May 31, 2012

Thông báo: website Giỏ thị

Xin lỗi cả nhà vì cái entry hôm qua tâm trạng thật chùng nên xin cất lại cho riêng. Khi buồn hay viết mà là do mình tự chọn buồn. Cảm ơn những cái bắt tay ấm áp của bạn bè thật nhiều.

Xin thông báo về website của Giỏ thị mở tại địa chỉ giothi.blogspot.com, từ nay thông tin, hình ảnh, bài viết của các bạn trong Giỏ sẽ được chia sẻ chung ở đó, nói thật lòng đôi khi Lana cũng ngại đưa quá nhiều thông tin đóng góp hay các chuyến đi lên Blog cá nhân, ngại hiểu lầm.

Tất cả những bạn đã góp chung với Giỏ thị đều có ID và password vào trang soạn thảo của Giỏ (đã gởi qua email) để chia sẻ những thông tin nội bộ về con số đóng góp chi tiết, minh bạch Giỏ hàng tháng và những thông tin nội bộ khác. ID và password này cũng để truy cập vào hộp email chung của Giỏ, thuận tiện hơn rất nhiều cho việc kiểm soát Quỹ theo nhóm và chia sẻ thông tin.

Các bạn đã từng ít nhất môt lần đóng góp Giỏ làm ơn check mail để lấy ID và Pass hộp thư và website của Giỏ. Nhờ các bạn check cả hộp bulk mail phòng khi thư nhóm bị nhà mạng xếp vào spam. Ai không nhận được làm ơn comment ở đây hoặc email cho Lana.
Mời cả nhà ghé thăm Blog của Giỏ thị và đóng góp ý kiến cho nhóm xây dựng trang web. Mến cảm ơn bà con.

May 30, 2012

Dạo này (5)

Dạo này như người bị ngơ, tìm cái gì để làm bận mà chẳng có cái gì ra tên. Trời không đẹp không xấu. Việc không nhàn không bận. Người không biết mình vui hay buồn.

Dạo này sút 2 ký. Không biết vì vào hè nóng nực hay vì đổi lịch hàng ngày, thay vì thong thả xe bus đi làm xe bus về thì chạy xe máy tông tốc để về còn đón đưa Dim học thêm thi vào cấp 3. Dim chỉ còn gần 1 tháng nữa là thi. Sau đó là kỳ nghỉ hè dài. Mình đi đi lại lại hè cũng chẳng gain ký lại được bao giờ. Thôi để đến mùa mát cuối năm gain lại. Kệ đi.

Mei nghỉ hè gần một tuần trước, ngay ngày đầu tiên ở nhà đã kêu buồn. Mình không thể ích kỷ giữ em vì cả ngày đi làm chiều tối mới về, ừa cho em lên ông bà. Tuyết đi học đi làm 2 job tối ngày, nhà còn mình với Dim. Vắng vẻ đến hụt hẫng.

Một người thân nói mình dạo này khác nhiều. Đâu biết nói sao, mọi thứ ở mình đứng yên, duy chỉ chính mình bất ổn. Lại gán cho vì Dim Mei lớn nhanh quá, tách ra nhanh quá, khoảng trống trải làm nghĩ xa xôi. Lại mơ quãng tháng năm ung dung tự tại mỗi ngày, vui mỗi ngày, hạnh phúc với mỗi ngày, kệ xa mờ phía trước.

Thì thôi nghĩ cuộc đời như con sóng, có lúc nổi có lúc lặng chìm, rồi cũng sẽ trở về bình yên...

May 27, 2012

Chuyện Lavender

Hôm qua có cuộc ngồi cà phê nhóm trong đó có một người anh quen thân từ nhỏ. Mình giới thiệu đây là ông anh thương quý mình còn hơn một đứa em gái ruột; mẹ anh vừa là cô giáo dạy toán của mình ở trường vừa là người 'đỡ đầu' dạy dỗ hướng dẫn mình suốt thời học phổ thông. Rồi kèm thêm câu: Xưa giờ chỉ có một lần anh làm em khóc.

Năm 2004 mình thi học bổng cao học qua Úc. Lấy cớ có người bạn thân có thời gian dài học bên Úc có thể có nhiều thông tin hữu ích, anh Bắc hẹn dẫn mình gặp bạn, thật tình là kín đáo làm quen mình với bạn anh tên T. Người ấy có thiện cảm với mình (cảm nhận phụ nữ nói vậy). Cả mình và T độc thân. Mình cũng có thiện cảm với anh. Cái cảm giác được ngồi sau xe máy của một người đàn ông mà giữa họ với mình có thiện cảm ngầm hiểu với mình khi đó là một luồng gió ấm.
Nhưng thời điểm đó mình mọi thứ thật chấp chênh. Dim Mei còn ngơ ngác. Mình khi đó không thể hình dung cho mình con đường phía trước sẽ thế nào, trong tay chỉ có một công việc và khóa học 2 năm ở một đất nước khác dù gần như đã quyết học xong sẽ về nước. Thật sự là có nhiều điều để cần nói và được nghe trước khi dám từ một mối thiện cảm quý mến trở thành gắn kết.
Trước ngày bay 2 ngày mình gởi Dim Mei lên ông bà rồi cùng Huệ Oanh em gái quay xuống HN khi ngày đã muộn. Khi đó nhà thuê ở HN đã trả. Còn một list việc phải thu xếp trước chuyến đi dài. Khoảnh khắc được tạm nghỉ trên xe mình chợt lấy máy gọi T, đầu kia "…Anh tưởng em đi một mình thì anh muốn mời em về nhà anh chơi biết nhà". Một chút gì đó nháy vào tim, quay qua em gái bên cạnh, nhìn ra ngoài xe trời tối, chẳng hiểu bằng cách nào mình trở lại cái giọng hơi pha đùa như-lúc-nào-cũng-vậy "Ơ em tưởng đi cùng em gái cũng mời tới chơi được chứ". Đại loại thế, hơi confusing. Rồi mình đi. Lâu lâu hai anh em email hỏi thăm nói chuyện, không nhiều. Mình email như 'em gái cậu bạn'. Anh cũng dừng ở sự quý mến (sau này thì mình hiểu vì sao).
Lần 'lộ' duy nhất của mình là khi một người bạn ở Úc về VN mình rủ Chi Mai bạn share nhà đi mua quà về VN. 3 món quà mình gửi anh Bắc: con Kangaroo nhồi bông tặng cu Bi con anh, hoa lavender khô trong một cái hộp nhỏ tặng anh T, và một món quà lưu niệm tặng anh H. nhóm 3 thân của họ. Bữa đó mình cùng cô bạn đi bộ mãi mới gặp được chiếc hộp Lavender dễ thương cả hai đứa đều thích, nói thật nó không quá mắc nhưng thời đó tụi mình tiết kiệm, thích cũng không đứa nào dám mua thêm một hộp cho riêng mình.

