December 30, 2011

Những nặng lòng hạnh phúc

Update thông tin về Giỏ thị xóm Blogspot: Đợt 2 (theo quý), số tiền những tấm lòng thơm thảo góp vào Giỏ thị xóm Blogspot cộng thêm 170 USD từ đợt 1 trữ lại do một số bạn gởi về một lần cho một năm, tổng thành 4tr VNĐ + 720 USD, quy ra tiền Việt là 19 triệu 178 ngàn VNĐ góp Quỹ 'cơm có thịt' cho các em bé vùng núi nghèo.

Đợt này ngoài những bạn đã góp chung từ đợt đầu, Giỏ thị còn có thêm thị từ Trăng Quê, Carpe Diem, và các bạn đọc Blog: Quỳnh Ni (Đà Nẵng, quynhni2003@gmail.com), Hoàng Ly (Hà Nội, nghoanglan@gmail.com), Bạn Thu (michellehuongtran09@yahoo.com). Không biết nói gì ngoài hai từ cảm động.
Bạn Thu viết qua email "Mình muốn nhờ Lana chuyển giùm một số tiền góp vào gánh hàng giúp Pa Cheo (chị Sống Thật Chậm tổ chức). Mình muốn đóng góp qua Giỏ Thị thay vì gởi thẳng vào tài khoản của bác Tuấn bởi vì mình biết được chương trình này là nhờ đọc blog của Lana".

Phần góp cho cơm thịt, Giỏ thị đã chuyển 17 triệu đến Quỹ Suối Giàng (Xác nhận sao kê chuyển khoản ở bảng này, ngày 29/12 và được reconfirm ở đây nha bà con). Hiện còn một trái thị đang trên đường về, sớm mai Lana sẽ nhận và chuyển nốt số còn lại. Đợt này miền núi rét, nhiều tình nguyện viên cùng bác Tuấn xúc tiến các chuyến mang cơm thịt mang tiền mang chăn mền áo ấm vớ tất lên cho các con nên Quỹ tạm thời khá cạn.
(Chốt xong đợt Lana sẽ email gởi cập nhật chi tiết trong email chung Giỏ thị, mọi người chịu khó check mail đọc Lana xì pam tị nhé).

Trích về chia sẻ cùng nhà mình:
Bác Tuấn: Để chuẩn bị lên Điện Biên, chúng tôi đi tìm mua áo rét cho học sinh mầm non với số lượng trên ngàn chiếc. Cũng lần mò không ít chỗ, cuối cùng mua được 1.150 chiếc áo rét, cả cho cháu trai, cả cho cháu gái, với giá 85.000 đ/áo nữ và 105.000đ/ áo nam. Có thể nếu nhiều thời gian hơn, sẽ tìm ra "mối" rẻ hơn. Nhưng đến giờ, với chất lượng tương đương, đó vẫn là giá tốt nhất chúng tôi tìm được. Điều vui là thày cô, phụ huynh đều khen áo đẹp và tốt, phù hợp với các em nhỏ vùng cao.
Giữa chừng hết áo, điện về Hà Nội, lấy tiếp lô 650 áo len xuất khẩu, gửi qua xe khách chạy đêm, sáng sớm nhận ở bến xe, lại đi tiếp để trao cho các cháu. Giá gốc mỗi áo là 85.000 đ, người bán biết đem đi 'cho chúng nó' - bọn trẻ con miền núi, chỉ lấy 35.000 đ/chiếc.
Nhưng vẫn thiếu.
Chúng tôi rời Điện Biên, ngậm ngùi vì còn nhiều cháu chưa có áo ở những trường chúng tôi đã đến. Không biết chúng tôi có thể kịp huy động giúp đỡ để khoảng 500 cháu nữa có áo rét mới như 1800 cháu vừa nhận hay không. Trẻ con hay tủi thân nếu thấy bạn có mà chúng không có.


Cô giáo Tuyền trường Dềnh Thàng - gửi theo comment ở Blog bác Tuấn (link)
"Các chú ơi Hà Nội giờ có lạnh lắm không, trên Dềnh Thàng bây giờ mây mù bao phủ đứng cách nhau 1m là không nhìn thấy ai nữa rồi. Nhiệt độ ngoài trời bây giờ là 3 độ C thôi. Nhìn lũ trẻ buổi trưa ngủ ấm trong chăn ngủ ngon lành không muốn dậy chiều, cháu thầm cảm ơn các cô các chú đã mang bao niềm vui ấp áp niềm hạnh phúc cho lũ trẻ và cho các cô giáo nơi đây. Mấy năm trước ở đây rét quá trẻ hay trốn học ở nhà đến năm nay học sinh của cháu đi học đủ và đều hơn, buổi trưa được ăn cơm thịt ngủ trong chăm ấm, rét quá còn đốt lửa sưởi ấm, chúng thích lắm các chú ạ. Nhìn bạn bào cũng tăng cân lên trông thấy".

Cô Tuyền viết không dấu, mình gõ lại tới khúc này nghe cay nơi sống mũi. Lại chảy nước mắt.

Chuẩn bị sắp đồ theo đoàn đi Pa Cheo, Y tí đầu tuần tới. 3 ngày. Những lần đi mọi người đều tự túc từ xe cộ đến ăn ở không chạm vào tiền cơm thịt cho các con. Vất vả nhưng ấm lòng, và cả nặng lòng nữa vì còn nhiều các bé nghèo quá lực bất tòng tâm. Những nặng lòng rất tình người, nặng lòng nhưng biết đang có nhiều người ủng hộ, nhiều tấm lòng cùng chia sẻ, nên mình nghĩ đó cũng là những nặng lòng hạnh phúc.

Áo ấm rồi, mà chân..., hỏi sao không nặng lòng.

*** Toàn bộ về GIỎ THỊ XÓM BLOGSPOT

December 28, 2011

Không hiểu

Lana mình trước không để tâm xem cờ nhà béo mặt mũi nó ra sao, thêm bớt thế nào. Bỗng dưng có vụ bụm cười khoái chí chuyện bạn Dim Mei từ chối đi vẫy cờ đón lãnh tụ TQ, chia sẻ cái khoái ở blog thôi, thì lại biết ra vụ cờ quạt. Đọc lần lần đâm rối tinh. Không hiểu.

Trên trang Web chính thức của nhà béo (link): Cờ TQ khá đẹp, nền đỏ, ở góc trên bên trái có một ngôi sao lớn và 4 ngôi sao nhỏ bọc quanh:

Còn đây là biểu tượng cờ TQ với 6 ngôi sao trên một đường phố TQ (nguồn ở đây). Tạm kết luận: Văn hóa nhà béo luôn có chữ nhập nhèm. Đến cờ quốc gia cũng nhập nhèm!

Vài ngày trước Noel 2011 Việt Nam đón Phó Chủ tịch TQ với cờ 6 sao (đường phố), thế này:

Ngay đó dư luận (ngoài hệ thống báo chí chính thống) phản ứng um ùm. Hôm nay mình thấy khúc này ngắn ngắn lặn lặn trên trang Web của Bộ Ngoại giao Việt Nam: "Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã được thông báo đây là sai sót mang tính kỹ thuật. Cục Lễ tân Nhà nước đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và kỷ luật các cán bộ có liên quan."

Lại "lỗi anh đánh máy". Sợt thêm ra thì Đài truyền hình VN (VTV) 14/10 mới đây cũng trưng hình cờ TQ 6 sao trong chương trình Thời sự hẳn hòi. Mình ngu ngơ đoán là VTV cùng chung một 'anh đánh máy' với Bộ Ngoại giao :((



Hôm nay là Noel

24/12 là Thứ 7. Qua đầu tuần anh nhân viên bưu chính chuyển tới văn phòng gói bưu phẩm, khấp khởi lắm mà ráng khóa tay không mở quà (để nguyên kiện còn khoe còn chụp hình):
Sáng hôm đó điện thoại rung rung tin nhắn "Trời lạnh nhân viên bưu điện lười đi giao hàng rồi". Chiều nhận xong nhắn tin báo quà đã tới. Đầu kia ỉu xỉu "Hết Noel rồi còn gì". Trả lời "Giờ mới nhận, tức là giờ mới Noel. Hết là hết thế nào!".
Nhân bảo như thần bảo, vừa mở hộp hai bạn Dim Mei reo Òa rồi xin rồi nhấm nháp rồi xít xa khen ngon tuyệt. Trong khi nhân vật có tên ở mục 'người nhận' còn đang loay hoay với hình với mạng với khoe thì hộp quà đã rỗng mất một nửa.

