September 30, 2010

Có lẽ mình nên biết

Nhân việc bộ phim dã sử 'Đường tới thành Thăng long', một Blogger bạn mình so sánh sao người dân mình hãnh diện khi nói đến những tòa nhà kiến trúc kiểu Pháp để lại mặc dù Pháp đô hộ mình cả thế kỷ nhưng lại ghét TQ đến mức tẩy chay cả những giá trị nghệ thuật của họ. Mình đọc và thừa nhận rằng điều đó đúng và đáng suy nghĩ. Và mình có câu trả lời riêng rằng khác biệt bạn nói là do một câu chuyện đã qua và một câu chuyện vẫn còn đến hôm nay.

Mình chỉ là một hạt cát, mong một cuộc đời nho nhỏ bình an, gần như 'mũ ni che tai' với những điều to tát. Thế rồi vẫn có những điều bình thường ngay cạnh mình, những cuộc đời bình thường ngay cạnh mình nhắc nhớ về chiến tranh, về đất và biển đảo, nơi mà ngày hôm nay vẫn còn những ngư dân bị bắt bớ và những người lính cầm súng. Vì thế, mình nghĩ có lẽ mình và bạn mình nên biết những điều này:






*** đọc thêm entry liên quan:
- CẢM NHẬN VỀ CHIẾN TRANH
- VỀ FIR và VÙNG TRỜI

September 28, 2010

Lời yêu thương

Mẹ không thường đưa đón con đi học mỗi ngày, nhưng mẹ luôn muốn làm điều đó những khi có thể. Mẹ nhận thấy những khúc đường chở con trên xe là lúc tiện nhất để nói với con đủ thứ chuyện, chuyện nhà chuyện bạn bè chuyện học, chuyện vui cười, và để nói với con lời yêu thương.

Số lần đón đưa là hữu hạn. Dù ai đón đưa con thường xuyên hay thỉnh thoảng, dù ít hay nhiều, thì con số đó vẫn là một con số hữu hạn. Ai đó nói từ 'đếm ngược', mẹ hiểu, mẹ sẽ phải đếm ngược số lần hạnh phúc đón đưa ấy.

Hôm qua chở Dim đến lớp học thêm trên đường Nguyễn Chí Thanh. Xe vi vu, hai mẹ con nói chuyện về vợ chồng bác hàng xóm vốn là dân bất hảo hoàn lương mở quán nước nhỏ trong ngõ, mẹ lại tranh thủ tiêm chút 'vắc xin' (hàng xóm tối lửa tắt đèn) cho Dim. Mình đối xử tốt với họ, họ sẽ nể quý mình, là con người dù thế nào cũng vẫn có tình cảm. Rồi mình nhắc đến ông bà hàng xóm tốt bụng hồi bên Úc, quý hai mẹ con thường gọi qua hái chanh, ớt, bưởi, quýt mùa nào thức nấy. Rồi nhắc những kỷ niệm vui hài ngày bên đó. Hai mẹ con cùng cười. Đường như ngắn lại.

Xe gần tới ngã tư. Bên kia ngã tư là đến lớp Dim. Nhìn cái đèn báo còn xanh mươi giây nữa, mẹ đi chậm lại, chậm lại, đủ để xe vừa trờ tới vạch thì đèn chuyển đỏ.
Hỏi: - Đố Dim sao mẹ không chạy ráng lên cho kịp trước khi đèn đỏ?.
Dim trả lời: - Mẹ sợ công an?
- Không, đâu có công an đâu, với lại đèn xanh còn kịp cho mình đi mà.
- Vì sợ đi nhanh tai nạn?
- Không đúng.
- Vậy... ...
- Vì mẹ muốn kéo dài một phút đi cùng Dim. Đang nói chuyện vui mẹ tiếc đoạn đường.

Vừa lúc tới. Dim xuống xe, ghé thơm chào mẹ, thầm thì "không như hồi phải kiễng chân lên để thơm mẹ nữa rồi", rồi nhẹ quay vào lớp.

Bất giác đưa tay lên má.
Sweet.

*** Entry liên quan:
- VẮC XIN TUỔI DẬY THÌ

September 27, 2010

Chuyện nghề (tiếp theo và tạm ngưng)

* CHUYỆN NGHỀ (1)
* CHUYỆN NGHỀ - tiếp theo (2)
* CHUYỆN NGHỀ - Tiếp theo (3)
* CHUYỆN NGHỀ - Tiếp theo (4)

Xin lỗi cả nhà vì còn cái entry 'tiếp theo và hết' của chuyện nghề Lana hứa mãi bữa nay mới trả được.

Vậy là qua những entry trước, cả nhà mình biết rằng khi bay vòng quanh trái đất máy bay sẽ lần lượt bay qua các vùng FIR của nhiều quốc gia, ở đó có các đơn vị kiểm soát không lưu (ATS Unit = Air traffic Service Unit) được giao trách nhiệm bảo đảm dẫn đường. Máy bay bay theo các cung đường gọi là đường-hàng-không (đường bay) đã được tính toán, xây dựng và cấp phép khai thác (trừ bay trực thăng, bay dịch vụ do những yêu cầu không không thường xuyên như cấp cứu, chụp ảnh...). Các đường hàng không như những 'tunnel' hay những hành lang có chặn trên chặn dưới. Đến mỗi vùng FIR phi công sẽ liên lạc qua hệ thống liên lạc không - địa với đơn vị kiểm soát không lưu dưới mặt đất theo tần số quy định cho ATS đó. (Việc mất liên lạc vẫn bị coi là uy hiếp an toàn cho dù máy bay đang bay ổn định).
Ví dụ cho việc này là hồi 2006 có chuyện máy bay của VN AL bay sang Frankfurt (Đức) do phi công 'quên' đổi tần số liên lạc khi bay qua một loạt vùng FIR châu Âu (link) nên trở thành 'máy bay lạ, không liên lạc được'. Không quân Séc đã điều máy bay bay kèm yêu cầu hạ cánh khẩn cấp xuống CH Séc, sau đó mới tiếp tục bay đến Frankfurt.