Món quà ấy, người tinh thì 'đọc' được nó chứa theo gì (giá mà không!)

Chỉ ít lâu sau Lavender, một sáng sớm mình nhận được tin nhắn từ VN (hơi bất thường). Hấp tấp mở đọc, thấy Anh B báo chỉ 3 chữ "anh T cưới". Mình đủ thân để hiểu anh Bắc bất ngờ, không hề biết bạn anh có bạn gái để cưới vợ. Đàn ông bạn thân cũng không mấy khi tâm sự chuyện riêng.
Hai anh em chát. Anh Bắc kể 'cô dâu' hơn T 4 tuổi, tức là chị hơn mình nhiều tuổi và năm đó chị đã giữa U50. Họ quen nhau 10 năm trước khi cưới chính thức.
Mình khóc. Vẫn nhớ mình nói với anh Bắc như một đứa em òa lên "em đang khóc", nhớ anh viết lại "anh rất xót xa khi thấy em gái mình khóc". Thật sự là khoảnh khắc ấy nước mắt cứ chảy ra, vì rất nhiều điều.
Mất hai tuần ngẩn ngơ vì những câu hỏi tự mình về cuộc sống. Chỉ có Chi Mai ở cùng hiểu rõ cái ngẩn ngơ của mình không phải vì tiếc nuối. Hắn nửa thật nửa đùa trêu để cười "em thì chỉ tiếc mỗi hộp Lavender".

Bẵng đi gần đây một lần anh Bắc gọi điện cho mình kể anh mới nghe chị H vợ anh T bị ung thư vú, vừa mổ. Mình nói anh Bắc bữa nào tới thăm chị cho mình theo cùng. Bữa hai anh em ghé chị vừa ra viện sau phẫu thuật. Lần đầu gặp mình bị ấn tượng mạnh về con người mạnh mẽ và nghị lực ở chị: tươi tỉnh ra ngồi với khách, cười, chuyện, không chút nào nhăn nhó vì đau đớn hay u uất suy sụp tinh thần, cứ như chị chỉ vừa qua một cơn sốt cảm chứ không phải vừa trải qua ca mổ cắt và phía trước là sự chiến đấu với căn bệnh ai cũng sợ hãi.

Lại nhớ Thanh Mai nhỏ bạn thân mình một lần sau này hai đứa gặp nhau nghe mình kể lại nó nói "nếu bữa đó mày đi một mình và đến biết đâu đã không có đám cưới ấy". Lạ là mình không hề nghĩ về điều này. Với mình, mỗi câu chuyện chỉ là nó ở thời điểm của nó mà thôi.

Cho nên nói anh Bắc 'anh làm em khóc' là nhõng nhẽo của đứa em gái được quý yêu, thật sự mình đã khóc mất một giờ, ngơ ngẩn mất hai tuần, từ đó là nhẹ nhõm. Thật lòng mình luôn cảm ơn ông Trời vì những sắp xếp của Người trong câu chuyện này, nếu có thể gọi đó là một câu chuyện...

*** Có thể bạn muốn đọc:
- VỀ LANA

May 24, 2012

Những đứa trẻ anh chị em



Bạn hãy đừng bỏ qua video này. Đây là clip về câu chuyện những tình nguyện viên của San Damiano Foundation năm 2007 đã tìm thấy ba chị em Sam, Esther và Jane ở một vùng đất nghèo miền đông Uganda. Tiếng nức nở không thể kìm của một tình nguyện viên, việc bé chị (8 tuổi) chăm sóc 2 đứa em lê lết trên nền đất. Đặc biệt là cô bé khi nhận bánh của những người khách đã cho 2 đứa em ăn trước rồi mới lấy cho mình dù chính cô cũng rất đói. Người dẫn chuyện trong clip nói "không thể tưởng tượng nổi làm sao một đứa bé nhỏ vậy mà đã biết cần phải làm gì và làm thế nào".
Sau khi được cho ăn, hai đứa bé em ngồi dậy được, người phụ nữ trong đoàn tình nguyện đã thảng thốt kêu lên "they're just staving, just staving" (đơn giản là chúng bị đói, chúng bị đói)...
Ba chị em sau đó được đưa về cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi của một tổ chức phi lợi nhuận, được chăm sóc, đùm bọc, và được học hành (link). Cái kết cảm động và thật có hậu.

Mình coi clip lại nhớ tới hai anh em mồ côi mẹ Tráng A Trao (7 tuổi) và Tráng Thị Lan (5 tuổi) chuyến đi cơm thịt gặp ở Mầm Non Dền Thàng. Mẹ của hai bé trước đó là lao động chính nuôi cả nhà bằng cách qua Trung Quốc làm thuê, rồi mắc một căn bệnh gì không rõ, về nhà nằm hơn một tháng thì chết cuối 2011 (Dền Thàng là xã thuộc Bát Xát, Lào Cai, rất gần biên giới với TQ). Bố của hai em như cô giáo kể là 'hơi chậm, không được như người bình thường' chỉ làm thuê lặt vặt ai gọi gì làm nấy, vợ chết chới với không nuôi nổi hai đứa con.
Mình để ý đến Trao vì cậu bé quá bé nhỏ so với các bạn trong lớp và hơi ngơ ngác. Hỏi cô giáo mới được biết cậu bé đã 7 tuổi quá tuổi mẫu giáo, không có tên trong danh sách của trường. Tuy 7 tuổi nhưng hai chân hơi yếu, lại còi nhỏ và hơi chậm nên không học tiểu học được, ngày ngày theo em gái đến lớp Mầm non. Đi đâu cậu anh cũng đi theo đứa em, ngay cả trong lớp chúng cũng luôn ngồi cạnh nhau. Mầm non Dền Thàng được chương trình Cơm thịt hỗ trợ nên các bé có cơm trưa, anh Trao ăn ké lớp em gái và các bạn. Về nhà, bé Lan 5 tuổi, cao lớn hơn anh, trở thành trụ cột. Bố nhiều khi đi làm thuê ở làng khác cả tuần hai tuần liền, hai anh em mò mẫm tự nấu ăn, những ngày không còn gì ăn thì dắt nhau nhà chú bác họ quanh bản ai có gì cho ăn nấy, mà bản trên đó người ta đều nghèo.

