September 29, 2011

Chuyện lớp chuyện trường


Qua năm học mới được 1 tháng Dim xin cô giáo thôi làm lớp trưởng. Năm nay có cô giáo chủ nhiệm mới. Dim bảo lớp thì rất nghịch còn cô giáo quá nghiêm khắc. Trường có những quy định như trong giờ nghỉ 5 phút giữa các tiết học các con chỉ được ở phía trong cánh cửa phòng học. Mấy đứa đùa nghịch đuổi nhau chạy ra tới hành lang liền bị ghi tên phê bình gửi tin nhắn điện thoại báo về phụ huynh. (hình: Sưu tầm)
Con bảo các bạn tuổi con lớn rồi con không thể ghi tên các bạn rồi nói với cô, như thế các bạn sẽ ghét, mà không giúp thì bị cô phê bình không hoàn thành nhiệm vụ lớp trưởng. Năm nay con cũng phải học nhiều nên con xin thôi. Tới Thứ 7 vừa rồi cô chính thức đồng ý. Lớp bầu một bạn trai làm lớp trưởng.

Mẹ nói đồng ý và ủng hộ quyết định của Dim.
Chỉ có một so sánh nhỏ buồn buồn: Ở trường học Úc Dim đã tự ứng cử vào house captein (trưởng 'nhà' - trường chia dọc các lớp từ lớp 1 đến lớp 6, mỗi 'nhà' là một dọc 6 lớp ấy).

Từ bữa Dim 'từ quan', mỗi ngày đều gợi nói chuyện với Dim một chút về trường học. Hôm qua nói chuyện, Dim bảo trong lớp dạo này căng thẳng ức chế lắm. Cô giáo chủ nhiệm thường xuyên đem việc sếp loại hạnh kiểm ra 'dọa', mỗi lần có ai mắc lỗi, cô lại nhắc lại lỗi của bạn này bạn kia trước lớp làm ví dụ. Mei kể cho mẹ "chị nói với con cô giáo chị lúc nào cũng cười mà không phải cười tình cảm, chị sợ mỗi khi cô cười lắm".
(Cái cười 'lạnh', mình nhớ in bà giáo tên Ivus dạy môn khí tượng hàng không hồi mình học đại học bên Nga, ngoài 40t không lấy chồng, sinh viên gọi Ivus là "nỗi sợ hãi", khóa trên sợ truyền xuống khóa dưới. Một anh năm trên kể giờ cô Ivus đến tụi con trai còn sợ run rẩy, im phắc, đang dạy cũng có lúc cao hứng cô kể truyện cười rồi cô cười nhe hàm răng chuột, cả lũ nhe miệng cười theo, bỗng nhiên cô ngậm miệng lại, thoắt cái mặt cô trở lại lạnh sắt, cả lũ ngậm phắc theo, mấy thằng ngậm không kịp mà gặp cô chiếu tướng có khi vãi tè ra quần vì sợ).

Thì xã hội ở đâu cũng có người tình cảm có người nghiêm khắc.
Có lẽ gặp nhiều thực tế khác nhau cũng là những trải nghiệm có giá trị cho các con tập 'bươn chải', thích nghi?

Quả là lớp Dim năm nay nghịch hơn năm trước nhiều, lớp 9 là cái lứa tuổi (teen) thách thức mọi nhà giáo dục. Chỉ biết nói với Dim lớp quậy cô lại mới mổ nằm viện 1 tháng nên mệt mỏi, trong mọi trường hợp các bạn phải bảo nhau tuân thủ nội quy lớp học và nhà trường chứ không được ức chế cô rồi bảo vệ nhau phá bĩnh là thành sai. Xã hội nào lớn hay nhỏ cũng có luật, có quy tắc của XH ấy. Nước có luật, lớp có nội quy, nhà có nguyên tắc, và mình ở XH nào cũng phải tuân thủ luật của XH ấy. Nếu cô tình cảm cô trò thân thiết được thì tốt cho cả hai, bằng không thì các con phải ráng im lặng chấp nhận, qua năm là thi chuyển cấp rồi. Cô cũng chỉ chủ nhiệm mình một năm thôi.

Sáng nay một mẹ cùng trong ban phụ huynh lớp Dim gọi điện (dạo này các mẹ căng thẳng quá lại gọi điện chia sẻ than thở với nhau), bảo "lớp giờ chúng nó nghịch quá cô phê bình gay gắt, liệu cách chị em mình dạy con trước giờ có là thiếu nghiêm khắc, có là sai không chị?".

Nhớ lại ngày xưa cấp 3 tụi lớp mình nghịch như quỷ. Có thầy Sách dạy Địa hay tới trễ, bữa nào có giờ Địa cả lớp rủ nhau sẵn, đúng đến phút thứ 5 thày chưa tới là rủ nhau lẻn trốn. Nguyên lớp. Chỉ vài phút sau dãy xe đạp lớp B5 đã trống trơn. Mà trốn chỉ để kéo nhau vòng vòng hết nhà đứa này qua nhà đứa kia trong lớp chơi cho biết nhà chứ hồi đó đâu có gì mà chơi.
Chào cờ thứ hai tuần sau thế nào cũng bị phê bình cả lớp trước toàn trường. Mà phê bình tập thể có hội đâu sợ gì đâu, phải đến cuối kỳ họp phụ huynh cô mới báo cho bố mẹ thì chuyện đã thành cũ. Nhớ cứ chuẩn bị họp phụ huynh là mình về nhỏ to kèo ba "Hôm tới Ba đi họp phụ huynh cho con nhé", ba hiểu con gái liền (quả này có lỗi, mẹ mà đi họp thì bão to :D).

Xếp theo chuẩn trường Dim bây giờ thì lớp mình hồi đó sẽ là hư cá biệt, vô tổ chức vô kỷ luật, hạnh kiểm kém đến 90% trong đó có mình. Chuyện nhớ lại này, sẽ chỉ nhớ riêng mình thôi, chưa kể cho Dim Mei được ;D.

*** Chung nỗi:
- LẠI THỞ THAN XÍ (AnhDo's Blog)

September 27, 2011

Dự án 9 triệu (bữa cơm có thịt) khởi động

Cả nhà quý mến,

Bác Trần Đăng Tuấn đã khởi động dự án 9 triệu cho bữa cơm có thịt của trẻ em vùng cao, tính ban đầu sẽ là cho các em học sinh nội trú ở Suối Giàng có thịt + đậu phụ cho 1 bữa cơm mỗi ngày. Khi quỹ lớn hơn sẽ mở rộng sang trường khác.

Bữa cơm của các em Suối Giàng không thịt nhưng Suối Giàng còn là nơi có đường trải nhựa tới tận nơi, tức là còn nhiều nơi các em thiếu ăn thiếu mặc thiếu học hơn Suối Giàng. Có lẽ sẽ là những nơi xa xôi hơn. Theo bác Tuấn thì chính phủ vừa phê duyệt chương trình đầu tư 4000 tỉ đồng cho các trường dân tộc nội trú giai đoạn 2012 - 2015, nhưng biết là tiền đó sẽ ĐẦU TƯ NHƯ THẾ NÀO, biết tới 2015 có còn các em không có được bữa ăn 2 ngàn nữa không. Nên thôi sức nhỏ làm việc nhỏ. Việc nhỏ làm được thì mong nhiều người góp sẽ được việc lớn hơn.

Bác Tuấn nói dự án 9 triệu là kế hoạch thường xuyên lâu dài nên đóng góp mỗi lần một ít và đều đặn thì tốt hơn một món tiền lớn nhưng một lần. Tuy nhiên cũng nhiều người đóng góp 1 lần ban đầu cũng rất quý - thì bác Tuấn sẽ lập quỹ và thông báo danh sách đóng góp và khoản chi đều đặn qua kênh web (ở đây).

Chuyện góp tiền, dù lớn hay nhỏ cũng rất cần minh bạch và bảo đảm số tiền đó được sử dụng đúng nơi, hiệu quả và có ích. Rõ ràng bác Tuấn được rất rất nhiều người quý mến và tin tưởng. Bác í là thuyền rồng thì Lana thấy mình bẹ dừa cũng có may mắn được một số bạn blogspot tin tưởng để cùng góp chung cho "bữa cơm có thịt", trong đó có những người Lana còn chưa gặp mặt.
Càng thấy xóm Blog mình rất đời thật, chia sẻ giao lưu, 'văn thật là người', không tô màu, rất ít 'ảo'. Cảm ơn sự ấm áp này biết bao.

