, đi ồn ào rồi, giờ về muốn lặng lẽ.

Gọi cho anh 'em xuống rồi nhé'.
Gọi cho Dim Mei 'mẹ trên đường về nhà KM rồi'.
Gọi cho mẹ 'con ra rồi'.

Hà Nội, Hà Nội...

June 09, 2010

Sài Gòn Sài Gòn

Lúc này mình chỉ muốn ngắm trời mưa, vậy mà suốt trưa đến giờ SG cứ ầm ào rền dứ, không mưa.

Đưa Dim Mei vào SG để DM chơi hè với bố. Tháng 6 năm nào cũng vậy. Nhưng hôm nay, một lúc chạy xe ngoài đường chợt nghĩ: Có lẽ từ hè năm sau mình sẽ chia tay Dim Mei ở HN chứ không ở SG.

Trưa nay Dim Mei chào mẹ để về đi Vũng Tàu - bắt đầu những ngày hè rong ruổi. Con háo hức, mẹ muốn cười chào mà sao thật khó.

Vẫy Dim Mei phía trước, sau lưng là khoảng trống. Nhà mình ở xa.

Đồng nghiệp Tân Sơn Nhứt gọi: "Ngồi trưa nay luôn nhé, khá đông đủ mọi người đợi hẹn đây O. nè" - "Dạ thôi, cảm ơn mọi người nhiều. Thôi để lần khác lại gặp, ngồi sáng nay vậy vui rồi. Em muốn lên nhà cậu em út chơi với vợ con nó". Nhà Út tận gần cuối Tân Bình. Út đi làm miết dưới Cần Thơ, mỗi cuối tuần hoặc cuối 2 tuần mới về một lần. Ngồi với em dâu, hắn bảo: "Chị, số em cũng số Cò, chị". Chỉ nói "Ừ" - mình ngồi với hắn, đỡ ai phải dấu thương cảm cho ai.

Rời nhà Út chạy xe về trung tâm, SG bỗng rộng mênh mông, cảm giác như đi không có hướng. Đi đâu về đâu...

SG mình có anh, chị, em ruột, bạn bè không để mình buồn. Mình tự nhiên không muốn lúc nào cũng tụ tập nên từ chối bớt chứ không ngày nào sáng, trưa, tối cũng có thể ngồi với những ai đó thân quen. Ngồi với Bloggers SG (link) bữa mới vô nhẹ nhàng ấm cúng và vui. Còn hẹn thêm tối nay ngồi tám + hát hò đến thật muộn nữa, về ngủ một giấc là đến ngày mai.
Đồng nghiệp TSN cũng vậy, "O. ra HN bao lâu rồi nhỉ?" - "mới vậy tròn 8 năm rồi đấy" - "Ồ vậy cơ hả, thế mà như mới đây". Vẫn thế. Vẫn quý mến thân thiết như ngày nào.

Nhưng sau mỗi lúc vui vẫn là cảm giác chống chếnh, không đâu là nhà, bước chân không chờ ai đón. SG không phải của mình,

Mình về thôi...

June 04, 2010

Sapa - Kể chuyện bằng hình

Một ngày đầu hè, hai người già, hai người chưa già không trẻ, cùng 5 đứa trẻ sáng sớm xuống ga tàu Lào Cai rồi thuê xe đi 40km đường vòng vèo dốc núi về thị trấn SaPa. Ăn sáng ở một quán phở khá ngon. V. Hoàng, 15 tuổi, nói 2 thứ tiếng Kinh - Dáy, đã lên Sapa đón từ 6h30 sáng. Nào, lại lên xe.

Trên đườngTrên đường về bản Tả Van:

Bản Tả Van cách thị trấn Sapa 12km, đường về bản đã được rải nhựa, lượn vòng qua những sườn núi với ruộng bậc thang đặc trưng của miền Tây Bắc:

Đường trong bản:

Bản Tả Van được đầu tư thành một bản du lịch của Sapa vài năm nay. Sau hơn 2 năm quay lại bản đã khang trang hơn, đường trong bản xưa là đường đất lầy lội giờ được rải đá răm. Trong bản có 2 dân tộc chung sống hòa bình: người Mông và người Dáy. Hiện bà con vẫn giữ nếp sống, tập tục. Một số gia đình sửa sang nhà cho khách du lịch thuê trọ với giá 40.000VNĐ/1 người/1 đêm, làm dịch vụ, bán hàng cho khách du lịch, trong khi một số vẫn làm ruộng, trồng ngô, lúa.
Trong hình: Hai người Mông đi bán hàng về ngồi nghỉ trước hiên nhà người Dáy, mot nguoi tranh thủ thêu thùa:

Các bạn thích thú nô đùa với suối con ngay bên nhà:

Kéo thêm được một bạn khách du lịch người Israel tham gia:

Đôi này đã gần 50 năm dắt tay nhau như thế:


Ruộng bậc thang nhìn gần:

Mộ người Dáy. Người Dáy sống ở vùng núi thấp, nhiều phong tục giống người kinh nhưng mộ người Dáy nhìn lạ lạ. Phía chân đắp cao hơn đầu, có cửa. Người Dáy bảo để cửa ở phía chân để người 'dưới nhà' có dậy thì bước ra liền:


Mây giăng đỉnh núi chiều tà:

Ai làm du lịch, ta vẫn bám ruộng bám trâu:

Bé sinh ra lớn lên ở thành thị, lần đầu tiên nhìn thấy cái chuồng trâu:

Ông ngoai hướng dẫn Dim đun bếp củi:

Lâu lắm lắm rồi mới lại đun cái bếp thế này, ông có vẻ thú vị ghê lắm:

Ngồi đun bếp củi nóng hắt vô mặt, má đỏ hây hây. Nấu bếp thật chớ không có phải làm màu à nha. Đi chợ bản, tự vào bếp. Chợ bản bán giá du lịch, mọi thứ đều khá mắc, nhưng gà và heo bản thì ngon thật ngon. Dù sao thì thế này vẫn rẻ hơn nhiều so với ăn nhà hàng ở khách sạn. Món trên bếp: trái su su xào lòng gà (coi kỹ sẽ thấy mấy vết nhọ nồi đen nhẻm ở tay... nấu bếp cũ thì vui nhưng sợ nhất nhọ nồi, hơi chút là bám đen mà rửa thì khó sạch ghê lắm :()

Chiều muộn, xuống suối cái xa hơn phía dưới thung lũng:

Teen ở bản:

Thích thú với cậu bé bản địa câu cá:

Cho ông mượn một chút:

Chụp lần nữa cảnh trên đường về:

Về Sapa, thuê khách sạn nghỉ ngơi rồi lên Hàm Rồng là nơi đẹp nhất thị trấn.
Chân Mây - đỉnh núi ở Hàm Rồng, ~1800m trên mực nước biển, dốc núi gần như dựng đứng:

Ông Bà: Bọn trẻ giỏi thật, đã leo đến Chân Mây - Ơi, Ông Bà đây...iii...

Buổi tối 'bài bạc' ở khách sạn. Đông người tham gia nên chơi theo kiểu hết mỗi ván kẻ thua ra ngồi chầu để người khác thế chỗ.

Ngày hôm sau cả nhà lên Thác Bạc. Ngay chân thác có cơ sở nuôi cá Hồi và cá Tầm. Có nhà hàng phục vụ khách nếu muốn thưởng thức các món chế biến cá tươi bắt ngay tại bể, chỉ là tiện nếu trúng bữa, còn thì không có gì đặc biệt.
Mùa này thác nhiều nước, đẹp mê hồn:

Chị em gái:

Với những đứa trẻ gọi mình là mẹ:

Với mẹ:

Với nhà tài trợ chính, 'đại gia' của tớ (ít nhất là trong chuyến đi này) :)

'Vị' này cùng chung tuổi thơ dưới cùng một mái nhà, luôn yêu quý và be be bảo vệ tớ vô điều kiện, sau tớ gần 2 tuổi, và... chung luôn Ba Mẹ. Hì hì, túm lại, hắn là em trai kế của tớ.
Hắn trông 'ngầu' nên nhìn bị già, hic hic. Lại vốn 'trứng gà trứng vịt' nên xưa nay không 'chị' mà gọi tớ bằng tên như bạn bè. Có lẽ trên khuôn mặt cũng ít nét giống hay sao mà kể từ bạn bè hắn xưa cho tới lái xe Sapa, rất nhiều người sau khi được giới thiệu mới 'À...à, thế mà lại cứ tưởng...' :))

--------------------------------------
Trên xe về, thằng bé nhỏ nhất đoàn (là con trai dì Huệ Oanh) nghe điện thoại của bố (bố mẹ hắn bận không đi cùng) - trả lời nhấn dài: Vui lắm chứ!!
Bà thì lặp lại không dưới 2 lần: Chuyến đi này giá trị thật. Với một nhà giáo cũ luôn theo dõi dạy dỗ con cháu như bà, 'giá trị' không chỉ là giải trí - nó có nhiều những giá trị khác.

Câu chuyện đến đây tạm hết. Chào mọi người tớ lại vi vu... Mọi người ơi tớ vẫn tranh thủ hết lúc có thể lướt qua nhà mọi người đọc entry mới, chỉ là ít còm thôi, sorry nhé...

---------------------------------------
*** Bài liên quan:
- Ba Mẹ
- Cậu Quỳnh

June 03, 2010

Về Quê

Chào cả nhà quý mến. Cảm ơn bạn bè đã ghé qua lại mấy bữa để nhà có hơi ấm. Lana mới về lại với một xấp hình nữa nhưng nguyên ngày nay vì lỗi mạng chưa vô được trang soạn thảo/ edit của blogspot để up-load hình. Tới giờ mới được, Lana sẽ sớm up-load hết những hình đã chọn sẵn đang để chờ.

NLP đoán đầu tiên và cũng trúng phoóc luôn: Tựa entry này Lana gọi là 'Về Quê'. Cảm ơn NLP nhiều.

Đây là series hình về quê Hưng Yên (nơi ba mẹ Lana được sinh ra), Thái Nguyên (tuổi thơ của Lana và nơi ba mẹ vẫn đang ở), Thái Bình (trong một chuyến đi cùng các đồng nghiệp), và tới đây sẽ up hình ở Bản Tả Van (một bản của người Dáy và người Mông, cách thị xã Sapa 12km). Đầu hè đi đã chân để lấy cảm hứng cho mùa hè và cho 1 năm tiếp :)

-------------------------------------
*** Đặt một cục gạch, không định câu view mà câu giờ, hic hic. Bận quá nhưng vẫn nhớ bạn bè Blog nên hễ rảnh là Lana sẽ vô post dần cái series hình hiện đang 'thu hoạch', còn không thì có nghĩa Lana tạm tách khỏi thế giới văn minh vài ngày.

Ai đoán trúng chủ đề của entry hình này không nhỉ??
:)

Bên đường về quê lúa:




Cùng Ba đi thăm gia đình Cô út:


Chợ trên cầu:


Ở một góc sân quê:


Ai cũng thành ngây thơ:


Mei thích thú với bể chứa nước mưa:


Bếp:


Ở vườn nhà ông bà:


Mít:


Dứa:


Điện thoại rớt xuống ao vì trò này đây: