May 03, 2012

Ruồi bay được dẫn thế nào...

Lại nói chuyện nghề tiếp phục vụ (đầu độc) bà con nhé :)
(Trước khi đọc bài này mời bà con đọc loạt entries "CHUYỆN NGHỀ" cùng hệ mà 'nhẹ độ' hơn:))
Cũng như giao thông đường bộ đường sắt hay đường thủy, đường hàng không cũng được duy trì, tổ chức chặt chẽ và khoa học theo những luồng, lạch nhất định. Những phương tiện tham gia giao thông đường hàng không cũng phải tuân theo những luật lệ và quy định rõ ràng. Trên đường bộ có luật đi lề bên trái hay lề bên phải tùy theo mỗi quốc gia thì đối với đường hàng không có luật bay "theo các mực bay cao /thấp, chẵn /lẻ, đường bay một chiều /đường bay 2 chiều". Những luật giao thông cơ bản này đã xác lập lên luồng giao thông đường bộ và đường hàng không.
(Mực bay - flight level (FL) - một khái niệm trong hàng không dùng để xác định độ cao, quy theo các mực khí áp trong khí quyển chuẩn. Nguyên tắc chung là càng lên cao khí áp không khí càng giảm và theo tính chất không khí, địa lý... từ mực khí áp tại một điểm có thể tính ra độ cao so với mặt đất quy chiếu hoặc mực nước biển trung bình, và ngược lại. FL300 chỉ độ cao 30000ft ~ 10km)

Tiếp nhá: Trên một đường hàng không (đường bay) khoảng cách tối thiểu để đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay theo chiều thẳng đứng (từ trong ngành: phân cách cao) giữa các tàu bay là 1000feet (300m) hoặc 2000feet (600m); ta sẽ nghe các mực bay FL270, FL300, FL350... Các trị số này được áp dụng tùy theo từng quốc gia hay khu vực trên thế giới, tuy nhiên có nguyên tắc chung là việc xác định luồng lạch hay nói cách khác là chiều giao thông của một đường hàng không được phân định dựa trên các mực bay chẵn (FL chẵn) hoặc lẻ (FL lẻ). Cụ thể là đối với các đường bay một chiều thì mực bay áp dụng trên đó chẵn hay lẻ sẽ cho biết chiều của đường bay; đối với các đường bay hai chiều thì các FL chẵn áp dụng cho một hướng bay và các FL lẻ áp dụng cho hướng ngược lại.


Vậy làm sao biết khi nào thì bay tại FL chẵn và khi nào thì bay ở FL lẻ, Có nguyên tắc gì không? Có, tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO) đưa ra luật Đông- Tây, các máy bay bay chếch về hướng Đông sẽ bay trên các FL lẻ và ngược lại các máy bay bay chếch về hướng Tây sẽ bay trên các FL chẵn.


Tuy nhiên đất nước ta có cấu trúc địa lý khá đặc biệt trải dài theo chiều Bắc – Nam, từ mũi Cà mau đến địa đầu Móng Cái, quê hương ta đồng ruộng phì nhiêu, đủ bốn mùa hoa trái..., í lộn, đang nói chuyện nghề lại quay ra đọc thơ, hì, quay lại: vì thế cấu trúc các đường bay của Việt Nam cũng "nằm" theo bề dài của đất nước. Chính vì vậy nhà chức trách hàng không Việt Nam đưa ra quy định Bắc – Nam, các máy bay bay chếch về hướng Bắc sẽ bay trên các FL lẻ và ngược lại các máy bay bay chếch về hướng Nam sẽ bay trên các FL chẵn.


Bạn mến, việc sử dụng khung FL chẵn hay lẽ để xác định chiều của luồng không lưu đối với các đường bay hai chiều rất quan trọng đối với người điều khiển giao thông hàng không (những kiểm soát viên không lưu - KSVKL). Trong khu vực trách nhiệm của mình các KSVKL kiểm soát hoạt động của các máy bay và dẫn đường bằng cách chỉ dẫn các máy bay (từ trong ngành: cấp huấn lệnh) trên các mực bay để giữ khoảng cách an toàn giữa 'những chú ruồi'. Tính chất đòi hỏi phản ứng nhanh của công việc khiến việc "đọc" chiều bay của máy bay qua con số mực bay đang bay trở thành một phản xạ bắt buộc của nghề kiểm soát không lưu, nghe con số là trong đầu đã có thể hình dung ra một máy bay đang di chuyển theo hướng Bắc - Nam hay Đông – Tây một cách nhanh chóng, ngược lại khi cấp huấn lệnh đổi mực bay cho một máy bay cũng phải tuân thủ quy tắc FL - hướng này.

