March 29, 2012

gì thôi

Ủy mị nhiêu đó đủ rồi.
Cà phê thôi.
Ốc thôi.
(nghe) Nhạc thôi.
(một chút) Rượu thôi.
Làm việc thôi.

March 23, 2012

Ủy mị

Hôm nay là ngày khí tượng thế giới. Thật ra chả mấy ai biết có ngày này. Nghe 'khí tượng' đã thấy chán. Nhưng khí tượng lại 'có tên' trong điều hành bay và an toàn hàng không, ai mà nghe lạ thử search google hoặc coi linh này hoặc link này là hiểu ngay mà. Mình đã định nhân hôm nay viết một cái entry riêng về khí tượng trong nghề 'dẫn ruồi', à không, nghề 'dẫn đường tàu bay' nhưng rồi cuối cùng nó lại ra một hướng khác chẳng tí gì giống cái định ban đầu.

Sáng nay cơ quan cũ gọi về. Mọi người tổ chức party nho nhỏ ở ngay cơ quan kỷ niệm 'ngày của nghề'. Gọi là cơ quan cũ nhưng chỉ cách tòa nhà mình giờ làm việc có 200m. Và mình vẫn ghé về luôn. Đồng nghiệp ở đây vẫn luôn dang vòng tay ấm quý. Cách đây mấy tuần công ty dưới đó cho xe chị em phụ nữ tổ chức đi chơi ngày 8/3, các chị đã rủ nhau lên Thái Nguyên, ghé thăm "ông bà nhà L.O". Xưa khi mình còn làm chung, các anh/chị/bạn khí tượng cũng đã lên nhà chơi, gặp Ba Mẹ, về vẫn kể hoài thích cảnh thích người, nhưng thật là các chị lên lại lần này làm mình (và Ba Mẹ) cảm động hơn rất nhiều lần.

Party nội bộ ấm cúng, có tiệc nhẹ, có nhạc và văn nghệ cây nhà lá vườn. Không hiểu sao hôm nay vừa vào gặp đông đủ đồng nghiệp cũ với thật nhiều hoa và không khí rộn ràng, ký ức những năm tháng xưa chợt ùa về mình - chợt xúc động. Thời kỳ khó khăn nhất mình đã có được sự đón nhận quý mến bao bọc của đồng nghiệp ở chính nơi này. Nhớ chị Loan chở mình vòng quanh khu tập thể tìm hỏi nhà thuê. Nhớ khi trực ca người giúp đưa Mei người giúp đón Dim đi học, vướng ca sáng 6h sáng bác Tính bác Châm nhận Mei lũn cũn 3 tuổi từ mẹ, trông, lo cho ăn sáng rồi dắt đến trường, vướng ca chiều bạn Hà đón con trai đón giúp giùm Dim. Nhớ những tối bác Thư kêu ba mẹ con ghé bác ăn cơm, con ngồi chơi với chị Trang anh Hiếu mẹ ngồi nghe ông nói chuyện. Nhớ những khi trong tổ lặng lẽ phân nhau nhận làm đỡ những ca trùng cho mình đi học thi học bổng. Nhớ cả những đêm trực với các chị, thủ thỉ nói chuyện mãi hết khuya. Nhớ ngày mình đi xa học, mọi người tụ tập hát chia tay, mình hát "Đêm đông" và Thư đã khóc.

Dòng hồi ức cứ thế chảy về.

Mọi người tíu tít truyện trò, hò hát. Rồi đến lượt mình, ai đó quay qua bảo L.O. hát chứ. Cầm micro tự nhiên nước mắt chảy ra không sao chặn được. Hạnh - nhỏ bạn thân từ ngày cùng TSN đến giờ bảo "O làm em lây rồi, bắt đền đấy". Ừa sao hôm nay mình ủy mị thế chứ. Tự nhiên kỳ thế. Tự nhiên thế. Cứ như cái lu mọng. chạm vào là nước mắt chảy ra.


... Đi qua vườn trẻ chơi, ngỡ bầy chim đang hót
Ta nghe đời vui hơn những nghĩ suy một mình
Đi thăm người mới quen, một lần chưa nói hết
Chuyện dài của quê hương, hiểu nhiều càng yêu hơn

...Như truyện đã viết xong, mà lòng vẫn còn muốn nói thêm
Những giọt nước mắt ai lăn qua môi vừa cười.
Và, những được mất riêng một mình,
Đời người ai cũng có

Hãy cho nhau tình yêu
Hãy thương nhau thật nhiều...

*** dính dáng:
- NEW JOB
- Về Lana
- VÃN CHUYỆN VỚI NGƯỜI GIÀ

March 21, 2012

tản

Trời cứ âm âm u u, man mác thế nào...

Tự nhiên mình tản vụn, buồn một điều gì đó không rõ ràng.