Luôn bên cạnh dù ở lớp của em...

hay khi ở nhà

ăn tối

Bữa 'cơm' tự nấu, vẫn còn hơn những bữa phải đi ăn nhờ
(Hình: Lana & Cô giáo Tuyền MN Dền Thàng)

Sau chuyến đi, một bạn đọc trang cơm thịt nghe hoàn cảnh quá thương đã nhờ kết nối với cô giáo Tuyền phụ trách Mầm non Dền Thàng để giúp hai đứa bé. Đều đặn mỗi tháng bạn gởi một món tiền đủ để mỗi tuần các cô giáo giúp mua gạo + rau + đồ ăn khô cho hai anh em. Từ ngày có gạo giúp, bố Trao và Lan chỉ làm thuê quanh bản không đi xa nữa. Yên lòng hơn một chút dù chỉ là giải pháp tạm thời. Sau hè này bé Lan sẽ vào lớp Một, không thuộc Mầm non nữa. Mình vừa gọi lên cho cô Tuyền, trường Tiểu học trên đó không có bếp ăn chung cho trẻ. Rồi làm sao hai anh em chúng biết chuẩn bị cơm cặp lồng? Anh Trao không biết có được theo em ngồi trong lớp Một? Cô giáo chủ nhiệm mới của bé Lan liệu có nhiệt tình nhận giúp giống như các cô giáo Mầm non?
Có những hoàn cảnh ta nhìn thấy mà không biết làm gì, không làm được gì, quay đi mà nặng lòng biết bao.

May 22, 2012

ở việc và ở nhà

1. Ngày làm việc đầu tuần mà họp nguyên ngày, họp chuyên môn với toàn các chuyên gia dầy kinh nghiệm về mảng đề tài mà nhóm mình đang dò dò dẫm dẫm những bước đầu tiên. Thế nên hỏi tới số. Thế nên không hề buồn ngủ dù trưa không ngủ tị nào. Thế nên căng tai căng đầu nghe tới phút cuối dù tới cuối chiều bước ra chỉ cảm nhận mỗi điều duy nhất: ung thủ.

Họp xong đã hết giờ. Về phòng thu xếp đồ để về, một đồng chí bước vô giữa phòng đưa tay cười rõ tươi: "Kết quả của một ngày thế nào?" Hờ. Câu hỏi kiểu "khỏe không" í mà, chào sau mấy tuần đi công tác nước ngoài. Chìa tay bắt, bạn liền kéo lại chạm hờ má một nhát. Hớ. Chào kiểu Châu Mỹ la tinh. Lạ 1 nha. Ừa thì đi vắng về thật, nhưng bạn này vốn là nhân vật giỏi, ngang tàng, một năm thời gian đi công tác cộng lại không dưới 6 tháng, xưa giờ chưa từng hồ hởi vậy.
Thế rồi hỏi: "Bà về chưa, tôi chở bà ra, huh?" (bến xe bus). Lạ 2 nha. Chưa từng. Bữa nắng nóng hoặc đường mưa mà làm biếng đi bộ mình toàn ra cổng rồi chủ động ngó nghiêng có ai về hỏi ké quá giang tới bến xe ngoài đường lớn.
Bạn chở quá thêm mấy bến, lại mấy bến. Một kiểu mạo hiểm (chú áo vàng) vì mình không mang mũ xe máy. Lạ 3.

Bạn nhắc về một cái task (công việc) làm chung. Bạn là chuyên gia xịn, nhưng công việc đợt đó tắc hoài vì nhóm task đi theo kiểu 'con cua'. Rồi sếp đưa mình vô nhóm làm tổng hợp chắp bút cho đề án, lúc đầu bạn ngán ngẩm chả thèm tin vì đúng lĩnh vực của bạn mình ú ớ thật, nhưng chỉ ít sau bạn bắt đầu khoái mình. Cuối cùng thì công việc chạy ro ro, ngon lành, và roẹt, xong. TGĐ khen, thưởng nhóm một cục (tinh thần là chính :D).
Trên đường bạn nói "Tôi rất may là có bà, có gì là bà hiểu đúng ý, công việc nhẹ đi bao nhiêu". À! hiểu cái chuỗi lạ 1 lạ 2 lạ 3 rồi: là đi công tác mấy tuần, thấy nhớ cái 'tên' luôn hiểu đúng ý tưởng/ cách tiếp cận công việc của mình.

Hẳn là ai đó sẽ phiên "ầy dà, đừng tưởng...". Không nha, riêng vụ này tớ bảo đảm không có chút nào cảm tình khác giới. Thề. Tớ vét tất cả khả năng cảm nhận của phụ nữ (không đến nỗi tệ) mà tịnh không cảm thấy bạn í có chút xíu nào thiện cảm riêng tư. Thật.
Túm lại: lần đầu tiên chiêm nghiệm là người ta có thể được nhớ đơn thuần chỉ vì 'biết hiểu' trong công việc :)

2. Cái này không liên quan gì tới đoạn công việc phía trên: Có lần đọc được đâu đó các đờn ông mượn hài cảm thán "Phụ nữ cần khéo léo trong phòng bếp, đoan trang ở phòng khách, lãng mạn trong phòng ngủ, mà sợ nhất là cánh chị em có đủ ba thứ xong lại nhầm nơi tứ tung". Khoái câu này dễ sợ, hihi, hôm qua xài luôn nhầm 1: lãng mạn trong phòng bếp. Trời nóng nực quá tròng dzô cái áo yếm hồng sen tung tăng trong nhà. Bạn Dim Mei đồng thanh nhấm nháy "mẹ sexy quá".
(Có cái hình Dim chụp lưng yếm làm bếp, trưng lên vui chút thôi gỡ rồi giữ lại chút duyên, bà con thông cảm :D)

May 18, 2012

Về tai nạn Sukhoi SJ-100 / Salak

Về tai nạn chiếc máy bay Sukhoi Superjet-100 ngày 09/05/2012 trong lịch trình bay biểu diễn chào hàng tại một loạt các nước châu Á của hãng chế tạo máy bay Sukhoi (Nga) làm toàn bộ 45 người trên khoang thiệt mạng có thể đọc ở đây (wiki tiếng Anh, khá đầy đủ) hoặc ở đây (wiki tiếng Việt, tuy nhiên trang này vẫn ghi con số người thiệt mạng là 50 như tin lúc đầu mặc dù báo chí đã thông báo có 5 hành khách hủy không lên máy bay theo kế hoạch).

