May 28, 2010

Dim

Dim gần đây 'ngon lành', như chưa từng có những lúc cáu kỉnh (hic, mượn 6 ca từ của 'Chân Tình' 1 tẹo, mẹ đang muốn hát mà). Vẫn run run. Không lẽ 'nổi loạn' cũng có sóng, có 'ups' rồi sẽ tới 'downs'? hay tại chỉ dẫn của chuyên gia Templar có phép mầu? Hay lại mình đã quen dần với 'tuổi dậy thì'?
(hình: Being happy - sưu tầm)

Cái sự thay đổi hormon chết tiệt nó 'hành' Dim và gián tiếp là mẹ, nhỉ?

Chiều Thứ 3 về sớm hơn thường lệ một chút, gặp 2 chị em đang ngồi đợi cửa vì quên - không ai mang theo chìa khóa. Nhìn như 2 con mèo đói, không chí chóe đổ tội mà lại có vẻ đồng cảnh rất đoàn kết, thấy thương quá nhưng lòng thì mỉm cười.

Chị Tuyết chưa về. Mẹ 'chia việc': - Mei cắm cơm, cho Dim chọn nấu canh hay xào thịt bò? mẹ sẽ làm việc còn lại.
Dim: - con làm món xào.
Oái, ngạc nhiên chưa? ngạc nhiên rồi (nào mẹ đã chỉ Dim đến món xào bao giờ đâu nhỉ?)

Dấu gì chứ dấu vẻ hạnh phúc đúng thật là khó nhất. Trong khi Dim thản nhiên ngồi coi TV, vào mạng, đợi gần đến giờ cơm mới thản nhiên đứng lên đi vào bếp thì mẹ lặng lẽ xun xoe xắt thịt bò, ướp, để sẵn, rồi lại nhặt, rửa, xắt rau cho món xào cũng để sẵn...
Rồi lại không đừng được, mon men đứng cạnh:
- Thịt bò con xào vừa chín thôi rồi bỏ ra, xào rau riêng rồi trộn nhé.
- Con biết mà.
Đi ra, rồi lại xán vào:
- Con bỏ thêm chút bột gia vị vào rau nhé.
- Con xào được mà!
Lần này chữ 'được mà' đã có chút nhấn và kéo dài. Kẻ xun xoe trật tự lui liền không ý kiến gì thêm :)

Mà quả là món thịt bò xào của Dim chuẩn, cả vừa chín lẫn nêm nếm. Mẹ tấm tắc "Dim có vẻ có khiếu nấu ăn" :)
--------------------------

Tối Thứ tư nóng như rang mà lại cúp điện. Dim Mei khoe kết quả học cuối năm. Mẹ đang vui, hứng khởi: Tối nay mẹ chiêu đã eat out (đi ăn ngoài), cho cả nhà chọn xem ăn gì. Dzzee!

Ăn về, vẫn nóng. Dim Mei nằm lăn ra sàn. Nhắc chuyện Dim sáng nay đi học để lại một mớ quần áo 'có vết', khiến mẹ phải ngâm xà bông giùm. Nhân tiện kể cho Dim Mei Tuyết nghe chuyện hồi trước mẹ với cô Kh.H. bạn thân cùng làm, cùng ở tập thể. Cô Kh.H. lưng cong, mông cong, đi đường rất hay bị mấy kẻ bẩn thỉu thò tay tét trộm vào mông (giờ mình gọi là 'quấy rối tình dục' - sexual harassment).
Một bữa đi làm về mẹ chở cô H. mặc áo dài trên xe gắn máy, tà áo dài thì vén hất lên cho đỡ vướng, cái quần trắng mềm làm cái mông càng khiêu khích (chắc vậy). Bỗng thấy 'é, é, é' phía sau. Nhìn lại chả hiểu gì, đi tiếp. Lại thấy 'é, é, é'. Lần này quay hẳn lại thì thấy 1 'đàn ông' đi song song sau 1 bánh xe, 1 tay cầm lái, một tay cứ xoa xoa mông con bạn. Chèng ơi, không phải tét mà là xoa xoa kia! Chả kịp nghĩ gì chỉ biết vù xe lên trước, để cắt.
Được một đoạn, 2 tên mới hoàn hồn thì kẻ bẩn thỉu kia đã mất hút rồi. Lúc có thể chửi thì không phản xạ được, đến lúc hết choáng thì chả còn chửi gì được. Ức. cô H. lầm bầm rủa 'đồ mất dạy' một mình chán, quay sang A.Q: "ông mày đang 'TO BE', mày sờ vào cho mày thúi tay cho mày ô nhiễm cho mày chết, hừ." :)).

Câu này người kể cố tình nhắc đi nhắc lại 2 lần. Dim Mei Tuyết sướng quá cười lăn, há há há, hí hí hí.
Cứ xin: Mẹ còn chuyện gì hay kể tiếp đi.
Cũng mải cười hé hé hé có nhớ ra được chuyện gì tiếp đâu :)

Sáng nay lại thấy Dim để đồ 'có vết' trong nhà tắm. Mẹ lại sử dụng lối nhăn-pha-hài của con khỉ: "Dim mấy bữa nay tạo ô nhiễm quá. Mẹ giao hẹn hôm nay Dim xử lý xong mới đi học nhé, xong muộn đi học muộn nha".

Kết quả: Dim còn quá tay giặt giúp cả 1 bộ quần áo của mẹ, rồi chào mẹ đi học.

Thêm một ngày ngất ngây.
(Nhật ký, viết ngày Thứ năm 20/5, nhưng nín thở đến hôm nay mới post, hihi)

*** Entry liên quan:
- BỐI RỐI
- Về AQ: Xem link cuối bài "VỎ ỐC"

May 26, 2010

Mở rộng hiểu biết, mở rộng vòng tay

Entry này là để góp thêm một tiếng nói ủng hộ nỗ lực của các nhóm cha mẹ có con tự kỷ nhằm đưa thông tin về bệnh tự kỷ đến với cộng đồng, giúp cộng đồng hiểu biết hơn về căn bệnh, bớt kỳ thị, gần gũi mở vòng tay yêu thương cho các em nhiều cơ hội hơn học hòa nhập cuộc sống.

Mở rộng vòng tay. Trộm nghĩ có thể là việc nhỏ như đọc, hiểu về bệnh, chấp nhận những biểu hiện của trẻ tự kỷ bằng sự thấu hiểu chứ không phải với thái độ ái ngại hay tệ hơn là kỳ thị. Việc lớn hơn có thể là tùy sức mình hỗ trợ tinh thần, vật chất, cơ hội cho các nhóm hoạt động vì trẻ tự kỷ mà hiện tại đa phần là tự phát.

Lana lại tin điều chị Thanh Chung đã gửi gắm "Không kỳ vọng vào những điều lớn lao, nhưng vẫn tin mỗi blogger có tâm đều có thể góp phần cải tạo cuộc sống khi chúng ta cùng cổ vũ cho những điều tốt đẹp", không biết trong việc này có là lãng mạn quá không. Hy vọng là không.

Dưới đây Lana trích đăng bức thư của một cô giáo trường Mầm non Tuổi Ngọc ở Sài Gòn gửi cho Blogger VMC. Toàn văn bức thư và thư mời dự Hội thảo "Trường nào cho trẻ tự kỷ" bà con xem ở đây nha.

"... Trường chúng em là trường dạy trẻ khuyết tật và chậm phát triển. Tuy nhiên, trẻ của chúng em và cả phụ huynh có con tự kỷ nữa, khi đi ra ngoài thường được đối xử không công bằng. Khi chúng em đưa con em mình ra ngoài, mọi người nhìn các bé bằng con mắt kỳ thị, cho rằng các bé bị "điên", "thần kinh",... và xa lánh các bé. Thực ra không phải như vậy. Các bé của chúng em chỉ khác những trẻ bình thường thôi. Hơn ai hết, các bé rất cần sự quan tâm, gần gũi và yêu thương của cả cộng đồng.

Tuy nhiên, xã hội chưa có nhiều người hiểu về hội chứng tự kỷ này, thậm chí có nhiều người còn có kiến thức sai lệch nữa. Như vậy, bằng một cách nào đó, họ đã đẩy các bé tự kỷ ra xa xã hội hơn, đã nhấn chìm sâu hơn những niềm hy vọng của các phụ huynh có con tự kỷ. Cả trẻ và cha mẹ đều cần sự đón nhận trong yêu thương và chia sẻ của cả cộng đồng.

Hội thảo mà chúng em tổ chức cũng nhằm vào mục đích hướng tới cộng đồng, nhằm nâng cao hơn nhận thức của cộng đồng về trẻ tự kỷ, nhằm giúp cho nhiều người hiểu hơn về trẻ. Cuối cùng, khi họ gặp một em bé nào có hành vi khác thường một chút, họ sẽ dễ chấp nhận hơn, sẽ bước gần lại với em hơn và có cách giải quyết phù hợp hơn giúp bé có thể hiểu và chấp nhận các quy tắc của cộng đồng.
...
Em xin phép được gửi thư mời ở dưới đây ạ. Thêm một người biết về tự kỷ, hiểu về tự kỷ tức là chúng ta đã có thêm một đồng minh trong cuộc chiến trường kỳ này
."


THƯ MỜI

Kính mời toàn thể bác sĩ, nhà chuyên môn, giáo viên, sinh viên, phụ huynh trẻ tự kỷ và những người có quan tâm … đến tham dự Hội thảo chuyên đề “TRƯỜNG HỌC NÀO CHO TRẺ TỰ KỶ?” được DRD (Chương trình khuyết tật và phát triển) kết hợp với các Nhóm phụ huynh trẻ tự kỷ trên cả nước tổ chức tại Khách sạn Hoàng Đế, 117 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3, TP.HCM, ngày 5/6/2010, từ 8g00 đến 11g30.

Trân trọng.

Để công tác tổ chức được chu đáo, xin vui lòng xác nhận sự tham dự của quý vị :
- Cô Loan (DRD), số điện thoại: 08-38682770, 0918235375
- Hoặc cô Dung, số điện thoại 08-35561952, 08-35561951
- Hoặc email : tamsgn@yahoo.com

Mọi người hãy tham gia càng đông càng tốt. Buổi sáng ngày hội thảo, trên bầu trời Hà Nội sẽ có nhiều bóng bay được thả cũng sẽ có các nội dung về trường cho trẻ tự kỷ, ước mơ của mọi người dành cho trẻ tự kỷ. Ở TP. Hồ Chí Minh hội thảo được tổ chức trước đông đảo sự tham gia của mọi người. Như vậy, trẻ tự kỷ không chỉ giới hạn ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, không chỉ là miền Nam hay miền Bắc, trẻ tự kỷ có ở mọi nơi, mọi miền và vì thế, trẻ tự kỷ cần sự giúp sức của tất cả mọi người, là "chuyện không của riêng ai" nữa.

Kính mong mọi người hãy đồng tâm hiệp lực, vì sự phát triển lành mạnh hơn của cộng đồng, vì sự tiến bộ hơn của xã hội.


*** Mời tham khảo thêm Blog Like2chat (ở đây) hoặc từ Blog list.

-----------------------------------------------------
Và dưới đây là tâm sự nặng trĩu của một người ẩn danh trong phần comment dưới entry của VMC, Lana xin chép lại đây chia sẻ, chưa biết làm gì hơn cho 'Trường nào cho em'...

Chút tâm sự buồn:

Đằng sau cái từ TK, là cả 1 cuộc khủng hoảng đấy ạ. Khủng hoảng gia đình, khi người này trách người kia không làm việc A, việc B, hay có họ hàng gì đó .... hơi hơi có nét TK, với một số bố hoặc mẹ đã ra đi, để lại đứa con tk cho người kia chăm sóc.

Nhưng cái khủng hoảng đặc trưng nhất, chính là nuôi dạy con TK thế nào, cho con học ở đâu???

Với trẻ thường, ta cứ nuôi đến 2-3 tuổi, rồi gửi trẻ. Không hợp trường A, không yên tâm về trường B, thì a lê hấp, chuyển trường. HN này, quá nhiều trường để lựa chọn.

Nhưng với trẻ TK, thường được phát hiện TK vào tầm 2t. Để con ở nhà thì không yên tâm, vì người nhà đâu phải chuyên gia TK. Đem con đi trẻ, thì con nhỏ quá, con chưa biết ăn, đau chưa biết kêu, tè chưa biết gọi... Ngổn ngang...

Học trường bình thường, dăm bữa, cô phàn nàn... Một phụ huynh khác eo xèo ... Con thui thủi góc lớp... Không đặng

Học trường chuyên biệt, lớp tầm chục trẻ, nhưng ... không trẻ nào chơi với ai. Hình ảnh 1 lớp học giờ chơi tự do, mỗi trẻ làm 1 việc, hoàn toàn ... tách bạch, giữa chúng là sự im lặng và những hố sâu vô hình, thực sự ám ảnh tâm trí tôi ...

Có nhiều đứa trẻ khó hòa nhập, người mẹ đã phải bỏ một công việc tốt ở ngân hàng, nơi ít nhất cũng được một vài chục triệu, để ở nhà với con...

Có người mở nhóm can thiệp, con học nửa ngày, về trung tâm học nửa ngày, ... tình trạng cân bằng động... Rồi hết hợp đồng thuê nhà, cô giáo tìm việc mới ổn định hơn, v.v.. Hết thời cân bằng động, chuyển hẳn sang dao động...

Có những đứa trẻ hết tuổi mẫu giáo .... không biết đi đâu...

Và có những thiếu niên tự kỷ, khi mà ngôi trường nho nhỏ, không còn giữ được con nữa, cũng không biết về đâu...

Trẻ tự kỷ, sau bằng ấy năm, đọng lại trong tôi từ "rối loạn". Cái rối loạn đem đến cái "khác biệt". Cái khác biệt mang lại cho con 1 ngàn, 1 triệu thứ phiền toái, mà chẳng phải nơi đâu cũng rộng lòng, cảm thông..., đúng vậy đấy, đôi khi, ngay cả trong nhà, chứ đừng nói gì ngoài xã hội...

Ở nhà, mất chừng 1 năm để chấp nhận con: TK là thế đấy.

Nhưng ở trường, vẫn chưa chắc chắn...

Bố mẹ TK rồi cũng sẽ chấp nhận con mình là khuyết tật dù trong một hình hài ... sáng láng! Nhưng cái mà cha mẹ tk vẫn trăn trở là làm sao giúp được con đi học, học ở đâu, học thế nào cho phù hợp,... để con ... vẫn sẽ trở thành một "con người"!

Đó là lý do tại sao, nếu có cụm từ "trường học cho trẻ TK" thì phụ huynh TK lại như giật mình tỉnh giấc!!!

Nhưng thực là khó để có thể diễn giải cho mọi người về những khó khăn (thậm chí là bế tắc, sự cuối đường) về việc xin học ở trường cho trẻ TK.

May 24, 2010

Vỏ ốc

Không hiểu cớ gì ngày xưa, thời đi học lắm mộng mơ thơ mộng, sổ thơ chép tay đứa nào cũng có mấy câu thơ này về con ốc, chẳng đề tác giả, như một sự truyền miệng thuộc lòng:

Nhặt chi con ốc vàng
Sóng xô vào tận bãi
Những cái gì dễ dãi
Chẳng bao giờ bền lâu

Nhặt chi con ốc nâu
Ở tận đáy biển sâu
Những cái gì khó kiếm
Chẳng đến tay mình đâu...

Ngày ấy mấy câu thơ này có lẽ đã gieo vào mình ý nghĩ khởi nguồn cho sự lựa chọn cách sống 'trung dung', hướng về cái quân bình tuyệt đối/ золотое середине/ the golden mean/, ít loay hoay, tránh gai góc, né rắc rối, ít nhiệt huyết vươn lên... mà ai đó gọi là 'nhàn nhạt'.

Giờ, có trong tay cả những ưu ái và trầy trật của cuộc sống, mình nhìn cái vỏ ốc trên bãi biển và thấy ở nó bình yên đến nao lòng, đối nghịch với những gầm gào của biển sau lưng nó. Sóng biển táp những thách thức xù xì vào đơn điệu, để sau đó người ta nâng niu cái an bình.

Hôm nói chuyện với bạn về Blog, nhận 'tớ tự nhận Blog của tớ nhàn nhạt. Nó chỉ là những cảm nhận thật về những gì ngay xung quanh tớ - về những cái hàng ngày, đơn giản và trực diện, không sâu sa, nên nhạt'. Bạn trả lời đại ý 'tớ cũng thấy nhạt, nhưng tớ thích cái nhàn nhạt của cậu, nó lành'.
Thôi được. Tớ vẫn cứ chia sẻ những gì tớ nghĩ, nhàn nhạt và lành. Cậu thỉnh thoảng rảnh cứ vào đọc nhàn nhạt nhé.

AQ, mình gọi cái nhàn nhạt và lành ấy là vỏ ốc.

Những ngày trời nắng đẹp, mình thích bỏ lại vỏ ốc, chui ra nhìn trời, hít thở, tung tăng ngắm phố ngắm người, luậy quậy tự do. Để rồi mỗi khi nhìn thấy cuộc sống xung quanh xù xì, gai góc với những rắc rối và mệt mỏi, 'cơ chế tự nhiên' lại tự trở lại nguyên nhàn nhạt mình, về vỏ ốc bình an...

(Hình minh họa: thấy quá đẹp chôm từ internet :))
-----------------------------
- AQ: AQ chính truyện (Lỗ Tấn)
- VỀ LANA

May 22, 2010

Với cái gì thì gọi tên là gì?

Trời Hà Nội nóng như rang. Khó tưởng tượng đầu hè mà đã nóng thế cơ chứ.

Trời đất đồng bóng nóng lạnh tùy hứng hay thời gian chạy chạy lẹ theo không kịp ấy nhỉ? Mới bữa nào viết entry "Hà Nội lạnh co ro...", vướng gì đó chưa kịp post, giờ đành cất kho, chắc để qua mùa đông sau bữa nào cạn chữ đem ra post thế (lộ bài :))
(hình: sưu tầm)

Hờ hờ, tự nhiên nhảm: chuyện một năm trước post lại vẫn không lỗi mốt thì gọi là gì? sau một năm vẫn hiển hiện y chang, với cái gì thì gọi tên là gì? Nào thì nghĩ...

Ngạn ngữ: Dậm chân tại chỗ

Phụ nữ: Trẻ mãi không già

Công nghệ: rác

Cải cách: Bình mới rượu cũ

Sống: bình lặng/ 'tẻ nhạt?'

Ca khúc: Còn mãi với thời gian

Cây: còi

Tủ sách: Kẻ lười biếng

Đường xá: Chuyện chỉ có trong mơ
... ... ...

Đến đây tự nhiên trong đầu tản hết cả. Tắc tị.
--------------------------------------------

Từ comment tiếp sức của VMC:

Blog: rêu phong
Thuốc, người: quá đát
Thiếu nữ: ế
Công trình xây dựng: chậm tiến độ thi công
Học sinh: lưu ban

(Quá hay, cảm ơn VMC nha :))

May 20, 2010

Đàn bà con gái

1. Xe cộ
Tuần trước bỗng dưng hỏng xe giữa đường. Đang đi bỗng dưng máy tắt hết nổ. May mà nó hỏng khi vừa kịp qua nhịp cầu cuối cùng chứ , dắt xe đi bộ trên cầu nghe dập dềnh giữa ầm ầm xe cộ, lần đầu có thể lâng lâng chứ lần 2 chắc sẽ chỉ có cảm giác sợ chết sập.

Dắt xe khá xa, hỏi han hoài hủy mới tìm đến được một tiệm sửa xe.
Bạn thợ tháo tháo lắp lắp bugi, thử chán thử chê, vẫn thua. Cậu thợ cả (chắc vậy) chỉ khoảng chưa đến 30t được gọi ra tư vấn. Nhìn cậu đưa cái bugi lên mũi ngửi ngửi, thấy vừa hay hay vừa tò mò.

Nguyên nhân được tìm ra: - Xe này chị mua?
- Ừ.
- Chị đi chắc được chừng 1 năm rưỡi rồi?
- Để tính coi..., từ sau Tết năm ngoái. Ừ, gần 1 năm rưỡi. Sao kia?
- Từ khi chạy xe chắc chị chưa lần nào châm nước bình làm mát?
- Là bình nào cơ?
- Biết ngay mà. Chị để bình cạn khô cháy. Thế không ai dặn chị à?
- (lắc đầu) - Đại lý bán xe phải hướng dẫn ban đầu chứ?
- Không, mình có biết là phải đổ cái gì đâu chỉ biết lâu lâu phải thay dầu thôi.


Rồi kêu thợ đổ nước.
Thay bugi.
Thay dầu. Thay dây công-tơ-mét.
Sửa, chỉnh thêm một số khác.
Chạy mồi.
(Hôm đó có đổ thêm cái nước gì cho cái hộp gì nữa không ấy nhỉ? hộp ắc quy? xe tay ga thì có hộp ắc quy không nhỉ? Oài, nhớ không nổi. Thôi bỏ qua đoạn này)
Trả tiền (190 ngàn đ: chắc tiệm này đàng hoàng chứ thật nói bao nhiêu mình biết bây nhiêu).

Vẫn nghe (và vẫn nói) đàn bà con gái đi là hại xe, vì xọc xạch không biết, chừng đến xe bệnh hẳn không đi được nữa mới chữa. Chính xác luôn.

2. Giấy tờ
Lâng lâng vui vì ký được hợp đồng mua nhà không được bao lâu lại vướng vào khó khăn mới. Còn mỗi động tác nộp các loại thuế sang nhượng nhà đất để chuyển sang tên mình mà 7 tháng đi lại vẫn không sao thông được.

Thấy mình cứ xin phép giờ làm chạy tới lui một việc vẫn chưa xong, mỗi lần về mặt méo xẹo, phong bì đã rải vài chỗ theo kiểu 'vái tứ phương', vẫn méo, nhóm đồng nghiệp thân bảo: Mang hồ sơ lên đây xem sự thật là thế nào nào.

Các 'chuyên gia' luật, tài chính mổ xẻ, tranh luận, kết luận: Túm lại là cậu bị tụi Thuế 'củ hành'. Hồ sơ này chấp nhận được nhưng cũng có cớ để 'khó dễ' - Túm lại là thuộc diện 'ngửi' thấy có thể vòi tiền (!).

Giải pháp được biểu quyết là một ông anh trong nhóm sẽ nhờ ông bạn nối khố, giờ khá VIP, ra tay 'cứu Nét'. Phải nhờ là bất quá, ông anh cũng rất không muốn phiền bạn, nhưng đến nước này, đành vậy.

Mất một cuộc điện thoại. Thêm một tin nhắn gửi tên + địa chỉ căn nhà. Sáng hôm sau nhận một cuộc gọi lại. Đến gặp thuế với một thế hoàn toàn khác. Tiếp đón ngon lành. "Chị để lại số mobile".
Chiều hôm sau đt từ thuế gọi: Trường hợp của chị xong rồi nhé.
Cảm ơn ông anh. Cảm ơn cả nhóm thân quý. Cô em trong nhóm dặn: Lần sau đi làm những việc này chị nhớ phải ăn mặc quê quê thôi, nhớ.

p.s. Giờ thì rất hiểu cho những 'bậc đầu óc' phải lăn lộn chiến đấu trở thành VIP. Cho bản thân họ, mất và được không biết cái nào lớn hơn. Nhưng sướng cho người thân, quen, bạn bè: chỉ dựa hơi thôi cũng đã tránh được khối 'củ hành'.
Ngẫm mà thấy chán.


***Bài liên quan:
- MẤT XE
- HÃY CHÚC MỪNG TỚ NHÉ

May 18, 2010

Bối rối

Thời gian gần đây mình lo lắng nhiều vì tính tình Dim bỗng thay đổi.
Trước đến giờ mọi việc đều rất ổn, ổn đến mức mình phải tự kìm để đừng tự hào thái quá về DM, cũng là về mình. Khi nào cần nói về Dim Mei thì bao giờ cũng thêm 'cho tới lúc này trộm vía mọi việc đều tốt', vì lo trước cho thời kỳ tuổi lỡ cỡ của DM, không chắc mình sẽ không gặp vài vấn đề.
Vậy mà vẫn choáng.
Lúng túng,
suy nghĩ,
lo sợ,
bối rối không biết mình sẽ tìm cách nào đây hướng dẫn con, điều chỉnh mình để đừng có điều gì ra khỏi tầm kiểm soát.

Tối qua cùng Mei đi bộ ra hiệu sách, mua cho mình một cuốn "những quy tắc làm cha mẹ" (The Rules of Parenting, Richard Templar, 2008) H.Anh dịch, NXB LĐ-XH. Có đoạn này:

"Tuổi dậy thì quả là một giai đoạn đáng sợ. Bỗng dưng đứa con đáng yêu của bạn trở thành một người nào đó mà bạn không thể nhận ra. Nhưng tôi khuyên bạn đừng quá lo lắng...

Khi đã tới được giai đoạn này, bạn đã là một bậc cha mẹ nắm vững quy tắc rồi và bạn gần như luôn biết bạn cần làm gì. Nhưng các cháu mới lớn lại có cách tạo ra những thử thách mới khiến bạn bối rối không biết xử lí thế nào.

Tuy nhiên chỉ cần bạn nắm vững và tuân theo các quy tắc thiết yếu về tuổi mới lớn, bạn sẽ tới được đích. Khi con bạn đã vượt được qua giai đoạn đó, cháu sẽ trở lại là người quen thuộc với bạn bấy lâu nay. Tất nhiên cháu có thay đổi - già dặn và khôn ngoan hơn - nhưng vẫn giữ được những giá trị tư tưởng mà bạn đã mất rất nhiều thời gian để nuôi dạy cho con. Bạn chỉ cần có niềm tin và để ý thêm trong vài năm nữa là mọi thứ sẽ ổn."

Có hẳn một chương cho cha mẹ có con vào tuổi này, ngắn gọn, gần gũi, cụ thể. Đọc từng câu, cứ như viết đúng cho mình và D., đứa con đáng yêu của mình vậy. Như bệnh gặp đúng thuốc, mình thấy lòng nhẹ hơn bao nhiêu: chỉ cần có niềm tin và để ý thêm trong vài năm nữa là mọi thứ sẽ ổn.

Cuốn sách viết rất dễ đọc, rất hay và rất đáng tham khảo. Quả thật là cuộc sống mênh mông, kiến thức mênh mông. Mình đã "gần như luôn biết cần làm gì" trong nuôi dạy con... lại là một giai đoạn vừa cùng con vừa học cho mình.

*** Entry liên quan:
- DIM
- YÊU CON

Về sao chép, trích dẫn và 'ăn cóp' (plagiarism)

Entry này muốn nói về hiện trạng sao chép, sử dụng thông tin sao chép không dẫn nguồn ở Việt nam mình (plagiarism, mình tạm dùng từ 'ăn cóp', tránh dùng từ 'đạo văn', sẽ giải thích vì sao ở dưới bài). Mình cũng muốn kêu gọi bloggers cùng lan truyền ý thức tôn trọng tác quyền, nhất là cho lớp trẻ. (hình: sưu tầm)

Đầu tiên xin nói rằng chuyện sao chép thông tin 'không cần theo một nguyên tắc trích dẫn nào' đã thành nếp quen ở VN từ xưa. Gần đây khi mở cửa thông tin, sự cập nhật không đồng đều dẫn đến một số người hiểu và biết và tuân theo, còn rất nhiều người không biết, lại một số người biết nhưng không làm. Kiện cáo bắt đầu có, không ít gay gắt (ví dụ như ở đây). Các vụ kiện cáo do khác biệt nhận thức về 'tôn trọng nguồn' cũng có, vì mục đích cá nhân, tranh giành quyền lợi cũng có. Thế nên càng rối. Nhiều bạn trẻ u u mơ mơ chẳng biết đâu sai đâu đúng mà lần.

Đọc về vụ kiện cáo tác quyền ùm xùm này giữa các giáo sư Đại Học tại TP HCM mới thấy chính một số giáo sư có danh tiếng còn mơ hồ về những nguyên tắc trích dẫn nguồn khi biên soạn giáo trình, và thế nào được coi là 'đạo văn'.

Đấy là trong giới học thuật. Còn báo điện tử tiếng Việt thì khỏi nói, 'ăn cóp' tràn lan. ITCNews có bài: "Đạo báo - sự không bình thường của báo chí Việt nam" đáng để tham khảo (ở đây).

Ở mẩu chia sẻ này, Lana muốn nói là ở Việt Nam, rất nhiều người không được hướng dẫn ý thức về các nguyên tắc trích dẫn, về tôn trọng tác quyền. Đôi khi họ phạm lỗi một cách không cố ý, lấy của người khác nhưng nghĩ là 'của chùa'. Lana không biết đích xác các nguyên tắc trích dẫn đã được đưa vào dạy trong trường Đại học một cách chính thức chưa. Ở phổ thông thì chắc chắn là chưa. Các thầy cô nghiêm cấm hành vi quay cóp (cơ học) nhưng chưa dạy cho học sinh ý thức về 'quay cóp mềm', rằng chỉ trừ những kiến thức chung (general knowledge), việc sử dụng bất kỳ câu, bài, ý tưởng của người khác mà không có xin bản quyền hay trích dẫn nguồn rõ ràng cũng đều là hành vi người ta gọi là 'ăn cắp' hay 'đạo văn'. Nhưng mình nhắc lại là bản thân mình không muốn dùng hai cái từ nặng nề ấy. Nói theo cách nào đó, không biết thì không có tội, hoặc đáng được thông cảm.
Nói thêm là chính mình trước kia chẳng biết gì, vô tư sao chép không trích dẫn, và không hề nghĩ tội tiếc gì cả :((
Nhưng chưa biết thì cần học.
Học rồi, biết rồi, thì nên làm.

Vậy nên rất cần hệ thống giáo dục, truyền thông cùng tuyên truyền về điều này để nâng ý thức chung. Nhưng, trong khi những 'to tát' chưa làm triệt để, thì bắt đầu từ mình, từ bạn bè mình, từ các bloggers... cùng tôn trọng tác quyền, dẫn nguồn/ link cho những trích dẫn. 'Các nhà hàng xóm bloggers' nhà mình đã làm rất tốt điều này, nhưng có những em sinh viên, lớp trẻ hơn bắt đầu tham gia, vì thế, Lana tin hướng dẫn thêm các em là không thừa.
Như ai đó đã nói không thể hay hơn 'thà đốt lên một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối'.

Bắt đầu từ những việc đơn giản như tôn trọng tác giả, tôn trọng nguồn khi tham gia vào các trang mạng, từ đó thành ý thức khi sao chép.

Các em có thể tham khảo về 'Plagiarism' (ăn cóp) trong học thuật ở đây - trong một trang dành cho học sinh sinh viên của Mỹ (lưu ý là quy tắc về trích dẫn trong học thuật khắt khe hơn thông thường).

Sơ lược một vài ý chính:
What is plagiarism? In minor cases, it can be the quotation of a sentence or two, without quotation marks and without a citation (e.g., footnote) to the true author. In the most serious cases, a significant fraction of the entire work was written by someone else: the plagiarist removed the true author(s) names(s) and substituted the plagiarist's name, perhaps did some re-formatting of the text...

Tạm dịch: Đạo văn là gì? Trường hợp nhẹ có thể là một, hai câu được trích dẫn mà không bỏ trong dấu ngoặc kép và không có một dẫn nguồn (ví dụ, chú thích) cho tác giả thật sự. Trường hợp nghiêm trọng nhất là khi một phần đáng kể của toàn bộ công trình đã được viết bởi một người khác: người ăn cắp loại bỏ tên của tác giả thật sự và thay thế bằng tên của mình, có thể có chỉnh sửa đôi chút định dạng văn bản...

When using another person's words, to avoid plagiarism one must always do both of the following:
provide a citation, either in the text or in a footnote, and
either enclose their words inside quotation marks or put their words in a block of indented, single-spaced text.
Plagiarism is the act of quoting material without including the indicia of a quotation.

Tạm dịch: Khi sử dụng những câu từ của người khác, để tránh đạo văn luôn luôn phải làm cả hai điều sau đây:
- Cung cấp nguồn, hoặc là trong văn bản hoặc trong ghi chú, và
- Kèm theo câu từ của họ bên trong dấu ngoặc kép hoặc đặt trong một khối văn bản đơn dòng, thụt vào một khoảng cách.
Đạo văn là hành vi trích dẫn tài liệu mà không kèm theo các 'dấu' trích dẫn này.


Coppying ideas: One should provide a citation for all substantial information that is taken from another source:
a. to give credit to the person who supplied the information or who first made the discovery,
b. to relieve the writer from the responsibility for the accuracy or truth of the information,
c. to lead the reader to a source of more detailed or complete information, or
d. to give the reader a sense of the historical evolution of ideas in the field.

Tạm dịch: Khi 'copy' ý tưởng, cần cung cấp nguồn về tất cả các thông tin được lấy từ một nguồn khác:
a. để tôn trọng người cung cấp thông tin hoặc người đầu tiên phát hiện thông tin.
b. để giảm trách nhiệm cho người viết về tính chính xác hay sự thật của thông tin,
c. để dẫn người đọc đến một nguồn thông tin chi tiết hoặc đầy đủ hơn, hoặc
d. để giúp người đọc hình dung về sự phát triển các ý tưởng trong lĩnh vực đang đề cập.


** Thêm: Trong học thuật, còn có nhiều chuẩn trích dẫn khác nhau. Các trường đại học uy tín thường quy định một số chuẩn áp dụng trong trường (ví dụ, chuẩn Harvard được khá nhiều trường khuyên dùng). Nhưng cái này là chủ đề sâu hơn. Các bạn quan tâm có thể tìm trên google 'citation system', 'Harvard Citation', 'plagiarism' để tìm hiểu thêm nhé.

May 15, 2010

Offline Bloggers (lần thứ...)

Nhờ nhiệt tình gầy độ của NLVD, trưa nay thứ 7 xóm bloggers mà chủ yếu là 'loanh quanh mấy nhà hàng xóm' tụ tập gặp offline tại nhà Lana. Nhà thật chứ không phải nhà ảo à nha.

Tíu tít. NLVD tay xách nách mang gần như mang cả chợ đến nhà chị Lana từ sớm. Liền ngay đó cô giáo Nga cùng con gái là bé Trang đi tàu từ ở Hải Phòng lên vừa kịp ghé. Fan ruột của Lana là Scarlett đến sau ít phút (hí hí, gầy mãi mới được 1 em nhận fan nên hãnh diện quá đi, xưa nay có bao giờ dám nghĩ mình có fan đâu. Ngất ngây :).

Tíu tít làm bếp, tíu tít chuyện. 2 năm 5 tháng ở căn nhà ấm cúng, khiêm tốn nhưng đáng yêu này chưa lúc nào nhiều người vào bếp cùng lúc với Lana như thế.

Titi vướng bận nên 11h3o mới tới được. Like2chat đến cùng lúc với Titi mang theo 1 túi trái cây to. Bác cả Thụy kèm 2 nhân viên cánh phải cánh trái (hay chúng nó kèm bác nhỉ) đến sau cùng, khệ nệ vừa người vừa đồ uống. Nào, đủ rồi ta cùng ngồi xuống nhé. Í, chưa vội, nghe bé Mei và Thảo Mi chơi đàn một chút cho đúng kịch bản :)

Xong, giờ chụp một cái hình đã nào:

Đại diện đàn ông duy nhất của bữa off thú nhận 'hôm nay toàn người xinh'. Thôi không chú thích, ai muốn biết ai là ai thì email hỏi riêng nhé :) (Riêng Like2chat ko có mặt trong hình vì bận làm phó nháy).

Tớ thì thích cái version 2 này hơn, dù bác cả nhà ta ở hình này cứ ngất ngư thế nào. Mà, một mình giữa một rừng ... dư lày không ngất ngư mới lạ :)

Bé Scarlett của tớ đang phụ bếp đấy


Cảm ơn NLVD vì đồ ăn ngon nhé.

Phải bác T. lúc đó đang hát quan họ không nhỉ?


Bác cả T. của chúng ta đúng là một kho chuyện: chuyện cuộc sống, chuyện 'bạn bè anh', chuyện 'bố anh'. Nhiêu đó cái miệng cứ há chữ o chữ a nghe hết chuyện này lại đòi nghe chuyện khác, rồi chêm, rồi tròn mắt, rồi cười ngả nghiêng.

3h chiều. Dạm dừng đến lần thứ 3 thày trò nhà bác T. mới chuẩn bị đứng lên ra về được. Bác T. không quên kết: Anh có nhớ câu này: "Hạnh phúc không phải là cảm giác tới đích mà là trên từng chặng đường đi" (câu này là của nhà lãnh đạo cách mạng nổi tiếng Che Guevara). Bác giảng giải: khi đi học thì phấn đấu để đỗ đại học. Học đại học xong rồi lại phấn đấu để có 1 công việc tốt. Có công việc lại muốn có nhiều tiền, có sự nghiệp..v.v...tóm lại cuộc sống luôn luôn là sự cố gắng liên tục, nhìn lại chẳng có lúc nào cho mình, rồi đến con cái chúng mình lớn lên cũng lại thế...

Lana đỡ lời: Anh ơi, người ta phấn đấu cố gắng liên tục, nhưng nhóm ta đôi lúc có dừng lại một chút cho mình đấy - là những lúc offline vui vẻ như thế này đấy :))

Đối thoại vào hè

1. - Mẹ ơi hôm nay con cứ thấy buồn buồn.
- Sao vậy?
- Lớp con sắp chia tay. Có 6 bạn chuyển trường khác mẹ ạ.
(Mei hết lớp 5, chuẩn bị chuyển cấp)
- Ừ đúng rồi, học sinh ai cũng thế, nên người ta gọi mùa hè hoa phượng là mùa chia tay (mẹ hát 'Mùa hè bâng quơ, bâng quơ nỗi nhớ, những chiếc lá non vương trên cành cây khô...')
- Thôi mẹ không hát nữa con buồn lắm.
- Ừ thôi mẹ không hát. Nhưng con đừng buồn. Rồi con sẽ có các bạn mới và con sẽ vui. (câu này vận dụng 'Đối thoại 113' mới đọc được bên nhà Titi :))
- Nhưng con vẫn buồn. Mẹ ơi những năm sau năm nào mùng 8 tháng 3 mẹ cũng đưa con đến nhà cô Y. chơi nhé.(Cô Y. là cô giáo của Mei)
- (hình như con nhầm, 20/11 chứ nhỉ??) Ừ, được con ạ.
- Hôm nay con viết nhật ký (chắc là lưu bút??) cho cô Y., cô bảo 'chắc dần dần Mei sẽ quên cô' nhưng con bảo cô mới dễ quên con hơn chứ, vì mỗi năm cô lại có nhiều học sinh mới... À mẹ, cô giáo của mẹ bao nhiêu tuổi rồi?
- Bà 80 tuổi rồi con ạ.
- Thế mà con nhớ nhầm, con lại ghi là 72.
(Mỗi Tết hay 20/11 mẹ thường chở DM đến chơi với cô giáo dạy toán mẹ hồi cấp 2, bà giáo đã già lắm và mẹ vẫn gọi 'cô' xưng 'em' như ngày xưa)

2. - Mẹ, mẹ nghĩ thế nào nếu có một người đọc nhật ký của một người khác?
- Nhật ký là bí mật cá nhân của một người, nên chỉ ai được phép đọc mới được đọc thôi.
- Thế nếu ai không được phép mà đọc?
- Thì gọi là đọc lén.
- Thế mẹ cảm thấy thế nào nếu có ai đọc lén nhật ký của mẹ?
- Chắc là mẹ không thích, (nhớ lại ngày xưa phát hiện 1 lần mẹ đọc nhật ký của mình, lại một lần một ông bạn cùng ký túc đến phòng lúc mình ko có nhà, tìm được cuốn NK trên giá sách của mình)... à, nhưng cũng còn tùy xem người đó với mẹ là thế nào, người thân hay bạn bè.
- Người này là bạn.
- Thế thì lại xem họ đọc vì lý do gì?
- Người ta không nói đâu mẹ ạ.
- Thì mình phải tìm hiểu hoặc đoán vậy. Thường là người ta đọc do tò mò.
- Vâng... là hôm nay í, bạn H.A. định mở khóa cuốn sổ con viết nhật ký cho cô Y (cô Y. là cô giáo Mei).
- Thế là bạn ấy chưa đọc đúng không?
- Vâng bạn ấy chưa mở được (không biết khóa kiểu gì nhỉ?)
- Thế thì ko sao, con chỉ cần nghiêm mặt và nhắc bạn cuốn sổ không phải của bạn, bạn đừng tò mò đọc.
- Lúc ấy ra một chỗ khác con khóc.
- Ồ..., bạn ấy chưa đọc được mà. Con chỉ cần nhắc bạn ấy thôi.
- Con thấy buồn nên con khóc.
- Thế thì hơi tiêu cực nhỉ, vì con lặng lẽ khóc thì đâu giúp được gì?
- Có chứ. Con khóc xong thấy nhẹ mà.

(mẹ tự nhiên im)
(hình: sưu tầm)

May 13, 2010

Game ơi, HPLT...

(Xin phép HPLT nhé)
Nhân Lana post cái entry tản mạn về hoa, em HPLT có gởi một cái comment rất dễ thương:

HPLT: Chị, tên thật của em là tên của 2 loại hoa ´´đệp´´được mọi người hay tìm mua cho bằng được vào dịp Tết Nguyên Đán. Mà em nghĩ mọi người cũng thích hai loại hoa í. Chị biết hoa gì với cả hoa gì không? Chị mà đoán là Đào Mai hay Mai Đào là em giận chị luôn đấy. Hehe.

Chưa xin phép chủ nhân nhưng vì HPLT đã 'ra đề' cho Lana, với lại tuy mới mở Blog nhưng sự thật là cái tên HPLT (hanhphuclangthang) đã khá quen thuộc với xóm bloggers, nên Lana mạn phép chia sẻ với mọi người câu đố này: cùng đoán tên HPLT. Phần thưởng HPLT chắc đang chuẩn bị ở nhà. Mà nhà em ấy thì đồ ăn ngon, nhạc hay, nhà đẹp, chủ nhân hết sức dễ thương (ở đây nè).

Trò chơi sẽ theo phiên bản 'Chiếc nón kỳ diệu'. Đây là một số comment Lana rút từ entry về hoa mang qua:

Lana: Đoán liền thì được nhưng dễ sai, hay em cho cả nhà chơi mở ô chữ đi. Chị Lana đoán có một chữ i ngắn.

HPLT: Haha, Vậy thì : có 01 chữ i ngắn! Nếu cả nhà bựn không tham gia cái game này được thì chị tự tin chơi với em để 'mình ên' ôm phần thưởng nhá. GOOD LUCK!

Lana: A ha có vẻ như chị chắc ăn tên một loài hoa rồi, một nửa tên HPLT. Chắc chị chờ nhường có ai tham gia game này không đã nha HPLT?

Scarlett: Em tò mò tên của chị HPLT wa!

BeBo: đang đoán tên của HPLT, vậy là không phải Đào và Mai...hì ..hì bật mí chút xíu nữa đi HPLT ơi???

Ai ơi ai, cùng giúp Lana mở các ô chữ với??

May 12, 2010

Hoa nào đẹp?

Nó cũng như khi người ta định nghĩa hạnh phúc. Mỗi người định nghĩa mỗi cách.
Nhiều người bảo hoa Phong Lan, thứ hoa kiêu sa đầy vẻ tinh tế và lôi cuốn, mỏng manh mà lâu tàn. Rất nhiều người lại bảo hoa hồng. Nó là chúa tể các loài hoa. Tượng trưng cho tình yêu, nó rực rỡ và sang trọng (chết quên, viết đến tên hoa này nhớ phải viết hoa cho ngay ngắn: Hoa Hồng).
Dung dị và ý nghĩa, những ai gắn bó với đời học sinh thì yêu hoa Phượng - cứ thấy nó là thấy cả mùa hè.
Mình thì mê Xương rồng khi biết về thứ hoa vươn nở rực rỡ từ cát sỏi và khắc nghiệt.
Mình thích hoa xoan, rất thích từ một bài thơ (mình đã post).
Cũng vì thích một bài thơ mà mỗi lần đi đâu có dịp mình lại tìm những cánh hoa bèo màu tím đỏ.
Mình yêu hoa sữa Hà Nội từ khi còn chưa biết hoa sữa.
Mình nhăm nhe xin những bức hình hoa Anh Đào nhung tuyết bên nhà VMC mà chưa có dịp lấy.
Mình hay nhớ hoa Violet vì ngày mình bé Tết năm nào Mẹ cũng cắm một lọ hoa Violet. Violet có mặt trong những câu chuyện gắn với Thái Nguyên của mình.
Mình yêu hoa Cúc từ câu chuyện truyền thuyết có cô bé đi tìm thầy chữa bệnh cho mẹ, cô bé được đưa cho một bông hoa với lời dặn mỗi năm một cánh hoa sẽ rụng, theo đó khi cánh hoa rụng hết thì mẹ cô sẽ ra đi mãi mãi. Trên đường về cô bé đã tước nhỏ, nhỏ mãi những cánh hoa mong được mẹ sống mãi với mình, từ đó bông hoa Cúc có thật nhiều cánh nhỏ tượng trưng cho lòng hiếu thảo.
Mình yêu hoa Cúc còn vì cái vẻ đồng nội, vô tư, trong sáng và thanh khiết của nó. Mơ màng một sớm mai, mở cửa sổ với một cái xô đầy hoa Cúc rạng ngời trong những tia nắng sớm.
Nói túm lại, ai cũng có lý do để rất yêu một hay nhiều loài hoa nào đó.

Hồi mới đi làm, mình và cô bạn thân cũng là đồng nghiệp một lần phỏng vấn các anh trong nhóm, hoa nào là đẹp? câu trả lời được nhớ nhất là "Hoa càng sặc sỡ càng đẹp. Nhiệm vụ chính của hoa là để thu hút ong bướm đặng thụ phấn duy trì nòi giống. Hoa càng sặc sỡ càng thu hút ong bướm, thế là đẹp." :))
Lại kể ngày xưa hơn nữa, để làm lành, bạn mình mang đến một bông hoa hồng vàng to sửng sốt, to như một cái bát tô lớn, to đến nỗi cô bạn cùng trường đến giờ vẫn nhớ, mỗi lần gặp lại nhắc. Hiểu cho cái công đi lùng tìm mua bông hoa lớn vĩ đại ấy mà mình hết cả buồn giận. Sau này phỏng vấn được nghe trả lời: "Thì anh nghĩ hoa nào to là đẹp". :((

*** Đọc thêm về Truyền thuyết hoa cúc

Kệ ai định nghĩa như nào, mình thích ngắm hoa. Nó luôn khiến lòng mềm mại và thật thư giãn.
Hoa Sữa Hà Nội

Hoa Phượng

Violet

Hoa Xương Rồng

Hoa Bèo

Hoa Cúc trắng
(hình: google)

Hoa Bèo

Chép lại một bài thơ, vì hôm nay bỗng ngắm hoa, những loại hoa mình thích, và nhớ đến hoa bèo.
Yêu hoa bèo từ khi nghe bài thơ này. Hồi đó còn trẻ lắm, và ở một nơi thật xa, 5 năm không nhìn thấy một cánh hoa bèo.
Nghe, thích, và thuộc, mà không rõ tác giả là ai. Đành post lên rồi tìm hỏi sau vậy. Thật lòng xin lỗi tác giả.

Hoa Bèo

Em lại về dòng mương xưa
Nơi ngát hương sen và hoa Bèo tím đỏ
Ôi dòng mương nước vẫn xanh như những ngày xưa đó
Mỗi lần qua ta xuống hái hoa bèo

Bông hoa bèo màu tím đỏ đáng yêu
Em đã nhận từ tay anh nóng bỏng...

Sáu năm,
Ôi thời gian và một khoảng cách không thể nào rút ngắn
Ta xa nhau,
Và chuyện ấy cũng xa.

Em vẫn nhớ về anh trong cuộc đời bao la
Trong những đêm tối dài không ngủ
Em nhớ về những cánh hoa nhỏ bé
Và những đốm hoa tím lung linh
Những kỉ niệm xưa
Những kỉ niệm của chúng mình.

Anh,
Em vẫn nhớ về anh
Và những đốm hoa tím lung linh
Như một khoảng trời xanh
Trong ký ức.

May 10, 2010

Về một chứng bệnh

1. Mấy hôm trước chị của một đứa bạn thân gọi điện nhờ mình đi mua thuốc định kỳ giúp chị. Chị bị chứng hoang tưởng tái phát, một dạng TTPL (*). Bình thường chị tình cảm, chăm sóc chồng và con trai chu đáo, nhưng khi căng thẳng bệnh chị thường tưởng tượng ra xung quanh toàn độc hại, sợ bị đầu độc, lúc nặng chị nghi ngại cả người thân.

Trước chị, mình đã ít nhiều có kinh nghiệm nói chuyện với người TTPL với góc độ người thân. Để 'nói chuyện được' với người TTPL không dễ. Lắng nghe, làm sao để họ nghĩ mình tin họ tư duy bình thường, trong khi treat họ như người bệnh, không chấp nê và bỏ qua những 'bất thường' của họ và hiểu đó là vì bệnh.
Từ khi mình thuyết phục được chị đi cùng đến 1 BV chuyên về tâm thần, gặp bác sĩ khám và kê đơn, chị rất tin mình (trước cả nhà vẫn trường kỳ chữa trị cho chị, nhưng chỉ là tới bác sĩ tư, vì rất nhiều những 'ngại').
Chồng chị rất tốt và hiền, bố mẹ rất yêu thương và lo cho chị, nhưng mua thuốc chị cứ chỉ muốn mình mua. Khi bệnh, chị luôn sợ trong thuốc có độc. Người bệnh thường tin ai thì tin chết người đó luôn. Cớ bận nhưng chị cứ chờ. Được 3 ngày đành thôi, lại chiều chị vậy.

8h tối mới xong việc, rủ Tuyết đi cùng cho đỡ 'cô đơn' (hix hix) xách xe chạy đến đúng tiệm thuốc chị dặn. Vừa đi vừa nghĩ, không phải là việc bắt buộc mình, nhưng thôi, được yêu quý và được tin thế cũng là hạnh phúc. Lại nhớ câu LU viết trong 1 comment là mình 'tạo cho người đối diện cảm giác an toàn'. Trước đó cũng không ít lần có ai đó nói mình phù hợp với công việc chăm sóc người bệnh hoặc dạy trẻ. Ừ, thấy rồi, sẽ không bao giờ mình thất nghiệp. Sau này về già nghỉ hưu chắc mình sẽ đi dạy trẻ hoặc chăm sóc những người cần sự chia sẻ về tinh thần.
À mà có con bạn thân ở xa đã hẹn về già sẽ chui chung ổ với mình. Chả biết lúc đó mình dựa nó hay nó dựa mình nữa :)

2. Về TTPL:
Người bị TTPL có những rối loạn về tư duy theo kiểu phân liệt. Nhiều trong số họ những logic kỳ dị trong tư duy chỉ biểu hiện rõ theo từng đợt tái phát, ngoài ra họ vẫn có thể giao tiếp, sinh hoạt như người bình thường. Chính vì điều này mà người thân và xung quanh không nhận thấy đó là những biểu hiện của bệnh, đơn thuần lên án hay tìm cách thay đổi những suy nghĩ kỳ dị của họ, trong khi việc nên làm là gặp tư vấn chuyên gia càng sớm càng tốt.
(Có link về Bệnh TTPL ở cuối entry nói tóm tắt nhưng khá nhiều thông tin hữu ích để tham khảo về TTPL).

3. Cách đây không lâu, một cô bạn nhỏ hơn vài tuổi, học chung trường hồi đại học gọi điện hỏi vì có nghe nói mình từng dẫn người đi chữa bệnh TTPL, hỏi ở đâu? như thế nào?... Tư vấn đến hơn 30 phút những ít ỏi đã biết, thế em hỏi cho ai? - dạ đứa bạn em có em gái bị bệnh nhờ hỏi. Sau ngờ ngợ nhớ ra hình như chính là em gái nó bệnh đã lâu. Bỗng cảm thấy tức giận nó: Tại sao lại phải dấu ngay cả khi hỏi để chữa bệnh cho em? Đi đó đây hoc hành đến thế còn tự ti dấu bệnh từ trong suy nghĩ thì làm sao đủ hiểu biết để hỗ trợ người thân chiến đấu với bệnh bây giờ?
Nhưng rồi cũng chỉ nói 'cái này cần rất nhiều nhận thức, quan tâm và sự kiên trì của người thân, gia đình, mà đầu tiên là chính người thân phải nhìn nhận đó là bệnh như nhiều bệnh khác, cởi bỏ những mặc cảm thì mới mong có kết quả tích cực được'. Cô bạn 'vâng'. Cũng không chắc 'vâng' đó có chút nào 'em hiểu' không.

Mới thấy tư duy nặng nề xưa vẫn luôn là một tảng đá cản cho việc thay đổi thái độ của cộng đồng đối với những căn bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần.

4. Trăn trở
Như bạn Lừng (blogger) có nói trong một entry, và trên thực tế, XH càng phát triển nguy cơ stress, trầm cảm dẫn đến TTPL càng cao. Ở VN rất nhiều trường hợp do thiếu thông tin về bệnh, không được phát hiện và chữa trị ngay từ khi có những triệu chứng ban đầu, nên để bệnh thành nặng khó chữa. Vậy nhưng việc tuyên truyền về bệnh này vẫn chưa được coi trọng và đưa đến cộng đồng một cách hệ thống. Nên cứ trăn trở...

Mình trực tiếp chứng kiến không ít những gia đình có người thân bị TTPL. Khó có thể kể hết những căng thẳng bất tận về cả vật chất và tinh thần mà người thân trong gia đình người bệnh phải gánh chịu, chưa nói đến nỗi khổ khi họ chạm phải sự kỳ thị từ xung quanh và từ chính bản thân.

Trăn trở nên viết..., mình ngoại đạo nói nhiều về bệnh học từ những nhận biết của bản thân e sẽ sai sót, gửi theo đây vài đường link mọi người cùng tham khảo:

*** Tâm thần phân liệt - Bệnh có thể chữa được
*** Trẻ vị thành niên dễ bị trầm cảm, vì sao
*** Lung Vu - Trầm cảm và tự tử
(Viết tắt: TTPL = Tâm thần phân liệt)

Nói cùng con

Tặng Dim và Mei.
Cảm ơn entry 'Con ngày xưa, con ngày nay' trên TOU's Blog

Dim Mei yêu thương, dưới đây là tâm sự của một người cha, mẹ muốn Dim Mei đọc vì nó không phải là một bài báo viết đơn thuần, nó là những suy nghĩ trăn trở không thể thật hơn của một người làm cha mẹ. Mẹ, và nhiều người khác có thể điều này điều kia chưa làm được hết nhưng lòng mẹ cha ai cũng vậy đây con:

***Link to "Con ngày xưa, con ngày nay"***
(hình: sưu tầm)

Con thấy không, có sự đổi thay khi con chuyển từ 'trẻ em' trở thành 'người lớn'. Cha mẹ mong nó chậm thôi nhưng tuổi mười mấy thì không muốn đợi. Những vết gợn có thể xảy ra, mẹ biết. Trong mắt mẹ cha 'con còn bé' nhưng với các con là 'con đã lớn'. Chúng mình hãy cùng nắm tay nhau đi qua sự chuyển đổi này nha con. Xin con đừng dị ứng với từ 'xin phép' hay 'kiểm soát', và mẹ sẽ dần quen đó là con 'thông báo'.

Và con yêu dấu, có thể vì nôn nóng làm người lớn, sẽ có những lúc trong ý nghĩ con muốn mẹ đứng cách xa con. Nếu vì mẹ, mẹ luôn muốn được ôm con vào lòng, nhưng mẹ sẽ bước lùi lại vì mẹ yêu con. Dù đứng ở đâu thì mẹ vẫn luôn trông tia con bởi lòng mẹ cha là vậy, sẽ không bao giờ thôi lặng thầm hỗ trợ. Bất cứ lúc nào con cần nhớ gọi 'Mẹ ơi'.

*** "When you are a mother, you are never really alone in your thoughts. A mother always has to think twice, once for herself and once for her child" (Sophia Loren)
(Trích từ Lullaby's Blog)

May 09, 2010

Nhật ký Chủ Nhật

1. Dậy trễ vì hôm qua 'đọc truyện đêm khuya'.

2. Hai cuối tuần trước toàn đi, một về Thái Nguyên, một vi vu về Hưng Yên thăm Bà Ngoại nên bữa nay có cả một list việc đang chờ. Phải nỗi có lụt đến nơi thì cũng không bỏ thược thói quen dậy là phải lướt Net một vòng. Ngồi 1 lúc lương tâm cắn rứt, bảo Mei: 5 phút nữa mẹ nhờ Mei dứt mẹ ra khỏi cái máy tính nhé .
Đúng 5 phút sau "Mẹ ơi thôi nào, không máy tính nữa"
- Cho mẹ đọc nốt cái này thôi nhé.
- Không được, mẹ có nghe không nào, đừng để Mei phải bực đấy
.
- (Xin xỏ) Mẹ xin đúng 1 phút nữa thôi.
- Không 1 phút gì cả, quá 5 phút rồi đấy.

- (Năn nỉ ý kiến) Thì cũng phải có 1 phút du di để kết thúc công việc chứ, ai lại cứng nhắc thế.
- (Nhân nhượng) Đúng 1 phút thôi đấy....
Rồi chăm chăm nhìn vào cái đồng hồ: - Nào 1 phút rồi, Mei tắt đây.

Ối giời, đọc rốn mà kì nhèo bên cạnh thế thì cũng bằng âm. Miễn cưỡng tắt máy tính. Các cụ bảo 'cờ đến tay ai nấy phất', đúng thế, phất ra trò. hic hic.
Thú nhận: Cai nghiện khó thật.

2. Sang hè. Đem những túi quần áo hè trong các 'hộp lưu trữ' trên gác xuống, lại ôm tất cả quần áo trong tủ ra đầy ú một cái giường. Gấp, xếp, đổi chỗ. Đồ mùa hè vào tủ. Đồ ấm xếp lên kho cho mùa đông sau. Cái nào cũ, chật xếp riêng đem về quê, gửi lên bản hoặc chờ đợt quyên góp cho người nghèo. Dim Mei quần áo cứ mua đầu mùa cuối mùa đã ngắn rồi, chẳng kịp cũ. Mình thì khối cái bổn cũ soạn lại. AQ: Đừng có so với mười mấy, so với sáu mấy kia kìa cho đời nó tươi :)

3. Gọi điện về TN cho Mẹ. Hôm nay ở đâu đó là Mother Day. VN không chộn rộn ngày này, nhưng ngày nào con cái gọi về, với mẹ cũng là ngày Mother Day cả. Yêu mẹ quá.

4. Cái máy giặt trục trặc, gọi bảo hành. Cô bé bên kia giọng dễ thương hỏi máy chị mua bao lâu rồi ạ, trả lời chắc chừng một năm rưỡi. Coi lại giấy thì ra mua từ tháng 1/2008. Bảo Tuyết: Ôi thế là cô cháu mình về ổn định ở đây hơn 2 năm rồi cơ đấy. Nhanh thật nhỉ? Thanh bình làm mình mất cảm giác thời gian trôi (hay là tự bào chữa cho 'sống chậm' đấy?).

5. Chiều lên Nội Bài đón Dim. Mei muốn đi cùng. Dim đi có 2 hôm mà vắng.
Hà Nội 35 độ nóng kinh, bảo Mei mặc đơn giản thôi, đón chị rồi về luôn ấy mà.
Đến sớm mươi phút. Đang đứng bỗng nghe sau lưng 'O. đi đâu thế này?', quay lại, Chánh Văn phòng, Phó Chánh, và Tổng GĐ, ai nấy quần áo cặp táp chỉn chu, chắc chuẩn bị bay đi đâu công tác. Vội cười chào và kêu Mei chào các bác, chưa kịp nhớ ra mình đang diện một chiếc quần short với cái top cổ rộng theo kiểu 'lôi thôi một cách có ý thức', chân đi dép xỏ ngón, tóc buộc túm đuôi gà, thật chẳng giống 1 li nào với cái mình xưa nay hiện diện ở công sở. Ôi giời ạ ngay đơ giữa nhà ga, không phản xạ được gì, cái mặt chắc ngô nghê mắc cười lắm.

Bài học: Đi đêm ắt có ngày gặp sếp :))

May 08, 2010

Tản mạn Thứ Bảy

1. Loay hoay với một trăn trở, một bài viết về một chứng bệnh, viết xong rồi mấy lần định post lại dừng vì sợ không đúng lúc. Nhạy cảm.

2. Cây Ổi cảnh chỉ thấp chừng 50cm trên sân thượng bỗng không đâu xuất hiện một đàn 6, 7 con sâu. Thử dò "Mei ơi hình như Mei không sợ sâu nhỉ, Mei lên giết hộ nhé?", Mei giãy nảy không không con sợ con sâu lắm. Ôi ông Trời ơi thế hóa ra sợ sâu cũng di truyền à?

Vẫn tưng tửng tin thời bây giờ đầy đủ các loại dịch vụ, không có người đàn ông trong nhà vẫn có thể tự thu xếp được. Chợt hôm nay lúng túng vì chưa có dịch vụ giết sâu tại nhà :(

3. Sáng nay vô duyên. Bỗng dưng không muốn sopha + cà phê + nhạc + internet hưởng sáng thứ 7 mình ên như mọi khi, nhắn tin chùm đến 5 số đt "ai cà phê không ai ơi", hy vọng cũng được cà phê 3 người. Trong vòng 30' sau chỉ có 1 reply rằng để chiều đi. 1h sau mới có reply thứ 2 'đang ở Ba Vì mất rùi'. Reply thứ 3 mãi gần trưa 'Trưa rồi hay đi ăn luôn?'. Reply thứ 4 là 'hì, cũng được mà em ở hơi xa'. Reply thứ 5 còn đang lang thang ở đâu đó, chắc phải mai mới tới :(
Oh well,
Bạn bè tui cuối tuần không ai phải rảnh dài người thừa chân thừa tay. Thế là vui rồi.

4. Luôn nhắc mình tránh tranh luận không cần thiết. Lại hỏi: Khi một người bạn của bạn bị điều thị phi bạn nên làm gì? Và, nếu lỡ mình bị điều thị phi, mình mong muốn điều gì ở bạn bè người thân?
Thế nên, chỉ tự nhắc ít lời và biết rõ mình muốn đạt được cái gì trước khi chọn câu từ để nói.

5. Tối qua trời nóng. 9h tối rủ Mei và Thảo Mi (khách thường trú cuối tuần) đi dạo. Tung tăng 3 đứa ra hiệu sách. Vừa đi vừa kể chuyện 'Không Gia Đình' (Hector Malot) có cậu bé Remi, ông già Vitali tốt bụng với gánh xiếc rong, chú chó Capi và 'ngài' khỉ Giô-li-cơ. Thế là đến nơi 2 tên kia chọn đúng 2 cuốn 'Không Gia Đình'. Thuyết phục chọn 2 cuốn khác nhau rồi đọc đổi, không được luôn.
Ôi đúng ra ta phải biết thương cho cái ví tiền, chọn lúc đi hiệu sách cũ hãy kể về mấy cái cuốn truyện dày kinh điển ấy chứ :(
Mua 2 cuốn, ghi lời đề tặng từng bạn, ký tên ghi tháng 5/2010 đàng hoàng :)

Bây giờ chúng đã đi học về rồi, ăn trưa xong rồi, chuẩn bị đọc "Không Gia Đình" cho chúng đây. 'Đọc mồi' ấy mà. Hôm qua kể mồi bữa nay đọc mồi. hihi. Đang chờ kia. Có vẻ háo hức :)
(hình sưu tầm)

May 05, 2010

Cái phong bì

Phong bì xuất phát là cái bì thư. Tưởng rằng cuộc cách mạng intenet với dịch vụ thư điện tử vô cùng tiện lợi sẽ khiến nó trở nên vô dụng, bỏ xó hoặc khá lắm thì cũng được ngồi ngay ngắn ở một góc bảo tàng có cái tên lãng mạn 'Xưa'. Ai ngờ đâu ở một xứ nọ, thế kỷ 21, phong bì trở thành thứ vật dụng quen thuộc nhất ai ai cũng phải biết, ai ai cũng dùng, từ người nông dân nghèo đi chân đất đến những vị quyền uy đầy mình một bước xe hơi máy bay. Dĩ nhiên là cái bọn giữa giữa nửa mùa cũng thế. Dĩ nhiên là cả mình. Được đặc quyền trong veo không cần biết đến câu chuyện phong bì này chỉ còn những những đứa trẻ nhỏ. Ôi sao mà thèm tuổi thơ đến thế.

Phong bì không lộ liễu nhưng có ở khắp nơi. Hầu như nhà nào cũng có phong bì mới, công sở thì phòng nào ngăn kéo nào khéo cũng có vài cái phong bì rỗng để sẵn. Lỡ hết thì tiệm tạp hóa, quán nước lặt vặt nào cũng có bán phong bì. Rẻ bèo. Đắt cũng chỉ nửa ngàn đồng một chiếc, nhưng trong ruột nó thì linh hoạt vô cùng, gấp X00, X000, X0000, X00000 lần giá cái vỏ và nhiều hơn nữa, tùy vào mục đích người ta dùng nó. Cái phong bì bây giờ không dính dáng gì đến chữ nghĩa nhắn nhủ tình cảm nhớ nhung nữa, chả mấy ai dùng nó để bỏ thư. Chuyển đổi mục đích sử dụng rồi, thế này:

- Được mời dự tiệc cưới không thể thiếu phong bì mừng tân nương - tân giai nhân, nhiều khi là mừng bố mẹ cô dâu hoặc chú rể. Không có tiền trong túi thì mượn (mình từng biết ở tỉnh lẻ có những phong bì mừng cưới hai chục ngàn, người được nhận không nhận thì sợ làm buồn, nhận thì xót xa).

- Đi đám tang nhớ chuẩn bị cái phong bì, dù chỉ hương hoa thôi, chia buồn cùng gia quyến.

- Con đói không tiền nộp học mà lỡ bệnh vào viện, ngoài chuyện chạy đôn chạy đáo lo tiền viện vẫn phải sắp thêm cái phong bì nếu bệnh cần phẫu thuật, cần chen hàng chữa trị sớm hay xin đổi sang cái phòng bệnh tiện nghi hơn.

Còn vô cùng nhiều việc đụng đến phong bì: Mừng bạn bè người thân khai trương công ty/ nhà hàng, cảm ơn thầy cô của con, Tết/ lễ 'ân nhân', thăm bệnh, xin trường cho con, xin việc (và hầu hết những gì dính đến chữ xin)... vân vân và vân vân... Tóm lại là đủ thứ, việc gì cũng có thể cần đến nó. Phong bì tự lòng và phong bì 'thế thời thời phải thế'. Dễ có tháng xài đủ ba chục cái bì thư mà ruột không là thư.

(Oài, nói đến 'Chữ Xin và Phong Bì' lại nhớ vài vụ đen đen, những con số nhiều số 0 và đơn vị là đô la, nhưng thôi, đó chỉ dính một chút vào cái entry này, còn lại là một topic khác).

Ý mình chỉ là bỗng dưng hôm nay phải dùng đến cái phong bì vài lần. Lơ đễnh chẳng để ý lưu trữ đã hết, trong khi chạy loanh quanh kiếm vỏ rút ruột (mua bì và rút ATM) chợt lan man nhảm chuyện cái bì thư, lộn, cái phong bì. Thấy hay.

Lan man, rồi phì cười chút thì tông phải ông xe ôm chạy phía trước chỉ vì nhớ đến vụ mình và con bạn lập cập đem phong bì đến cảm ơn ông bác sĩ đang theo chữa bệnh cho người nhà. Lập cập nên nhầm. Về đến nhà 2 đứa tá hỏa: phong bì có ruột ung dung ở lại trong giỏ xách, phong bì rỗng thì đã ra đi :((
(hình sưu tầm tượng trưng)

May 03, 2010

Nuôi dưỡng sự tự tin cho con

Đọc được bài báo'DEVELOPING YOUR CHILD'S SELF-ESTEEM'về xây dựng sự tự tin lành mạnh cho trẻ, dù xưa nay đọc hiểu là chính, rất rất lười (và kém) dịch, nhưng vì quá muốn chia sẻ với các bậc cha mẹ và những ai quan tâm đến trẻ em, nên Lana dịch tạm đưa lên Blog. Đây là nội dung Lana dịch cùng với sự tham gia của bé Dim, chia sẻ với mọi người, nếu có lỗi dịch thuật xin góp ý để Lana chỉnh sửa.

Tổng quan về A Healthy Self-Esteem (tạm dịch: Sự tự tin lành mạnh):
Sự tự tin lành mạnh giống như lá chắn bảo vệ trẻ trước những thách thức của cuộc sống. Những trẻ tự tin về bản thân có vẻ như sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi xử lý xung đột và chống lại những áp lực tiêu cực. Chúng dễ nở nụ cười tận hưởng cuộc sống. Những đứa trẻ như vậy thường thực tế và đa phần lạc quan.

Ngược lại, những đứa trẻ thiếu tự tin rất dễ trở nên lo lắng và bất an trước những thách thức. Khi trẻ tự đánh giá thấp bản thân, chúng cảm thấy khó khăn khi cần phải tìm giải pháp cho các vấn đề. Những ý nghĩ tự lên án bản thân kiểu như "Mình không tốt" hoặc "Mình không thể làm bất cứ điều gì đúng" khiến đứa trẻ trở nên thụ động, thu mình, hoặc chán nản. Khi xuất hiện một khó khăn mới, suy nghĩ đầu tiên của chúng sẽ là "Mình không thể".

Sự tự tin là gì?
Sự tự tin là tổng hợp các niềm tin hoặc cảm giác của chúng ta về bản thân, hay là 'sự tự nhận thức'. Việc chúng ta đánh giá bản thân như thế nào ảnh hưởng đến động cơ, thái độ, hành vi của chúng ta và tác động đến cảm xúc.

Những cảm nhân về sự tự tin khởi đầu từ rất sớm. Ví dụ, khi một em bé đạt được một mục tiêu, đứa trẻ trải nghiệm cảm giác thành công và khích lệ sự tự tin. Việc học để lật người sau hàng chục lần cố gắng không thành công hay việc cuối cùng đưa được chiếc muỗng vào miệng khi ăn là những kinh nghiệm tạo cho đứa trẻ thái độ tích cực: "có thể".

Một đứa trẻ rất nhỏ đã có thể có khái niệm về sự thành công do kiên trì mang lại. Khi trẻ thử làm một việc gì đó và thất bại, lại cố gắng, lại thất bại, và cuối cùng thành công, tự trong nó sẽ phát triển nhận biết về khả năng của bản thân. Điều này đồng thời cũng giúp đứa trẻ nhận thức về chính nó trong sự tương quan với xung quanh. Đây là lý do tại sao sự tham gia của cha mẹ là chìa khóa để giúp một đứa trẻ nhận thức đúng về bản thân mình.

Sự tự tin cũng có thể được định nghĩa là sự kết hợp của nhận biết về khả năng của bản thân với cảm giác được yêu thương. Một đứa trẻ hạnh phúc với thành tích đạt được nhưng không cảm thấy được yêu vẫn có thể cảm thấy mất tự tin. Tương tự, một đứa trẻ cảm thấy nó được yêu nhưng do dự về khả năng của mình cũng có thể dẫn đến việc đánh giá thấp bản thân. Tâm lý tự tin lành mạnh được hình thành khi cả hai điều kiện trên được cân bằng.

Những dấu hiệu để nhận biết sự tự tin và thiếu tự tin
Sự tự tin biến đổi trong quá trình một đứa trẻ lớn lên. Nó thường xuyên thay đổi do bị ảnh hưởng bởi sự trải nghiệm và những nhận thức mới của trẻ. Cha mẹ cần lưu ý nhận biết các dấu hiệu về sự thay đổi lành mạnh và không lành mạnh trong sự tự tin của trẻ.