Có một mâu thuẫn thế này: Khi ta sống trong một thế giới rất nhỏ, an lành, ta vô tư lự hơn, ngây ngô hơn mà trong trẻo hơn. Bước chân ra ngoài một chút, THẤY nhiều điều hơn, bất chợt ta thấy mình 'già' hơn, biết hơn, mà buồn hơn.

Thế nên, nhiều khi nhìn ra cuộc sống ngoài kia rộng lớn, tung tăng bước chân ra ít bước rồi lại muốn quay trở lại. Co mình.

March 19, 2012

'Văn hoá tự tử' và tuổi dậy thì

Hôm nay đọc bài này, rồi nhớ tới bài nàybài này
Những câu chuyện tương tự,
và lặp lại.
Xót xa
những nỗi xót xa,
những câu hỏi tại sao,
những cái tít báo chung chung "không thể lí giải".

Cũng phải nói nỗi xót xa, choáng váng, nỗi đau mất con của cha mẹ các em là vô cùng. Có lẽ vì vậy mà hôm nay trên báo hầu hết là đưa tin, rất ít những bài phân tích, những ý kiến, lời khuyên của các nhà tâm lý, bởi có vẻ như 'không đúng lúc'.

Còn khi đúng lúc thì thường người ta quên,
hoặc có thì hẳn là không nhiều người đọc.

Ai dám chắc tháng sau, năm sau, vài năm sau, một ngày nào đó... lại không có một câu chuyện tương tự khác? Lại nỗi đau, lại xót xa, lại "không thể lý giải".

Xem ra, ừa, tuổi học sinh, còn được cha mẹ nuôi ăn lại được đến trường, thì có khó khăn nào lớn đến bế tắc phải kết thúc cuộc đời cơ chứ. Ừa rõ ràng là so với những khó khăn trong xã hội người lớn, những nỗi buồn của các em nếu được giãi bày thì hiếm khi không có cách giải quyết.

NHƯNG, có một sự thật là ở tuổi các em, nhất là tuổi thay đổi tâm sinh lý dậy thì, những thất bại hay nỗi buồn (mà người lớn cho là nhỏ) lại có thể được các em cảm nhận là rất khủng khiếp, rất nghiêm trọng. Cần có người lớn gần gũi, gợi nghe, hiểu, tư vấn kịp thời, bởi nếu không, những suy nghĩ luẩn quẩn sẽ khiến các em dần cảm thấy bế tắc, mất phương hướng.

vắc xin, vắc xin.
'Vắc xin dậy thì' cài cắm sớm trước khi 'vi rút dậy thì' tấn công các em.

Mình thường (ráng) ngồi coi phim chung với Dim Mei (dù nhiều khi chẳng hiểu hết nội dung, vì có thích đâu), nhưng cái lợi là trong phim có rất nhiều tình huống để nhân cơ hội làm như bình lựng (tự nhiên) mà tranh thủ 'cài cắm xí vắc xin' (cố tình).
(chú thích: 'Bài này' mình học được từ đây (wink))

Mình ráng coi chung với hai nàng như vậy mấy phim Hàn Quốc, và vắc xin này có lẽ đã chích đến lượt thứ ba: "Mẹ có nhiều thiện cảm với Hàn Quốc, nhưng có một điều mẹ hoàn toàn không, đó là hình như ở đất nước ấy người ta có cái gọi là văn hóa tự tử. Thường xuyên thấy có tin ngôi sao này, diễn viên kia tự tử, rồi mọi người thương tiếc, rồi xót xa, hết sức xót xa. Không bao giờ thấy có một dòng phê phán.
Thế là, khi đau khổ, khó khăn, khi thất bại, thậm chí đôi khi chỉ là mong muốn lòng thương, người ta liền nghĩ đến tự tử. Rất nhiều vụ tự tử. Cả trên phim ảnh lẫn trên báo, đời thực.
Trong khi đó, chỉ riêng được sinh ra và trải nghiệm cuộc sống đã là một điều may mắn rồi. Công cha mẹ sinh ra, bốc chốc tự chết, như thế là quá thiếu trách nhiệm với bản thân mình và với người thân.
Khó khăn nào cũng có thể có hướng vượt qua. Người Nga có câu "Trong mọi hoàn cảnh vẫn có dù chỉ một lối thoát", chỉ cần ghi nhớ câu này để cố gắng tìm lối, còn nếu đã cố gắng hết sức mà không thể thì hãy tìm sự giúp đỡ. Vấn đề là tuyệt đối KHÔNG BAO GIỜ được có ý nghĩ về tự tử. Sau này, trong mọi trường hợp nếu lỡ gặp khó khăn, buồn khổ, Dim Mei hãy nhớ là đừng bao giờ cho mình có ý nghĩ đó".
Và nhất là, trong mọi trường hợp, hãy nhớ luôn có mẹ trọn vẹn thương yêu và bao dung.