Nhắn tin: Cô Mía lần sau gởi quà theo khẩu vị của ai đề nghị ghi tên người ấy nhận, nhớ! :D
Merry Christmas.
Luv.

December 27, 2011

Bi hài

Bác chủ tịch Kim đã 'đi' rồi, nhưng dư âm thì nhiều chiều vô kể: Dân chúng Bắc Hàn khóc như mưa cả tuần, khóc ngất, khóc chân thành, thảm thiết, mặc kệ thế giới người ta cứ ngây ngô cả ra. Ô kìa nỗi đau to lớn như thế với hàng triệu người ở một vùng nọ sao nỗi đau thương lại không lan tỏa chứ. Đọc tin truyền thông Triều tiên bảo rằng bác Kim chết "chim chóc ủ rũ bất động, mặt hồ núi lửa bỗng nứt ra kèm một tiếng nổ thấu tận đất trời, dòng chữ trên một ngọn núi tỏa sáng suốt cả ngày", nhảm nhí hài hước đến nỗi mình đang tự xỉ vả bản thân vô cảm phải bụm miệng để khỏi phì cười. Thế kỷ nào rồi chứ. Nghĩ mà cảm thương con dân của Bác quá. Thật là khó nói nghèo đói (bụng) ở Xô Ma Li với cái sự nghèo ở nước Bác cái nào đáng sợ hơn. Mắt mình cứ là tê tê khi đọc "Tôi thà là làm quỷ ở nước nam còn hơn làm thiên thần đất bắc (Hàn)" - hàng hiếm, thuyết 'tương đối' của Anh-x-tanh, nước nam ta vẫn có thể là thiên đường!

Mấy bữa nay nhàn việc hơn, đọc đó đây được ít bài về Bắc Triều của bác Kim (thật sự là thông tin về cái xứ của bác rất hiếm hoi, ngoài việc thỉnh thoảng lại ùm xùm chuyện bác sản xuất bom hạt nhân cạnh kẹ với mấy ông lớn và Nam Hàn láng giềng, đợt này nhờ Bác mà trí tò mò của Lana được cho ăn, thật là cảm ơn Bác quá). Rinh ít về chia sẻ với bạn Blog (trích đoạn, bạn nào tò mò giống Lana muốn đọc hết thì bấm vào link ở mấy cái tựa bài nhá) :

- MỘT TUẦN Ở BẮC HÀN (Gaup)
Có khoảng 700 người nước ngoài ở Bình Nhưỡng, 500 người trong 25 đoàn ngoại giao khác còn lại cán bộ các cơ quan phát triển hay viện trợ của LHQ. Ngoại giao thì không biết thế nào nhưng cán bộ LHQ cứ làm việc 6 tuần thì bị bắt nghỉ đi ra khỏi Triều Tiên một tuần do điều kiện làm việc căng thẳng quá. Cảm giác trong suốt thời gian ở Bình Nhưỡng là mình luôn là đối tượng bị để ý. Đúng là không ai đi theo nhưng nếu cần thì mình đi đâu về đâu giờ nào đều có người biết. Tôi nghĩ hình thức giám sát này không chỉ áp dụng cho người nước ngoài mà còn là hình thức tự giác đáng biểu dương trong dân chúng với nhau, từ chuyện ăn ở ngủ nghê đến chuyện đeo huy hiệu lệch nếu cần đều có thể thành to chuyện. Với các bác Tây, thử nghĩ xem nếu làm việc mà biết là từ việc hắt hơi sổ mũi đến mở cửa bằng tay trái hay tay phải hay ở trong toilet bao lâu đều được đồng chí thư ký ghi chép lại đầy đủ thì hiệu suất sẽ cao thấp thế nào, tinh thần sẽ bị thử thách ra sao?
Tôi đồng ý với quan điểm của các bạn Triều Tiên là ngoài các bạn Việt Nam ra tất cả người nước ngoài còn lại đều là gián điệp sang tìm hiểu tình hình và phá hoại công tác sản xuất lương thực của Triều Tiên. Chính vì bọn gián điệp này mà năm nay quá hai tuần mà vẫn chưa có mưa để có nước cấy vụ hè. Để nâng cao tinh thần cảnh giác và ý chí, hàng tuần trên TV đều có một chương trình gọi là thiên đường và địa ngục. Màn ảnh chia làm hai nửa, một bên là những gia đình Triều Tiên hạnh phúc đi sóng đôi trong công viên, trẻ em cầm hoa đeo khăn đỏ, béo tốt hồng hào, màn ảnh bên kia là hình ảnh sụp đổ ở Đông Âu, hay cảnh người ăn xin vô gia cư ở những đường phố Âu Mỹ. Cháy nhà, bom nổ, động đất, núi lở băng tan, bắn giết là những hình ảnh hay được sử dụng.


- ANH BẠN TRIỀU TIÊN (HAT)
... Hôm nhận bằng tốt nghiệp xong, mình đi chơi lang thang ở gần metro, gặp một trong hai cậu Triều Tiên hiền. Cậu ta rủ mình vào bar uống rượu. Хорошо! Давай! Hai thằng gọi một chai cô-nhắc nhỏ, uống vo. Được dịp dốc bầu tâm sự, hai thằng kể cho nhau nghe về quê hương đất nước mình. Rồi một lúc, cậu bạn Triều Tiên mắt rớm rớm, nói:
- Ba ngày nữa chúng tớ về nước rồi. Tớ cho cậu địa chỉ. Cậu chịu khó viết thư cho tớ nhé! Cậu cứ kể những chuyện ở bên này, trên thế giới... Không cần bình luận gì, cứ kể thôi. Chắc chắn họ sẽ kiểm duyệt thư từ, thậm chí theo dõi tớ. Nhưng tớ muốn cho họ, cho người dân chúng tớ biết về thế giới bên ngoài nó như thế nào. Dân Triều Tiên bị bịt mắt, bịt tai, chẳng biết gì hết về thế giới xung quanh, cậu ạ.

Ra là vậy. Anh ta viết vào một mẩu giấy, về nhà mình ghi lại địa chỉ vào sổ tay. Nhưng rồi sau này làm thất lạc mất cuốn sổ ấy. Nếu bây giờ có giữ được địa chỉ, thì chưa chắc mình đã viết thư như ý anh bạn đó. Đơn giản là mình không muốn anh ta bị vào sổ đen của cơ quan an ninh, chỉ vì có người nước ngoài viết thư và kể cho anh ta những chuyện tưởng như vô thưởng vô phạt ở ngoài đất nước Triều Tiên.


- NỢ NƯỚC MẮT (Thanh Chung)
Anh bạn đồng nghiệp của mình từng có ba năm công tác tại văn phòng đại diện ở Bắc Triều tiên. Anh kể mỗi khi chuông điện thoại reo, anh nhấc máy ở tầng trên thì cô nhân viên phục vụ người bản xứ cũng nhấc ống nghe ở tầng dưới. Có lần anh vắt sợi dây như vô tình trên tập tài liệu của mình trước khi đến cơ quan làm việc. Lúc trở về nhà, sợi dây đã bị kẹp vào một trang khác. Nghĩa là cô nhân viên quét dọn đã vào phòng riêng của anh lục lọi tài liệu trên bàn làm việc.
Năm chín tám, mình đi tập huấn ở Malaysia do Quỹ Dân số LHQ tổ chức. Trong lớp có hai học viên đến từ Bắc Triều tiên. Họ được phân công theo dõi lẫn nhau. Không ai dám đi ăn riêng hoặc nói chuyện với các thành viên đến từ các văn phòng khác trong khu vực. Dịp cuối tuần, văn phòng Malaysia tổ chức cho cả lớp đi chơi ở Malakka, hai bạn Triều tiên đều không tham dự.


