August 31, 2011

lênh đênh

1. Lò mò thế nào hôm nay thấy cái tít "Vinashin phá sản theo kiểu Việt Nam". Mình mù tịt về kinh tế kinh doanh, có ai giảng cho nghe cũng chăm chú lắm nhưng thật tình chưa qua sát hạch vỡ lòng đầu đã u u hết cả, vậy mà đọc cái tựa này thấy... hay hay. Việt Nam nước mình có kiểu phá sản riêng. Oách quá. Vinashin tàu thủy là tập đoàn to lắm. Thông tin về tài sản của các Boss lớn nhỏ Vinashin bây giờ là thông tin không thể truy cập rồi nhưng tổng nợ của Vinashin công bố ~ 87.000 tỉ đồng VN (phần mấy GDP cả nước nhỉ). Thuế của từng dân góp tấm góp cát để trút đi đâu đấy cái ào.
Thời buổi khó khăn chợt nghĩ đến nhiều ngàn nhân công của nguyên tập đoàn Vinashin giờ ùn cái vào đội quân thất nghiệp. Nói từng hạt cát người Việt mình vốn xưa nay thất nghiệp vẫn ltự lay lắt sống chả phải ai để tâm, dưng là nghĩ tới bức tranh chung thêm mảng màu xám.

2. Hôm qua trang Histat kể trong các link tìm kiếm google đến Lana blog có một ca search "phong bì đám cưới thời lạm phát". Chắc anh gú trỏ bạn tới bài "Phong bì" thật là trậc lấc. Í bạn hỏi cái ruột phong bì tính sao. Nhói lòng. Lương giáo viên, y tá, nhân viên hành chính chừng 3 triệu cho cả tháng, lương đó mà giá trên trời không. Nhận phong bì đám cưới con đồng nghiệp việc đầu tiên không phải cảm xúc mừng cho cặp đôi in tên thiệt đẹp trên tấm thiệp xinh mà là nhìn xuống túi tiền lép gánh gồng dãy dài các gạch đầu dòng khoản chi. Tới 3/4 thiệp cưới là người mời phải mời người đi phải đi, không ai thích mà sao không đổi được (nếp). Nhưng thôi đó là đề tài khác.

3. Mấy bữa nay câu chuyện chính ở hành lang cơ quan mình là vụ trộm vàng ở Bắc Giang chém giết đến chết cả chồng cả vợ và em bé 18 tháng tuổi trong đêm. Mấy bữa nay bận vẫn ngày mở báo mấy lần xem cập nhật đã bắt được hung thủ chưa dù từ lâu rồi né đọc vụ án. Cậu đồng nghiệp mình nói báo VN bây giờ mở ra là cướp, hiếp, giết. Ngành công an có thống kê không nhỉ xem từ năm ngoái tới nay số vụ ăn cướp ăn trộm cướp của giết người có tăng lên không và tăng bao nhiêu. Lại thấy thêm một khía cạnh sức mạnh của tiền. Túi rủng rỉnh người ta hiền lành hơn. Tiền hết, đói kẹt, trộm cướp manh động thêm nhiều độ. Lòng người sợ lo, bất ổn.

4. Nghe, đọc những thứ về cuộc sống ngoài kia sao mà cứ thấy lênh đênh...
Tự dưng nghe và hát theo giai điệu buồn buồn day dưa "Một loài chim biển". Cũng chữ 'lênh đênh' mà chẳng liên quan gì, chỉ là để lắng Lênh đênh đi giữa muôn trùng/ nhiều khi chợt anh nhớ em/ chiều nay sao trên trời đi vắng/ gió nhiều nhưng mây buồn không bay.
Thuộc theo bài này từ hồi con gái, nhiều khi chợt nhớ, nhiều khi quên. Có những ngày bỗng chợt giai điệu quay trở lại là quấn bám trong đầu phải hát thầm mãi mới chịu dứt lãng...


Một loài chim biển
(Nguyễn Vũ/ Ca: Giao Linh - Tuấn Vũ)

Kể chuyện em nghe, anh em nói rằng
Biển khơi có cánh chim nhỏ xinh
trong chiều hoang dại kéo nhau về đây
đậu trên mũi tàu nhìn trời cao vun vút.

Xanh xanh màu xanh nước trời
để lòng anh mơ áo em ngày xưa.
Thành phố xa rồi, mưa có đi về,
làm người yêu đơn côi.

Ngày đi không gian tím buồn
nhìn nhau muốn nói nhưng lại thôi
đôi bờ mi nhỏ chớp nhanh lệ rơi
người yêu lính tàu nghẹn ngào khi xa cách.

Bao la trời mây bốn bề
nhìn loài chim anh nhớ thương thành đô
Mưa gió ơi đừng che kín khung trời
làm buồn vương mắt ai.

Lênh đênh đi giữa muôn trùng
nhiều khi chợt anh nhớ em
chiều nay sao trên trời đi vắng
gió nhiều nhưng mây buồn không bay
sóng lên hoa sóng giăng đầy
nhiều khi mưa vương đêm phố nhỏ
em có ước nguyện cầu cho trăng sáng
soi đường tàu anh đi.

Có một loài chim hay dỗi hờn
Loài chim biết khóc khi biệt ly
giận anh những chiều tím mây trời bay
thường ghen với tàu làm người yêu đi mãi

Anh ơi ngày mai lối về
Tạ từ trùng dương vấn vương lòng trai
Sau chuyến hải hành
xa cách lâu rồi mình lại tay trong tay.