*** Entry chung chủ đề:
- YÊU CON (1)

March 17, 2012

Thỏa thuận cho ước mơ

Sớm thứ 7. Mình mình với cà phê ở nhà. Quay lại với 'tổ hợp quen thuộc' dễ chịu mỗi sáng thứ 7: Cà phê và nhạc và tự do và Internet.
Đọc lan man các Blogs bạn. Ơn Trời cho mình sáng thứ 7 như thế này, giữa những tuần bận, để không 'đứt nối' khỏi bạn bè.
Gặp bài viết này của Land - một người trẻ rất trẻ và mình rất quý. Có đôi câu trong đó gợi làm nhớ câu chuyện này mà mình đã ghi lại (cất giữ):

Một tối như mọi tối, cả nhà kia ngồi quây quần chuyện trò về trường lớp, học hành, về chuyện ở trường Ams Hà Nội mỗi năm có rất nhiều các anh chị apply được học bổng du học.

Chị: - Con thích học ở Úc cơ.
Mẹ: - Ừ tốt quá... mẹ hiểu là chị đã ở Úc nên thích nơi đó. Thế (nháy nháy) đi Úc học xong thì có về VN không nhỉ?
- Có chứ.
Em: - Con thích đi Mỹ cơ. Con thích học ở Havard.
- Oh, giấc mơ Havard rất khó đây, rất rất khó í. Nhưng đúng, Havard là ước mơ của tất cả mọi người trên thế giới. Thế, (lại nháy nháy) học Havard xong thì có về VN không nhỉ?
- ... có.
(chữ 'có' trả lời này chậm và nhỏ hơn của chị nha).
- Ừa, mẹ phải công nhận rằng ở Úc và Mỹ tiến bộ văn minh hơn, phát triển hơn, nhiều cơ hội tốt hơn cho những người trẻ sống và làm việc. Nhưng lại nghĩ nếu ai giỏi cũng đi hết thì VN mình sẽ càng nghèo kém mãi...
- ...
- Mẹ nói vậy thôi. Các con học xong nếu có công việc tốt cuộc sống tốt thì ở lại cũng được. Ở lại có điều kiện học lên nữa, phấn đấu thành đạt hơn rồi về giúp đất nước cũng sẽ giúp được nhiều hơn. Ví dụ như GS Ngô Bảo Châu và nhiều người nữa cũng vậy. Miễn là vẫn nhớ về đất nước mình.
- Vâng.

Có vẻ như nhà kia đã đạt thỏa thuận cho các ước mơ, dù thỏa thuận chỉ là thỏa thuận mơ ước :D

------------------------------------------------
p.s Mình nghĩ là mình cần xin lỗi những người bạn mình đang sống ở nước ngoài, bởi rất hiểu mỗi người đều có lý do riêng để chọn nơi sinh sống. Mong bạn hiền hiểu rằng đây chỉ là câu chuyện của một người mẹ nói với hai đứa con sắp đến tuổi lớn, và chúng mới đang chỉ nhìn một hướng: 'đi'.

*** Có gì đó chung:
- ƯỚC MƠ NƯỚC MỸ

March 16, 2012

chiếc cặp lồng cơm

Mình thế nào lơ ngơ đi theo một chuyến 'Cơm thịt' - CCT, 'Gánh hàng xén' để rồi 'nhìn thấy' cái việc mọi người làm, không phải 'từ thiện', mà là làm 'anh Kim Đồng', chuyển đến bọn trẻ vùng cao tấm lòng, sự quan tâm của rất nhiều người, cả một chút trắc ẩn, một chút trách nhiệm tính toán để mỗi đồng đóng góp đều có hiệu quả, ý nghĩa, dù để làm được điều đó thì vất vả và mất thời gian hơn rất nhiều.
Rồi nhìn thấy những bếp ăn chung được gầy dựng từ hỗ trợ của CCT, bọn trẻ lít nhít Mẫu giáo (Mầm non) ngồi thành dãy bàn ăn cơm với rau với thịt, ấm lòng.
Nhưng lại lơ ngơ ghé Tiểu học vốn sát vách với lớp Mẫu giáo để nhìn thấy những chiếc cặp lồng cơm các em bé 7 tuổi, 8 tuổi, 9 tuổi... mang theo đến lớp, chút cơm nguội rời rạc, không thịt không rau. Đắng đót. Vì nhiều lý do, CCT chưa thể triển khai cho các bé tiểu học bán trú này.