Lana có ý nghĩ là nhiều hay ít đều ấm áp vì nó mang theo tấm lòng. Có nhiêu góp nhiêu: góp 9 triệu thì được một tháng cơm thịt cho các em, góp 30 ngàn thì 3 người cũng được cho các em một bữa cơm có thịt. Riêng Lana đã bàn với cả nhà 4 người (Lana, Tuyết, Dim, Mei) mỗi người mỗi tháng sẽ góp một chút từ tiết kiệm cá nhân để được 100 ngàn = 1 bữa cơm có thịt cho cấp 2 Suối Giàng. Góp 1 lần 1 cục thì nhà Lana hơi gò (từ sau khi sửa nhà cạn quỹ) nhưng nhà Lana sẽ góp đều đặn, có lẽ lần đầu sẽ góp cho vài tháng, và hứa rõ với bác Tuấn kế hoạch đóng dài hơi, ít nhất là kế hoạch năm để bác í chủ động.

Một phần là nhà mình nho nhỏ, nếu chung nhóm sẽ ra có tấm có món. Phần bên bác Tuấn phải công khai số tiền quyên góp rõ ràng, đứng cạnh 9tr vài chục nhỏ thấy chút e, dù là cả tấm lòng. Thêm nữa nhà bác Tuấn rất đông người góp, mỗi người một chút bác í sẽ mệt rối (nếu không có thư ký DA, mà phải là thư ký tình nguyện vì DA từ thiện). Nghĩ vậy nên Lana trộm nghĩ sẽ cùng bạn bè xóm Blogspot đã comment ở bài trước (có BeBo, AK7, Việt, Sông, Lana Tuyết Dim Mei, Rita, một người bạn Lana ở Úc tên Mai...) chung làm một mối, mỗi người nhiều ít gom thành một khoản đưa qua Quỹ bác Tuấn, góp 1 lần hay tháng, quý... lúc nào có đều đáng quý. Trong DS bên web bác Tuấn sẽ góp dưới tên "Xóm Blogspot". Thông tin cụ thể tiền góp trong nhóm, tiền đi, đến nơi... Lana sẽ share với mọi người qua email chung nhóm.
Ai chung tay với nhóm xin email cho lana.nguyen2@gmail.com để Lana gởi số Tài khoản Bank và cùng chia sẻ những thông tin cụ thể tiếp sau.

Những tấm chân tình với các em biết thông tin qua blog Lana muốn góp tay cho dự án thẳng qua Quỹ bác Tuấn thì ở địa chỉ này nha bà con.

Lana mong dự án này sẽ lan tỏa. Cũng đợi một dịp nào đó cùng Tuyết Dim Mei đi đến một ngôi trường xa hơn nghèo hơn Suối Giàng cùng dự án 9 triệu và có entry chia sẻ với cả nhà.
Hugs.

p.s: 1) Đã email cho BeBo, Rita, Sông và HY, check mail nha các bạn yêu.
2) Lana xin đ/c email của AK7 + Việt, hoặc là hai ... (gì nhỉ, hihi) email cho lana.nguyen2@gmail.com để Lana có đ/c nhé. Thanks nhiều.


September 25, 2011

Bữa cơm có thịt

Đọc bài "Hôm nay lên suối Giàng" của Bác Trần Đăng Tuấn, thấy bữa cơm của các em học sinh vùng cao giống như những năm 1970s - 1980s thế kỷ trước.

4 mẹ con cô cháu nhà mình cùng đọc, chảy nước mắt thống nhất mỗi tháng mỗi người sẽ trích một phần số tiền tiết kiệm của mình xin góp chung dự án bữa cơm có thịt của nhóm bác Tuấn và bạn bè. Chỉ cần 100 ngàn đồng VN là 45 em nội trú cấp 2 ở một vùng kia có được một bữa ăn có thịt.

Có một tia nắng trong bài: một điều đẹp đẽ ấm áp (hiếm khi) về hai từ Đảng viên.

Nhân tiện cũng xin giới thiệu Blog Trần Đăng Tuấn (link). Bác Tuấn từng làm phó TGĐ Đài truyền hình VN (to vật), rồi bác í từ chức, chuyển qua làm TGĐ công ty nghe nhìn toàn cầu AVG là một Cty rất mạnh mà tư nhân. Xung quanh việc bác í từ chức một thời xôn xao rất nhiều tin bài, riêng mình ngưỡng mộ bác ấy vì tất cả những gì bác í làm, và cả quyết định thay đổi ấy nữa.

Tự nhiên cứ muốn tự hào ké là mình từng là du học sinh Nga lớp sau bác Tuấn.

-------------------------------------------------------------
(Trần Đăng Tuấn)

Sáng nay, lần đầu tiên lên Suối Giàng, định ngắm mấy cây chè cổ thụ. Vào tuổi này, có lúc chợt lo là nhiều cái lạ ở đất nước, mình đã nghe, biết từ lúc còn là trẻ con, mà giờ chưa nhìn thấy tận mắt. Vậy có thời gian thì phải đi để biết. Nhưng quả thật thời gian là cái gần một năm qua mình có ít nhất. Cứ tiếp tục thế này thì cũng gay đây. Gọi cho Tiến trọc, rủ đi cùng. Tiến trọc chối đay đảy, rằng vừa lang thang một tháng (thằng cha này số sướng) ở Tây Nam bộ, nay phải cày kịch bản bù. Thì thôi vậy!

Xe lên đến trung tâm xã Suối Giàng, thế nào lại đỗ ngay trước cửa trường học. Mấy trăm đứa trẻ con đang tập thể dục. Ngay cạnh đó là mấy dãy nhà nội trú của chúng nó. Không hiểu sao, cứ nhìn thấy trẻ con miền núi là mình mê. Cậu chủ quán trước cửa trường, sau mới biết rằng có vợ là giáo viên, cho biết: Trường tiểu học có 80 đứa nội trú. Phải có từ 100 đứa nội trú trở lên mới có chế độ hỗ trợ của nhà nước. Khu nội trú này dân nuôi hoàn toàn. Cha mẹ góp gạo mỗi tuần hai kg, và 5 ngàn tiền thức ăn. Bọn mình không tin, cứ lục vấn mãi: Sao lại 5 ngàn thì chúng nó ăn uống kiểu gì? Cậu ta cứ khăng khăng đúng thế, đúng thế. Vừa lúc có một bác H Mông xách xô nước đi ngang, cậu chủ quán bảo: Đấy, ông này nấu cơm cho chúng nó đó. Thế là bọn mình đi theo luôn. Trèo tắt qua mấy dãy nhà trên đồi, đi thẳng vào cổng Ủy ban Xã Suối Giàng, rồi vòng ra sau nhà Ủy ban, thì có cái lều tường che gỗ ván, giữa có cái bếp đang đỏ lửa, ngoài cửa có cái chậu tắm lớn đầy những cái bát to bẩn chưa rửa. Một loại bát như nhau thôi. Trong bếp ngoài nồi cơm đang nấu, một nồi nữa chắc để nấu canh, còn thì chẳng có đồ đạc gì cả.

Hỏi: 80 đứa chỉ ăn cái nồi cơm này đủ à? Bác H Mông nói: Nồi to lắm đấy, 13, 14 cân gạo mới đầy đấy. Lại hỏi: Thế ăn cơm với cái gì? – Với canh rau... Bây giờ mới nhìn ra chỗ tối tối có mấy bó rau cải bé tẹo, mà lại đã úa vàng một nửa. Không hiểu canh nấu với gì, vì mắm muối giấu ở đâu, chứ không có trong bếp. Hỏi: Sao ít rau thế? - Ừ, không đủ đâu, phải mua thêm nữa đấy - Thế có thịt cá ăn bao giờ không? - Không có đâu, bao giờ bố mẹ đóng thêm tiền thì mua cho ăn một bữa có thịt.

Một nồi cơm (hy vọng là đủ) và một nồi canh rau cải (gồm xô nước vừa được xách lên, mấy bó rau, chắc ít muối, mắm, dầu mỡ cho vào nữa - nhưng quả thật bọn mình không thấy chúng được cất chỗ nào, chắc không có trong bếp vì sợ chó mèo hay ăn trộm chăng?). Đó là bữa ăn trưa cho 80 mầm non của đất nước vào ngày 22 tháng 9 năm 2011. Tức là khi đất nước đã bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21. Là sau một năm tưng bừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, là năm đầu của nhiệm kỳ Đại Hội 11 ..vv..và ..vv..