August 29, 2011

Hấp dẫn bay đi

Thứ 6 tuần trước vừa đến cơ quan nhận được tin nhắn "Sáng nay em nhìn thấy một cô nàng júp đen thướt tha đứng ngẩn ngơ trên phố K.M., muốn túm nàng lên nhưng đường đông tay lái còn non không dám hứng đành phóng qua, nghĩ lại vẫn thấy tiếc. Xin hỏi, nhà nàng có gần đó không?"

Máy chỉ hiện số gửi đến, không cài tên. Vụ đứng là chờ xe bus. Đoán phải là người có biết hoặc đồng nghiệp (cùng đích đến). Soạn tin gửi lại số chưa rõ người "sớm ra trên phố thì nhà nàng ta hẳn quanh quanh gần đó thôi" :D

Hóa ra bạn í làm chung TCTy, một sếp nhỡ khác bộ phận, thua mình vài tuổi, tính tình vui vẻ. Gặp qua hoạt động nọ kia của cơ quan từ lẩu lâu nhưng vẫn câu chào hỏi xã giao nguyên i không đổi chút nào cho tới cuối năm ngoái khi mình tham gia đề tài của TCT. Bộ phận bạn í chủ trì đề tài, bên mình làm cái ruột chuyên môn. Phải nhận một chút thành tích là đề tài này đã được trình rồi bị trả lại 3 lần cho tới khi nhóm mình tiếp quản. Nắm chắc cái gốc cũ + nghiền ngẫm + tư vấn với các chuyên gia cấp trên - những nhân vật 'tiếng nói' trong việc nghiệm thu đề tài (wink), nghe ý kiến, điều chỉnh, lại tư vấn, điều chỉnh... sau 3 tháng bảo vệ đề tài lốp đốp luôn. Vụ này mình được tuyên dương kèm một cục thưởng nho nhỏ. Mũi hểnh tít :D
Bạn nhắn cái tin "nhìn thấy cô nàng júp đen" là 'đại diện bầu sô' theo bao thầu đề tài từ đầu đến cuối.
Kể cái tin nhắn kia có hơi quý xì tộc lạ lẫm một chút, nhưng nhớ lại thì từ sau vụ đề tài thành công lâu lâu có dịp bạn í lại có những câu tán dương cho mình bay tít nghít.

Thế mới biết chút trí tuệ thông minh cũng làm ra lôi cuốn hấp dẫn. Thế mà xưa nay không nghĩ :))

Hôm nay Thứ 2 đầu tuần. Tuần này Dim Mei được nghỉ nguyên tuần trước khi năm học chính thức bắt đầu. Giống như Thứ 6, Thứ 2 là ngày TCT quy định mặc đồng phục. Lại júp đen sơ mi trắng. Chào Dim Mei đi làm, hai nàng ngẩng lên ghé ghé má cho hun. Bye. Mei long lanh "mẹ xinh quá". Ngất ngây. Óa há, ai mà gặp mình hôm nay là chít luôn, độ hấp dẫn tăng gấp hai lần :D

Nhìn trên bàn: đầu tuần việc dí dị một đống. Bạn Lan Anh học chung từ ĐH vừa gọi "hết giờ làm việc mày ghé qua dẫn tao tới tiệm gỗ chỗ mày đóng tủ nhé". Tối cùng Dim đi xin học phụ đạo Văn và Anh sang năm thi cấp 3. Thôi xong, hết ngày, không cơ hội ai chít.
Hấp dẫn bay đi :))

August 24, 2011

Chuyện không dễ chuyện

*1) Sau cuộc họp phụ huynh lớp Dim cuối năm các bố mẹ và cô giáo chủ nhiệm còn nán lại chuyện trò về những lo ngại chung về lứa tuổi của các con (teen). Cô kể "một lần trong giờ ngủ trưa ở phòng nam, em bắt gặp X lớp mình nằm ngửa mở hẳn khóa quần kéo 'cái đó' ra nghịch (thủ dâm - TD), Em đến nhắc nhỏ thì X nằm xấp rồi tiếp tục, bọn con trai chúng còn dạy nhau nữa đấy" (trường Dim Mei học bán trú, sau bữa ăn trưa có giờ ngủ trưa khoảng 45 phút, hai lớp chập lại chia nữ ngủ riêng, nam ngủ riêng).

*2) Sau đó vài hôm cô bạn đồng nghiệp có con gái học lớp 9 bằng Dim sáng đến cơ quan vừa thở vừa kể "con gái em hôm qua kể "Mẹ ơi bạn H. học chung với con nghỉ học rồi"", em hỏi - "Sao lại nghỉ học?", con gái trả lời vô tư - "Bạn í có bầu mẹ ạ, các bạn con bảo thế, mà siêu âm con trai!" :((