Năm nay Dim thi vào cấp 3. Đi vùng cao lần này về, mình tự nhủ sẽ tạm 'quên' bọn trẻ miền núi một thời gian để tập trung cho kỳ thi của Dim. Vậy mà hôm qua, tức là sau chuyến đi đã 7 ngày, làm về hơi sớm nên tự tay nấu bữa tối, ngồi xuống bữa cơm với tôm ram, rau xanh xào tỏi, rau sống - canh chua thịt nóng sốt, mình chợt thờ người bật ra thành tiếng:
- Được ăn bữa cơm ấm nóng đồ ăn ngon thế này, tự nhiên mẹ thương chiếc cặp lồng cơm trưa của em bé Hán Nắng quá. Giá như chỉ lần trước, nhìn thấy một lần, mẹ có thể nghĩ bữa mẹ đến vô tình phải ngày nhà em í không có đồ ăn. Nhưng lần này quay lại đúng trường ấy, vẫn em bé ấy, cái cặp lồng vẫn i thế, nắm cơm nguội ngất ngơ không có gì. Mẹ biết là chiếc cặp lồng của em thường xuyên như vậy...

Mình biết mình đã làm cả nhà, Tuyết Dim Mei lặng đi một lúc.
Thật sự là mình đã bị ám ảnh.
Bài viết này, những bức hình này, thật sự mình đã viết dở khi về, rồi cất đi, hầu mong mình có thể quên...


Bữa trưa chỉ chút xíu cơm không...


... hoặc 'giàu có' hơn: với gừng, và muối

Xưa giờ mình chỉ có một thời gian ngắn dùng đến chiếc cặp lồng cơm, đấy là thời kỳ Dim Mei nhỏ, mình tông tốc lo hai con và đi làm ca. Ca trực đêm của mình hồi ở Tân Sơn Nhất bắt đầu lúc 6h tối, phải có mặt trước ít nhất 5 phút, đón con đi học về là vội vàng chạy đi làm chỉ kịp đem theo cơm trong cặp lồng.
Cho đến giờ mình chỉ còn nhớ là cơm cặp lồng thật khó ăn. Nguội. Không canh. Dù bỏ vô đó đồ ăn hợp vị, thêm cả nước sốt, thì vẫn chẳng thể nào có cái cảm giác gọi là ngon miệng, chỉ là ráng nhai ráng nuốt để có cơm vào bụng chống đói đêm khi làm việc.

Lâu lắm mình mới lại thấy nhiều những chiếc cặp lồng cơm.
Những chiếc cặp lồng cơm nguội.
Không canh.
Không đạm.
Không nước sốt.

Lúc về qua thị trấn Mường Hum, xe dừng nghỉ, mình nhìn thấy tiệm tạp hóa có bày mẹt cá khô, loại cá nhỏ bằng ngón tay thôi. Hỏi, chị bán hàng bảo 60 ngàn một ký. Mình nhìn lượng một ký được khoảng 40 con, nghĩa là 1 ngàn rưỡi một con cá khô nhỏ. Chợt ước trong đầu giá như mỗi ngày mỗi chiếc cặp lồng đó có một con cá nhỏ bằng ngón tay ấy thôi, nướng hay kho mặn, hay thậm chí chỉ một muỗng muối vừng, thì miếng cơm cũng đằm miệng bé.

Lần đầu tiên mình ước mình giàu hơn hiện tại...

*** Bài liên quan:
- MỘT CHUYẾN ĐI DÀI (1)

March 13, 2012

mẹ con

Mẹ về sau hai ngày đi vắng. Ngấm mệt.

Sáng dậy, còn sớm chưa đến giờ đi học đi làm.
- Mẹ ơi hôm qua Dim đã nói với mẹ chưa nhỉ, bài văn viết cảm nhận về một truyện ngắn Dim được 9 điểm.
(Là muốn làm 'người ta' vui đấy. 'Người ta' thích thật, tất nhiên không hẳn vì điểm 9) - Giỏi quá. wow, Văn 9! Thế Dim viết cảm nhận về truyện gì?
- "Bến quê" mẹ ạ.
- Vậy là đề cô cho, chứ không phải truyện mình tự chọn à?
- Vâng, truyện trong sách giáo khoa mẹ ạ.
- Oh giá mà cô cho viết về một cuốn sách hay truyện tự đọc thì chắc Dim được 10 í nhỉ (nháy nháy).
(e lệ) - hì,
(ôm).
- Mẹ xin lỗi hôm qua Dim kể chuyện lớp mà mẹ mệt quá với lại buồn ngủ, nên không tập trung...
- Không sao ạ.
- Thế bạn Linh (bạn thân Dim) bạn í nói gì về chuyện ấy (Hỏi 'nghệ thuật' là vì mập mờ, hôm qua mệt nghe tai này ra tai kia, đang ráng 'hối lỗi').
- Linh bảo bỏ qua. Linh đứng trung gian.
- ừa..., mẹ cũng nghĩ con bỏ qua. Con cứ thiện chí với Tr. Anh.
- Không con không cần. Tr. Anh tự nhiên khó chịu rồi nói xấu con, con làm sao chủ động chơi với bạn í được.
- Ừ mẹ đồng ý, nếu bạn không thích chơi với mình thì mình không nhất thiết phải cố gắng làm thân. Í mẹ là Tr. Anh tự nhiên khó chịu như vậy hẳn phải có nguyên do, nhiều khi là do bạn hiểu lầm điều gì đó. Hay là con xử sự cao hơn một chút, con chủ động hỏi bạn vì sao bạn lại xử sự như vậy. Nếu do hiểu lầm thì đỡ mất tình bạn, vì năm cuối cấp rồi, tách nhau mất vui và sẽ thành kỷ niệm không đẹp.
- ...
(lại ôm).