- BẮC TRIỀU TIÊN, CÂU HỎI LỚN CHƯA CÓ LỜI GIẢI (Quê Choa)
Chế độ của Bắc Triều Tiên danh chính ngôn thuận gọi là XHCN theo kiểu Triều Tiên, một chế độ phong kiến, độc đoán, gia đình trị. Phong kiến vì lễ giáo rất nặng nề, cấp trên cấp dưới sùng bái. Nếu ai không sùng bái ông ấy là đã mất đầu rồi, chưa nói là chống lại, nếu chống lại thì không bao giờ tồn tại. Thời Kim Nhật Thành còn sống, khi anh chị em gặp nhau trên đường, không bao giờ được phép chào hỏi nhau về sức khỏe, mà phải hỏi nhau đã đọc trước tác Kim Nhật Thành đến chương mấy rồi. Nếu có người thứ 3 ở đấy mà lại hỏi nhau về con cái, sức khỏe thì sau đấy rất phiền toái. Một ngày một người có 12 giờ ở cơ quan gồm: 8 giờ làm công việc được giao, 2 giờ lao động công ích như quét tước ở xung quanh cơ quan, xí nghiệp hay nhà máy, sau đó có 2 giờ ngồi đọc trước tác Kim Nhật Thành.
... Một xã hội rất nặng nề. Các nước phương Tây gọi xã hội này là binh doanh xã hội, tức là trại lính. Mới nhìn vào thì thấy xã hội rất quy củ, nền nếp, nhưng đi sâu vào thì thấy nó nặng nề lắm.


hù hù, chỉ đọc và nghe kể thôi đã thấy ngột thở muốn són tè ra quần. Thật là, 'thà làm quỷ nước Nam' (câu này trong bài "Một tuần ở Bắc Hàn" mình dẫn trên kia đấy). Thật là, thật là...

Ngoài cửa sổ, Hà Nội nắng dịu giữa đông đẹp mê tơi.

December 21, 2011

'Xúc đất đổ đi'

Tối, cả nhà quây quần ở phòng khách. Mẹ bảo: - Hôm rồi mẹ đến trường Dim Mei gặp thầy Vĩnh hiệu trưởng. Nói chuyện năm ngoái trường mình phải đi tặng hoa sự kiện, tham gia diễu hành... quá nhiều. Thầy bảo tại (lãnh đạo) Thành phố tín nhiệm cứ có sự kiện lại gọi từ chối không được, mà sắp tới lại phải tặng hoa gì đấy. Mẹ nghĩ nếu trường gọi Dim Mei cũng cần biết từ chối một số dịp kẻo ảnh hưởng đến việc học.

Dim: - Vâng, con nói với cô là lần này con không tham gia rồi.
Mei: - Sao em chưa thấy cô em nói gì.
Dim (quay qua Mei): - Lần này tặng hoa cho Tàu Khựa đấy, thôi đừng đi.

Lặng, giả vờ chăm chú thời sự trên TV. Bụng ngấm ngầm bảo dạ: - "mi thành công rồi nhá, bảo đảm sẽ có người lên án mi quá cực đoan". Dạ thưa lại bụng: - "Đồng ý cực đoan. Mà trong vô vàn cái ta chỉ cực đoan duy nhứt duy nhứt có cái này thôi. Nói cho mà biết, đây đang sung sướng thừa hưởng thành quả mà không lăn tăn áy náy gì hết, nhá" :D

p.s: Tới hôm nay đọc tin mới biết là hai bạn đã từ chối đi vụ này.

*** Vì sao?:
- CHO MÌNH
- GIẤC MƠ NƯỚC MỸ
- Có xí liên quan: VẮC XIN

December 20, 2011

Yêu con (tiếp)

Lana trích sách tiếp nha ("NHỮNG QUY TẮC LÀM CHA MẸ" - Richard Templar, NXB Lao Động 2009).

QT7: CẢM GIÁC MUỐN RŨ BỎ LÀ ĐIỀU BÌNH THƯỜNG
Bạn đã bao giờ nghĩ đến cái chết, thuốc ngủ..., hoặc điều tồi tệ nhất: ước gì bọn trẻ biến hết đi? Tất nhiên việc thừa nhận những suy nghĩ đó là điều cấm kỵ. Bạn không thể nghiêm túc nói rằng có nhiều khi bạn chỉ muốn thoát khỏi con mình. Sao mà có thể chứ? Trách nhiệm của bạn là yêu thương bé, và nếu yêu thương bé bạn phải yêu mọi thứ thuộc về bé: Bạn phải mỉm cười thật hiền khi bé muốn bạn đọc cho nghe một câu chuyện tẻ ngắt vào mỗi tối trong vòng ba tháng liền, bạn phải nhìn bé thật trìu mến khi bé vừa la hét vừa chạy lung tung. Tuy nhiên... (đọc tiếp)

*** Cùng cuốn sách:
- QUY TẮC LÀM CHA MẸ

December 19, 2011

Dạo này (2)

Dạo này mình thật bình an. Sáng dậy đúng giờ, ngày đều đặn, tối ngủ say sưa. Nhắm mắt tự kiểm thấy mình bước theo đúng bước thời gian. Không phải cuống quýt tít mù chạy đến không kịp thở cũng không hiện tượng dài người "sao ngày chậm rề, sao tháng chậm rề".

Dạo này mình bắt đầu đọc lại, điều quan trọng hơn là mình có hứng thú đọc. Mình thú nhận ban đầu trở lại với thói quen này phần nhiều là do mình tự bắt buộc, nhưng đến giờ thì hứng thú đã quay trở lại.
Mình đang đọc "Kẻ Mạo Danh" của Jeffrey Archer (không hiểu sao người dịch lại "đặt" tựa cuốn sách như thế, nguyên bản tiếng Anh là "A Prisoner of Birth"). Cuốn này của NXB Văn Học, không thấy có phần giới thiệu về tác giả (sau phải viện gút gồ). Mình đọc trên xe buýt, ở nhà, trên giường trước khi đi ngủ. Nói chung là rất mê, đúng gu mình thích - tâm lý con người, tâm lý tội phạm và sự đấu tài giữa các chuyên gia luật. Giá được như ngày xưa không buộc đi ngủ sớm để hôm sau phải tỉnh táo vì công việc và trách nhiệm, thì mình đã không thể gấp sách lúc 12 rưỡi đêm như tối qua và tối trước.

Dạo này mỗi sáng đi bộ ra bến xe không được trong veo mà có tí lẩn vẩn. Là anh này đã đổi chuyển xe ở điểm bến của mình. Mấy bữa gần đây sáng ra đi bộ đến bến xe buýt đã thấy đồng chí đang đứng ở bến, lại "Nói chuyện với em thấy thú vị quá mà xin số điện thoại mãi không được", chả có câu nào để trả lời, 'thú vị' lại cười trừ rồi sống sượng tảng lờ. Anh này có vẻ chỉn chu, có vẻ người hiền, nhưng điều quan trọng là mình đã nhìn thấy tay anh ta đeo nhẫn, ke ke :)

Dạo này trời lạnh kéo dài, nhưng không thấy co ro. Có thể là đã quen với lạnh, cũng có thể là vì - quay lại điều 1 - tâm trạng yên ổn. Chỉ là, trời lạnh lại thèm món Vịt om sấu.