Trên các trang mạng nói các nhà phân tích nghiêng về giả thuyết lỗi con người (human error), thậm chí có nơi đặt thẳng nghi vấn lỗi do người lái. Ừa ghi lỗi cho người đã chết luôn là dễ nhất. Tất nhiên có những lý do cho giả thuyết này (sẽ trình bày ở dưới) nhưng nguyên nhân thật sự dẫn đến thảm họa thì phải chừng 1 năm nữa sau khi kết quả giải mã hộp đen máy bay được công bố (trên mỗi máy bay có hai thiết bị cùng được gọi là hộp đen, một chiếc là máy ghi âm buồng lái, chiếc kia là máy ghi dữ liệu chuyến bay, hai thiết bị này nếu khôi phục được đủ dữ liệu sẽ cho biết mọi tình trạng thiết bị / trao đổi và lời nói của tổ lái cho đến giây cuối cùng máy bay hoạt động).

Cho tới khi đó chúng ta không biết thật sự điều gì đã xảy xa khiến chiếc máy bay mang theo 45 người đâm trực diện vào núi.
Cho tới khi đó mọi giả thuyết chỉ là suy đoán.

Cho tới khi đó chúng ta chỉ có trong tay những fact thế này:
- Chiếc máy bay Sukhoi SJ-100 gặp nạn khi đang bay biểu diễn (dù trên khoang có nhiều hành khách). So với các chuyến bay thương mại chở khách thông thường, chuyến bay trình diễn người lái thường có xu thế vận hành máy bay thực hiện những tư thế nghiêng/ chao, thay đổi độ cao đột ngột hay thậm chí bay qua những địa hình khó để thể hiện những tính năng ưu việt của máy bay.
- Cơ trưởng chiếc Sukhoi SJ-100 Alexander Yablontsev là người có kinh nghiệm lái máy bay dày dạn và từng điều khiển máy bay bay qua những địa hình tương tự khu vực gặp nạn ( link).
- Sự liên lạc cuối cùng trước khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar điều hành là khi tổ lái liên lạc với đài kiểm soát dưới mặt đất xin giảm độ cao từ 3000m xuống 1800m và được-đồng-ý. Núi Salak cao 2200m.
- Lực lượng cứu nạn cho biết máy bay đã đâm thẳng vào sườn núi ở độ cao khoảng 1900m, trượt xuống tới mực 1600m. Xác máy bay được tìm thấy tan thành mảnh nhỏ.
- Có 7 vụ máy bay nhỏ rơi ở khu vực núi Salak trong mười năm từ năm 2002 đến 2012. Khu vực này được ghi vào 'sổ đen' của hàng không Indonesia do nhiễu động mạnh trong không khí và thời tiết thay đổi phức tạp (link).

hiện trường nơi chiếc máy bay rơi chụp từ trực thăng

Nói túm lại trong thảm kịch Sukhoi này người ta đặt dấu hỏi cho những con số 3000m xuống 1800m/ đỉnh núi 2200m. Người ta nhắc đến khái niệm 'độ cao an toàn tối thiểu' / 'nhiễu động vùng núi' mà Lana đã đề cập khá rõ trong "Chuyện nghề 3", xin trích lại rằng nhiễu động mạnh/ dòng giáng mạnh nguy hiểm cho máy bay khu vực địa hình núi thường xuất hiện trong lớp từ mặt đất lên tới 1,5 lần độ cao đỉnh núi, ở trường hợp của Salak là 3300m.

Mời các bạn xem hình dưới trong "Chuyện nghề 3" (9/2010) và clip mô phỏng tai nạn Sukhoi SJ-100, 5/2012:




Càm ràm: Cuối cùng để phán xét hoặc rút kinh nghiệm, nếu loại bỏ tất cả những lỗi kỹ thuật và khách quan để cuối cùng lỗi thuộc về phi công thì cũng cần xem lại liệu ông ta đã được tư vấn đầy đủ về đặc điểm địa hình và những mối nguy hiểm ở khu vực máy bay bay qua? Một tai nạn hàng không thường hiếm khi do lỗi của chỉ một khâu mà thường là một loạt các lỗi hệ thống xuyên qua nhiều bức cản an toàn.

Kết luận cuối phải chờ hai hộp đen kia...

May 16, 2012

Trung Quốc quá sướng

Đề bài: Em hãy nêu dự cảm về việc Trung Quốc đơn phương thi hành lệnh cấm đánh bắt tại Biển Đông từ vĩ tuyến 12 độ bắc, phía bắc quần đảo Trường Sa cho tới vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa, bao gồm cả những vùng đang có tranh chấp TQ - VN, TQ - Philippines (linklink).

Bài làm: "Không còn ai để lên tiếng bênh vực cho tôi". (họ nói là) Trong tranh chấp biển Đông các nước Asean nào giờ một kiểu mũ ni che tai đèn nhà ai nấy rạng. Khi Trung Quốc 'đấu' bãi cạn Scarborough với Philippine, "Phản ứng công khai từ các quốc gia ASEAN xung quanh Biển Đông về lời kêu gọi của Manila về Biển Đông là yếu ớt. Gần như không có phản ứng nào được tường thuật trên báo chí, và không có phản ứng nào được công bố trên các trang web tiếng Anh của các bộ ngoại giao các nước ASEAN. Ngoại lệ duy nhất là một tuyên bố bằng tiếng Việt trên trang web bằng tiếng Việt của Bộ Ngoại giao Việt Nam rằng Việt Nam "hết sức quan tâm và lo ngại về tình hình tranh chấp bãi cạn Scarborough"" (câu "hết sức lo ngại" này làm em nhớ tới "Thằng nào đánh tao, tao sẽ..." trên Blog Lvu, rất ư khôi hài).
(hình: nguồn)