Tối, cọ cọ Mei: - Mei ơi nhổ tóc...!
(nàng làm bộ nhăn nhó) - ...
- Nhiều tóc trắng lắm rồi nhé, Mei bỏ bê mẹ quá nhé. Hôm nay cô Hiền cơ quan mẹ nhìn thấy nhổ cho mẹ một chiếc đấy. hừ, có con gái mà thế đấy.
(chìa tay) - Nào mẹ đưa nhíp đây.
Loáng một cái hai mẹ con đã đếm được 15 cái tóc trắng ngắn ngắn.
- Mẹ già rồi
Mei: - Chưa già.
- Già rồi, nhiều tóc trắng thế này là già rồi.
- Chưa... ưa!
- Già rồi. Lần trước Mei nhổ mãi lâu mới được 5 chiếc. Lần này vèo một cái đã 15 chiếc. Chả già thì gì.
(nhẩn nha) - sao lại cứ nghĩ hướng ấy, phải nghĩ là Mei nhổ giỏi hơn chứ.
((câu góp ý nhá, không chủ ngữ hẳn hoi nhá :D).
(smile).

March 12, 2012

ai lên Tây Bắc (2) + kết giỏ

Thật là không biết bắt đầu từ đâu và kể chuyện gì, dù đến mỗi điểm dọc chuyến đi lại có bao nhiêu chuyện để kể, để chia sẻ, ít nhất là với Giỏ thị, với bạn hiền ghé blog, với hai cô bạn tình nguyện viên Giỏ mình thật nhiệt tình dễ thương, đăng ký đi rồi đến ngày cuối đành ở nhà vì không thể theo đoàn, tối ngày kêu tiếc lắm Lana kể chuyện đi cho tụi em hóng với.

Để dễ hình dung, nhà mình tưởng tượng thế này: Gánh hàng đi đến ba điểm trường tại ba xã Tả Gia Khâu (Mường Khương), Pa Cheo và Sàng Ma Sáo (Bát Xát) đều thuộc vùng núi tỉnh Lào Cai. Tại mỗi xã có một điểm trường chính và từ đây tỏa ra các điểm trường cắm bản: TGK 9 điểm, Pa Cheo 6 điểm và SMS có 12 điểm bản. Các trường chính thường được trường xây, có điện, có nước (phập phù, nhưng có), và đường ô tô đến tận nơi. Điểm bản thì khỏi nói, đường xá cheo leo, xa hút, đoàn phải báo trước để nhờ các thầy cô bố trí huy động người chở giúp hoặc dẫn đường vào bản. Rất nhiều điểm trường bản không điện, nguồn nước khó khăn, thiếu giáo viên, trường lớp tạm bợ, cuộc sống nghèo, những đứa trẻ bên đường lấm lem.

Hai xe chở hàng đi trước để đưa hàng đến các điểm trường chính. Người thì ngoài một số chủ chốt của đoàn (Thủy Sống Chậm, Tuấn HAT, chị Thùy Linh...) và các chủ tình nguyện 'bao' xe là đi suốt chuyến tới cả ba điểm, còn lại đi theo kiểu tiếp sức, mỗi nhóm phụ trách chính một điểm xã. Nhóm đi Tả Gia Khâu xuất phát trước, về trước. Nhóm này có vợ chồng bạn Ma Xó, bạn Hà Bánh mì, và một số tình nguyện viên.

Lana và ba bạn gái Hương OceanMedia và Khanh + Thu WHO đi tàu đêm lên Lào Cai sau rồi bắt xe đò vào Sapa cặp đoàn vào Pa Cheo và Sàng Ma Sáo. Tới Pa Cheo, Lana muốn đi thăm lại điểm bản Hán Nắng, cũng lại là tên có kinh nghiệm rồi nên Thủy SC (vừa là trưởng gánh vừa phụ trách Pa Cheo) phân công Lana một mình đi Hán Nắng luôn. Thầy giáo Minh dạy cấp II Pa Cheo là người chở xe máy Lana vào Hán Nắng lần trước, thấy đoàn lên đã gọi liền "lần này cô Lana có lên không ạ? cô đến Pa Cheo thì gọi em sẽ ra đón cô".
Minh nhà ở một thị trấn cách Pa Cheo 40km, học ra trường là lên dạy cấp II ở đây mới được hơn nửa năm, chưa có gia đình. Minh bảo khó kiếm người yêu lắm cô, em cứ ở biền biệt trên này mấy tuần mới về nhà một lần. Hồi đầu mới lên nhận công tác tưởng mình không trụ nổi, thế rồi gắn bó, yêu nghề, cũng quen.
Lần này đến Pa Cheo Minh lại nhận chở lên Hán Nắng, cùng mình và các cô giáo Hán Nắng chia quà, chơi với bọn trẻ mầm non và tiểu học xong rồi lại chở mình về trường chính. Mình biết lý do để mình thấy gần gũi và muốn quay lại nơi này ngoài bọn trẻ chính là các thầy cô, là tình người miền núi, giản đơn mà ấm áp chân thật đến nao lòng như vậy.