December 16, 2011

Đi mua thảm

Sắp Tết mà mình thờ ơ chẳng nghĩ phải làm gì cho Tết, tới khi được nhắc mới như chợt tỉnh ừa nhỉ, mình tệ quá, nếu không cho mình thì cũng phải làm Tết cho Dim Mei có nếp đặng còn sau này. Mình sẽ phải làm gì đó trang hoàng nhà cửa tươi vui màu sắc. Tết cơ mà. Hết một năm và qua Năm Mới cơ mà.
Mình nghĩ ra vài thứ. Sẽ mua thêm một chiếc quạt sưởi và bình hoa trang trí, thay những tấm nệm lót cho bộ xa lông gỗ. Ồ chắc chắn sẽ đem lại sự tươi mới cho phòng khách đây. Đem ra thảo luận trong bữa ăn, cả nhà có vẻ hào hứng. Dim bổ sung ý tưởng mua thảm nền nhà vừa trang trí vừa ấm chân mùa lạnh.
................................................(hình minh họa)

Dạo này tài khoản của mình ấm ấm hơn nên cái độ tự tin nó cũng tăng ;D (ai nói gì mình vẫn bảo vệ 'giá trị tinh thần' của tiền, hì hì). Chiều qua đi làm về sớm mình không về thẳng mà ghé vào cửa tiệm bán thảm trang trí trên phố nhà mình, nhiều lần đi ngang ngó thấy mà chưa bao giờ vào. Chủ tiệm là một người đàn ông đứng tuổi, đeo cặp kính, chậm rãi đứng lên: "cô mua thảm?" - "dạ", mình trả lời hết sức tự tin.
- Cô tìm kích cỡ bao nhiêu? Ở đây tôi có mét bẩy x hai mét hai, hai mét x ba mét...
- Dạ không cháu lấy tấm to cơ! Phòng khách nhà cháu rộng mà lại kê ít đồ.
- Phòng khách nhà cô bao nhiêu?
- Dạ 4.5m x 6m !
(ông chủ có vẻ choáng) - Nhưng thảm này là trang trí người ta không trải kín hết phòng đâu. Tôi có cỡ 3m x 4m. Ít nhất thì cô cũng chừa chỗ kê bộ bàn ghế ra chứ. Mà nhà cô bàn ghế gỗ hay sa lông bọc nệm?
- Dạ nhà cháu ghế gỗ.
- Vậy thì phải là dạng hoa văn dày kiểu cổ điển. Giá mắc hơn một chút so với loại hiện đại.
Nói rồi ông giở ca ta lô giới thiệu cho khách: - "Đây là thảm dệt hoa văn cổ điển, kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Maroco, Kazakstan..."
- Vâng đúng, cháu thích kiểu hoa văn này (có cái quái gì mà mình không thích kiểu cổ nhỉ, hị hị), mình chỉ vào một tấm kiểu Maroco màu đỏ chủ đạo.
- Đây nó đây, để tôi lấy trải cho cô xem.

Khách xem xong, gật gù. - Tấm này giá bao nhiêu hả chú?
- Để tôi tính xem. 3 x 4 vị chi là 12 mét vuông; nhân 3.5tr/m2 là, là... khoảng 40 triệu.

(đến lượt khách choáng, tai ù tít, suýt ngã cái uỵch), ối giời, bỗng chốc hình dung cái ví của mình móp méo vặn vẹo như tuýp thuốc đánh răng bữa quên mua mới. Tưởng giá thế nào nên lúc bước vào mới hùng dũng thế chứ! Cố bám víu vào cái khả năng giấu cảm xúc trên mặt, hỏi (với vát bản mặt tí chứ bụng biết rành mạch là phải chào bác em dzìa): - Có bớt giá không ha chú?
- Ở đây tôi bán đúng giá. Thảm dệt tay đấy cô ạ.

Thật là xịt i như một quả bóng bay đang căng phồng dính phải chiếc kim khâu bao! Thiên Nga bỗng chốc thành vịt cỏ. Mắt bất giác liếc qua phía xếp những cuộn thảm cỡ bé. Không qua được mắt chủ tiệm:
- Theo tôi nhà riêng phòng khách có rộng thì cũng chỉ tấm 1.7m x 2.2m là vừa. Giá khoảng 12, 13 triệu.
- Dạ... vâng... ạ... (thôi thú nhận cho rồi) thật là cháu không nghĩ giá cao thế, hì hì, nên lúc đầu cháu muốn tấm lớn còn ấm chân nữa cơ. Giờ chắc là chỉ mua một tấm để giữa phòng trang trí thôi. Cháu phải về xem lại xem để chỗ nào, đo kích cỡ quyết định sau chú ạ. Nhà cháu gần đây, có gì cháu sẽ ra.
- Vâng cô cứ tự nhiên.

Hihi, đi bộ về suốt dọc đường vẫn cười i hi hi. Về nhà vừa kịp bữa cơm tối, ngồi tường thuật lại cho Tuyết Dim Mei, cả nhà lại sung sướng cười a ha ha. Đúng thật là không biết gì ngây ngô cũng có cái sướng. Được sải bước vào tiệm đồ xịn hùng dũng như chốn không người!

December 15, 2011

Yêu con (tiếp)

(Nguồn: "NHỮNG QUY TẮC LÀM CHA MẸ" - Richard Templar, NXB Lao Động 2009)

QT 11. CHỈ YÊU THƯƠNG THÔI CHƯA ĐỦ
Bạn đã bao giờ nghe câu nói mang tính công thức "Điều quan trọng nhất mà bạn có thể dành cho con mình là tình yêu thương"? Vâng hiển nhiên tình yêu thương là cần thiết. Tôi cho rằng tất cả chúng ta đều làm điều này. Nhưng nếu đó là tất cả những gì bạn dành cho con mình thì các cháu quả là thiệt thòi.
Các bậc phụ huynh theo phong cách híp-pi cho rằng con trẻ cần được chạy nhảy tự do thoải mái và bạn không nên cấm cản... (đọc tiếp)

Vừa post xong thì đọc được câu chuyện có thật này.

*** Bài trước:
- YÊU CON (2)

December 14, 2011

Yêu con (2)


Lana đã vài lần nhắc đến cuốn sách NHỮNG QUY TẮC LÀM CHA MẸ (The Rules of Parenting, Richard Templar, 2008). Đọc, ngấm, thấy vô cùng biết ơn tác giả cuốn sách. Người viết hẳn là bậc thầy về tâm lý trẻ và có khả năng truyền đạt tuyệt vời để cuốn sách không khô cứng, giáo điều mà cực kỳ dễ đọc, dễ học. Lana thậm chí đã mua tặng những người thân đang làm cha mẹ, rồi tự hứa sẽ chọn lọc, trích, và post lên dần trên Blog để chia sẻ, mà lại ngại ngần làm bận bạn đọc. Mới đây có bạn đã đề nghị Lana bốt dần, vậy Lana sẽ bốt nhé.

Có lẽ đọc chút một đỡ ngại hơn là cầm cả cuốn sách, nhất là cha mẹ nào cũng bận rộn cả trăm đầu việc. Vậy thì Lana sẽ trích từng quy tắc. Xin nói là trích theo cách chọn những phần Lana cảm thấy cô đọng nhất, lược bỏ khoảng một nửa chữ trong mỗi phần. Có thể lúc này lúc khác Lana sẽ post không theo thứ tự các quy tắc được in trong sách, bởi Lana vốn khó theo những quy tắc quá cứng nhắc, quá chỉn chu, trừ khi bắt buộc :D

GIỚI THIỆU (trích từ phần giới thiệu cuốn sách và phần tự giới thiệu của chính tác giả):
Không có một sự chuẩn bị tuyệt đối chu toàn nào dành cho bạn khi làm cha mẹ. Bạn bắt đầu từ việc băn khoăn làm thế nào để thay tã hoặc tắm cho bé mà không làm bé bị ướt và không bao lâu sau bạn phát hiện ra đó là việc dễ nhất trong những việc bạn cần làm. Và ngay khi bạn nghĩ gia đoạn đầu trong thời thơ ấu của con đã qua thì con bạn lại lớn thêm lên và sau đó là cả một chuỗi sự kiện diễn ra. Chập chững tập đi, đi học, có người yêu, đến tuổi học lái xe - mọi việc chẳng bao giờ dừng lại. Thật may là phần thưởng bù lại cũng rất lớn - niềm vui, những vòng tay âu yếm và sự gần gũi, sự trưởng thành nhanh chóng của con thật đáng để bạn tự hào.