Bọn mình nói: Trưa nay bác mua thịt cho chúng nó ăn được không? Bạn mình đưa ít tiền. Mình đưa thêm nữa, hỏi: Đủ mua thịt chưa? Bác H Mong: Đủ chứ, đủ chứ. Chốc nữa lên xem chúng nó ăn thịt mà... Nói xong bác đi xuống chợ ngay, hình như chợ gần thôi, ở mé núi bên kia.
Lúc đi xuống, cậu lái xe vốn ít nói, văng ra: Mẹ, ăn uống thế này trẻ con sống thế nào được!

Sống thì chắc được thôi, nhưng mình nghĩ học khó vào lắm. Hồi đi học, lúc nào mình cũng muốn ăn, dù bố mẹ nuôi nấng đầy đủ hơn bọn trẻ con hàng xóm nhiều. Khi bắt đầu đi học đại học ở Thanh xuân, cả ngày thấy đói. Ăn tập thể, xong bữa, rửa bát cầm về, dọc đường từ nhà ăn đến phòng ở đã thấy thèm ăn nữa. Cơm không thịt ăn đủ suất rồi mà bụng cứ như chưa ăn. Ngồi trên lớp, lúc nào cũng nghĩ đến ăn. Tối bọn chúng nó rủ sang phòng con gái tán, mình không đi, vì nhìn mặt con gái cũng thích nhưng đang nói chuyện tự nhiên thấy đói thì không thích gì nổi nữa. Mình hình dung sự thèm ăn là một thằng cha khả ố, nó cứ ngồi chồm chỗm trong người ta, lúc nào nó cũng nhắc là nó đang ở đây, ở đây... Nó cứ ngồi đấy thì cảm xúc không từ trong ra ngoài được, chữ nghĩa với toán, tính không từ trên bảng chui vào đầu được.

Từ bếp vào chỗ học sinh nội trú ở. Có giường tầng, mỗi buồng có bảng ghi ở cửa "Nhóm bản Lóp", "Nhóm bản...". Chăn chiếu bẩn lắm. Nhưng thôi, cái này mình nhìn thấy nhiều rồi. Được cái nhà cũng kín, mùa đông trên núi nhà kín là quan trọng nhất.

Sang bên khu nội trú (cũng dân nuôi) của trường trung học thì nhà cửa có vẻ tuềnh toàng hơn nhiều. Mùa đông thế này chết rét mất. Các cô giáo ở ngay cùng dãy với học sinh. Một cô khi từ dưới đi lên nhìn cứ tưởng học sinh, vì thấp nhỏ, mặc cái áo khoác trắng như đồng phục, đến nơi nghe cô ấy nói mới hiểu là cô giáo. Bếp chung luôn với khu giường tầng, cả hai bếp đều đỏ lửa hun hai cái nồi to đen, mở ra thấy một nồi cơm, một nồi canh bí. Mình tò mò cúi hẳn xuống nhìn, thấy mấy miếng xanh xanh cứ nhảy lộn tùng phèo trong đó (lửa rất to, ở đây không thiếu củi). Hình như cũng có ít váng mỡ. Hỏi: Thế có món gì nữa không hả cô? Cô giáo chỉ gói nilon nhỏ trên bàn, mình cầm lên xem, thì ra mấy miếng cá khô. Có 45 đứa cấp hai nội trú ăn ở đây, cũng tiêu chuẩn 5 ngàn/tuần. Nhưng bọn này có vẻ được ăn khá hơn lũ cấp 1. Các cô giáo bớt tiền lương của mình, cộng vào tiền bố mẹ góp, để mua thức ăn.

Theo nhẩm tính thì mỗi tháng 45 đứa có 900 ngàn tiền thức ăn (trừ gạo) do bố mẹ góp. Tiền các cô giáo cho thêm cũng chừng ấy nữa. Bình quân chúng nó mỗi đứa mỗi ngày có được 2.000đ tiền thực phẩm (bên cấp 1 chỉ 1 ngàn/ngày, như ông nấu cơm H Mong nói cho chúng tôi biết). Quy củ hơn bên cấp 1, bên này đều đặn mỗi tuần được một bữa ăn thịt. Cụ thể là: Mua dưới chợ 1 kg loại thịt rẻ nhất, rồi kho lẫn với đậu phụ (cái này mình biết rồi, hôm ở gần Mèo Vạc mình cũng nhìn trẻ con trường nội trú ăn cơm, thấy chúng nó ăn cái món gì cứ trắng trắng, mình cầm bát lên nhìn kỹ, thì ra là đậu phụ màu trắng có lẫn thịt mỡ bèo nhèo, cũng màu trắng, cái bát nhôm méo cũng trăng trắng nữa, hóa ra một món màu sắc như vậy. Hôm đó các thày cô giáo nói thật là có khách đến thăm nên mới thêm món đó, chứ theo lịch thì chưa đến ngày có món ăn mặn).
100 ngàn đồng, thế là cả khu nội trú có món thịt cộng đậu phụ kho. Còn như bây giờ, một tuần may ra chúng nó mới có một lần được như vậy. Mỗi anh em gởi Cô giáo ít tiền, để cô mua thêm thức ăn cho học sinh.

Lại nhớ đã 6-7 năm trước, làm Nối vòng tay lớn lần thứ hai hay thứ ba gì đó, mình cử mấy nhóm đi vào các miền nghèo. Mỹ Linh (Giờ vẫn dẫn Văn hóa- Sự kiện và nhân vật trên VTV3) đi mũi Tây Bắc. Cũng vào chỗ học sinh dân tộc nội trú, quay cảnh bữa cơm của lũ trẻ. Rồi hôm phát trực tiếp từ trường quay S9 Mỹ Linh nói, rằng chỉ cần 2 ngàn đồng/ngày cho mỗi đứa bé thôi thì hàng ngày chúng nó thì bữa ăn có màu sắc hơn, chứ bây giờ chỉ thấy có màu trắng của cơm và trắng của măng nấu muối... Rồi cô nàng không nén được, khóc nấc trước cả bao triệu người xem TV. Khóc thật sự, dù cố nén. Bằng ấy năm trôi qua. Năm vừa rồi là năm đầu tiên mình không còn chủ trì làm Nối vòng tay lớn của VTV. Nhưng hôm nay lên Suối Giàng, vẫn thấy bữa cơm như thế, rồi vẫn thấy con số 2 ngàn đồng thì mỗi ngày sẽ có thịt ăn, nhưng vẫn chưa có được cái hai ngàn ấy. Mà hai ngàn đồng cách đây 7 năm to hơn 2 ngàn đồng bây giờ lắm chứ.

Đi xuống, gặp cô H Mong trẻ bế con chắc mới 7-8 tháng tuổi, ngồi trên tảng đá. Hỏi ra mới biết từ bản xuống thăm con ở nội trú cấp một, đang đợi giờ tan học để gặp con. Và chắc đem 5 ngàn với hai cân gạo xuống nộp tiền ăn một tuần cho con. Đứa bé ngoan thật, người lạ bế cứ cười toe toét. Còn cô mẹ cũng hóm ra phết, mình hỏi đùa "Cho tao mang về nuôi nhé", thì trả lời "Ừ, cho đấy, đẻ đứa khác được mà!". Mấy anh em cho ít tiền gọi là mừng tuổi bé (mới tháng 8, khà khà..) thì đỏ mặt gạt ra, phải dúi vào tay mới chịu lấy.

Trên đường trở ra, mới tính kỹ: Để mỗi khu nội trú (một khu 80 đứa cấp một, bên kia 45 đứa cấp hai) ngày nếu một bữa có thịt kho lẫn đậu phụ, sẽ cần 2kg thịt cho cấp 1, 1kg cho bọn cấp hai, kèm đậu phụ nữa là 300 ngàn/ngày, hay là 9 triệu đồng/tháng. Mỗi năm sẽ cần 108 triệu đồng. Nếu cả hai bữa có thịt trong ngày thì cần gấp đôi: 18 triệu/tháng, hay 216 triệu/năm.
Nếu cứ như thế 10 năm, để 125 đứa học sinh này ngày nào cũng có món thịt kho kèm đậu phụ (chắc chắn học sinh được ăn cơm với tý thịt khác với học sinh chỉ ăn cơm với món canh loãng, vì tuổi ấy, chúng nó cần đạm lắm để phát triển não), cần có từ một tỷ hai đến trên hai tỷ bốn trăm triệu. Với bằng ấy tiền, 125 đứa trẻ con được ăn có đạm trong cả mười năm!. Với từng cá nhân thì đó là món tiền lớn rồi. Nhưng để có 125 đứa trẻ (à, sau 10 năm, đó là các cô cậu thanh niên chứ) khỏe khoắn, đầu óc sáng láng... thì thêm số tiền đó có gọi được là nhiều không?. 10 năm cơ mà, sau 10 năm, cả một thời đại công nghệ mới đã thay thế cái cũ trên thế giới này. Trong 10 năm ấy, ở chỗ này, nếu có từ 1 đến 2 tỷ (VNĐ đấy nhé, đừng nhầm sang USD mà phải tội) – giúp được trên 100 đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh hơn, thông minh hơn để bước vào thời đại đó.
Mình biết nước ta nghèo (nói chung, rất chung thôi). Nhưng có nghèo đến thế không?.