Trời bữa đó nắng mới, bọn trẻ nhìn đỡ rét, tung tăng rất yêu. Ở Hán Nắng có cô giáo Liên tre trẻ dạy mầm non, nhỏ nhắn và hiền, chưa có người yêu, mình bảo: Cô giáo Liên mà thương thầy Minh, đám cưới thế nào chị Lana cũng lên tận nơi. Chị hứa.
Trường Mầm non ở kế bên tiểu học, bữa trưa có cơm thịt của bác Tuấn, cái bụng bọn trẻ ấm hơn nhiều

Vườn rau tăng gia xanh mướt của các cô giáo cắm bản Hán Nắng phụ chung 'Cơm có thịt'. Cô giáo Liên mặc áo đỏ

Chia kẹo, dặn dò lít nhít mầm non xong, mình qua bên Tiểu học. Ghé vào lớp 4 tìm cô bé địu em đi học mình gặp lần trước, không thấy. Hỏi thăm cô giáo, cô bảo hôm nay em nghỉ, không rõ vì sao. Có điều gì như nuối tiếc.
Rồi mình qua lớp 3. Vẫn những cô bé cậu bé ấy. Vẫn chiếc cặp lồng ấy. Vẫn chỉ có cơm trắng. Về, lòng cứ ám ảnh mãi về những chiếc cặp lồng lắc lư chút cơm không nguội ngơ đi học, đến nỗi, bài đầu tiên mình mở blog khi về là muốn viết về những chiếc cặp lồng, mà lại thôi, cất sau.

Tiểu học Hán Nắng hôm nay có quà là mỗi bạn một áo ấm (cũ nhưng còn tốt), khăn ấm, và một bộ pijama mới rất xinh của Gánh Hàng xén gởi tặng. Ôi chao là thích. Sân trường ấm nóng, mình phải lột bỏ cái áo pull dài tay và mặc quần lửng, vậy mà bọn trẻ nhận áo là mặc vô liền, xúng xính. Niềm vui giản dị tràn vào lòng mình...
Em bé Hán Nắng với cặp lồng cơm của mình đang ôm chặt chiếc áo khoác màu vàng gà con vừa được nhận, đứng thứ hai từ phải qua

Về coi lại hình mới phát hiện ra áo ấm hơi dài rộng lại tốt vì giúp che được phần nào những ống quần đã thủng gối hoặc rách toạc

Rất ngại chụp những hình kiểu 'trao trao khoe khoe' dư lày, nhưng tủ thuốc cho các điểm trường lần này thật sự là gói hàng rất hữu ích, lại là công của nhóm này và bạn Khanh WHO, mình chỉ làm 'anh Kim Đồng' trung chuyển, nên 'chụp hở, ok, chụp' :D

-------------------------------------------------------------------------
Việc cần làm: Tổng kết Giỏ thị, update đến 12/3/2012

1) Ngăn Áo ấm:
*** Thu: Tổng thu tính tới 12/03/2012 là 750 USD + 35,437,000 vnđ, tương đương 51,037,000 vnđ (1), cụ thể:
+ Đợt áo ấm Tết cho trẻ SMS còn lại 250 USD + 14,130,000 vnđ.
+ 2,000,000 vnđ tiền xe chuyến trước dự chi, được chủ xe ủng hộ không thu tiền
+ 500 USD + 19,307,000 vnđ do các bạn:
Hoàng Ly (HN), Nhóm bạn Cap-BM-Thy-mẹ Bợm, Phụng - Pat, Trăng Quê, Quỳnh Ni (ĐN), Ngọc - Dũng (Melbourne), nhóm bạn Linh webtretho, Capre Diem, Đỗ Quyên (HN), nhóm OceanMedia, Khanh TSN, và một bạn chưa rõ tên (chi tiết chuyển tiền: 'IBVCB.0803120166785001. ung ho quy Gio thi).
Phần chi tiết từng số tiền cụ thể, theo 'thỏa thuận' của Giỏ thị, Lana gởi theo file excel qua email chung tới những cổ đông của Giỏ. Bà con mình check hộp mail mà mỗi người đã dùng để liên lạc với Lana khi chuyển tiền về Giỏ nha.