*3) Lên kế hoạch mãi, xoắn tới bốn năm búi nơ-tron thần kinh, cuối cùng kịch bản lựa chọn là này:
Nhân lúc cả nhà ngồi quây quần, vừa hết một chương trình hay ho trên TV.
- Hôm rồi cô Hiền cơ quan mẹ kể chuyện con gái cô cũng học lớp 9 như Dim có bạn học đã có bầu (em bé) phải nghỉ học đấy.
- Oài...
- Bác Hà béo cơ quan mẹ Dim Mei biết nhỉ, anh Tr. con bác í yêu bạn gái học cùng lớp, chị ấy có bầu thế là đang học lớp 12 phải nghỉ học đẻ ra em Bông. Thật tiếc cho chị ấy xinh xắn học giỏi giờ nghỉ học giữa chừng, còn đang tuổi đó mà đã về ở nhà chồng đẻ con trong khi bạn bè còn bao nhiêu cơ hội bạn bè vui chơi học hành nghề nghiệp.
- (lắng nghe)
- Mẹ còn có chuyện này chưa kể. Một lần cô giáo có tâm sự giờ ngủ trưa cô thấy một bạn trai lớp Dim mở khóa quần nghịch chỗ nhạy cảm đàn ông của bạn í.
- Dim: Thế ạ, tụi con chẳng biết gì cả (chắc nghĩ tới trách nhiệm lớp trưởng :D)
- Chuyện tế nhị mà nên lúc đó cô chỉ nhắc riêng bạn thôi, làm việc đó trong lớp thật không đúng lúc đúng chỗ chút nào. Mẹ không biết bố mẹ bạn có nói chuyện với bạn í không và nói thế nào. Thật ra ở tuổi này các bạn bắt đầu phát triển, đôi khi cảm giác buồn buồn ở 'chỗ đó' là hoàn toàn bình thường. Khi ấy 'nghịch ngợm' có thể làm khoan khoái, gọi là "thủ dâm". Mẹ nghĩ các bạn trai thì sẽ hay gặp điều này hơn.

Về bản chất TD không phải cái gì xấu xa, nhưng sa đà vào nó thì lại có hại. Khi các bạn còn chưa đủ hiểu biết để kiểm soát suy nghĩ, hành động của mình thì dễ bị tò mò sai lệch. Ban đầu thử 'nghịch' một lần thấy thích, lạm dụng dần rồi quá đà thì sẽ có hại cả về vệ sinh cơ thể lẫn tinh thần (con gái thì còn ảnh hưởng màng trinh nữa). Có bạn không biết kiểm soát thành nghiện bị ám ảnh thường xuyên làm ở cả những chốn không phải riêng tư trở thành bệnh hoạn, xấu lắm.

Cách tốt nhất là hiểu biết về cơ thể mình, về phát triển tự nhiên và đối xử tốt với bản thân. Tuổi các con chú ý học, đọc sách, tập thể thao, vận động những trò chơi lành mạnh là cách tốt nhất để không bị sa đà vào những chuyện đó. Mẹ có cuốn sách này cho Dim Mei, đọc nhé (đưa ra cuốn sách giới tính cho tuổi teen chọn mua; còn một bài viết rất hữu ích tìm thấy trên mạng (ở đây) nhưng là 'nâng cao' nên để dành đưa dần khi khác, wink).


*** Riêng: Từ hôm nghe cô nói chuyện cứ ám ảnh chuyện bạn X. Có con trai mình nghĩ các ông bố chắc sẽ cần những buổi (vô tình có sắp xếp) "nói chuyện đàn ông" về sex (TD? TD an toàn...), vì cách gì thì tuổi đó cũng sẽ có, lớp 9 các hắn đã bắt đầu truyền tai với nhau, đâu biết truyền những cái gì.
Còn nếu không là bố, thì mẹ cũng có thể nói được. (Đặt giả như mình có con trai) - Ừa có thể nói hơi khó, nhưng nếu thật muốn thì sẽ tìm ra cách, ha các mẹ.

*** Entries cùng hệ:
- GIA VỊ
- DÙNG VŨ KHÍ NÀO

August 23, 2011

Vì sao chúng ta bận rộn

Giờ nghỉ trưa quyết định mò đọc linh tinh cho đời tươi. Đọc được cái lí giải nguyên nhân vì sao chị em tối ngày kêu la bận rộn quá bận rộn lắm:

Ví dụ thế này:

Đàn ông:
1) Chạy tới máy ATM
2) Kéo cửa xuống
3) Đưa thẻ vào máy, bấm số PIN
4) Lấy tiền
5) Lái xe đi


Phụ nữ:
1) Đi tới máy ATM
2) Mở cửa (quá xa máy)
3) Lục tìm tất cả 12 khoang trong giỏ xách để tìm thẻ ATM
4) Trang điểm một chút, bôi son môi, sửa lại tóc
5) Đưa thẻ vào máy
6) Rút thẻ ra
7) Lật đầu hoặc lật mặt thẻ cho đúng
8) Tìm mẩu giấy ghi số PIN
9) Bấm số PIN
10) Lấy tiền, bỏ vào giỏ
11) Lái xe đi
12) Quay xe lại máy ATM
13) Lấy thẻ
14) Chạy khoảng 3 dặm
15) Thả phanh tay

----------------------------------------------------------
MAN:
1) Pull up to machine
2) Wind window down
3) Insert ATM card, enter PIN
4) Retrieve cash
5) Drive away

WOMAN:
1) Pull up to machine
2) Open door (too far away from machine)
3) Search through all of the 112 compartments in handbag for ATM card
4) Do make up, apply lipstick, fix hair
5) Insert Card
6) Remove card
7) Insert card the correct way up
8) Search for piece of paper with PIN on it
9) Enter PIN
10) Retrieve cash, put in bag
11) Drive off
12) Reverse back to machine
13) Retrieve card
14) Drive three miles away
15) Release hand-brake
(Nguồn)

August 22, 2011

Ra đường mùa kẹt

Thứ bảy, Thủy, tên bạn thân gọi "Mày, NEM trên Giảng Võ gần nhà mày giảm giá lớn đấy, ra đi". NEM vốn là thương hiệu đồ may mặc khá sang nhưng mắc, lâu lâu chỉ dám đi shop-ngó. Ừ nó rồi chạy ù ra. Thật là đông đúc khác hẳn lệ thường. Ở chỗ thu ngân tíu tít đối thoại kiểu này: - Cái này có giảm không em? - Hàng này mới, không chị - Vậy em cất giùm./ - Cái này giảm không em? - Dạ 50% chị - OK chị lấy.