(họ cũng nói là) Nếu các nước ASEAN trong tranh chấp tiếp tục cách tiếp cận "lặng im khi TQ lất lướt kẻ khác" thì không khó đoán cách đó có thể dẫn đến đâu. Mục sư người Đức Martin Niemoeller kể "Đầu tiên chúng nó (bọn Phát Xít) tìm đến xử những người Cộng Sản, nhưng tôi không phải Cộng sản nên tôi không lên tiếng. Kế đó chúng tìm đến xử những người theo tư tưởng Xã hội và Nghiệp đoàn lao động, nhưng tôi cũng không thuộc họ, nên tôi không lên tiếng. Sau đó chúng tìm đến xử người Do Thái, nhưng tôi không phải Do Thái nên tôi không lên tiếng. Và khi bọn Phát xít tìm đến bắt tôi, thì lúc ấy không còn ai để lên tiếng bênh vực cho tôi."
(Nguồn: Tuanvietnam.net)

May 14, 2012

Cuối tuần

Định, nhưng lịch về Ba Mẹ lại lùi. Thế hệ trước khi nào cũng phải nhường thế hệ sau, thế hệ giữa quay đi quay lại đành ôm lấy chữ "nợ đồng lần" an ủi cứu rỗi.

Sáng Thứ 7 giờ nghỉ giữa tiết ở trường bạn Dim ngồi chơi gần một nhóm các bạn nam đá cầu bị một bạn mải chạy theo cầu tung nguyên cái đầu gối đờn ông của bạn vào đầu bạn Dim, buổi trưa về đến nhà bạn vẫn kêu đau váng đầu làm mẹ sợ quá. Mà mình có một kiểu sợ rất không tốt là cứ hay liên tưởng. Lần này nỗi sợ nhân lên khi tự nhiên cứ nhớ đến con trai của Jennifer Parker trong 'Thiên thần nổi giận' (Sydney Sheldon) chỉ bị viên đá nhỏ bật trúng đầu mà hôm sau mới phát tác hại. Cả chiều thứ 7 run run theo dõi Dim xem cái đầu đau sao, đau tăng hay giảm, nghĩ sẵn xem nếu cần đi chụp CT thì tới địa chỉ nào. Lo.

Cuối giờ chiều tin nhắn bạn học gọi cà phê, ừa ra ngoài cũng hay mà không muốn để bạn Dim tách ở nhà nên rủ "Dim Mei đi với mẹ không, một lúc thôi". Lại nhắn cho bạn rằng mình sẽ đến mà có hai cái đuôi và chọn quán chè + kem gần gần. Bạn xưa nên chuyện chỉ về bạn bè chung, tớ có số chị Th. đấy gọi nhé, gọi, "vậy hả vậy hả chờ đi tới liền", Th. đến, lại nhắc bạn chung, lại một người có số, gọi, lại "chờ đi tới liền"... Mỗi lần định về lại thêm một bạn "chờ đi tới liền", thành ra kéo tới tận tối. Hà Nội nhỏ mà hóa ra rộng, ở cùng thành phố mà toàn là mười mười mấy năm rồi mới gặp nhau.
Hai bạn Dim Mei may có máy để chơi, tới tiệm là ra bàn riêng bên cạnh rủ rỉ, ăn kem ăn chè đọc báo chơi game chung, chả sốt ruột tí gì kệ cho hội bạn kia hàn huyên bao lâu thì bao. Lâu gặp lại bạn bè thời đi học cũng đáng để kể, nhưng đáng để kể hơn là câu Dim Mei trên đường về: "Mẹ, một lúc của mẹ là 4 tiếng đấy!" (smile, shy).
Tối Thứ 7 đầu Dim ổn, yên tâm.

Chủ nhật chở Dim đi học thêm, dợm về có tin nhắn em Mei "cô Hà đón con qua bà nội mẹ nhá". Ừa còn mình ên, thì lang thang. Mà nắng nực quá lang thang không mục đích kiểu này chỉ tổ tốn xăng hít bụi, thôi về. Hóa ra lại là sáng suốt. Mình nấu bún dọc mùng, có hai mẹ con thôi nhưng bạn Dim khen ngon xì xụp, thế cũng là thành công. Lại hoàn thành được việc đã lên lịch từ weekend hai tuần trước: Gọi thợ tới thay/ sửa hai cái bóng điện + một cái vòi nước bị hỏng, đóng đinh mắc màn phòng ngủ và đinh treo hai bức tranh cho phòng khách + phòng bếp. Kể mà đóng thẳng đinh được không phải khoan thì mình làm được đấy, nhưng tường nhà mình phải khoan rồi đóng vít nở rồi mới xoáy đinh, việc này hơi phức tạp nên cứ lần lựa chờ gom vài việc gọi thợ một thể (biện minh cho mấy tuần làm biếng). Coi như tự khen lần này mình chăm.

Tối ngủ ba người. Bạn Dim từ 8, 9 tuổi thích ngủ riêng, tự nhiên lại xuống "hôm nay con ngủ với mẹ và Mei nhé", rồi hôm sau, hôm sau nữa, thành mấy 'hôm nay' rồi. Lâu lắm mới được cho Dim gối tay, thỉnh thoảng kéo ôm vào thơm trộm lên trán như hồi Dim nhỏ. Sweet. Cũng chả băn khoăn tự hỏi lý do, 'người ta' lăn vào thì mình hưởng, thế thôi.

May 11, 2012

Dạo này (4)

Dạo này Dim đang vào dịp cao điểm ôn thi chuyển cấp. Dim đăng ký thi thêm mấy trường tốt nên phải học ôn nỗ lực hơn bình thường. Mẹ cũng tích cực đưa đón Dim đi học thêm buổi tối và cuối tuần. Cả nhà cùng cố gắng.

Dạo này Dim Mei cả hai thiếu nữ. Dim Mei kéo nhau lớn nhanh quá. Mẹ mãi chưa quen. Những chia sẻ của Dim Mei với mẹ bây giờ là về bạn bè, một số đôi bạn ở lớp thích thích nhau, những buổi xin phép đi sinh nhật bạn, những cuối tuần xin phép đi chơi chung với lớp... Hôm nay rà lại blog, cách đây hai năm về trước hầu như ngày nào cũng có gì đó rúc rích rủ rỉ để muốn viết muốn ghi lại, entry nhãn Dim Mei chiếm phần nhiều của Blog mẹ, bây giờ do-blog mẹ đọc mẹ viết toàn những cái đâu đâu. Kết nối vẫn đó, nhưng nhiều khi giống như là sự chia sẻ cuộc sống - sự kết nối của những-người-lớn. Mẹ mãi chưa quen, nên chếnh choáng, loạng choạng ít nhiều.