Qua links về chuyến VN545 đi Frankfurt trên để thấy rằng ngày nay hệ thống thiết bị với công nghệ kỹ thuật tiên tiến giúp các trung tâm kiểm soát dướt mặt đất có thể 'theo sát' mọi máy bay hoạt động trong vùng trời quản lý. Song song đó, các 'đời' máy bay ngày nay cũng hiện đại hơn trước rất nhiều. Máy bay có hệ thống định vị giúp phi công xác định vị trí máy bay một cách chính xác. Nhiều công đoạn điều khiển trên máy bay được tự động hóa; mực bay, hành trình bay được đưa vào theo chương trình có sẵn. Theo dàn máy bay được đầu tư, lớp phi công 'đời mới' của VN Airlines đều được đào tạo bài bản ở các trung tâm đào tạo phi công ở nước ngoài. (1)

Màn hình Radar kiểm soát không lưu, nguồn: www.ieeeghn.org

Về điều hành bay, VATM tuy là độc quyền cung cấp dịch vụ điều hành không lưu trong 2 vùng FIR của Việt nam nhưng luôn phải phấn đấu để phát triển, không chỉ vượt lên chính mình mà còn bắt kịp với thế giới, đặc biệt trong việc đầu tư công nghệ và con người. Điều này là bắt buộc bởi dịch vụ phải thỏa mãn các chuẩn quy định của tổ chức HK thế giới ICAO (nếu một FIR không đủ khả năng tự đảm nhiệm thì ICAO sẽ xem xét giao trách nhiệm điều hành cho (các) FIR bên cạnh, và thế là mất quyền + mất tiền); còn bởi an toàn là tiêu chí số 1 quan trọng nhất và nó gắn với tính mạng nhiều người. (nhà mình có thể xem thêm link ở đây) (2)

Các đường bay trong toàn bộ vùng trời của VN giờ đã được phủ sóng bởi hệ thống RADAR dẫn đường. KSV không lưu làm việc với những màn hình Radar hiển thị các máy bay di chuyển trên hệ thống đường bay (dẫn ruồi bay, hihi). Một hệ thống tự động quản lý không lưu (ATM) hiện đại được đầu tư mới với khả năng tích hợp các dữ liệu rada, dữ liệu bay và liên lạc dữ liệu phi công - kiểm soát viên không lưu/giám sát phụ thuộc tự động (ADS/CPDLC).
Ngoài việc bảo đảm cho điều hành bay được an toàn, điều hòa và hiệu quả thì hệ thống thiết bị hiện đại còn giúp cho việc ứng phó uy hiếp an toàn bay và tìm kiếm cứu nạn nhanh chóng và thuận lợi hơn rất nhiều. (3)

Nếu đọc những bài trước trong series 'chuyện nghề' về chuyến Yak-40 năm nào, mọi người có thể nhận thấy Lana đánh dấu (1), (2), (3) - là những điểm nhấn mà Lana muốn so sánh hôm nay với thời điểm năm 1992. Có lẽ sẽ giống như trong y học: người bác sĩ đi qua nhiều năm trong nghề nhớ lại những ca vuốt mắt cho bệnh nhân năm xưa và nao lòng 'giá như ngày đó là bây giờ, họ đã không phải ra đi'.

Câu chuyện hôm nay là như thế. Một bức tranh sáng. Riêng với Lana thì vẫn còn một trăn trở về bài toán sóng núi/ nhiễu động cho các máy bay hoạt động ở tầng thấp/ máy bay nhỏ, trực thăng, cụ thể là ở những 'thung lũng tử thần' ở nước mình (ước bầu Đức của HoangAnh Gialai và vị Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát quan tâm đến điều này nhỉ, hihi). Hiện nay các đơn vị cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không mới chỉ dự báo 'vo' (định tính) những ngày khả năng có nhiễu động sóng núi chứ chưa có một công trình nghiên cứu hay mô hình cụ thể (định lượng) dự báo sóng núi, cường độ và tầng ảnh hưởng (độ cao) của nó để có thể khuyến cáo chính xác cho phi công trước mỗi chuyến bay.

Sẽ kết series truyện nghề này bằng lời khuyên của người trong nghề với bạn bè mến thương: Dù thực tế xác xuất 'mất an toàn' trong hàng không là rất nhỏ so với các phương tiện vận chuyển khác thì niềm ước ao vẫn là xác xuất đó trở về 0. Xưa nay nguyên nhân thời tiết có mặt với tỉ lệ lớn trong các vụ tai nạn hàng không nếu không nói là chiếm đa số. Vì vậy hãy lưu ý đến thời tiết khi có ý định bay. Khi có nguy cơ dông lớn, bão, lốc, gió mạnh... ở nơi định đến, mọi người hãy cân nhắc nhé. Nếu không phải là việc cấp thiết thì hãy chủ động đổi vé rời lịch chờ trời quang hãy vi vu. Thế nhé.
:)

September 23, 2010

Tâm trạng lây...

Đọc bài 'Trung thu của ai' bên LU's Blog, nhìn buổi lễ xa xỉ để thương những đứa trẻ nghèo. Lại qua Blog Đàm Minh Thụy đọc tản mạn về mùa đông, nhớ sáng nay đi làm, ghé ngang đường mua đồ ăn sáng. Trời mưa lạnh. Tiệm bán bánh bao mọi khi đông khách phải xếp hàng mà bữa nay vắng hoe. Chợt nghĩ ngày mưa đến tiệm có tiếng còn như vầy, thấy thương những tần tảo sau gánh quà sáng ven phố và những xe bán dạo người quê rong ruổi sinh nhai.
Biết mùa đông với mình còn là ấm áp lắm.

Ghé VMC đọc thơ Ngô Mai Phong '...trên sự dửng dưng mỗi ngày, Hoa luôn rạng rỡ'. Tưởng là mảnh mai, tưởng là sinh ra để được nâng niu, nhưng phải là biết sống cuộc sống của mình, đi con đường mình đi, mới có thể 'luôn rạng rỡ' giữa xoay vần.
Có những khoảng khắc băn khoăn giữa 1 vị trí 'có tên' kèm theo lương cao hơn 1 chút với một vị trí 'xoàng' hiện tại nhưng có việc làm 'cho có ích', ít nhất là giúp mình ghi nhận được mình và có hứng thú. Lại hỏi cái gì làm nên mình? Rồi thấy người ta kia trầy trật mệt mỏi vì chen chúc được hơn, nhủ thầm với bạn mình ơi 'nhiều khi được sống bình yên thanh thản mỗi ngày đã là hạnh phúc'.

Nhà Mốc Mít dẫn link "Khi lòng từ thiện quá đát" từ Tuanvietam.net. 'Trước niềm hân hoan và vui sướng của những con người thiệt phận', những người đóng vai từ thiện 'rưng rưng cảm động giơ tay phân phát món quà từ tâm' là những lô hàng quá đát. Nào bột dinh dưỡng quá đát 'tặng' cho trẻ em khuyết tật, đến thuốc quá đát 'từ thiện' cho người nghèo. Không biết nói gì nữa, cứ tự hỏi đi hỏi lại mình như một kẻ hâm 'không biết họ có chút lăn tăn gì đến lương tâm, đến nhân-quả không?'.

Nhà Mèo điệu post 2 đối thoại 'còn yêu & hết yêu'. Rất thực. Bỗng thấy ở đây ở kia sao nhiều 'thiếu trách nhiệm' đến thế. Thiếu trách nhiệm với nghề, với lương tri, với tiền dân, với sinh thành, với đứa trẻ mình sinh ra, và ở 'còn yêu - hết yêu' thì là thiếu trách nhiệm với hai chữ 'hôn nhân' nữa. Rất nhiều người cưới là cưới đấy, chẳng nghĩ cưới rồi mình cần làm gì để đem lại HP cho mình, cho người kia.