Những Quy tắc làm cha mẹ không phải là một khám phá mới mẻ, mà chỉ là một lời nhắc nhở. Trong đó có nhiều quy tắc thông dụng nhưng bạn rất dễ bỏ qua khi nuôi dạy bé gái 2 tuổi đang nhõng nhẽo, hoặc đứa con tuổi vị thành niên vốn nghĩ rằng mọi thứ trong thế giới này tồn tại vì riêng mình. Chính vì vậy bạn cần đọc và ghi nhớ mọi nguyên tắc.
100 quy tắc dường như là quá nhiều? không hề nhiều, bởi thời hạn 18 năm là một hợp đồng khá dài đối với một công việc, và sẽ là hơn 18 năm nếu bạn có hơn một con trở lên. Bạn phải cùng con trải qua các thời kỳ bú mớm, tã lót, tập đi, học nói, đến trường, kết bạn, yêu đương, lập gia đình, phạm sai lầm... như vậy, 100 quy tắc không hề nhiều chút nào.

Các quy tắc này nói về những điều các bậc cha mẹ cần làm để giúp con tạo nên giá trị và sự tự nhận thức về bản thân, biết hưởng thụ cuộc sống và làm cho những người xung quanh hạnh phúc, tốt bụng, biết bảo vệ chính kiến, tự tin, trưởng thành và thành đạt. Các quy tắc này có phạm vi rộng, có thể áp dụng cho các gia đình hạt nhân truyền thống và cho cả kiểu gia đình có cha mẹ đơn thân hoặc gia đình có cha, mẹ kế.

QUY TẮC 1: GIẢM BỚT CĂNG THẲNG
(trích)
Tất cả các bậc cha mẹ giỏi mà tôi biết đều có một điểm chung, đó là họ biết cách giảm bớt căng thẳng. Rất nhiều các bậc cha mẹ khác thường xuyên lo lắng về một điều gì đó... (đọc tiếp)

*** Bài trước:
- YÊU CON (1)
- BỐI RỐI

December 13, 2011

Gởi từ Suối Giàng

Trời vừa tắt nắng, xe của đoàn bác Tuấn đã leo lên đến trung tâm xã Suối Giàng trong sự đón tiếp hân hoan và nồng nhiệt của các thầy cô giáo cùng các em học sinh nơi đây. Dù đã nhiều lần đặt chân lên Suối Giàng, nên hôm nay các bác như trở lại miền đất quen thuộc và các em học sinh cũng như hẹn người mong gặp, các thầy cô giáo rất hối hả đợi chờ. Tất cả đều xúc động và cảm thấy hạnh phúc khi vợ chồng Bác Tuấn cùng các bác, cô chú trong đoàn thay mặt các nhà hảo tâm ân cần trao từng chiếc áo ấm, âu yếm quàng từng chiếc khăn, trau truốt đội từng chiếc mũ len cho các em học sinh nghèo nơi đây. Tất cả, tất cả những hành động đó đã diễn ra như duyên hẹn ước. Tình cảm của họ như là "mẫu tử tình thâm".

Những câu nói rất mộc mạc mà chân tình rằng: "mấy đứa nhỏ chưa ăn cơm thì mang thịt lên nấu thêm cho chúng ăn luôn", "thằng này áo có vừa không?", "đứa này áo chật đổi cho nó cái khác cho vừa",... Những câu nói ấy cùng những hành động ân cần tỉ mỉ của các cô bác đã làm chúng tôi thật cảm động. Sau một thời gian rất khẩn trương và hối hả đoàn đã trao hằng trăm chiếc áo ấm, hàng trăm chiếc khăn, hàng trăm chiếc mũ và nhiều vật dụng thiết yếu cho công việc học tập của học sinh trong ánh mắt nụ cười rạng rỡ của các em và ánh mắt trìu mến của các cô chú trong đoàn, các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo. Tất cả điều đó chỉ là những việc làm nho nhỏ của những người trong quỹ mà thôi.

Các bạn có biết không, mong muốn của các bác, cô chú là tất cả, tất cả học sinh Suối Gàng được ăn "cơm có thịt", thường xuyên. Vì thế các cô Bác đã huy động số tiền không nhỏ để đã gửi cho các em học sinh nơi đây. Hiện nay nhà trường cũng rất cần và trân trọng đến sự giúp đỡ trong sáng và tâm huyết những người đã, đang và sẽ xây dựng quỹ này. Vì vậy nhà trường đã sử dụng quỹ rất đúng mục đích, mang lại ý nghĩa và hiệu quả rất cao trong công tác giáo dục; quỹ đã thực sự là nguồn động viên rất lớn đối với các các em học sinh bán trú dân nuôi nơi đây. Điều đó đã tạo lên một luồng gió mới cho sự phát triển của sự nghiệp giáo dục Suối Giàng. Có lẽ sau này dù có đi công tác xa Suối Giàng hay trưởng thành trên mảnh đất quê hương chắc rằng các em sẽ không bao giờ quên những kỷ niêm tuổi ấu thơ đã lơn lên trong vòng tay yêu thương che trở cua gia đinh, các thầy cô và đặc biệt quỹ "cơm có thịt".

Cuối cùng các em học sinh Suối Giàng và người viết bài viết này không quên cảm ơn vợ chồng bác và các bác, các cô chú trong đoàn đã không quản ngại khó khăn đem hơi
ấm và tình thương đến với các em nhỏ Suối Giàng. Rất mong sự quan tâm giúp đỡ tiếp tục của các anh chị và các bạn cũng như những người đọc bài viết này đang trực tiếp
hoạch định chính sách tiếp tục quan tâm tạo điều kiện hơn nữa về cơ chế cho các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong công tác xã hội hóa giáo dục để có thêm nhiều "Suối Giàng" như thế . Xin trân thành cảm ơn Casc bác và các cô chú, các anh chị trong đoàn,hẹn gặp một ngày gần nhất trong hơi ấm tình người hướng về các em nhỏ vùng cao nơi đây.

Suối Giàng, ngày 26 tháng 11 năm 2011

Xuân Kiểm (THCS Suối Giàng)
ĐC: xuankiem_sg@vanchan.edu.vn
(nguồn ở đây)

*** Cùng một chuyến đi:
- TỚI NHỮNG MIỀN XA HƠN

December 12, 2011

Đầu tuần bận rộn, nhưng...

1. ... Nhưng đã và đang có những trái thị thơm gởi về "Giỏ Thị" góp để tiếp sức cho Dự án Cơm thịt nhân văn mà hiệu quả của Quỹ Suối Giàng. Vậy không blogging sẽ cảm thấy thiếu và lỗi. Giỏ Thị đã nhận được Thị từ Hoàng Yến, Sông, Mẹ Mốc Mít, Quỳnh Ni (Đà Nẵng). Thông tin cụ thể Lana sẽ sớm thông tin qua email chung nhóm. Ngoài ra, hôm nay dịch vụ chuyển tiền báo có một món tiền USD gởi về, không khớp với số tiền nào mà Lana được báo đang chuyển. Lana đang chờ thêm tin. Lỡ nhận rồi mà chưa biết ai gởi thì làm sao để email báo đã nhận đây?

2. Bận rộn, nhưng có việc này cứ thú vị mủm mỉm mình ên hoài im tiếp không có được. Có một bạn chỉ đọc comments mà vẽ nên chân dung người còm. Lúc đầu Lana ngó thấy tên mình bị đưa lên "đoạn đầu đài" thì run rẩy sợ hãi lắm, nhưng coi thì thấy bạn í viết hay quá. Mà bạn í vẽ chân dung Lana hiền ghê (giống, hihi). Bạn í lại có biệt tài xóa nếp nhăn nên Lana cứ như soi vào cái gương có phép làm thời gian lùi lại ấy, hihi, sướng. Ở đây này.