Sáng trên xe bus đến việc. Một cô bé không biết bến đỗ gần cầu Chương Dương đã bỏ từ lâu, cứ xin xuống. Nhà xe chả thèm giải thích, nói xẵng "dừng cái gì, qua cầu rồi xuống". Rồi thì cả xe im phắc. Chả ai muốn nói gì, kể cả giải thích cho cô bé khỏi lỡ bến lần sau.

Tối Chủ Nhật đi bộ cùng Dim ra phố loanh quanh. Tiệm đồ Lưu niệm phố Núi Trúc vắng hoe, không rộn ràng như 'thời xa vắng' năm trước hay năm trước nữa. Cô chủ tiệm ngồi mặt nhăn nhó khó khăn, thảng hoặc có khách ghé qua cũng chẳng buồn nở nụ cười chào.

Mùa bão giá khách hàng bó gối ở nhà giữ giỏ tiền còm. Thương hiệu lớn giảm giá ồ ạt đặng chèo kéo chút doanh thu chứ kinh doanh nhỏ lẻ chắc đau đầu chít luôn với bài toán làm sao tồn tại. Người làm công ăn lương như bác tài xe bus đầu vô lương vẫn in xịt mà đầu ra đụng gì giá cũng tăng mấy chục % thì là bỏ mịa rồi. Đầu năm tiền sách tiền lớp đủ thứ tăng không lẽ để con thất học, hay uống nước lã nộp tiền trường? Mà quên, ngay cả nước lã cũng tăng giá rồi còn gì.

Thật là không thể phủ nhận 'sức mạnh tinh thần' của đồng tiền. Khi túi rủng rỉnh thường con người ta thân thiện hơn, dễ chịu hơn, hào phóng hơn, bao dung hơn. Bữa rồi ngồi bia cá với hội bạn học, chúng nó bảo "Ra đường nhìn xem người Việt mình mười khuôn mặt thì tới tám rưỡi là đăm đăm nghĩ suy nhăn nhó", haizzz.

Nào ơi cho xin một nụ cười.

August 17, 2011

Chán đời

Lâu lâu cũng được phép chán đời phải không. Hôm nay mình chán đời cách gì í.

Không ổn kiểu khó chịu khó chịu. Mình giống như quả bóng không đủ căng hơi nhưng bị nén mấy phía, nói chung nửa muốn bùng nửa ất ư không đủ sức. Hâm.

Khi chán đời cái gì xung quanh cũng xám. Sản lượng công ty mình 6 tháng đầu năm và liên tục mấy tuần rồi lần nào cũng báo con số tăng đều ~15 - 20%. Thế giới phẳng. Người ta đi lại như chim. Càng ngày càng nhiều. Tăng nhiều thì tổng túi gom về tăng, nhưng nộp ngân sách 75% è vai ra (đọc về cái cục nợ 32 tỉ kia kiến con mình nản ớn). Quên chuyện tô thuế đi thì cái bánh quỹ lương cũng phồng lên theo tỉ lệ, vậy mà giao ban thông báo chả thấy ai nhảy reo hò. Cứ tăng đều thế này bên cạnh niềm vui đếm được là nỗi lo rất thật: áp lực lên KSVKL và hệ thống thiết bị tăng nữa so với hiện tại đã quá tải (ở một số vùng), trong khi xưa nay ngành mình chưa có cơ chế linh hoạt 'dàn' lực lượng. Ruồi bay ngày một dầy. Đâu phải đếm ruồi ăn tiền đâu mà là dẫn ruồi bay/ đậu đấy. Ruồi bay ngon lành đã đủ mệt lắm, ruồi mà loạng quạng đụng nhau thì thảm họa.

VN mình mấy năm gần đây tai nạn nhiều quá, ít lâu báo chí lại đăng tàu hỏa xe khách nọ kia chết con số hàng chục mạng người. Dân chúng dần thành quen. Trộm vía có ruồi làm sao (bốp bốp, phỉ phui cái mồm) thì dân tình cùng lắm cũng oài lên 1 tiếng rồi thôi, riêng người trong nghề là choáng váng.

Phỉ phui cái í nghĩ xám xịt.

Ngồi nghĩ cách thoát. Chiều nay có lớp dạy. Sẽ lựa một bài vui vẻ. Sẽ cài vào một trò chơi. Không khí chắc chắn sẽ cười. Bùng lên được chút.

Ôi mà chả biết có ăn thua.

Chán đời. Không chán được ai chả chán được cái gì mới cú :(

*** Liên quan:
- Về "đếm ruồi ăn tiền"

August 15, 2011

Khi nắng thèm mưa

Hà Nội tuần trước mưa cho nguyên tuần, những mảng lá xanh ngắt, bầu trời lơ đãng như mơ như thơ, tới độ đôi lần chạy xe chợt hình dung ra mùi hương hoa sữa tưởng thu về. Mấy lần muốn viết mà cái tiết trời ấy nó khiến người trở thành ích kỷ, tự thưởng thức nó riêng mình, chữ chẳng trôi ra.