Ngày mình bằng Dim Mei chắc Mẹ cũng có những lúc thế này. Có thể ngày ấy Mẹ 5, 6 đứa con, dàn hơn, để keep Mẹ busy dài thời gian hơn.
Mất bao lâu để Mẹ quen được như bây giờ khi cả đàn con lần lượt lớn và tách đi? Hay là Mẹ vẫn chưa quen chỉ là mình không biết.
Tự nhiên nghĩ cuối tuần lại về Ba Mẹ.

Dạo này mình đúng là không được ổn. Nhưng làm sao được, cuộc sống bao giờ cũng có những đoạn như thế,
sẽ qua thôi.

*** Entries DIM MEI

May 10, 2012

Trơn tuột

1. Nhớ hồi là nhỏ sinh viên du học, người VN ở thành phố mình ngoài tụi sinh viên (SV) lơ ngơ thì còn có các cô chú nghiên cứu sinh (NCS) qua học tiến sĩ bằng học bổng Liên Xô tài trợ, vì thế mà cũng có Đảng viên và có chi bộ. Chú Bí thư chi bộ khi ấy là chú ...(à mà thôi mình không nói tên chú ra nữa, tạm gọi là chú B). Chú B khoảng ba mấy bốn mươi tuổi (tụi mình khi ấy sinh viên mười mấy nên gọi chú), người hơi đậm, đĩnh đạc, nụ cười tự tin. Mỗi lần họp thành hội (hội SV VN tại thành phố) thường có chú lên phát biểu. Chú nói rất hay, dí dỏm nữa. Chú kể những điều xấu một số SV qua bên này mắc phải như buôn bán, yêu đương tự do, chơi bời... rồi dặn dò SV phải tránh. Chú nói đất nước còn nghèo, lạc hậu, trông chờ SV trẻ đem tri thức về góp phần xây dựng đất nước. Chú kể chuyện nhớ nhà, rồi chú đọc thơ "bài này tôi viết tặng vợ". Khỏi nói một đứa vừa ra khỏi mười mấy năm dưới mái trường XHCN như mình đương nhiên là ngưỡng mộ chú B vô cùng. Nói thần tượng thì hơi quá, nhưng thật sự là ngưỡng mộ hơn cả ngưỡng mộ.
Một lần ngày nghỉ mình qua ob (ký túc xá) trường Kinh tế chơi với đám bạn cùng khóa, gặp lúc đông đông cả các cô chú NCS và sinh viên tụ tập ngồi chơi chuyện trò. Câu chuyện nhắc đến bữa họp thành hội trước đó, thế là con bé mình mắt tròn vo, trong veo, lóng lánh, tấm tắc "Chú B hay nhỉ chú B hay nhỉ". Chẳng một hưởng ứng, mọi người tỉnh qoeo mãi mới có một anh lớn lớn nói với mình "em đúng là không biết gì, Ông B ấy mấy cái thứ đó ông có tất tật chả thiếu thứ gì: gái, mà gái Tây/ buôn bán/.../ tóm lại đủ kiểu, nói là một chuyện thực tế lại là chuyện khác, hiểu chưa".

Kể lại chuyện này giờ nghe thấy bình thường, nhưng với con bé mình thời điểm ấy là một sự vỡ, hụt, đổ sự tin về những người rao giảng tốt đẹp về Đảng. Vì chú B nói trôi trảy quá, ngon quá, tốt đẹp quá, đi vào lòng những đứa trẻ như mình quá, trên thực tế chú nói chỉ là nói thôi, trơn tuột, mà chú là bí thư Đảng đầu tiên mình gặp.

2. Tuần trước mình có dịp ngồi với hai bạn nhóm thân thân. Bạn mình nói đọc blog thấy Lana bức xúc vụ Văn Giang quá, không hẳn giá đền bù thiệt thế đâu, không phải Ecopark không thỏa thuận với dân đâu, là lề trái đấy, Lana đừng vội tin. Mình bảo đền bù là mình đọc tin vnexpress đấy chứ, lề phải đấy (link nà). Nhưng điều làm bức xúc hơn là cái cách mà chính quyền 'cưỡng chế' dân - quá bất ổn. Hai bạn lại nói có khi dân Văn Giang đó quá khích nên chính quyền mới vậy, chứ clip dàn dựng đấy, đẩy lên đấy, lề trái đấy, Lana chưa xác thực đừng vội tin. Ừa đến đây thì mình chịu, chỉ nói thế cái gì xác thực là clip dàn dựng? làm sao các cậu chắc là do dân quá khích? lề phải đúng không? vậy cũng đừng vội tin.
Câu chuyện dừng ở đó, ừa thôi âu cũng là mỗi người mỗi cách đọc. Tự ngẫm, mình thấy hai bạn mình hóa ra may mắn và hạnh phúc vì vẫn còn tin, dù tin vào 'ảo' thì vẫn là còn là được tin.

Đã tưởng vụ Văn Giang chìm xuồng và 90% dân số tin như lời Phó Chủ tịch Hưng Yên báo cáo Thủ Tướng về vụ cưỡng chế rằng mấy người bị bắt là do quá khích, chống lại người 'làm nhiệm vụ' và mấy clip trên mạng về vụ cưỡng chế là có dàn dựng 'bôi nhọ chính quyền'. Nào ngờ nửa tháng sau dò ra tin hai người bị công an/ dân phòng ngang nhiên đấm đá phang dùi cui trong 'clip Văn Giang' (link) + bị bắt về đồn là có thật, họ là nhà báo, Đảng viên xịn, sếp Phòng của VOV - Đài tiếng nói Việt Nam, báo chính thống hẳn hòi, có VOV xác nhận (link này). Nhà báo thì quá khích gì chứ bạn mình ơi.
Hỏi ai bôi nhọ chính quyền.

Mình chẳng ngạc nhiên gì khi đọc tin này, chỉ ơ hờ nghĩ nếu không phải hai người bị đánh là nhà báo mà là người dân thường hiền lành nhịn nhục, thì sẽ tịnh không ai biết, chìm luôn, thế thôi.