3. Đầu tuần bận rộn, nhưng có việc này nữa làm cảm động muốn share. Một bạn đọc blog hôm nay email rằng bạn sẽ gởi một số tiền góp cho ý định mà bạn Sống Thật Chậm sau một chuyến đi theo nhóm Suối Giàng đã trăn trở là mua đồ ấm, nước sạch, nồi nấu bếp, thuốc... (link) giúp các bé mẫu giáo Pa Cheo. Bạn viết "Mình muốn đóng góp vào Giỏ Thị thay vì gởi thẳng vào tài khoản của bác Tuấn bởi vì mình biết được chương trình này là nhờ đọc blog của Lana". Mình email cho bạn rằng Giỏ Thị gom trong nhóm kẻ ít người nhiều thành một khoản rồi gởi qua Quỹ Suối Giàng, Quỹ này sẽ chi cho mục đích khởi đầu là cơm thịt cho trẻ miền núi, đầu tư cho từng điểm chắc chắn rồi thì mở rộng cơm thịt sang các điểm khác, sao để bảo đảm duy trì được đều đặn và lâu dài. Những việc giúp hiện vật (quần áo ấm, chăn mền, sách vở, đồ dùng sinh hoạt... ) diễn ra song song và độc lập với Quỹ Cơm thịt. Là để Quỹ tập trung cho mục đích chính, không bị phân tán thôi chứ giúp thế nào cũng ý nghĩa và đáng trân trọng. Lana đã nhận với bạn sẽ làm trung chuyển đến đúng nơi và truyền đạt đúng mong muốn của bạn. Cảm ơn tấm lòng của bạn rất nhiều.

Hà Nội mà còn đang rét buốt. Trời lạnh căm căm. Tết đến gần rồi.

December 09, 2011

con gì?

Tối, mẹ đang loay hoay việc gì đó, Mei đang ngồi với laptop, gọi đến lần thứ hai "Mẹ ơi, mẹ ơi, ra con cho mẹ xem cái này" (Mei nhiều lần xin mẹ nuôi một con chó):
(nguồn)

Mẹ ngó đọc xong cười hì - Ừ, đúng, hì hì, con mèo thường nghĩ ích kỷ hơn. Thế... Mei là con chó hay con mèo?
- Con chó.
- Nhưng Mei sinh ra đã là tuổi con mèo...
- Mei sinh tuổi con mèo nhưng Mei suy nghĩ giống con chó.
(là Mei vẫn đang theo dòng con chó và con mèo trong tranh)
:D

December 06, 2011

Yêu con (1)

Cách đây khoảng 2 tuần anh Tâm học chung lớp dự bị tiếng Nga xưa gọi điện thoại. Là lâu không gặp, sắp họp mặt khóa nên anh thấy số điện thoại của mình trong danh sách đăng ký, gọi để hàn huyên. Hỏi thăm đến anh H. đồng hương với Tâm, giọng anh trầm xuống, bảo H dạo này uống rượu suốt, anh ấy mới mất đứa con trai, mới 12 tuổi, hiền lành. Cháu tự treo..., ở nhà.
Xót.
Rất có thể là những khủng hoảng của tuổi bắt đầu lớn.
Cũng có thể là cháu đã không cảm thấy một chỗ dựa, một sự chia sẻ. Í mình là bố mẹ vẫn rất yêu cháu, nhưng vì lý do gì đó cháu đã không - cảm - thấy.
Đáng tiếc biết bao.

Mình vẫn có ý định sẽ trích type dần chút cuốn sách "Những Quy tắc làm cha mẹ" (Richard Templar) - chỉ để nhắc cho mình và các cha mẹ, đôi khi là những điều đã biết. Hôm nay mình chọn trích 3 quy tắc này nhé:

86. Dạy con biết thất bại
Không ai muốn thất bại. Với con trẻ thì việc thất bại đôi khi tỉ lệ hơn so với chúng ta nghĩ. Có một thực tế đáng buồn là một số cháu thậm chí còn tự tử vì sợ thi trượt. Trong khi người lớn chúng ta biết rằng việc thi trượt không đến nỗi khủng khiếp lắm thì với con bạn việc đó rất có thể là một sự khủng hoảng.
Nếu bạn nói với cháu rằng việc đó chẳng quan trọng, chẳng làm sao cả, rằng cháu có thể thử lại... là bạn đang gián tiếp nói với cháu rằng các cảm giác của cháu là sai và cháu không nên buồn. Việc coi nhẹ cảm giác của cháu sẽ làm cháu cảm thấy tổn thương và cô đơn.

Vậy thì bạn nên làm gì? Hãy nói với cháu rằng cháu đã đúng khi có cảm giác mất mát như vậy. Bạn cần cho phép cháu được có cảm giác tồi tệ như cháu đang cảm thấy, bằng cách nói với cháu rằng bạn có thể thấy được cháu cảm thấy tồi tệ như thế nào. Bạn hãy tỏ ra cảm thông và thấu hiểu. Bạn biết điều gì có tác dụng rồi đấy: Một cái ôm và những tách trà, một chiếc bánh sô cô la nếu trong nhà có. Có thể là nấu món ăn ưa thích của cháu cho bữa tối để cháu biết rằng bạn quan tâm tới cháu.
Khi bạn đã để cho cháu buồn rầu một thời gian thì rồi với sự quan tâm (kín đáo) của bạn, cháu sẽ thoát ra được khỏi nỗi thất vọng của mình, và khi đó bạn cần ở bên cháu động viên và chỉ ra những cái được - nhưng chỉ trong chừng mực mà cháu muốn nghe thôi nhé...

77. La mắng không phải là giải pháp
Giả sử con bạn mắc một lỗi gì đó:
- Trốn học
- Chửi thề
- Tự ý đi chơi khuya với bạn khác giới
- Hút thuốc / say rượu
- Quan hệ tình dục khi chưa đến 16 tuổi

Chà, thật quá kinh khủng khi nghĩ tới điều đó. Giả sử còn những hệ quả tệ hại hơn: cháu có thể bị nhiễm bệnh lây qua đường tình dục, hoặc cháu sắp bị đuổi học. Liệu bạn có muốn con bạn tìm đến bạn nhờ giúp đỡ, hay là không?

(đọc tiếp)

*** Có thể bạn muốn đọc:
- CHUYỆN KHÔNG DỄ CHUYỆN

LÀM CHA MẸ (7, 8)

Lana trích sách tiếp nha ("NHỮNG QUY TẮC LÀM CHA MẸ" - Richard Templar, NXB Lao Động 2009).

QT7: CẢM GIÁC MUỐN RŨ BỎ LÀ ĐIỀU BÌNH THƯỜNG
Bạn đã bao giờ nghĩ đến cái chết, thuốc ngủ..., hoặc điều tồi tệ nhất: ước gì bọn trẻ biến hết đi? Tất nhiên việc thừa nhận những suy nghĩ đó là điều cấm kỵ. Bạn không thể nghiêm túc nói rằng có nhiều khi bạn chỉ muốn thoát khỏi con mình. Sao mà có thể chứ? Trách nhiệm của bạn là yêu thương bé, và nếu yêu thương bé bạn phải yêu mọi thứ thuộc về bé: Bạn phải mỉm cười thật hiền khi bé muốn bạn đọc cho nghe một câu chuyện tẻ ngắt vào mỗi tối trong vòng ba tháng liền, bạn phải nhìn bé thật trìu mến khi bé vừa la hét vừa chạy lung tung. Tuy nhiên...
Thường là chúng ta lại có thể thể hiện sự khó chịu, bực bội về những đứa trẻ con nhà khác. Như vậy có thể thấy là đứa trẻ nào cũng có biệt tài làm người lớn căng thẳng. Điều này giải thích tại sao nhiều khi các con bạn khiến bạn phát điên. Đó là điều hoàn toàn bình thường.

Bọn trẻ có thể làm điều này ngay từ khi chào đời, tiếng khóc của đứa trẻ chạm tới óc bạn cho tới khi bạn phải làm điều gì đó. Rồi sau đó, mỗi ngày đều có thể có những điều khiến bạn bực tức. Tệ nhất là đôi khi bạn biết không phải lỗi của chúng nhưng bạn vẫn khó chịu. Ví dụ như khi bé làm bạn phải thức trắng ba đêm liền vì bé mọc răng, thật khó mà bình tĩnh. Bạn biết bạn phải thông cảm với bé, nhưng thật sự bạn chỉ muốn bé 'im miệng' và để cho bạn ngủ.