Trời chuyển nắng chói chang hai bữa nay, nực nồng. Nắng oi đỏ thế kia nó cọ kẹ cái người không cho ngồi yên. Thấy thèm ly chè đậu xanh để lạnh mỗi chiều chui lọt về nhà. Thèm gió mát rủ con soọc ngắn áo rộng dạo vắng đường khuya. Thèm một bữa lạnh so ngồi với mấy cái mỏ thân thân hồ hởi ốc mút, hương thơm ốc xả ngào ngạt, nước sốt me dừa chua chua ngọt ngọt. Ôi thèm...

Thèm tung tăng chân trần bãi cát. Thèm chỉ còn với nắng và biển và sóng. Hết mình.
Không phải nhìn nắng chang chang qua cửa sổ phòng máy lạnh. Giam mình với tiện nghi vô lí.

Ngước ra nhìn những đám mây bay mải miết trong nền trời xanh veo, tự hỏi nếu không có những nỗi thèm cuộc sống của mình mất đi bao nhiêu phần thi vị.

Cứ như thế, là sự trôi đi với chút tơ sợi gập ghềnh, nắng mưa. Cuộc sống. Cảm ơn Rasul Gamzatov vì những câu thơ thuộc tự thời đi học:

Tình yêu tôi như cây tiêu huyền hai nhánh
Một nhánh đã khô khi một nhánh đâm chồi
Cuộc đời tôi như đại bàng sải cánh
Một cánh sải dài khi một cánh khép hờ thôi...

*** Có thể bạn muốn đọc:
- Về nhà thơ Nga Rasul Gamzatov

August 14, 2011

Con sợ thời gian

Hôm nay xem thời sự, Dim Mei hỏi "mẹ ơi lễ Vu Lan là gì?". Trả lời con lễ Vu Lan là lễ báo hiếu, để những người con nghĩ về công ơn Cha Mẹ sinh thành dưỡng dục. Để nhắc những ai còn Cha Mẹ hãy quan tâm tới Cha Mẹ mình đừng để nhiều ân hận khi Cha Mẹ ra đi.

Rồi kể cho Dim Mei những câu chuyện đọc trên mạng. Một lần mẹ đọc bài viết "Đời này ta sẽ còn gặp bố mẹ mình được bao nhiêu lần" (nguồn), rằng con cái lớn lên thường đi xa, nếu một người mỗi năm chỉ về thăm bố mẹ được một lần và bố mẹ anh ta còn sống được 20 năm nữa thì người ấy chỉ còn 20 lần gặp trước khi bố mẹ đi xa mãi mãi. Với một số khác, bố mẹ họ có thể còn sống trên đời này khoảng 10 năm nữa thôi, vậy là chỉ còn 10 lần gặp mặt bố mẹ. Người già như chuối chín cây, khoảng thời gian bố mẹ còn trên đời này khó nói trước được bao năm. Tới đây có lẽ nhiều người không dám nghĩ tiếp (có mình trong số ấy).

Và kể câu chuyện "Mẹ tôi" (nguồn) của một người con đã suốt cả thời thơ ấu và cả khi lớn lên lúc nào cũng ghét mẹ mình vì mẹ cậu chỉ có một con mắt, khuôn mặt thiếu hụt xấu xí và vẻ lam lũ của bà làm cậu xấu hổ với bạn bè. Cũng vì thế mà cậu bằng mọi cách cố gắng học hành đỗ đạt để đi thật xa, tạo lập một cuộc sống đầy đủ, lấy một cô vợ nhà gia thế và có những đứa con xinh. Anh ta nói với vợ rằng anh ta không có mẹ. Anh ta mua cho mẹ một căn nhà nhỏ ở quê nhà, lâu lâu gửi ít tiền cho mẹ coi như đủ trách nhiệm và không cho phép người mẹ xấu xí có mặt vào c/s đẹp đẽ anh ta đang có.

Trong một lần về họp mặt trường cũ tiện ghé qua nhà, người mẹ đã mất và người ta chuyển cho anh ta lá thư người mẹ viết gửi lại, rằng bà đã cho cậu con mắt của bà khi cậu bị tai nạn hỏng một bên mắt khi còn nhỏ xíu, "Mẹ đã bán tất cả những gì mẹ có để bác sĩ có thể thay mắt cho con nhưng chưa bao giờ mẹ hối hận về việc đó. Mẹ rất hãnh diện vì con đã nên người và mẹ kiêu hãnh vì những gì mẹ đã làm được cho con. Con đã nhìn thấy cả một thế giới mới bằng con mắt của mẹ, thay cho mẹ. Mẹ yêu con."

Kể lại không phải để lên lớp phê phán - đâu để làm gì - trong cuộc sống này mọi cảnh đều có thể xảy ra. Chỉ là để Dim Mei (và mình) nghe tự ngẫm và tự ngấm.

Vừa gọi điện về cho ba mẹ chỉ để hỏi "Ba Mẹ có khỏe không. Con mới gửi được lá thuốc mới cho Ba. Mẹ chịu khó uống thuốc bổ nhé, dạo này da mẹ hơi xấu đấy".

Hôm nay là lễ Vu Lan.