Thôi, không nghĩ chuyện xa xôi, mình quyết định là về nhà, gọi ngay Tiến trọc và Thánh Cô để bàn về dự án cơm thịt kèm đậu cho 125 nhóc Suối Giàng này. Bước đầu là 1 bữa có thịt/ngày, hay còn gọi dự án 9 triệu. Kéo được thêm bạn bè thì chuyển càng nhanh càng tốt sang 2 bữa có thịt/ngày, hay dự án 18 triệu/tháng. Lạy giời, đừng có lạm phát hay tăng giá nữa nhé, mức ấy là mức thịt bạc nhạc rồi, không hạ cấp xuống được nữa đâu!
Hay là bàn với Tiến trọc và Thánh Cô lập hội những người bạn của trẻ con vùng cao?. Bây giờ có bao người đi phượt vùng cao, góp mỗi người một chút cho các nhóc. Lập trang web... Nhưng thôi, chuyện nhỏ làm được thì mới có khả năng làm chuyện to hơn.

Khi rời Suối Giàng được vài chục cây số, chợt nhớ chuyện không biết buổi sáng bọn trẻ con này nó có được ăn gì không. Nói với mọi người trên xe. Mỗi người đoán một kiểu, nhưng không ai dám chắc.
Về đến Phú Thọ, thì mình hiểu ra: từ lúc rời Suối Giàng đến giờ, tâm trạng xót và bi quan, có cả chút phẫn nữa, nhưng lại vẫn có một sợi gì đó ấm áp lẩn khuất, mà rõ ràng là từ các câu nói nghe được. Chợt nhớ lúc ở bếp trường cấp hai, mình hỏi cô giáo: Thế mỗi cô giáo phải bớt bao nhiêu tiền từ lương của mình để mua thức ăn cho các cháu?. Cô giáo trả lời: Dạ không giống nhau, người lương cao hay là Đảng viên thì góp nhiều hơn, giáo viên hợp đồng hay quần chúng thì góp ít hơn... Vậy là Đảng viên thì san từ lương giáo viên miền núi của mình số tiền nhiều hơn người khác để mua thức ăn cho học sinh. Quả thật, đã lâu lắm rồi, mình hiếm khi nghe được một điều đẹp đẽ như vậy về Đảng viên. Mà không phải nghe từ một diễn đàn hay khung cảnh hoành tráng nào. Mà nghe thì tin ngay. Nghe mà thấy lòng đỡ lạnh. Bởi mình cũng là đảng viên đã mấy chục năm rồi.

Về đến Hà Nội, mở máy ra viết dòng đầu của bài này, để gửi cho Tiến trọc, đấy, chính cái dòng "Hôm nay, lần đầu lên Suối Giàng, định ngắm mấy cây chè cổ thụ"... mới nhớ ra là sáng nay tất cả đã quên chuyện xem cây chè. Đỗ xe xong, sà vào đám trẻ, bần thần cả người bởi chuyện ăn uống của chúng nó, lên xe về, chẳng ai nhớ mục đích của việc phóng xe lên đỉnh núi Suối Giàng.


September 21, 2011

Điểm báo đắng

Năm 2010 con số dư nợ nước ngoài của Việt Nam là 32.5 tỉ đô la, bằng 42.2% GDP cả nước năm 2010. Tổng lượng tiền mà ngân sách phải dành để trả các đối tác nước ngoài trong năm 2010 là 1,67 tỷ USD (riêng tiền lãi và phí là hơn 616 triệu USD). Thêm: lãi suất vay nợ của Việt Nam đang có xu hướng tăng lên (nguồn).

Vệ sinh an toàn thực phẩm luôn ở mức báo động nặng, báo động mãi báo động mãi báo chán thì thôi. Chỉ riêng thống kê được (con số bộ ngành báo cáo nhá) thì hàng năm cũng có 6000 người bị ngộ độc thực phẩm (nguồn). Đấy mới là phần nổi nhá, chưa có con số thống kê nghiên cứu về sự ra tăng vù vù các ca ung thư và tỉ lệ trong đó liên quan đến ăn uống độc hại.

Ước tính cả nước có 30.000 gái bán dâm (nguồn) - đấy chỉ là theo báo cáo của Bộ LĐ TBXH nhá, mà cũng theo báo cáo (nguồn) thì "cả nước có gần 65.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, trong đó ít nhất 30% cơ sở vi phạm các quy định liên quan đến phòng chống mại dâm. Riêng TP HCM có đến 25.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ với 20.000 nữ tiếp viên có biểu hiện hoạt động mại dâm". Về cái này thì còn có nhiều khảo sát rằng nhiều chục phần trăm trong các gái bán dâm có bệnh XH, HIV, không dùng BCS.

Ừa thì nước nghèo vay nợ thì dân người ta ăn với đó đó cũng vẫn ăn với đó đó thôi đâu có nhịn trắng, khổ là ăn với đó đó theo cách nghèo. Rồi bệnh tật vô người, viện phí lại tăng, lao đao nghèo nữa, vòng luẩn quẩn nghèo. Thế nhưng hôm nay trên vnexpress có bài UBND Tỉnh Quảng Nam quyết định sẽ xây tượng đài mẹ VN anh hùng (nguồn) không hề nghèo nhá: 410 tỉ đồng, to thêm nhiều nhiều tỉ so với đã được duyệt nhá. Mờ, tỉnh quyết chi luôn "410 tỉ đồng từ Trung ương hỗ trợ", nói trắng ra là các bác lãnh đạo Quảng Nam quyết chi, còn tiền là thuế dân từ Móng Cái đến Cà Mau (chứ lẽ nào đi vay tiền xây tượng).

Bà con comments tới tấp ở vnexpress, bảo cả nước có khoảng 44000 bà mẹ Việt Nam anh hùng, phần đông sống trong nghèo khổ thiếu thốn, nếu đem số tiền xây tượng chia ra thì riêng dự án này cũng có thể tặng mỗi mẹ một sổ TK 10 triệu đồng, nhưng tớ thích cái còm này của bạn Trọng Nghĩa: "Tôi rất ủng hộ việc xây dựng tượng đài 410 tỷ đồng vì chắc chắn nó thể hiện lòng biết ơn cao gấp 10 lần so với một tượng đài chỉ xây hết 41 tỷ đồng. Tượng đài 410 tỷ đồng cũng chứng tỏ tinh thần uống nước nhớ nguồn cao gấp đôi tượng đài 205 tỷ đồng. Nhưng thực ra tình cảm thể hiện qua tượng đài 410 tỷ đồng chỉ bằng một nửa so với tượng đài 820 tỷ đồng".

Còn đây là bức hình một em học sinh ở Quảng Bình giữ cặp sách trên đầu tránh ướt bơi qua sông đi học (nguồn). Thì thôi nước nghèo vay nợ thì nợ trẻ em vẫn cần học. Đành bơi thôi các em.

September 20, 2011

Thư giãn tí


Honey! do you know I love you so much? Night after night I cant sleep so well. You leave me because of money. I do know im who have nothing; I just love you by my heart my soul. I don't know what to do. No car, no job, no money, no home. I will die very soon. Honey, come back you can save my life.