Điều muốn nói là khi đổ quân cưỡng chế đất cho Ecopark lãnh đạo chính quyền Hưng Yên đã quán triệt lính thế nào? (mà lính có thể uýnh xả láng vậy)/ Lại nghe ông phó CT Hưng Yên báo cáo tổng kết thế nào? (link).
Đọc thêm được biết ông Phó Hào trước khi lên Phó Chủ tịch tỉnh đã từng là nhà giáo và nhà thơ.
Mỉa mai nhỉ.
Chẳng biết ông có đọc nét, có biết người ta hát "hòn đất mà biết nói năng, thì phó chủ tịch hàm răng chẳng còn". Chẳng biết ông có gợn nghĩ?
Chẳng biết ông nói thế (báo cáo) là vì phải nói, hay là ông thật sự tin vào những điều ông nói thì thôi thật bó tay. Tiên Lãng 2. Bó tay chấm quan mình xẹc ông.

Cuối cùng mình lim dim trên ghế xa lông, gác tay gối đầu, ung dung thở nhẹ, thầm nhủ thật may (hay vì lý lịch) mà nhà mình, anh chị em mình, và nhất định sẽ là các con, cháu mình không ai theo nghề nào dính tới chính trị, không ai phải làm cái việc nói không phải từ ý nghĩ hay lòng tin, 'nói thế vì phải nói', trơn tuột chấm chú B xẹc bác Hào.

*** Cập nhật tin: Có nhìn thấy nhà báo bị đánh (Tuổi trẻ online)

May 03, 2012

Vọp bẻ và...

Bóng đá
Đêm qua, đúng hơn là gần sáng tự nhiên vọp bẻ (chuột rút) làm đang ngủ say tít phải tỉnh. Ban đầu tê tê rồi đau cứng. Khổ cái mình thỉnh thoảng bị đúng bàn chân đó đúng cái gân dọc đó nên thấy tê tê là biết rồi, dậy căng kéo cái bàn chân để tránh trước mà lần này chẳng ăn thua, không những thế nó còn bẻ lên tận cả gióng chân nữa. Đích thị tại trời nóng nực. Nhờ một lần bị tụt can xi bạo liệt và nhờ coi bóng đá mà mình biết vụ vọp bẻ này liên quan đến hạ canxi và mất nước nhá. Vụ canxi kể sau, còn bóng đá thì cứ để ý những trận phải đá hiệp phụ mà xem (tức là thay vì 90 phút thì phải kéo chạy tới 120 phút) rất thường có cầu thủ bị vọp bẻ nhá, chả bóng chả bánh chả ai chặt chém tự dưng ngồi bệt giữa sân ôm chân, đồng đội chạy lại căng kéo giúp một hồi hết, lò cò đứng lên chạy tiếp. À trước khi chạy kiểu gì cũng tạt ra biên ngoài sân tiếp cho chai nước tu ừng ực (hẳn là nước khoáng có canxi đấy :D). Đêm qua cái con vọp chết tiệt bẻ lâu quá làm lười lắm mà đành phải dậy khỏi giường, áp dụng chiêu cầu thủ, ra phòng khách bật điện uống một nhát hai ly nước đầy. Kể chăm hơn thì còn phải pha thêm vài hạt muối mà bếp tận trên tầng, thôi thế cũng đủ. Y rằng vọp lặn, ngủ lại ngon lành đến sáng :D

Giác quan
Vụ mình tụt canxi cấp nặng nhất (đấy là sau bác sĩ nói mới biết canxi chứ lúc ấy bị lần đầu biết gì) là khi xưa còn ở Sài Gòn. Bữa đó đang hơi sốt, rồi bỗng dưng tay chân co quắp lại khá là nhanh, hai bàn tay i như hai cái chân gà luộc người ta dùng để bói chân gà. Sợ nhất là chính i lúc ấy điện thoại reo, nhìn số là ra mẹ gọi từ Thái Nguyên. Bé Hạnh giúp việc chạy lấy điện thoại áp cho mình thưa để bà yên tâm thì hóa ra lưỡi hay họng cũng cứng luôn rồi nói không có ra. Nghe bên kia a lô a lô một chặp rồi cúp, đột nhiên chảy nước mắt, sao lại gọi đúng đến từng khắc thế, nếu vài phút trước thì vẫn nói được mà. Nửa tiếng sau đang trên đường đến viện thấy cậu Út Phú gọi nói em vừa đến nhà chị, mẹ gọi bắt em chạy lên ngay xem chị có gì. Thật sự là không thể giải thích, chỉ có thể nghĩ rằng giác quan người mẹ.

Rất hay là hạ canxi chả ảnh hưởng gì đến cái đầu, ngoài chuyện chảy nước mắt vì mẹ gọi thì mình lúc đó tỉnh qoeo. Chỉ cái điện thoại ra hiệu cho bé Hạnh, nó nhỏ xíu lại mới ở quê ra, cuống quýt bấm đại ra số cơ quan "các bác ơi, cô cháu bị làm sao ấy, cô cháu không nói được". Ít phút đã thấy tổ trưởng Thanh lấp tấp chạy đến dòng theo một cái taxi. Vào cấp cứu bệnh viện Thống Nhất. Bác sĩ xét nghiệm xong chích cho một mũi canxi vào ven. Thêm một viên hạ sốt. Thế là ổn. Nằm vài tiếng là về.

Dại
Sau này tổ trưởng kể với các đồng nghiệp: Mình cuống cả lên, tưởng tượng ra hắn thế nào, thế mà đến nơi hắn vẫn cười, tới nhìn ngón tay ngón chân co quắp và không nói gì mới biết. Hờ, thì tay co chứ đầu có co đâu, cớ gì không tươi :). Tổ trưởng suốt quãng đường chạy từ TSN lên nhà mình khi đó ở Âu Cơ hẳn là chuẩn bị tinh thần sẽ gặp một ẻo ẹo phải bế vác ra xe nên lúc mình tự đi ra cổng lên xe y cứ lóng ngóng kèm kèm theo, tay y lóng ngóng nửa đỡ nửa không phía sau lưng mình, lóng ngóng cách cách một khoảng, mắc cười không chịu được.
Nghĩ ra cũng tiếc, phải mà biết giả vờ ẻo ẹo một tí thì đã được bồng rồi. Dại :))

*** Bạn có thể đọc thêm về 'vọp bẻ' (chuột rút) ở đây và 'tụt canxi máu' ở đây

Ruồi bay được dẫn thế nào...