August 11, 2011

'Có lời'

1. Cuối tuần trước 'cụ Én già' (mình gọi bằng bà ngoại) được con cháu đưa đi mổ mắt thay thủy tinh thể (TTT). Cụ 94 tuổi, mắt mờ chỉ nhìn được trong khoảng ~ 2-3m. Cụ sống ở quê nhưng là cái hub (mối nối) tuyệt vời của cả đại gia đình. Con gái nhà giàu xưa, vô cùng nhân hậu, tinh tế, luôn dạy con cháu biết cư xử và biết yêu thương. Cả nhà ai cũng quý trọng và yêu cụ vô cùng. Đợt rồi cụ ở an dưỡng với con gái trên Thái Nguyên (là 'bà Én trẻ', 'đẻ' mình) rồi tới đám cháu đón Hà Nội chơi nhân thể đi khám mắt.

Viện mắt tư vấn nếu thay TTT thì cụ có thể nhìn thấy sáng hơn nhưng không thể tiên lượng sẽ rõ hơn được nhiêu do đáy mắt cụ kém quá rồi. Bốn chị em mình Hiệp Dũng Hải (đám cháu cụ ở HN) bảo nhau: Tiền mổ dịch vụ xấp xỉ 8tr, không quá lớn, mổ thay TTT không nguy hiểm gì, trường hợp mổ không rõ thêm được nhiều thì coi như bỏ tiền ra mua yếu tố tinh thần cho cụ, vậy thôi cũng đáng để mua. Quyết định.

Ngay chiều ở viện về cụ hồ hởi khoe nhìn từng đứa rõ lắm. Gọi kể, Phú (Út) nhà mình bảo: "Rất dễ là Người này nói vậy cho con cháu vui đó nha". Chiều qua đi bác sĩ kiểm tra mắt cụ nhìn rõ được xa 12m. Mừng. Nói với mấy cậu em: Có lời quá.

2. Gần như cùng lúc với cụ, cuối tuần trước Phú Út nhà mình cùng vợ với hai con từ Sài Gòn, bố và cô ruột vợ từ Quảng Ngãi hẹn nhau hai phái đoàn chập một về thăm nhà sui gia Thái Nguyên, rồi nguyên đội hình thêm Ba Mẹ quyết định xuống Hà Nội thăm cụ Én già 1 ngày trước khi vào lại Sài Gòn/ Quảng Ngãi. Mình được biết trước chuẩn bị đón khách nhưng em dâu muốn chiêu đãi cả nhà ăn tiệm, mẹ gọi: "không phải nấu nướng nhé". Dạ vâng. Sáng qua ung dung đi làm, đùng một cái điện thoại khi đang trên xe bus "Chiều nay nấu ăn ở nhà LO nhé, cụ yếu không đi tiệm đâu nên thôi ăn nhà đi cho cụ vui" - "Trời ơi con đi chợ sao kịp" - "Hay cần gì mẹ chuẩn bị đồ mang theo xuống?"

Rối bời. Phải chi định trước báo trước cho con vài tiếng thôi thì đã có thể dậy sớm đi chợ xong xuôi rồi. Biết mẹ có lý nhưng Giàng ạ nguyên phái đoàn TN rồi nhà Hiệp nhà Dũng cháu chắt Cụ thế nào cũng tới tụ tập, chủ khách tổng cộng 19 - 20 người, chưa chuẩn bị gì, cơ quan thì hôm nay tới mai có tới hai đầu việc phải xong đuổi đít đến còng vai, mẹ bảo con xoay làm sao cho chu đáo.

Cơn dỗi và giận trào lên - rối thêm - xe buýt chạy quá bến không nhớ xuống.

May, mình naturally không có cơ chế nói khi nóng giận, ngay đó chỉ bảo "Con nghĩ chút xíu con gọi lại mẹ" chứ không hiếm khi mới có dịp ba mẹ cần đến mình trong nghi lễ 'ngoại giao' quan trọng với ba mẹ thế này, mà có 1 bữa thôi, mình nhỡ nói gì chắc bị dỗi nhiều năm không kéo lại được.

May nữa, xuống quá bến nên đi bộ xa gặp được một chị gánh rau muống sạch. Mua liền 4 bó. Trong đầu bắt đầu có lụn vụn ý nghĩ về Lẩu (Hot pot).
Đến cơ quan. Pha một ly cà phê G7. Ngồi tĩnh tâm. trở lại ổn dần, ổn dần. không dỗi. không rối. nghĩ nào.
Gọi về Tuyết chưa đi làm: - Lấy xe cô ra chợ mua giúp cô 4 con cá lóc và 2kg thịt bò mềm làm "phần chủ đạo", kêu họ xắt sẵn, một số gia vị, thêm xương ninh lấy nước.
Gọi về mẹ: - "Con sẽ làm lẩu. Hà Nội chiều khó mua rau sạch nên mẹ mua thêm xuống giúp con" - "Được được được".
Chiều không sao ngắt được việc sớm hơn, đúng 4h30 chạy ra bắt taxi ghé Hải sản Sầm Sơn nơi bán hải sản tươi sống gần như ngon nhất HN, kêu taxi chờ, mua mực, nghêu, tôm sú, tu hài, ghẹ tất cả đều còn tươi sống làm "phần ấn tượng" rồi chạy về nhà.
Vừa kịp gặp xe Thái Nguyên vừa dừng ngay cổng. Tíu tít chào. Tíu tít chuẩn bị.

Bữa lẩu rất ngon, không cần kể không khí hào hứng, không cần kể tới mọi người khen, xưa nay nấu món gì chỉ cần nhìn cách Ba thưởng thức là biết mình có certificate.