Xin hỏi có ai góp thị thơm giúp Giỏ mà không thấy tên ở đây hoặc không nhận được email chung của Giỏ làm ơn nhắn qua comment hoặc email cho lana.nguyen2@gmail.com để cùng check nha, phòng khi sơ sót khi chuyển tiền hoặc ghi nhận bị thiếu.

*** Chi: Đợt này ngoài quần áo cũ trẻ em do một số bạn trong nhóm ủng hộ, Giỏ thị đã góp vào Gánh Hàng Xén lên Bát Xát vở + đồ dùng học tập cho 575 học sinh tiểu học SMS + đồ làm bếp cho 12 bếp Mầm non SMS và 9 bếp Mầm non Tả Gia Khâu. Những điểm này đang được Quỹ "Cơm có thịt" hỗ trợ tiền lo bữa ăn trưa đều đặn cho các bé. Gánh hàng mang thêm đồ làm bếp để phụ giúp và động viên các cô cùng chung tay giúp bữa ăn đều đặn mỗi ngày cho trẻ. Như vậy thì giúp được nhiều hơn là một gói cơm hay một manh áo, một lần.

Cụ thể chi (Lana đã gởi file excel qua email chung Giỏ thị) như sau:
- Phần đồ dùng học tập cho các con SMS (mua được giá đại lý chính thức của Hồng Hà và Thiên Long, số lượng nhiều và khi biết mua cho trẻ vùng cao đại lý còn khấu trừ thêm phần trăm nữa):
+ bạn Cún Bông (thuyhang5678 at gmail_com) mua 3480 bút bi và bút kim Thiên Long, 45 hộp sáp màu, 40 ram giấy A4 hết 9,132,000 vnđ;
+ bạn Đỗ Quyên (doquyen214 at yahoo_co_uk) mua 2000 cuốn tập Hồng Hà 48tr, 150 bộ viết chì + gôm + 20 gọt viết chì, 575 bộ thước kẻ - ê kê 4 món, 50 hộp phấn không bụi cho thầy cô, tổng cộng hết 12,004,500 vnđ;
- Phần đồ bếp cho TGK và SMS:
+ bạn Cún Bông (thuyhang5678 at gmail_com) mua toàn bộ số chậu nhôm / chậu nhựa / rổ, rá nhựa cho 9 bếp MN TGK và 11 bếp MN SMS hết 4,179,000 vnđ; 9 bộ dao cho MN TGK hết 675,000 vnđ; 23 bình đựng nước uống 20l hết 966,000 vnđ;
+ Cô Quỳnh MN SMS (mnsangmasao at gmail_com) đặt mua 12 bộ dao-thớt cho MN SMS, 30 nồi chia cơm canh, 12 + 2(bổ sung) thùng chứa nước sạch 180l + 200,000 vnđ tiền vận chuyển, tổng cộng hết 8,420,000 vnđ;
- Lana (lana.nguyen2 at gmail_com) mua 23 phần hộp kim chỉ cho MN TGK, MN SMS và hai nhóm nội trú tiểu học (kéo cắt vải, kéo bấm, kim(s) + chỉ(s), nút áo/ quần, thun, khóa kéo, ghim băng...) hết 1,526,000 vnđ.

Tổng chi là 36,903,000 vnđ (2),
*** Hiện trong "ngăn Áo ấm" còn số thị là (1) - (2) = 14,134,000 vnđ (3).

Cảm ơn bạn hiền thật nhiều. Giỏ thị mình cùng vui vì những trái thị thơm thảo đang góp phần làm một điều gì đó có ý nghĩa, và hiệu quả, dù nhỏ thôi.

2) Ngăn "Giỏ thị cho Cơm thịt" xin mở lại đón thị cho kỳ thứ 3 (Lana sẽ gom Giỏ gởi qua Quỹ Cơm thịt vào đầu tháng 4/2011). Hiện trong ngăn "Giỏ thị cho Cơm thịt" đang có 340USD + 5,581,000 vnđ (4) (giữ giùm các bạn chuyển theo năm, trong đó phần giữ lại cho kỳ 4 là 170 USD và 600,000 vnđ)
.

ai nhà mình cần lại thông tin TK của Giỏ email cho Lana nhé lana.nguyen2@gmail.com.
Mến nhiều
.

