December 31, 2013

Chào 2013, chào 2014

Chào năm cũ 2013,
cái gùi đủ đầy đủ nặng,
những nho nhỏ làm được cùng người thân, bạn bè,
những cảm nhận,
những lo lắng,
yêu thương,
(có cả chiếc giường bệnh viện)
những cái nắm tay ấm,
những nụ cười,
những niềm vui và cả nỗi buồn không-vô-ích,
những ngày,
kín đủ một năm.
...
Lại gùi đón một Năm Mới,
Chào 2014 nha! 

December 30, 2013

Viết xong rồi cất

Nhật ký, không nhớ hôm nào
Chả biết vì sao viết xong rồi cất, chắc tại như là viết dở dang,
--------------------------------------------------------
Dạo này thật ra là nhiều chuyện để blog. Đêm qua ngủ với Mẹ Mốc Mít (đừng ai suy gì nha) chuyện nọ chuyện kia tới tận 1 rưỡi đêm, bảo nhau thôi ngủ đi đến lần thứ ba mới ngủ thật. Hai tên sau một hồi phân tích thì cũng rút ra được một kết luận là xóm Blog nhà mình im ắng lặng lẽ là do phây búc, FB mì ăn liền đấy nhưng nó tiện, dần dần nó kéo rút người ta vào nó hết thời gian. NLVD nói đúng 'đội mình giờ thành nhóm blogger hoạt động trên phây búc" hị hị, phây búc nhanh trôi, chuyện to lắm cũng ào lên vài bữa rồi lặn, vài bữa sau là chẳng còn thấy tăm nào nữa.
FB nổi, nhưng chẳng có sâu xa.
Thế thì tiếc. Với những kẻ cứ thích giữ những thứ hay hay, những thứ muốn nhớ.
Giống như khi định chép thơ tay thì được dí vào tay cái bàn phím nhấp nháy tách tách một phút là xong roẹt. Người ta tặc lưỡi với một món ăn nhanh rồi một lúc lặng lẽ thấy tiếc thứ đậm đà.

Bữa cùng nhóm nhỏ vào thắp hương mộ Cụ Giáp trên núi Vũng Chùa, nhìn ra biển khơi, qua vùng biển lặng, ra nữa là Hoàng Sa biên giới. Mình không hiểu lý do Cụ (hay con cháu) chọn nơi này, mà thôi chỉ lặng lẽ thắp nén nhang kính nghiêng mình. Vắng vẻ quá, dù khi đó đã gần trăm ngày Cụ nhưng vẫn dòng người lặng lẽ biển số các nơi vào chào Cụ, phần nào ấm áp. Rồi cứ tự hỏi nhưng ấm áp dòng người được bao lâu, vài tháng, vài năm. Còn sau đó, chắc hẳn rồi cũng trở về vắng lặng, quạnh hiu. Người ra đi là hết, buông xuôi mọi điều.

Bữa đó miền Trung mùa lũ, ào ào xuôi ngược các chuyến hàng, xe, người vào miền Trung cứu trợ, cứu lụt cứu đói. Sục sôi. Sục sôi cả cái note của một người bạn làm báo "29 hộ được làm nhà thì đ.t mẹ thằng chủ tịch Mặt trận cấp xã ăn của dân đến 21 căn. Cái nhà lù lù ra đó mà nó còn xơi cả căn thì cái gì mà nó không ăn".
Hỏi vậy bao giờ hết đói.


Kể cả sôi sục cứu gạo thì sức nào chở được đúng đến từng nhà, mà chở được bao nhiêu, vài ngày, vài tuần, hết gạo cứu lại đói.

Qua dải đất này không thoát được cảm giác trĩu nặng, nhìn đâu cũng xơ xác tiêu điều. Nghèo đến chói đắng, không lối đi.

December 08, 2013

12.2013

1. Thầy cô giáo kèm cặp hồi cấp 2 yêu cô trò nhỏ như con, truyền cho trò niềm yêu toán, yêu học, yêu thiên nhiên giản dị.. Trò lớn lên, đi xa, tình yêu vẫn nguyên vậy.
Một năm chỉ một hai lần tới thăm được Thầy Cô lần nào cũng cảm giác nỗi niềm của người đưa đò. Cha mẹ đưa đò con, thầy cô đưa đò trò, qua sông...

20.11.2013
2. Trẻ em như búp trên cành,
biết ăn ngủ biết học hành là ngoan...


(Hình: Tại lớp 3 điểm trường Tiểu học Tả Lèng, Pacheo, Bát Xát, Lào Cai, 12.2013. C Liên Nguyễn chụp)

Hỏi sao cứ đi núi hoài không bỏ được :(

3. Có lớn mãi thì cũng không thoát cái tuổi nghịch, quậy bẩm sinh.
(đường liên xã khúc Mường Hum, Bát Xát, Lào Cai)


4. Tự nhiên thấy đó đây trang hoàng cây thông với sắc màu, kẻ nọ người kia nhắc Giáng sinh Giáng sinh. Ờ mình cũng Giáng Sinh.
Dành đến gần nửa ngày Chủ Nhật cho tiệm tóc.
Cắt cúp.
"Làm cái gì đó khác khác đi em, quái 1 tẹo cũng chả sao. Dù sao thì cũng sắp Giáng Sinh"
Thuốc, gội, máy móc đủ kiểu.
Một trò điên điên nổi loạn kiểu-Lana-đôi-khi.

p.s Tóc đã xong. Quá ngắn!

5. Bạn Dim có khả năng sẽ đi học xa. Chuẩn bị hành trình 'cai con'...

November 01, 2013

Một ngày trong 365

Con hẻm chừng 60m, thiếu phụ một tay túi laptop một tay xách chiếc giỏ hàng hiệu bung biêng ráng đi thẳng thớm về nhà. Hình ảnh ai đó nhìn không đẹp lắm, nhỉ.

Lại tự nhủ ra đó là hình ảnh rất thật 3 ngày trong 365 ngày của năm, ừa sao cứ phải chưng hình ảnh chỉ 362 ngày còn lại. Thôi kệ, thật đi. Được thật là một hạnh phúc.
hay này cũng là cái tự nhủ của say?

Lấy chìa khoá lách tách mở cổng khi bác hàng xóm tên Th. đang ngồi quạt than ngay khoảng sân chung trước cửa. Hỏi ủa sao giờ này chị còn quạt bếp, trả lời chị quạt than cho thằng út bán ngô nướng ngoài ngõ, mùa đông rồi cô ạ, ngô nướng được khách.

Nhà chị Th. kế nhà mình, ngõ xóm coi nhà bác í như ở đáy xã hội. Người chồng nghiện rượu chết trước Tết năm ngoái, 4 đứa con đứa chết vì ma tuý đứa mại dâm, thằng Út 15 tuổi cũng vừa đi trại cải tạo về. Có lần gặp, chị nói với mình đôi mắt ầng ậch nước "chúng nó có hỏi gì cô đừng cho vay tiền nhé".

Hỏi bắp bi nhiêu chị, trả lời nó bán 10 ngàn một chiếc cô à. Móc bóp lấy 30 ngàn nói chị cho em mở hàng 3 chiếc, tẹo có bắp chị nói thằng bé chuông em xuống lấy.

30 ngàn bằng một bữa ăn sáng của Dim + Mei, bằng một nụ cười gượng và lời cảm ơn rất thật của một phận đàn bà kế sát nhà mình.

Trộm nghĩ sao mình chưa say.

(Note FB 20:00 31.10.2013)

October 02, 2013

Cần quái gì cái công bằng gớm ghiếc ấy

Cái gì đang xảy ra, lây lan, ăn vào lối nghĩ của các thầy cô/ những đứa trẻ/ nhiều ông bố bà mẹ/ và sự thật là một phần không nhỏ của cả cộng đồng. Có nhiều không những người nhận thấy và gọi to lên rằng "Mục đích cao cả nhất của giáo dục theo tôi không phải kiến thức mà là sự khai phóng và giúp con người ta hiểu thế nào là lòng nhân ái/ Cái khó nhất và cần phải hướng tới không phải là một cuộc sống ngày càng no đủ sung sướng phủ phê hơn mà chính là những ứng xử nhân văn, là tình người. Thiếu nó, mọi thứ vật chất chỉ là của phù vân bèo trôi nước nổi".

đọc, và đau.

(Đất Việt - Mi An:) Một câu chuyện có thật ở Hà Nội, trường mầm non nọ thu 40.000 đồng/học sinh để tổ chức cho các cháu xem xiếc, nhưng vì không phải tất cả cùng đóng nên các cô bắc loa yêu cầu cháu nào không đóng tiền thì phải ngồi trong lớp. Và những đứa trẻ đã khóc...

Nguyên văn câu chuyện được một vị phụ huynh kể trên trang mạng xã hội thế này: "Nhân kỉ niệm ngày 2.9 trường mầm non T.M – A (Hà Nội) tổ chức cho các con xem xiếc tại sân trường. Chi phí phải đóng của mỗi con là 40 ngàn đồng. Phụ huynh các bạn nhỏ hồ hởi đóng góp cho con. Sáng 30.8, đoàn xiếc về trường, nhạc tưng bừng phấn khởi.
Từ phòng giám hiệu, tiếng cô giáo trên loa tròn vành rõ chữ : Alo, alo, đề nghị các vị phụ huynh cho con khẩn trương vào trường ổn định chỗ ngồi vì đã sắp đến giờ biểu diễn. Để công bằng cho các em đã đóng tiền, đề nghị những em chưa đóng tiền ngồi nguyên trong lớp học không được ra sân.

Thảng thốt nghe đâu đó tiếng khóc, tiếng sụt sịt, tiếng xì mũi, tiếng nấc của những đứa trẻ mà bản thân chúng nó không hiểu sao bố mẹ không đóng nổi cho nó bốn chục ngàn…"

Tôi đã khóc khi biết câu chuyện này. Thật khó hình dung một ứng xử tàn nhẫn và lạnh lùng như thế lại xảy ra trong một trường mầm non ngay giữa thủ đô. Nó cho thấy trong nhà trường bây giờ, nhiều thầy cô, những bậc được tôn kính gọi là “kỹ sư tâm hồn” đã trở thành cái máy thật rồi. Những cỗ máy không có trái tim, vì nếu là người, ai lại làm như thế.

Tôi đặt ra trường hợp thế này, để thuê đoàn xiếc về trường biểu diễn cho trẻ xem, cần một số tiền là A, mặc dù không phải tất cả phụ huynh đều đóng tiền cho con (vì nhiều lý do, có thể quên hoặc gia đình không có điều kiện) nhưng trường cũng vẫn thu đủ số tiền là A. Bởi bằng chứng là vẫn có đoàn xiếc về trường diễn. Vậy thì tiếc gì một chỗ ngồi mà không cho tất cả con trẻ đều được ra xem? Nếu đó là những giáo viên có tình người, tất cả các cháu đều được mời ra xem xiếc, mà không cần phải có một thông báo gì hết. Còn giả sử, có máy móc một tý, các cô vẫn có thể nói với các con rằng: “Mặc dù có những bạn không đóng tiền, nhưng các bạn khác đã đóng đủ tiền để cho tất cả các con được xem xiếc hôm nay. Các con hãy vỗ tay cảm ơn các bạn mình vì điều đó và nhớ rằng, trong cuộc sống, chia sẻ với người khác, niềm vui và hạnh phúc sẽ nhân lên”.

Vậy mà cả hai trường hợp đáng lẽ xảy ra đã không xảy ra, chỉ có một thông báo lạnh lùng: "Để công bằng cho các em đã đóng tiền, đề nghị những em chưa đóng tiền ngồi nguyên trong lớp học không được ra sân". Than ôi, công bằng nào ở đây. Những đứa trẻ như búp non, vắt mũi còn chưa sạch thì chúng cần quái gì cái thứ công bằng gớm ghiếc xấu xí đó của người lớn?

Tôi cứ hình dung ra hoàn cảnh những đứa bé bị nhốt trong lớp học vào cái buổi diễn xiếc ấy mà thấy lòng đau thắt. Chúng khóc, hẳn nhiên rồi, làm sao những đứa bé non nớt ấy không khóc cho được khi thấy các bạn bè hò reo vui vẻ ngoài sân, còn chúng thì phải ngồi ở đây. Đứa bé bỏng chưa hiểu chuyện thì ngơ ngác, đứa lớn hơn một chút sẽ biết, vì cha mẹ chúng đã không nộp 40.000 đồng. Chao ôi, có khi nào đồng tiền bốc mùi tanh lạnh như lúc này không?

Mục đích cao cả nhất của giáo dục, theo tôi không phải kiến thức, mà là sự khai phóng và giúp con người ta hiểu thế nào là lòng nhân ái. Vậy mà trong nhà trường này, ở cấp học mà đối tượng học trò cần nâng niu nhất, lại ứng xử theo kiểu "tiền trao cháo múc", ráo hoảnh lạnh lùng. Có tiền thì được phục vụ, còn không tiền thì xin mời nghỉ cho khỏe.

Những đứa bé ấy, lớn lên sẽ nghĩ gì, sẽ học được gì từ bài học đắt giá mà các giáo viên đã dạy cho chúng, rằng trong cuộc đời này, chỉ có đồng tiền là tối thượng, còn lại tất cả đều vô nghĩa mà thôi.

Sự vô cảm chưa lúc nào lại tràn ngập khắp nơi trong xã hội này, đến mức có cảm giác, nhiệt độ dòng máu nóng ấm chảy trong cơ thể chúng ta, cứ mỗi ngày, mỗi ngày lại nguội đi một chút. Thấy người cơ nhỡ hoạn nạn không chút xót thương, thấy người làm một việc tốt lành tử tế thì ngay lập tức nghi ngờ, không biết nó có định bẫy gì mình không. Nhiều người trong chúng ta đang dần dần hóa đá mà không biết.

Câu chuyện về buổi xem xiếc trong trường mầm non này, tôi ước sao có thể đến được với các vị lãnh đạo của Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội, không phải để truy ra trường nào mà phê bình, trừng phạt. Chỉ cần các vị lấy đó làm một trường hợp cụ thể để cho các giáo viên thảo luận cùng nhau, chúng ta ứng xử như vậy đã đúng với tư cách của những người đang làm trong môi trường giáo dục, trồng người hay chưa. Chắc sẽ có ích cho các thế hệ tương lai nhiều lắm đấy.

Cái khó nhất và cần phải hướng tới trong xã hội này, không phải là một cuộc sống ngày càng no đủ, sung sướng phủ phê hơn mà chính là những ứng xử nhân văn, là tình người. Thiếu nó, mọi thứ vật chất chỉ là của phù vân bèo trôi nước nổi.

September 26, 2013

Đào liễu với Thu

Hà nội thu
mưa, kiểu rất thu, se lạnh, yêu đến nao lòng.

Nhà bạn HY treo link clip "Đào Liễu" đúng 100% chất chèo cổ. Tự nhiên trí nhớ vụt lật trở về khi nào đó mình nghe 'Đao liễu' Quốc Trung mix nhạc trong một ngày lãng đãng vô cùng. Nhớ là giai điệu lương vương đến nỗi phải viết để trải, nó đây (link): "Hết một vòng những bản 'nhạc một thời để nhớ' rồi quay về nguồn cội, xoay 180 độ về chèo 'Đào liễu' bản phối của NS Quốc Trung, phải nói là phù thủy Quốc Trung mới đúng, qua ma thuật của QT điệu chèo vẫn chèo nhưng mới lạ và... mê hoặc 'đào liễu một mình... tóc dầu còn xanh mà em quyết ở vậy, làm sao cho (nó) đành'. Nghe hát nhìn áo yếm mê quá, đúng thật làm sao cho đành."

Tự nhiên thèm mặc áo yếm
Thèm sống như quê
Tự nhiên tiếc cháy lòng buổi liveshow "Đường xa Vạn dặm" của Quốc Trung vài năm trước ở Nhà Hát Lớn HN. Mỗi lần đọc bài nào nhắc về buổi hòa nhạc ấy là lại dâng lên nỗi thèm muốn được ngồi đó đắm chìm trong không gian pha trộn tài tình âm thanh nhạc khí hiện đại trên nền những âm điệu dân gian cổ mình yêu "Hạc trong sương, Đào liễu, Ngồi tựa song đào, Vọng nguyệt, Lưu lạc, Dòng sông một bờ, Chiếc bóng, Đường xa vạn dặm"

Thật ra mình đã chẳng có vé buổi hòa nhạc ấy.
Mà có sao, trong cuộc đời dài có lẽ mỗi người cũng được cho phép vài lần tiếc cháy bỏng điều mình không có.

Đi đâu đào liễu một mình
Hai vai gánh nặng, nhật trình đường xa
Áo nâu xếp ở trong nhà
Khăn vuông nhiễu tím phất phơ đội đầu
Yếm điều em vẫn còn mầu
Răng đen da trắng mái đầu còn xanh
Mà em ở vậy sao đành
Sao em chẳng kiếm chút tình cùng ai
Sách rằng xuân bất tái lai..."



*** Bài đọc tham khảo:
- "Đào liễu ra phố" (Tuanvietnam.net)
- "Đường xa vạn dặm - một cách kể cổ bằng âm nhạc" (vietbao.vn)

September 24, 2013

Dạo này (9/2013)

Dạo này đầy ắp sự dịu dàng của chăm sóc chia sẻ lo lắng thương yêu và nhận chia sẻ lo lắng thương yêu. Đã qua 03 tháng Ba lúc viện lúc nhà, mẹ, Q., H.O, những người bạn thương quý, bác sĩ, bệnh viện, những khi lo lắng căng thẳng những lúc mấy anh em ríu rít đầm ấm... Ông khỏe về Thái Nguyên, mấy ngày L.O. Dim Mei đi ra đi vào hẫng trống như thừa.

Dạo này trải nghiệm thử thách gay gắt của cảm xúc, sự chuyển từ cảm giác ngậm thương đến bùng nổ đủ để giật bỏ mọi nguyên tắc nể vì/ im lặng. Trải nghiệm điều kỳ diệu phát hiện ra người ta mạnh mẽ, bình tĩnh, kiệm lời và có được tâm thế 'don't care' khi tới hạn. Ngẫm thấy trải nghiệm nào cũng có những giá trị riêng của nó. Enjoy.

Dạo này dồn sự quan tâm cho căn nhà xây gạch 4 gian ở trên núi cho bọn trẻ nơi kia được đi học. Bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu sẻ chia, niềm tin yêu. Là việc là tiền nhưng là những đồng tiền mang giá trị nhiều hơn thật nhiều so với giá trị nó được tạo ra để bán - mua. Cảm động nao lòng.

Vậy nên dạo này cảm giác nợ nhiều. Một bạn lặng lẽ đọc blog cách đây vài tháng gởi một cái mail tâm sự dài. Cái mail mình có thể trả lời, muốn viết, nhưng viết sẽ dài, dường như chưa tìm được lúc đủ tĩnh lặng và thời gian. Rồi trôi, trừ cảm giác nợ ai đó, điều gì đó lâu lâu vẫn trở vòng qua tâm trí. Dường như mình sẽ luôn có những món nợ tự mình, như thế.

Dạo này lại có sự đổi thay. Những khuyên nhủ, tư vấn, hỏi han... câu trả lời hiền như ma sơ mà khó lay như núi đồi thảo nguyên vậy. Đôi khi tự hỏi cuộc đời như con đường mượt êm thẳng tắp có được yêu thích, có là thú vị/ bước ngoặt đường ngang như thế nào vừa đủ? Ừa mỗi người tự chọn cách để bước vui con đường của mình dù hình thù nó thế nào. Mình may mắn luôn cảm được trên đường mình nhiều hơi ấm. Sớm ra đường hít một hơi sâu thứ không khí trong trẻo sau cả đêm qua mưa. Thấy vững lòng khi bước chân khoan thai bước qua một khúc quanh.

Dạo này, thế, là tốt.

September 18, 2013

Tuần này TCT có hội nghị chuyên môn về dẫn đường máy bay. Nhận được điện thoại của người đồng nghiệp xưa "Anh ra họp, hết giờ làm hôm nay em rảnh không?"

Nhiều năm bẵng không gặp không liên lạc dù vẫn loanh quanh chung ngành. Từ khi mình chuyển về cơ quan tổng làm chuyên viên cùng ngành dọc nên mới nhận lại người quen (xưa có tí í định thân).

Còn vài phút nữa tới Bờ Hồ thì trời lọt giọt mưa. Anh hỏi "cốp xe em có áo mưa không?", trả lời "dạ có mà thôi ạ, sắp tới rồi, mà mưa lọt giọt à". Trả lời nhẹ mà trong đầu tính làm sao tránh ngồi ăn tối cho ngọt trong bối cảnh bạn xưa ra làm khách Hà Nội có í mời ngồi.
Rồi thì bắt đầu ... "À Bờ Hồ có một chốn ngồi ngay bên hồ, buổi tối mà ngồi cà phê kem một mình nhìn mặt nước hồ trong mưa thì cực kỳ nhé, lãng mạn thôi rồi" - "Vậy hả?" - "Thật, Hà Nội có nhiều cái thua Sài Gòn (nịnh SG một xí) nhưng có một cái mà HN nhiều hơn hẳn, đó là lãng mạn" - "ha ha, được, chơi luôn, tới đó" - "rồi, vậy anh qoẹo phải".

Thủy Tạ. Chỉ điểm dừng xe. "Thôi em thả anh ở đây nhé, em về đây để cho anh cơ hội thưởng thức lãng mạn cà phê một mình ngồi ngắm mặt hồ Hà Nội vào đêm".
Sau một giây, bạn nhìn đồng hồ (cười) "Mặt hồ mưa nữa chứ. Okay, vậy thì anh sẽ vào, lần sau ra HN sẽ gọi em tới đây rồi báo cáo cảm nhận".
Cũng cười "Sợ tối nay anh về là viết nhật ký rồi ấy chứ".
"Ừa, rằng có một cô Hà Nội đã chở tôi đến..."
(ngắt lời): và cô ấy bỏ tôi ở lại rồi biến mất, thế là tôi có lãng mạn cà phê Bờ Hồ.
Ha ha, rồi bye em.
Quay xe.
Chạy về trong mưa nhỏ Hà Nội vừa tự thấy mình rất ổn :)

September 06, 2013

Dưa bở ;)

Tự nhiên nhớ hồi là nhỏ kỹ sư trẻ áo dài xanh làm việc ở bộ phận tư vấn hồ sơ bay cho người lái trước mỗi chuyến bay. Dãy quầy làm việc ngăn với hành lang lối đi dài bằng bức ngăn nửa trên bằng kính trong. Một thời gian có một ánh mắt kỳ lạ tới nỗi cảm giác đang có người nhìn, ngẩng lên gặp ánh mắt đi ngang hành lang nhìn vô chăm chắm không rời. Dong dỏng, mặt đẹp buồn, da sáng, áo trắng đồng phục nhân viên phi trường. Con nhỏ ngại, cúi xuống, chút xíu nhìn lên, vẫn gặp đôi mắt y thế. Nói sao nhỉ, nghĩa là chân bước người đi thì cái đầu xoay dịch để mắt vẫn một hướng, tới tận khi qoẹo xuống khu vực check-in.

Trực theo ca thay đổi bữa sáng bữa chiều nhưng ca trực nào của nhỏ ánh mắt chăm chăm cũng đi ngang một lần, chiếu diện, khiến buộc phải cảm thấy, nhìn lên, gặp, cúi xuống né, nhìn lên, lại gặp, chăm chăm tới khi dong dỏng áo trắng bước qoẹo xuống cầu thang.
Cứ thế đi ngang nhìn vô qua bức kính mỗi ngày, không lời không gì khác.

Không nhớ sau bao nhiêu lâu, năm ngày, một tuần hay mười ngày thì cái cảm giác bối rối - bức bối - ngại - ráng lì - kệ - ... chuyển sang hay hay/ tò mò/ muốn tìm cho ra lẽ. Là ai, làm bộ phận nào, là thông điệp gì mà nhìn lạ hoài.
Rồi không nhớ bao nhiêu ngày sau nữa thì đối diện, hình như trong một dịp giao lưu hay hoạt động phong trào chung hai đơn vị. Con nhỏ ko chịu nổi chăm chắm, chủ động ra chìa tay bắt, làm quen.
Trái với sự 'bí hiểm biết nói' của cái nhìn, chuyện với áo trắng nhạt cực. Tới lần gặp thứ ba thì chỉ còn ba câu cả buổi chuyện, chả nhu cầu nói gì, mòn xẹp hết cả cảm giác tò mò thú vị kia.
Tránh không lần thứ tư. Nhẹ tâng, bên kia chẳng có tị nào 'mời, kéo'. Xong. 'Chăm chăm' cũng hết luôn chẳng thấy đi ngang mỗi ca trực. Áo dài hàng không thì kiêu :)

Chị em gái tâm sự, kể với Huệ O, bảo "mình chưa bị thôi miên mắt bao giờ nên luống cuống chứ nghĩ ra có khi đơn giản mít-tờ ấy nhìn gì cũng thế, kể cả nhìn con sâu có khi cũng chăm chăm như thế". Từ đó hai chị em có nhắc lại chuyện thì gọi 'Mr nhìn con sâu' tới nỗi giờ quên thật sự tên thật của 'Nhìn con sâu'.

Một cơ số năm sau,
Hồi đó có một chàng nói cảm xúc rất mạnh về hình ảnh cô-mình trong một trong một khung cảnh - một câu chuyện - một tình huống. Mình tự thú rằng thì hẳn hai tối rung rinh vì cái tập hợp từ 'cảm xúc rất mạnh', bung biêng. Ít bữa sau vô tình thấy cũng chàng nói về một khung cảnh khác với một cô bạn khác 'cảm xúc rất mạnh'. Ơ hoá ra cảm xúc rất mạnh là cảm xúc của người ta nhiều cảm xúc rất mạnh, hihi, mình không đâu đi rung rinh, quê biết mấy :)

Cho nên, đờn bà con gái thường hay tưởng bở, nghe câu nói của đờn ông cứ hay gán thêm tí nhận vơ. Ví dụ đờn ông nói 'gót chân em đẹp lắm' đờn bà con gái nghe và dịch thành 'anh thích em rồi đó' hoặc tệ hơn 'anh đặc biệt thích riêng em rồi'. Đúng ra đờn bà con gái nên hiểu sự thật chỉ đơn giản là gót chân em đẹp, ngoài kia cũng nhiều nữa gót chân đẹp, anh đang thích một số cô gái, có cô gót chân xấu xì, nhưng ơ kìa, chuyện gót chân em đẹp và chuyện anh thích các cô gái đâu gì liên can.

August 15, 2013

Nhiễu động không khí với an toàn bay (phần 2)

* NHIỄU ĐỘNG KHÔNG KHÍ VỚI AN TOÀN BAY (phần1)

(tiếp theo)  NHIỄU ĐỘNG SÓNG NÚI
Note: Về sóng núi Lana đã ít nhiều viết trong một số entry về nghề bay bò, ví dụ ở đâyở đây , nhưng bài này theo mạch chung sẽ gom tổng hợp, bà con thấy một số thông tin nhắc lại làm ơn thông cảm hiểu cho chủ thể không định nhiều lời, hì hì.

Well, về khái niệm, sóng núi là hiện tượng khi dòng gió bị biến dạng khi thổi qua khu vực địa hình núi, đặc biệt khi vận tốc gió tương đối mạnh gặp núi hay dãy núi cao với độ dốc lớn tạo nên chuyển động sóng với dòng giáng mạnh và thậm chí xoáy ở sườn phía khuất gió. Máy bay bay vào khu vực này sẽ bị tác động mạnh bởi nhiễu động (xem link [6], [7] trong danh sách tham khảo cuối entry). Vùng nhiễu động và cường độ nhiễu động tùy thuộc vào vận tốc gió, cấu trúc dãy núi, hướng thổi tương đối của dòng gió so với sườn núi... Theo các nhà nghiên cứu khí tượng tính toán, với tốc độ gió bề mặt trên 20kt (~ 10m/s) vùng nhiễu động ảnh hưởng đáng kể thường lên tới độ cao ~ 1.5 lần độ cao đỉnh núi. Đặc biệt, với tàu bay hoạt động tầm thấp dòng giáng sườn phía sau núi có thể tạo hiệu ứng như một 'lực hút' (xem hình dưới).

Minh họa tác động của nhiễu động sóng núi và dòng giáng sườn khuất gió đối với tàu bay trên khu vực địa hình núi 

Chuyển động sóng do sự biến dạng của dòng gió khi thổi qua dãy núi

Thời kỳ mới hoạt động, ngành hàng không dân dụng và quản lý bay Việt Nam từng trải qua/ chứng kiến những tai nạn đau đớn của tàu bay nhỏ (bay khá thấp) tại vùng núi Tây Bắc và Tây Nguyên. Ngày 14/11/1992 chiếc YAK40 bay từ TSN đi Nha Trang bị rơi tại vùng núi Ô Kha (Khánh Hòa) khi còn cách Nha Trang khoảng 40km, làm thiệt mạng toàn bộ phi hành đoàn và 21 hành khách, trong đó nhiều khách quốc tế đi du lịch [11]. Thời điểm đó phương tiện kỹ thuật điều hành bay còn thô sơ để kịp thời phát hiện/ tầm cứu và cuối cùng cũng không có thông báo kết luận chính xác về nguyên nhân của tai nạn YAK40, nhưng một thực tế là những chuyến bay trực thăng cứu nạn trong những ngày ngay sau đó đều gặp những sự cố về nhiễu động mạnh đến nỗi không thể tiếp cận điểm tàu bay YAK40 rơi khiến công tác cứu nạn vào khu vực núi heo hút này phải dùng sức người đi đường bộ mất cả ngày đường. Sau tai nạn YAK40 có một bài trên báo Tuổi Trẻ dẫn lời một người từng là phi công kinh nghiệm trước 75 rằng thung lũng Ô Kha được các phi công Nam VN thời đó truyền danh là 'thung lũng tử thần', không ít phi cơ đã rớt ở đây.

Sau Ôkha hai năm, ngày 26/3/1994 sự cố rơi máy bay trên núi U bò (khu vực giáp ranh huyện Bắc Yên, Sơn La với Trạm Tấu của Yên Bái) khiến nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý bay Việt Nam (tiền thân của TCT QLB VN) phải trực tiếp vào cuộc, đặt dấu chấm cho ước mơ mở công ty bay dịch vụ (bay taxi) tại quê hương của người phụ nữ Pháp gốc Việt Anoa [9].

Rộng ra khu vực, một giả thiết minh họa cho sự nguy hiểm của gió và địa hình núi với tàu bay có thể kể đến tai nạn của chiếc Sukhoi Superjet-100 ngày 09/05/2012 trong lịch trình bay biểu diễn chào hàng tại châu Á của hãng chế tạo máy bay Sukhoi (Nga) làm toàn bộ 45 người trên khoang thiệt mạng. Lực lượng cứu nạn cho biết máy bay đã đâm thẳng vào sườn núi ở độ cao khoảng 1900m, trượt xuống tới mực 1600m. Xác máy bay được tìm thấy tan thành mảnh nhỏ.

Hình chụp sườn núi Salak (Indonesia) nơi xảy ra tai nạn Sukhoi Su-100, 2012

Trên các tài liệu có được về tai nạn này [8] các nhà phân tích nghiêng về giả thuyết lỗi con người (human error) thậm chí có nơi đặt thẳng nghi vấn lỗi do người lái. Quả thật ghi lỗi cho người đã chết luôn là cách đơn giản để khép lại một hồ sơ tai nạn nhất là khi toàn bộ phi hành đoàn đã thiệt mạng cùng chiếc máy bay. Đồng ý là có những lý do cho giả thuyết này (như trình bày ở dưới) nhưng nguyên nhân thật sự dẫn đến thảm họa thì phải sau khi các chuyên gia đưa ra kết luận chính xác dựa trên các phân tích đầy đủ.

Cùng với những dữ liệu của hộp đen, để đưa ra được kết luận và bài học kinh nghiệm thuyết phục, các nhà điều tra tai nạn của chiếc Sukhoi sẽ cân nhắc những yếu tố như chiếc Sukhoi SJ-100 gặp nạn khi đang bay biểu diễn (dù trên khoang có nhiều hành khách). So với các chuyến bay thương mại chở khách thông thường, chuyến bay trình diễn người lái thường có xu thế vận hành máy bay thực hiện những tư thế nghiêng/ chao, thay đổi độ cao đột ngột hay thậm chí bay qua những địa hình khó để thể hiện những tính năng ưu việt của máy bay; Sự liên lạc cuối cùng trước khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar điều hành là khi tổ lái liên lạc với đài kiểm soát dưới mặt đất xin giảm độ cao từ 3000m xuống 1800m và được-đồng-ý (núi Salak cao 2200m); Có 7 vụ máy bay nhỏ rơi ở khu vực núi Salak trong mười năm từ năm 2002 đến 2012 và do đó khu vực này được ghi vào 'sổ đen' của hàng không Indonesia do nhiễu động mạnh trong không khí và thời tiết thay đổi phức tạp [10].

Trong thảm kịch Sukhoi 2012 người ta đặt dấu hỏi cho những con số 3000m xuống 1800m/ đỉnh núi 2200m và nhắc đến khái niệm 'độ cao an toàn tối thiểu'/ hiệu ứng địa hình núi. Như ở trên đã viết, nhiễu động mạnh/ dòng giáng mạnh nguy hiểm cho máy bay khu vực địa hình núi thường xuất hiện trong lớp từ mặt đất lên tới 1,5 lần độ cao đỉnh núi, ở trường hợp của Salak là 3300m. Như vậy, để phán xét hoặc rút ra bài học kinh nghiệm, nếu loại bỏ tất cả những lỗi kỹ thuật và khách quan để cuối cùng lỗi thuộc về phi công thì cũng cần xem lại liệu người phi công này đã được tư vấn đầy đủ về đặc điểm địa hình và những mối nguy hiểm ở khu vực máy bay bay qua? Một tai nạn hàng không thường hiếm khi do lỗi của chỉ một khâu mà thường là một loạt các lỗi hệ thống xuyên qua nhiều rào cản an toàn.

Dưới đây là clip mô phỏng tai nạn Sukhoi SJ-100, 5/2012:


Liên quan đến sóng núi/ nhiễu động địa hình, trong hoạt động khai thác bay và điều hành bay có khái niệm ‘độ cao an toàn tối thiểu’ cho từng loại tàu bay và khu vực địa hình để bảo đảm an toàn cho hoạt động bay trên những địa hình phức tạp, trong đó có yếu tố tránh sự đe dọa an toàn từ nhiễu động sóng núi. Giải pháp là phải bay ở một độ cao an toàn trên khu vực nhiễu động địa hình, đặc biệt những khu vực địa hình phức tạp. Người lái, nhà khai thác bay, nhân viên điều hành bay (kiểm soát viên không lưu) phải được trang bị hiểu biết về độ cao an toàn tối thiểu, đặc điểm địa hình nơi tàu bay hoạt động và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về độ cao an toàn trong khu vực trách nhiệm điều hành để giảm thiểu tai nạn hàng không đáng tiếc do yếu tố địa hình gây ra.

(còn tiếp)

* Bài tham khảo liên quan:
[6] 'Lee wave' - English Wikipedia (link);
[7] "Mountain waves turbulence" (link);
[8] 'Mount Salak Sukhoi Superjet 100 crash' - English Wikipedia (link);
[9] "Vụ tai nạn trên núi U Bò" (link);
[10] "Về tai nạn Sukhoi SJ-100/ Salak" - Lana Blog (link);
[11] "Chuyện nghề" - Lana Blog (link);

August 12, 2013

Nhiễu động không khí với an toàn bay

Nhắc lại dẫn bài trong entry 'Bão' một tẹo là mới đây báo điện tử vnexpress đưa tin lúc 14h ngày 6/8 chuyến bay Hà Nội - Bangkok mang số hiệu VN615 (máy bay Airbus 321) của Vietnam Airlines khi đang bay bằng ở độ cao 36.000 feet (10.973 mét) bất ngờ đi qua khu vực nhiễu động và bị ‘rơi tự do’ 122 mét. Thời điểm này các tiếp viên đang phục vụ bữa ăn. Vụ 'rơi tự do' khiến một hành khách bị thương nhẹ, hai tiếp viên bị choáng và hàng trăm hành khách hoảng loạn. Những bức hình chụp trên khoang máy bay cho thấy đồ ăn thức uống đổ vung vãi dọc lối đi giữa máy bay (bà con có thể đọc và coi hình ảnh ở [3] trong list tham khảo phía dưới nha).

Như vậy nhiễu động không khí rõ ràng là một mối nguy hiểm đáng quan tâm đối với hoạt động bay và hành khách. Trong khi với người lái và những người làm công việc liên quan tới an toàn bay, hiểu biết về ảnh hưởng của nhiễu động không khí là không thể bỏ qua thì trên thực tế khái niệm nhiễu động không khí và ảnh hưởng của chúng tới hoạt động tàu bay còn khá mơ hồ với đa số khách đi chuyển bằng đường hàng không.

Nhiễu động không khí là hiện tượng không khí chuyển động rối/ hỗn loạn trong một khu vực không gian của khí quyển [2]. Mọi tàu bay đều có thể bị tác động khi đi vào các khu vực có nhiễu động không khí, tàu bay nhỏ hơn (trọng lượng thấp hơn) sẽ bị ảnh hưởng lớn hơn so với tàu bay trọng lượng lớn. Ảnh hưởng của nhiễu động không khí tới tày bay có các mức độ rất khác nhau, từ sự rung lắc nhẹ đến sự gia tăng tốc độ/ thăng, giáng mạnh tàu bay hay xoay, lật nghiêng đột ngột gây chấn thương nghiêm trọng cho hành khách và phi hành đoàn, thậm chí làm mất kiểm soát tàu bay tạm thời. Không chỉ nguy hiểm cho an toàn bay, hiện tượng nhiễu động còn tác động lớn đến hiệu quả khai thác bay do tàu bay phải thay đổi lộ trình và bị trễ lịch.

Nhiễu động không khí có thể xuất hiện ở bất cứ độ cao nào trong khí quyển và trong các điều kiện khí tượng khác nhau. Nhiễu động mạnh có thể xảy ra trong điều kiện trời quang mây như hiện tượng nhiễu động trời trong (Clear Air Turbulance – CAT), sóng núi (Moutain Waive) hay ở khu vực biên và trên đỉnh của các đám mây đối lưu phát triển mạnh (mây dông, ký hiệu Cb theo tên gọi latin Cumulonimbus) gọi là nhiễu động trong mây đối lưu.

Nhiễu động trời trong (Clear Air Turbulence - CAT)
Nhiễu động trời trong là sự chuyển động hỗn loạn của không khí trong điều kiện trời quang mây, thường xảy ra ở các khu vực chèn giữa các khối không khí di chuyển với tốc độ rất khác nhau. Nhiễu động trời trong thường xảy ra ở khu vực gần các dòng chảy xiết không khí (Jet stream) [1,2] gần lớp biên tầng đối lưu của khí quyển hay lớp đối lưu hạn (tropopause) – độ cao khoảng 7km – 12km trên khu vực Cực và 10 – 16km ở khu vực Xích đạo. Nhiễu động trời trong cũng có thể xảy ra do tác động của địa hình làm biến dạng dòng gió thổi qua phía trên nó tạo thành chuyển động sóng. Do đặc thù hiện tượng này được gọi bằng một tên riêng là sóng núi (mountain wave) và sẽ được xem xét ở phần dưới và do vậy CAT chủ yếu được dùng để chỉ nhiễu động liên quan đến dòng gió xiết.

Hình ảnh minh họa dòng gió xiết trong khí quyển toàn cầu ở độ cao 7 – 16km, cắt ngang mực bay bằng của nhiều loại tàu bay dân dụng đang hoạt động (Airbus, Boing) 

Dòng gió xiết (dòng Jet) là dòng không khí hẹp chuyển động với tốc độ cao trong ‘bức tranh’ của hoàn lưu khí quyển ở quy mô toàn cầu. Vận tốc ở lõi dòng jet có thể lên đến 300km/h. Sự chênh lệch lớn về vận tốc chuyển động của không khí giữa lõi dòng Jet với khu vực lân cận theo cả phương ngang và phương đứng tạo ra những vùng nhiễu động mạnh (CAT). Nếu so với vận tốc bay bằng của các thế hệ tàu bay dân dụng thông dụng hiện nay trung bình khoảng ~ 850 – 950km/h ta sẽ hiểu tác động đáng kể của dòng gió xiết và nhiễu động xung quanh lõi của nó đối với tàu bay bay qua. Trước mỗi chuyến bay tổ lái được cung cấp thông tin dự báo thời tiết nguy hiểm dọc đường bay SIGWX (significant weather) trong đó có vị trí, độ cao, hướng và vận tốc của dòng gió Jet nếu có. Tàu bay có thể lợi dụng dòng Jet để giảm chi phí nhiên liệu trong trường hợp bay xuối dòng hay bay tránh hoặc vòng chui qua dưới dòng Jet như kiểu đường ngầm giao cắt của giao thông đường bộ trong trường hợp bay ngược chiều hoặc cắt ngang Jet để tránh tác động không mong muốn.

Ví dụ về Bản đồ SIGWx cung cấp cho người lái. Dòng Jet ký hiệu bằng mũi tên tô đậm chỉ hướng, mỗi đuôi cờ tô đậm chỉ 50km/h vận tốc gió (nguồn: Cơ quan khí tượng Hong Kong) 

Điều đáng lưu ý với hoạt động hàng không, CAT là hiện tượng không phát hiện được bằng mắt thường và rất khó phát hiện bằng radar thông thường, do đó rất khó khăn cho phi công phát hiện và tránh khu vực CAT trừ khi theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo dựa trên phân tích hoàn lưu khí quyển và dòng chảy xiết ở tuyến đường tàu bay bay qua. Chính vì gặp phải CAT ở độ cao tàu bay bay bằng ổn định, thương tích thường xảy ra do nhân viên phi hành đoàn hoặc hành khách không cài dây an toàn và bị va đập vào máy bay. Trước chuyến bay HAN-BKK của VNA, ngày 26 tháng 5/2013 chuyến bay SQ-308/ tàu bay Airbus A380-800 của Singapore Airline gặp sự cố tương tự trên đường bay từ Singapore đi UK khi gặp CAT khiến tàu bay bị ‘rơi đột ngột’ khỏi mực bay bằng 100ft (~ 30m) khiến 7 hành khách bị thương nhẹ [5]. Chuyến bay VN535 của VNA Hanoi – Paris ngày cuối tháng 10/2010 gặp nhiễu động rung lắc mạnh trên đường bay khiến hơn 20 người (tiếp viên và hành khách) bị thương trong đó có trường hợp phải điều trị xương tại bệnh viện, điều đáng nói là họ đều đang không thắt dây an toàn [4].

Mặc dù CAT gây khó khăn và không thoải mái cho người lái, phi hành đoàn cũng như hành khách, sẽ không quá nguy hiểm nếu người lái tuân thủ các quy tắc bay và chỉ dẫn không lưu. Lời khuyên tốt nhất đối với hành khách là tuân thủ hướng dẫn về thắt dây an toàn trên máy bay ngay cả khi bay bằng và không hoảng loạn khi tày bay bị rung lắc vì nhiễu động trên đường bay. Thông thường người lái sẽ lấy lại được thăng bằng tàu bay và đưa chuyến bay trở lại bình thường trong thời gian ngắn.
(Còn tiếp)

*** Note: Viết những cái này khô khan lắm nên cảm ơn bà con đã ghé đọc đến đây, hị hị. Thêm cái này thực chất là để câu còm: Bà con thấy nên dừng hay viết nốt xin cho ý kiến với, hoặc nếu có câu hỏi để 'được' trả lời thì sướng người viết quá :)

Bài tham khảo liên quan:
[1] Book: "Manual of Aviation Meteorology" 2nd edition, Commonwwealth Bureau of Met, 2007;
[2] 'Clear Air Turbulence' - English Wikipedia (link);
[3] "Máy bay Vietnam Airlines rơi tự do 122m" (link);
[4] "Máy bay Vietnam Airlines gặp sự cố ở Pháp do nhiễu động thời tiết" (link);
[5] "Accident: Singapore A388 enroute on May 26th 2013, clear air turbulence" (link).

August 08, 2013

bão

Bão hẳn hòi.
Sớm nay lướt mạng, mưa, ngập, mù mịt, đại loại là những hình những ảnh/thông tin mưa bão nước lụt ngập tràn facebook.
Làm bỗng cũng muốn spam. Mà thôi về blog. Chả spam FB làm gì chốn ấy đông người.
Ngẫm ra ngày đủ kín để entry.
Đầu tiên là sáng ra đọc thấy bài viết về máy bay của VNA Hà Nội đi Bangkok đang khi ở độ cao 11km gặp phải nhiễu động không khí bị 'rơi tự do' 122m, tiếp viên choáng, hành khách hoảng loạn, hình chụp trên khoang máy bay cho thấy đồ ăn thức uống đổ vung vãi dọc lối đi giữa máy bay (link ở đây).
Nói ra hơi tệ nhưng đọc cái bật lên ý nghĩ cơ hội kiếm xiền nhuận bút mua váy đầm đây chứ đâu. Viết 'khoa học thường thức' cho bà con về nhiễu động không khí với bay bò gởi trang web của Tổng công ty cũng được vài trăm ngàn, quy ra hai phần ba đôi giày hay nửa cái júp công sở cho dễ hình dung, lại còn được ghi tên chứ mang tiếng cộng tác viên ba tháng nay có nộp nổi bài nào. Nói vậy để thật mình sẽ viết share bạn đọc blog mới là chính, júp guốc là thêm là thắt hờ hờ. Vụ nhiễu động trên đường bay này người trong nghề không lạ nhưng quả là tìm gú gờ bài tiếng Việt cho tị kiến thức về thứ này hiếm thật. Mà điểm sơ mấy năm gần đây tới mấy vụ máy bay bị nhiễu động dọa ma hành khách đến bị thương tích, còn hoảng loạn đến hãi không dám đi máy bay trong một cơ số tháng thì chưa tính (đọc ở đâyở đây).

Tự nhiên mưa lớn lại thấy như giúp trôi mọi u mịt. Đêm qua chợt tỉnh nghe mưa sầm sập ngoài cửa sổ rồi chìm ngủ lại tắp lự ngon đến không thể yêu hơn. Hôm nay kệ việc, viết. Tự hỏi cứ khi bỏ không blog thường đổ thừa việc office, có đúng không.


Kể như hôm qua, hôm kia, tuần trước lên đến cơ quan là cắm mặt vào việc. Nhiều khi trong đầu có chữ đòi blogging mà đập mắt vào đống việc trên bàn, lại cất blog đi, rồi quên. Phía trên là cái list ISO việc tuần rồi, sự thật thì tuần trước, tuần trước nữa, tuần tới cũng chả hơn gì. Cái mạch nó thế. Ấy nhưng hôm nay thì mình kệ. Tớ do my blog. Xem ra bận hay rảnh cũng mình. Kệ là kệ được thôi.

Thế, hay là nhờ bão. Hay là nhờ bão qua thì đúng hơn.
(Chả có nhẽ thú nhận hôm qua uống rượu đón bão).

Chiều ngồi làm thả hồn nhìn mưa rớt bão qua cửa sổ phòng làm việc dư này:


Mờ mịt đấy mà lòng lại trải trải an an.
Tớ và bạn này cũng vừa 'đi qua bão'.

Hình chụp ở Bát Xát - Lào Cai, 7-2013

Giờ thì đầu đang nghĩ tối sẽ nấu món gì nóng sốt tươi ấm rộn ràng, mua ánh mắt tiếng cười với hai cái sờ tai.


August 01, 2013

Quãng

Có những lúc con người ta rất kỳ, cảm thấy có lỗi với một điều gì đó nhưng không nghĩ được/ làm gì được cho lỗi. Ví như mình cứ biết đã để blog bị mốc meo như cái bếp củi nhà Chao Lan thế này, tuần trước biết thế, ba bốn hôm trước biết thế, hôm qua biết thế, hôm nay biết thế, nhưng rồi lại để mốc hết vàng thì xanh.

Mấy hôm nay nghe ồn ào, bà con facebook xôn xao về Nghị định 72 rằng FB cá nhân không được trích dẫn thông tin tổng hợp, chỉ post cái gì của cá nhân thôi. Nếu chỉ fb bị điều chỉnh thì mình có khi cũng vỗ tay một tị vì biết đâu fb xẹp bà con lại kéo nhau về blogging nối qua nối lại. Ông chủ facebook có kiện thì kiện, nhưng không được share link thì FB suốt ngày chỉ có tôi dậy rồi tôi ăn trưa tôi ăn tối, bạn dậy chưa bạn ăn trưa chưa bạn ăn tối chưa. FB vốn là để share tin, cấm thế thì bằng chặt hết tay chân teo tóp chả còn gì. Thôi về blog, đọc viết chia sẻ sâu hơn, cái duyên lễ hội của fb đã hết ta về trà sen chuyện vãn cũng vui bạn bầy.

Mình hôm nay ráng không cho điều gì có thể vòng hai vòng trong đầu mình bởi nó đã đủ là cuộn len rối đến ì ra. Trừ một ý nghĩ chẳng có gì mới: bỏ ba bộ đồ vào vali và đến một nơi đẹp bình lặng có cây có nắng có nước với cái ghế đủ dài nằm/ ngồi trên đó với cuốn sách đọc mà chẳng biết đọc gì. Trống rỗng đến cả sách. Trống hẳn đi thế để khi về đủ lại tươi tỉnh thường ngày.

Nghe ra có vẻ điên rồ nhưng mình vốn tin điều này (có thể cũng là điên rồ) rằng mọi điên rồ nếu ko phương hại mà cần để cho ta bứt ra khỏi đời thường u u mơ mịt cũng không phải tệ. Thật thế. Mình đã từng có chuyến đi như vậy nếu gọi là chuyến đi, ổn. Cô bạn mình cũng vậy, lên lịch, và đi, khách sạn sao, hồ bơi, uống, rồi trở về công việc/ cuộc sống hối hả có nhịp. Tin không chỉ mình hay cô ấy, chỉ là người ta không nói ra/kể ra vì có lẽ 97% người nghe sẽ thầm bật 'điên rồ/dở hơi', chả để làm gì.

Một vài khi cho bản thân điên rồ theo cách mình chấp nhận được, cũng tốt.

Bản thân cái entry này cũng là một entry chả giống ai.
Có nên nhắc các bạn trẻ ko nên đọc theo không nhỉ. Chả lẽ lại bảo điên rồ có kiểm soát. Thế thì lại chả là điên rồ.
Dở hơi thật.

July 09, 2013

Chữ tình, chữ người

Người ta thường nhân danh tình yêu để lý giải rất nhiều điều. Tôi thường tìm tình yêu thực sự trong những câu chuyện cuộc sống.

Note này viết từ năm 2011,
Viết, rồi giữ lại, bởi ngại đụng chạm.
Tôi sợ.
Bởi tôi người phụ nữ độc thân, và độc lập.
Tế nhị,
tôi có lý do để lo sợ đá ném.
Sợ đụng chạm đến nhiều phần trăm phụ nữ Việt luẩn quẩn 'Tấm Cám' suốt cả cuộc đời họ, sợ đụng chạm đến những đàn ông Việt đang sống với những người vợ Việt 'Tấm Cám'. Nhưng dù vậy, tôi vẫn muốn những người bạn đọc bài này sẽ là số phần trăm còn lại.

Bạn tôi, fan của chương trình truyền hình tìm người thân trên truyền hình Nga, chương trình "Đợi anh về" - đi trước của VTV "Như chưa hề có cuộc chia ly", ít nhiều liên quan đến những người từng sống, học tập và yêu nước Nga những năm xưa. Từ Blog của bạn, tôi được biết hai câu chuyện cuộc sống gần hệt như nhau, thế này:

Câu chuyện 1 (ở đây): Một ngày năm 2002 có một mẩu tin trên chương trình 'Đợi anh về': "Tên tôi là S.I. , năm nay tôi 15 tuổi. Tôi muốn tìm cha tôi, một người Việt Nam, tên là (...) . Cha mẹ tôi quen nhau khi ông học nghiên cứu sinh tại Viện hàn lâm khoa học (...). Năm 1989, khi tôi 3 tuổi, ông làm xong luận án tiến sĩ chuyên ngành (...) và trở về nước. Ông trao đổi thư từ với mẹ tôi một thời gian, sau đó thì bặt tin. Mẹ viết thư về địa chỉ cũ, nhưng thư đều quay lại. Chắc cha tôi đã chuyển đi nơi khác. Nay mẹ tôi không còn nữa, tôi không còn ai thân thích trên cõi đời này. Trước khi qua đời, mẹ tôi nói ông sống ở Hà Nội. Tôi rất muốn tìm lại cha tôi, các anh chị em của tôi ở Việt Nam".

Gần 7 năm sau, người viết vô tình 'gặp' ông ấy, một người có chức danh và học hàm khả kính. Đáp lại thông tin gần như chắc chắn về đứa con rơi đang tìm ông, ông trả lời "chuyện không đơn giản. Sau khi về VN, tôi đã quay trở lại đó một lần, đã đến thăm hai mẹ con. Nhưng cuộc sống có những phức tạp riêng của nó... Tôi không chối bỏ cháu, nhưng tôi muốn giải quyết mọi chuyện một cách êm đẹp, không ồn ào... Tôi sẽ nhờ anh nói chuyện với cháu nhé. Tôi quên sạch thứ ngôn ngữ đó rồi, Tôi muốn nói với cháu rằng tôi rất yêu cháu và muốn gửi cho cháu một ít tiền".
Bạn tôi "im lặng. Không biết phải nói sao về phương án mà ông đưa ra. Ông kể tiếp ông có 2 người con, một cô con gái và một cậu con trai. Cả hai đều đã lớn, đã đi làm.
- Anh này, sao anh không nói với chị? Bao nhiêu năm đã qua rồi. Em nghĩ chị ấy sẽ tha thứ. Hơn nữa, cô bé chỉ còn lại có một mình. Biết đâu, chị ấy động lòng. Dù sao thì cũng là con của chồng mình...
- Không đơn giản thế đâu em. Để anh suy nghĩ thêm nhé. Anh không muốn làm chuyện này ồn ào.
Lần thứ hai ông nhắc lại là không muốn làm chuyện này ồn ào".


Theo lẽ thông thường của người Việt từ nhỏ đã thuộc lòng 'Tấm Cám', người đàn ông này được cảm thông. Tôi dám chắc hầu hết chúng ta đều cảm thông, trừ bạn tôi, anh viết trên blog cá nhân sau cuộc gặp với người đàn ông đáng kính "Tôi không rõ điều gì có thể cản trở ông vào giây phút này? Người vợ ghen tuông (có thể như vậy), hay chiếc ghế (mặc dù không còn ngồi lâu được nữa) đang níu giữ ông làm tròn cái bổn phận thiêng liêng mà ông đã tự gột bỏ suốt 19 năm qua?
... Ông chào tôi, bắt tay ra về. Một bàn tay nhỏ đến bất ngờ so với cái dáng cao to của ông. Nó mềm oặt như không có sinh khí."


Câu chuyện 2 (ở đây): Một hôm, cũng trên Chương trình "Đợi anh về" ấy, có hai cô bé tuổi chừng từ 8 đến 12, xinh xắn lắm, kể qua nước mắt: "Bố chúng cháu học ở Nga, gặp và kết hôn với mẹ cháu. Sau khi học xong, bố về nước, hứa sau khi ổn định công việc sẽ quay lại đón ba mẹ con. Nhưng được một thời gian thì mẹ cháu bị bệnh và qua đời. Ông bà ngoại cháu quá già, không thể nuôi được hai cháu nên phải đưa chúng cháu vào trại trẻ mồ côi. Sau đó thì ông bà cũng mất. Giờ chúng cháu không còn ai thân thích nữa. Bố chúng cháu là người Lào. Chúng cháu muốn tìm lại bố và muốn sống với bố".

Mấy tuần sau, chương trình báo tin đã tìm thấy bố của hai em và có một món quà tặng hai em là đoạn băng video được ghi hình ở Vientiane. Trên màn hình xuất hiện một người đàn ông tầm 35 tuổi, giọng run run, anh xin lỗi vì hoàn cảnh nên đã không thể quay lại ngay đón ba mẹ con. Anh có viết thư, nhưng sau này không nhận được hồi âm (có lẽ đó là sau khi người vợ mất). Anh đã nghĩ cô ấy có cuộc sống mới nên không quấy rầy thêm nữa. Anh lấy vợ khác, một phụ nữ Lào, có một đứa con trai và một đứa con gái.

Người đàn ông không ghìm được cảm xúc và bật khóc: "Lúc nào bố cũng nhớ các con. Bố nhờ hỏi về các con khắp nơi mà không được. Bố sẽ sang Nga đón các con về Vientiane. Điều kiện ở đây không bằng ở Nga, nhưng mẹ và các em rất sung sướng được có các con trong nhà".
Các cô bé cũng khóc. Người dẫn chương trình nói: "Các cháu sắp được gặp lại gia đình của mình. Cố gắng chờ thêm một chút nữa, bố sẽ sang đón các cháu về".

Bạn tôi, xem trọn chương trình ấy, thốt lên trong bài viết "Đấy, đàn ông Lào đấy, tôi biết lương một công chức Lào là bao nhiêu, chừng 50 USD/tháng là cùng, anh ta đang nuôi 2 đứa con giờ thêm 2 đứa nữa...
Trong khi đó nhân vật người đàn ông Việt có học hàm của tôi thì lại có cách xử sự ngược lại..."

Không chỉ ông GS đáng kính, trên website đó còn 4-5 trường hợp tìm cha Việt tương tự. Những thông tin đó đã tồn tại 5-6 năm qua, mà không được xóa đi, chứng tỏ những đứa con đó vẫn chưa được gặp cha. Và những người cha Việt đó vẫn tiếp tục im lặng...

"...Anh bạn mới của tôi cho hay người Lào là như thế. Đó là một xã hội nơi người ta tôn trọng những mối quan hệ riêng tư, không lấy đó làm thước đo đạo đức. Những người đàn ông Lào không phải xấu hổ khi có con riêng ở đâu đó. Và những người phụ nữ Lào không hẹp lòng với những đứa con riêng của chồng."

Trên cái website đó, không chỉ đàn ông Lào nhận con rơi của mình. Đàn ông từ những nước lạc hậu như Angola, Kenya và nhiều nước Châu Phi khác, thậm chí từ những nước vẫn còn đang loạn lạc như Afghanistan, Iraq... cũng trả lời khi những đứa con rơi của họ cất tiếng gọi.

Chỉ có đàn ông nước ta là im lặng..."

Điều gì khiến họ phải im lặng?

Tôi, không đi tìm câu trả lời, cứ loay hoay nên hiểu thế nào về từ "lạc hậu",
loay hoay sau cuối hai câu chuyện trên, ai là người hạnh phúc.

Mới đây đọc stt của chị Hậu Khảo cổ trên FB: "Mọi đứa trẻ khi sinh ra đã tự nắm chặt bàn tay, bởi vậy sống mà biết buông bỏ là rất khó".
Khó, nhưng biết sống buông bỏ, mở lòng sẽ hạnh phúc.

*** Có chút gì chung:
- CON LÀ GIENHIA, TÌM BỐ...

July 01, 2013

Cha, con gái

Tặng bạn tôi Michelle Hương Trần và bố vừa đi xa,
Tặng tôi và những con gái còn cha bên cạnh, thương yêu.



June 30, 2013

Ngày dài

Sớm ra trời đã sáng nắng. Ngày dài. Lâu lâu sẽ có những ngày như vậy. Nhưng dài hay ngắn thì ngày rồi cũng trôi, không phụ thuộc vào í chí. Thì thôi để nó đi.

Bạn nhắn rủ cà phê. Ừ đi. Mặc dù chưa định được nội dung chuyện sẽ là gì. Thì, ngày dài.

Tìm một chỗ không xa nhà. nhắn. Bên kia bảo 'hay đi massage chân, cũng ngay gần đó thôi". Lại ừ.

Mình từ bao giờ nhỉ đã mon men vài lần những dịch vụ 'cho quý tộc' như này. Cốt gốc nhà có lớp có tầng tay trắng sau cải cách, tuổi thơ là gia đình nhà giáo thời bao cấp thiếu trước hụt sau cơm độn bo bo áo quần may đi may lại, nghe đi massage thấy nhớ khi là lạ nhìn cô gái trong bộ quần áo dân tộc Mông say sưa tám điện thoại di động ở chợ phiên Cán Cấu.
Nhưng cô gái ấy vẫn Mông, ỏn ẻn cười duyên xấu hổ khi mình xin chụp ảnh. Lát sau chiếc di động lại kêu cô lại say sưa tám.

Thì mình đi. Cà phê hay massage với bạn. Ngày dài.

Trở về

Đơn giản là bài hay cất về.

(HUY ĐỨC) Khi khép cánh cửa 21 Shepard, nhận ra mình sẽ không còn quay lại căn nhà này, bàn tay của tôi hơi sững lại, cảm giác như khi chia tay một người thân mà biết rồi sẽ không gặp nhau.
Thời tiết Cambridge đang ở thì đẹp nhất.
Tôi đã ở đây một năm.
Tháng 8-2005, tôi được một gia đình Mỹ ở vùng Washington, DC tình nguyện cho tạm trú trong nhà. Lúc đầu tưởng chỉ ở một tuần nhưng sau do việc bố trí nhà ở của trường có trục trặc nên tôi đã ở lại gia đình này ba tuần.

Jeff, tên người chồng, là một đầu bếp. Anh rất hiếu khách, bữa thì Jeff làm cá hồi đút lò, bữa thì steak. Tôi ăn uống rất nhiệt tình và tự bảo đồ Mỹ không ngán như mình tưởng. Cho đến ngày Vicky, tên người vợ, chở tôi đến trường. Khi xe chạy qua một khu mua sắm nhỏ, tôi nhìn thấy… “Phở 75″. Những bảng hiệu sặc sỡ khác bỗng chốc lu mờ. Bụng không đói mà tự nhiên cồn cào, tất cả các giác quan của tôi đều rạo rực. Tôi bảo Vicky dừng xe.

Vicky ngồi đợi tôi. Chị lịch sự cầm tờ báo cao lên, dán mắt vào đó để tôi tự nhiên. Không biết chị có đọc được chữ nào trong khi tôi xì xoạp húp. Không phải bao giờ cũng có dịp để nhận ra, một giọt nước mắm cũng khiến ta nôn nao, một câu hát cũng có thể chạm vào nơi yếu nhất.

Không như mấy thập niên trước, nước Mỹ bây giờ gần như vùng nào cũng có một cộng đồng Việt Nam, ở đâu cũng không quá khó khăn để kiếm phở và nước mắm. Anh Thái, một nhà báo ở khu quận Cam nói đùa: "Chỉ khi ra khỏi Mỹ tôi mới phải nói tiếng Anh".

Đang chạy xe trên "freeway" anh Thái thừa nhận: "Mình cũng đã từng quay quắt làm đủ thứ để trở về nhưng ở đây 5 năm, 10 năm, 20 năm… rồi cũng quen, rồi yêu nó lúc nào không hay Huy Đức ạ". Tôi biết anh nói thực lòng. Không phải tự nhiên mà năm nào cũng có cả triệu người xếp hàng chờ thẻ xanh, nước Mỹ là một trong những nơi có nhiều người muốn đến.
Thẻ xanh!
Ngày nay, những người yêu Việt Nam không nhất thiết phải ở Việt Nam mà nên ở nơi họ cống hiến được nhiều hơn. Một nhà khoa học mà về Việt Nam có khi lại lãng phí hơn là ở lại nơi họ có môi trường để góp phần tạo ra những thành tựu mới cho khoa học. Chưa biết bao giờ Việt Nam trở thành quốc gia có thể đóng góp cho thế giới những giá trị mới. Nhưng người Việt trong nước vẫn đi lại bằng Airbus, Boeing và nhiều bạn trẻ vẫn có trên tay những chiếc I-phone gần như đồng thời với thanh niên Mỹ.

Nhưng có những người được chuẩn bị để có thể tạo ra những giá trị toàn cầu trong khi nhiều người khác lại chỉ có thể làm những công việc hoàn toàn nội địa. Có những người muốn thay đổi thế giới trong khi có những người lại chỉ muốn chăm sóc vườn tược của mình. Có những người thích cầm ly Starbucks bước vào những building trong khi có người chỉ thấy thoải mái khi ngồi bệt bên hàng chè chén.

Tôi không muốn bắt đầu một hành trình có thể đẩy mình đi quá xa với nơi mà mình yêu thương.

*** Nguồn: Hiệu Minh Blog

June 23, 2013

Chủ Nhật tháng 6

1. Khi xóm blog thân dạo này lắng, mình cài vào bloglist links của Hiệu Minh Blog và Blog Đào Tuấn, đều là hai blog viết có tầm và có gu. Thật là mình vẫn đọc hai blogs này từ lâu. Đào Tuấn là bạn mình (CT) còn Hiệu Minh blog mình biết từ hồi đọc blog 'Thích Học Toán' của Ngô Bảo Châu.

Hôm nay ở HM Blog có bài 'gởi Hải Phòng' mà Tiên Lãng (linklink). Một người lính đi chiến trường, đánh nhau đến nỗi mất trí cô độc lang thang vất vưởng bốn chục năm, cuối đời run rủi bỗng tìm về được quê hương có ngôi mộ liệt sĩ của chính mình mà người dân hỏi chính quyền về chế độ lại được câu trả lời "ông ấy không giữ được giấy tờ gì nên rất khó". Bác HM bật than "bệnh vô cảm của chính quyền đã đi vào tới cao hoang, vô phương cứu chữa" mình thật không nghĩ dùng từ 'vô cảm' trong trường hợp này nữa, vì vô cảm là từ dùng cho người. Hết gu gờ chấm Tiên Lãng giờ đến những con sâu dư lày, hỏi sao dân không quá nản chỉ biết nhìn lên trời mà than.

2. Bạn Mei, 1999, vừa tốt nghiệp lớp 8 trường PTDL Nguyễn Siêu. Đặc điểm là bạn thường sắp xếp các điều bạn đọc, nghe, hấp thụ lúc này hay lúc khác thành những mạch đôi khi tới vài chục năm sau. Tối Thứ 6 đi đón bạn đi chơi nhà bạn Thảo Mi về, trên xe máy chuyện trò tới một khúc thế này:

Mei: Sau này khi mẹ bằng bà ngoại Mei sẽ tìm cho mẹ một chỗ dance sport.
Mẹ: Sao lại dance sport?
Mei: Thì để tập sức khoẻ, như ông bà ngoại bây giờ í.
(em lo mẹ mình ên)
Mẹ: Không, ông bà ngoại là dancing khiêu vũ cho người già, còn dance sport là nhảy nhảy, trẻ trung, cho người trẻ.
Mei: À vâng, thì Mei sẽ tìm cho mẹ lớp dancing.
Mẹ: À.. ừ, nhưng Mei phải đi cùng mẹ chứ, đi dancing một mình buồn mà không nhảy được.
Mei: Vâng khi nào Mei đi được Mei sẽ đi cùng mẹ.
Mẹ: Ừa có khi Mei bận đi làm nhỉ.
Mei: Vâng, nên Mei nói khi nào Mei rảnh Mei đi cùng. À Mei sinh xong Mei đi nhảy cho nó đỡ mập.
Mẹ: Mei sinh em bé á?
Mei: Vâng, sinh xong em bé Mei đi dancing cùng mẹ.
Mẹ: À ừ đúng rồi, sinh xong em bé thì cần tập giữ dáng.
(bạn í nghiêm túc nghiêm túc làm chẳng dám cười ;)

3. Hôm qua hẹn hò nấu món ốc chuối đậu cho Dim Mei nhưng món ốc của mình không thành công. Bảo "mẹ sẽ nấu lại một ngày nào đó khác, mai mẹ nấu bún bung - bún canh sườn nấu dọc mùng trả bù". Hai bạn dzeee, món ưa thích mà. Hôm nay nghe TV báo bão vào, sáng dậy chưa thấy mưa rủ Mei đi chợ mua đồ nấu bún bung thêm luôn món chả lá lốt. Lại cũng món khoái khẩu nên được hào hứng ủng hộ. Em Mei gói chả, Dim dọn bếp và rửa chén. Cả buổi sáng chỉ bếp, canh bún và chả đều rất thành. Trời mát, tốt cho một ngày cuối tuần.


4. Mình cần những ngày bình an thế này, và cầu nguyện. Qua tuần sau ba xuống khám lại, bệnh lành nhé ba.

June 21, 2013

Con gái đẹp

Mình đọc được bài này, xuất phát từ lời yêu cái đẹp của chàng trai người Pháp qua cô bạn gái gốc Hà Nội. Mình không chốt vào chữ 'con gái Hà Nội gốc', đơn giản là hoàn toàn ưng cái đẹp con gái trong bài này - cái đẹp mà mỗi cô gái đều có thể tự trau dồi được, với thời gian, miễn là biết để ý, có sự tinh tế, ham đọc hiểu và được sự hướng dẫn chỉ bảo ban đầu.

"Con gái đẹp đi đâu cũng chẳng lẫn, không phải vì mầu da trắng như trứng gà bóc hay dáng người thanh mảnh mà vì cốt cách thanh tao, lịch lãm của một cô con gái gia đình nền nếp, được giáo dục từ gốc. Con gái đẹp mềm mỏng, ý nhị, tươi tắn, ăn mặc không cầu kỳ nhưng nền nã, trang nhã, lịch sự chứ không phải những bộ đồ model hở trước hở sau.
Con gái đẹp cáu giận cũng biết nói lời chua cay nhưng không tục tằn thô lỗ, không đay đả, lắm điều.
Con gái đẹp ngày nay mang tác phong công nghiệp nhanh nhẹn, gọn gàng, ngăn nắp. Họ mạnh dạn, tự tin, cũng điệu đà thích làm đẹp, làm duyên nhưng không quá lố hở hang khêu gợi, không sặc sỡ..."

Lẽ đương nhiên quan niệm thế nào là đẹp có thể khác nhau. Mình chỉ mong thấy các con gái đều biết hướng bản thân trở nên đẹp, làm đẹp cho cuộc sống.

---------------------
Một chàng trai người Pháp nghiên cứu văn hóa Việt, nhìn máy cô sinh viên tập quân sự về rửa chân bên máy nước, anh chỉ một cô gái da màu bánh mật nhỏ nhắn bảo: "Cô gái ấy là dân Hà Nội xịn đấy, còn các cô kia là dân ngoại tỉnh hết...". Rồi anh gọi to: "Cô gái Hà Nội ơi!". Cô gái hơi giật mình, quay lại, ngơ ngác. Anh cười đắc thắng: "Thấy chưa. Mình đoán sai bao giờ, không tin ra hỏi mà xem..."

Anh bảo: "Con gái Hà Nội xịn (là Hà Nội gốc đấy) đặc biệt lắm. Nhìn mà xem, cô ấy rất ý tứ, không chen lấn tranh giành máy nước như mấy cô kia, mà cô ấy kéo cái ống quần lên cũng rất ý tứ, không kéo cao như mấy cô kia, cũng không cười nghiêng ngả, hô hố, như mấy cô kia...".

Chàng trai Pháp ấy khoe, anh có cô bạn gái người Hà Nội xịn rất quyến rũ. Cô ấy lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng, ăn mặc không cầu kỳ nhưng nền nã. Dáng đi của cô cũng rất duyên, nhẹ nhàng cứ như lướt, dù cô đi giầy hay đi dép cũng không cành cạch, chát chúa. Anh thích nhất tiếng nói của cô, cứ ngọt lịm, dịu dàng, rõ ràng, chuẩn xác khác hẳn các cô gái khác...

Anh bảo: "Ở trên đất Hà Nội nhưng nhìn những cô gái model, phấn son lòe loẹt, quần áo diêm dúa, sặc sỡ thì đừng tưởng đó là con gái Hà Nội xịn. Mình chắc chắn, đó là các cô nguồn gốc tỉnh lẻ, chứ con gái Hà Nội xịn ăn mặc rất trang nhã, lịch sự bởi họ có khiếu thẩm mỹ bẩm sinh, được cha mẹ truyền con nối..."

Anh phân tích: Con gái Hà Nội đi đâu cũng chẳng lẫn. Không phải vì mầu da trắng như trứng gà bóc hay dáng người thanh mảnh, mà vì cốt cách thanh tao, lịch lãm của một cô con gái gia đình nền nếp, được giáo dục từ gốc. Con gái Hà Nội thanh lịch từ cách ăn uống. Cho dù đói đến mấy cũng ăn từ tốn, chậm rãi từng miếng nhỏ, khi nhai không phát ra tiếng kêu chóp chép. Cho dù khát đến mấy cũng uống từng ngụm nhỏ chứ không ngửa cổ tu ừng ực...

Con gái Hà Nội cáu giận cũng biết nói lời chua cay nhưng không tục tằn thô lỗ, không đay đả, lắm điều, không văng tục, chửi thề... Con gái Hà Nội nói lời dịu dàng mà không đong đưa giả dối. Con gái Hà Nội điệu đà, thích làm đẹp làm duyên nhưng không quá lố, không hở hang khêu gợi, không sặc sỡ lòe loẹt.

Cái duyên ngầm của người con gái Hà Nội nhìn càng đắm ngắm càng say, chính là những bộ trang phục nền nã may rất khéo, rất hợp với thân hình, dáng vóc họ chứ không phải ở những bộ đồ model hở trước hở sau. Thế nên anh chàng người Pháp kia nể con gái Hà Nội lắm, vì ở môi trường nào họ cũng mang tác phong công nghiệp nhanh nhẹn, gọn gàng, ngăn nắp. Họ mạnh dạn, tự tin.

Dù Hà Nội nghìn năm muôn vàn thay đổi thì con gái Hà Nội vẫn tiếp thu được nếp sống của mẹ, mềm mỏng, ý nhị, tươi tắn, lịch sự… Con gái Hà Nội không chém to kho mặn, mà rất cầu kỳ từ cách chọn mớ rau miếng thịt cho đến cách nhặt rau thái thịt, cách nấu nước, cách bầy biện… Bữa cơm của người Hà Nội không chỉ ngon mà còn đẹp mắt, sạch sẽ.

Con gái Hà Nội chẳng lẫn vào đâu được bởi giọng nói chuẩn xác, ngọt ngào, rất thanh và cũng rất dịu của đất kinh kỳ.

Chàng trai người Pháp ấy rất tự hào vì cô bạn gái người Hà Nội xịn của mình. Nhưng ở Việt Nam này, không chỉ con gái Hà Nội xịn mới đẹp, mới duyên mà tất cả những cô gái được giáo dục nề nếp đều duyên, đều đẹp. Nhiều gia đình Việt kiều sống trên đất nước tự do, hiện đại, tiên tiến nhưng vẫn giữ nếp nhà, lễ giáo của một gia đình gốc Việt. Con cái sinh ra trên đất khách nhưng họ vẫn dạy con tiếng Việt, về nhà vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. bố mẹ kể cho con cái nghe những câu chuyện về gia đình, nếp sống Việt Nam, kể cho con nghe về họ hàng để con cái không quên cội nguồn. Mẹ nấu những món ăn của người Việt để con không xa lạ với quê hương. Dạy con phong tục của người Việt cưới xin, cúng giỗ để để con mãi mãi vẫn là người Việt, đẹp người đẹp nết...

(Nguồn: hcm.24h.vn)

June 18, 2013

Quãng ngày dài ngắn

Hà Nội hè. Ngày nóng.
Chiều tối đi bộ ra phố. Xe cộ chạy ù ù ngoài đường. Đường bận người bận. Lúc nào cũng bận đến mức mình chỉ nghe tiếng ù ù thấy phố lướt lướt, chẳng nhìn nữa.
Mình đi và đi.
Ý nghĩ cứ lơ lửng (những khi đi và đi ý nghĩ luôn lơ lửng), rằng thời gian này với mình sao mọi thứ đều như ở khúc dừng lửng. chờ.

Sức khỏe của Ba. Mọi thứ như đang rất ổn. Hôm nay gọi về giọng Ba trong máy vẫn bắt đầu bằng tiếng cười hồ hởi như mọi khi "LO à, gọi từ đâu đấy" (giờ mà chắc chắn con ở cơ quan chứ chẳng đâu khác). Ừa biết tuổi già chẳng thể mãi mãi như này, mà chẳng cứ tuổi già, chẳng ai có thể nắm chắc hoàn toàn trong tay ngày mai, tháng sau, vài năm nữa. Nhưng cho người thân quý thì mình vẫn mong mãi mãi thế đừng có gì thay đổi. Xin ông Trời cho ngày dài thêm.

Công việc cũng như đang quãng tạm chờ, mọi thứ dường như ổn mà cảm giác vẫn cứ như đang không hoàn toàn vững yên. Có gì đó phía trước không, không có gì rõ ràng lắm. Thì thôi kệ đi. Không sức ép và không tạo cho mình ép. Tập trung không care gì ngoài việc. May thời gian này việc nhiều đủ để mình kín ngày chưa bị ớn ngán. Hào hứng ơi đừng đi.

Dim Mei không còn nhỏ để ỉ ngả vào mẹ cũng chưa lớn đến tách rời. Hôm rồi sau đợt đi SG, ba bạn đứng đo và cân. 1.60, 1.60. 1.61/ 48.4, 47.9, 49.2. Thời điểm vàng của 3 đã qua, em Mei vượt lên cả cao và ký. Ba tuần nghỉ hè em tăng hơn 1 kg đang nhằn nhằn 'Mei không muốn mập'. Hai chị em đang những ngày nghỉ toàn bộ. Không giờ học. Không đưa đón. Nghỉ, nằm dài, net, và chơi. Ngày có lúc giữa bận chợt nhớ gọi về hai chị em tỉnh qoeo (chả cần) - tụi con đang đi chơi với các bạn/ tụi con đang đi shoping. Tối thỉnh thoảng vẫn có cái tay nào đó rờ tai vặn vặn. Chờ lớn.

Có những ngày quãng chờ, mà không muốn vùng vẫy, không xin gì, không muốn nói cho mình. Tâm trạng cứ vậy không thành nét. Từng ngày một. Đi và bước đi. Như là chạm vào gì cũng có thể làm vỡ.

June 14, 2013

Bông hồng cài áo

Nửa đầu Tháng 6. Dim Mei vào SG như mọi năm mỗi đầu kỳ hè - những Tháng 6 hay đùa với bản thân being a wild single woman nhàn cư vi bất thiện, hét toáng dọa dẫm sẽ làm một vài điều điên rồ dở hơi không phương hại. Mà năm nay không. Dim Mei mốt ra lại. Cũng mong nhịp ngày trôi kín. Mình giờ sợ thời gian trống.

Trong năm lịch cho cuối tuần thường phải xếp list. Không hiểu sao thường là lịch nhiều hơn dịp, nhiều khi lịch dồn, sắp trước cả hai ba tuần chả cuối tuần nào rỗng (tất nhiên dành nguyên một ngày ở nhà nằm đọc sách và nấu nướng với Dim Mei cũng là một lịch có tên). Thế mà tuần rồi, rất lạ, tới giữa tuần mình vẫn không định gì cho hai ngày nghỉ weekend dù có lúc về nhà thấy thật vắng lặng. Tuyết về quê. Cuối tuần mình ên. Có vài việc có thể làm. Mẹ hẹn 'khi nào mẹ xuống chơi' mà chưa chốt lịch. Có cả bạn muốn kéo đi chơi xa. Nhưng có một điều gì đó không rõ ràng cứ lần khân lưỡng lự không giải thích được, nên cứ tạm gác lại mọi dự tính. Lại tự giải thích là mình lười.
Giờ lật lại nghĩ rằng đó là dự cảm, dự cảm có việc cần đến mình. Đấng sinh thành.

Thứ 5 đó gọi Thái Nguyên hỏi mẹ cuối tuần xuống HN nha mẹ. Trả lời mẹ không xuống vì ba ốm - có gì đó bất thường với bệnh ba đã sống chung 3 năm nay. Lập tức hỏi. Thì ra ba giấu bệnh tự đi BS tự mua thuốc uống. Lập tức bảo ba xuống ngay HN, đi khám, cần BV uy tín.
Ba đang 4 - 5 bệnh trong người, mà Người cứ tự tại sống chung, coi như đều 'bệnh lành', coi như không gì quan trọng. Về chơi hay gọi điện lúc nào cũng thấy cười vui vẻ, thoải mái, mở lòng, hồn hậu. Yêu Ba.

Kể cả khi đi khám, xem kết quả, tư vấn bác sĩ, mình đọc được người lo cho mọi người lo lắng nhiều hơn lo cho bản thân. Cho bản thân người, mọi việc với người nhẹ thôi.

Đi làm, trưa chạy về cơm với ba. Ba lại bảo không phải về, ba tự ăn được, chạy về nắng nôi vất vả. Rồi nghe nói chuyện với Quỳnh 'mai khám xong ba về Thái Nguyên, ba ở đây chị LO đi làm trưa cứ chạy đi chạy về, vất vả lắm'. Hôm sau phải vừa ra lệnh vừa năn nỉ 'Ba chưa về được! Đang vậy đi xe đò chật chội nóng nực sao được. Trưa ba ở nhà tự ăn con sẽ không chạy về nữa, con hứa".
Mà ba không biết LO muốn về nấu cơm ăn cơm với ba. Những bữa cơm có hai mình thôi mà vui, tiếng nói tiếng cười. LO bày cơm rồi mình bàn nhau chụp hình gởi về mẹ, nghe mẹ gọi xuống hờn mát "ông xuống con gái mâm cơm đàng hoàng nhá, lại ngồi với lọ hoa nhá, tôi biết ai hơn ai rồi :D)".

Muốn chăm sóc mà lại sợ cảm giác ủy mị. Sợ bị đọc. Người nhà mình ai cũng để ý đọc ai, khó dấu.

Chỉ mong người cứ mãi thế này. Con cứ muốn 10 năm, 20 năm nữa vẫn nấu những bữa cơm như này, thấy ba cười vui vẻ hào hứng. Yêu Ba lắm. Cứ thế này nha Ba.

*** Có thể bạn muốn đọc:
- BA MẸ

June 05, 2013

Dáng duyên

Sáng nay trên bus gặp một em quen quen kiểu thường đi xe cùng tuyến cùng giờ. Cái júp công sở lẽ trên đầu gối 1 tị, khi ngồi co lên gần giữa đùi, hai cái đầu gối em ngự cách nhau tính tiết kiệm cũng nửa gang tay một cách vô cùng thoải mái. Đùi em bự quá! Da em cũng trắng, tóc em cũng uốn xoăn cũng nhuộm nâu, chân em cũng sơn móng sẫm màu, thế mà cái cách em để đùi bự xả láng tự do làm mọi thứ trật lấc hết cả. Thật sự là.. huhu.

Chân thành, mình vô cùng ngại dùng cái từ mà đôi khi người ta gọi tên cho cảm giác 'tởm'. Nhưng mà, nhưng mà... đúng thật là... tệ oan cái váy!

Con gái mặc váy đầm ngắn phải có tí để ý. Cái váy đầm là để khẳng định nữ tính (trừ một số dân tộc đờn ông quấn xà rông như Lào hay Ai len), thế nên nữ phải tính khi mặc váy đầm, ai lại tuỳ tiện thế. Tệ oan chị em.

Không biết các bà mẹ có con gái mất bao nhiêu thời gian để hướng dẫn con gái khi mặc váy phải có ý thế nào, thế nào thì đẹp thế nào thì, ta nói, làm xấu oan váy đầm. Ngoài việc chọn dáng, kiểu, màu sắc, chất liệu phù hợp với người với cảnh, thì còn dáng đứng dáng ngồi khi váy - quan trọng lắm í chẳng kém tị nào. Mình, có Chúa chứng dám, mất hai lần mỗi lần không tới một phút trò chuyện về dáng ngồi khi váy với Dim Mei: một lần trong bữa tối dẫn chuyện mẹ gặp một cô mặc váy ngồi xoè hai gối (kiểu cô váy xe bus trên kia) rồi bảo nhớ nhá váy khi ngồi hai đầu gối phải chụm khép/ chụm dài thêm hai gióng chân là dáng quý cô, bắt chéo là tự tin, xòe hai chưn dài thì ra vẻ đẹp teen thế kỷ 21, nhưng điểm chung luôn là chụm hai đầu gối, nhá. Lần thứ hai sửa tư thế ngồi cho bạn Dim hay Mei mình quên rồi khi cả nhà ngồi coi TV chuyện trò sau cơm tối ở phòng chung, nhân thể nhắc lại lý thuyết dáng ngồi (lỡ quên). Lần chót (thực tế) mất đúng hai giây, là khi mình chở Dim Mei sau xe vô tình (và cố tình) đối trực diện xe máy một mẹ trung trung tuổi mặc jup ngắn - chạy xe số đầu gối đâu chụm được, ối giời underwear trăng trắng lộ rành rọt trong luồng ánh đèn pha, Dim Mei không dám cười to, hí hí suốt một đoạn đường dài, mà chính xác là cả ba chúng tớ cùng hí hí.
Chả biết váy ngắn hở hênh đi xe đó ở đâu để mà cảm ơn đã cho hai chưn dài bắt đầu tuổi vị thành niên của mình bài học thực tế giá trị. Cảm ơn thôi :)

(hình trong bài chôm từ anh gú khi sớt "dáng ngồi". Hình 1 là từ khoá học thanh lịch dành cho nữ sinh)

May 21, 2013

Chao - Lan

Mình vừa đi núi - Bát Xát Lào Cai, hai ngày, một đêm ngủ bản, nhiều việc và kín lịch. Vào lớp, nhìn bữa cơm trưa lay lắt của bọn trẻ, nhìn chúng vẫn cười, ngây thơ. Trẻ con không biết nghèo, chỉ người lớn biết xót.

Rời Pacheo đoàn đến Dền Thàng nhờ cô giáo đưa vào bản thăm hai anh em Chao - Lan đã gặp trong chuyến đi CCT mùa đông cuối 2011. Hai đứa trẻ mồ côi mẹ mà gần như côi cút toàn phần, dắt díu nhau tồn tại. A Chao (8 tuổi) là đứa trẻ được xin về nuôi trước khi có em Lan (6 tuổi), nhưng giờ thì hai đứa trẻ chỉ có nhau là nơi nương tựa. Ngày trong tuần em Lan có bữa trưa cơm có thịt (CCT), anh Chao không có giấy tờ không được đi học, cứ theo đến lớp em cô sớt phần cơm cho ăn ké. Những khi không có lớp hai anh em tự lo, đói thì lơ vơ trong bản ai cho gì ăn nấy. Tới Dền Thàng vào ngày Thứ 7, hẹn trước cô giáo đưa tới nhà 2 anh em nhưng nhà bỏ không trống huơ trống hoác, cuối cùng tìm thấy hai anh em đang chơi ở nhà người chú họ - mà cũng chỉ có mấy đứa trẻ con tự chơi, người lớn đi làm nương hết. Hỏi và nhờ cô giáo dịch lại thì A Chao bảo tối hai anh em vẫn về tự ngủ ở nhà. Hỏi bố tối qua có về không nói bố không. Thế ngày trước đó: cũng không, ngày trước nữa: cũng không.
Không ai đến cưu mang còn vì người ta bảo nhau mẹ hai đứa bị ma bắt.

Luôn dắt em

Trong nhà với hai nồi cơm thừa đã mốc chua

Nụ cười hiếm hoi

Năm ngoái sau chia sẻ của các TNV chuyến đi về hai anh em, một bạn CCT ở HN và một số thành viên nhóm Giỏ thị muốn giúp hai anh em tiền ăn mỗi tháng. Cô giáo hiệu trưởng Mầm non Dền Thàng đã làm đầu mối trên đó nhận giúp, hai anh em có thêm gạo/ đồ ăn khô các cô mua để vào nhà, anh Chao biết nấu cơm cho em những ngày nghỉ học. Nhưng đến năm nay thì cô chuyển công tác về trường khác nên mất kết nối, người HN bận, hai anh em lại lơ vơ.
Em Lan giờ lên lớp 1 lại có cơm trưa ông Tuấn (các bé gọi thế), anh Chao đói một mình. Lần này cùng CCT lên kết nối lại tìm cách cho các bé đỡ đói bụng, nhìn lại hai em cù bơ cù bất mà ai cũng xót nhói lòng..

(Trích FB Orange Tho): "Tôi không thể hiểu nổi. Có những điều nghe nhiều rồi, đọc nhiều rồi, lên tới đây, tôi vẫn không sao hiểu nổi.
Chúng tôi nói chuyện với A Chao phải nhờ cô giáo Thành dịch. A Chao nhìn nhỏ thó mà cứng cỏi khi đi đâu cũng bám chặt tay em mình, cử chỉ nhẹ nhàng nhưng tôi đọc được cậu có thể làm mọi chuyện để bảo vệ em mình như con nhím có thể xù lông. Phải ngồi xuống ôm lấy 2 con vào lòng, nói nhỏ nhẹ bằng tiếng Kinh, bảo cho cô ngồi cạnh một tý nhé vì cô rất thương 2 đứa. Hỏi có đói không, cô giáo bảo A Chao nói là đói lắm, rồi cúi mặt xuống nói lí nhí "đói cơm".
Khi chúng tôi trở về, đứng lặng nhìn hình ảnh đứa anh trai chân đi cà nhắc vì bị tật dắt tay em líu díu trở lại nhà người chú mọi người không ai nói được với ai một câu nào. Không thể khóc nổi vì quá cay đắng, vì thấy cái bất hạnh của những con người cùng Việt Nam mình nó làm nghẹn lấy cổ họng, làm mọi mạch máu như đông cứng lại.

Nắng vẫn trên đỉnh đầu. Nhật nguyệt thay nhau ngày lại ngày. Có ai biết làm sao ông Trời lại sắp đặt cho 1 cậu bé côi cút tới 2 lần đang hàng ngày cầm bàn tay đứa em gái mình đi lang thang cho hết kiếp làm người như này..."

Đoàn bắt đầu rời về. Nhìn hai anh em nhỏ thó như cỏ lôi côi dắt nhau trên đường chỉ bật ra được mấy từ "thương quá côi cút". Cả đoàn không ai bảo ai, không một lời, mặc trời nắng gắt đều đứng lặng nhìn hai đứa trẻ đi hết dọc đường dài rồi mới quay lên xe... về Hà nội rồi mình vẫn không thể quên hình ảnh này - 'không áo cơm cù bất cù bơ'....


(FB Hoang Minh Hung): "Cả đoàn TNV CCT đều xúc động khi chia tay 2 em Chao và Lan. Nhìn hai bóng dáng nhỏ bé, níu chặt tay, tập tễnh dìu nhau trên con đường vắng khó ai cầm lòng được. Chao lúc nào cũng vậy, là anh nhưng luôn níu chặt lấy em Lan. Bằng cách đó như muốn chứng minh sự có mặt của mình trên đời này là có thật, cho dù trên giấy tờ, em hoàn toàn không tồn tại. Ai cũng lặng đi... Không biết tương lai nào cho các em..."

Cứ mỗi lần nhìn lại hình Chao Lan là mình lại bị kéo về với í nghĩ 'không đứa trẻ nào chọn nơi sinh ra trong cuộc đời này. Nếu chúng ta không phải rơi vào cơ cảnh ấy thì chỉ vì một điều đơn giản: chúng ta là người may mắn'.
Những người may mắn...

*** Về hai anh em Chao Lan - 2011 ở link này
(Hình trong bài từ các TNV chuyến đi CCT Pacheo - Dền Thàng 05-2013)

May 13, 2013

Đầu tuần đọc một chút

Mình đọc sách kiểu rất a ma tơ. Thường bị cuốn vào những cuốn hơi hướng tâm lí, tội phạm, trinh thám, kiểu luật sư và phiên tòa (Bố Già - Mario Puzo/ Thiên thần nổi giận - Sydney Sheldon/ Kẻ mạo danh - Jeffrey Archer...). Lại thường lật coi qua lời giới thiệu, lời tựa, mục lục trước rồi mới mua đọc (phần bởi sách trên kệ quá nhiều thể loại hỗn hợp).
Hôm nay coi được 'bài bói' này, thấy mình nhiều tính đờn ông.
Thôi thì nhận :)

Thói Quen Đọc Sách Và Tính Cách

Các nhà khoa học nhận thấy đọc sách không chỉ làm tăng tri thức và tu dưỡng nhân cách mà còn phản ánh tính cách của con người.

1. Thể loại sách
Thích đọc tiểu thuyết tình yêu. Đó là những người sống thiên về tình cảm và có trực giác cực đoan, tính tình lạc quan. Tuy nhiên những người đọc loại sách này lại thường nhanh chóng phục hồi trong nỗi thất vọng để tiếp tục vươn lên.

Thích xem tiểu thuyết trinh thám. Là những người sẵn sàng chấp nhận những thách thức về mặt tư tưởng, biết giải quyết vấn đề một cách xuất sắc; những vấn đề mà người khác ngại va chạm thì những người này lại sẵn sàng đứng ra đối phó.

Thích đọc tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Đó là người giàu sức tưởng tượng và tính sáng tạo, say mê đối với khoa học kỹ thuật, thích đưa ra những kế hoạch tốt đẹp cho tương lai.

Thường đọc sách về tài chính. Là người có sở thích cạnh tranh một cách khác thường, rất muốn vượt trội hơn người khác.

Thích đọc sách về phụ nữ. Chứng tỏ chị (cô) ấy có ý muốn trở thành "Người phụ nữ siêu cấp" (người đàn bà thép), mong muốn trong việc gì mình cũng tỏ ra xuất sắc hơn người. Còn nếu là nam giới thì người đàn ông này rất muốn tìm hiểu tâm lý của phụ nữ.

Thích xem sách báo, tạp chí thời trang. Đó là người rất chú ý đến thân phận của bản thân, biết cố gắng để cải thiện hình ảnh của mình trong con mắt người khác.

Thích đọc sách lịch sử. Những người thích đọc thể loại này rất có khả năng sáng tạo, không thích ba hoa, tán dóc. Họ biết dành thời gian để làm những công việc có tính xây dựng chứ không biết tham gia các hoạt động xã giao.

Thích đọc tự truyện. Là người có tính hiếu kỳ lớn, cẩn thận, trước khi đưa ra một quyết định nào đó đều phải nghiên cứu, cân nhắc sự lợi hại và tính khả thi của mọi sự lựa chọn.

Thích xem sách báo, tranh châm biếm. Là người thích vui chơi, tính tình thoải mái, không bao giờ quá so đo trong cuộc sống.

Thích đọc báo và các loại tạp chí thông tin. Là người theo chủ nghĩa hiện thực, có ý chí kiên cường, biết tiếp thu tư tưởng mới.

2. Cách đọc
Đọc trình tự từ trang đầu đến trang cuốiĐây là cách đọc sách phổ biến với nhiều người. Cách đọc này cho thấy bạn là người từ tốn và chỉn chu. Trong bất cứ công việc gì, bạn luôn được sếp tin tưởng và giao phó. Sếp xem bạn là cánh tay đắc lực của mình trong nhiều tình huống bởi bạn là không chỉ có năng lực làm việc mà còn ham học hỏi, cầu tiến và rất cẩn thận, chu đáo. Trong đời sống tình cảm, bạn ân cần, nhiệt tình song đôi lúc khá bảo thủ và kỹ tính, không dể dàng bày tỏ tình cảm của mình với đối phương mà sẽ "gặm nhắm" từ từ cảm giác yêu và được yêu theo kiểu "mưa dầm thấm lâu". Lời khuyên chân thành dành cho bạn, đó là một khi gặp người thích hợp, đừng để cơ hội dễ dàng vụt qua.

Đọc trang cuối cùng rồi mới giở ngược lại trang đầu
Bạn là người tò mò và khá nóng vội, điều này có lẽ chẳng cần bàn cãi. Nhưng bên cạnh nhược điểm đó, bạn có một đặc tính nổi bật là sáng tạo, linh hoạt. Trước bất cứ việc gì, bạn đều có những ý tưởng mới mẻ, phong phú, điều đó giúp ích cho bạn rất nhiều trong công việc, đặc biệt là những việc đòi hỏi khả năng sáng tạo. Trong đời sống tình cảm, bạn lãng mạn, vui tính nhưng cũng khá bướng bỉnh, thích tranh luận. Bạn yêu sự tự do, không chịu nổi áp lực nếu đó là mối quan hệ quá ràng buộc hay suốt ngày 2 người phải kè kè bên nhau.

Xem qua một lượt rồi bắt đầu đọc từ trang đầu đến trang cuối
Chậm chạp, cẩn trọng trong suy nghĩ và hành động, có thể nói bạn là mẫu người nghiêm túc trong công việc, thận trọng trong các mối quan hệ. Trước khi bắt đầu một hành động nào đó, bạn thường suy nghĩ thấu đáo mọi việc, sau đó bạn sắp xếp, chuẩn bị chu đáo rồi mới bắt tay vào làm. Bạn không có những bước tiến vượt bậc, đột phá. Với bạn, sự an toàn, tĩnh lặng là tiêu chí quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, đôi lúc bạn cần khắc phục một số hạn chế của mình, cụ thể đó là sự nhàm chán, tẻ nhạt trong các mối quan hệ với bạn bè và gia đình.

Xem lời giới thiệu, lời tựa, lời nói đầu trước khi đọc
Bạn là người thực tế, thích sự an toàn, chín chắn. Lối sống giản dị, coi trọng tình cảm của bạn được nhiều người quý mến và cảm phục. Đặc biệt, khả năng kiềm chế của bạn khiến người khác phải học tập. Trước bất cứ sự việc khó khăn nào, bạn luôn bình tĩnh tìm hướng giải quyết hợp tình hợp lý. Có thể nói, bạn là bờ vai vững chắc, tin cậy cho bạn bè và người thân. Bên bạn, mọi người sẽ cảm nhận được cảm giác bình yên, nhẹ nhàng, tin cậy. Trong cuộc sống và tình cảm, với tính cách chu đáo, cẩn trọng, bạn luôn được mọi người yêu quý và bản thân bạn cũng có những thành công nhất định.

Xem mục lục trước tiên
Bạn có sức hấp dẫn mạnh mẽ, khiến người khác phái ngưỡng mộ, thích thú. Đằng sau vẻ thùy mị, dịu dàng của bạn ẩn chứa niềm kiêu hãnh lớn lao. Bản thân bạn là người tỉnh táo, không nhìn đời qua lăng kín màu hồng mà luôn đi vào thực tế, chỉ rõ những ưu và nhược điểm của người khác để đánh giá mức độ tình cảm của họ đối với mình. Quan niệm về tình yêu và hôn nhân của bạn khá rõ ràng, điều đó giúp bạn có được cái nhìn sáng suốt về chuyện tình cảm. Trong công việc, bạn táo bạo, dám nghĩ dám làm và cũng giữ cho tâm trí của mình luôn tỉnh táo để không bị cuốn vào vòng xoáy hay áp lực kiếm tiền quá lớn.

Xem sách có bao nhiêu trang rồi mới đọc
Bạn là người chân thành, ghét sự giả dối, xu nịnh. Tuy nhiên, bạn có xu hướng nghi ngờ người khác. Điều đặc biệt ở bạn là một khi ngọn lửa tình yêu bùng cháy, bạn sẳn sàng bất chấp tất cả để chiếm trọn tình cảm của đối phương. Bạn không ngại bày tỏ tình cảm cuồng nhiệt của mình với người ấy. Ngược lại, một khi tình cảm đó không đáp lại như kỳ vọng, bạn dễ để bản thân sa vào nỗi buồn phiền, đau khổ. Lời khuyên duy nhất dành cho bạn đó là hãy bình tĩnh, kiên nhẫn trước bất kỳ tình huống nào xảy ra trong cuộc sống.
(Theo Cỏ Dẹt - link)

May 09, 2013

la vie

Không phải định nói gì về nước khoáng La Vie, chỉ là khó khi viết cái tựa entry này. Định viết 'cuộc sống', hay 'life' rồi vẫn thấy gượng sao. Một người bạn mình từng viết rằng rất thường khi người ta dùng chữ tắt hay tiếng nọ tiếng kia để nói thay một lời yêu thương mà không dám viết đủ, vì không đủ dũng cảm hay cái ngại cố hữu. Thôi thì, dựa í bạn để nhận mình không đủ can đảm, nói về cuộc sống, đôi khi.

Cái hình này được nhiều người chia sẻ trên Facebook. Mình lấy được qua FB của và ngay lập tức bị mất mấy phút với nó.


Comments về hình này thì nhiều, bởi nó không lời. Người than vãn đời, đời phê phán người. Sau rốt mình chỉ thấy trong cuộc đời này điều bất hạnh có mặt trong rất nhiều bất hạnh là nhiều người ta buộc phải tạo một cái mặt nạ, một hình ảnh, dựng một cái khung cho mình và tô vẽ nó, như xung quanh muốn thấy.
Rồi tự hỏi, mình đâu?

Ước gì đừng ai phải đổ qua cuộc sống "c'est la vie"/ tha't life/ "cuộc sống là vậy". Ước ai cũng được sống cuộc sống của chính mình chứ không phải cuộc sống mà người khác muốn họ sống. Ai đó sẽ bảo cái gò tạo ra nếp, tự do vậy xã hội sẽ rối tung sao. Mình không nghĩ vậy. Khi con người ta được sống trọn vẹn là họ, được thăng hoa, họ sẽ tự muốn sống đẹp.

Tự nhiên lại link đến cuốn truyện đọc đã lâu lắm lắm và bị ám ảnh - cuốn sách dịch có tựa tiếng Việt "Âm thanh của ý nghĩ". Một nhà báo sau một lần bị tai nạn rất nặng tỉnh dậy trong bệnh viện và dần nhận ra anh ta bỗng nghe thấy những âm thanh (tiếng nói) từ ý nghĩ của những người đứng gần quanh. Sốc. Luôn rất nhiều những âm thanh song song: âm thanh một người đang nói với anh ta và âm thanh từ ý nghĩ của chính người đó, cùng lúc nhưng không trùng!
Mọi thứ rối tung. Anh ta nghe thấy bác sĩ nói - 'anh rất ổn' cùng lúc với 'đêm nay sẽ khó khăn đây' - í nghĩ. Cứ hai âm thanh trộn nhằng khi anh ta vô tình ngồi gần một tên cướp nhà băng, khi ở nhà với vợ, khi cầu cứu đồng nghiệp, khi gặp Boss, ở quầy rượu. Bất cứ đâu. Rồi anh ta bị sa thải, những thế lực ngầm truy đuổi.
Xã hội bỗng trở nên vô cùng phức tạp khi người ta cùng lúc nghe được cả những điều người khác nói và âm thanh của ý nghĩ.
Điểm chốt của cuốn truyện là cô gái điếm đồng hành khi anh ta trốn chạy. Ở cạnh cô gái xã hội dẫm qua này anh ta luôn nghe thấy một âm thanh duy nhất - những gì cô ta nói và nghĩ trùng là một - cho cảm giác bình yên.

Người trên bờ cái hố kia hẳn cũng ước được sống chỉ một âm thanh. Sướng khổ tốt xấu đâu phải thấy vậy đã là vậy. Nên đừng bắt lỗi cái thang. Nếu được hãy ước cho mỗi người ta đừng nhiều những nỗi khổ 'đời phải thế', ước cho họ nhiều hơn được tự do là họ, tròn trịa hay khiếm khuyết mặc dầu, nhẹ bước chân...