Một đứa trẻ kém tự tin có thể sẽ không muốn thử nghiệm những điều mới lạ. Chúng thường xuyên nói những câu nói tiêu cực về bản thân mình, ví như "Mình thật ngu ngốc", "Mình sẽ không bao giờ tìm được cách để làm điều này," hoặc " Chuyện gì chứ? Đằng nào thì cũng chẳng có ai quan tâm đến mình" Những đứa trẻ này có thể kém chịu đựng sự thất vọng, dễ dàng đầu hàng hoặc chờ đợi sự giúp đỡ từ người khác. Đứa trẻ thiếu tự tin sẽ có xu hướng phê phán bản thân quá mức và dễ dàng thất vọng về bản thân mình. Chúng coi một thất bại tạm thời là nghiêm trọng, không thể chịu đựng được. Cảm giác bi quan thường xuyên chiếm ưu thế.

Trẻ tự tin có xu hướng thích giao tiếp với người khác. Chúng cảm thấy thoải mái trong xã hội, thích hoạt động nhóm cũng như theo đuổi các sở thích cá nhân. Khi những thách thức nảy sinh, chúng có khả năng suy nghĩ tìm kiếm giải pháp. Khi thất vọng lời nói của chúng không có xu hướng làm nản bản thân hay xung quanh. Ví dụ, thay vì nói rằng, "Mình là một thằng ngốc", đứa trẻ tự tin sẽ nói, "Mình không hiểu điều này". Chúng biết rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình, và chấp nhận chúng. Cảm giác lạc quan chiếm ưu thế.

Cha mẹ có thể làm gì?
Làm thế nào cha mẹ có thể giúp nuôi dưỡng sự tự tin lành mạnh cho một đứa trẻ? Dưới đây là một số mẹo có thể giúp thành công:

Chú ý những gì bạn nói. Trẻ em rất nhạy cảm với lời nói của cha mẹ. Hãy nhớ khen ngợi con mình không chỉ cho những việc con hoàn thành tốt, mà hãy khen sự nỗ lực của trẻ. Tuy nhiên hãy nhớ là luôn nói thật. Ví dụ, nếu con của bạn trượt vào đội tuyển bóng đá, tránh nói những câu đại loại: "Không sao, lần sau con sẽ cố gắng chơi tốt hơn và sẽ được vào đội tuyển" Thay vào đó, hãy nói "Không sao, tuy con không được vào đội tuyển nhưng Ba/Mẹ tự hào vì những cố gắng của con." Hãy khen ngợi sự nỗ lực và sự hoàn thành công việc của con thay vì chỉ chú ý vào kết quả.

Hãy làm gương cho con về việc hướng suy nghĩ tích cực. Nếu bạn quá khắc nghiệt với chính mình, bi quan, hoặc mơ hồ về khả năng hay giới hạn của mình, con bạn cuối cùng sẽ giống bạn. Hãy nuôi dưỡng sự tự tin của riêng bạn, và con bạn sẽ có một hình mẫu tuyệt vời.

Hãy nhận biết và điều chỉnh những suy nghĩ không đúng của con. Điều quan trọng là cha mẹ cần nhận biết được những niềm tin không chuẩn xác về bản thân của con, cho dù là về sự hoàn hảo, sự hấp dẫn, về khả năng hay bất cứ lĩnh vực nào. Việc giúp con bạn thiết lập các chuẩn hợp lý hơn và giúp chúng có cái nhìn thực tế hơn trong việc đánh giá bản thân sẽ giúp đứa trẻ có một sự tự tin lành mạnh. Ví dụ, một đứa trẻ chăm ngoan ở trường nhưng gặp khó khăn với môn toán có thể nói "Tôi học toán kém, tôi là một học sinh kém". Ngoài việc kết luận chung như vậy là sai, đó còn gây một niềm tin sai có thể dẫn con bạn đến thất bại. Hãy khuyến khích con bạn nhận định tình huống một cách đúng đắn, tích cực. Phản ứng hữu ích có thể là: "Con là một học sinh ngoan. Ở trường con luôn làm mọi việc rất tốt. Môn toán chỉ là một môn mà con cần phải dành nhiều thời gian hơn. Ba/ Mẹ con mình sẽ cùng học nó."

Hãy gần gũi và tình cảm với con bạn. Tình yêu của bạn luôn ở bên sẽ khích lệ sự tự tin của con. Hãy ôm hôn con bạn. Hãy nói với con của bạn rằng bạn tự hào về chúng. Hãy cài một mẩu giấy trong hộp ăn trưa của con "Ba/ Mẹ nghĩ rằng con rất tuyệt vời!" Hãy khen ngợi thường xuyên và trung thực nhưng không lạm dụng. Với trẻ em có thể nói bất kỳ điều gì xuất phát từ trái tim.

Hãy đưa ra những phản hồi tích cực và chính xác. Một nhận xét như: "Con luôn luôn tự khiến cho mình nổi giận như vậy!" sẽ khiến cho đứa trẻ tin rằng nó không biết kiểm soát những cơn giận dữ của mình. Một thông cáo tốt hơn là "Con đã thực sự nổi điên với em trai của con, nhưng Ba (Mẹ) đánh giá cao rằng con đã không hét lên với em hay đánh em". Cách nói này thừa nhận cảm xúc của con bạn và khen ngợi sự cách cư xử đúng con đã lựa chọn, khuyến khích con bạn tiếp tục lựa chọn đúng ở lần sau.

Tạo môi trường an toàn bình ổn trong gia đình. Một đứa trẻ không cảm thấy bình an hoặc bị lạm dụng tại nhà sẽ vô cùng thiệt thòi vì mất tự tin. Một đứa trẻ nhiều lần chứng kiến cha mẹ đánh / cãi nhau có thể trở nên chán nản và thu mình. Hãy nhớ luôn luôn tôn trọng con bạn.

Hãy tạo dựng căn nhà của bạn thành một thiên đường an toàn cho gia đình bạn. Theo dõi các dấu hiệu bị lạm dụng bởi người khác, các vấn đề ở trường, với bạn bè, và các yếu tố tiềm ẩn khác có thể ảnh hưởng đến sự tự tin của trẻ. Hãy giải quyết các vấn đề một cách tế nhị nhưng dứt khoát.

Giúp con tham gia vào những trải nghiệm mang tính xây dựng. Các hoạt động khuyến khích hợp tác thay vì cạnh tranh đặc biệt hữu ích trong việc bồi dưỡng lòng tự tin. Ví dụ, các chương trình trong đó một đứa trẻ lớn hơn giúp một em bé học đọc có thể làm nên điều kỳ diệu cho cả hai.

Tìm sự giúp đỡ, tư vấn của các chuyên gia nếu nhận thấy những dấu hiệu tự ti ở con bạn.
----------------------------------------------

*** Nguồn: Developing Your Child's Self-Esteem
*** Note 1: Self-Esteem trong nhiều từ điển Anh Việt dịch là lòng tự trọng. Tuy nhiên đọc xuyên suốt bài này, Lana xin tạm dịch (hiểu) là sự tự tin.
*** Note 2: Lana 'cố tình' nhờ bé Dim tham gia dịch :), Dim có vốn tiếng Anh khá tốt và góp ý được khá nhiều từ 'Việt hóa' hợp lý khi mẹ bí từ.

May 02, 2010

Cần cù

Tối thứ 7, nhân cớ có cô bạn share nhà hồi ở Úc tên M. về chơi, gầy một hội tại nhà, kẻ làm phở cuốn, người góp sa-lát, vị khác xách thêm bia + cá khói. Nói thêm, mình và M. không chỉ share nhà mà còn share đi chợ + nấu ăn, share trông con, share những câu chuyện tâm sự hàng ngày, share hài hước để vui, nhưng thôi, đó là một topic khác. Cũng nói thêm, món phở cuốn rất tuyệt, nhưng.. cũng thôi, đó là một topic khác, để dành. :)

Ngoài 2 cô chủ nhỏ quý tộc Dim Mei ăn xong trước ra ngồi coi TV, vào mạng, tập đàn... (thú thật là không rõ lắm, chỉ trông tia vẫn đâu đó loanh quanh), còn lại 4 tên 1 liền ông và 3 nàng tiếp tục ngồi quanh một cái bàn, nhìn qua đã thấy phe nào thế thắng :)

Nói thêm, 4 tên đều là bạn học hoặc biết nhau từ hồi sinh viên, cách đây kha khá nhiều năm.

Món ngon, chuyện vào chuyện ra. Chuyện hồi đi học, dẫn qua chuyện bạn chung, đứa này giờ sao, đứa kia giờ sao, nhỏ đó mới đem con theo chồng xuất ngoại đang apply tìm việc mới..., dẫn tiếp qua chuyện tuyển việc: M. kể giáo sư nàng đang theo nói 'làm việc chăm chỉ (hardwork) là đức tính cần nhất'.

'Liền ông' nói: Thế có nhớ khúc phim hài này không?
Hai thằng đang đi gặp phải bức tường cũ sừng sững kiên cố, có cánh cửa im ỉm phía sau lớp rêu phong. Ông thứ nhất tiến thẳng tới và bắt dầu leo tường, ráng sức leo lấy leo để, hùng hục, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, rồi cũng leo qua, đứng bên kia giơ tay cười sung sướng tự hào ta đã thành công.
Rồi đó thằng thứ hai từ tốn đi tới... mở cánh cửa và... đi qua.
:))

Nàng M. nói: vậy có chuyện này nữa,
3 người đàn ông gặp 1 con sông rộng chắn đường. Mênh mông nước nổi không cách nào qua đành ngồi nghỉ dưới một gốc cây cao cạnh sông. Một ông vô tình nói: Ôi ước gì ông Trời cho mình sức khỏe bơi qua sông ngon lành. Bỗng nhiên anh ta chớp mắt một cái và cảm thấy sức mình cuồn cuộn. Nhảy xuống bơi vèo một cái qua bờ bên kia.
Cậu thứ 2 thấy vậy nên ước: Ước gì ông Trời cho cái cây này ngả xuống để mình đi qua. Anh ta chớp mắt 1 cái và thế là cây ngả xuống, anh ta bám cây bò qua sông, sung sướng vì mình hơn thằng kia, không bị ướt.
Cậu thứ 3 bảo: Ước gì ông Trời cho mình thật nhiều trí thông minh. Anh này chớp mắt 1 cái... thấy mình biến thành 1 cô gái. Cô ta giở bản đồ và nhìn thấy cách đó vài chục bước chân có một cây cầu...

(Tái bút: Xin quý ông, quý anh, quý em quý cháu (nam) nếu có đọc chú ý giùm, entry này từ đầu đến cuối là tường thuật 100% chuyện nhặt nhạnh, đã gán mác 'nhảm', chỉ là tào lao không có ý gì, nếu có ném đá xin nhè nhẹ tay)
:)