Have fun :D

September 19, 2011

Trò chuyện trên đường

Chở Dim đi học thêm buổi tối. Đường Kim Mã ngày chớm thu mơn man gió. Se se lạnh.
- Dim à, tự nhiên mẹ nhớ chuyện cậu Quỳnh kể em bé 8 tuổi con bác T bạn cậu í bây giờ phải sống với ông bà nội thấy tội quá.
- Thế bố mẹ em í đâu ạ?
- Bác T bố em í làm Giám đốc Cty trong SG. Bố mẹ em í chia tay.
- Thế... cũng giống như tụi con.
- Ừ, nhưng khác nhiều con ạ. Con và em Mei vẫn được bố yêu mẹ yêu, lại có mẹ ở bên chăm sóc chỉ dẫn, lại có chị có em. Còn em í một mình, bố em bận rộn và đi nhiều nên phải gửi em ngoài này với ông bà nội đã 75 tuổi, mẹ em không hiểu sao không nuôi em. Mẹ nghĩ tới khi em lần đầu bị 'phụ nữ' không có mẹ bên cạnh chỉ dẫn thủ thỉ..., thấy thương.
- Vâng...
- Mẹ hiểu các con có thể so sánh với các bạn có cả bố mẹ ở cùng. Bố Mẹ xin lỗi đã không thể làm điều tốt hơn cho hai con, nhưng thật ra còn rất nhiều bạn thiệt thòi hơn các con như em bé gái ấy.
Điều này quan trọng hơn: mẹ thấy nếu chỉ nghĩ tới những điều mình thiệt thòi thì sẽ luôn luôn căng thẳng khó chịu trong lòng, còn làm nặng nề cả những người xung quanh bên cạnh nữa, chẳng để làm gì phải không nào. Ví dụ thế này nhé: mẹ có thể kêu ca than thở "ôi tôi tội nghiệp quá, khổ quá, người ta có chồng cùng giúp đưa đón con đi học còn tôi vất vả mỗi mình tốc tốc sắp xếp công việc chạy về đưa con đón con, huhu", cứ thế thì mẹ sẽ u uất nhăn nhó, không khí trong nhà mình sẽ chẳng nô đùa vui vẻ như bây giờ, các con cũng bị căng thẳng theo, con thấy đúng không?
- Dim vâng.
Ngược lại, mẹ nghĩ là mẹ có rất nhiều điều may mắn: Mẹ có công việc tốt đủ để nhà mình không nghèo, mẹ được học hành hiểu biết đủ để tự tin nuôi dạy hướng dẫn hai chị em, mẹ có gia đình ông bà, bác Quý, cậu Quỳnh, dì Huệ Oanh, cậu Thắng, cậu Phú thân thiết chia sẻ và bạn bè yêu quý, mẹ lại có 2 con gái Dim Mei tuyệt vời bao nhiêu người mong ước. Thế, sao lại kêu ca?
Trừ một số ít người thật sự sung sướng hạnh phúc đủ đầy, còn lại ai cũng có thể có những điều chưa may mắn, nhưng nếu mình sống tích cực, nhìn những điều tốt đẹp và luôn phấn đấu, cố gắng sống tốt nhất trong hoàn cảnh của mình thì mình c/s vẫn luôn tươi vui, há Dim?
- Vâng.

Dim xuống xe, vòng tay ôm, hôn chào mẹ. Nhìn Dim tươi vui, khuôn mặt rạng ngời, thật yêu.

*** Entry cùng hệ:
- LỜI YÊU THƯƠNG

September 16, 2011

Tình và già

1. Lâu rồi mình không viết entry nào tag "Nhật ký" nhỉ? bình lặng hay nhàm buồn? Dim Mei vào năm học đi trường bán trú cả ngày với lại các bạn í lớn dần tách dần cũng hết dần những chuyện nho nhỏ để ghi. Có buổi tối để nhìn thấy nhau thì dạo này nhà mình cứ đúng giờ là tập trung đầy đủ trước TV tâm trí mắt mũi hút cả vào đó coi "Bao Công xử án", đến bữa ăn tối cũng vội vội vàng vàng chỉ sợ trễ phim. Bữa Thứ Hai rồi nhà đài bỏ phim chiếu chương trình Trung thu cho trẻ em làm từ mẹ tới con từ cô tới cháu cứ là đi ra đi vào ngẩn ngơ như người thừa hết cả. Bảo thôi chết, già phải lòng Bao mặt sắt trẻ phải lòng Triển đại hiệp cả rồi. Hôm nay sẽ phải đi mua trữ sẵn bọc thuốc phòng hờ lúc hết Bao Công khéo cả nhà lăn quay ốm tương tư.

2. Mình đi mãi một tuyến xe bus đi làm, ngày nào cũng giờ đó đều đặn nên có một số mặt chạm đi chạm lại đến tình trong như đã (quen) mặt ngoài còn e (lạnh), hi hi. Một cô bạn và một cô em cùng xe cùng đi bộ vào khu trụ sở hàng không nên thành quen, ngoài ra còn một nhóm làm ở mấy cơ quan hàng hải, hải quan gần đó. Cô bạn tên Kim giống mình, xe chỉ là môi trường chuyên chở không phải môi trường xí xọn (socialize), cô em tên Hường thì có lẽ nó quen cả xe buýt, lái xe nào cũng quen, lên xe là chuyện tí tét.
Một lần vừa đến cơ quan thấy tin nhắn "Anh là (gì quên rồi) bên TCT vận tải thủy, anh mời H và mấy chị em hội chung xe ra uống cà phê". Lờ không quen. Lần sau lại thấy tin chào buổi sáng, mời ăn trưa... vẫn lờ lơ. Lần nữa thấy chàng tiến lại trên xe "người hàng không kiêu nhỉ, nhắn tin không bao giờ trả lời". Bảo "em xin lỗi ạ, nhưng em ko quen nhắn qua nhắn lại cho người lạ, dễ rắc rối :D".

Hị, chợt nghĩ vô mấy cái mục tâm sự Thanh Tâm mách mấy cô nàng yếu yếu nhão nhão dễ nghe à ơi nên đi xe buýt đảm bảo kiếm được vài mối tình rổm.

3. Chiều hôm kia trên đường về gọi điện về Ba Mẹ. Cả hai số điện thoại di động đều ò e í. Máy bàn trên nhà thường xuyên trục trặc đường dây nên mấy anh em trang bị cho Ba Mẹ hai chiếc luôn, kí tên Ba và Mẹ nhưng cặp đôi này toàn dùng chung. Gọi lại hai ba lần cả hai số vẫn "không liên lạc được". Ôi giời tự nhiên sợ run rẩy, đầu óc bắt đầu bấn loạn. May sao một lúc sau ba nghe "mẹ về quê vừa đến nơi nên bấm máy lên cho ba nói chuyện với bà ngoại". Thở phào một cái thật thả chắc cả xe nghe tiếng.
Nhận ra từ ngày nghỉ hưu con cái ai có phận nấy ba mẹ về quê thường xuyên hơn trước nhiều lần. Dù có nhiều con cháu loanh quanh, lại có tổ hưu, hội cựu giáo chức, bạn bè đồng nghiệp cũ... nhưng có vẻ nhu cầu về đất đẻ gặp mặt anh chị em dòng họ ruột thịt vẫn đem lại cho người già những giá trị tinh thần đặc biệt. Không biết đến khi mình già thì sao nhỉ? Thế hệ mình có khác không nhỉ?

Có lẽ có khác tí. Mình thích đi đây đó, sẽ ước tới lúc đó có một chàng (ông già) đưa nàng (bà già - mình) đi đó đây, rồi trăng nước hữu tình nàng bà già sướng quá hun chàng ông già nghẹt thở khiến chàng ông già sợ phát khiếp, há há há.
(đúng kẻ nghịch ngợm cố hữu chỉ mềm mại nghiêm túc được xíu là phá liền :)).

September 13, 2011

Yêu (B. K.)

Chủ đề "đất nước tôi" của mình có vẻ hơi bị nhiều cảm xúc buồn, thất vọng nên bây giờ sẽ qua khai thác phía yêu nhé.
Hôm nay là chuyện mình yêu ông Bầu Kiên của CLB bóng đá Hà Nội ACB.

Mình là fan coi bóng đá (lại một bằng chứng đờn ông tánh, hị hị), nhưng mình chỉ ráng xem đủ các giải World Cup, C1 (UEFA Champions league), hầu như ko coi bóng đá VN. Trình độ thấp chỉ là một chuyện, vấn đề là VN mình họ chơi bóng mà làm trò quá nhiều cạn hết thiện cảm. Bà con nói mãi ý kiến mãi nhưng các vị lãnh đạo Liên đoàn bóng đá (VFF) vẫn 'trơ như thép vững như đồng', 'nước đổ đầu vịt', xưa nay toàn dân nói ai nghe làm gì, nói chán thì thôi.