Nhớ hồi cùng Dim đi học trường Clayton North - một trường phổ thông bình thường ở Melbourne, responsibility (trách nhiệm) luôn là một trong những giá trị (values) mà các con được học, được nhắc nhở, được truyền dạy, đến ngấm.

*** Bài gây lây:
- TRUNG THU CỦA AI? (LU)
- NGỌN GIÓ MÙA ĐÔNG (Thuy Dam Minh)
- HOA LUÔN RẠNG RỠ (VMC)
- KHI LÒNG TỪ THIỆN QUÁ ĐÁT (Tuanvietnam.net)
- CÒN YÊU & HẾT YÊU(Mèo điệu)

September 22, 2010

Chỉ sống chậm được thôi

1. Phá bĩnh. Suốt đợt rồi việc dồn, đến cơ quan là ngồi tịt đầu giờ đến cuối giờ + 1, dán mặt dán tay vào máy tính, về đến nhà là muốn lăn uỳnh ra (đi văng)/ à há, cái chữ 'đi văng' này bây giờ thành 'nhạy cảm', bạn Đỗ, Moon, và PTN thế nào cũng nhấp nháy, hihi. Nhấp nháy thì mặc nhấp nháy, mình đang mải nói rằng ngày nào cũng thế, ngồi tịt nguyên ngày ở office, rồi về lăn uỳnh ra đi văng, rồi loanh quanh một tẹo rồi ngủ, ngày mai lại ngồi tịt, về lại lăn uỳnh ra đi văng.
Hôm rồi than với 1 Blogger 'có những ngày cứ như là mình tồn tại cho ngày trôi ngày trôi. May còn có điện thoại hay lên Blog ghé 'nhà' này 'nhà' kia, đọc đọc/ trả lời comment, mới biết còn có tiếng nói tiếng cười bạn bè người thân.
Vài cơ quan bộ phận giải phẫu cơ thể người chúng không chịu bắt đầu phá bĩnh, cào cấu "chúng tôi quen với chuyện cậu ngủ đủ, lâu lâu tung tăng đi dạo hiệu sách với con gái, lâu lâu ngồi cà phê cà pháo với bạn bè, cười hihi hehe kia, coi lại coi lại!".
Thôi đành nghe chúng, hôm nay quyết định mặc kệ, mấy thứ việc chưa gấp xếp lại hàng chờ. Sẽ thủng thẳng không vội không vội.
Đã bảo rồi, mình chỉ sống chậm được thôi :)

2. Quà. Hôm qua phá được cái lệ rời cơ quan là lên xe chạy thẳng một mạch về nhà. Bạn đọc Blog mà mình kể cùng ở cái bài link "nhấp nháy" trên kia, bữa đó bạn gặp để đề nghị cho lấy mẩu viết 'SINH NHẬT CON 11 TUỔI' đăng ở tờ tạp chí bạn ấy làm, cái mục gì mình quên rồi, hình như lời yêu thương hay góc yêu thương. Hôm qua bạn bạn gửi báo tặng, lại thêm phong bì nho nhỏ nhuận bút, lại thêm hộp bánh Trung thu xinh xinh tặng Dim Mei, lại thêm câu "cô H. thích DM lắm". Thế là được quà cho Blog. Nhận, lúng túng nhưng vẫn kịp đùa "thế này viết Blog hóa ra làm thêm :))".
Về nhà khoe với DM. Cái phong bì chia ba kèm lý do vì có DM mẹ mới biết cảm nhận ngày con sinh nhật 11 tuổi. Cả nhà cùng cười, cùng ôm nhau, quay quay.

3. Hài công sở. Trong thang máy gặp một bạn ở một Ban khác trong TCT. Mình bấm tầng 3, bạn ấy hỏi "À thế bây giờ chị về làm ở Ban nào chị?"
- Chị về Ban KL
- Người đa-zi-năng làm ở đâu cũng được
Cười : - Không dám đâu, là thế này: hạt cát rơi chỗ nào cũng được :)

4. Gói. Cái entry này kỳ kỳ, giống hình chóp nón. Thế thì 4) không có nhiều quota nên sẽ viết thế này thôi: Dường như tuần này là tuần của bạn Blogspot.

5. V :))

September 20, 2010

Chuyện nghề - tiếp theo (4)

* CHUYỆN NGHỀ (1)
* CHUYỆN NGHỀ - tiếp theo (2)
* CHUYỆN NGHỀ - Tiếp theo (3)

TCT Quản lý bay - VATM Co. (Vietnam Air Traffic Management Coorporation) hiện là doanh nghiệp duy nhất ở VN cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cho tàu bay dân dụng trên vùng trời thuộc chủ quyền Việt Nam và các vùng thông báo bay (FIR) do Việt Nam quản lý (dịch vụ không lưu, thông tin, dẫn đường, giám sát, thông báo tin tức HK, khí tượng, tìm kiếm cứu nạn). Trước 1993 toàn bộ ngành HK Việt Nam quy về một mối, nhưng kể từ đó được tổ chức lại và chia tách các mảng lớn hạch toán độc lập: Các hãng hàng không (HK) / các tổng công ty Cảng HK - sân bay (miền Bắc, miền Trung, miền Nam)/ và mảng không lưu - VATM. Coi như như trước kia là anh em một nhà giờ tách ra làm ăn riêng, ai xài dịch vụ của người kia thì trả tiền. 'Cha mẹ' đôi khi có thò tay 'điều tiết', nhưng cũng không dễ vì điều tiết mà không công bằng là chúng dễ uýnh nhau.

Vậy để bà con hiểu hơn về bản đồ ngành hàng không ở mình: Việt Nam Airlines là một hãng HK - một con cá trong biển (a fish on the sea) - dĩ nhiên là 'con cá mập' trong ngành HK ở VN mình, nhưng cũng là một khách hàng của các TCT Cảng và của VATM. VATM lo phần điều hành tất cả các chuyến bay đi, đến các sân bay trong nước kể từ khi máy bay ra đường băng cất cánh cho đến khi hạ cánh. Ngoài ra còn điều hành các chuyến bay quá cảnh tức là không có đáp mà chỉ bay ngang qua vùng trời và vùng thông báo bay FIR ta quản lý - cái này đem lại một nguồn thu lớn ụ. Bay qua cũng bắt buộc phải đăng ký để được điều hành và phải móc bóp trả tiền dịch vụ, e he. Trong ngành, VATM được dí cho câu 'đếm ruồi ăn tiền' :) là vậy. Tiền thu từ 'đếm ruồi' kể cả ruồi bay ngang, ruồi đi và ruồi đậu, phần nộp ngân sách nhà nước phần được trích lại và Lana của cả nhà hưởng lương là một xí trong cái cục trích lại đó, hì hì).