*** Có thể bạn muốn đọc:
- "CƠM THỊT", GÁNH HÀNG XÉN, VÀ GIỎ THỊ
- ganhhangxen: "Báo cáo tổng kết phiên chợ Tả Gia Khâu - Pa Cheo - Sàng Ma Sáo"
- EM CHÀO CHỊ NA

March 08, 2012

ai lên Tây Bắc

Đi Tây Bắc lu bu với việc chính nên bỏ qua nhiều khung hình muốn chia sẻ lắm. Cả đoàn ai cũng vậy, lo chia quà, nói chuyện với các 'lít nhít' trước rồi mới đến ghi lưu, nên mỗi máy chỉ có một chút, hẹn nhau khi cùng về HN sẽ chia sẻ 'của cải' là hình. Gởi vội cả nhà một chút hình Lana chụp, đợi hình máy bạn rồi sẽ bốt dần chia sẻ Tây Bắc với cả nhà mến quý.
Đất:
Pa Cheo - Bát Xát, 03-2012

Người,
Pa Cheo, 03-2012

Lối đi
để tới bản Nậm Pẻn I,

... Nậm Pẻn II - Sàng Ma Sáo - Bát Xát, 03-2012

mầm non,
sân trường Mầm non + Tiểu học Pa Cheo, điểm trường chính, 03-2012

Và... gì?
---------------------------------------------------------------
Hán Nắng (Pa Cheo, Bát Xát, Lào Cai, 03-2012):
Ở trên này, hầu như đến lớp nào cũng thấy có những 'trứng vịt' (anh, chị) đi học ấp theo 'trứng gà' (em) để bố mẹ còn lên nương. Mình không còn vỡ cảm xúc như lần đầu gặp cô bé địu em đi học (cũng tại Hán Nắng này), ngược lại từ trước khi đi đoàn đã bảo nhau chuẩn bị dư dôi chút quần áo em bé, bánh, kẹo... để đỡ những nước mắt vì 'không còn gì trong tay' khi gặp những đứa trẻ 'ngoài danh sách dự kiến'.
Bữa nay được nhiều quà, phần áo khoác (cũ) anh nhận cho mình, phần bộ đồ vải (mới) anh xin lấy cỡ nhỏ để cho em

Một 'trứng gà' khác bám theo 'trứng vịt' đến lớp, thấy người lạ em trốn và khóc
'Người lạ' lân la dỗ bằng kẹo,
mon men tiến thêm một bước nữa (áo xinh nè con):
Hợp tác rồi nhá
nào, cho đủ bộ nào
giờ thì cho chụp hình chung luôn
Quay qua quay lại, đã thấy ba bạn này ríu rít chạy về từ phía sau lớp, hóa ra kịp rủ nhau đi thay đồ mới, liền xin chụp một tấm hình:
sân trường Hán Nắng (xã Pa Cheo) giờ đã thành 'chốn quen'

---------------------------------------------------------------
Sàng Ma Sáo, Bát Xát, 03-2012:
"Dạ cháu thích ủng mới" (Trường cắm bản Nậm Pẻn II, SMS)

'Sân trường' Nậm Pẻn II là một cái hõm đất tạm gọi bằng phẳng, nhỏ xíu

Lớp học của các con chỉ cách chuồng trâu cái 'sân trường' nhỏ đến khó tin và một bức dậu nan. Vì sân quá hẹp, để chụp được bức hình này mình phải trèo qua phía sau bức dậu, nhón đứng trên bãi phân trâu (may mà) khô, ráng nín thở mà mùi phân gia súc vẫn xộc tới óc

cheo leo ngay bên khoảnh sân là lớp mầm non Nậm Pẻn II, các bé nhận quà xong cùng cha mẹ ra đứng ngó xuống các anh chị. Nghe một bạn cùng đoàn hỏi cô giáo "cao thế này, ngày mưa trơn lắm, có bé nào ngã ở đây chưa?"

Ở vùng cao, theo chương trình phổ cập giáo dục, mỗi xã đều có một trường Tiểu học, điểm trường chính được Nhà nước đầu tư lớp xây nền gạch, cơ sở khang trang. Nhưng xa thì trẻ con không đi học nên ở mỗi bản trong xã lại phải tổ chức lớp cắm bản, các thầy cô phải ăn ở đó luôn để bám lớp bám trò. Vậy mà hỏi thầy cô Sàng Ma Sáo được biết số học sinh thật sự muốn học và có điều kiện đi học chỉ chiếm khoảng 40%. Lớp nhỏ còn đỡ, lớp 4 lớp 5 trở đi nhiều em chỉ đến lớp buổi sáng rồi tự nghỉ về giúp cha mẹ việc nhà hoặc trên nương. Các thầy cô bảo, từ sau đợt các bác ("Cơm thịt", Gánh Hàng xén, Giỏ thị,...) gởi áo ấm Tết, các thầy cô đỡ vất vả hơn nhiều vì bớt phải lặn lội vào từng nhà gọi học sinh đi học.
"Các con nhớ phải đi học đều để có cái chữ, để hết đói nghèo. Đi học đủ thì các cô các bác sẽ lên thăm nữa, mang thêm sách vở và quà, các con có hứa không?" - "dạ có ạ" (Trường chính tiểu học SMS, 03-2012)

Lại một 'trứng gà' trong lớp 'trứng vịt'

tia sáng trên đường về


*** Cùng về một chuyến đi:

March 05, 2012

status


Nhớ blog mình quá.
Nhớ blog bạn(s) quá.