Bữa rồi coi truyền hình phiên họp tổng kết mùa giải của VFF cái lỗ tai sướng muốn nổ tung. Nhìn các ông quan chức VFF kìa, khi Bầu Kiên, nói như bọ Lập quechoa là lần đầu tiên "đem một quả bom có tên là SỰ THẬT" đặt ra giữa cuộc họp, các vị ngồi gãi tai gãi đầu không há họng được gì nhìn chán kinh, ngán không còn gì để nói.

"10 năm qua bản báo cáo vẫn không có nhiều thay đổi, các anh nghĩ chúng tôi là trẻ con lớp 1, lớp 2 hay sao mà đưa ra bản tổng kết như vậy?"
"Tôi được biết, hiện có ít nhất 7 CLB sẵn sàng bỏ V-League, cùng nhau đứng ra tổ chức một giải đấu Super League thay cho V-League đang tồn tại nhưng có quá nhiều vấn đề."
"Bóng đá là sân khấu mà ở đó, anh diễn gì, cả bốn phía người ta đều biết. Các nhà điều hành thừa khả năng nhận biết ra các trận đấu có biểu hiện tiêu cực, vấn đề là có dám mở mắt nhìn thẳng và xử lý mạnh hay không. Với thực lực của mình, tôi có thể mua 5- 10 CLB nhưng Hà Nội ACB không bao giờ chi dù chỉ 1 đồng cho trọng tài."
"Các anh có biết vì sao tập đoàn Hòa Phát bỏ bóng đá không? Vì họ mất hết niềm tin, mất hết sự tin tưởng giải đấu. Nếu tất cả các doanh nghiệp cùng rút lui, các anh sẽ thi đấu với ai? Phải nói rằng tôi đã quá thất vọng về cách làm việc của VFF."


Đúng là một quả bom! Phen này nếu VFF vẫn không chịu cải tổ thì nhất định VFF sẽ chuốc lấy thất bại. Một khi giải Super Liga ra đời sẽ không có một giải nào của VFF có thể cạnh tranh nổi, VFF nhất định sẽ mất quân, nhất định sẽ rơi vào cảnh chợ chiều và sập tiệm, đó là một điều chắc chắn (cái này chắc Bọ Lập đang mơ, đang bay bổng, nhưng mà đâu sao, tớ cũng thích mơ chung giấc mơ với Bọ :D)

Rõ ràng tiếng nói của ông Kiên là vì sự tồn vong của VFF, không phải là tiếng nói của "lực lượng thù địch". Sở dĩ ông Kiên đã gây sốc mọi người vì tiếng nói của ông đã vượt qua sự chỉ trích thông thường đạt tới một cảnh báo, một tối hậu thư cho VFF. Ông Kiên không rung cây dọa khỉ, người ta biết ông Kiên là một thế lực, sau lưng ông là một lực lượng đủ mạnh sẵn sàng hỗ trợ cho ông, nghĩa là nếu VFF không tỉnh ngộ thì ông sẽ làm thật, không hề nói suông.

(nguồn: ở đây)

Trời mình yêu Bầu Kiên quá đi mất :)

September 12, 2011

Thư giãn (2)

Lấy hai mẩu chuyện trên trang ajokeaday.com phục vụ pà kon Thứ Hai đầu tuần.

1. Chọn vũ khí:
Cậu bé Peter đi chơi về với cái mũi sưng mọng, mắt bầm tím và quần áo rách tơi tả. Rõ ràng là cậu ra đã uýnh lộn và bị thua. Bố cậu vừa băng bó các vết thương vừa hỏi chuyện gì đã xảy ra.
- Con thách đấu với Larry và bố biết không, con cho nó chọn vũ khí.
- Ừa, humm, nghe có vẻ cao thượng đấy.
- Vâng..., có điều con không nghĩ là nó lại chọn chị gái nó!

2. Điều ước.
Hai vợ chồng làm lễ kỷ niệm 35 năm ngày cưới, cả hai ông bà đều 60 tuổi. Trong bữa tiệc một Thiên thần hiện ra chúc mừng họ và tặng cho mỗi người của cặp đôi một điều ước. Bà vợ ước được đi du lịch vòng quanh thế giới, Thiên thần liền vẫy đũa thần và oops, lập tức trên tay bà vợ là tấm vé cho chặng hành trình vòng quanh thế giới.
Tiếp theo, Thiên thần hỏi người chồng điều ước, ông ta nói "tôi ước có người vợ trẻ hơn tôi 30 tuổi". Thiên thần nhặt cây đũa thần và oops, ông ta thành ông lão 90 tuổi.

Nguyên bản trên ajokaday phục vụ các bạn thích học tiếng Anh:

1) Little Pete came home from the playground with a bloody nose, black eye, and torn clothing. It was obvious he’d been in a bad fight and lost. While his father was patching him up, he asked his son what happened.
"Well, Dad", said Pete, "I challenged Larry to a duel. And, you know, I gave him his choice of weapons".
"Uh-huh", said the father, "that seems fair".
"I know, but I never thought he’d choose his sister!"

2) Married couples, both 60 years old, were celebrating their 35th anniversary. During their party, a fairy appeared to congratulate them and grant them each one a wish. The wife wanted to travel around the world. The fairy waved her wand and poof -- the wife had tickets in her hand for a world cruise.
Next, the fairy asked the husband what he wanted. He said, "I wish I had a wife 30 years younger than me". So the fairy picked up her wand and poof - the husband was 90.

Còn đây là hình chụp tấm thiệp cưới con một sếp nhớn ở Cần Thơ, phần dành ghi tên phụ mẫu sao lại ghi rành mạch chức vụ "Phó trưởng ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng" vào thiệp cưới con nhỉ (cuội gãi đầu ngẫm nghĩ)
(không biết xếp vào chuyện hài hay bi nữa, haizz)

September 09, 2011

Cũng khoe

Thú thật nhé là cái 'ẻn' này xuất phát tại cái nhà bác kia kìa, mà thôi nói luôn là cái nhà bác Đỗ í, tối ngày kể chuyện 'đi nhỏng'. Tớ vô coi, rồi ra, vô lại coi, rồi ra, rồi vô lại coi, mãi cũng chỉ còm men được mỗi chữ "thèm" to tướng. Đến cái ẻn gần nhất của bác í thì chữ thèm của tớ nó biến tướng luôn thành ghen tị, xấu kinh. Xưa giờ tớ vốn không khoái thói ngó nghiêng người ta rồi thầm so thầm ghen tị thầm uất ức. Tớ chọn ung dung tự tại. Thế mà lần này thì, tệ thế, tớ ghen tị khủng khiếp mới chít chớ. Con quỷ ghen tị nó cào cấu tớ chứ. Ức quá tớ bốc máy gọi cho các bạn bờ nóc còi còi như tớ, cả lũ cùng hét toáng lên ghen tị quá ghen tị quá nửa tiếng đồng hồ, vẫn chưa hết ghen tị. Thế là tớ bảo phải đu dây cân bằng đi, nào mình cũng khoe đi. Tình hình là tớ nghĩ ra ba thứ:

1. Giò: Cái hình (bên) bị chộp trong một bữa off bốt lên trang của hội bạn du học. Bạn bè comments bảo rằng cặp chưn tớ đẹp và nếu học võ thì.. đại loại có thể kiếm tiền bằng nghề võ sư :D

2. Tớ mới được đại gia của tớ tặng quà sinh nhật một cái ai pôn pho (Iphone4, hé hé khoe tiếng Anh, chơi luôn :D). Sinh nhật từ tháng 2 lận nhưng mới đây quà mới tới nên vẫn đủ tiêu chuẩn 'mới' để khoe. Kể xinh kể đẹp tí là tớ í ẹ khiêm tốn từ chối mãi, rằng điện thoại thì tớ có rồi không cần đổi đồ sành điệu, các tính năng siêu việt của iphone tớ nhà quê nên không có nhu cầu/ mọi người thường xài lướt Nét nhưng 24h của tớ không ở nhà thì ở cơ quan, chỗ nào cũng có internet cả rồi, ngoài hai chốn đó thì chỉ có đi chơi mà đi chơi thì tơ nét tơ neo xếp xó béng còn gì/ túm lại là tớ không ai phôn ai phiếc đâu tốn tiền phí hoài (không lẽ tớ lại nói tuột là 'quy ra thóc' tớ sẽ làm gà ;)). Thế nhưng cậu Q..., í quên, 'đại gia của tớ' nhất định bảo quà là quà chứ, nói tặng là tặng chứ. Kết quả là ai pôn hiện nay để nhà (haizz, biết ra điều này thì đại gia chẳng khoái đâu), chiều tối thì có bạn Dim Mei dùng nhắn tin hoặc chơi trò chơi, tớ mù tịt, may còn có bờ nóc để khoe.