Nói về Điều hành bay thì nhiều việc để nói lắm. Bắt đầu từ vùng thông báo bay FIR (Flight Information Region). Là thế này: vùng trời toàn cầu được chia ra các FIR giao cho các quốc gia quản lý. FIR thông thường bao trùm lãnh thổ hoặc một phần lãnh thổ của Quốc gia và các vùng trên công hải (vùng biển quốc tế) được giao trên cơ sở hiệp định không vận khu vực do tổ chức hàng không dân dụng thế giới ICAO (International Civil Aviation Organization) làm trọng tài. Việt Nam mình quản lý hai vùng FIR - FIR Hanoi và FIR Hochiminh (FIR Saigon cũ).
(Lịch sử vùng FIR là một câu chuyện dài đủ 1 entry, đi xuyên qua biến cố 1975, có những vấn đề rất hay đáng chia sẻ nhưng chắc chỉ kể qua email được thôi).
(Hình: 2 vùng FIRs do VN quản lý, 2004)

Các tàu bay bay qua không phận thuộc chủ quyền của Quốc gia nào phải được quốc gia đó cấp phép, ngược lại sẽ bị coi là 'máy bay lạ', bị nhắc nhở và/hoặc xử lý (nghe bạo lực nhỉ :D). Vì thế VATM luôn phải phối hợp thường xuyên với bên Quốc phòng để đảm bảo an ninh vùng trời cũng như an ninh an toàn cho các chuyến bay dân dụng (nghiêm trọng ghê, viết cái này cái mặt mình cứ nghênh nghênh là sao ta :D)

Khi tàu bay bay từ vùng FIR này qua FIR khác, các đơn vị kiểm soát không lưu sẽ 'bàn giao' việc điều hành, giống như khi ta qua biên giới vậy. Có khác là không phải xếp hàng chờ thò cái mặt cho họ ngó ngó nhập cảnh xuất cảnh rồi ký ký ba cái thủ tục hải quan rắc rối (à mà bay bò cũng có chuyện xin xỏ đấy nhưng vụ này nói sau đi). Ở điểm chuyển giao người lái (pilot) sẽ phải điều chỉnh tần số thiết bị để liên lạc với đơn vị điều hành bay mới. Chúng tớ hoàn thành nhiệm vụ, thu tiền và bai bai, chúc chuyến bay tốt đẹp :)

Quanh chuyện vùng FIR này còn có chuyện tranh chấp quyền quản lý vùng trời trên biển Đông (lão Trung Quốc bụng bự luôn muốn thò cái lưỡi to đáng ghét, rất đáng ghét). Chuyện này được dàn xếp xong xuôi vào cuối 2007 và thế là sau khi Lana đi học 2 năm 2005-2007 về thấy trên bản đồ vùng FIR của VN có một mảnh bị gạch xéo xéo bỏ ở vùng biển phía nam Đảo Hải Nam, tức là bị lẹm mất, tuy không lớn nhưng Lana vẫn cứ xót đứt ruột (không nói chuyện quốc gia đại sự thì Lana cũng mất một tẹo lương theo cái mảnh đó).

Nói chuyện điều hành bay là phải kể tàu bay được dẫn bay trên hệ thống các đường hàng không được quy chuẩn theo những tiêu chí nghiêm ngặt về không lưu. Các đường hàng không giống như các xa lộ / hành lang bề rộng 20 - 30km ở những mực bay FL (Flight Level) nhất định trên độ cao an toàn tối thiểu. Phân cách dọc, phân cách ngang, phân cách cao giữa các tàu bay phải được đảm bảo trên ngưỡng quy định để tránh va chạm. Khi mật độ tàu bay tăng, những đường bay mới song song - 'xa lộ một chiều' được 'kẻ' thêm; các 'cầu vượt', 'đường ngầm' được thiết kế bằng cách sử dụng các mực bay khác nhau. Nói túm lại sơ sơ cũng giống như thiết kế giao thông trên mặt đất, có khác trên trời là không gian ba chiều (có thêm các tầng - mực bay).
Thêm nữa là trên không vận tốc tàu bay rất lớn (400-500km/h với ATR72, 800-900km/h với Airbus, Boeing), nhanh hơn việc xử lý bằng mắt, nên việc giữ đường thông thoáng cả trên dưới ngang dọc là tiên quyết và buộc phải cần người dẫn đường, dọn đường, lên lịch, không cho phép anh nào chen lấn xô đẩy.

À hôm trước có một bạn hỏi đường HK cũng có kẹt đường? Thông thường lịch bay được xếp để bảo đảm phân cách tàu bay. Nhưng cũng có những tình huống như máy bay trễ so với lịch, sân bay này sân bay kia đóng cửa (vì lý do an ninh, thời tiết...v..v..) tàu bay phải bay vòng chờ, lịch bay bị dồn lại, khi đó sẽ đơn vị điều hành bay phải 'ra tay' điều tiết :)

Thôi dài quá đọc mệt. Hẹn cả nhà entry sau Lana sẽ viết thêm nốt về những thay đổi trong điều hành bay kể từ năm 92 ấy. Nếu là bây giờ chắc sẽ không có ánh mắt ám ảnh của Annette, sẽ không bao giờ ám ảnh đến thế...
(còn nữa để hết)

*** CHUYỆN NGHỀ (TIẾP THEO VÀ TẠM NGƯNG)

*** Đọc thêm:
- FIR LÀ GÌ?
- LÀM CHỦ VÙNG TRỜI

September 17, 2010

Chuyện nghề - tiếp theo (3)

* CHUYỆN NGHỀ (1)
* CHUYỆN NGHỀ - tiếp theo (2)

Còn nhớ đó là ngày thứ 10 tính từ sau 14/11, tôi và vài đồng nghiệp ra sân đậu nơi chiếc phi cơ nhỏ chở Annette (cô gái người Hà Lan) vừa từ Nha Trang về để chuyển qua chiếc chuyên cơ của tổ chức cứu nạn quốc tế đi Singapore. Cửa đuôi chiếc máy bay được mở, cô nằm trên cáng đắp một chiếc chăn mỏng để lộ khuôn mặt. Tôi không biết tả cô thế nào bởi tôi không thể đọc được bất kỳ điều gì từ đôi mắt xanh nhạt trên khuôn mặt nhỏ nhắn trắng bợt. Cô nhìn mọi người hoặc đơn giản là mở rộng mắt, hoàn toàn vô hồn, không cảm xúc, không đau đớn, không hồi sinh. Đôi mắt và khuôn mặt Annette khi ấy là sự mô tả ám ảnh nhất cái gọi là 'không còn cảm giác' mà tôi đã gặp cho đến tận bây giờ.