Ăn xong cả nhà lên Bờ Hồ dạo ngắm. Hà Nội được ngày mát như thu, hiu hiu, đẹp lãng mạn, ai cũng thư thái lâng lâng, chuyện trò, vui vẻ. 12h cả nhà mới đi ngủ. Yên ắng.

Sáng nay ở quê đã đón cụ về Hưng Yên, Ba Mẹ về Thái Nguyên, khách miền Nam miền Trung lên Nội Bài bay về lại. Những cái chào, ôm, hẹn gặp không chỉ xã giao mà như đã có những kết nối rất thực. Ba Mẹ phấn khởi hài lòng rạng rỡ.

Một ngày mình lúng túng quýnh quáng tất bật nhưng đổi được những điều này, là có lời. Mình đã dỗi đã giận lắm, biết mình có lý do để dỗi nữa, mà nhờ cái cơ chế tự nhiên đã giữ giận dỗi cho mình mình ên, nhờ vậy, có lời.

3. Ờ, từ lúc nào mình lại có cảm giác dỗi nhỉ, ngẫm thấy hay, so với quãng năm xa kia không hề nhớ có khái niệm tên là dỗi. Thì ra được biết dỗi một ai đó cũng là hạnh phúc.

*** Có chút liên quan:
- Ba Mẹ
- DỖI

August 08, 2011

Phong bì (2)

Cái chuyện đưa phong bì/ mừng phong bì/ xài phong bì ở Việt nam mình nó phổ biến và đa dạng tới nỗi tin là không ai phản bác nếu ta bảo nó là 'văn hóa phong bì' (chủ quan phát, chả biết mấy nhà xã hội học thì í kiến thế nào nhỉ). Ở nhiều nước người ta cũng dùng phong bì đựng tiền mặt trong một số trường hợp (tiền thưởng nóng, tiền thanh toán chi tiêu...) mà thường là phong bì có tên tuổi (gắn với công việc) nhưng ở VN mình thì nhiều khi phải là cái phong bì có gạch xéo xéo xanh đỏ kia kìa nó mới nổi, mới dễ nhìn thấy mờ ảo qua túi ni-lông, rằng "tớ có ruột là 'xiền' đấy nhớ"!

Đấy chỉ là một cái độc đáo thôi. Cái văn hóa phong bì ở mình nó còn nhiều độc đáo khác người và cả thú vị lắm lắm. Chuyện về 'phong bì Việt Nam' khắp chốn khắp nơi từ to chí nhỏ muôn hình vạn trạng tới đủ viết cả series ngập lụt bờ nóc (trước tớ có viết một cái ẻn này coi như là 'phong bì 1' đi ha). Tớ thiết nghĩ bà con ta cần phải tích cực giới thiệu cái lệ đặc biệt này 'hầu chiện' việt kiều ít sống ở nước nhà, đặng anh chị em có về thì phần nào bớt được những cung bậc cảm xúc 'cực thân không giải quyết nổi vấn đề' mà phần đông chúng ta đã trải qua: sốc, ngại, lập cập, băn khoăn mỗi khi đụng chuyện xài phong bì.

Nào cả nhà cùng tham khảo "Bài ca Phong bì" (GS Cù Trọng Xoay, tên thật là Dũng, cư dân của FPT):

Nay muốn làm gì
Phong bì đi trước,
Từ mừng đám cưới -
chia buồn đám ma

Làm mọi thủ tục
không sợ phiền hà!
Rồi mọi phát sinh
(là) đều lo xong tất.

Phong bì của ta
là đa năng nhất:
Đem đi xin đất
cho đến chạy trường...

Phong bì của ta
mạnh hơn vũ khí,
nên dẫu đi đâu
ta nhớ mang theo!!

Phong bì của ta
là cây thuốc quý
mang cho bác sĩ
cứu chữa người nhà

phong Bì của ta
làm ta có giá,
nên dẫu đi đâu
ai cũng yêu ta!!

Nên dẫu đi đâu..... Ta nhớ mang theo.




Để hầu chuyện bà con GS đã mượn "Lời chào của em" của các cháu thiếu nhi:



*** Cùng một đề tài:
- PHONG BÌ (1)

August 05, 2011

Nấu theo đặt hàng

Thông cảm với cái giỏ tiết kiệm sau sửa nhà, Sinh nhật này bạn Mei không muốn mẹ làm gì hoành tráng mà sẽ nấu ăn trong nhà. Trước sinh nhật 1 tuần bạn í cho cả nhà xem một món ăn trên trang mạng trong khi bạn í xuýt xoa "nhìn ngon quá, ngon quá, Mei thích lắm". Hình trên mạng đây:
Đúng ngày SN bạn í mẹ dậy sớm rủ chị Tuyết đi chợ mua đủ các dữ liệu. Chị Tuyết chạy xe đem về nhà còn mẹ lên xe buýt kịp giờ đi làm. Chiều về sớm để làm món sinh nhật theo yêu cầu. Cách làm có chỉ dẫn chi tiết ở đây rồi nhé nên không viết lại nữa. Thành quả:
Có một kinh nghiệm cá nhân là vào bếp mà tâm trạng tốt thì nấu rất ngon :) Cứ lo bạn Mei 'giáp mặt thực tế' sẽ thất vọng vì bạn í đã ăn món ngắm (và tưởng tượng) suốt cả tuần rồi nhưng thật là may, bữa đó nấu rất đạt. Ngắm + tưởng tượng rồi mà các bạn í vẫn khen yummm..my. :
Bé Mei tên thật là Minh Hương:

August 02, 2011

Ngày Sinh nhật con

Hôm nay 02/08 là ngày sinh nhật của một phần quan trọng của Blog này: Bé Mei.
Sinh nhật Mei lần thứ 12. Con tròn 12 tuổi. Không chỉ là thế, hai ngày trước đây con chính thức trở thành thiếu nữ, mẹ hiểu chút ngượng ngùng bối rối và hồi hộp. Mẹ đứng đợi ở cửa phòng tắm, chờ con mở cửa ôm con và nở nụ cười "chào con làm người lớn, thiếu nữ của mẹ", thiếu nữ xinh xắn, đằm thắm, nhân hậu và biết quan tâm đến mọi người.