Lại nói chuyện nghề tiếp phục vụ (đầu độc) bà con nhé :)
(Trước khi đọc bài này mời bà con đọc loạt entries "CHUYỆN NGHỀ" cùng hệ mà 'nhẹ độ' hơn:))
Cũng như giao thông đường bộ đường sắt hay đường thủy, đường hàng không cũng được duy trì, tổ chức chặt chẽ và khoa học theo những luồng, lạch nhất định. Những phương tiện tham gia giao thông đường hàng không cũng phải tuân theo những luật lệ và quy định rõ ràng. Trên đường bộ có luật đi lề bên trái hay lề bên phải tùy theo mỗi quốc gia thì đối với đường hàng không có luật bay "theo các mực bay cao /thấp, chẵn /lẻ, đường bay một chiều /đường bay 2 chiều". Những luật giao thông cơ bản này đã xác lập lên luồng giao thông đường bộ và đường hàng không.
(Mực bay - flight level (FL) - một khái niệm trong hàng không dùng để xác định độ cao, quy theo các mực khí áp trong khí quyển chuẩn. Nguyên tắc chung là càng lên cao khí áp không khí càng giảm và theo tính chất không khí, địa lý... từ mực khí áp tại một điểm có thể tính ra độ cao so với mặt đất quy chiếu hoặc mực nước biển trung bình, và ngược lại. FL300 chỉ độ cao 30000ft ~ 10km)

Tiếp nhá: Trên một đường hàng không (đường bay) khoảng cách tối thiểu để đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay theo chiều thẳng đứng (từ trong ngành: phân cách cao) giữa các tàu bay là 1000feet (300m) hoặc 2000feet (600m); ta sẽ nghe các mực bay FL270, FL300, FL350... Các trị số này được áp dụng tùy theo từng quốc gia hay khu vực trên thế giới, tuy nhiên có nguyên tắc chung là việc xác định luồng lạch hay nói cách khác là chiều giao thông của một đường hàng không được phân định dựa trên các mực bay chẵn (FL chẵn) hoặc lẻ (FL lẻ). Cụ thể là đối với các đường bay một chiều thì mực bay áp dụng trên đó chẵn hay lẻ sẽ cho biết chiều của đường bay; đối với các đường bay hai chiều thì các FL chẵn áp dụng cho một hướng bay và các FL lẻ áp dụng cho hướng ngược lại.


Vậy làm sao biết khi nào thì bay tại FL chẵn và khi nào thì bay ở FL lẻ, Có nguyên tắc gì không? Có, tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO) đưa ra luật Đông- Tây, các máy bay bay chếch về hướng Đông sẽ bay trên các FL lẻ và ngược lại các máy bay bay chếch về hướng Tây sẽ bay trên các FL chẵn.


Tuy nhiên đất nước ta có cấu trúc địa lý khá đặc biệt trải dài theo chiều Bắc – Nam, từ mũi Cà mau đến địa đầu Móng Cái, quê hương ta đồng ruộng phì nhiêu, đủ bốn mùa hoa trái..., í lộn, đang nói chuyện nghề lại quay ra đọc thơ, hì, quay lại: vì thế cấu trúc các đường bay của Việt Nam cũng "nằm" theo bề dài của đất nước. Chính vì vậy nhà chức trách hàng không Việt Nam đưa ra quy định Bắc – Nam, các máy bay bay chếch về hướng Bắc sẽ bay trên các FL lẻ và ngược lại các máy bay bay chếch về hướng Nam sẽ bay trên các FL chẵn.


Bạn mến, việc sử dụng khung FL chẵn hay lẽ để xác định chiều của luồng không lưu đối với các đường bay hai chiều rất quan trọng đối với người điều khiển giao thông hàng không (những kiểm soát viên không lưu - KSVKL). Trong khu vực trách nhiệm của mình các KSVKL kiểm soát hoạt động của các máy bay và dẫn đường bằng cách chỉ dẫn các máy bay (từ trong ngành: cấp huấn lệnh) trên các mực bay để giữ khoảng cách an toàn giữa 'những chú ruồi'. Tính chất đòi hỏi phản ứng nhanh của công việc khiến việc "đọc" chiều bay của máy bay qua con số mực bay đang bay trở thành một phản xạ bắt buộc của nghề kiểm soát không lưu, nghe con số là trong đầu đã có thể hình dung ra một máy bay đang di chuyển theo hướng Bắc - Nam hay Đông – Tây một cách nhanh chóng, ngược lại khi cấp huấn lệnh đổi mực bay cho một máy bay cũng phải tuân thủ quy tắc FL - hướng này.

Đối với KSVKl mới vào nghề, việc tạo ra phản xạ định hướng này cũng không đơn giản. Mỗi con người VN từ lúc còn nhỏ đã hình thành phản xạ đi lề bên phải, bình thường chúng ta sẽ cảm thấy đây là một điều rất tự nhiên và chẳng có gì là quan trọng... cho tới khi chúng ta tới một nước áp dụng luật đi lề bên trái (như các nước thuộc khối liện hiệp Anh chẳng hạn). Việc định hướng giao thông của người VN khi mới tới những xứ này rất vất vả. Tôi đã nhiều lần cảm thấy rất bối rối khi đi bộ trên vỉa hè, thay vì đi bên trái mình cứ vô tư đi bên phải thế là "Binh!", không ít lần đâm xầm vô người đi bộ ngược chiều vì người ta đi bên trái ngược với mình. Việc bị "loạn phản xạ trái-phải" này còn nguy hiểm hơn khi có việc phải băng qua đường, thay vì bạn phải nhìn sang bên phải trước, thì theo 'bản năng' cứ nhìn sang bên trái, tui rất nhiều lần phải toát mồ hôi hột khi nghe tiếng còi xe hơi và tiếng thắng "kee..é...t!" ngay sau lưng... Ước gì tất cả các KSVKL đều được đi công tác dài dài tại các nước này để có đủ phản xạ trái / phải, hờ hờ.
(Nói 'đếm ruồi ăn tiền' nghe dễ thương gì đâu, mà xáp dzô rồi thấy không đơn giản tẹo nào, nhỉ)

*** nguồn: FB - kiemsoatvienkhongluu (mình điều chỉnh chút xíu cho dễ đọc hơn đối với người ngoài nghề)