Mất 5 ngày để tìm đến địa điểm máy bay rơi. Thêm mấy ngày để đi đường mòn băng núi đến nơi và đưa được cô cùng 'mọi người' ra đến nơi có phương tiện. Thật ra, trực thăng đã được huy động, nhưng...
Một chiếc phi cơ nhỏ chở sếp L.H. (sau này là phó TGĐ cụm cảng HK miền Nam) phụ trách công tác tìm kiếm cứu nạn bay ra đến khu vực cao nguyên Lâm Đồng bị rung lắc dữ dội buộc phải quay hướng hạ cánh khẩn cấp ở Cam Ranh, chuyển qua đi đường bộ. Ngày 22/11 Một chuyến trực thăng quân đội được huy động từ HN chở theo bác sĩ, lực lượng cứu nạn (và nhà báo?) vào gần đến nơi lại tiếp tục gặp nạn, không còn ai. Đến ngày 25/11 tiếp tục một chiếc trực thăng cứu nạn từ Nha Trang vào Ô Kha gặp trở ngại trên không nhưng may mắn đáp an toàn xuống một trường học.
<=> Có một sự nguy hiểm chung đã xảy ra với các máy bay tầm thấp trên khu vực núi đồi cao nguyên này.
Sau tai nạn có một bài trên báo Tuổi Trẻ dẫn lời một người từng là phi công kinh nghiệm trước 75 rằng thung lũng Ô Kha được các phi công thời đó truyền danh là 'thung lũng tử thần', không ít phi cơ đã rớt ở đây.

Không chỉ riêng 'thung lũng tử thần' Ô Kha, phía Bắc cũng có 'đỉnh núi tử thần' đối với các loại máy bay loại nhỏ. Đó là núi U Bò ở khu vực giáp ranh huyện Bắc Yên (Sơn La) với Trạm Tấu của Yên Bái, nơi đã đặt dấu chấm cho ước mơ mở công ty bay dịch vụ (bay taxi) tại quê hương của người phụ nữ Pháp gốc Việt Anoa. Lại là một câu chuyện bay khác mà bạn có thể đọc ở đâyở đây.
(Hình: giả thuyết cho đỉnh núi tử thần U Bò/ sư tầm từ www.aviationweather.ws)

Cho dù có những ý kiến về từ trường đặc biệt, về trọng lực âm... ở Ô kha, thực tế thuyết phục nhất trong những ngày của chiếc Yak-40 là tại khu vực này có nhiễu động địa hình rất mạnh, gây ra bởi gió thung lũng/ sóng núi. Người bay và người điều hành bay đều không thể không biết sự nguy hiểm của địa hình và gió/ sóng núi, nhất là ở tầng thấp.

Sóng núi và độ cao an toàn tối thiểu
Vào hôm 14/11 là ngày Yak-40 gặp nạn và những ngày sau đó ngoài khơi Nha Trang có một cơn bão (áp thấp?) hoạt động gây gió lớn và thời tiết xấu ở khu vực nam Trung bộ. Yếu tố quan trọng là gió lớn thổi theo hướng đông đông bắc - tây tây nam rìa xoáy thấp này tạo góc với hướng của dãy núi gây ra hiện tượng gió thung lũng và sóng núi. Dòng gió bị biến dạng khi thổi qua sườn núi và/ hoặc dòng xiết dọc thung lũng tạo nên dòng giáng mạnh ở sườn phía khuất gió. Máy bay bay vào khu vực này sẽ bị tác động mạnh bởi nhiễu động địa hình, cụ thể là giật lắc, thăng lên giáng xuống bất thường (strong turbulance). Đặc biệt nguy hiểm là dòng giáng sườn phía sau núi có thể tạo hiệu ứng như một 'lực hút' (xem hình / ). Giải pháp là phải bay ở một độ cao an toàn trên vung nhiễu động này (vùng nhiễu động ảnh hưởng và cường độ nhiễu động sau núi tùy thuộc vào dáng dãy núi, hướng thổi tương đối của dòng gió so với sườn núi, vận tốc gió..., thông thường vùng nhiễu động mạnh lên tới độ cao ~ 1.5 lần độ cao đỉnh sườn núi).

Chiếc Yak-40 có thể đã xin hạ độ cao hơi sớm khi còn đang trong khu vực địa hình hiểm trở/ gió núi sóng núi mạnh. Việc 'sớm' này có thể do máy bay 'bay chậm hơn' và đến tiếp cận trễ một vài phút bay so với tính toán vì gió ở mực cao bay ngày hôm đó mạnh và thổi ngược với hướng bay, cộng với có thể phi công thiếu một chút bề dày kinh nghiệm, cộng với màn mây phía dưới che khuất, cộng với không may mắn... Nhiều dấu cộng cho một kết cục bi thảm.

Những chiếc trực thăng sau, tôi nghĩ là đã buộc phải bay vào hiện trường trong tình thế nguy cấp. Hiệu ứng thung lũng quá nặng, để lại kinh nghiệm đau đớn tiếp theo.
(còn tiếp)

- CHUYỆN NGHỀ - Tiếp theo (4)
- CHUYỆN NGHỀ (TIẾP THEO VÀ TẠM NGƯNG)

September 16, 2010

Chuyện nghề - tiếp theo (2)

* CHUYỆN NGHỀ (1)

Những ngày tiếp theo là những ngày nặng nề khủng khiếp. Tin xấu chồng tin xấu.

Xác máy bay được tìm thấy ở một thung lũng không có người ở, xung quanh là núi và rừng già. Nó đã bị va đuôi vào núi rồi trượt dài xuống thung lũng. Không có một con đường nào để đến được điểm máy bay rơi ngoài đi bộ đường rừng. Mất 1 ngày để vào được đến hiện trường. Khi tìm được đến, 21 hàng khách và tổ lái + tiếp viên tổng cộng 30 người chỉ còn một cô gái Hà Lan còn sống với vết thương nặng ở khung chậu. Cô đi cùng chồng chưa cưới. Và cô đã tồn tại 5 ngày bên cạnh sự chết chóc đến kinh người giữa một thung lũng heo hút nhờ bản năng sống mãnh liệt và niềm tin sẽ được tìm cứu. Ban ngày cô bò ra khỏi máy bay, tối lại bò vào để tránh lạnh, sương đêm và thú dữ. Nguồn nước là chiếc áo thò ra qua cửa sổ máy bay hứng sương rồi vắt uống.

Một anh phi công của chiếc Yak (gọi là anh vì hơn mình tuổi nhưng khi đó anh rất trẻ, anh đã dừng lại ở tuổi trẻ hơn mình hiện tại rất nhiều), sớm 14/11 đưa vợ đến bệnh viện sinh đứa con đầu lòng rồi đi bay. Vợ chuyển dạ, lịch bay sớm không kịp đổi nên anh định bụng bay nốt chuyến Nha Trang trong ngày rồi xin nghỉ chăm vợ. Ngày hôm đó vợ anh sinh con trai. Khi ở bên này còn đang tìm cách đưa anh về, bố anh vào viện ráng hết sức giữ sắc mặt giữ giọng bình thường nói với con dâu rằng con trai ông được giao một nhiệm vụ quan trọng và phải đi công tác đột xuất dài ngày, 'bố mong con hiểu và giữ sức khỏe cho 2 mẹ con'.