3. Tớ là đệ tử xỉn của rượu vang. Biết thế nên đệ tử xịn của vang là bạn LU nhân chuyến đi khám điền thổ Vang mới đây bật mí sẽ đem về 'một ve hàng hiệu của Stone Street' làm tớ ngây ngất. Để hưởng ứng vụ này tớ khoe chiếc váy đầm NEM mới sắm màu rượu chát, chơi nguyên series mẫu nhà lá nhá. Đại loại là vì một chai rượu vang mà sắm hẳn một bộ váy hàng hiệu (50% off hihi), sau có thể vì bộ váy hàng hiệu mà ... gì nhỉ, há há, tớ khoái cái dzụ 'xin thêm miếng thịt ăn nốt bát cơm, xin thêm bát cơm ăn nốt miếng thịt' này quá đi :))

September 07, 2011

Đẹp sâu xa

Không ít diễn đàn "người Việt xấu xí", đúng và nhiều giá trị nhận thức lắm. Vậy chớ người Việt đẹp không? rất đẹp không? đẹp sao?
------

Từ khi bắt được kẻ gây án tiệm vàng Bắc Giang là mình bỏ qua những tít bài về vụ đó. Điều mình còn nghĩ là cháu bé 8 tuổi sống sót - bé đang hồi phục trong viện. Lòng vẫn thương lo không biết ngày sau bé sẽ đi qua cú sốc tinh thần mất cả gia đình ba mẹ em gái cùng tai nạn kinh hoàng này thế nào, liệu người thân có đủ sự tinh tế để giúp bé lớn lên có một tâm hồn bình an...

Hôm qua đọc bài báo về bộ trưởng y tế tới thăm bé trong viện. Có một bức hình với chú thích gây rung động lòng người: người bác của bé bằng mọi nỗ lực vừa khóc vừa ôm cháu che chắn nhất quyết không cho rất đông các phóng viên chụp hình bé vì không muốn hình ảnh cháu mình lên thông tin đại chúng. Cùng lúc hơn hai luồng cảm xúc xô về: Xót xa, cảm động, và nhẹ lòng: Bé vẫn còn có vòng tay ruột thịt yêu thương ôm ẵm.

(hình: nguồn giaoduc.net.vn)

Người Việt mình đẹp đến nao lòng là đó: yêu thương, đùm bọc, trách nhiệm với ruột thịt, người thân; ở nhà "sểnh cha còn chú, vắng mẹ cháu bú dì"; ra ngoài đâu cũng có thể thấy "lá lành đùm lá rách" dù đã 'lá' là đểu mỏng manh thôi.

Ba mẹ mình xưa ngoài nuôi 5 anh em mình còn kéo đỡ thêm một đàn cháu bên nội bên ngoại từ quê ruộng Hưng Yên. Nhà nghèo không đỡ bằng tiền, ba mẹ đỡ các cháu bằng cách cho học và định hướng tạo dựng nghề nghiệp. Thắng con cậu ruột mình lên Thái Nguyên từ lớp 3 sống cùng tụi mình, bố mẹ Thắng còn phải gửi gạo lên chứ ngày đó nhà mình ăn độn ngô, bo bo, bột mì còn đói nữa. Hôm rồi nói với Ba "Có giá trị không tính được há Ba? có những sự giúp đỡ làm thay đổi cả cuộc đời". Khi xưa chắc ba mẹ không nghĩ mình làm gì lớn lao, giúp con giúp cháu khi mình có thể như một điều tự nhiên, nhưng nhìn lại nếu không được định hướng học hành nghề nghiệp thì Nhung, Thắng, Thọ, Vịnh, Hòa, Hà, Hải, Hạnh, Lan... nhà mình giờ vẫn làm ruộng ở quê cuộc sống sẽ thật khác. Bây giờ nhà mình ngoài 6 anh em ruột (tính cả Thắng) còn có chị Nhung sống và dạy học ở Thái Nguyên chăm ba mẹ hơn cả mình và Huệ Oanh. Thêm một dàn anh em họ có việc gì là tụ về. Lúc nào cũng cảm thấy vòng tay nhà mình thật chắc thật vững, ấm áp thương yêu.

Mình cũng có người bạn học, hai con của bạn mới đang học phổ thông nhưng tới giờ bạn đã đón ba bốn đứa cháu từ quê cho học cho nghề tạo dựng cuộc sống. Và mình cũng thấy không ít người khác giúp anh chị em, giúp con giúp cháu như một nghĩa vụ tự nguyện, như một lẽ tự nhiên như thế.
Tự nhiên tới nỗi nhiều người không để tâm rằng mỗi việc làm ấy đều có ý nghĩa không thể tính đếm, là nét đẹp sâu xa người của người Việt mình mà không dễ tìm thấy ở nhiều xã hội 'cao cấp' mình đã sống qua.

Ừa nữa, mình còn biết rất nhiều người Việt định cư ở nước ngoài, làm việc cật lực ngoài việc tạo dựng cuộc sống của bản thân, gia đình riêng còn dành dụm tiền gởi về giúp đỡ người thân ở quê nhà. Nhà hàng xóm mình ngày ở SG cả nhà không nghề nghiệp gì vẫn sống ngon lành bằng tiền người nhà bên Mỹ gởi đều về mỗi tháng. Cho dù cách giúp này có chuyện phải bàn (khi nào cho cái cần khi nào đưa con cá để đừng tạo ra gánh nặng ỉ lại), nhưng nhìn từ khía cạnh khác nó trỏ ta về cái ràng buộc ruột thịt của người Việt mình. Lung linh.

September 06, 2011

Oẳn tù tì là ra cái gì

Bọ lập mới post một bài phản ánh quá chí lí về đào tạo đại học ở VN mình - 'hình ống' cải cách cải cách mong 'hình chóp' lại ra 'hình nón', thật là oẳn tà roằn.
Mà với cách quản lí cái cần nghiêm không nghiêm (nổi) như VN mình thì ý tưởng đẹp lại ra oẳn tà roằn thì có gì khó hiểu đâu.
Chưa có cuộc khảo sát nào chứ nếu có mình tin con số phần trăm lớn các bác lãnh đạo ngành giáo dục hoặc liên quan 'chiến lược con người' của nước nhà tính cho con ĐƯỢC đi học đại học ở nước ngoài (cũng giống mong mỏi của mình và nhiều nhiều dân thường khác thôi).
Thế câu trả lời là gì?

Thấy thật không công bằng cho các bạn sinh viên nhà mình, đầu óc sáng sủa (để qua được kỳ thi đại học), trả qua 4 năm giảng đường đại học để rồi ra cơ hội tự đi xin được công việc đúng ngành học thật khó như mò tôm đáy bể, một trời một vực so với các bạn đi du học về (với nền đầu vào như nhau). Cái bằng trong nước bị ỉ ôi, có đi làm cũng phải đào tạo lại. 4 năm không nhiều nhưng đâu phải ít để mà lãng phí.

Oẳn tà roằn

Từ lâu lắm rồi trong ngành giáo dục và đào tạo người ta vẫn hay nói đến hai chữ nghịch lý, nói lâu đâm nhàm chẳng còn ai còn để ý đến điều đó nữa, thành ra "chuyện bình thường", đến nỗi không "bình thường" như thế mới là chuyện lạ. Xưa cả nước chỉ có vài chục trường đại học, 10 triệu học sinh hằng năm chen nhau vào, khó đến nỗi nhà nào có con đỗ đại học đều mừng như cha chết sống lại, cả làng cả tổng đều biết. Nhiều người kêu rằng đó là nghịch lý, chẳng có đâu thi vào đại học lại khó như ở nước ta. Nhiều người đứng ra bênh, nói đó là chuyện bình thường, thi đại học không khó thì thi cái gì khó? Đầu vào chất lượng cao mới mong đầu ra cao chất lượng.