Đối với KSVKl mới vào nghề, việc tạo ra phản xạ định hướng này cũng không đơn giản. Mỗi con người VN từ lúc còn nhỏ đã hình thành phản xạ đi lề bên phải, bình thường chúng ta sẽ cảm thấy đây là một điều rất tự nhiên và chẳng có gì là quan trọng... cho tới khi chúng ta tới một nước áp dụng luật đi lề bên trái (như các nước thuộc khối liện hiệp Anh chẳng hạn). Việc định hướng giao thông của người VN khi mới tới những xứ này rất vất vả. Tôi đã nhiều lần cảm thấy rất bối rối khi đi bộ trên vỉa hè, thay vì đi bên trái mình cứ vô tư đi bên phải thế là "Binh!", không ít lần đâm xầm vô người đi bộ ngược chiều vì người ta đi bên trái ngược với mình. Việc bị "loạn phản xạ trái-phải" này còn nguy hiểm hơn khi có việc phải băng qua đường, thay vì bạn phải nhìn sang bên phải trước, thì theo 'bản năng' cứ nhìn sang bên trái, tui rất nhiều lần phải toát mồ hôi hột khi nghe tiếng còi xe hơi và tiếng thắng "kee..é...t!" ngay sau lưng... Ước gì tất cả các KSVKL đều được đi công tác dài dài tại các nước này để có đủ phản xạ trái / phải, hờ hờ.
(Nói 'đếm ruồi ăn tiền' nghe dễ thương gì đâu, mà xáp dzô rồi thấy không đơn giản tẹo nào, nhỉ)

*** nguồn: FB - kiemsoatvienkhongluu (mình điều chỉnh chút xíu cho dễ đọc hơn đối với người ngoài nghề)

14 comments:

  1. Ối giời đất ơi, anh xem mà hoa cả mắt! Hic!

    ReplyDelete
    Replies
    1. @a Thụy: anh ơi đọc tí đi mà. Luyện mắt cuối tuần đi mà, hihi. Mấy khi Lana đầu độc nào :)

      Delete
    2. Có đọc đấy chứ em. Đọc mới hoa mắt mà!

      Delete
    3. @a Thụy: uây uây, blog anh báo là bị xóa. Thế là thế nào ạ? (ôi sợ quá em phải đi tìm cách back up blog ngay thôi)

      Delete
  2. Replies
    1. @Chuồn: Ôi giời thế thôi dấu bài này đi vậy nhỉ? :(

      Delete
  3. hay quá, em like nè. mốt em có dịp bay sẽ vỗ vai chú phi công khoe là ê mày, bạn tao, Lana, đang chỉ dẫn cho mày bay đấy :-))

    ReplyDelete
    Replies
    1. @Gấu: Thì nhớ series Nghề trước có vài mụn like mà, ít nhất có Gấu comment không sót entry nào mà, nên nổi hứng viết tiếp. Giờ câu xong còm men của Gấu coi như xong, post bài khác kẻo bà con kêu quá, đến mụ Chuồn mà còn kêu hoa mắt hụ hụ :(

      Delete
  4. Replies
    1. @Phụng: A đây rồi, thêm được một like nữa, big thanks and big hugs Phụng, thấy có thêm comment mở mà cứ run run, sợ lại bị kêu, hihi.

      Delete
  5. Thế mới biết nghe KSKL khó thiệt.Hôm rồi đọc báo thấy cô KSVKL xém chút cho 2 máy bay kiss nhau...Sởn gai ốc.

    ReplyDelete
    Replies
    1. @AK7: Khích lệ thì nói cái khích lệ thôi chớ, ai lại khoáy vào cái nỗi đau chứ huhu.

      Delete
  6. Kể ra có hoa mắt thật, nhưng mà thích, vì mình lâu nay vẫn thắc mắc ko biết làm thế nào mà người ta dẫn được máy bay bay đúng đường, ko kiss nhau!

    Lana có phải "dẫn ruồi" ko vậy? Nghe thế này có vẻ là dẫn hoài, là tay tổ rồi. Phục lăn!

    ReplyDelete
    Replies
    1. @Hoàng Ly: Dẫn thế nào thì còn nhiều để nói lắm, mình sẽ lựa lựa viết dần nhé (lúc nào bài bí sẽ dí nghề, hihi).

      Nhưng mà nguyên tắc chung là các đường bay được vẽ sẵn, có các phương thức bay được xác định thống nhất sẵn mà cả người bay trên trời và người dẫn đường ở dưới đều được phổ biến. Máy bay có thiết bị định vị và được dẫn đường nhờ KSVKL ở dưới mặt đất (qua thiết bị liên lạc không-địa) sao cho các máy bay cách nhau những khoảng cách lớn hơn tối thiểu cho phép theo cả phương dọc, ngang, và đứng.
      Thế thì sẽ không kiss nhau :)

      Delete

Nào mình cùng chia sẻ cảm nhận...