Vợ của một anh khác trong tổ lái, chị V. lúc này mới lập bàn thờ chồng. Mấy ngày khi máy bay mất tích, bạn bè trong xóm đoàn bay qua lại với chị, có người bảo lành ít dữ nhiều lập bàn thờ cho anh nhưng chị nhất định không. Chị bảo chị ngủ mơ thấy anh ngồi ở gốc cây, bảo chị anh bị thương đau lắm, nên chị vẫn chờ.
Một người đồng nghiệp của tôi đi cùng đoàn tìm kiếm kể người ta tìm thấy anh vẫn ngồi trong khoang lái. Có thể anh đã chỉ bị thương... Chuyện nếu chỉ là sau 1 ngày/ sau 3 ngày thì còn những ai, chỉ họ và những người pháp y được biết. Chúng tôi lúc đó chỉ thấy một nỗi đau vô tận.
...
Rừng núi heo hút, không đường xá, không phương tiện, đường trở ra đi lâu gấp rưỡi/ gấp đôi đường vào vì còn khiêng/ vác người bị thương và tử thi. Thuê tiền người dân rồi họ cũng không chịu nổi mùi và sức ép tinh thần, phải cậy nhờ công lính. 7 ngày, tính từ thời điểm máy bay rơi, để người xấu số được đưa về gặp người thân, để được liệm vào những chiếc quan tài, để cô gái Hà Lan kiên cường được đưa lên chiếc trực thăng cứu hộ về Tân Sơn Nhất rồi chuyển thẳng qua chuyên cơ sang Singapore chữa trị. Sau này chúng tôi được nguồn tin cô mất sau 2 tuần do vết thương nhiễm trùng (không biết có chính xác không, nếu đúng thì thật quá tiếc cho cô và cho rất nhiều điều).

Có rất nhiều câu hỏi 'giá như' với người trong nghề như chúng tôi. Và 7 ngày cũng là một con số 'giá như' đau đớn. Với tôi, nó giống như cảm giác bất lực trước những câu chuyện người nghèo ở vùng nghèo lỡ bệnh đành chờ chết.

Và bạn sẽ hỏi đường biển, đường bộ huy động rồi, sao không thấy đường không (trực thăng) cứu hộ?
(Còn tiếp)

*** Đính chính: Sau khi mình viết loạt bài này, một bạn đã dẫn lại trong forum của ttvnonline. Nhờ thông tin thảo luận ở trang này mình đọc được những bài báo đáng tin cậy rằng cô Annette đã sống sau biến cố và sống cuộc sống bình lặng đến hôm nay. Ơn Chúa và chân thành cầu chúc cho cô may mắn, hạnh phúc.

- CHUYỆN NGHỀ - Tiếp theo (3)
- CHUYỆN NGHỀ - Tiếp theo (4)
- CHUYỆN NGHỀ (TIẾP THEO VÀ TẠM NGƯNG)

September 15, 2010

Chuyện nghề (1)

Có lẽ tôi bắt đầu nói về nghề bằng sự kiện nặng nề và gây nhiều trăn trở nghề nghiệp nhất đối với tôi - chuyện xảy ra ngày 14/11/1992, khi tôi vừa nhận việc hơn 2 tháng và còn đang thời gian thực tập. 7h30 sáng tôi đến cơ quan và nhận thấy mọi việc không như ngày thường. Nét mặt ai cũng căng thẳng lo lắng tột bực: Chiếc YAK-40/ VN474 cất cánh TSN 06h20 đi Nha Trang vừa bị mất tích.

Chiếc Yak sau này được tìm thấy rơi tại thung lũng Ô-Kha cách Nha Trang còn khoảng hơn 30km. Nhưng đó là chuyện của 5 ngày sau. Còn ngay lúc đó câu hỏi cần được trả lời càng sớm càng tốt là chuyện gì đã xảy ra? máy bay rơi hay bị không tặc? Rơi thì rơi ở chỗ nào?

Đến chiều hôm đó vẫn không có thông tin gì theo hướng không tặc. Khả năng máy bay rơi là phần lớn. Nếu như hiện nay thì địa điểm máy bay gặp nạn dễ dàng xác định được ngay dựa theo vị trí trên màn hình Radar nhưng thời đó trang thiết bị còn lạc hậu, nhiều khu vực có máy bay bay qua chưa được phủ sóng Radar, việc kiểm soát không lưu/ dẫn đường chủ yếu dựa vào liên lạc thoại với phi công. Thông tin liên lạc cuối cùng của chiếc Yak-40 với mặt đất là phi công báo đã nhìn thấy biển xin hạ độ cao vào hạ cánh (sự sai lệch vị trí đáng tiếc này có những nguyên nhân mà tôi sẽ nói đến ở phần sau).

Lại cần nói thêm rằng do đặc điểm địa hình và hướng đường băng, máy bay đến sân bay Nha Trang trước khi vào hạ cánh phải bay vòng ra biển, bay vào qua Hòn Tre rồi mới vào hạ cánh. Vì thế, dựa vào báo cáo cuối cùng của phi công, thoạt tiên vị trí nếu máy bay gặp nạn rất có thể là ngoài khơi biển Nha Trang. Tàu bè và các lực lượng hải quân được huy động tìm kiếm, nhưng tuyệt nhiên không tìm được dấu hiệu gì bất thường. Cùng lúc các lực lượng khác được huy động tìm dấu vết chiếc tàu bay theo nhiều hướng. Hy vọng cho khả năng xấu nhất đừng xảy ra vẫn còn nhưng cứ mỗi giờ trôi qua lại giảm dần. Dẫu sao, chưa tìm thấy là vẫn còn hy vọng...

Chờ đợi, lo lắng, tìm kiếm bằng mọi kênh có thể, đến ngày thứ 4 thì có thông tin một người phụ nữ lớn tuổi ở một bản dân tộc nọ nói rằng vài hôm trước bà thấy có chiếc máy bay 'bay thấp qua đầu ngọn cây nhà bà' rồi lao về phía bên kia dãy núi và sau đó là tiếng nổ. Theo hướng đó bộ phận phối hợp tìm kiếm tại Khánh sơn đã nhặt được 1 chiếc túi nôn của tàu bay và một số tờ giấy có chữ nước ngoài.