Tôi có điều này cho bạn: Cha mẹ nào cũng có những cảm giác này. Hãy chấp nhận nó như một điều tự nhiên và bất kỳ cha mẹ nào không thú nhận điều đó nghĩa là họ đang nói dối. Bạn không thể ngăn bọn trẻ khiến bạn khó chịu và mệt mỏi nhưng bạn cũng không cần phải cảm thấy tội lỗi về cảm giác này

Vấn đề là điều gì cũng có hai mặt. Bạn có nhớ lúc bé bạn cảm thấy thế nào không? Bất kể con bạn làm bạn phát cáu thế nào, có nhiều khả năng bạn làm con bạn khó chịu ít nhất là bằng như vậy. Vậy là hòa.

QT8: BẠN ĐƯỢC PHÉP TRỐN KHỎI CON MÌNH
Nếu quy tắc 7 cho rằng con bạn được phép làm bạn cáu, thì bạn cũng cần được làm gì đó để bảo vệ mình. Cá nhân tôi thì tôi thích trốn chạy. Nói thật là tôi đã có lần trốn vội vào chiếc tủ gần nhất, nín thở chờ cho tới khi bọn trẻ rời khỏi phòng.

Bạn biết cảm giác ra sao rồi đấy. Bạn có thể nghe thấy bước chân bọn trẻ lại gần, "Em sẽ mách tội anh!" - "Không, anh sẽ mách tội em!". Bạn biết chính bạn là người các cháu tìm đến nhưng bạn không biết đích xác chúng đã làm gì và phân xử thế nào. Vậy quy tắc nào cho các bậc cha mẹ trong trường hợp này? Câu trả lời cho tôi rất rõ ràng: Tôi cần trốn đi. Và bạn biết điều gì xảy ra không? Khi các cháu không tìm thấy bạn, các cháu sẽ tự giải quyết mọi chuyện với nhau.

Rất nhiều cuốn sách dành cho cha mẹ khuyên bạn nên áp dụng "thời gian cách ly" khi các cháu không ngoan. Bạn có thể nhốt cháu vào một phòng nào đó, bắt đứng góc nhà, tới khi cháu bình thường trở lại. Hình thức này rất có tác dụng. Đối với các cháu thì như vậy, còn bạn thì sao? Bạn cũng được phép có những khoảng "thời gian cách ly", có nghĩa là tránh khỏi con bạn theo bất kỳ cách nào có thể - bao gồm cả việc trốn đi.

Nhiều năm trước khi tôi chuẩn bị đón cháu đầu lòng, một người bạn đã nói với tôi rằng nhiều lần cô thấy mệt mỏi và thất vọng vì phải chăm con mọn đến độ cô ấy chỉ muốn tung hê tất cả. Viễn cảnh ấy làm cho tôi khá lo lắng. Tôi đã hỏi những lúc như vậy cô ấy làm thế nào, cô ấy trả lời rằng cô đặt bé giữa sàn chỗ mà bé không thể gặp hiểm nguy, rồi sau đó đi ra xa hẳn để không nghe thấy tiếng la hét của bé nữa, rồi ở đó cho tới khi bình tâm trở lại.

Tại sao rất nhiều người lại cảm thấy không nên làm điều đó, thậm chí ngay cả khi chúng ta đã chịu đựng quá sức? Thật ra đó là cách duy nhất chúng ta có thể làm. Chúng ta đều là con người và đôi khi cần trốn chạy. Bằng cách đó, chúng ta có thể thực hiện tốt hơn vai trò của mình khi quay trở lại với tâm trạng thoải mái hơn. (còn tiếp)


p.s: Mình thích cái bài học này quá. Thực tình là mình từng trốn chạy vài lần (chả riêng gì trốn trạy bọn trẻ), "để bình tâm trở lại", hihi.

*** Cùng cuốn sách:
- QUY TẮC LÀM CHA MẸ

December 05, 2011

Dự án 9 triệu - tới những miền xa hơn

Tuần trước nòng cốt dự án 9 triệu cùng một số tình nguyện viên có chuyến đi dài, thăm, tiếp tế thêm cho các trường 'đã phủ sóng cơm thịt' và khảo sát những trường xa hơn, nghèo hơn dọc ba tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Lào cai.

Mình ở nhà, dõi theo chuyến đi của nhóm bằng cách đọc đủ tất cả những bài cảm nhận của những người tình nguyện theo đoàn. Nhâm nhi hoài câu này của Blogger 'Sống thật chậm' "Theo chân đoàn lần này chỉ muốn tìm câu trả lời cho một số băn khoăn của mình". Mình đoán một trong những băn khoăn ấy là muốn nhìn tận mắt cơm thịt đến với các cháu như thế nào. Và chuyến đi đã thật sự làm chị cảm động. Những bài viết của chị đầy ắp cảm nhận của một người giàu trắc ẩn, của một người làm mẹ trước những đứa trẻ thiếu thốn, lấm lem.

Mình sẽ trích một ít từ các blog bạn về chuyến đi này của Dự án 9 triệu chia sẻ nhé:

Dù đã rất cố gắng, bọn mình cũng chỉ lên được Suối Giàng vào lúc đã tối hẳn. Gần hai trăm đứa học sinh nội trú Tiểu học và Trung học sơ sở vẫn đợi. Quà mang lên khá nhiều: 200 áo gió người bạn ở Vinatex tặng, 340 chiếc áo ấm mua bằng tiền bạn MH gửi đến, Nhóm Giỏ Thị gửi lên 130 mũ len, 80 khăn len, rồi sách truyện... Dọc đường, dừng lại chợ ngã ba mua quà "đặc biệt". Chính là thịt. Quầy miền núi, chỉ có một vài cân, thế là người bán ới các quầy khác ở xa. Mấy bà chạy rầm rập đến với các miếng thịt trên tay... Gom được gần chục ký ngon nhất. Như sống lại thuở bao cấp, thăm người thân bằng thịt là quý nhất, mà không thì lạc, cá khô, trứng... cũng quý vô cùng. (Một chuyến đi dài - TĐT)

Bọn trẻ con nội trú được báo trước có khách Hà Nội lên, đã ngóng chờ từ chiều. Một số đứa nhà rất xa, không đợi được, phải về để hôm sau mang gạo đến trường. Mới sà vào lân la bắt chuyện với chúng, thì bác Tuấn, bác Trâm, bác Linh đã bắt đầu phát áo khoác ấm cho bọn tiểu học. Các bác Tiến, bác Khôi thì làm phụ tá. Nhìn bọn trẻ háo hức nhận quà, mặc áo, đội mũ với vẻ mặt hân hoan mà thấy sướng quá.
... Bác Tuấn gửi lời chào và cảm ơn các bạn Giỏ Thị nhé.
(Lên Suối Giàng - Phần 2 - HAT)

Tiện đường rẽ vào Lao Chải thăm trường tiểu học. Sau khi nhận được tiền hỗ trợ từ quĩ "cơm thịt", nhà trường đã tổ chức nấu ăn cho tụi nhỏ nội trú... "Trứng gà, trứng vịt" ở Lao Chải không còn phải cúi rạp người thổi lửa nấu cơm sau buổi học nữa. Mà hơn chục trứng gà, trứng vịt này còn phải cõng thêm "trứng chim cút" nữa chứ. Vì em nhỏ học mẫu giáo gần đấy nên đến bữa lại sang anh chị chúng bên tiểu học để ăn... ké. Lần này lên, "cơm thịt" quyết định chi tiền luôn cho "trứng chim cút" để khỏi phải "ấp nhờ" ổ của anh chị. Tổ chim của chúng cheo leo bên sườn núi hiu hắt trong nắng chiều.
... Nghe các thầy cô nói, khu nội trú đã tăng lên 60 đứa so với 50 lúc cơm chưa có thịt.