Khốn thay đầu ra chẳng những chất lượng không cao mà ngày càng thấp tẹt, thấp đến nỗi đầu ra tuồng như bằng đầu vào. Giống như anh tú tài ngủ đông 4,5 năm thức dậy thành ông cử nhân, vậy thôi. Cứ đến tận nơi các trường mà xem người học cái gì, học thế nào, thi cử ra sao thì biết. Một giáo viên đại học này cười chua chát, nói sinh viên ngày nay không phải đi học mà đi điểm danh. Miễn sao đủ buổi đến lớp là đủ tiêu chuẩn là ra trường, rất đơn giản. Nhiều người lại kêu nghịch lý. Việc đào tạo hình ống, không thể chấp nhận được. Lại nhiều người đứng ra bênh, nói chuyện bình thường, đại học của ta là đại học quốc doanh, giáo dục quốc doanh đã nghiện ngập 100% rồi, làm sao có việc đào tạo hình chóp? Muốn có đào tạo hình chóp phải xã hội hóa việc đào tạo, cho các trường tư thục ra đời, phải có cạnh tranh may ra mới có cái hình chóp mơ ước.

Đến khi được phép ra đời, như hạn hán gặp mưa rào, các trường tư thục tranh nhau ra đời nhanh nhiều đến nỗi chỉ trong vòng 10 năm số trường đại học tăng gấp đôi gấp ba, từ vài chục trường đến nay ngót nghét 200 trường. Thất kinh. Trường quá nhiều, học sinh đỗ điểm cao thì ít, thế là tranh nhau tiếp thị chiêu sinh, nào tặng tiền, tặng áo quần, tặng luôn cả điểm. Điểm sàn Bộ đã hạ xuống 13 điểm nhưng các trường vẫn không đủ thí sinh. Có trường chỉ tiêu 1400 em, đến giờ này chỉ được hơn trăm móng. Bộ thương tình, mới đề ra cái điều 33 qui chế tuyển sinh, ưu tiên vùng miền ưu tiên đối tượng, cho các trường có cái cớ lách luật. Thế cho nên nhiều nơi thí sinh chỉ cần 7,8 điểm cũng được lùa vào trường. Nếu là trường cao đẳng thì chỉ cần đúng 5 điểm!

Nhiều người lại kêu phi lý, nói đào tạo ào ào kiểu này rồi hình chóp chẳng thấy đâu, nguy cơ hình phễu đã thấy rõ. Nhiều người lại đứng ra bênh, nói chuyện bình thường, đào tạo ào ào bởi vì tuyển sinh ào ào ,dạy dỗ ào ào. Chi bằng ta học theo thế giới bỏ quách tuyển sinh đi, đừng quan tâm đầu vào, chỉ cần quan tâm đầu ra là đủ. Nói như nhà báo Phan Lợi: "Người học có thể đăng ký ghi tên bất cứ trường nào, song không phải cứ đủ bốn năm là nghiễm nhiên cầm bằng tốt nghiệp mà có thể là sáu, tám và thậm chí 10 năm nếu quá trình học không nhận đủ số tín chỉ cần thiết. Theo cách đó, chất lượng nhân lực là thật, dù có khi chỉ sau hai năm một người giỏi đã lấy bằng tốt nghiệp!" Nghe cũng bùi tai, nhưng khi đánh trống ghi tên vào trường, liệu người ta có chịu học và dạy "sáu, tám và thậm chí 10 năm" không? Ai cũng biết dưới gầm trời này không đâu là không tham nhũng, người ta đã đánh trống ghi tên vào trường, dại gì người ta không bỏ phông bao để ra trường? Nếu "chỉ sau hai năm một người giỏi đã lấy bằng tốt nghiệp" thì một người giàu chỉ cần vài tháng, có khi chỉ cần vài ngày!

Trong khi việc chống tham nhũng khác nào đơm đó ngọn tre thì tuyển sinh theo lối đánh trống ghi tên, giáo dục và đào tạo nước nhà sẽ không là hình phễu nữa, nó là cái hình gì đó rất quái dị, gọi là hình oẳn tà roằn.

Than ôi cái gốc không gỡ được, vật cản khổng lồ hảy còn nằm lù lù ở đấy, thì mọi chuyện trên đời đều dừng lại ở chữ BÍ, riêng gì đại học.


*** nguồn: Quê Choa blog

September 02, 2011

Lana: khó - sến - già


Hôm nay được ký ký mấy cái liền oai kinh (ký lĩnh tiền, há há). Cô bé cùng phòng ngó ngó bảo: Chữ ký chị O. nhìn lạ lạ như ký ngược, chị ký tay trái? Trả lời "đâu có, ký bình thường mà". Một đàn anh làm bộ soi soi "Chữ ký này í hả, là nhìn sơ sơ tưởng ngon ăn nhưng thật tình xông vào vớ vẩn có thể bị gãy tay" :))

Tối cúp điện cả nhà tìm mãi ra chỗ cất nến. Thì từ bữa nhà sửa xong dọn đồ xếp đạc chưa bị cúp điện lần nào. Tính lên blog giật tít "Bữa tối với nến". Ow hay, hay, mùa này giá cả vàng vọt sốt sình sịch xóm bờ lốc vắng vẻ đìu hiu, cần học tập Vietnamnet cách giật tít sốc câu view. Coi nào, sẽ có entry "đợi chờ trong mưa", "lời đề nghị khiếm nhã", "người yêu dấu ơi", "giấc mơ ngọt ngào"... há há sến dễ sợ.

Mai Thứ 6 được nghỉ lễ, cộng T7 CN là được 3 ngày. Trước đã mon men lên kế hoạch rủ Dim Mei ba lô lên Phú Thọ tung tẩy lăn lê tắm khoáng 1 bữa hốt hụi chót cho hè, thế rồi Thái Nguyên gần gọi khéo, Thái Nguyên xa nháy nhủ, thế là lại dắt nhau về Đẻ. Mình hễ được yêu là theo còn kia thì gì gì cũng chẳng là gì :D

Xưa có người nói mình "chu trình ngược không, người ta từ quê ra Hà Nội rồi Sài Gòn rồi đi nữa; đây đi Âu đi Úc lại về Việt Nam, Sài Gòn rồi về Hà Nội, ít nữa Hà Nội về Thái Nguyên nữa là đủ". Hờ hờ không biết là chu trình ngược hay già sớm.

Thôi kệ cứ chốn nào gọi mời ấm áp là về :)

September 01, 2011

Cuối hè

Hà nội nắng tươi (37 độ gọi là nắng tươi có lãng mạn quá đáng không nhỉ). Sáng đi làm trên xe bus máy lạnh nghe ca sĩ rên rỉ qua cái loa rè "Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi". Ối giời đúng là nghịch cảnh của tiện nghi. Nhìn qua cửa sổ xe nghĩ trộm ai có lỡ mập chỉ cần chui ra đường mười lăm phút bảo đảm mỡ chảy ra quắt người liền, từ mai ăn nhậu xả ga khỏi lo đai ợt.
(ăn kiêng (diet) :D).

Quả ổi duy nhất ở cây ổi còi nuôi nấng nâng niu mãi bỗng dưng ương ương khi mới bằng ngón chân cái, rồi rụng. Buồn nẫu. Mấy cành nho nhỏ dưới gốc cũng bị héo cháy lá. Có lẽ tại nắng gắt quá. Mấy hôm nay chăm chắm lo cho nó. Cây ổi là chậu cây được nâng niu hơn cả, đợt sửa nhà việc tối mắt nhưng ngày nào cũng phải ngó xem đám thợ để gạch ngói cát xi măng tôn sắt chồng đống trên sân có xô xát vào nó không (nếu bắt buộc thì chồng lên cây khác, nhá). Rồi tưới rồi tắm ngay cả khi người bẩn lem chả có thời gian tắm gội cho chính mình. Cả vườn cây có nó được quý yêu nhất có lẽ vì cái dáng chắt chiu gân guốc khô cằn để nuôi xanh tươi của nó, cũng có thể vì nó là cây cảnh mà vẫn nguyên nét cây quê - thứ cây gắn bó với tuổi thơ mình. Hồi nhỏ mình đã trèo ổi đến mòn cả quần ra ấy.

Nắng nực thế này 3 ngày lễ chắc phải trốn khỏi Hà Nội. Mà đi mấy ngày lo cây ổi ở nhà. Chắc sẽ dịch chậu ổi vào dưới mái che. Kiên cường đừng lụi nha. Tớ nhớ năm ngoái tầng 3 bỏ không ít khi lên, các chậu cây bị bỏ bê thường xuyên thì cậu tồn tại cứng cỏi khô nẻ chấp hết. Tới giờ được chăm ẵm thì cậu có vẻ điệu đàng ỉ eo dọa dẫm tớ kinh. Thì ra cái này không chỉ áp dụng với người (là tớ í, hê hê) :)