Câu trả lời gần như đã rõ. Hy vọng gần như đã tắt. Chỉ còn mong sớm tìm đến nơi và cứu được người...
(còn tiếp)

- CHUYỆN NGHỀ - tiếp theo (2)
- CHUYỆN NGHỀ - Tiếp theo (3)
- CHUYỆN NGHỀ - Tiếp theo (4)
- CHUYỆN NGHỀ (TIẾP THEO VÀ TẠM NGƯNG)

*** Entry liên quan:
- ĐI LÀM CHỦ NHẬT

September 14, 2010

Nếu rất rất muốn thì sẽ làm được (1)

Bữa nay vào bếp thấy tay cầm của cái chảo nó ngủng ngoẳng chỉ còn chút xíu nữa là rụng 'chảo ơi ở lại tay đi nhé'. Nó mà rụng thì cái chảo còn tốt phải bỏ đi, lãng phí một mớ chứ chẳng chơi. Nhìn nhìn soi soi thấy hắn có con ốc vít sâu phía dưới tay cầm. Thế là xe máy, chạy ra hàng đồ điện, hỏi hỏi xem xem mua một cái tuốc-nơ-vít (không hề nhầm nhé, loại 4 cạnh ấy). Về, tra tra vặn vặn. Vặn hết cỡ vẫn lỏng lèo, thì ra phần đế nhựa bị lửa nóng làm cho cái lỗ vặn ốc bị ngoác ra. À đây mới là nguyên nhân. Lại đi mua. Châm vào một lớp keo Con Voi, lại thêm chút keo dán sắt. Khuyến mãi thêm một mảng da tay. Thế là chắc. Vừa cất mớ đồ về chỗ vừa khoái chí nhớ lại những câu được nghe từ vài sư phụ "Cái gì rất rất muốn làm thì sẽ làm được" và "hãy nói mình sẽ làm được điều này thay cho không, mình không thể làm được".

Lộ bài: lan man chuyện con ốc thật ra là để nhắc mình đang có vài việc cần rất rất cố gắng.:)

September 13, 2010

Thế có buồn không

1. Răng Dim
Cuối tuần đưa Dim đi khám răng. Khám xem có vấn đề gì không thôi chứ chẳng có nguyên nhân triệu chứng gì. Cái này là nhờ kinh nghiệm của em Mei. Đơn giản là răng sữa của em Mei cứ chây ì không chịu rụng thay nên toàn phải đi phòng nha để nhổ. Mỗi lần như vậy nhân tiện BS khám cả hàm cho luôn, có vấn đề gì - chiếc nào chớm sâu hay nám là chữa luôn.

Kết quả, Dim có một lỗ thủng nhỏ bằng đầu 2 sợi tóc ở chiếc răng hàm trong cùng + cao răng nhiều gần đến mức báo động. Bác sĩ vừa làm sạch cao răng vừa bảo: Mẹ có con gái xinh quan tâm chú ý thế này chứ đa phần người mình cứ để răng sâu đến đau rồi mới đi chữa.

Ừa mà nói đâu xa, chính bản thân mẹ ngày xưa khá tự ti vì đám răng tranh nhau làm tổ trưởng, chen chúc thỉnh thoảng lại có bạn đứng trật hàng, hơi thở thì mất thơm tho vì chứng viêm nướu chảy máu chân răng. Khám chữa mãi ko đúng bệnh, đến mãi sau này mới biết nguyên nhân là do cao răng, chữa trị đơn giản không. Khổ vậy. Thế nên luôn giật mình để ý mong Dim Mei có hàm răng chuẩn và khỏe mạnh. Mình rút ra bài học là đi khám điều chỉnh sớm răng miệng cho các bé 6 tháng/ lần vừa yên tâm, chi phí lại rẻ hơn nhiều so với tiền đi chữa nếu răng có bệnh.
(Bạn mình đưa con qua Úc, nhổ mỗi cái răng sữa mà bị charge 340 đô Úc, xót hết cả lòng ruột. Bảo hiểm sinh viên lại không cover bệnh về răng mới đau chứ).

Bạn nào ở HN: mình hay đưa Dim Mei đi khám/ chữa răng ở số 3H Trần Hưng Đạo gần cổng BV108, khúc đó có nguyên 1 dãy các phòng nha máy móc hiện đại, sạch sẽ, phục vụ tận tình, không phải xếp hàng, giá cả cạnh tranh nên không mắc.

2. Mắt Mei
Mắt Mei đeo kính cận 1.5 độ và 1 độ từ tháng 1/2010. Hôm qua đi đo lại, mắt phải lên 1.75 còn mắt trái thì cận loạn 1.25 + 0.75, tức là lúc thì cận 1.25 độ, lúc thì 2 độ. Thế có buồn không.

Cái gọng kính cũ xập xệ nên mua cho nàng 1 chiếc mới. Tiết kiệm cho mẹ, nàng chọn một chiếc 'thời trang nhưng rẻ', màu tím. Nhìn không tệ, nhưng giá như đừng phải đeo kính cận. Con cười nhưng trong đầu mẹ thì cứ nói thầm suốt đường về 'thế có buồn không, thế có buồn không'.



September 10, 2010

Không đề

1. Có những ngày tự nhiên ít lời, chỉ vùi đầu vào công việc, lại cũng có việc thúc lưng để mình vùi đầu. Hết một ngày về nhà chỉ muốn ngả lưng cái uỳnh, lười nhấc chân đi gõ cửa nhà này í ới nhà kia. Vậy nhưng vẫn hé mắt dỏng tai mong thấy tiếng bạn bè. Cảm ơn bạn hiền vẫn lại qua. Ấm áp, tự thấy mình mang nợ.
(hình: Hoa Ландыши - linh lan/ 'chôm' từ lhsvn.com.vn)

2. Những lúc tranh thủ đã bắt đầu viết serries về nghề. Không định nhưng rồi vẫn bắt đầu từ chiếc Yak-40 năm ấy. Mười mấy năm qua rồi mà nhiều thứ vẫn mồn một trong trí nhớ. Những câu hỏi ám ảnh về 'thung lũng chết' gợi những câu hỏi chưa có lời giải, đến bây giờ.

3. Một bữa trời mưa ngại chờ xe buýt, tự cho mình quý tộc bắt taxi về nhà. Tài xế là một cô gái tuổi chừng 30. Khuôn mặt em sau tay lái mang vẻ là lạ, gợi tò mò. Em lái xe lãng tử. Đồng hồ xe em cũng nhảy như tên bắn. Những điều là lạ ở em có lẽ đủ thú vị để mình không tức giận khi trả số tiền cao gấp rưỡi thông thường, chỉ nghĩ 'trong việc kiếm tiền, phân loại độ tin cậy theo giới tính là không ổn'.

4. Rất nhiều lần khi cái đầu được tạm nghỉ chợt nhớ ra việc gì đó cần làm, rồi quên mất, rồi lúc nào đó lại trách mình quên. Cả tuần chỉ có 2 ngày cuối tuần, đúng hơn là 1 ngày rưỡi cho những việc 'không trong lịch thường xuyên', nên giờ trong túi lúc nào cũng có xấp giấy ghi note cho những ý nghĩ nhắc việc chợt đến rồi đi. Note của mình tuần này:
- Đưa Dim đi kiểm tra răng (phòng đừng sâu như mẹ);
- Đưa Mei đi khám mắt (có cần thay kính?);
- May váy đồng phục cho 2 chị em;
- Mua áo trắng đi học cho Mei;
- Mua bóng lăn cho Cục Bông (L2C và Cu đi cùng?);
- ...

5. Bỗng thèm mua cho mình một đôi giày gót nhỏ.

September 06, 2010

Tạm vắng

Tạm vắng, post mấy cái hình thợ vườn nhưng là những góc mà Lana rất thích - xanh xanh, để bạn hiền ghé Blog biết Lana bình an, chỉ là hơi bận chút thôi.