Trên đường đi Y Tý rẽ qua Pa Cheo, một xã nghèo nhất của huyện Bát Xát. Quả danh bất hư truyền. Nghèo mạt rệp. Hai lớp học mẫu giáo của xã nằm không xa đường quốc lộ từ Sa Pa đi Y Tý nhưng cảm giác như bị bỏ quên. Xơ xác từ vật chất đến con người. Đám trẻ co ro trong cái lạnh 14 độ C. Quần áo phong phanh, có đứa đi chân đất, nhiều bé gái mặc váy lộ ra cẳng chân khẳng khiu tím tái. Thương các con chảy nước mắt... Mình có cảm giác khi lên xe rời Pa Cheo như là chạy trốn. Chạy trốn khỏi sự lãng quên, vô cảm, tội ác...
Ngay như trên đường từ Y Tý về Lào Cai, đã biết thêm ba trường mẫu giáo nghèo nữa là Tả Ngải Thầu, A Lù và Trịnh Tường. Toàn xã vùng biên. (Chủ nhân của IQ cao - Thùy Linh)

Có lẽ ai cũng biết, cái nghèo còn nhiều lắm nên càng đi càng thấy chưa đủ. Nói riêng một xã nghèo huyện nghèo, giúp được điểm này thầy cô và bà con các điểm khác trong xã trong huyện sẽ ngóng trông: Cái trường kia may mắn quá, bao giờ cái người tốt mới đến trường con mình?
Thế nên, càng đi, sẽ càng thấy nặng lòng.
Thế nên, cần lắm tiếp tục bàn tay chung góp của những tấm lòng với trẻ vùng cao.
Mình, ngày xưa, thời sơ tán, cũng từng là một đứa trẻ vùng cao...
Chờ em tan trường
Đứa được ấm (Tiểu học Suối Giàng),
Đứa còn rét tím chân... (Mầm non Pa Cheo)

*** Mời bạn đọc:
- ÁNH SÁNG CỦA NGÀY
- GIỎ THỊ XÓM BLOGSPOT

December 02, 2011

Hà Nội vào đông

Hà Nội rét ngọt. Bữa rét ngọt đầu tiên từ đầu đông tới giờ. Trời đẹp, vẫn có một chút nắng rớt, mà rét thấu. Bất chợt co ro. Chợt muốn viết chút để chào mùa đông.
Hà Nội có mùa đông, cái mùa, nói sao nhỉ, cái mùa mà phương Nam kia kìa không có :)

Cứ mỗi chuyển mùa thường làm người ta bâng khuâng.

Làm phép so sánh hình dung vẽ chân dung nhé: Đặt bên cạnh Mùa Xuân tươi trẻ - Mùa Đông mang vẻ trầm mặc, bên Mùa Hè cởi mở thì Mùa Đông lặng thầm, bên Mùa Thu lãng mạn thì Mùa Đông sâu lắng.

Mùa đông lạnh làm người ta bỏ tung tăng hướng lại những giá trị 'gần' hơn. Ví như người ta thích về nhà hơn ra đường, mà nếu có ra thì thích ngồi cà phê ấm áp với nhóm nhỏ thật thân hơn là những bữa tiệc rôm rả rộn ràng nhiều màu sắc nhiều âm thanh.

Chỉ có điều... mùa đông cũng làm cho những kẻ độc thân cảm thấy rõ hơn cái sự độc thân của mình. Nhưng không sao, trong những chất muối gia vị cho cuộc sống, 'thiếu thiếu một chút' cũng là một thứ gia vị để nhấm nháp. Mùa đông cuộc sống đậm đà hơn là vậy...

*** Entry cùng hệ:
- LẠNH (1)
- LẠNH (2)

December 01, 2011

Những phút ấm mềm

1. Mấy bữa im im, hôm qua vào blog thấy có comment "chị nói gì đi chị", mềm tan, cảm động. Biết blog vẫn luôn có những bạn bè lặng thầm ghé đọc, lặng thầm quan tâm, lặng thầm sẻ chia.
Nếu viết, ngày của mình suốt mấy hôm rồi là này: Sáng dậy đánh răng rửa mặt ra xe bus đến cơ quan. Có 1 tiếng đầu giờ để ăn sáng + cà phê + coi công việc, làm vội, check mail, lướt nhanh blog mình blog bạn. Xuống lớp học đến 12:00am. Ăn bếp + nghỉ trưa đến 1h. Học tiếp đến 4:30pm. Về lại office, lại việc - mình phải làm slides cho cuộc họp TCT tuần tới. 7h tối về đến nhà. Ăn tối. Nằm ghế vừa liếc lại bài vừa gặp Bao Công theo hẹn 'quen'. Gặp mà thậm chí không bắt theo được 'anh' nói gì, lơ mơ đứt quãng.
Ngày sau lịch quay vòng in hệt như ngày trước, không sai lệch, không thêm không bớt li nào, chương trình chuẩn i rô bốt. Tới nỗi giá có ai hỏi mình ăn trưa có gì ăn tối có gì mình không hề nhớ. Vẫn đủ bữa, đúng giờ.

Kể ra kêu ca cũng kỳ. Được học luôn là khao khát của mình, mà đây còn là khóa 'du học tại chỗ' với giảng viên của IATA (hiệp hội HK thế giới). Cậu giáo người Canada, trẻ, tận tình. Chỉ là lịch của bọn Tây rất xì trét xì ki, í lộn, xì trét ding (tressing), nghe không thôi tới cuối ngày cũng đủ mệt rũ, chưa kể vẫn việc song song.
Thế nên đồng cảm với những người dị ứng với nói nhiều, nghe nhiều. Nghe nhiều mệt hơn người nói vì người nói được chủ động lại được thỏa mãn nhu cầu được nói. Nghe, nhất là khi không có nhu cầu được nghe thì mệt lắm lắm :D

2. 29/11 là sinh nhật cô bạn cặp đôi của mình thời đi học. Cùng đồng hương sơ tán - cha mẹ cùng dạy ở một trường Sư phạm miền núi, cùng tuổi mới lớn, cùng xuống Hà Nội học đại học, nên có nhiều thứ để nhỏ to chia sẻ. Bẵng đi nhiều năm rồi mỗi người mỗi cuộc sống. Tối muộn 29 mới nhắc nhớ ra ngày, nhắn tin "chúc mừng sinh nhật bạn gái tuổi thơ...", nhận tin về "Cảm ơn LO, lâu rồi không gặp nhưng mình không quên cô bạn gái luôn gắn với kỷ niệm tuổi thơ của mình...".
Nghe chữ 'tuổi thơ' xao xuyến. Vì sao nhỉ, những gì gắn với tuổi thơ luôn có một sự lay động khó tả, bất chấp thời gian, bất chấp mọi đổi thay.

Cũng là vì vậy nên bức ảnh cậu bé miền núi nhỏ xíu xiu ngồi kễn kễn nấu cơm bên bếp lửa bằng củi tre, bàn tay khum khum dùng miếng giấy gập làm lót mở vung nồi cho đỡ bỏng đã thật sự chạm vào đáy lòng mình. Hình ảnh quen thuộc quá. Những năm tuổi thơ.
Nên thật ra đã dự định đi theo chuyến này.

3. Tối qua đọc Hàn Mặc Tử
...Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay

Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.

nghe man mác 'mờ nhân ảnh'. Lại mềm thôi rô bốt. Nhớ đó đây người ta căng người với dòng xoay kiếm tiền, xài tiền, quan hệ gia đình, công việc..., bắn bật đi những lãng mạn, những thơ những tình.
Lại lan man chữ giàu. Giàu tiền bạc như ngôi nhà to, như cây sồi lớn, cho người ta chỗ dựa yên bình không âu lo. Giàu tâm hồn giúp làm nên sắc màu lung linh ấm áp trong ngôi nhà ấy, cảm được tiếng lá xào xạc và ánh nắng lấp lánh nhảy nhót trong tán cây sồi già ấy... Cuộc sống đẹp hơn, sâu hơn.

Là tản mạn vậy thôi. Mỗi thứ giàu một nửa là ấm áp lung linh rồi.
Là vì trời Hà Nội hôm nay rất mưa và lạnh. Rất mùa đông.