Mẹ luôn hướng mình hài lòng với hôm nay và hy vọng cho ngày mai thay vì ngậm ngùi những gì đã qua, chỉ những dịp như này mẹ cho phép mình một chút, lúc một mình, cũng chỉ một chút thôi.

Ừ mẹ luôn vui vào Ngày của con. Mẹ luôn vui nhưng bao giờ cũng có bâng khuâng vì con bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm mẹ loay hoay riêng mình trông con lớn khôn. Từ khi con chưa hình hài mẹ đã phải loay hoay để có được con. 8 tháng tuổi con tự dứt sữa vì nghĩ suy muộn phiền làm mẹ mất sữa. Hơn hai tuổi con không nói, cần gì chỉ dùng 3 động tác: chỉ, gật, và lắc. Một lần chỉ có hai mẹ con ở nhà, bẵng không thấy con luẩn quẩn bên cạnh, mẹ thót tim đi tìm thấy con nằm một mình trong giường, mắt nhìn thẳng ơ hờ, không bi bô, không đồ chơi trong tay, không ngủ, không bất kỳ nhu cầu gì với thế giới còn lại. Con làm mẹ giật mình: nhà mình im lặng quá! Im lặng đến làm một đứa trẻ không học nói, thu mình lãnh đạm với xung quanh. Khoảnh khắc đó mẹ quyết định sẽ thay đổi vì con. Sẽ không còn gì quan trọng nữa. Mẹ sẽ không muộn phiền, sẽ quên, sẽ ca hát và cười đùa nếu điều đó giúp cho con. Con thích nghe hát, mẹ mua máy ghi băng cát-xét, mỗi tối đi làm về cơm nước xong là mẹ và chị Dim 5 tuổi và con 2 tuổi chúng mình ngồi hát, ghi âm, nghe lại, hát theo và vui đùa. Con đã cười. Con đã tập-hát-để-tập-nói.
Nhà mình còn dùng cái máy ghi băng ấy một lần nữa khi 2005 mẹ đi học buộc phải xa con. Mẹ hát bài hát ru mà con quen thuộc ghi vào máy ghi, mẹ cũng ghi những câu chuyện mẹ kể con nghe khi mẹ đi vắng. Cả nhà còn nhớ con đã khóc mếu máo tội nghiệp thế nào vì chị Tuyết vô tình làm hỏng một đoạn cái băng ấy. Mẹ đã chảy nước mắt không phải vì cái băng.

3 tuổi con đi trẻ. Cô giáo bảo con ngoan lắm hiền lắm chỉ ngồi một góc chơi một mình. Riêng mẹ hiểu. Mẹ lại phải kể với cô về con, nhờ cô dẫn dắt kéo con vào những việc tập thể. Cứ như thế, mỗi lớp, mỗi thầy cô mới mẹ đều theo con, cùng thầy cô kín đáo 'đẩy' con ra những hoạt động. Mẹ gửi con ở nhà các bác đồng nghiệp yêu quý mẹ con mình. Mẹ kết bạn với mẹ Thảo Mi, cho con đến chơi ngủ lại cuối tuần với bạn... Giờ đây con là một em bé - cô gái tinh tế hòa đồng và biết bày tỏ cảm xúc (đôi khi quá nhiều :)). Cảm ơn con đã khiến mẹ tin rằng tình yêu thương và sự cố gắng nỗ lực của cha mẹ luôn đem lại kết quả ngọt ngào.

Con luôn quan trọng ngày sinh nhật. Cuối tuần rồi cả nhà dành cho con. Con vui và hạnh phúc còn mẹ đọc lại entry viết tròn một năm trước "Sinh nhật con 11 tuổi". Một năm mà như mấy bởi cái tuổi này con lớn mỗi ngày, cả chiều cao và suy nghĩ. Những câu chuyện thủ thỉ của con không chỉ là các vì sao, con Max, con Bông... mà có cả chuyện "bác í ngủ đi văng", chuyện tiết kiệm tiền cho mẹ, chuyện sau này đi xa "mang mẹ theo cùng".

Nhớ khi con còn nhỏ, thương mẹ nhiều người đã bảo đúng ra mẹ đã phải biết dừng có một chị Dim thôi. Nhưng có Chúa soi thấu, mẹ chưa bao giờ hối tiếc vì đã cố gắng có Mei. Còn hơn cả sự đền bù, con và chị là những món quà đặc biệt mẹ có được trong cuộc đời này, và mẹ luôn cảm ơn ông Trời vì điều ấy.

12 năm rồi, mẹ yêu con, mãi mãi vẫn là như thế.

*** Có thể bạn muốn đọc:
- Tình huống
- Về Lana
- Sinh nhật con 11 tuổi
- 25/01 và Mẹ con nhà Sếu