Một khúc đường Hà Nội


Bên hồ


Sáng sớm

September 03, 2010

Lung lay...

Hôm qua Dim bỗng có lúc tức giận (tìm không thấy món đồ nào đó). Dim kể diễn giải với chị Tuyết trong phòng ngủ mà cái giọng của cậu cáu gắt hết cỡ. Không gắt được ai nên gắt mình gắt mẩy. Ngồi phòng khách nghe từng câu của cậu chói lên, biết ảnh hưởng của tuổi biến đổi nội tiết, lại nhớ cuốn sách của Templar nói 'trẻ cũng cần được thể hiện cảm xúc'. Đợi Dim đi ra, lựa bảo mẹ biết con có những khi tự nhiên cáu gắt trong người, mẹ hồi tuổi con cũng bị vậy, nhưng giá như con nói nhỏ đi một chút. Nữ tính được nhiều người quý là dịu dàng và phải biết kìm chế đừng nói lời nóng giận.

Lại nhớ ngày nhỏ hay bị mẹ nhắc nết đi 'cứ đặt gót chân xuống trước, bình bịch bình bịch, con gái là phải bước đi nhẹ không có tiếng'. Rồi lại nhớ ngày đi học xa có anh trai qua trước luôn làm đại gia bảo bọc. Sinh viên đi Nga hồi đó thường phải mang áo phông quần jean hoa tai nhựa qua bán, rồi đi cửa hàng mua bàn là nồi hầm tủ lạnh thuốc tây đóng hòm gửi tàu biển về VN bán kiếm tiền lời. Anh Q. không cho mình làm gì cả 'em cần gì cứ để anh gửi tiền cho, anh ở trong thế giới ấy anh biết, con gái tham gia vào tiền bạc buôn bán nhiều tính tình sẽ đổi lắm không còn nữ tính'.

Viết lại câu này mình phải xin lỗi những nữ doanh nhân nào vẫn đầy nữ tính, nhưng đấy là kể lại những câu ảnh hưởng đến mình đến mãi sau này. Giờ thấy nhiều người phụ nữ kia vừa năng động vừa thành đạt vừa thú vị nhìn lại thấy mình chả có gì. Đi theo hướng 'phụ nữ quan trọng nhất là 1 gia đình hạnh phúc' và tập trung hết cho hướng ấy nhưng rồi cũng thất bại, nhận ra cái tính thấu hiểu lặng nhịn không biết gào hét đòi hỏi lại là điểm trừ trong trường hợp của mình. Mình bắt đầu ghi nhận những cô gái cá tính tự tin biết đòi hỏi và 'ít nhiều ghê-gớm'. Vậy mà đến lượt mình vẫn lại dạy con gái phải kìm chế nóng nảy, phải dịu dàng.

Nói với Dim xong chính mình mâu thuẫn.
Biết cũng giống mình xưa, có những câu nói lúc này sẽ được ghi lại theo con mãi. Nên mình lung lay...

*** Entry liên quan:
- YÊU THƯƠNG ĐỪNG LÀ GÁNH NẶNG
- THƯƠNG CON

September 01, 2010

"Em à"

Bạn đã bao giờ nghe chuông điện thoại, bốc máy, đầu dây bên kia "Em à"... ?

Tớ đã từng shock 'loạn nhịp' vì 'Em à?'. Giờ thì tớ xếp đó vào nhóm 'shock văn hóa' (culture shock). Vì sao gọi thế thì tớ sẽ giải thích ngay đây.
Số là, tớ ở TN từ nhỏ đến 16 tuổi, chưa từng nghe 'Em à'.
Hai năm sau đó học ở Hà Nội, cũng chưa nghe 'Em à'.
Rồi đi du học. Năm thứ nhất, thứ hai, tớ đã từng rung rinh lắm khi nhận được bức thư 'Bé con à'. Nhưng vì thấm lời mẹ dặn đi xa đừng yêu sớm, thế là anh 'bé con à' yêu người khác mất :(
Cuối năm thứ 3 tớ có người yêu. Ở xa là nhiều mà hồi đó chỉ toàn thư tay đâu có dễ điện thoại, thế nên tớ chỉ được nghe tổng cộng vài lần 'Em à', không đủ để quen với cụm từ vô cùng dễ mềm lòng ấy cho đến khi cuộc sống đẩy mỗi đứa mỗi nơi xa mãi.
Về nước, vô Sài Gòn nhận việc đi làm rồi lấy chồng có con, tớ cất lãng mạn vào một góc, quên đi là có cụm từ 'Em à' trong cuộc sống.

Nói túm lại là từ nhỏ cho tới khi rời Sài Gòn tớ đinh ninh 'Em à', 'Anh à' là cái từ những người của riêng nhau nói với nhau, mà là khi người ta rất care, rất thương, ai diễm phúc mới có được. Chúa ơi, chính vì thế nên một lần khi mới chuyển ra Hà Nội, tớ bị chao nghiêng ngả khi nghe điện thoại 'Em à'. Trái tim đập bung biêng đến nỗi tớ phải thò tay giữ lấy. Em à - nghe sao mà dịu, sao mà ... gỗ đá cũng phải mềm.

Dần dần, tớ nhận thấy, nghe thấy nhiều 'Em à' hơn, không phải là với tớ, không phải từ đồng chí 'Em à' đó mà là nghe người khác nói với những người khác, không là cặp đôi, không là tình nhân, tóm lại, chẳng là riêng tư của nhau cũng có thể 'Em à'. Nhiều khi chỉ đơn giản là câu hỏi để chắc đây là em mà tôi hẹn gọi đấy à.
Đồng nghiệp thân thân, có việc hẹn gọi - 'Em à?'. Đối tác thiện cảm, có việc gọi mobile, nghe đúng giọng - 'Em à?...'. Thậm chí chị bạn làm chung với tớ gọi cho Sếp khi Sếp ở nhà mà cũng hét toáng 'Anh à, abcd..'.
Đấy là khác giới, chứ cùng giới thì càng phổ biến nhé. Các chị bạn hay đồng nghiệp mà quý quý tớ gọi cho tớ rất thường hay 'Em à, chị... đây'.

Thế, tớ nhận ra rằng đây là đặc sản của Hà Nội. Hà Nội 'Em à' không như Sài Gòn hay những miền khác. Hờ, tớ nhận ra tớ shock rung rinh 'Em à' ngày đầu Hà Nội mà thật ra là 'chẳng nghiêm trọng đến thế', là tớ shock văn hóa đấy thôi, bé cái nhầm :)

Thế nhưng kể cả là như vậy, cho đến giờ, chắc là vì tớ chưa ngấm hẳn đất mới, nên lâu lâu tớ vẫn bị dừng mất một giây, để trấn tĩnh đừng rung trước hai cái từ đặc sản Hà Nội rất dễ mềm lòng 'Em à?'.
(Hình: sưu tầm)

*** Có chút liên quan:
- VÁY CƯỚI